Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Thương hiệu quốc gia

Kiva.Dang A+ A- Print Email
Mỗi quốc gia với lịch sử hình thành, phát triển và thế mạnh của mình đã xác lập một vị thế, một thương hiệu khác nhau trên thế giới, tuy nhiên ở khía cạnh kinh tế hầu hết các thương hiệu quốc gia được định vị và biết đến thông qua những thương hiệu doanh nghiệp hay sản phẩm nổi tiếng mà quốc gia đó đang sở hữu.


Thương hiệu của một sản phẩm hay một doanh nghiệp là một yếu tố cấu thành trong "chiếc dù thương hiệu" của thương hiệu quốc gia - cho dù chỉ là một phần nhỏ nhìn trên khía cạnh "công thương" - nhưng góp một phần lớn vào việc xây dựng hình ảnh quốc gia trong mắt người tiêu dùng toàn thế giới. Điều đó cho thấy nếu thương hiệu quốc gia làm được việc kết nối từng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, ngành, địa phương thành một chuỗi giá trị sẽ tạo nên một sức mạnh thật sự để tiếp thị hình ảnh của cả doanh nghiệp lẫn quốc gia. Trong tổng thể đó mối quan hệ hỗ tương giữa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp: thương hiệu quốc gia tiếp thêm sức mạnh cho thương hiệu doanh nghiệp và ngược lại thương hiệu doanh nghiệp góp phần làm sáng lên thương hiệu quốc gia.

Các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp vì sự sống còn của mình là điều rất cụ thể, còn thương hiệu quốc gia lại là một phạm trù rộng lớn, đôi khi hơi trừu tượng và chịu sự tác động của rất nhiều những thành tố khác. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của mình, chỉ bằng cách gắn cho biểu trưng "thương hiệu quốc gia" là điều rất cần nhưng lại chưa đủ.

Đã hơn một năm qua kể từ khi chương trình trao biểu tượng "Thương hiệu quốc gia 2008" cho doanh nghiệp, nhưng chúng tôi cho rằng các hoạt động của chương trình này cho đến hiện nay là chưa xứng tầm với tên gọi. Bản thân 30 doanh nghiệp đầu tiên của cả nước được chọn tham gia cũng vẫn chưa có được sự kết nối liền lạc để có được những tương tác hỗ trợ lẫn nhau và cho chương trình cũng như ngược lại. Những hỗ trợ thiết thực cho hoạt động quảng bá, đào tạo, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong chương trình thật sự chưa lớn và cần cụ thể hơn ngoài một vài hội thảo đã được tổ chức. Thành viên của chương trình "Thương hiệu quốc gia" sẽ ngày càng đông lên qua hằng năm, nhưng quan trọng hơn số lượng là cần có sự phối hợp của những thương hiệu doanh nghiệp trong chương trình để tạo được sự gắn kết thật sự có hiệu quả của các thành viên của ngôi nhà "Thương hiệu quốc gia".

Trong khi đó thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang bị bối rối trong một "mê hồn trận" các giải thưởng về thương hiệu: Thương hiệu mạnh, Thương hiệu nổi tiếng, Thương hiệu trên mạng, Thương hiệu xuất sắc, Thương hiệu uy tín, Thương hiệu nổi bật, Thương hiệu hàng đầu… Với vai trò là một chương trình về thương hiệu của Chính phủ và có cả một hội đồng thương hiệu quốc gia, liệu có thể có giải pháp nào cho tình trạng hỗn loạn này vào trật tự được không? Tình trạng loạn giải thưởng thương hiệu hiện nay đang góp phần "đánh cắp lòng tin của người tiêu dùng" và không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn đến tình trạng làm "bão hòa hình ảnh" của những gì có dính đến khái niệm thương hiệu, trong đó không loại trừ cả thương hiệu quốc gia.

VicBrand tổng hợp theo bài phát biểu của ông Nguyễn Hoàng Ngân
-Phó chủ tịch HĐQT Công ty Bình Minh.
Thước đo độ mạnh thương hiệu quốc gia

Chỉ số thương hiệu quốc gia Anholt (Anhol Nation Brands Index) là bảng phân tích và xếp hạng thương hiệu các quốc gia trên thế giới. Hàng quý, Anholt đều tiến hành thăm dò ý kiến 25.000 người về các khía cạnh văn hóa, chính trị, thương mại, tài sản cá nhân, tiềm năng đầu tư và khả năng thu hút du lịch trên phạm vi 35 nước phát triển và đang phát triển. Các kết quả điều tra là cơ sở để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá độ mạnh của thương hiệu quốc gia trên phạm vi toàn cầu.

Chỉ số thương hiệu quốc gia cho phép đánh giá độ mạnh và mức độ hấp dẫn của hình ảnh một quốc gia và cho biết người tiêu dùng thế giới đánh giá như thế nào về đặc trưng của thương hiệu đó.

Hệ thống tiêu chí đánh giá thương hiệu quốc ga của Anholt được thể hiện bằng hình lục giác với 6 đỉnh gồm các yếu tố:

  1. Du lịch: Là tiêu chí dễ nhận biết nhất của thương hiệu quốc gia. Để làm nổi bật điểm này, những người được hỏi sẽ cho biết tiềm năng du lịch của quốc gia mà họ và họ mong muốn đi du lịch.
  2. Thu hút đầu tư: Có rất nhiều người sống, làm việc và học tập ở một đất nước khác. Vì thế tiêu chí này cho biết mức độ sẵn sàng đến sinh sống và làm việc ở quốc gia đó.
  3. Xuất khẩu: Cho thấy khả năng xuất khẩu những sản phẩm mang thương hiệu của chính quốc gia đó chứ không phải là kim ngạch xuất khẩu của những hàng hóa gia công hay lắp ráp.
  4. Con người: Chỉ số này sẽ cho biết mức độ cởi mở và thân thiện của một quốc gia.
  5. Văn hóa: Để làm rõ tiêu chí này, Anholt sẽ đặt ra các câu hỏi đánh giá nhận thức của người dân về di sản văn hóa quốc gia cũng như những đánh giá của họ đối với văn hóa đương đại như phim ảnh, âm nhạc, hội họa, văn chương…
  6. Chính phủ: Theo tiêu chí này, những người được điều tra sẽ cho biết họ đánh giá như thế nào về năng lực điều hành và mức độ công bằng của chính phủ, qua đó cho thấy mức độ tin cậy của người dân đối với chính phủ trong việc ra các quyết định bảo vệ và gìn giữ hòa bình, gìn giữ môi trường, xóa đói giảm nghèo…

Trong bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia do Anholt công bố quý II/2007, Anh được đánh giá là nước có thương hiệu quốc gia mạnh nhất, kế đến là Đức, Pháp và Canada. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore, Malaysia và Indonesia đã lọt vào danh sách xếp hạng này với thứ tự lần lượt là 27, 35 và 38. Quốc gia láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc hiện xếp thứ 23 trong danh sách này.

Post a Comment