Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Làm sóng Franchise đã bắt đầu ở Việt Nam

Kiva.Dang A+ A- Print Email
Năm 2006, khi Luật Thương mại mới có hiệu lực thi hành, truyền thông tiên đoán và đề cập khá ồn ào về sự bùng nổ của hoạt động franchise – nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, suốt gần ba năm từ 2006 đến 2008, thực tế hoạt động nhượng quyền thực sự không phát triển mạnh mẽ như mong muốn, tồn tại một trạng thái im lìm gần như là đang chờ thời điểm thích hợp còn ở phía trước để “bung” ra.

Phát triển vì mở cửa thị trường bán lẻ

Nguyên nhân, chính là cam kết giữa Việt Nam với WTO về việc mở cửa thị trường thương mại bán lẻ cho các thương nhân nước ngoài kể từ sau ngày 01/01/2009. Bởi vì hoạt động franchise thường gắn liền với hơn 90% các ngành nghề thương mại, dịch vụ. Sau gần 03 năm có hiệu lực của luật Thương mại năm 2005, Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, Thông tư 09/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, mãi đến ngày 17/11/2008 thì Bộ Tài chính mới ban hành Quyết định số 106/2008/QĐ-BTC để quy định mức lệ phí mà thương nhận dự kiến nhượng quyền phải nộp khi đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.


Rõ ràng, đây chính là động thái rõ nét nhất của cơ quan quản lý nhà nước chuẩn bị cho các chuyển biến mới của hoạt động franchise ở năm 2009. Với các văn bản pháp luật đã nêu, về cơ bản hành lang pháp lý dành cho hoạt động franchise tương đối hoàn thiện, đảm bảo tốt cho việc triển khai chính sách phát triển franchise và thực thi chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế đặc biệt này.

Gần đây, các Thương vụ, cơ quan hợp tác thương mại của những cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp cũng đã thực hiện các hoạt động thăm dò, xúc tiến liên quan đến thị trường franchise ở Việt Nam. Các nghiên cứu, đánh giá, phân tích mức độ quan tâm của nhà đầu tư Việt Nam đối với phương thức kinh doanh franchise đang được nhiều tổ chức xúc tiến thương mại, các công ty nghiên cứu thị trường thực hiện theo đơn đặt hàng của các hiệp hội franchise quốc tế, tập đoàn nhượng quyền xuyên quốc gia.

Đặc biệt, ngày 18/11/2008, Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM đã phối hợp với Thương vụ Anh để tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong ngành bán lẻ của Vương quốc Anh”, thông qua đó, các tập đoàn có thương hiệu nổi tiếng của Anh quốc như BHS International, Debenhams, Marks&Spencer, Woolworths, Boots... đã giới thiệu về các dự kiến nhượng quyền thương mại vào Việt Nam kể từ sau 01/01/2009. Một đại diện của một trong những thương hiệu nói trên đã cho biết Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng, và phương thức kinh doanh theo mô hình franchise sẽ giúp họ thuận lợi hơn, tiết giảm được chi phí, dễ tiếp cận với đặc thù của xã hội Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường bán lẻ này.

Trung tuần tháng 12/2008, Thương vụ Hoa Kỳ đã tổ chức hội thảo “Cơ hội kinh doanh franchise với các công ty Hoa Kỳ” tại TP.HCM và Hà Nội, nhằm giới thiệu 05 thương hiệu nổi tiếng tại Hoa Kỳ và Bắc Mỹ dự định sẽ nhượng quyền vào Việt Nam, đó là: Abrakadoodle (chuyên về giáo dục nghệ thuật sáng tạo trẻ em), Melting Pot (lĩnh vực nhà hàng ăn uống), Round Table Pizza (thương hiệu bánh piza lớn thứ 5 tại Mỹ), Sign Now (cung cấp giải pháp chỉ dẫn cho các công ty) và Carl's Jr (bánh mì kẹp thịt). Thông qua hội thảo, Thương vụ Hoa Kỳ muốn giới thiệu thế mạnh của các thương hiệu nhượng quyền của Mỹ, đồng thời mong muốn tìm được đối tác Việt Nam “mua” franchise của các thương hiệu nói trên.

Ông William Edwards – Giám đốc điều hành Công ty EGS, nói rằng Hoa Kỳ là nơi chiếm trên 70% thị trường franchse của toàn cầu, cho thấy hiệu quả kinh doanh tối ưu của phương pháp này so với các mô hình kinh doanh truyền thống đang tồn tại trong nền kinh tế, đồng thời, ông cũng nhận định thị trường franchise của Việt Nam sẽ cực kỳ lớn mạnh kể từ năm 2009 khi các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam có hiệu lực thi hành, có nhiều thương hiệu lớn, không chỉ ở Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia phát triển khác sẽ chú tâm đến thị trường tiềm năng này. Và dự kiến, trong năm 2009, sẽ có hơn 15 cuộc hội thảo, triển lãm về cơ hội franchise sẽ được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội, theo nhận định của một chuyên gia thuộc Trung tâm Tư vấn Thông tin Thương Hiệu (VietFranchise Center).

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài đang chuẩn bị bài bản với sự hỗ trợ của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ các nước liên quan, để có thể đặt chân một cách thuận lợi vào Việt Nam. Riêng đối với doanh nghiệp Việt Nam, sẽ như thế nào sau ngày 01/01/2009? Có hai chọn lựa:

Thứ nhất, trở thành đối tác, đi “mua franchise” của các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thực hiện nhượng quyền. Trao đổi với báo điện tử VnExpress, ông Albert Kong, một chuyên gia về nhượng quyền thương mại ở Châu Á, nhận định rằng: “Có 2 lý do chính để franchise trở thành cơ hội kinh doanh khi gặp khó khăn

Khủng hoảng kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều nhà đầu tư tìm cơ hội kinh doanh trong khi nhượng quyền sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán gặp khó khăn, mức độ tiếp cận tín dụng bị hạn chế do ngân hàng siết chặt cho vay..., thì franchise là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư có nguồn vốn tự lực”.

Tuy nhiên, thực tế không như ông Kong nghĩ, bởi khoảng hơn 75% doanh nghiệp trong cả nước có quy mô vừa và nhỏ, việc đi “mua” franchise đòi hỏi doanh nghiệp cân nhắc khả năng vốn đầu tư. Lấy ví dụ, trong cuộc hội thảo do Thương vụ Hoa Kỳ tổ chức trong tháng 12/2008 vừa qua, yêu cầu chung về tài chính mà đối tác Việt Nam phải đảm bảo là tối thiểu 300.000 USD mới đủ điều kiện để tiến hành “mua” franchise từ các thương hiệu đã được giới thiệu. Hiện tại, vấn đề khủng hoảng kinh tế, dẫn đến các bất ổn về tài chính, khiến đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải “suy nghĩ nhiều hơn, có thời gian nhiều hơn” để quyết định có nên “mua” franchise từ các thương hiệu nước ngoài hay không?

Đối với việc “mua” franchise của doanh nghiệp trong nước, càng có nhiều cân nhắc hơn. Những hệ thống nhượng quyền thương mại chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam, như Phở 24, chỉ đếm đầu ngón tay. Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam khác, đang có hoạt động nhượng quyền hoặc tương tự thì vẫn trong quá trình chập chững, vừa làm, vừa điều chỉnh, vừa rút kinh nghiệm. Do đó, tính hấp dẫn đối với các thương hiệu nội địa đang thực hiện nhượng quyền là không cao.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đầu tư đúng mức vào khâu xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu, do đó chưa thể có nhiều thương hiệu nhượng quyền mang tầm khu vực trong vòng 05 năm tới. Đây chính là yếu điểm của các doanh nghiệp nhượng quyền, dự kiến nhượng quyền so với các doanh nghiệp nhượng quyền nước ngoài. Chính vì thế, “'mua” franchise nước ngoài của nhà đầu tư vẫn sẽ là lựa chọn ưu tiên so với “mua” franchise của doanh nghiệp trong nước.

Thứ hai, các doanh nghiệp có thể tự mình xây dựng hệ thống để “bán” franchise. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có sự tham vấn của các tổ chức tư vấn nhượng quyền chuyên nghiệp. Theo thông tin báo chí, hiện này có nhiều doanh nghiệp lớn đã thuê tư vấn nước ngoài về xây dựng hệ thống, thương hiệu để thực hiện hoạt động franchise, ví dụ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đã thuê công ty Asiawide Franchise để tư vấn việc kinh doanh nhượng quyền.

Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng giám đốc điều hành Hệ thống Trà sữa Trân Châu Hoa Hướng Dương,cho biết công ty này đã chuẩn bị việc xây dựng hệ thống kinh doanh rộng khắp trên 40 cửa hàng trong cả nước kể từ năm 2006. Với sự tham vấn hỗ trợ của Trung Tâm Tư Vấn Thông Tin THƯƠNG QUYỀN (VietFranchise), hiện nay công ty đã xây dựng các thể chế, chính sách kinh doanh franchise, tiến hành các thủ tục pháp lý để có thể thực hiện việc bán franchise trong năm 2009. Ông Thắng nhận định, với sự mở cửa thị trường bán lẻ cho thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thể bị ảnh hưởng do quy mô tiền vốn cũng như kỹ năng quản trị, chính vì vậy, franchise sẽ là một giải pháp hiệu quả nếu doanh nghiệp đầu tư tốt trong việc xây dựng hệ thống, quảng bá thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như có sự tham vấn chuyên nghiệp, kinh nghiệm của các tổ chức tư vấn nhượng quyền, thì việc “bán” franchise sẽ trở nên dễ dàng, người “mua” tin tưởng khả năng mang lại lợi nhuận từ việc kinh doanh theo phương thức franchise của công ty đó.

Điều cần nhất trong giai đoạn này đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn nhượng quyền đó là sự trợ giúp, hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm từ các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, cũng như hệ thống thông tin liên quan. Hiện nay, tại Việt Nam, thông tin về franchise cũng chỉ được nhắc ở một vài trang web trên internet, cụ thể như trang web www.vietfranchise.com (thuộc Trung tâm Tư Vấn Thông Tin THƯƠNG QUYỀN) đang hoạt động và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động nhượng quyền. Rõ ràng, nguồn thông tin bổ trợ chính thống từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa được cung cấp, ngoài ra, việc đào tạo nhân lực phục vụ trong lĩnh vực franchise đang là đề tài nóng hổi, bởi tính đến nay, chưa có bất kỳ trường lớp nào thực hiện chương trình đào tạo chuyên ngành về franchise, đó có thể là những điểm yếu lớn làm ảnh hưởng đến chính sách phát triển hoạt động franchise tại Việt Nam.

Franchise – một trào lưu tất yếu

Việt Nam đã là thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì vậy sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu là đương nhiên, mang tính sống còn đối với nền kinh tế của quốc gia. Kinh doanh theo phương thức franchise là một mô hình tiến bộ, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển là thành viên của WTO. Do đó, Việt Nam sẽ không là ngoại lệ, sẽ trở thành “bãi đáp” của nhiều thương hiệu quốc tế, bởi thị trường bán lẻ luôn “béo bở”và còn tính “khai phá” đối với các hệ thống bán lẻ nước ngoài.

Nay thời khắc đến, các doanh nghiệp Việt Nam dường vẫn chưa có một sự chuẩn bị thấu đáo, khả năng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vượt trội trong việc “bán” franchise ngày trên sân nhà là có thực, bởi việc thâm nhập thị trường thông qua hoạt động franchise sẽ hạn chế khá nhiều rủi ro, tiết giảm tối đa chi phí, thu lợi ngay tức thời từ giá trị thương quyền, thay vì phải đầu tư trực tiếp một lượng vốn lớn để xây dựng các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, nhất là trong tình hình kinh tế bất ổn như hiện nay thì tính khả thi sẽ không cao.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc nhượng quyền thương mại từ nước ngòai vào cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động franchise tại Việt Nam. Thông qua đó, sẽ có sự giao thoa, “thẩm thấu” kinh nghiệm, kiến thức, tinh hoa của phương thức kinh doanh đặc biệt này đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc kiến tạo và phát triển các mô hình franchise phù hợp với tình hình tính chất đặc thù văn hóa-xã hội Việt Nam từ chính việc ban đầu đi “mua” franchise, để trong một thời gian phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có các thương hiệu mang tầm khu vực, có thể thực hiện nhượng quyền ra nước ngoài, như hệ thống Phở 24, Trung Nguyên, T&T đã và đang thực hiện.

Cơ hội mở ra sẽ luôn song hành với các thách thức, rủi ro tương ứng. Để có thể tồn tại và phát triển các hệ thống franchise thuần Việt bên cạnh các hệ thống franchise quốc tế ngay trên “sân nhà”, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nổ lực hơn nhiều hơn trong việc kiến tạo hình ảnh, thương hiệu, chuẩn hóa hệ thống kinh doanh, tham khảo ý kiến tư vấn, đẩy mạnh việc đào tạo nhân sự chuyên ngành. Đặc biệt, các doanh nghiệp thực hiện hoặc dự kiến “bán” franchise phải cùng nhau họp lại, đề xuất Chính phủ cho phép thành Hiệp hội franchise Việt Nam, thông qua tổ chứ đó để kiến nghị, đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển hoạt động franchise của Nhà nước, đồng thời là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh, phát triển hoạt động franchise.

Năm 2009, làn sóng franchise đã bắt đầu ở Việt Nam!

(VicBrand tổng hợp)

Post a Comment