Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk

PROFILE - Có đôi lúc hoài nghi về tương lai khi theo học ngành chế biến sữa, song qua những lần cọ xát với khó khăn, người đứng đầu Vinamilk nhận ra niềm đam mê với nghề cứ lớn dần lên và là bàn đạp để vượt qua hàng loạt thách thức.


Nhớ lại lúc được phân công học ở Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) bà Mai Kiều Liên tin nó giống như “định mệnh”. Khi đó cô học sinh 17 tuổi chưa hề có khái niệm gì về ngành sẽ theo học – chế biến sữa, nhất là thời điểm đó (1969), ngành sữa ở Việt Nam chưa phát triển.

5 năm đại học cũng là khoảng thời gian khiến bà trăn trở nhiều về đường hướng sau khi tốt nghiệp. “Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ như mong ước từ nhỏ”, vị lãnh đạo Vinamilk hồi tưởng.

Song thân phụ của bà cho rằng đây là ngành sẽ giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam khi đất nước bước vào thời bình. Lời khuyên này giúp bà Liên kiên định mục tiêu hoàn thành khóa học, song trong tâm trí vẫn chưa có ý nghĩ sẽ xây dựng doanh nghiệp sữa lớn mạnh.

Trở về nước, bà được phân công làm kỹ sư theo ca tại nhà máy sữa Trường Thọ. Sau đó, trải qua nhiều vị trí khác nhau và tới năm 1992, bà trở thành người đứng đầu Công ty Sữa Việt Nam.

Người điều hành Vinamilk từng trăn trở ngành sữa ở Việt Nam chưa thể chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu, trong khi đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Vì thế, bà đã chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam bằng cách chuyển giao con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu mua sữa tươi của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu nhập khẩu để kích thích chăn nuôi trong nước. Song song với đó, đầu năm 1990, Vinamilk nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Đối tượng nhắm tới vẫn là thị trường nội địa nhiều tiềm năng, bởi lượng tiêu thụ ở Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với thế giới.

Gần 20 năm giữ trọng trách “thuyền trưởng”, bà Mai Kiều Liên gặt hái nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Sau cổ phần hóa năm 2003, đến năm 2006 Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán, lúc đó vốn hoá trên thị trường là 530 triệu đôla Mỹ, qua 5 năm, nay vốn hoá đạt được 2 tỷ đôla Mỹ, tăng gần 4 lần. Đà thăng hoa đó khiến Vinamilk định hướng phát triển thành tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đa ngành với sữa, các sản phẩm từ sữa và ngoài ngành sữa như bia, cà phê… thương hiệu Vinamilk. Thế nhưng việc hợp tác đầu tư liên doanh sản xuất bia Zorok cùng SabMiller, nhà máy sản xuất cà phê không như mong đợi, Vinamilk phải chuyển nhượng lại 2 dự án này để bảo toàn vốn.

Rút kinh nghiệm thất bại trên, bà Mai Kiều Liên chỉ hướng tới duy nhất một lĩnh vực (sữa) và tập trung mọi nhân lực, vật lực. Nguồn vốn sau khi chắt chiu qua từng năm chỉ dùng để tái đầu tư, mở rộng sản xuất cho ngành sữa, chứ không đầu tư trái ngành hay rót vào chứng khoán, bất động sản như gợi ý của nhiều người. Cũng chính vì điều này mà hiện tại, Vinamilk chủ động nguồn vốn cho các dự án và hàng loạt kế hoạch đang ấp ủ mà không phải toan tính nên gõ cửa nhà băng nào. Gần đây, ngoài việc mua lại cổ phần của Công ty sữa Thanh Hóa và Bình Định, Vinamilk cũng nghiên cứu mua những công ty đang có nhu cầu bán.

Thế nhưng kể cả sản phẩm chủ lực là sữa, bản thân Vinamilk không phải lúc nào cũng hoàn toàn thắng lợi. Vị lãnh đạo này cho biết tới nay đã có khoảng 10 sản phẩm không được thị trường đón nhận dù có sự chuẩn bị kỹ càng. Đơn cử như sữa chua gừng, nhắm tới thị trường miền Bắc, nơi có thời tiết lạnh, hanh khô, với ưu điểm giúp làn da khỏe, không bị khô nứt. Song mặt hàng này không bán chạy, doanh số ít, khó thuyết phục người tiêu dùng. Mặc dù trước khi sản xuất, doanh nghiệp đã nghiên cứu, điều tra thị hiếu người tiêu dùng khá kỹ.

”Một trong những nguyên nhân có thể do lựa chọn người dùng thử chưa nhiều, chưa tiêu biểu và ở phạm vi hẹp”, vị Tổng giám đốc nhớ lại.

Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm qua đã không chừa một doanh nghiệp nào. tỷ giá biến động, lãi suất tăng cao, lạm phát nhảy vọt, người dân thắt chặt chi tiêu. Theo bà Liên, 2011 là năm hoạt động đầy trắc trở với doanh nghiệp, hầu như không có thuận lợi nào mà chỉ toàn thách thức. Vì vậy kế hoạch năm nay Công ty đưa ra tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm trước. Việc giao chỉ tiêu cho mỗi nhân viên cũng phải có kế hoạch, tính toán hợp lý.

Giữa năm ngoái, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận so với mục tiêu ban đầu. Song điều này đã không lặp lại trong năm nay. “Chưa khi nào, doanh nghiệp tiết giảm tối đa như năm nay. Gói chi phí chỉ được giải ngân 90%, thay vì 100% như mọi năm. 10% còn lại dự phòng khi có việc gấp cần xử lý”, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết.

Hiện nay tình hình chung của các doanh nghiệp trong nước gặp phải như: giá nguyên liệu thế giới tăng cao, hoạt động kinh doanh như “ngồi trên đống lửa” bởi áp lực lãi vay. Đơn vị nào phụ thuộc lớn vào vốn vay coi như bị thương nặng. Theo bà Liên, điều kiện bình thường, lãi vay 22-25% đã không có lời, huống chi đặt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chưa kể, lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh mà phải tăng giá bán (do nguyên liệu đầu vào, lãi vay tăng cao…) khiến việc cạnh tranh ngày càng gay gắt, thậm chí đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Trong khi đó, chính sách vĩ mô cũng không ổn định, doanh nghiệp khó lường. Nhưng với Vinamilk do có kế hoạch cụ thể 1 năm, 3 năm hay 5 năm, và chủ động được nguồn nguyên liệu nên mọi hoạt động diễn ra như theo kế hoạch nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Ngoài việc chờ can thiệp, người điều hành Vinamilk cho rằng bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Thay vì chờ lãi suất hạ, bản thân doanh nghiệp tự xoay sở nguồn vốn ở kênh khác, cắt giảm chi phí ở những khâu nào còn có thể, tìm đến phân khúc thị trường mới, sáng tạo ra sản phẩm mới…

Vinamilk đặt mục tiêu cuối năm nay đạt doanh thu 1 tỷ USD, đứng trong top 50 công ty sữa có doanh thu cao nhất thế giới vào năm 2017 với 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2010, Vinamilk là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất tại khu vực châu Á do Tạp chí Forbes Asia bình chọn.

Theo thời gian, sự đam mê thay thế cho những bỡ ngỡ, thậm chí hoài nghi về chọn lựa ngành chế biến sữa khi còn là sinh viên. Tới nay, 90% ý tưởng mới của Vinamilk xuất phát từ chính “thuyền trưởng” Mai Kiều Liên, dựa trên sự quan sát nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và sở thích tìm tòi thêm những hương vị mới lạ. Lạc quan khi cho rằng không khó khăn nào không thể vượt qua, mà chính những trải nghiệm này sẽ giúp bản thân dày dạn kinh nghiệm ứng chiến, bà Mai Kiều Liên luôn tâm niệm phải tìm ra mắt xích nào đang có vấn đề trong tổng thể, từ đó chỉ việc giải quyết nó.

Theo Vnexpress

Post a Comment