Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực

"Chuyên môn không phải là tất cả sự hấp dẫn của con người. Giá trị văn hoá, hiểu biết văn hoá, sự duyên dáng trong hành vi cũng như ứng xử của các bạn chiếm vào khoảng 50% giá trị thương mại của các bạn. Trình độ chuyên môn chỉ có giá trị khoảng 15% khi các bạn tìm công việc". Kinh nghiệm của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.

Trò chuyện với ông Bạt trong chuyên đề "Bay lên Việt Nam", ông chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề nhân lực thời hội nhập.

Thiên tài là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết đến nó

- Mươi năm trở lại đây, người ta nói nhiều đến thuật ngữ Head-hunting, nói một cách nôm na là săn tìm người tài, tìm cách lôi kéo những người có năng lực về làm với mình. Là doanh nhân, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này?

- Câu hỏi rất hay. Head-hunting là thuật ngữ chỉ bộ phận tuyển dụng cán bộ, bộ phận nhân sự của tất cả các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Nó trở thành thuật ngữ phổ biến trong việc săn tìm nhân tài trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Bộ phận nhân sự của Ngân hàng HSBC họ gọi là Head-hunting Department.

Suy cho cùng, chúng ta đi làm để làm gì? Quan hệ bản chất giữa người lao động và công ty là tiền lương và sức sáng tạo hay sức lao động của người làm việc, đó là quan hệ trao đổi. Quan hệ ấy không bao giờ được nấp dưới bất kỳ danh nghĩa gì, dưới bất kỳ mỹ từ gì để che đậy bản chất cơ bản của nó. Cho nên, một người lao động muốn được quý trọng, muốn bán sức lao động của mình một cách đắt giá thì người lao động ấy phải là người lao động có giá trị sáng tạo.

Mỗi người lao động hãy chuẩn bị cho mình loại hàng hóa như vậy, loại năng lực như vậy. Không ai cấm các bạn được. Tuy nhiên, tài năng của con người thường được phát hiện bởi người khác.

Trong một quyển sách tôi đã viết "thiên tài là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết đến nó". Cho nên, tôi nghĩ rằng cái mà bạn nghĩ là tài năng của bạn thì chưa chắc là cái tôi cần. Cái tôi cần ở bạn có thể không phải là cái bạn nghĩ.

Cho nên, tài năng của một người lao động là do người đó xác định, người đó chuẩn bị, nhưng giá trị của nó là do người sử dụng lao động phát hiện. Đôi lúc hai cái ấy không trùng nhau, cho nên mới tạo ra một khái niệm thứ ba được gọi là sự may mắn. Bạn cứ sống hồn nhiên, cứ học hành một cách tích cực và thế nào cũng có một ai đó đủ tinh khôn để phát hiện ra cái mà bạn có.

Những người như tôi chẳng hạn, trong cuộc sống không hiếm gì, nếu tôi nói với các bạn rằng những người như tôi hiếm lắm thì có nghĩa là tôi không trung thực. Biết bao con người sống rất thành công mà có cần đến tôi đâu. Biết đâu Thủ tướng phát hiện ra tài năng của bạn thì sao.

Cho nên, bạn cứ mạnh dạn chuẩn bị cho mình, số phận sẽ dẫn bạn đến với một người nào đó có đủ tài hoa để phát hiện ra và biết sử dụng tài năng thật của bạn. Bạn phải tin như thế. Còn nếu như bạn muốn làm cho tôi thì bạn cứ đến và tôi phải nói với các bạn là tôi không bao giờ khắt

khe một cách thái quá đối với người lao động xét về phương diện nghề nghiệp cả. Bởi vì năng lực nghề nghiệp khi các bạn ở trường ra là chưa đủ để làm việc cho tôi. Ít nhất phải qua ba năm, tức là phải có ba năm đầu tư vào con người thì người đó mới bắt đầu làm ra các giá trị thương mại.

Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất

- Vậy dưới góc nhìn của người tuyển dụng, ông sẽ ưu tiên cho những tố chất nào?

- Tôi không khắt khe về chuyên môn, nhưng tôi cực kỳ khắt khe về sự lương thiện. Nếu một người nào đã trót không lương thiện thì không qua mặt tôi được. Tôi không bao giờ tiếp nhận người không lương thiện, nếu cấp dưới của tôi có nhầm lẫn thì tôi cũng tìm cách loại bỏ. Lương thiện là phẩm chất quan trọng nhất để tôi chọn hay không chọn một cán bộ. Nếu có một người được việc nhưng không lương thiện thì người đó không phát triển.

Ở chỗ tôi, tăng lương có nghĩa là tăng địa vị, tức là người đó phải điều khiển được một nhóm lao động, gọi là team leader. Để trở thành một team leader thì phải có các phẩm hạnh, mà phẩm hạnh quan trọng nhất là sống với mọi người được, tập hợp mọi người được, lao động cùng với mọi người được và chia sẻ cùng với mọi người được. Đối với phẩm hạnh tôi rất khắt khe. Còn khả năng thì tôi phải nói rõ là tôi buộc phải đào tạo, buộc phải cung cấp các điều kiện.

Tôi không khắt khe về chuyên môn mà tôi khắt khe về phẩm hạnh vì tôi biết ai đi xa được, ai không đi xa được. Tất cả những người mà tôi đã từng đề bạt lên Giám đốc, Phó Giám đốc... khi họ không còn làm việc cho tôi nữa họ giữ địa vị rất cao trong đời sống kinh tế của đất nước.



Trợ lý của tôi trước kia bây giờ là Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, có người từng giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn, có cả những luật sư tốt nghiệp ở đây ra bây giờ làm việc cho Baker & McKenzie, White & Case... Tôi không giữ khi họ có đủ tài năng để có thể tìm kiếm những chân trời rộng hơn tôi, tôi luôn luôn trân trọng điều ấy. Tôi không phải là người ích kỷ tìm cách để giữ cán bộ trong vòng tay của mình, mặc dù vòng tay của mình đã bắt đầu hẹp và ngắn so với kích thước thật của họ. Vì thế, người của tôi rất có uy tín trong thị trường lao động Việt Nam.

Chuyên môn không phải là tất cả sự hấp dẫn của con người. Giá trị văn hoá, hiểu biết văn hoá, sự duyên dáng trong hành vi cũng như ứng xử của các bạn chiếm vào khoảng 50% giá trị thương mại của các bạn. Trình độ chuyên môn chỉ có giá trị khoảng 15% khi các bạn tìm công việc thôi.

Sức hấp dẫn của các bạn, sự duyên dáng của các bạn, tính chín chắn của các bạn, lòng tốt của các bạn là những đại lượng có giá trị thương mại đối với người lao động thực sự. Đấy là lời khuyên của một người đã có kinh nghiệm dày dặn trong đời sống thị trường Việt Nam, mà không phải chỉ Việt Nam, tôi còn là người có kinh nghiệm về thị trường lao động có lẽ trong phạm vi cả những nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Source: Quản Trị

Post a Comment