Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Don Lam - CEO VinaCapital

PROFILE - Khi mở website của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, mục “lý lịch trích ngang” của Don Lam chỉ vỏn vẹn vài dòng: chức vụ tổng giám đốc, có 15 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư.


Điều này có vẻ tỷ lệ nghịch với sự xuất hiện của Don Lam trong các sự kiện đầu tư có tầm cỡ, khập khiễng với những gì giới đầu tư thấy Don Lam mang lại cho VinaCapital và cả thị trường Việt Nam.

Chúng tôi gặp Don Lam vào một buổi chiều muộn tại Văn phòng VinaCapital (tòa nhà SunWah, quận 1, TPHCM), nơi anh vừa kết thúc cuộc họp nội bộ và sẽ tiếp tục gặp các nhà đầu tư sau hơn một giờ nữa. Don Lam nói nửa đùa, nửa thật "Bây giờ, tôi đã dành 80% cho hoạt động đầu tư ở VinaCapital, 20% cho VinaCapital Foundation - quỹ chuyên thực hiện các trách nhiệm cộng đồng, trực thuộc Tập đoàn VinaCapital và sử dụng một phần lợi nhuận trích ra từ ngân sách của Tập đoàn nhằm hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho trẻ em Việt Nam nghèo bị bệnh tim - nên tôi ước mơ, một ngày nào đó, hai con số này sẽ được hoán đổi".

Nói thì thế, nhưng ai cũng biết, Don Lam là người "mê" đầu tư. Don Lam và các cộng sự vẫn còn dự định mở rộng quy mô vốn của VinaCapital không chỉ ở Việt Nam, mà còn sang các thị trường lân cận. Nên, ngày mà "ước mơ" đó trở thành sự thực, ắt hẳn sẽ còn rất xa.

Don Lam chia sẻ, cùng với quyết định quay về Việt Nam, việc thành lập VinaCapital là hai dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của anh, bởi sự thành công của VinaCapital giúp anh có cơ hội làm nhiều thứ, trong đó có VinaCapital Foundation. Và chúng tôi đã bắt đầu câu chuyện từ những bước ngoặt đó.

Đang giữ một vị trí cao tại PriceWaterHouse Cooper Việt Nam (PwC), vì sao anh đi đến quyết định từ bỏ?

Gia đình tôi đã phân tích rất nhiều trước khi tôi đưa ra quyết định đó. Nó cũng tương tự thời điểm tôi quay trở về Việt Nam. Khi đó, tôi đang làm việc cho PriceWaterHouse Cooper (PwC) tại Canada. Hãng kiểm toán này muốn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Và họ cần tìm một người vừa biết tiếng Anh, vừa biết tiếng Việt để xem, ký các báo cáo kiểm toán. Tôi đã thử! Tôi nghĩ rằng, mình chỉ lưu lại Việt Nam trong vòng một năm, nhưng đã ở đây đến năm 35 tuổi trong “vai” Phó tổng giám đốc của PwC Việt Nam.

Thời điểm đó, tôi “tình cờ” tư vấn cho một khách hàng người Đức về đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Lợi nhuận của dự án này khá cao, nên ông khách ấy đã đề nghị cùng hợp tác mở một công ty mới chỉ chuyên về tư vấn và đầu tư.

Vị khách đó không ai khác là Horts Geicke, Chủ tịch VinaCapital hiện nay. Hơn nữa, về phương diện cá nhân, trước khi rời PwC, tôi đã ngoài 30 tuổi, nếu muốn thay đổi công việc mới, lập một xí nghiệp mới thì đây là thời điểm thích hợp. Thế là chúng tôi lập VinaCapital (năm 2003), với quy mô vốn ban đầu chỉ đạt 10 triệu USD.

Nhưng cũng không loại trừ khả năng đây là thời điểm thích hợp, nếu nhìn lại thị trường Việt Nam từ khi mở cửa (năm 1986), có đến 3 lần sóng các quỹ đầu tư vào Việt Nam: vào cuối những năm 1990, sau năm 2000 và từ năm 2006?

Tất nhiên! Nhưng cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Quỹ đầu tư của chúng tôi thành lập cũng không mấy dễ dàng, bởi sau khủng hoảng năm 2000, một số nhà đầu tư nước ngoài đã mất hết tiền, trong khi một số đã rút khỏi thị trường Việt Nam.

Chính vì thế, không ai nghĩ sẽ thành lập một quỹ mới. VinaCapital đi tiên phong trong làn sóng thứ 2 này. Sau khủng hoảng kinh tế, không ai muốn bỏ tiền vào châu Á, nên việc huy động vốn rất khó. Song cũng từ thời điểm đó, Việt Nam có nhiều thay đổi: xuất hiện thị trường chứng khoán, một số doanh nghiệp Việt Nam đã suy nghĩ “mở” hơn.

Quỹ VOF (Vietnam Opportunity Fund) là quỹ đầu tiên mà VinaCapital quản lý (thành lập cuối tháng 11/ 2003), với các hạng mục đầu tư: hạ tầng, bất động sản, cổ phiếu niêm yết lẫn OTC.

Hơn 10 năm tham gia thị trường Việt Nam, từ việc thành lập một công ty quản lý quỹ với quy mô chỉ 10 triệu USD (Quỹ VOF), nay VinaCapital đã có đến 4 quỹ đang hoạt động, với quy mô gần 2 tỷ USD. Anh thấy mình đã làm gì để VinaCapital luôn tồn tại trước những biến động của thị trường?

Điểm khác biệt của VinaCapital ngay từ khi gia nhập thị trường là chúng tôi đã làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi một số quỹ như VinaFund (VF1) chủ yếu đầu tư vào công ty nước ngoài.

Thương vụ đầu tiên của chúng tôi là việc VOF đầu tư vào Kinh Đô để mua lại Kem Wall's (của Unilever) tháng 1/2004. Sau đó, chúng tôi đầu tư vào Hòa Phát, trước khi Hòa Phát lên sàn…

Đây chỉ là những đầu tư gián tiếp (FII), trong khi đó, trên thực tế, một nửa tiền của VinaCapital thuộc dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu là bất động sản du lịch tại Đà Nẵng.

Việc kêu gọi nhà đầu tư vào Việt Nam cũng không hề đơn giản. Điển hình như sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới - khu vực Đông Á tại TP.HCM tổ chức vào tháng 6 năm rồi, với sự tham gia của các CEO thuộc những tập đoàn hàng đầu thế giới.

VinaCapital đã phải mất 3 năm để vận động, trình bày với họ tiềm năng và lợi thế của thị trường Việt Nam. Tính ra, hàng năm, chúng tôi tổ chức trên 10 sự kiện tại Việt Nam và cả nước ngoài để kêu gọi nhà đầu tư.

Năm 2005 - 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nhiệt, nhưng cũng chính thời điểm này, VinaCapital đã chuyển hướng đầu tư vào bất động sản. Lý do nào để anh đi đến thay đổi này?

Trong đầu tư, khi chúng ta bỏ 10 đồng vào một công ty nào đó, thì giá trị trung bình của công ty luôn dao động từ 10 - 12 lần PE. Nhưng đã có thời điểm, con số này tại thị trường Việt Nam là 20 - 25, thậm chí có thời điểm lên 37. Điều này không hợp lý và chúng ta bắt buộc phải chuyển hướng, hay nói đúng hơn là chuyển rủi ro trước khi thị trường thay đổi.

Với kinh nghiệm của mình, theo anh, thời điểm này nên đầu tư vào hạng mục nào? Địa ốc, chứng khoán, hay tài chính?

Năm nay, thị trường căn hộ sẽ chậm lại, giá sẽ giảm nhẹ vì nhà đầu tư chờ xem “động tĩnh” về chính sách tiền tệ. Thời điểm này, ai có nhiều tiền mặt là “vua”, bởi có thể mua lại cổ phần của một số công ty có lợi nhuận ổn định, nhưng đang chào bán với hệ số PE dưới 10 lần.

Song nhà đầu tư cũng nên thận trọng, hãy đầu tư vào công ty nào không mắc nợ nhiều quá để tránh rủi ro. Riêng VinaCapital vẫn ưu tiên cho các lĩnh vực phát triển song hành với nền kinh tế như: sản xuất thực phẩm chế biến, du lịch - giải trí…, bởi đây là những ngành mà dù có lạm phát, nhu cầu vẫn luôn có.

Xin hỏi một câu khá riêng tư và ít khi được anh đề cập, nếu anh dành 80% cho VinaCapital Investment và 20% cho VinaCapital Foundation, vậy còn phần trăm nào cho gia đình?

(Cười to) Tôi hiếm khi chia sẻ về gia đình, vì đó là câu chuyện cá nhân. Nhưng dù đi đâu, tôi cũng trở về nhà tại Việt Nam vào chiều tối thứ Sáu. Việc thành lập VinaCapital Foundation cũng xuất phát từ suy nghĩ cá nhân nhiều hơn.

Theo Báo Đầu Tư.

Post a Comment