Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Băn khoăn với “Thương hiệu quốc gia”

Kiva.Dang A+ A- Print Email
Tại buổi tọa đàm "Thương hiệu sản phẩm và thương hiệu quốc gia" vào sáng 3-10 tại TPHCM, một số doanh nghiệp mặc dù đã được trao biểu trưng thương hiệu quốc gia, nhưng vẫn còn băn khoăn chưa hiểu lắm về khái niệm này.

Theo đó, họ cho rằng thương hiệu quốc gia phải là doanh nghiệp có sản phẩm ảnh hưởng tầm cỡ quốc gia, doanh nghiệp có doanh thu cao, sản phẩm phải đạt tiêu chí bảo vệ môi trường, nói chung phải là những tiêu chí được xây dựng cụ thể. Thế nhưng, qua buổi tọa đàm mới hay mỗi doanh nghiệp có cách hiểu riêng về khái niệm này.

Ông Lê Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty May Nhà Bè, cho biết, mặc dù doanh nghiệp đã được trao biểu trưng thương hiệu quốc gia vào ngày 18-4 vừa qua, thế nhưng đến nay, chính bản thân ông cũng không rõ lắm về định nghĩa và tiêu chí lựa chọn thương hiệu quốc gia.

Ông Tuấn cho rằng ngay tại buổi tọa đàm mới hay mỗi doanh nghiệp hiểu về định nghĩa và khái niệm "Thương hiệu quốc gia" theo mỗi kiểu thì chưa ổn lắm. Đúng ra, tất cả các khái niệm phải đuợc làm rõ trước khi tiến hành trao biểu trưng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên thường trực của Ban thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia, nói rằng chương trình này do Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia.

Thương hiệu quốc gia được lựa chọn hướng vào ba giá trị cốt lõi gồm “chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực lãnh đạo”. Các thương hiệu Việt Nam được chọn tham gia chương trình phải có uy tín với khách hàng, có định hướng phát triển bền vững, có chính sách, có kế hoạch và nguồn lực phát triển thương hiệu cụ thể, lâu dài.

Ông Trung cho rằng, biến những câu hỏi về giá trị thành hành vi cụ thể để áp dụng tại các doanh nghiệp. Khi cộng đồng doanh nghiệp thực hành các hành vi này, lâu ngày ngấm dần vào cộng đồng doanh nghiệp, ngấm dần vào các thế hệ tạo nên cái gọi là thương hiệu quốc gia.

Tóm lại, có thể nói, nếu doanh nghiệp không theo kịp những giá trị tư tưởng này thì sẽ bị đào thải, còn nếu chỉ vươn lên về mặt hình thức không thôi thì cũng không mang lại giá trị thiết thực gì.

Ông Lý Quí Trung, Chủ tịch HĐQT tập đoàn An Nam, cho biết theo quan điểm cá nhân ông, không phải quốc gia nào cũng có thương hiệu. Thương hiệu được hiểu là cái nổi trội của sản phẩm, nó gắn chặt với tình cảm người tiêu dùng. Còn không, không thể gọi là “thương hiệu”.

Ông Trung đề xuất Việt Nam nên quy hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia tập trung vào các ngành nghề thế mạnh và tiêu chí được xây dựng cụ thể. Xây dựng thương hiệu quốc gia được xem như xây dựng một khu chế xuất, doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí chung thì cho vào đầu tư.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ còn cho ví dụ về thương hiệu quốc gia như một quỹ đạo mà trên đó, tất cả các thành viên đều vận động theo quỹ đạo đó.

“Đối với ngành y chúng tôi thì khi nghĩ đến việc mua thiết bị chữa bệnh thì nghĩ ngay đến Nhật, Đức… Đơn giản không chỉ vì chúng tôi muốn mua chất lượng sản phẩm đã được khẳng định, mà còn mua cả tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật và tinh thần thép của người Đức nữa. Tựu trung, thương hiệu quốc gia là cái kết tinh từ nhiều yếu tố khác nhau, tạo nên cái cốt lõi của quốc gia đó”, ông Tùng nói.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, thì cho rằng một doanh nghiệp phát triển theo ba giai đoạn: xây dựng và hình thành, phát triển, khẳng định tính bền vững của doanh nghiệp. Thương hiệu phải được nỗ lực đầu tư phát triển không ngừng và liên tục, nếu không, thương hiệu sẽ mất đi, sẽ bị đào thải.

Sau buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên thường trực của Ban thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia, cho biết ban thư ký sẽ tiếp thu những ý kiến phân vân của doanh nghiệp để khắc phục và làm tốt hơn nữa trong lần trao biểu trưng 2 năm sau.

TBKTSG

Post a Comment