Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Ngành hàng xa xỉ giảm chi tiêu quảng cáo

Kiva.Dang A+ A- Print Email
Trong thời huy hoàng của năm 2007, các thương hiệu xa xỉ chứng kiến những cơn mưa vàng đúng nghĩa. Nhưng nay tình hình kinh tế khó khăn khiến họ phải cắt giảm chi tiêu quảng cáo. Theo tờ IHT, các nhà xuất bản báo chí chuyên ngành bị ảnh hưởng nhiều.


Tháng 12 năm ngoái, nhà thiết kế nổi tiếng Marc Jacobs tổ chức buổi dạ tiệc hàng năm cho 800 khách mời, trong đó có đại diện tên tuổi đến từ các tạp chí Vogue, W và Harper’s Bazaar, tại phòng Rainbow của trung tâm Rockerfeller Center.

Jacobs đã sử dụng mọi kỹ năng của các nghệ sĩ biểu diễn để làm nổi bật chủ đề Đêm Ảrập, trong đó có cảnh tung những mảnh giấy vàng lên người khách mời.

Marc Jacobs tổ chức dạ tiệc hàng năm như vậy trong suốt 18 năm qua. Nhưng ngày 4-11 vừa rồi, một tin nhắn e-mail ngắn gọn từ nhà thiết kế này do đối tác kinh doanh, Robert Duffy, ký gửi đi mang nội dung: “Do tình hình tài chính, tôi buộc phải đi đến quyết định hủy dạ tiệc năm 2008”.

Năm nay, các thương hiệu xa xỉ đang gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng giàu có vốn tương đối ít bị ảnh hưởng của tình hình kinh tế suy sụp vẫn tiếp tục chi tiêu, nhưng điều đó đã thay đổi trong vài tháng qua.

Theo ghi nhận của MasterCard SpendingPulse, chi tiêu cho hàng xa xỉ bắt đầu giảm từ tháng 6 và đạt mức giảm đến 20,1% chỉ trong tháng 10 vừa qua. Điều đó có nghĩa là thông tin xấu cho các tạp chí và báo ở Mỹ vốn tăng trưởng phụ thuộc vào quảng cáo hàng xa xỉ.

Số trang quảng cáo trên các tạp chí hàng hiệu giảm 22%/năm trong số ra tháng 12, theo công bố của Media Industry Newsletter. Vogue, chẳng hạn, giảm từ 284 trang số tháng 12 năm ngoái xuống còn 221 trang cùng kỳ năm nay, trong khi Food & Wine giảm từ 160 trang xuống còn 126.

Trong tháng 10, Condé Nast thông báo sẽ giảm phát hành Men’s Vogue từ 10 số/năm xuống còn 2, giảm số ra báo của Condé Nast Portfolio và cắt 5% ngân sách dành cho tạp chí. American Express Publishing phát hành các tạp chí Departures, Travel & Leisure và Food & Wine đang cắt giảm 4% nhân sự. “Đây là tình hình chưa từng thấy. Mọi người đều rất quan tâm và hoang mang không biết phải làm gì”, một nhà phát hành của Departures nói.

Quảng cáo cho sản phẩm cao cấp là một trong những dạng quảng cáo mạnh nhất vào đầu năm. Theo đánh giá của Nielsen Monitor-Plus, quảng cáo xa xỉ tăng 6,7% trong tháng 8 năm nay so với năm ngoái, dù hầu hết các lĩnh vực khác đều cắt giảm chi tiêu. Các nhà xuất bản không bỏ lỡ xu hướng này.

Tháng 9 vừa qua, Dow Jones & Company đã giới thiệu WSJ., một tạp chí rất bóng bẩy để thu hút các nhà quảng cáo xa xỉ, trong khi Washington Post tung ra tạp chí thời trang FW. Tập đoàn New York Times cũng cho biết các tạp chí về phong cách sống là nguồn thu nhập chủ yếu của tập đoàn, và các nhà xuất bản tạp chí như Hearst, Condé Nast và Niche Media cũng đặt cược rằng tiêu dùng cao cấp và quảng cáo sẽ vẫn tiếp tục phát triển.

Nhưng hiện nay, các nhà xuất bản đang tìm cách thuyết phục các nhãn hiệu xa xỉ duy trì cam kết quảng cáo của mình. Hơn phân nửa số người tiêu dùng khá giả đã cắt chi tiêu cho sản phẩm xa xỉ so với một năm trước đây, theo kết quả nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Unity Marketing. Niềm tin của những khách hàng này vào nền kinh tế là thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Ông Ronald Jackson, giám đốc điều hành của Tradema of America chuyên tiếp thị và phân phối đồng hồ Girard-Perregaux ở Mỹ cho biết đã giảm 20% ngân sách quảng cáo ở thị trường này trong quý 1. “Các nhà bán lẻ đã đặt hàng sản phẩm, nhưng họ cũng yêu cầu đừng giao hàng cho đến khi tình hình tốt hơn”, ông nói.

Graff Diamonds, nhà bán lẻ tại London cũng cắt giảm ngân sách quảng cáo. “Chúng tôi không tiến hành bất cứ quảng cáo mới nào cả, và chúng tôi đang cắt giảm những quảng cáo hiện hành”, một nữ phát ngôn viên của Graff nói. Dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng bà này bảo rằng mức cắt giảm ở Mỹ cao hơn ở Anh. Brioni, nhà thời trang Ý cho biết sẽ cắt chi phí quảng cáo từ 10-15% tại Mỹ.

Những dự án liên quan đến hàng xa xỉ khác và quảng cáo đi kèm đang bị hoãn triển khai hoặc hủy bỏ. General Motors dừng việc giới thiệu chiếc Buick LaCrosse cho đến đầu năm 2009, Ford hoãn việc tái thiết kế mẫu mã chiếc Volvo S60 sedan và XC90 thể thao đa dụng, trong khi Chrysler ngừng sản xuất chiếc Aspen thể thao đa dụng loại lưỡng tính. Orient-Express Hotels hủy việc xây dựng khách sạn mới tại Miami. Tỷ phú Donald Trump dời thời hạn giải ngân 300 triệu đô la cho dự án triển khai ở Philadelphia. Và công ty Ritz-Carlton Hotel đã ngừng các dự án khách sạn tại Florida, Vancouver và California.

Dù các thương hiệu xa xỉ đang cắt giảm quảng cáo trên báo chí, nhưng một số vẫn tiếp tục lặng lẽ chi tiêu cho các bữa tiệc chiêu đãi khách hàng và giới thiệu sản phẩm mà họ nghĩ rằng sẽ có tác động trực tiếp đến doanh số. Nhưng các sự kiện này không xóa đi những mối lo kinh tế.

Tháng 10 vừa qua, nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Vacheron Constantin tổ chức buổi tiệc quảng bá dòng sản phẩm mới, trong đó có những chiếc trị giá 60.000 đô la. Sự kiện diễn ra như trước thời khủng hoảng, với thức ăn phục vụ xứng hàng xa xỉ như tôm hùm, rượu champagne Moet & Chandon…

“Tôi nghĩ rằng sẽ sai lầm nếu dừng lại mọi chuyện chỉ vì khủng hoảng”, chủ tịch của Vacheron Constantin khu vực Bắc Mỹ, ông Julien Tornare trả lời trong một phỏng vấn. “Tất nhiên chúng tôi sẽ điều chỉnh nếu cần phải làm như thế trong tương lai, nhưng hiện nay chúng tôi không muốn phản ứng”.

Khách hàng dự tiệc rất hào hứng đánh giá những chiếc đồng hồ nổi tiếng này. Nhưng họ chỉ khen ngợi sản phẩm mà không mua gì cả.

TBKTSG

Post a Comment