Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » » Học công nghệ lăng xê của iPhone


Nếu anh ta muốn được nhìn thấy và xin chữ ký thần tượng của mình, anh ta sẽ đến sớm và xếp hàng chờ đợi hàng tiếng. Nhưng vì đang chờ mua Iphone, nên anh ta xếp hàng nguyên một tuần.

Câu chuyện đó được kể từ “thời” iPhone năm ngoái đến iPhone 3G năm nay. Trong ảnh là cảnh tượng người Pháp xếp hàng dài trên đại lộ Champs-Elysee, dưới cái lạnh của Paris để chờ mua iPhone, ngày 28/11/2007. Số ít hơn là những người dựng lều trại, ăn chực nằm chờ bên các kho hàng và đại lý của Apple.

Ngày 5/7/2008, phóng viên của CNN lại thấy một nhóm dựng trại bên ngoài Apple’s Fifth Avenue Store. Bốn chàng trai và một cô gái trẻ thuộc một nhóm hoạt động có tên TheWhoFarm quyết tâm lập kỷ lục Guinness về “xếp hàng lâu nhất để đợi mua một cái gì đó”.

Nhóm này muốn “ăn theo” sự kiện iPhone 3G để gửi thông điệp tới ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng (chưa rõ sẽ là Obama hay McCain): Hãy biến bãi cỏ rộng 17 mẫu Anh của Nhà Trắng thành nông trại! Tình huống trên có thể làm Steve Jobs (CEO của Apple) hơi kém vui vì nhóm xếp hàng không “toàn tâm toàn ý với iPhone”, nhưng dẫu sao, việc iPhone “hút” được những người hâm mộ cuồng nhiệt (dù là số ít), hoặc ai đó có mục đích khác, tới xếp hàng cả tuần chờ mua máy đã là một thắng lợi lớn.

Công việc còn lại sẽ là của giới truyền thông, tha hồ truyền tải khắp thế giới thông tin về việc có những kẻ “điên rồ” như thế, và công chúng càng thêm tò mò về iPhone 3G.

Phải thừa nhận rằng công nghệ lăng-xê của Apple rất tân tiến, tân tiến như công nghệ sản phẩm của họ vậy. Nó biến những đối tượng được lăng-xê của hãng thành những “ngôi sao”, để cho kẻ khác được nâng gót, chăm sóc, tô điểm.

Ví như iPod, theo sau “sao” này là một loạt hãng chuyên cung cấp phụ tùng như: Belkin, iSkin với vỏ bao; iRhythms, Altec Lansing với loa và tai nghe;… iPhone cũng không kém phần đình đám. Ngoài những phụ kiện thông thường, một số hãng chế tác thủ công còn “độ” lại vỏ máy để nâng “tầm” cho chiếc siêu điện thoại, như những chiếc iPhone nạm vàng, bạch kim, kim cương của các nhà chế tác Omasu, GoldStriker, Continental Mobiles…

Không chỉ tạo ra một ngành công nghiệp “ăn theo”, iPhone còn làm nên một khái niệm về “mốt” cho thiết kế điện thoại di động. Hãy nhìn chiếc điện thoại i900 Omnia của Samsung, trông nó không mấy khác iPhone: màn hình cảm ứng rộng, tối thiểu phím bấm, và còn giống iPhone ở lớp viền kim loại. Các hãng LG, Sony Ericsson, HTC… cũng đều có một vài dòng sản phẩm như thế.

Sở hữu một sản phẩm được lăng-xê, không có nghĩa là tự sản phẩm đó sẽ lăng-xê cho chủ. Nhưng, thử trải nghiệm nó, thử lý giải tại sao câu chuyện quanh nó ồn ào đến vậy, hiệu quả có lẽ không chỉ dừng ở một thú chơi, mà còn gợi mở thêm cho ý tưởng kinh doanh. Một ví dụ, phân tích sơ bộ iPhone dưới góc độ 4 chiến lược của marketing (4-p):

Product (sản phẩm): Là sản phẩm công nghệ nên iPhone tập trung vào những công nghệ cao và đặc biệt lý thú, có tính tương tác mạnh với người dùng, như công nghệ chạm đa điểm, màn hình tự điều chỉnh chế độ hiển thị ngang/dọc theo chiều xoay,…

Price (giá cả): Nói theo ngôn ngữ của người Việt là “phải chăng”. Một chiếc iPhone 8GB hiện nay có giá khoảng 400USD, còn iPhone 3G sẽ có giá rẻ hơn: 299USD (với điều kiện người mua sử dụng mạng dịch vụ của AT&T trong thời gian 2 năm).

Place (phân phối): iPhone “chính ngạch” sẽ chỉ được phân phối qua một số nhà cung cấp dịch vụ mạng, điều đó hỗ trợ khá nhiều cho giá bán, đồng thời lại tạo cho người mua cảm giác mình mua được sản phẩm thuộc “limited range” (số lượng có hạn).

Promotion (khuếch trương): Không phải bàn thêm! Và iPhone đã thành công, ít nhất là trong marketing, cho tới thời điểm này.
(DĐDN)

Post a Comment