Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » » » “Điên” như Larry Page!


GOOGLE - Khi Martin Sorrell, Tổng Giám đốc (CEO) Tập đoàn Quảng cáo WPP, viếng thăm Google vào mùa thu vừa qua, Tổng Giám đốc Larry Page của Google đã cho xe đi đón tại khách sạn Rosewood cách đó khoảng 32 km. Nhưng đây không phải là chiếc xe bình thường.

Đó là chiếc Lexus SUV hoàn toàn tự động nhờ vào sự trợ giúp của một loạt thiết bị công nghệ cao như radar, cảm biến và máy quét laser có thể thực hiện 1,5 triệu phép đo mỗi giây. Trong vòng khoảng 20 phút, chiếc xe không người lái này đã khiến cho Sorrell phải thán phục khi nó nhanh nhẹn rẽ cua, tự động chạy chậm lại khi đường xá đông đúc hay tăng tốc vượt qua chiếc xe bên cạnh. Sorrell phải thốt lên: “Thật không thể tin được”.

Xe tự lái là dự án con cưng của Page. Trong khi nhiều người cho rằng ý tưởng về chiếc xe do máy tính điều khiển là thử nghiệm… chỉ để biểu diễn thì Page lại tin rằng nó sẽ là tương lai của ngành giao thông và hoàn toàn có thể bán ra thị trường được. Theo anh, ngoài tính an toàn khi lưu thông, chiếc xe không người lái còn có nhiều đặc tính khác: tiết kiệm năng lượng (lưu thông một cách hiệu quả hơn) và gia tăng năng suất làm việc (thời gian đi lại được rút ngắn) và quan trọng hơn là tiết kiệm chi phí. Tại Google, việc sử dụng ôtô tự lái đã giúp Công ty tiết kiệm được tới hàng triệu USD.

Page cho biết Googleplex (trụ sở của Google tại Mountain View, California) thiếu bãi đậu xe trong khi chi phí đầu tư chỗ đậu xe mới đã lên tới 40.000 USD/xe. “Vậy tại sao không để ôtô thả bạn xuống nơi làm việc rồi tự tìm chỗ đỗ xe ở bên ngoài? Bất cứ khi nào bạn cần đi ra ngoài, điện thoại của bạn sẽ thông báo bạn đang đi ra khỏi tòa nhà và xe sẽ có mặt ngay vừa lúc bạn xuống cầu thang”, anh nói.

Nghe có vẻ giống như chiếc xe KITT siêu hiện đại của nhân vật chính trong bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng của Mỹ “Knight Rider”. Ý tưởng nghe có vẻ điên rồ nhưng đó lại là tương lai mà Page muốn Google tạo ra và đây là loại ý tưởng luôn làm cho anh phấn khích.


Lột xác Google

Kể từ khi thành lập Google vào năm 1998, Page và nhà đồng sáng lập Sergey Brin đã quyết tâm tạo dựng một công ty có thể đặt cược trong dài hạn vào các ý tưởng táo bạo. Và nhiều trong số những ý tưởng ấy đã nhanh chóng trở thành sản phẩm thiết thực được người tiêu dùng đón nhận. Page đã đưa ra những ý tưởng điên rồ nhất, như chụp ảnh từng centimet mỗi con đường để tạo ra một bản đồ kỹ thuật số về thế giới thực hay quét hình mọi cuốn sách để làm nên thư viện số lớn nhất thế giới.

Những ý tưởng kỳ quặc và cách quản lý thực tế, chú trọng đến hiệu quả hiếm khi nào đi chung với nhau. Nhưng người ta lại tìm thấy cùng lúc 2 điều ấy ở Page. Chính nhờ sự kết hợp tuyệt vời đó, Page đã lột xác Google kể từ khi anh đảm nhận vị trí CEO vào tháng 4.2011.

Khi anh nhậm chức CEO, động cơ cải tiến của Google đang cho thấy dấu hiệu già cỗi, lỗi thời và tính quan liêu bắt đầu bám rễ. Page đã nhanh chóng tổ chức lại sản phẩm, khai tử hàng tá các dự án không thành công hoặc không cần thiết như Google Health. Và đặc biệt anh đã thay cơ cấu tổ chức cũ của Google, vốn được chia thành những bộ phận lớn phụ trách kỹ thuật và quản lý sản phẩm, bằng 7 lĩnh vực chuyên tập trung vào sản phẩm như tìm kiếm, sản phẩm quảng cáo, hệ điều hành Android và thương mại. Mỗi nhà điều hành đứng đầu 7 lĩnh vực này, được gọi là nhóm L-Team (nhóm 7 nhà điều hành cấp cao của Larry Page), được giao toàn quyền và trách nhiệm đối với bộ phận họ điều hành. Nhóm L-Team họp mặt với Larry vào mỗi trưa thứ Hai hằng tuần để giải quyết các vấn đề liên quan đến sản phẩm và đảm bảo các dự án của họ nhất quán với tầm nhìn của Page.

Để cải tiến sản phẩm, Page cho rằng phải luôn “nghĩ khác”. Chẳng hạn, trên một chuyến bay cách đây không lâu, khi nhìn qua cửa sổ máy bay, anh nghĩ đến việc cải thiện hình ảnh trong ứng dụng bản đồ của Google bằng cách dùng các máy bay bay tầm thấp chụp hình khắp nước Mỹ. Và giờ Google Earth có cả hình ảnh 3D của nhiều thành phố.

“Anh ấy giải quyết vấn đề với góc nhìn rất khác. Nó buộc bạn phải xem lại cách bạn nhìn nhận vấn đề trước đây”, Nikesh Arora, Giám đốc Kinh doanh của Google, nhận xét.

Có những ý tưởng khiến Page trăn trở hằng năm trời. Chẳng hạn, anh luôn nghĩ đến việc phát triển một công cụ tìm kiếm hoàn hảo, một công cụ có thể hiểu được người sử dụng muốn nói gì, đưa ra các kết quả tìm kiếm hợp với ý muốn của họ, cho họ những câu trả lời họ muốn, thậm chí khi họ không hỏi. Cuối năm 2011, trong một cuộc họp với các nhà điều hành cấp cao, Page cho rằng đã đến lúc Google bắt đầu thực hiện một trong những lời hứa ấy. Và mọi thứ đã được khởi động rất nhanh.

Hồi tháng 1.2012, các nhân viên đã nảy ra ý tưởng phát triển một sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của Page và khoảng 6 tháng sau đó, Công ty tung ra Google Now, công cụ tìm kiếm dành riêng cho thiết bị di động.

Sử dụng các thông tin từ lịch làm việc của bạn, email, các lần tìm kiếm trong quá khứ và địa điểm, ứng dụng này có thể cảnh báo bạn phải đến sân bay ngay tức khắc nếu không muốn lỡ chuyến bay vì có một tai nạn xảy ra khiến cho giao thông bị ách tắc. Ứng dụng này cũng phản ứng theo các mệnh lệnh bằng giọng nói tương tự như ứng dụng nhận dạng tiếng nói Siri của iPhone, nhưng ít bị lỗi hơn (theo nhận xét của nhiều chuyên gia). Google Now hiện đã có mặt trong các thiết bị Android thế hệ mới nhất.

Việc Google Now nhanh chóng đi từ ý tưởng trở thành sản phẩm thực sự là một minh chứng cho thấy một Google năng động và cải tiến như thế nào dưới sự điều hành của Page. Từ lâu nay, anh luôn nói rằng mối đe dọa lớn nhất Google phải đối mặt chính là bản thân Google. Đó là lý do kể từ khi trở thành CEO, anh đã tìm mọi cách để loại trừ tính quan liêu và bất cứ việc gì làm chậm lại quá trình cải tiến.

Những thay đổi anh đã và đang thực hiện tại Google đã nhanh chóng đưa Công ty quay trở lại thời kỳ làm việc nhanh nhạy của 10 năm đầu Google xuất hiện. Không những thế, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Google đang được vận hành một cách trơn tru hơn bao giờ hết kể từ khi Page đảm nhận vị trí CEO. Đó là một thành công khiến cho nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tại thung lũng Silicon phải ngạc nhiên.

Thậm chí, Page bất chấp mọi phản ứng để dọn đường cho những cải tiến của Google. Hồi tháng 3.2012, Google đã khiến nhiều người sử dụng tức giận khi thay đổi hàng loạt chính sách về tính riêng tư. Lý do thay đổi là chính sách cũ giới hạn các dữ liệu được chia sẻ giữa các sản phẩm của Google và cản đường các dịch vụ như Google Now, vốn lấy dữ liệu cá nhân từ nhiều nguồn khác nhau.

Đối với Page, liên kết các tính năng này với nhau là điều cần thiết khi người sử dụng chuyển từ máy tính sang thiết bị di động, nơi các ứng dụng phải được tích hợp chặt chẽ hơn và là nơi phần mềm và phần cứng phải làm việc một cách trơn tru với nhau. Mục đích của Page còn lớn hơn thế. Anh muốn xóa bỏ một vấn đề gút mắc đang gây đau đầu cho nhiều hãng công nghệ trong thế giới web: màn hình di động không được thân thiện đối với các mẫu quảng cáo như các màn hình lớn hơn của máy tính cá nhân.

Page cho rằng cơ hội trong ngành di động sẽ tăng một khi biết đưa ra dịch vụ cải tiến như “click-to-call”, cho phép người sử dụng di động gọi điện (để mua sản phẩm/dịch vụ) chỉ bằng một cái chạm nhẹ vào mẫu quảng cáo. “Tôi tin chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn bây giờ, vì phần mềm, thiết bị và năng lực cũng đã tốt hơn”, Page nói. Những cải tiến của Page đã thuyết phục được khách hàng quảng cáo. Chẳng hạn, WPP, khách hàng lớn nhất của Google, đã tăng chi tiêu vào Google lên 25% trong năm 2012, lên khoảng 2 tỉ USD.

Thách thức của Page

Page đã thành công trong việc đưa Google tiến vào một thế giới điện toán di động có tính cạnh tranh cao, dựa vào sức mạnh của hệ điều hành Android. Và điều quan trọng là dưới sự lãnh đạo của Page, Android và YouTube đã phát triển thành những bộ phận lớn và quan trọng, dẹp tan mọi lời chỉ trích. Bộ phận tìm kiếm trên máy tính để bàn vẫn chiếm 80% nguồn thu của Google nhưng quảng cáo hiển thị, chủ yếu từ YouTube, hiện mang lại doanh thu hằng năm 5 tỉ USD. Di động, vốn bao gồm cả mảng tìm kiếm trên điện thoại, mang lại 8 tỉ USD.

Không ngừng cải tiến, đối với Page, là cách để cạnh tranh trong một thế giới web khốc liệt. Cho đến nay, Page đã chứng tỏ mình phản đòn rất tốt. Hồi tháng 9.2012, Google đã giới thiệu một ứng dụng YouTube mới cho iPhone và iPad khi Apple quyết định lấy phần mềm YouTube đã được cài sẵn trước đó khỏi các thiết bị này. Sau đó, Google tung ra một phiên bản mới các bản đồ dành cho hệ điều hành iOS, cung cấp cho người sử dụng một công cụ thay thế cho ứng dụng bản đồ đầy lỗi của Apple.

Page lúc nào cũng sẵn sàng để đối phó bất cứ cuộc phản công nào của đối thủ. Nhiều năm qua, Microsoft và nhiều đối thủ khác đã cáo buộc Google thiên vị dịch vụ của mình trong các kết quả tìm kiếm và điều này, theo họ, là vi phạm luật chống độc quyền. Thế nhưng, Page vẫn một mực phủ nhận. Sau gần 2 năm “đào bới”, đầu tháng 1 này, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã tuyên bố không tìm được chứng cứ nào cho thấy Google đã thao túng kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu và cơ quan quản lý tại các nước khác vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc. Nghĩa là Page vẫn chưa có thể thở phào nhẹ nhõm.

Thách thức của Page không chỉ có thế. Anh vẫn chưa thuyết phục được người ngoài rằng một số những đặt cược lớn của anh sẽ đơm hoa kết trái. Trong khi Google nâng ly chúc mừng sự thành công của Google+ trước đối thủ lớn Facebook, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng vẫn chưa thấy sự sôi động gì nhiều trên mạng xã hội này.

Quan trọng hơn là nhiều người vẫn chưa hiểu được làm thế nào mà Motorola Mobility có thể sống hòa bình với bộ phận Android. Google mua lại Motorola chủ yếu là vì kho bản quyền sáng chế của công ty này. Sau khi mua lại, Google đã cắt giảm việc làm và bán đi bộ phận set-top box (thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình) của Motorola với giá 2,35 tỉ USD. Nhưng Google vẫn có ý định giữ lại mảng điện thoại thông minh và máy tính bảng của Motorola, một động thái khiến cho Google cạnh tranh trực tiếp với các đối tác Android của mình. Page cho biết Motorola sẽ không được biệt đãi. Trong Công ty, Dennis Woodside, người đứng đầu Motorola, không được tham dự các cuộc họp của nhóm L-Team để tránh mâu thuẫn. Page cũng cho biết Google đang làm việc với các đối tác Android để tạo ra các thiết bị cải tiến được sử dụng rộng rãi, mà vẫn có thể làm hài lòng tất cả các bên.

Thế nhưng, nhiều người vẫn lo ngại bất kỳ thành công nào của Motorola có thể sẽ làm nguội lạnh mối quan hệ thân thiết của Google với các đối tác Samsung, HTC và nhiều công ty khác. David Yoffie, Giáo sư trường Kinh doanh Harvard và có chân trong Hội đồng Quản trị của HTC, nhận xét: “Không có lý do gì để tin rằng họ (Google) có thể làm tốt phần cứng hơn các đối tác của mình”.

Nhưng có thể Page sẽ lại làm mọi người ngạc nhiên một lần nữa. Chiếc xe tự lái là một ví dụ. Các chiếc xe tự lái của Google vẫn chưa sẵn sàng để được tung ra thị trường nhưng chúng đã chạy hàng trăm ngàn cây số khắp California mà chưa hề xảy ra sự cố nào. Và hãy cân nhắc điều này: Google đã vận động thành công để những chiếc xe không người lái được phép rong ruổi khắp California. Trong tháng 11, Page đã thuê Phó Giám đốc Cục An toàn Giao thông đường cao tốc quốc gia vào vị trí Giám đốc An toàn cho dự án này. Một khi đã đặt mục tiêu đưa xe tự lái trở thành chiếc xe có thể làm thương mại, Page không bao giờ làm nó một cách nửa vời.

Theo NCĐT | Fortune

Post a Comment