Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » » Tiếp thị du lịch từ toilet

Tôi không rõ du khách Việt Nam đến Malaysia có bao giờ chia sẻ với người thân ở nhà về kinh nghiệm của họ khi sử dụng toilet công cộng ở đây hay không.

Nhưng với kinh nghiệm của cá nhân tôi, nhiều toilet công cộng tại Malaysia quả thật chưa tương xứng với hình ảnh của một đất nước có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan.

Nhiều toilet công cộng tại Malaysia không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu nếu không muốn nói là bẩn thỉu, bốc mùi kinh khiếp, không có cả giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay.

Có lẽ không tế nhị lắm khi chia sẻ với độc giả chuyện liên quan đến một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người trong những ngày đầu năm. Thế nhưng, vấn đề vệ sinh công cộng đã trở thành một vấn đề thuộc hàng quốc sách của Malaysia với tham vọng thu hút 20 triệu du khách nước ngoài trong năm 2007.

Vài ngày trước Giáng sinh vừa rồi, chính phủ nước này đã cho khai trương toilet đầu tiên trong “chuỗi” toilet công cộng công nghệ cao (high-tech public toilets) ngay tại thủ đô Kuala Lumpur, khởi đầu cho chiến dịch nhằm đẩy lùi thói quen xấu khi đi vệ sinh của người dân.

Đích thân Phó thủ tướng Najib Razak đã có mặt trong buổi lễ này và sau khi “thị sát” một toilet công cộng bên ngoài khu mua sắm của thủ đô, ông đã chính thức cổ động cho cái gọi là “nền văn hóa toilet quốc gia” (national loo culture) theo đó người dân Malaysia cần học tập người Nhật và ý thức tầm quan trọng của toilet. Theo Phó thủ tướng Malaysia, những toilet mới, hiện đại và tiện nghi sẽ là dấu hiệu tích cực đối với du khách khi Malaysia đặt mục tiêu đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị du lịch trong năm 2007.


Theo nguồn tin chính thức đăng tải trên các báo của Malaysia, từ nay cho đến cuối năm 2007, Malaysia sẽ dành hẳn một ngân sách khoảng 10 triệu Ringgit để xây dựng khoảng 23 toilet công cộng tại các khu trung tâm mua sắm của thủ đô Kuala Lumpur.

Các toilet này được trang bị máy điều hòa, hệ thống nước chùi rửa tự động trước và sau khi sử dụng, có chỗ dành riêng cho các bà mẹ thay tã cho con và cho người tàn tật. Lệ phí cho mỗi lần sử dụng toilet là 1 ringgit (khoảng 5.000 đồng Việt Nam).

Đầu năm đầu tháng mà lại chỉ kể với độc giả về cái toilet công cộng ở Malaysia thì quả thật không công bằng cho một đất nước đã đón hơn 17 triệu du khách nước ngoài trong năm 2006. Dĩ nhiên, ngoài việc cải thiện hình ảnh và chất lượng toilet công cộng cho người dân và du khách, Malaysia còn tìm cách quảng bá sản phẩm của họ tại các khu vực ăn uống nghỉ ngơi ven tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Thỉnh thoảng tôi nói đùa với bạn bè từ Việt Nam rằng đây là những “quán cơm tù” vì lần nào ghé vào cũng chừng ấy món và khẩu vị cũng không có gì đặc biệt lắm.


Nhưng những năm gần đây cũng đã có thay đổi vì giá cả có tăng đôi chút và hành khách Việt Nam cũng thấy vui vì có cả các mặt hàng như Vinamit cũng có mặt tại đây. Không dám mơ ước một tuyến đường cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam ta sẽ đạt tầm cỡ như của Malaysia nhưng tôi nghĩ có nhiều chuyện mà ngành du lịch chúng ta có thể làm được để thu hút du khách.

Việc dẹp bỏ các quán cơm tù dọc quốc lộ chúng ta có lẽ không khó nhưng nên chăng biến các quán cơm này thành những khu nghỉ ven đường có toilet công cộng không cần hiện đại nhưng đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, nơi đó không cần phải bày bán hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng thông tin về sản phẩm, giá cả phải rõ ràng.

Theo thiển ý của tôi thì du khách ở đâu cũng vậy, cho dù thu nhập cao hay thấp ai cũng sẵn sàng trả tiền để đổi lấy sự thoải mái. Và phải chăng quốc sách du lịch của Malaysia trong năm mới 2007 này cũng không có gì khác hơn là hướng đến sự thoải mái dành cho mọi người và du khách?
(TBKTSG)

Post a Comment