Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » » Marketer: "Người vô hình" đằng sau thương hiệu

Không xuất hiện nhiều trước công chúng nhưng chính những người làm marketing đã góp phần tạo nên tên tuổi và sự thành công cho các doanh nghiệp.

Sống nhờ ý tưởng


Dù làm trong lĩnh vực quảng cáo, PR, tổ chức sự kiện, nghiên cứu thị trường hay copy-writer (người viết lời quảng cáo) đi nữa thì việc đầu tư công sức và tâm huyết vào công việc, với các ý tưởng đến quên ăn quên ngủ là chuyện rất bình thường.


Tham gia cuộc thi "Viết về nghề của tôi" (hiện đang diễn ra trên diễn đàn www.jobviet.com), một bạn có tên hiển thị là Tấn ví von: "Copywriter là công việc dùng ý tưởng và chữ để bán sản phẩm cho khách hàng của mình.

Vì thế, copywriter không phải là một nhà văn hay là một nghệ sĩ sáng tác hay ho, trừu tượng để đánh đố người tiêu dùng, mà anh ta phải là một người bán hàng thực thụ.

Những gì anh ta sáng tạo ra phải phù hợp với chiến lược marketing của sản phẩm và thị trường đó. Chính vì vậy, copywriter phải là người am hiểu đối tượng mua hàng như chính là ... "người tình" của mình. Khi biết lúc nào "người tình" cần gì thì ta đáp ứng ngay, phải moi và hiểu bằng được những suy nghĩ từ trong tâm can của họ ra để đáp ứng cho họ những điều đang khao khát".

Để tổ chức một sự kiện; dù là hội chợ, triển lãm, hội thảo, họp báo, hội thi... trước hết, phải xác định yêu cầu khách hàng, nhất là điểm nổi bật của sản phẩm mà doanh nghiệp muốn quảng bá. Sau đó là cho ra ý tưởng, lập kế hoạch chương trình và trình bày với khách hàng. Khi ý tưởng đã được duyệt, giai đoạn thực hiện càng phải được coi sóc gắt gao: từ các loại giấy phép, địa điểm tổ chức, kịch bản chương trình, in ấn, gửi thiệp mời... cho đến phong cách ẩm thực và cách trình bày âm thanh, ánh sáng...

Vì thế, vai trò của người lo về hậu cần trong các chương trình rất quan trọng. Nếu chương trình là một buổi giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới thì việc thiết kế khu vực bài trí và cách thức trình bày về ưu điểm, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ rất cần được stylist (người tạo phong cách) chăm chút chu đáo để gây được ấn tượng.

Có thể nói, một chương trình sẽ không gây được tiếng vang nếu giới truyền thông không quan tâm đến. Do đó, nhân viên PR (quan hệ công chúng) đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ với các phóng viên và là người cung cấp thông tin cho báo chí. Mặt khác, họ cũng là người giải quyết những rắc rối liên quan đến dư luận về công ty. Ngoài truyền thông đến cơ quan báo đài, nhiều doanh nghiệp còn có nhân viên e-marketing lo việc phụ trách quảng bá thông tin thông qua internet.


Ngồi trên lửa


Những hoạt động marketing dù lớn hay nhỏ đều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong quá trình đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Một số liệu sai về nghiên cứu thị trường có thể phá hỏng những bước tiếp theo và kế hoạch marketing không mang lại hiệu quả như mong đợi. Ông Trần Hùng Thiện, một chuyên gia về nghiên cứu thị trường cho rằng: "Tuy nhiên, giống như bói toán, nếu thầy bói nói sự tốt đẹp thì tin sái cổ và vui vẻ ra về còn nếu không, dù không nói thẳng thì cũng tự nhủ trong lòng "chắc gì đã đúng".

Nghiên cứu thị trường cũng không khác, báo cáo những điều vui thì cả làng vui vẻ và ai nấy đều khen dự án hay. Khác ở chỗ nếu báo cáo những điều chưa được tốt thì chuyên viên nghiên cứu tha hồ cần thêm thời gian chuẩn bị, vì không giống như bói toán vô thưởng vô phạt, nghiên cứu thị trường tiêu một số tiền không nhỏ và liên quan tới tất cả các bộ phận trong công ty...".
Về mảng tổ chức sự kiện thì, tham gia tổ chức một sự kiện hay hội thảo quan trọng, những người tổ chức không khỏi thấp thỏm, lo âu những bất trắc có thể xảy ra. Do đó, những người làm marketing phải vật lộn với một "núi" công việc dưới áp lực rất cao.

(TN)

Post a Comment