Hương xưa làng cổ
Đã từ rất lâu, Phước Tích nổi tiếng nhờ nghề làm gốm. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào gốm, nhiều nhà trở nên giàu sang cũng nhờ gốm. Đất của làng kết hợp với nước sông Ô Lâu tạo nên những sản phẩm gốm mà cả khắp miền Trung không nơi đâu tốt và đẹp bằng.
Khu vườn đầy cây trái mang đậm dấu ấn cổ xưa. Và những vật dụng thiết yếu trong nhà cụ Bậc đều được làm bằng gốm cổ. Bộ ấm uống trà, bình cắm hoa, nồi, niêu…với những đường nét vừa đơn giản vừa tinh xảo, bền bỉ qua thời gian. Hiện ở Phước Tích có một hệ thống gồm 48 nhà rường cổ có độ tuổi hàng trăm năm. Những ngôi nhà thờ họ, miếu mạo với kiến trúc độc đáo. Làng đã 2 lần được vua ân tứ, với một nghề gốm truyền thống, nghề làm tương lâu đời với thương hiệu nổi tiếng.
"Tiềm năng du lịch"
Từ sau năm 2006, vào các dịp Festival, dân làng Phước Tích khấp khởi mừng và tưởng chừng làng được hồi sinh với mô hình triển lãm gốm truyền thống và tour du lịch “Hương xưa làng cổ”. Nghề gốm của làng lại có dịp loé sáng. Khách du lịch đổ xô về chiêm ngưỡng làng nghề một thời đã tung hoành ở đất cố đô. Những nghệ nhân có tay nghề trong làng được mời ra biểu diễn. Nhưng rồi "ngày vui ngắn chẳng tày gang", sau festival làng lại ảm đạm như xưa. Những lò gốm chỉ được đỏ lửa trong thời gian ngắn phục vụ du lịch lại nhanh chóng...tắt ngấm.
Chứng kiến bao thăng trầm của ngôi làng nghề cổ, ông Trương Đức Kiến (82 tuổi) tâm sự: “Làng ni làm du lịch được. Rồi kết hợp với dân tạo nơi nghỉ lại cho khách, tổ chức cho khách thưởng thức “cây nhà lá vườn” như: Cơm niêu, cá kho rim, đĩa rau sống, tổ canh cá sông, vã kho, bánh trái nước uống theo phong cách nhà vườn. Cho du khách tự tay nhào đất, nặn nên một sản phẩm gốm, bày cho họ cách nung một sản phẩm gốm như thế nào…"
Xét về tiềm năng du lịch của Phước Tích, nhiều hội thảo khoa học, nhiều đoàn nghiên cứu văn hoá, hội kiến trúc sư Việt Nam… đã khẳng định: Phước Tích là một tiềm năng du lịch lớn cả về du lịch sinh thái lẫn văn hoá.
Ông Nguyễn Khoa Túc - Phó Chủ tịch xã Phong Hoà cho biết: “Trước đây, khi chưa ban hành Quy chế tạm thời bảo tồn và phát triển làng di sản Phước Tích, chúng tôi đã nỗ lực khuyên nhủ bà con nên bảo tồn nhà cổ. Ví dụ như, ai xây rào bằng gạch thì xã khuyên họ nên làm rào bằng cây chè tàu, ai có ý định bán nhà đập nhà thì khuyên can... Hiện tại, dân phải bỏ tiền túi ra tự bảo tồn thôi…”
Xã Phong Hoà đã cung cấp kinh phí cử 4 thanh niên là Lương Thanh Hiền, Nguyễn Phước Tâm, Nguyễn Trường Sơn, Hà Vĩnh Phúc ra làng gốm Bát Tràng học tập thêm phương pháp làm gốm mới. Sau 6 tháng học tập hiện cả 4 người đã quay về, cùng nhau xây dựng lò mới theo phương pháp mới. Dự kiến cuối tháng 8 sẽ xuất mẻ gốm đầu tiên. Lương Thanh Hiền hồ hởi: "Chúng tôi quyết tâm sẽ khôi phục lại làng nghề truyền thống, để dân Phước Tích tiếp tục sống được với nghề gốm". |
(NongnghiepOnline)
Post a Comment