Vietnam Green - Ngành truyền thông có thể đang trải qua những thời điểm sóng gió, nhưng ít nhất một thứ vẫn không thay đổi: thu nhập hậu hĩnh cho các nhà lãnh đạo.
Thu nhập nhiều triệu đô-la
Giới điều hành cấp cao tại các công ty truyền thông lớn nhất của Mỹ tiếp tục thu về những khoản lương nhiều triệu đôla trong năm 2009, một năm cắt giảm chi phí diễn ra phổ biến trong khắp ngành này. Trong một số trường hợp, thu nhập của họ thậm chí còn tăng hơn so với năm trước.
Đứng đầu danh sách là Leslie Moonves, giám đốc điều hành của CBS Corporation. Tổng thu nhập của ông năm 2009 lên tới gần 43 triệu USD, hơn gấp đôi những gì ông kiếm được vào năm 2008, theo một phân tích của Equilar, công ty nghiên cứu thanh toán lương cho giới điều hành.
Không xa phía sau là giám đốc điều hành của Viacom, Philippe P. Dauman, người được trả gần 34 triệu USD, tăng 22% so với năm 2008. Sumner M. Redstone, nhà điều hành CBS và Viacom, hưởng thu nhập hơn 33 triệu USD từ hai công ty cộng lại.
"Bất cứ ai nghiên cứu ngành kinh doanh này đều biết rằng lợi nhuận đang được ép chặt tại các công ty truyền thông, vì thế, thực tế có những khoản lương lớn này không có ý nghĩa gì cả", James F. Reda, người thành lập James F. Reda & Associates, công ty tư vấn lương với nhiều văn phòng tại New York và Atlanta nói.
Tại Comcast, hai nhà điều hành được trả lương cao nhất, Brian L. Roberts và Stephen B. Burke, có thu nhập lần lượt là 25 triệu USD và 31 triệu USD. Lương của Robert gần như giữ nguyên mức năm 2008, trong khi thu nhập của Burke tăng khoảng 12 triệu USD, phần lớn vì các khoản tiền thưởng một lần liên quan tới việc công ty này mua lại NBC Universal.
Đối với một số giám đốc, vận hành một công ty truyền thông năm 2009, dù có khó khăn, nhưng thậm chí còn béo bở nhiều hơn cả một công ty tài chính lớn, nơi nhiều ban lãnh đạo cắt giảm lương điều hành sau gói cứu trợ tài chính liên bang.
Ngành ngân hàng không còn "ăn khách"
John G. Stumpf, người đứng đầu Wells Fargo, là giám đốc tài chính được trả lương cao nhất, với thu nhập 18,8 triệu USD, theo một phân tích của Equilar. Lloyd C. Blankfein, người đứng đầu Goldman Sachs, kiếm được 41 triệu USD năm 2008 còn năm 2009 đã giảm 1 triệu USD. Equilar nói, không kể 9 triệu USD ông nhận được năm nay cho công việc đã hoàn thành từ năm trước nhưng không được cho vào phép tính của Equilar.
Lương của nhân viên ngân hàng sẽ nhiều khả năng trở lại mức trước đó nếu cải cách tài chính diễn ra thành công, Reda nói, nhưng các ngân hàng sẽ không còn là mục tiêu nghề nghiệp của nhiều người nữa.
Reda nói, "chính phủ sẽ làm gì sau khi cải cách tài chính? Lấy đi sinh nhật của họ?"
Mặc dù nhiều công ty truyền thông đã và sẽ trải qua những thời điểm khó khăn và sự không chắc chắn trong việc duy trì được doanh thu trong tương lai số, năm 2009, các nhà đầu tư vẫn không bỏ đi. Cổ phiếu của CBS đã tăng 74% năm 2009, và Viacom tăng 56%.
Ở trường hợp của nhiều giám đốc truyền thông, trong đó có Dauman tại Viacom, hầu hết tiền lương đều được tính dựa trên hoạt động của công ty. Lương cơ bản của Dauman năm 2009, 2,5 triệu USD, không thay đổi so với năm trước.
Ngành truyền thông đã phục hồi trong năm 2009, sau một năm 2008 đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều công ty vẫn luôn tính chuyện cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí lao động. Doanh thu nhìn chung vẫn giảm phổ biến, nhưng trong nhiều trường hợp lợi nhuận lại tăng.
Tại Viacom, doanh thu năm 2009 giảm 7% so với năm trước, nhưng lợi nhuận của công ty lại tăng 1,6 tỷ USD, tức 29%, không cách quá xa mức tăng lương 22% của Dauman. CBS đã lại có lợi nhuận trong năm 2009 - 227 triệu USD - sau một năm 2008 suy giảm nặng nề.
Rich Greenfield, một nhà phân tích truyền thông tại BTIG New York nói: "Hiện nay, tiền lương cho các nhà quản lý không phải là điều khiến người ta đầu tư hay không đầu tư vào những cổ phiếu này. Các cổ đông tập trung hơn vào triển vọng tăng trưởng ngoạn mục của công ty hơn là các khoản lương trả cho nhà điều hành".
Lương tăng còn vượt ra ngoài một số hãng truyền thông lớn sang một số công ty báo chí lớn nhất.
Craig A. Dubow, giám đốc Gannet, nhà xuất bản báo chí lớn nhất của Mỹ, được trả 4,4 triệu USD trong năm 2009, tăng 17% so với năm trước.
Tại tờ New York Times, Janet L. Robinson, tổng giám đốc, nhận mức lương 4,9 USD năm 2009, tăng 26% so với năm trước, còn Arthur Sulzberger Jr., chủ tịch, nhận 4,8 USD, tăng 171%. Gary B. Pruitt, giám đốc điều hành McClatchy, được trả 2,5 triệu USD năm 2009, tăng 61%.
Không phải ai cũng được tăng lương
Nhưng lương không phải ở đâu lương của những ông lớn này cũng tăng hoặc tăng như nhau.
Rupert Murdoch tại News Corporation đều bị giảm 40% lương - xuống còn khoảng 18 triệu USD - và 21% đối với Roger Ailes, người đứng đầu Fox News, với mức lương chỉ còn 14,6 triệu USD.
Lương của các nhà điều hành hàng đầu khác cũng giảm. Robert A. Iger, người đứng đầu Disney, chỉ nhận được mức lương 21,6 triệu USD năm 2009, giảm 58% so với năm trước, và đối tác của ông tại Time Warner, Jeffrey L. Bewkes, thì chỉ nhận 19,4 triệu USD, "thất thu" 10%.
Một số nhà phân tích nói rằng thị trường thay đổi và sự bất ổn xung quanh vấn đề kinh doanh truyền thông thực tế có thể góp phần vào tạo nên những khoản lương lớn, làm các công ty thậm chí còn quyết tâm hơn trong việc giữ chân những người được coi là nhà điều hành tài năng.
Khi bạn có một ngành trải qua nhiều xáo động như vậy, nó ngày càng làm tăng áp lực lên lương vì rất nhiều người nhảy việc", Don Delves, chủ tịch tập đoàn Delves, công ty tư vấn lương tại Chicago nói. "Người ta tìm kiếm rất nhiều, họ nhảy việc và vì thế sẽ có người phải lo lắng sẽ mất đi những tài năng".
Ông nói thêm rằng, những khoản lương lớn là "một trong những khó khăn của cả mô hình kinh doanh".
Nguồn: The New York Times
Bản dịch: Đình Ngân/ Tuần Việt Nam
Post a Comment