Với công nghệ Web 2.0 tăng cường khả năng kết nối cộng đồng, các trang này có thể kiếm hàng triệu USD từ quảng cáo khi tạo không gian cho doanh nghiệp nói chuyện trực tiếp với người sử dụng về sản phẩm và những chiến dịch khuyến mại.
Lâu nay, quảng cáo dù xuất hiện trên… bờ tường hay trên báo in, truyền hình, báo điện tử đều ở dạng “Chúng tôi nói về chúng tôi” mà thiếu kênh phản hồi trực tiếp với khách hàng. Những thắc mắc hay ý kiến của họ thường phải thông qua hệ thống thư từ, thư điện tử, điện thoại; các phàn nàn, khiếu nại phải nhờ đến báo chí, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng…
Nhưng các công nghệ Internet đã gỡ bỏ rào cản giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp khi cho họ cơ hội trao đổi nhanh chóng trên các website, hình thành nên khái niệm mới là “quảng cáo tương tác trực tuyến”.
Theo đó, công ty sẽ đăng ký vị trí trên một trang web có nhiều người tham gia để trò chuyện với người tiêu dùng, khách hàng tiềm năng về những chủ đề như sản phẩm, dịch vụ, giải quyết các thắc mắc... Những nội dung đó được lưu giữ và công khai để bất kỳ ai cũng có thể đọc và phản hồi.
Diễn đàn là nơi chứng kiến mô hình quảng cáo này đầu tiên ở Việt Nam, đáng kể nhất là mạng Trái tim Việt Nam Online với "box" mua sắm và khu vực riêng trên muare.vn. Các doanh nghiệp như công ty máy tính Trần Anh đăng ký hình thức “dính topic” ở vị trí cố định trên diễn đàn này để chủ đề của họ tạo ra không bị “trôi” sang trang khác khi có topic mới được lập.
Dù vậy, cấu trúc và tiện ích của diễn đàn dường như không đủ để người dùng quản lý, tìm kiếm thông tin, thể hiện cá tính. Ví dụ, loạt bài viết về một chủ đề bị dàn trải lẫn giữa phần bình luận của các thành viên, hoặc nếu tách riêng thành thread (bài viết) mới sẽ bị trôi giữa nhiều bài viết khác.
6 tháng qua, mạng xã hội Cyworld Việt Nam (một phiên bản của Cyworld Hàn Quốc) đã thử nghiệm hình thức quảng cáo tương tác cho một số doanh nghiệp. Các công ty sẽ đăng ký tên tham gia (nickname) vào mạng này sở hữu một “Myhome” (ngôi nhà ảo của riêng họ, được quyền trang trí bằng hình ảnh, phát ngôn theo chủ đề) và “kết bạn” với những thành viên khác để quảng bá sản phẩm. Lúc này, doanh nghiệp như một người “hàng xóm”, cũng viết blog chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hay thông báo kế hoạch mới, đăng ảnh, video... vào bộ sưu tập riêng, đi “comment” (bình luận) cho bạn bè, tổ chức các cuộc thi, câu lạc bộ...
“Giao tiếp với các khách hàng tiềm năng theo cách này sẽ khiến họ cảm thấy tự nhiên hơn, không bị áp đặt quảng cáo”, ông Park Han-Seok, Giám đốc kinh doanh công ty mỹ phẩm LG Vina, cho biết. “Những phản hồi trực tiếp ngay trên trang web giúp chúng tôi nắm bắt được nhu cầu thực sự của người tiêu dùng và gắn bó lâu dài với họ. "Hiện “ngôi nhà” dành cho mỹ phẩm Lacvert Essance của công ty trên mạng Cyworld đã thu hút 116.335 lượt ghé thăm, 2.375 “hàng xóm”, 6.000 bình luận của người xem.
Ông Eric JongBeom Jang, Phó Chủ tịch Cyworld Việt Nam, cho biết triển vọng kiếm tiền từ quảng cáo hai chiều này rất lớn. Tại xứ sở kim chi, doanh thu của Cyworld Hàn Quốc tăng hơn 300% trong 4 năm kể từ khi bắt đầu áp dụng mô hình vào năm 2003. Trong đó, năm 2003 họ đạt 12,4 triệu USD, năm 2004 đạt 24,7 triệu USD; con số này tăng lên 37,1 triệu USD năm 2005 và 47,3 triệu USD năm 2007. Còn tại Việt Nam, Cyworld đang kỳ vọng vào hình thức này khi ước tính quảng cáo trên mạng xã hội trong nước sẽ tăng 200%/năm và có những khách hàng đầu tiên như công ty mỹ phẩm LG Vina, Pizzahut, Galaxy-Hot Kiss (phim Nụ hôn thần chết), công ty đào tạo người mẫu TSquared Media.
Trên thế giới, các mạng xã hội khổng lồ với hàng chục triệu thành viên như MySpace, Facebook… cũng áp dụng mô hình quảng cáo tương tác. Điều này giúp hình thành nên một vị trí công việc mới là “PR trực tuyến” trong các công ty cần quảng cáo. Những người này ngoài việc am hiểu sản phẩm và chính sách của công ty còn phải học cách trò chuyện với cộng đồng bằng ngôn ngữ, điệu cười, smiley mang phong cách dân dã đặc trưng của "thời @" và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng đến từng phút.
Nhưng khi chọn lựa quảng cáo tương tác, doanh nghiệp đối diện với không ít khó khăn. Do mọi phản hồi đều xuất hiện ngay trên mặt trang web nên họ sẽ phải xác định trước là có lời khen, tiếng chê, thậm chí xúc phạm. Lúc này, ngoài sự khéo léo của PR, công ty chỉ có thể giữ uy tín bằng chính chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, vì bất kỳ ai cũng có thể lập nickname để tham gia phản hồi nên đối thủ có thể dựa vào đó để “đánh” bằng nhiều hình thức và doanh nghiệp cần phải chấp nhận “lửa thử vàng”.
Post a Comment