Muốn ra biển cả chúng ta phải có các con tàu đủ sức chống lại sóng to gió lớn. Cũng như vậy, để hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của mình, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và thế giới.
Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường đến nay, nền kinh tế nước ta đã khởi sắc thực sự và từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Với chủ trương xây dựng một lực lượng kinh tế Nhà nước thật hùng mạnh có đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới, thế nhưng đã trôi qua nhiều năm, chúng ta vẫn chưa có được một thương hiệu sản phẩm nào bước ra khỏi biên giới quốc gia.
Trong danh sách 1000 thương hiệu ở khu vực Châu Á chúng ta chưa có lấy nổi một thương hiệu. Điều đó cho thấy cần phải có một chiến lược phát triển thị trường nhất quán để tạo ra các thương hiệu sản phẩm có đủ sức bước ra khu vực.
Theo Bộ KH-ĐT thì hiện nay cả nước có 349.000 DN đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 1.389.000 tỷ VDN, trong đó 95% là các DNV&N. Như vậy có thể thấy rõ sức mạnh kinh tế tập trung trong tay các Tập đoàn và TCT NN. Ngay các Tập đoàn và TCT NN lớn mạnh như vậy còn chưa tạo ra được các thương hiệu có tầm khu vực thì hỏi làm sao các DN vừa và nhỏ kia có thể tạo ra được thương hiệu đây?
Theo đánh giá của ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP tại Việt Nam, người đã tham gia vào bình chọn Top 200 DNVN thì các DN lớn nhất của Việt Nam cũng chỉ gần tương đương với các DNV&N của thế giới.
Xây dựng nhân hiệu
Bất cứ một quốc gia nào cũng đều có nhiều gương mặt, tên tuổi trên các lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật, thể thao… đến kinh doanh. Đó là những tài năng nổi trội trên từng lĩnh vực mà tên tuổi của họ đã trở thành thần tượng của giới trẻ, hay gắn liền với thương hiệu của sản phẩm.
Các tên tuổi lẫy lừng như Ford, Bill Gates, McDonal’s, Madona, Michel Jackson… đã bay ra toàn thế giới mà đi đâu ai cũng biết. Những siêu sao trên sân cỏ như David Beckham, Maradona, Ronaldo…đã trở thành các thương hiệu với các giá chuyển nhượng nhiều triệu đô la.
Các ngôi sao âm nhạc trong nước như Thanh lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng…cũng đang trở thành thần tượng của giới trẻ yêu âm nhạc… Cách ăn mặc, kiểu tóc, dáng điệu của các ngôi sao màn bạc, âm nhạc, thể thao… đã có một ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống, cách nghĩ của nhiều bạn trẻ ngày nay. Đó chính là những thương hiệu của các cá nhân, nhờ vào tài năng, sự lao động sáng tạo không mệt mỏi mà nó chấp cánh bay cao, bay xa.
Nhân hiệu thực chất nó là thương hiệu của một cá nhân, nó gắn liền với sản phẩm của họ làm ra hay uy tín mà họ tạo dựng được. Thương hiệu cá nhân chính là giá trị của một cá nhân dựa vào các nguồn lực sẵn có của họ như: học vấn, năng khiếu, tài năng, thành tích về xã hội, khoa học, nghệ thuật, kinh tế… xây dựng lên.
Thương hiệu được phát kiến bởi các nhà hoạt động kinh doanh nhưng nó thực sự được thăng hoa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và nghệ thuật. Những cầu thủ bóng đá nổi tiếng có mức lương rất cao trên dưới 100 nghìn đôla/tuần, vài triệu đô la/năm. Các buổi diễn thuyết của các nhân vật chính trị nổi tiếng cũng có giá trị một vài trăm nghìn đô la/buổi…Điều đó phản ánh rõ giá trị của các thương hiệu cá nhân.
Ở nước ta thương hiệu cá nhân mới chỉ phổ biến ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, trong khi nhiều lĩnh vực khác đem lại giá trị xã hội cao như khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục… thì lại ít người biết đến.
Điều này cũng dễ hiểu do tính phổ biến lan tỏa của từng lĩnh vực hoạt động xã hội mang lại.Thực ra mà nói thì thương hiệu và nhân hiệu về bản chất không có gì khác nhau, chẳng qua chỉ khác nhau về hình thức, tức là đối tượng mà nó gắn vào.
Để thương hiệu Việt Nam vượt qua biên giới thì nhiều người chọn cho mình cách là phải làm cho nó nổi tiếng trong nước trước rồi mới mang đi xuất khẩu. Tất nhiên trong xu thế hội nhập và toàn cầu hiện nay có nhiều người lại chọn con đường khởi nghiệp xây dựng thương hiệu gắn liền với hình ảnh cá nhân. Nếu chỉ xét riêng về con người thì đó là một yếu tố cấu thành xã hội, một dân tộc, trong khi hàng hóa lại cần phải quốc tế hóa để có mặt ở mọi nơi trên thế giới.
Thật đáng buồn mỗi khi ra nước ngoài khi hỏi người dân nước bạn về Việt Nam thì rất nhiều người chỉ biết Việt Nam qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại, ngoài ra họ không biết gì hết.
Với các sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường thế giới thì người ta hay có nhầm lẫn nhìn người Việt Nam tưởng là Trung Quốc, là Nhật hay Hàn Quốc, chứ không mấy khi họ hỏi anh có phải là người VN không?
Rõ ràng ta thấy ngay sự cần thiết phải xây dựng cho mình thương hiệu cá nhân và các thương hiệu hàng hóa. Ở trong nước đã có nhiều tên tuổi có mặt ở khắp các tỉnh thành như các sản phẩm nội thất của Tập đoàn Hòa Phát, cà phê Trung nguyên của Công ty Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ, một doanh nhân còn rất trẻ.
Mặc dù cà phê Trung Nguyên đã có mặt ở 43 nước trên thế giới và với hơn 500 cửa hiệu trong cả nước nhưng nó vẫn chưa trở thành thương hiệu mà nước ngoài biết đến. Nhiều tên tuổi khác cũng vậy, mới chỉ dừng lại ở trong phạm vi quốc gia như: Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NGH Group), Giản Tư Trung, Chủ tịch sáng lập Trường Doanh nhân và là Giám đốc PACE…
Tạo dựng nhân hiệu bằng cách nào?
Để có một thương hiệu cá nhân (nhân hiệu) thành công thật không dễ chút nào. Nó đòi hỏi người ta ngoài những tài năng chuyên môn (khả năng trong từng lĩnh vực hoạt động), sự đam mê cống hiến, còn phải biết giỏi nắm bắt thị hiếu thị trường, tạo dựng uy tín các nhân. Đối với các DN hiện nay thì càng xây dựng được một nhân hiệu tốt thì càng thành công trong việc quảng bá thương hiệu của DN.
Ở nước ta cho đến nay việc xây dựng nhân hiệu còn chưa được chú trọng và nhiều người lại không dựa vào tài năng, lao động quên mình để sáng tạo mà lại đi “đánh bóng” tên tuổi bằng cách này hay cách khác, trong đó nhiều người lại dựa vào những chức vị cao trong xã hội để tham gia “danh nghĩa” vào nhiều hoạt động xã hội mà không đem lại hiệu quả thiết thực.
Cũng có nhiều người làm kinh doanh lại không chú trọng đến xây dựng thương hiệu cá nhân mà lại lao vào làm giàu bằng mọi giá…Tôi đã gặp nhiều người bạn và khi hỏi họ yếu tố nào đóng góp vào thành công trong công việc của họ thì đều nhận được câu trả lời đó là “quan hệ”. Phải chăng yếu tố “quan hệ” đang quyết định sự thành bại của nhiều người trên con đường công danh cũng như con đường khởi nghiệp?
Nếu đúng như vậy thì tài năng của con người, lao động sáng tạo trong khoa học, nghệ thuật đứng ở vị trí nào đây? Hiện nay có nhiều người thường hay nói đến thuật ngữ “công nghệ đánh bóng”. Nếu thực sự con người có tài năng mà không tự biết tạo dựng hay cứ gọi là “đánh bóng” thương hiệu cá nhân thì ảnh hưởng hay uy tín của họ khó mà bay xa được ngay ở trong nước chứ chưa nói gì ra đến nước ngoài.
Nhiều người đã không chịu xây dựng thương hiệu cho mình mà lại đi ăn cắp công sức, thương hiệu của người khác bằng cách nhái lại hàng hóa có tên tuổi của người khác, dùng tên tuổi một số người nổi tiếng để câu khách mặc dù người đó không hiện diện… Những việc làm sai trái, lệch lạc đó vẫn còn phổ biến trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều nơi khiến người tiêu dùng hoang mang, mất lòng tin.
Để các bạn có thêm hiểu biết về xây dựng thương hiệu cá nhân, xin trích giới thiệu một số đánh gía của một học giả Mỹ chuyên về lĩnh vực quản lý kinh doanh, Tom Peters, mà đã được khái quát lại thành 8 yếu tố tạo nên thương hiệu cá nhân như sau:
- Yếu tố chuyên môn tập trung (specialization): phải biết tập trung chính xác vào điểm mạnh nhất hoặc tài năng nổi bật nhất bằng nội lực, bản lĩnh, hành vi, lối sống và tầm nhìn của bản thân…
- Yếu tố thủ lĩnh (Leadership): Phải tạo ra quyền lực và tín nhiệm đối với một nhóm người riêng của bạn và có tầm ảnh hưởng đến nhóm người đó
- Tính cách riêng (Personality): Phải xây dựng được tính cách riêng, cả xấu lẫn tốt để thể hiện bạn luôn là con người tốt nhưng lại không hoàn hảo.
- Yếu tố khác biệt (Distinctiveness): Đây là một yếu tố quan trọng để tạo ra sự khác biệt bạn với những người khác.
- Yếu tố dễ thấy (Visibility): Phải làm sao người khác dễ nhận biết. Muốn vậy phải lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo ra ấn tượng với số đông.
- Tính kiên trì, bền bỉ (Persistence): Phải kiên trì chăm sóc cho thương hiệu cá nhân.
- Yếu tố thiện chí (Good will): Phải biết tạo ra những ý tưởng đầy thiện chí đối với công chúng và củng cố tốt cho thương hiệu của mình.
Những yếu tố trên đây sẽ góp phần tạo ra khả năng nhận dạng trong con mắt của công chúng. Nó gây ấn tượng thực sự cho công chúng về tài năng của bạn. Nó giúp bạn dễ dàng nhận được nhiều sự ủng hộ của những người đồng nghiệp, tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa bạn với đối thủ cạnh tranh.
Nó giúp bạn tăng tính tự tin cũng như có khả năng thu hút và duy trì tốt quan hệ với những người xung quanh.
Để làm được những điều trên đây, bạn hãy coi bản thân là một tài sản mà bạn đang sở hữu để từ đó mà xây dựng nên thương hiệu cho riêng mình. Muốn vậy, bạn hãy quên đi chức vụ của mình mà hãy tự hỏi mình cần và nên làm cái gì để đem lại giá trị cao nhất.
Hãy biết làm nổi bật bản thân bằng cách tạo ra một công việc tốt về hình thức lẫn nội dung cũng như khả năng trong các buổi nói chuyện, giao tiếp. Hãy thể hiện tốt và gây ấn tượng qua các hội thảo, bài viết trên báo hay tạp chí…Bạn cũng cần luôn tỏ ra là người đáng tin cậy, thể hiện sự nhất quán của bản thân và biết cách tác động đến mọi người.
Gordon Ramsay là một bếp trưởng người Anh, đã tạo dựng thương hiệu cho riêng mình thông qua các chương trình TV thực tế, thể hiện một bếp trưởng tài năng và là một thiên tài kinh doanh. Ông đã xây dựng nhiều nhà hàng ở London và khắp nơi trên thế giới.
Mọi người đến cửa hàng của ông là vì gắn liền với tên tuổi của ông chứ thực ra ông đâu có mặt để mà trực tiếp nấu nướng. Các tên tuổi lớn khác như McDonals hay Kentucky Chicken Fried… đã và đang có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Post a Comment