Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » » Nỗ lực “cõng” tên mình đi bán

Hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam nhưng không mang thương hiệu Việt được bày bán tràn lan ở thị trường Mỹ, châu Âu là một thách thức đối với các doanh nghiệp và là điều khiến mỗi người Việt Nam phải băn khoăn, suy nghĩ.

Ông Antonio Berenguer - Tham tán thương mại Liên minh châu Âu cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam mới có động thái hỗ trợ 30 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia (hỗ trợ về chất lượng sản phẩm, chiến lược xây dựng và bảo vệ thương hiệu) là một tín hiệu tích cực. Nhưng, sẽ hiệu quả hơn nếu Chính phủ tạo ra sân chơi tốt cho các doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp sẽ tự biết cần phải xây dựng thương hiệu của mình như thế nào.


Nỗi buồn "con" mình mang "tên" người khác


Ông Nguyễn Việt Trường - Tổng Giám đốc Cty May Việt Tiến chia sẻ với DĐDN: "Hàng của Việt Tiến xuất khẩu ra nước ngoài mỗi năm hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết các loại hàng đó đều được gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực may mặc thời trang". Hỏi vì sao không gắn mác Việt Tiến để bán, ông trả lời rất ngắn gọn: "Vì sẽ khó bán được hàng. Thậm chí thuê mặt bằng để bán hàng cũng khó".


Bà Nguyễn Thu Hằng - trưởng phòng xuất nhập khẩu Cty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam cũng có nỗi buồn tương tự: "Cty tôi sản xuất và xuất khẩu các loại sản phẩm chiết xuất từ quả gấc. Từ viên nang đến chai dầu gấc, bột gấc đều được xuất "tự nhiên" sang Mỹ. Họ đóng lọ hay chế biến tiếp ra các sản phẩm khác như nước giải khát, dược phẩm, mỹ phẩm... rồi gắn nhãn hiệu hàng hóa của họ. chúng tôi không có quyền kiểm soát”.


Đi vào các siêu thị ở nước ngoài, người ta dễ dàng nhận thấy rất nhiều loại hàng được sản xuất từ Việt Nam nhưng mang nhãn của Thái Lan, Italia, Brazil, Colombia...: gạo, cà phê, hàng giày da, may mặc...


Quả thật, trăm cái khó bó cái khôn! May Việt Tiến muốn đem thương hiệu của mình sang những thị trường ổn định và khó tính như Mỹ và châu Âu, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại là một bài toán không dễ dàng. Ông Nguyễn Việt Trường thẳng thắn: "Họ có cả trăm năm xây dựng thương hiệu, có kinh nghiệm, lại nắm được tâm lý khách hàng. Còn chúng ta, từ giai đoạn nghiên cứu, định vị, phân khúc thị trường đến xây dựng và quảng bá thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém. Nếu có kiếm được mặt bằng mà doanh thu hàng năm không đáp ứng yêu cầu của họ (để bảo vệ uy tín cho chủ các trung tâm thương mại), chúng tôi cũng sẽ bị loại.".


Lối ra nào?


Tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vẫn là vấn đề nóng bỏng được toàn xã hội quan tâm. Kinh tế Việt Nam đã hòa vào dòng chảy WTO, vai trò kinh tế tư nhân càng được khẳng định. Nhưng, trong khi các doanh nghiệp nhà nước tồn tại và phát triển nhờ vào chính sách bảo hộ của Nhà nước là chính thì các doanh nghiệp tư nhân thực sự được tôi luyện trong môi trường cạnh tranh, sự thành bại của doanh nghiệp đều gắn với sinh mệnh của người chủ doanh nghiệp.


Tăng tốc độ phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề sống còn trong việc tạo ra các đối thủ cạnh tranh mạnh trên thương trường quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền kinh tế thị trường, trong đó các doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn đóng vai trò trụ cột mà hoàn toàn bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác. Đứng trên và điều chỉnh tất cả các mối quan hệ kinh tế là hệ thống luật pháp hoàn chỉnh. Bộ máy hành chính nhà nước cũng sẽ được chuyển từ vai trò quản lý sang vai trò phục vụ là chính.


Khi một sân chơi được hình thành theo đúng nghĩa thì các doanh nghiệp sẽ biết mình phải làm gì. Kinh nghiệm từ sản phẩm VINAGA cho thấy, sau một thời gian "rát mặt" vì đứa con đẻ của mình phải mang "tên" khác trên thị trường Mỹ, VNPOFOOD tự mình mày mò sang châu Âu. Cách đây vài tháng, sản phẩm này đã được cấp giấy phép vào thị trường Đức. Từ đây, VINAGA sẽ chinh phục tiếp thị trường Nga và các nước trong khối EU.


30 thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp chuyên về các lĩnh vực chế biến lương thực, giải khát, dệt may, giày dép, điện, nhựa, cao su, xây dựng, địa ốc, đồ gỗ nội thất, dược phẩm, xăng dầu, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, trang sức, du lịch và dịch vụ đã được chọn là thương hiệu quốc gia.
Logo Thương hiệu Việt sẽ được thể hiện trên sản phẩm của 30 doanh nghiệp này.


(DĐDN)

Post a Comment