Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » CEO Việt Nam và 10 vấn đề "nóng" về kinh tế

Kiva.Dang A+ A- Print Email
Tối ngày 02/10, ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế hàng đầu khu vực Châu Á của Ngân hàng phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới đã có buổi trò chuyện với các thành viên trong Câu lạc bộ CEO Việt Nam về 10 chủ đề nóng nhất của CEO về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Raymond Mallon, dấu hiệu của cuộc khủng hoảng toàn cầu đã xuất hiện ở nhiều quốc gia giàu có. Sự sụp đổ của các ngân hàng quốc tế lớn, việc điều hành quản lý yếu kém của Hoa Kỳ … đã và đang làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, nét khác biệt của cuộc khủng hoảng tài chính này so với cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á trước đây là nó diễn ra ở một trung tâm kinh tế thương mại lớn trên thế giới. Đó là Hoa Kỳ.“Thật khó đánh giá được tác động cụ thể của cuộc khủng hoảng này tới toàn cầu. Song Châu Á là khu vực có môi trường kinh doanh tương đối tốt và Việt Nam cũng là nước có tiềm năng tăng trưởng tốt nên khả năng bị tác động mạnh là ít” ông Raymond nói.

Hiện nay,10 chủ đề nóng nhất của CEO về môi trường kinh doanh tại Việt Nam mà ông Raymond Mallon đề cập đến gồm:

Thứ nhất, các vấn đề toàn cầu và bộ mặt khủng hoảng tài chính hiện nay.

Theo ông Raymond, môi trường kinh doanh toàn cầu đang gặp phải những khó khăn như: tăng trưởng kinh tế suy giảm, một số vấn đề của công ty tài chính toàn cầu tác động lên dòng tài chính; tốc độ xuất khẩu đang bị chậm lại…

Tuy nhiên, so với các khu vực khác, Châu Á vẫn là khu vực có khả năng tăng trưởng mạnh. “Tác động của cuộc khủng hoảng này sẽ còn tồn tại trong một thời gian nữa, các quốc gia Châu Á sẽ ít bị tác động hơn là các nước Châu Âu và Châu Mỹ la tinh vì không phải chịu nhiều ảnh hưởng từ nguồn tài chính bên ngoài” – ông Raymond Mallon nói.

Thứ hai, những bất ổn định về kinh tế vĩ mô.

Lạm phát cao đã tác động lên khả năng cạnh tranh và toàn thể xã hội. Những khó khăn về đảm bảo các khoản tín dụng, tài chính đi vay và ngoại hối, thâm hụt tài khoản vãng lai, giảm giá trị thương mại, không duy trì liên tục thành quả…là những khó khăn của Việt Nam.

“Lạm phát trong nước tăng cao một phần do Chính phủ chưa có những bước can thiệp nhanh chóng và không ngoại trừ do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài tác động vào như sự gia tăng của giá cả, lương thực, xăng dầu, khoáng sản…” – ông Raymond khẳng định.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có những lợi thế của mình như: Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á, khu vực được đánh giá là tăng trưởng cao nhất trên thế giới, nên việc làm và thu nhập có sự tăng trưởng mạnh mẽ, công nghiệp cũng phát triển mạnh…

Do đó, một số chỉ tiêu kinh tế chủ chốt được dự báo vẫn duy trì tốc độ phát triển. “Dù tăng trường có giảm đi chút ít, nhưng vấn đề quan trọng là vẫn giữ được sự ổn định. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn và điều này là có lợi, song nguồn đầu tư gián tiếp sẽ là mối lo ngại vì nó không ổn định và có thể đảo chiều bất cứ lúc nào” ông Raymond nhận xét.

Thứ ba, đổi mới các mạng lưới sản xuất trong khu vực và các kết nối khác.

Về thách thức, có thể thấy Việt Nam chậm chuyển giao công nghệ và các kỹ năng, thiếu các kỹ năng nổi bật, không phát triển các kỹ năng cần thiết để có thể tham gia vào các mạng lưới sản xuất trong khu vực có giá trị cao hơn. Nhưng Việt Nam có nhiều thuận lợi là nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng và bí quyết.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh thương mại và đầu tư trong khu vực Châu Á phát triển mạnh hơn thương mại Châu Á với các nước ngoài khu vực, việc hội nhập với các mạng lưới sản xuất trong khu vực, các công ty tầm cỡ quốc tế đang nổi lên ở Châu Á cũng là những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam phát triển.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng.

Vấn đề cung cấp điện, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, độ tin cậy, chi phí cũng như công việc hậu cần là những thách thức mà Việt Nam gặp phải. Hiện nay, chi phí container (xuất khẩu) của Việt Nam đang cao hơn so với một số nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.

Yếu tố này sẽ làm hạn chế sức cạnh tranh của Việt Nam trong thương mại quốc tế. Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng đang có những thuận lợi đáng kể, đó là một lượng lớn vốn FDI của nước ngoài đang đổ vào Việt Nam để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Thứ năm, nguồn nhân lực.

Những khó khăn có thể nhìn thấy là chi phí nguồn nhân lực ngày càng tăng, đa số vẫn còn thiếu kỹ năng, thiếu các giám đốc điều hành, chậm chạp trong việc cải cách đào tạo, dạy nghề, và sau đại học …. Thế nhưng, Việt Nam có lợi thế là tỷ lệ biết chữ khá cao, kỹ năng tính toán giỏi, có tham vọng học hỏi các kỹ năng mới, dân số trẻ và tỷ lệ phụ thuộc thấp. Đây sẽ là những thuận lợi cơ bản để phát triển nguồn nhân lực mới ở Việt Nam.

Thứ sáu, thị trường bất động sản, xây dựng.

Khó khăn của Việt Nam là ít các giao dịch, giá cả bất động sản đang giảm sút, huy động vốn khó khăn, chi phí xây dựng tăng, chậm tiến độ, ... Thế nhưng, Việt Nam lại có những thuận lợi là giá cho thuê văn phòng tương đối cao, đặc biệt là ở các trung tâm thương mại, khoản nợ về tài chính tương đối nhỏ, sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu đô thị, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản của Việt Nam…

Thứ bảy, tài chính, quản trị doanh nghiệp.

Tỷ lệ lãi suất cao, tính thanh khoản thấp, sự tự tin của các nhà đầu tư yếu, thị trường vốn yếu, quản lý công ty kém, kỹ năng của giám đốc điều hành chưa cao là những khó khăn mà Việt Nam gặp phải. Nhưng, bù lại, vẫn có những thuận lợi nhất định như khối ngân hàng đang phát triển, xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán, dòng tiền FDI và lượng tiền gửi lớn, quỹ đầu tư đang phục hồi,…

Thứ tám, khung pháp lý cho doanh nghiệp.

Khó khăn là giám sát chất lượng còn yếu kém đối với việc ban hành các chính sách, quy định mới; thiếu thống nhất trong các điều khoản quy định; yếu kém trong thực thi; sự can thiệp khá nhiều của các thủ tục hành chính.

Đổi lại, Việt Nam rất tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng và khối dịch vụ, cải thiện khả năng quản lý của các doanh nghiệp Nhà nước và giới hạn cho vay đối với các doanh nghiệp này.

Thứ chín, đô thị hoá.

Thuận lợi của Việt Nam là phát triển đô thị gia tăng, mở rộng quy mô các ngành kinh tế cùng với sự đô thị hoá đã tạo ra một số thị trường mới (tầng lớp trung lưu)… Song những khó khăn cũng không nhỏ: số lượng hộ gia đình ở các khu vực đô thị sẽ gia tăng nhanh chóng, dẫn đến áp lực về cơ sở hạ tầng và xã hội nguy cơ tiềm tàng của các tác động tới môi trường...

Thứ mười, vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp.

Theo ông Raymond, sự nóng lên của kinh tế toàn cầu có thể có những tác động tiêu cực lớn đến Việt Nam: Không khí đô thị sẽ bị ô nhiễm, chất lượng nước cũng bị giảm đi. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để Việt Nam học hỏi từ các nước trên thế giới, cơ hội cho các công ty có thương hiệu học cách ứng xử thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực quản lý nguồn nhân lực quốc gia.

Từ những phân tích đó, ông Raymond Mallon khẳng định: "Trong ngắn hạn, Việt Nam cần cẩn trọng và trước mắt là phải vượt qua được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tuy nhiên, nếu xét về dài hạn tình hình sẽ rất lạc quan đối với sự tăng trưởng của Việt Nam".

(DĐDN)

Post a Comment