Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Nguyễn Ngọc Điệp - CEO Vatgia.com


PROFILE - Thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư tiêu hết vèo chỉ sau 12 tháng, phải cầm cố cả nhà cửa, Nguyễn Ngọc Điệp vẫn không từ bỏ ý xây dựng web mua sắm có cái tên rất Việt - Vatgia.com. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời (Nhà may Phú Hưng với hơn mười cửa hàng tại Hà Nội), dường như chẳng bao giờ Điệp phải lo toan đến những chuyện cơm - áo - gạo - tiền.

Năm 22 tuổi sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Thương, Điệp nhanh chóng đầu quân cho một doanh nghiệp ở Nhật Bản rồi trở thành một trong những người làm thuê với mức lương tháng lên tới hơn 10.000 USD. Anh nhanh chóng tậu nhà, xe và nhiều phương tiện khác có giá trị mà chẳng cần bất cứ sự trợ giúp nào từ cha mẹ.

“Cuộc đời là chuỗi những nhân duyên, chẳng ai sinh ra đã nghĩ mình sẽ trở thành ông chủ doanh nghiệp, tôi cũng vậy. Đôi khi cơ hội đến bất ngờ như thể số phận đã định sẵn vậy và nó buộc phải xảy ra”, Giám đốc Vatgia.com lý giải rất đơn giản về con đường khởi nghiệp của mình.

Hồi đó, bạn bè, người quen thường nhờ Điệp đặt mua máy tính, máy ảnh, camera, mỹ phẩm,… của Nhật để gửi về Việt Nam. Công việc bận rộn, không có điều kiện đi lại nhiều, Điệp mày mò đặt mua hàng qua các trang mạng của Nhật. Thực hiện càng nhiều giao dịch online, Điệp càng thấy ham mê. Anh bắt đầu để tâm nghiên cứu các website thương mại điện tử tại đây.

Ban đầu, Điệp có ý tưởng xây dựng một website hoàn toàn bằng tiếng Nhật để cung cấp thông tin về Việt Nam cho khách hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với họ, anh hiểu rằng người Nhật yêu cầu tiêu chuẩn rất cao. Ngoài thông tin đồng bộ, họ còn yêu cầu hệ thống thanh toán, thẻ tín dụng… kèm theo, nên anh làm thử bằng tiếng Việt trước.

“Bạn bè là người Nhật khi biết ý tưởng này cũng khuyên tôi nên tập trung làm thị trường Việt Nam bởi với gần 90 triệu dân, đây là một thị trường vô cùng tiềm năng cho thương mại điện tử, lại đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn, chưa có một công ty nào chiếm lĩnh”, Điệp kể.

Anh mang ý tưởng này đến làm việc với gần 20 công ty có tiếng về công nghệ tại Việt Nam để đặt hàng họ phát triển. Tất cả đều lắc đầu từ chối vì yêu cầu của Điệp đưa ra về dữ liệu và tính năng quá khó và phức tạp. Chán nản nhưng Điệp không chịu bỏ cuộc, anh tiếp tục tìm người nghiên cứu độc lập. Sau 6 tháng làm ngày làm đêm, website vatgia.com bắt đầu thành hình vào đầu năm 2007.

Những ngày đầu hào hứng, Điệp nhẩm tính với số vốn tích luỹ vài trăm nghìn đôla, cộng thêm tiền cho thuê căn nhà anh sở hữu và tiền lương làm thêm cho công ty cũ, anh có thể duy trì được công ty mới hoạt động. Ai ngờ, đúng một năm sau, khi vatgia.com vẫn còn trong giai đoạn khởi động, chưa mang lại doanh thu thì nguồn vốn mà anh có - 300.000 đôla bắt đầu cạn kiệt. Trong khi, mỗi tháng anh vẫn phải ứng tới 200 triệu đồng để trả lương nhân viên, Vatgia.com đứng chênh vênh bên bờ phá sản. Đã có lúc anh tính đến việc bán nhà, bán xe, cầm cố đồ đạc có giá trị để duy trì công ty hoạt động.

Thế nhưng, trong lúc khó khăn nhất, vận may vẫn mỉm cười với Điệp. Bạn bè bên Nhật biết anh khó khăn đã tự nguyện giúp đỡ người 5.000, người 10.000 đôla và động viên anh vượt khó. Được bạn bè giúp sức, vatgia.com tiếp tục duy trì hoạt động cho đến tháng 3/2008 thì Quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ - IDG đã quyết định rót vốn vào đây. “Trước khi IDG vào một tháng, chúng tôi đang ở giai đoạn cầm cự, anh em 'ăn cơm nắm nằm vùng' để duy trì hoạt động của công ty”, Điệp kể.

Thế nhưng, có tiền, Điệp lại vấp phải khó khăn mới - đó là nghĩ cách tiêu tiền. “Có tiền, chúng tôi bắt đầu mở rộng quy mô, lập cơ sở mới, thuê văn phòng to đẹp hơn, thu nhập anh em cũng tăng đáng kể. Thế nhưng, cái khó lại nảy sinh”, Điệp kể.

Vatgia.com khởi đầu với 5 thành viên bỗng chốc tăng tới 70 người, rồi 120 nhân viên… Điệp đối mặt với thách thức trong quá trình hoạt động, nhân viên đi về không ai quản lý, phòng nhân sự chưa có, mỗi thành viên quản lý một nhóm nhỏ độc lập như một vương quốc riêng.... Mọi thứ trở nên hỗn loạn. Lúc bấy giờ, Điệp cầu cứu các công ty lớn cùng ngành tại Nhật.

“Sau khi nghe, họ không đưa ra lời khuyên mà tặng cho cuốn sách và nói về nhà đọc, mọi bí quyết nằm cả trong đó”, anh kể. Đọc xong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” mà bạn bè tặng, Điệp thở phào. Anh hiểu rằng muốn công ty lớn mạnh phải cần xây dựng một văn hoá riêng, có giá trị cốt lõi, mục tiêu dài hạn... mới có thể thống nhất phát huy được sức mạnh tinh thần và mọi nguồn lực của nhân viên.

Điệp tâm niệm trong công ty, ông chủ duy nhất là khách hàng. "Tôi nhớ mãi câu nói của Sam-Walton người sáng lập Tập đoàn bán lẻ số 1 thế giới Wal-Mart: Trong công ty, chỉ có một ông chủ duy nhất đó là khách hàng. Khách hàng có thể đuổi việc từ giám đốc cho đến nhân viên chỉ với một hành động duy nhất đó là mua hàng của công ty khác. Chính câu nói này đã định hướng toàn bộ công ty tôi”, Điệp nói.

Xác định được hướng đi, mục tiêu và giá trị cốt lõi, vatgia.com nhanh chóng ổn định hệ thống và tạo nên những bước nhảy vọt. Đến đầu năm 2010, vatgia.com bắt đầu tạo ra dòng tiền dương.

Nhiều năm nay, Điệp vẫn trung thành với chiếc xe mà anh mua khi còn làm tại công ty cũ và giữ mức lương 1.000 đôla một tháng. Trong khi đó, nhiều cán bộ dưới quyền nhận khoản thu nhập gấp đôi thậm chí gấp 3 so với giám đốc. Sở dĩ anh sống sung túc với mức lương "khiêm tốn" này vì cho rằng mình may mắn khi vẫn giữ được 2 căn nhà cho thuê. Đây là 2 trong số 3 căn nhà mà Điệp mua được tại thời điểm chưa thành lập công ty riêng.

Năm học lớp 9, bố mẹ ly hôn, anh phải ở nhờ họ hàng và di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Tại thời điểm đó, Điệp hiểu được giá trị của ngôi nhà nên khi kiếm được tiền là anh quy đổi hết ra nhà đất. Thế nhưng kể từ khi mở công ty, tất cả nhà đều phải cho thuê để có tiền duy trì Vatgia hoạt động.

Năm 2008 (vừa tròn 30 tuổi) anh được về ở tại căn nhà của chính mình bởi đã có dòng tiền đầu tư đến từ IDG. “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi trong quá trình khởi nghiệp là đã trở về được chính ngôi nhà của mình chứ không phải tiếp tục sống kiếp ở thuê nữa”, Điệp tâm sự.

Bài viết của Diễn giả Dương Hồng Lễ.

Post a Comment