Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Lương Trí Thìn - CEO Đất Xanh Group

PROFILE - 10 tuổi tập đi buôn, ra đời kiếm sống từng bị đói, bị lừa, nếm thất bại, song Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ xây dựng địa ốc Đất Xanh Lương Trí Thìn chia sẻ: "Không có khủng hoảng sẽ không có tôi ngày hôm nay".


Từ khi ra đời tự lập kiếm sống, ông đã trải qua rất nhiều ngành nghề như điện tử, nhà hàng, du lịch, du học, xây dựng... Tại sao ông quyết định trụ lại ở bất động sản?

Sinh ra trong gia đình làm nghề nông nghèo khó ở Thanh Hóa, từ nhỏ tôi đã sống dựa vào đất để trồng trọt, nặn tượng đất để bán lấy tiền mua sách vở. Bên cạnh say mê đất, tôi cũng vô cùng đam mê kinh doanh. Năm 10 tuổi, tôi cùng một số anh em trong vùng rủ nhau mang hàng Việt Nam sang Trung Quốc đổi lấy đồ điện tử. 12 tuổi, tôi bắt đầu ra đời kiếm sống bằng đủ nghề.

Thời thiếu niên đi nhiều nơi đã mang lại cho tôi sự am hiểu các vùng miền, nuôi ước mơ một ngày nào đó có vốn sẽ kinh doanh bất động sản. Thế nhưng, từ buôn gạo, trái cây, hàng điện tử; tư vấn việc làm, du học; lập công ty du lịch, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, xây dựng... tôi đều kém duyên. Cho đến khi Đất Xanh ra đời năm 2003, tôi thấy mình tìm được hướng đi lâu dài.

Ông từng nhấn mạnh: "không có khủng hoảng sẽ không có tôi ngày hôm nay". Vì sao ông lại nói như vậy?


Bởi vì nhờ nỗ lực trong giai đoạn khủng hoảng mà tôi đi đúng đường và từng bước tạo dựng nên Đất Xanh ngày hôm nay. Năm 2001-2002 đất nền, đất nông nghiệp sốt nhưng năm 2003 thị trường lại tê liệt. Đất Xanh ra đời vào đúng thời kỳ khó khăn này. Có lúc tôi không đủ tiền trả lương nhân viên, song tôi không tuyệt vọng. Khi thị trường bán toàn đất nền, tôi chuyển hướng sang bán căn hộ. Người ta mắng tôi điên rồ.

Nhưng rồi khi bán nhà chung cư chẳng ai thèm mua, tôi đánh liều sang Singapore tìm hiểu và ghi lại hình ảnh văn minh của nhà chung cư mang về Việt Nam. Sau nhiều lần quảng bá, thuyết phục và đích thân đi bán hàng, tư vấn trầy trật, cuối cùng tôi cũng môi giới thành công hai dự án căn hộ tại quận Thủ Đức giáp với Bình Dương. Sau đó, nhiều khách hàng tìm đến tôi để mua căn hộ chung cư.

Đến năm 2005-2006 tôi chuyển hướng sang thị trường vùng ven và chọn Bình Dương làm đất hứa. Thời đó chẳng ai giao dự án cho tôi bán vì Đất Xanh còn vô danh. Tôi đã cam kết bán không được sẽ đền gấp 5 lần, cuối cùng chủ đầu tư gật đầu. Từ đó tôi có cơ hội chinh phục thị trường này. Tóm lại, từ những giai đoạn khủng hoảng của bất động sản, tôi lại tìm thấy ngã rẽ mới cho doanh nghiệp và không ngại chuyển mình để thích ứng với hoàn cảnh.

Ông nghĩ gì khi có tên trong danh sách top 100 người giàu trên sàn chứng khoán do VnExpress.net thống kê?

Khát vọng lớn nhất của tôi là đưa Đất Xanh trở thành công ty vững mạnh, vươn ra toàn cầu. Tôi lọt vào danh sách Top 100 người giàu dĩ nhiên là một niềm vui. Thế nhưng điều quan trọng là mình làm được những gì hơn là thứ hạng.

Dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khi đánh giá xếp hạng người giàu. Vậy còn ông thì sao?

Tôi nghĩ câu chuyện đánh giá, xếp hạng người giàu là cần thiết. Thông thường Nhà nước cũng tôn vinh những cá nhân đã cống hiến cho xã hội, đất nước. Người giàu nộp thuế nhiều và đương nhiên họ có cống hiến rất lớn. Nếu hàng năm doanh nghiệp nào cũng nộp thuế cho Nhà nước vài trăm tỷ đồng thì đất nước sẽ phồn thịnh biết bao. Nếu có vài triệu người giàu nộp thuế như thế thì đó là điều đáng mừng.

Tại sao cộng đồng quốc tế đánh giá Mỹ là cường quốc? Bởi vì xứ sở này có nhiều tỷ phú nhất thế giới. Nói một cách khác, tôi cho rằng xếp hạng người giàu là cách nhìn tích cực, đó cũng là đích đến của nhiều doanh nhân.

Tôi mong rằng không chỉ có VnExpress.net thống kê và xếp hạng người giàu một cách bài bản theo thông lệ thường niên mà Nhà nước cũng nên trao bằng khen cho họ để tôn vinh.

Trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2010 vừa qua, ông đã vượt qua khó khăn như thế nào?

Từ năm 2007 tôi đã nhìn thấy cần quản trị và tái cấu trúc lại doanh nghiệp và bắt tay vào chuẩn bị. Đến năm 2008 xem như kế hoạch đã hoàn tất nhưng tôi lo ngại thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên chờ đến tháng 12/2009 Đất Xanh mới niêm yết trên sàn chứng khoán. Lúc này vốn doanh nghiệp chỉ có 80 tỷ đồng. Đến tháng 7/2010 vốn của Đất Xanh được cơ cấu tăng thêm, đạt 160 tỷ đồng và trong tháng 12 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ tăng vốn lên thành 320 tỷ đồng. Kênh huy động vốn tốt nhất từ xưa đến nay là từ khách hàng, nhưng chỉ những doanh nghiệp có uy tín mới thực hiện được. Trong bối cảnh khó khăn về vốn, chứng khoán là một kênh huy động hiệu quả.

Nhiều người thắc mắc vì sao tôi vẫn chọn cuối năm 2009 để lên sàn trong khi tình hình thị trường bất động sản 2010 vẫn bị đánh giá không khả quan. Câu trả lời của tôi là lên sàn ngay trong thời kỳ khó khăn để đo lường sức khỏe và sức đề kháng của doanh nghiệp. Nếu vượt qua được thời kỳ gian nan nhất thì doanh nghiệp có cơ hội trưởng thành, dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh để tiến lên. Tôi luôn quan niệm phải đặt mình trong những thách thức để tăng khả năng vượt khó cho doanh nghiệp.

Đúng là 3 năm khủng hoảng 2008-2010 thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, dù khủng hoảng đến đâu, người ta vẫn ăn, mặc, ở, làm việc và mưu cầu hạnh phúc. Tùy từng thời kỳ mỗi doanh nghiệp phải vạch ra con đường riêng phù hợp với mình. Quan điểm của tôi là "trong nguy cơ sẽ có cơ hội, khi người ta chạy đi thì mình đến".

Mục tiêu phấn đấu của ông trong năm 2011 là gì?

Từ khi thành lập đến nay Đất Xanh được 7 tuổi. Tính đến năm 2010 vốn doanh nghiệp khoảng 320 tỷ đồng, có 15 công ty con và 5 công ty thành viên. Dự kiến trong năm 2011 Đất Xanh sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu. Tôi cũng tính đến chuyện gọi vốn quốc tế cho các dự án bất động sản của Đất Xanh trong tương lai.

Theo VnExpress.

Post a Comment