Năm 1965, khi mở cửa hàng bánh mì sanwich với mục đích kiếm tiền trang chải học hành, Fred DeLuca không nghĩ anh có thể tạo dựng nên một tập đoàn thức ăn nhanh lớn thứ 3 thế giới. Ngày nay, Subway với hệ thống 25 nghìn cửa hàng khắp 83 quốc gia trên thế giới, thu được lợi nhuận 9,5 tỉ USD mỗi năm. Fred DeLuca , là nhà sáng lập Subway đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 400 doanh nhân thành công nhất trên thế giới.
Frederick A.DeLuca sinh năm 1948 tại khu Brooklyn, thành phố New York (Mỹ). Ngay từ nhỏ, Fred đã sớm bộc lộ tài năng kinh doanh nhạy bén.
Mới lên mười, cậu bé đã biết tiết kiệm tiền bằng cách thu nhặt những vỏ chai rỗng bị vứt đi, nằm lăn lóc quanh xóm để bán, dù chỉ được 2 xu một chai.
Năm 1959, gia đình DeLuca chuyển đến vùng Schenectady. Tại nơi ở mới, Fred kiếm được ngay công việc phát báo và nhanh chóng có được gần 400 khách hàng. Không lâu sau, gia đình cậu lại chuyển nơi ở, đến thành phố Bridgeport, bang Connecticut.
Tại đây Fred tốt nghiệp phổ thông trung học, sau đó đỗ vào Đại học Bridgeport, chuyên ngành y khoa. Như bao sinh viên khác, anh kiếm việc làm thêm tại cửa hàng đồ gia dụng, được trả lương một USD cho mỗi giờ làm việc. Số tiền ít ỏi này chẳng thấm vào đâu, gánh nặng học phí khiến anh có lúc suýt từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ.
Trong một buổi chiều chủ nhật tháng 7/1965, cuộc gặp gỡ với tiến sĩ Pete Buck, một người bạn cũ của gia đình DeLuce đã làm thay đổi cả cuộc đời Fred DeLuca. Biết được chàng trai muốn có tiền để học tiếp đại học, Pete Buck khuyên anh nên mở cửa hàng bánh sandwich theo mô hình rất thành công của chuỗi cửa hàng Mike’s. Buck sẵn sàng cho DeLuca vay 1.000 USD để kinh doanh, ngoài ra ông hướng dẫn anh cách thuê mướn mặt bằng, thiết lập hệ thống tính tiền, chọn mua thực phẩm, kể cả những công việc và thủ tục cần thiết khác để mở một cửa hàng bán thức ăn. Thế là Fred DeLuca bước vào lĩnh vực kinh doanh bằng tất cả sự đam mê của mình.
Ban đầu, DeLuca đặt tên cửa hàng là Pete’s Submarines, nhưng sau nhận ra tên này dễ nhầm lẫn với một thương hiệu thức ăn nhanh khác là Pizza Submaries nên anh đổi thành Pete’s Subway. Sau đó, DeLuca chính thức đăng ký thương hiệu Subway.
Fred DeLuca học kinh doanh bằng cách dành thời gian quan sát các cửa hàng bánh mì khác một cách cẩn thận, ghi chép quy trình tổ chức, thế mạnh, thiếu sót của từng cửa hàng. DeLuca nhận ra sự giống nhau của các cửa hàng thức ăn nhanh là thức ăn thường được chế biến sẵn hoặc chế biến phía trong. Từ đó, anh quyết định tạo sự khác biệt cho cửu hàng của mình bằng cách để cho khách hàng nhìn thấy toàn bộ quy trình làm bánh thủ công: kẹt từng miếng xúc xích, thịt nguội, salad…
Cách này lập tức tạo được hiệu ứng: khách hàng có thể tận mắt chứng kiến và yên tâm về độ an toàn thực phẩm của Subway.
Sau một năm kinh doanh, DeLuca quyết định mở thêm cửa hàng thứ hai, nhưng cả hai cửa hàng đều hoạt động… thua lỗ.
Trái với những suy nghĩ thông thường, ngay khi đang kinh doanh thua lỗ, DeLuca thực hiện một quyết định táo bạo: Mở thêm cửa hàng thứ ba. Chẳng lâu sau, cả ba cửa hàng đều đem lại lợi nhuận.
Từ thành công ban đầu, Fred DeLuca đặt ra mục tiêu cao hơn, dự định phát triển Subway thành hệ thống gồm 32 cửa hàng trong vòng mười năm thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu.
Từ cửa hàng nhượng quyền đầu tiên, Subway phát triển nhanh đến chóng mặt. Năm 1978, Subway có đến 100 đại lý và con số này tăng gấp đôi bốn năm sau đó. Năm 1987, Subway đã phát triển lên đến hơn 1.000 cửa hàng. Sau 40 năm tồn tại và phát triển, đến nay, Subway trở thành tập đoàn kinh doanh bánh mì sandwich lớn nhất thế giới với 25 ngàn cửa hàng ở 83 quốc gia trên thế giới.
Từ thành công của mình, Fred DeLuca chia sẽ những bài học kinh nghiệm sau:
Bắt tay vào kinh doanh ngay khi có cơ hội
“Hãy bắt đầu kinh doanh khi có cơ hội, ngay khi bạn chẳng biết gì về kinh doanh. Mọi thứ đều có thể học được”, DeLuca cho biết khi bắt đầu kinh doanh bánh mì, ông cũng chẳng biết cách làm một ổ bánh mì như thế nào. “Với một số người, như thế thì thật rủi ro. Chẳng sao cả, đã muốn kinh doanh thì nên tập làm quen với rủi ro càng sớm càng tốt. Quan trọng là chúng ta phải cẩn thận và biết học từ sai lầm” DeLuca chia sẽ.
Hãy xác định đích đến trước, sau đó mới tìm đến con đường thích hợp
“Thời trẻ, tôi cũng thường băn khoăn về tương lai của mình. Khi loay hoay với những tham vọng, tôi nhận ra rằng cần phải xác định đích đến trước sau đó sẽ thấy có rất nhiều con đường đi đến đích. Lúc ấy, hãy xác định con đường thích hợp cho mình”, nhà sáng lập Subway trả lời như vậy khi được hỏi về bí quyết thành công của ông.
Thấu hiểu khách hàng
Câu slogan “Eat fresh” (tạm dịch: Ăn thức ăn tươi ngon) của Subway cho thấy Fred DeLuca thực sự thấu hiếu khách hàng của ông. Mặc dù đây là chi tiết nhỏ nhưng lại là tiêu chí hàng đầu để khách hàng lựa chọn thực phẩm.
Hiện nay, so với các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng khác, sản phẩm của Subway được đánh giá là ít dầu mỡ, không gây béo phì và có lợi cho sức khoẻ. Dù Subway là cửa hàng thức ăn nhanh nhưng không bị xem là thức ăn công nghiệp.
Xây dựng kinh doanh chính là xây dựng các mối quan hệ
“Trong kinh doanh, các mối quan hệ của bạn càng nhiều chứng tỏ bạn càng thành công. Lợi nhuận luôn tỷ lệ thuận với số lượng đối tác kinh doanh”- Fred DeLuca khẳng định và còn chỉ rõ: “Thực ra, xây dựng kinh doanh trước hết là xây dựng các mối quan hệ: quan hệ với khách hàng, với nhân viên, với nhà đầu tư, với đối tác… Từ khi xây dựng hệ thống kinh doanh nhượng quyền thương hiệu, tôi học được bài học giá trị là đặt con người lên trên sản phẩm. Sản phẩm dù tốt nhưng không được công nhận thì chúng ta cũng thất bại. Mối quan hệ càng tốt đẹp, công việc kinh doanh sẽ càng thuận lợi".
Doanh nhân Sài Gòn
Post a Comment