Saturday, July 12, 2008

Bí quyết tránh giảm giá thành

Nhiều doanh nghiệp nhỏ tự cảm thấy có áp lực buộc phải giảm giá thành. Điều đó có thể xảy ra khi đối thủ cạnh tranh có giá thấp hơn can thiệp vào thị trường của bạn hay khi khó khăn của nền kinh tế tác động vào ngành. Tuy nhiên rất ít doanh nghiệp nhỏ có đủ khả năng tham gia vào cuộc chiến giá cả này.


Có rất nhiều lần giảm giá có tác dụng; ví dụ khi chi phí hoạt động kinh doanh của bạn giảm xuống và bạn muốn kéo dài việc tiết kiệm đó.

Nhưng giá sản phẩm của bạn được tính trên cơ sở trang trải toàn bộ chi phí và có một phần lợi nhuận cần thiết, giảm giá có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận thu được. Câu trả lời là gì? Xem xét sử dụng những chiến lược này để thu hút và duy trì khách hàng mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tập trung vào dịch vụ khách hàng


Bằng cách này các giá trị gia tăng bạn giành cho khách hàng, bạn có thể điều chỉnh giá cao hơn mà vẫn giữ không cho đối thủ cạnh tranh nhảy vào. Bạn có thể đưa ra dich vụ khách hàng nổi trội bằng các dịch vụ trả lại hàng dễ dàng, thời gian bảo hành dài hơn, giao hàng miễn phí, đặt hàng nhanh cho khách hàng thông thường, và các kỹ thuật chăm sóc khách hàng khác.

Biện pháp này mang tính sách lược hơn là tham gia vào cuộc chiến giá cả với các đối thủ cạnh tranh vì nó sẽ khuyến khích quan hệ lâu dài với khách hàng. Cạnh tranh về giá buộc công ty phải cung cấp sản phẩm cho các khách hàng không trung thành, họ có thể có hay không quay lại với công ty trong tương lai.

Kết hợp sản phẩm và dịch vụ với nhau


Bạn có thể tạo ra nhiều lợi ích hơn cho khách hàng bằng cách gộp các sản phẩm có liên quan lại với nhau và bán chúng với giá cao hơn giá ghi trên mỗi sản phẩm trong đó nhưng rẻ hơn tổng số tiền khách phải trả khi mua rời từng sản phẩm. Ví dụ, một quầy sách có thể bán kèm chiếc bút thanh nhã với quyển tạp chí hay quyển từ điển với tập bản đồ và từ điển đồng nghĩa. Biện pháp này có thể giúp bạn chống giảm giá với từng sản phẩm đơn lẻ trong khi tăng tổng bán hàng.


Giảm khối lượng hàng hoá đi kèm với giá


Nếu bạn thấy thị trường có yêu cầu giá thấp hơn, xem xét liệu có cách nào bán sản phẩm với số lượng ít hơn không. Ví dụ, nếu bạn là nhà thiết kế mạng, liệu bạn có thể áp dụng những yếu tố hiệu quả vào quá trình phát triển dự án cho phép bạn bán dịch vụ với giá thấp hơn không? Nếu bạn bán các sản phẩm mỹ phẩm, bạn có thể đóng gói sản phẩm vào hộp 6.5 ounce thay vì 8 ounce? Biện pháp này có thể giúp khách hàng biết rằng bạn đã giảm giá sản phẩm trong khi vẫn quản lý được chi phí.

Đưa thêm dịch vụ

Thay vì giảm giá,hãy giữ giá và đưa thêm dịch vụ cho cùng khối lượng sản phẩm. Ví dụ, người chủ cửa hàng sách có thể có dịch vụ gói quà miễn phí cho mỗi đơn đặt hàng, hay huấn luyện viên có thể đưa ra lời khuyên về dinh dưỡng miễn phí trong vòng 1 giờ nếu tham gia 10 buổi học.
(Vncompanies)

Tiền có làm nên thương hiệu?

Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp biết cần bắt đầu từ đâu khi xây dựng thương hiệu. Chính vì thế kinh phí của nhà nước dành cho việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng năm sử dụng không hết, trong khi doanh nghiệp lúc nào cũng thiếu tiều.


Tiền nhiều, kinh nghiệm yếu


Một cuộc khảo sát mới đây của Công ty Tư vấn Masso với 24 doanh nghiệp cho thấy 88% cho rằng không có đủ ngân sách và 71% không biết bắt đầu từ đâu khi xây dựng thương hiệu! Chẳng thế mà kinh phí hỗ trợ của Nhà nước dành cho xúc tiến thương mại, trong đó có việc quảng bá xây dựng thương hiệu hàng năm đều tiêu không hết.


Giải thích nghịch lý này, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, nguồn kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại chủ yếu được triển khai thông qua các Hiệp hội, ngành hàng. Song nhiều Hiệp hội đã không thể xây dựng nổi một chương trình hay đưa ra một kế hoạch triển khai, chứ chưa nói đến việc thực tế sẽ thực hiện ra sao, cho nên Nhà nước có muốn “chi” cũng chịu. Vì vậy không có gì lạ khi một doanh nghiệp mặc dù đã dám bỏ cả chục tỷ đồng cho chiến lược xây dựng một thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế nhưng kế hoạch đã bị phá sản vì không phân định rạch ròi giữa phân khúc sản phẩm với thị hiếu của đối tượng khách hàng.


Nhiều doanh nghiệp quan niệm rất đơn giản rằng xây dựng thương hiệu chỉ là đăng ký cái tên và làm logo.
Theo số liệu khảo sát mới đây của Bộ Công thương, 95% doanh nghiệp được hỏi đều nhận thức được rằng việc xây dựng thương hiệu là cần thiết nhưng chỉ 20% trong số đó biết được xây dựng thương hiệu cần phải bắt đầu từ đâu, số còn lại đều rất lúng túng không biết nên xây dựng một chương trình phát triển thương hiệu như thế nào, thậm chí nhiều DN quan niệm rất đơn giản rằng xây dựng thương hiệu chỉ là đăng ký cái tên và làm logo.


Theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội dệt may, thương hiệu là một tài sản lớn của doanh nghiệp và việc xây dựng thương hiệu phải là một quá trình đầu tư đầu hạn, nhất quán trong một chiến lược rõ nét, mà để làm được điều đó, yếu tố tiền rất quan trọng, tuy nhiên đó chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải đủ.


Một cây làm chẳng nên non


UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) vừa chính thức ra mắt thương hiệu hồ tiêu Chư Sê sau nhiều năm xuất khẩu sản phẩm dưới những cái tên của doanh nghiệp nước ngoài. Không có thương hiệu, không có nhà máy chế biến, chỉ xuất thô nên mỗi năm huyện Chư Sê mất tới 30 triệu USD. Nhưng để triển khai được các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu không đơn giản một doanh nghiệp hay bà con nông dân là có thể làm được.

Để xây dựng thương hiệu hồ tiêu Chư Sê không chỉ có Hiệp hội, doanh nghiệp mà có cả chính quyền và bà con nông dân cùng “xúm” tay vào. Trước khi hỗ trợ công ty Masico đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến hồ tiêu sạch lớn nhất trên địa bàn Tây Nguyên (5.000 tấn sản phẩm/năm) và cho phép nhà máy này được độc quyền về thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, UBND huyện Chư Sê đã cùng với Hiệp hội hồ tiêu đã tổ chức những buổi hội nghị lớn về cây hồ tiêu để vận động hướng dẫn bà con nông dân cung cấp hồ tiêu theo đúng số lượng và chất lượng theo một quy trình nghiêm ngặt. Kinh phí xây dựng thương hiệu sẽ do huyện bỏ ra 60%, số còn lại do nhân dân đóng góp.

Không đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết với nhau, mà ở đây đó chính là vai trò của Hiệp hội, ngành hàng. Song điều này rất ít Hiệp hội, ngành hàng làm được. Đơn giản là bởi ngay bản thân các Hiệp hội, ngành hàng cũng rất lúng túng không biết “làm ra sao”. Trong một lần phỏng vấn lãnh đạo Hiệp hội ngành hàng nông sản có lượng xuất khẩu lớn về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, chúng tôi nhận được câu trả lời đơn giản “Đó là việc của doanh nghiệp” (!).


Cái khó bó cái khôn


Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ tịch HĐQT công ty G7, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều cái khó khi hội nhập quốc tế cho rằng, đó là chúng ta chưa có một đội ngũ doanh nhân được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Số ít được đào tạo chuyên nghiệp và có kinh nghiệm quản trị kinh doanh hiện đại thì lại áp dụng chúng một cách máy móc, hiệu quả không cao.


Bà Hàng Thị Ngọc - Giám đốc tiếp thị của Tribeco cho biết, chi phí đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu khá lớn nhưng theo quy định doanh nghiệp chỉ được hạch toán trong mức 10% doanh thu. Trong khi chỉ cần tổ chức khuyến mãi mua 10 tặng 1 thì chi phí đã chiếm gọn 10% chi phí rồi. Những hoạt động khác doanh nghiệp biết “xoay xở” vào đâu.


Hệ thống chính sách và pháp luật còn chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, thủ tục hành chính cồng kềnh… vẫn đang “bó” tay các doanh nghiệp.

- Chương trình "Thương hiệu quốc gia" do Bộ Thương mại (nay là bộ Công thương) tổ chức, sau 5 năm phát động (từ năm 2003) đến nay mới chọn được 30 DN (trong tổng số 1.000 DN đăng ký) thực hiện.
- Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học công nghệ thì trên 90.000 nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam mới có khoảng 15% là của doanh nghiệp Việt Nam.
- Phát biểu tại diễn đàn Thương hiệu Việt Nam-Làm gì để hội nhập" Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu chính là quá khứ của tư duy kinh tế kế hoạch hóa tập trung, doanh nghiệp không chú trọng cho việc xây dựng thương hiệu và sự thiếu hụt về tri thức, kinh nghiệm; các quy định chưa thật hợp lý về tỉ lệ đầu tư cho tiếp thị và xây dựng thương hiệu…

(Doanh nhân - DĐDN cuối tuần)

Thương hiệu và những tác động tới doanh nghiệp


Ngày (11/7), tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã diễn ra tọa đàm “Thương hiệu và những tác động tới việc xây dựng chiến lược phân phối sản phẩm của doanh nghiệp”.

Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề liên quan đến thương hiệu đã được đưa ra thảo luận sôi nổi như: các yếu tố cấu thành thương hiệu, định vị thương hiệu, tác động của thương hiệu trong xây dựng hệ thống và cách thức phân phối sản phẩm dịch vụ, kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chiến lược phân phối tương thích với thương hiệu sản phẩm...Ngoài ra, các nội dung liên quan khác như sở hữu trí tuệ, nhượng quyền thương hiệu, xử lý tranh chấp thương hiệu…cũng được đề cập tại buổi tọa đàm.



Diễn giả ThS Trịnh Đình Long - Tổng giám đốc AMICA Corp chỉ rõ sự “Khác biệt hóa và định vị thương hiệu”. Theo đó, doanh nghiệp phải chọn lĩnh vực chưa có người dẫn đầu (về dịch vụ, công nghệ, sự thuận tiện hay sự thân thiện…), khởi xướng luật chơi mới, tập trung vào khai thác những mảng còn bỏ ngỏ, mới được tìm thấy hay vượt lên trên đối thủ... mới mong gặt hái được thành công.

Ông cũng trình bày được sự cần thiết của định vị trong xây dựng thương hiệu. Định vị thương hiệu là những hoạt động nhằm tạo dựng cho sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh của công ty có một vị trí cạnh tranh nổi bật và có ý nghĩa trong tâm trí khách hàng mục tiêu. Định vị thương hiệu là việc xác định vị trí của mình so với đối thủ cạnh tranh trên quan điểm của người tiêu dùng. Để định vị tốt cần phải hiểu biết cách thức khách hàng lựa chọn sản phẩm, mô tả và khoanh vùng yếu tố cạnh tranh, lựa chọn triết lý định vị, tìm kiếm sự độc đáo và khác biệt hóa.


Các biểu hiện của thương hiệu thể hiện qua tên thương hiệu, những biểu trưng (logo, ảnh đại diện), những thứ thấy được từ bên ngoài, con người, truyền thông (chủ động/khách quan) và tin ngoài luồng. Tên thương hiệu có vai trò là nhận dạng, tạo sự khác biệt, cam kết về chất lượng, truyền tải hình ảnh. Nó có 2 chỉ số đo lường: mức độ nhận biết (đo lường ở nhóm khách hàng mục tiêu, nhận biết tức thời, nhận biết có trợ giúp) và đặc tính nhận biết (phải thể hiện được rõ ràng theo quan điểm định vị, có thể đo lường được, khoảng trống: có thể có giữa chủ trương mong muốn và thực tế).


Các biểu trưng có vai trò hạn chế nhận thức sai lệch về công ty và hứa hẹn mang lại sự thỏa thuận, và có tác động qua năm giác quan. Hệ thống nhận diện phải thống nhất, kiên định, mang tính cách thương hiệu, dễ áp dụng và thực hiện. Các khẩu hiệu giúp củng cố, định vị nhãn hiệu và điểm khác biệt, là những tuyên bố về tính dẫn đầu, độc đáo của mình, cam kết về chất lượng….

“Cảnh báo về sự vô tình xâm phạm và bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” lại là nội dung chính được TS Trần Văn Hải – Đại học Quốc gia Hà Nội đề cập tại buổi tọa đàm. Thông qua những vụ xâm phạm và bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xảy ra, TS Hải đưa ra phân tích và nguyên nhân, qua đó cảnh báo những điều có thể xảy ra, khuyến nghị biện pháp khắc phục.

Ông cho biết, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính do cơ chế pháp luật và sự vô tình của các doanh nghiệp. Xâm phạm và bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể là do cố ý, chưa hiểu quy định của pháp luật, hiệu lực lãnh thổ của văn bằng bảo hộ, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài: quốc gia có thị trường bảo hộ.


Ông cũng phân ranh rới rõ rệt giữa tên miền, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Theo đó, tên miền thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, tên thương mại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên miền mang tính duy nhất, nhãn hiệu không mang tính duy nhất.Buổi tọa đàm đã thu hút được gần 40 doanh nghiệp đến tham dự.
(DĐDN)

Friday, July 11, 2008

Nỗ lực “cõng” tên mình đi bán

Hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam nhưng không mang thương hiệu Việt được bày bán tràn lan ở thị trường Mỹ, châu Âu là một thách thức đối với các doanh nghiệp và là điều khiến mỗi người Việt Nam phải băn khoăn, suy nghĩ.

Ông Antonio Berenguer - Tham tán thương mại Liên minh châu Âu cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam mới có động thái hỗ trợ 30 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia (hỗ trợ về chất lượng sản phẩm, chiến lược xây dựng và bảo vệ thương hiệu) là một tín hiệu tích cực. Nhưng, sẽ hiệu quả hơn nếu Chính phủ tạo ra sân chơi tốt cho các doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp sẽ tự biết cần phải xây dựng thương hiệu của mình như thế nào.


Nỗi buồn "con" mình mang "tên" người khác


Ông Nguyễn Việt Trường - Tổng Giám đốc Cty May Việt Tiến chia sẻ với DĐDN: "Hàng của Việt Tiến xuất khẩu ra nước ngoài mỗi năm hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết các loại hàng đó đều được gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực may mặc thời trang". Hỏi vì sao không gắn mác Việt Tiến để bán, ông trả lời rất ngắn gọn: "Vì sẽ khó bán được hàng. Thậm chí thuê mặt bằng để bán hàng cũng khó".


Bà Nguyễn Thu Hằng - trưởng phòng xuất nhập khẩu Cty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam cũng có nỗi buồn tương tự: "Cty tôi sản xuất và xuất khẩu các loại sản phẩm chiết xuất từ quả gấc. Từ viên nang đến chai dầu gấc, bột gấc đều được xuất "tự nhiên" sang Mỹ. Họ đóng lọ hay chế biến tiếp ra các sản phẩm khác như nước giải khát, dược phẩm, mỹ phẩm... rồi gắn nhãn hiệu hàng hóa của họ. chúng tôi không có quyền kiểm soát”.


Đi vào các siêu thị ở nước ngoài, người ta dễ dàng nhận thấy rất nhiều loại hàng được sản xuất từ Việt Nam nhưng mang nhãn của Thái Lan, Italia, Brazil, Colombia...: gạo, cà phê, hàng giày da, may mặc...


Quả thật, trăm cái khó bó cái khôn! May Việt Tiến muốn đem thương hiệu của mình sang những thị trường ổn định và khó tính như Mỹ và châu Âu, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại là một bài toán không dễ dàng. Ông Nguyễn Việt Trường thẳng thắn: "Họ có cả trăm năm xây dựng thương hiệu, có kinh nghiệm, lại nắm được tâm lý khách hàng. Còn chúng ta, từ giai đoạn nghiên cứu, định vị, phân khúc thị trường đến xây dựng và quảng bá thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém. Nếu có kiếm được mặt bằng mà doanh thu hàng năm không đáp ứng yêu cầu của họ (để bảo vệ uy tín cho chủ các trung tâm thương mại), chúng tôi cũng sẽ bị loại.".


Lối ra nào?


Tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vẫn là vấn đề nóng bỏng được toàn xã hội quan tâm. Kinh tế Việt Nam đã hòa vào dòng chảy WTO, vai trò kinh tế tư nhân càng được khẳng định. Nhưng, trong khi các doanh nghiệp nhà nước tồn tại và phát triển nhờ vào chính sách bảo hộ của Nhà nước là chính thì các doanh nghiệp tư nhân thực sự được tôi luyện trong môi trường cạnh tranh, sự thành bại của doanh nghiệp đều gắn với sinh mệnh của người chủ doanh nghiệp.


Tăng tốc độ phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề sống còn trong việc tạo ra các đối thủ cạnh tranh mạnh trên thương trường quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền kinh tế thị trường, trong đó các doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn đóng vai trò trụ cột mà hoàn toàn bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác. Đứng trên và điều chỉnh tất cả các mối quan hệ kinh tế là hệ thống luật pháp hoàn chỉnh. Bộ máy hành chính nhà nước cũng sẽ được chuyển từ vai trò quản lý sang vai trò phục vụ là chính.


Khi một sân chơi được hình thành theo đúng nghĩa thì các doanh nghiệp sẽ biết mình phải làm gì. Kinh nghiệm từ sản phẩm VINAGA cho thấy, sau một thời gian "rát mặt" vì đứa con đẻ của mình phải mang "tên" khác trên thị trường Mỹ, VNPOFOOD tự mình mày mò sang châu Âu. Cách đây vài tháng, sản phẩm này đã được cấp giấy phép vào thị trường Đức. Từ đây, VINAGA sẽ chinh phục tiếp thị trường Nga và các nước trong khối EU.


30 thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp chuyên về các lĩnh vực chế biến lương thực, giải khát, dệt may, giày dép, điện, nhựa, cao su, xây dựng, địa ốc, đồ gỗ nội thất, dược phẩm, xăng dầu, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, trang sức, du lịch và dịch vụ đã được chọn là thương hiệu quốc gia.
Logo Thương hiệu Việt sẽ được thể hiện trên sản phẩm của 30 doanh nghiệp này.


(DĐDN)

Kinh tế khó khăn, giữ chân khách hàng thế nào?

"...Khách hàng có thể cung cấp những lời gợi ý để bạn tạo ra cơ hội có thêm quan hệ thân thiết với khách hàng khác hoặc mở hướng phát triển mới...ghi nhận lấy điều đó để tự hỏi mình có thể giúp họ thế nào...".


Việc cố gắng xây dựng một mối quan hệ thân tình và bền chặt với khách hàng luôn là thử thách của các doanh nghiệp. Vẫn biết rằng việc duy trì mối quan hệ với công chúng (PR) tiêu tốn nhiều thời gian nhưng nếu kiên trì nhiều khi doanh nghiệp có thể thu về hiệu quả đầy ngạc nhiên. Sau đây là tám cách đầu tư đúng cho các mối quan hệ đó:

1 Tiếp xúc thường xuyên hơn với cơ sở khách hàng.


Nếu họ vừa đưa ra một đơn đặt hàng hoặc mới nhận được một dịch vụ từ bạn, bạn hãy dò hỏi họ ngay để có những thông tin phản hồi. Hãy bày tỏ sự quan tâm của bạn về cấp bậc thỏa mãn của họ và tỏ ra sẵn sàng tiếp tục cống hiến cho họ. Làm điều này, bạn sẽ có thêm một cơ hội nhìn nhận sâu sắc các sản phẩm và dịch vụ khác nên được ưu tiên đầu tư phát triển trong thời gian tới.


2 Tăng cường tiếp xúc qua điện thoại.


Nhấc điện thoại thường xuyên hơn để tiếp xúc với các khách hàng của mình là điều rất cần thiết. Sự tương tác có tính chất cá nhân sẽ là yếu tố mạnh và quan trọng trong việc xây dựng nên một mối quan hệ bền vững với các khách hàng.


3 Mở rộng quan hệ.


Bạn có thể đã có ý tưởng về một phân nhánh thị trường mục tiêu cụ thể nào đó, nhưng để đạt được điều đó, hãy chịu khó tìm kiếm cả những nhóm khách hàng không nằm trong phạm vi thị trường mục tiêu và xây dựng mối quan hệ tốt với họ. Bạn sẽ có lợi trong việc tạo dựng mối quan hệ theo mạng cộng đồng, bởi lẽ những người bạn mới gặp sẽ biết vì sao nên trở thành đối tượng khách hàng tương lai của bạn.


4 Trở thành người trợ thủ đắc lực.


Đừng ngần ngại chuyển đến các công ty hay những khách hàng của bạn thông điệp rằng bạn sẽ sãn sằng giúp đỡ bằng cách đưa ra những lời gợi ý, lời khuyên về cách tổ chức những sự kiện của riêng họ. Một khi họ tìm kiếm một sản phẩm hay dịch vụ mới nào đó, bạn sẽ được họ nhớ tới đầu tiên.


5 Viết thêm một bức thư ngắn.


Việc thêm một lá thư cảm ơn để thể hiện lòng cảm kích của bạn với khách hàng là hành động không tốn kém nhưng đầy giá trị. Để đạt được tác động tốt nhất, bạn hãy gửi bức thư ấy ngay sau cuộc giao dịch với khách hàng.


6 Biến hóa các phương thức.


Những đối tượng khách hàng của bạn rất đa dạng nên phương thức tiếp xúc của bạn với họ cũng phải đa dạng. Nếu khách hàng không ưa thích việc bạn ghé đến văn phòng họ thì hãy nhanh chóng chuyển sang cách thức gọi điện thoại hẹn giờ trước và mời họ trò chuyện ở một quán cà phê nào đó. Lưu ý rằng, các phương thức tiếp xúc phải hợp với mong muốn của khách hàng và nằm trong vùng kiểm soát của bạn, nếu không, nó lại tác hại chứ không phải là ích lợi trong mối quan hệ với khách hàng.


7 Khẩn trương với đòi hỏi từ công việc.


Nếu vấn đề nào nảy sinh, hãy nhanh chóng hành động theo hướng lựa chọn những điều ưu tiên giải quyết trước. Đôi lúc những lỗi lầm và cách thức bạn giải quyết chúng sẽ mang đến một cơ may hiếm có để thể hiện sự tận tâm và nhiệt tình của bạn dành cho khách hàng.


8 Lắng nghe và lắng nghe.

Khách hàng có thể cung cấp những lời gợi ý để bạn tạo ra cơ hội có thêm quan hệ thân thiết với khách hàng khác hoặc mở hướng phát triển mới. Chẳng hạn, nếu khách hàng bảo rằng con cái họ sắp sửa thực hiện một kỳ nghỉ thì hãy nhanh chóng ghi nhận lấy điều đó để tự hỏi mình có thể giúp họ thế nào.
(DNSG)

Làm giàu từ đồ thủ công

Chỉ bằng một số cách marketing đơn giản cùng với sự trợ giúp của chiếc máy tính, bạn có thể biến sở thích đồ thủ công, mỹ nghệ và sự khéo tay của mình thành một công việc kinh doanh.


Dù đã có công việc toàn thời gian hay bán thời gian, bạn vẫn có thể thu được rất nhiều điều có lợi từ việc đưa sở thích làm đồ mỹ nghệ vào kinh doanh.

Với những người mới bắt đầu, điều quan trong nhất là phải thực sự có đam mê, kiến thức cũng như kỹ năng làm những món đồ nhỏ nhắn xinh xắn. Một chút nhạy cảm với thị trường và khả năng marketing cũng là những yếu tố cần thiết để thành công.

Tác giả của cuốn "Handmade for Profit" (tạm dịch là: Đồ thủ công sinh lợi nhuận) và là một người đã có 25 năm kinh nghiệm với đồ mỹ nghệ, bà Barbara Brabec, cho hay "Sở thích của bạn phải được chuyển thành sản phẩm hay dịch vụ hướng tới một thị trường cụ thể". Bà nhấn mạnh: "Bạn có thể rất thích những thứ bạn làm ra, nhưng điểm mấu chốt là liệu có ai chịu bỏ tiền ra mua nó không ?"

Theo bà, tất cả các sản phẩm dù là may, thêu, khâu, đan, làm bằng gỗ, hay sắt, đó là tượng hay đồ trang sức thì bạn đều có thể bán để thu lời. Có thể nói sản xuất đồ thủ công là một ngành công nghiệp có trị giá hàng tỷ đôla.

Bà cho biết mọi người đều cảm thấy e sợ khi họ đang bước ra khỏi khu vực an toàn của mình, từ làm cho vui, chuyển thành làm để thu lời. Cách duy nhất để có thể vượt qua cảm giác này là thử làm nhiều lần. Bà cho biết bạn sẽ phải biết cách chấp nhận sự đánh giá hoặc hắt hủi, không phải với cá nhân bạn, mà với sản phầm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp. Khi bắt tay vào công việc bạn phải luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Lời khuyên của bà Brarec cho những người muốn thử sức mình là ngoài niềm đam mê và sự khéo tay trong làm đồ mỹ nghệ, họ nên bắt đầu với một chiếc máy tính. Ngay cả một người hoàn toàn chuyên nghiệp như bà Brabec cũng phải thừa nhận rằng ngày nay việc kinh doanh sẽ khó có thể đi đến đâu nếu không có máy tính.


Máy tính và Internet không chỉ giúp bạn nghiên cứu thị trường mà còn giúp bạn bán sản phẩm vượt khỏi khu vực bạn sinh sống. Với chiếc máy tính, dù bạn chỉ bắt đầu với một cửa hàng nhỏ hoặc một khu chợ địa phương, thì thị trường của bạn có thể mở vươn tới một nửa thành phố hoặc xa hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thử nghiệm sản phẩm với thị trường bất kỳ khi nào bạn có điều kiện.


Brarec đã bán gần nửa triệu cuốn sách dạy những người thích làm đồ thủ công khác kiếm tiền từ những sản phẩm của họ. Bà cũng chứng kiến nhiều người lặp đi lặp lại những sai lầm của mình. Chẳng hạn như một cô thợ may đã làm ra những con búp bê mềm xinh xắn nhưng thất bại trong việc xin giấy chứng nhận sáng chế. Từ đó công việc kinh doanh của cô đã đổ bể khi một hệ thống các cửa hàng sản xuất hàng loạt mặt hàng trên ra đời.

Một sai lầm phổ biến khác là đặt giá sản phẩm quá thấp. Rất nhiều những người bắt đầu kinh doanh kiểu này mắc sai lầm của việc không thu đủ phí. Bà cho hay xây dựng một hệ thống hạch toán chi phí và lợi nhuận là rất quan trọng đặc biệt là khi việc kinh doanh đòi hỏi phải thuê người. Theo bà đồ thủ công có tính nghệ thuật nên việc định giá không hề đơn giản và mức giá thường chỉ hợp lý một cách tương đối. Nếu đặt ngưỡng giá quá rẻ thì sẽ không đủ tiền để trả cho người làm thuê. Theo bà việc nâng giá sẽ khó khăn hơn việc hạ giá rất nhiều vậy nên kinh nghiệm cho thấy những người mới bắt đầu nên bán sản phẩm của mình ở mức hơi đắt so rồi sau đó điều chỉnh giảm xuống mức hợp lý.

Bà nhận định tương lai của ngành công nghiệp này sẽ ngày càng tươi sáng hơn.Mọi người không chỉ thích sản phẩm thủ công vì vẻ đẹp và sự tinh xảo của nó mà họ còn hiểu rằng trong mỗi sản phẩm đều có một chút hồn nghệ sĩ bên trong và cái mọi người mua không chỉ là sản phẩm. Đó cũng là lý do sẽ luôn có cơ hội và thị trường cho những ai muốn thử sức trong lĩnh vực này.
( AOL)

Top 5 công ty lớn nhất thế giới

Tạp chí Fortune của Mỹ vừa công bố danh sách hàng năm 500 công ty lớn nhất thế giới. Năm nay, tập đoàn bán lẻ Wal-Mart của Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách này.


Dưới đây là Top 5 công ty lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Fortune.


1. Wal-Mart


Năm ngoái, tập đoàn này có tổng số 2.055.000 nhân viên, doanh thu 378,799 tỷ USD, lợi nhuận 12,731 tỷ USD. Tài sản của Wal-Mart trong năm 2007 là 163,514 tỷ USD.


Năm qua, Wal-Mart đạt được nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực cải thiện chất lượng sống cho người lao động và bảo vệ môi trường.


Từ lâu, hãng bán lẻ của Mỹ này bị đánh giá thấp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, do đó hãng đang nỗ lực nhiều hơn trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 1 năm nay, đã có 93,7% nhân viên của Wal-Mart được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe, tăng so với mức 90,4% của năm trước.


Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong vòng 15 tháng, Wal-Mart đã bán được 145 triệu bóng đèn tiết kiệm năng lượng và tham gia vào Sáng kiến Khí hậu Clinton..


Mặc dù các nhà phê bình Wal-Mart vẫn chưa hài lòng với những nỗ lực này, hãng đã khiến các khách hàng của mình hài lòng. Tập đoàn này tiếp tục tập trung vào các sản phẩm giá rẻ trong bối cảnh kinh tế Mỹ đi xuống. Nhờ thế mà doanh thu của Wal-Mart tăng 7,9% và lợi nhuận tăng 12,8% so với năm trước.


2. Exxon Mobil


Năm ngoái, Exxon Mobil cũng đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của Fortune. Tháng 3 vừa qua, tập đoàn của Mỹ này đã tham gia vào một dự án trị giá 5 tỷ USD với tập đoàn Saudi Aramco của Saudi Arabia và Sinopec của Trung Quốc để mở rộng hoạt động của một dự án có sẵn ở Phúc Kiến, tạo thành dự án hóa dầu 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc.


Exxon đã có một năm hoạt động khá thành công, tuy nhiên, chi phí của hoạt động lọc dầu tăng cao đã khiến tập đoàn ít nhiều bị ảnh hưởng. Năm 2007, tập đoàn đạt lợi nhuận kỷ lục 40,6 tỷ USD, nhưng chỉ tăng có 2,8% so với năm trước đó. Trong khi đó, doanh thu đạt mức 372,824 tỷ USD, tăng 7,4%. Tổng tài sản của Exxon trong năm 2007 là 242,082 tỷ USD. Tập đoàn này có 107.100 nhân viên.


3. Royal Dutch Shell


Năm 2006, tập đoàn đến từ Hà Lan này cũng đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của Fortune.


Đối mặt với khủng hoảng năng lượng, Shell đã có những bước tiến riêng để đảm bảo tương lai của tập đoàn. Hai dự án lớn của Shell trong năm qua bao gồm mua lại 22% cổ phần của Shell Canada, mở rộng khả năng tiếp cận của tập đoàn với nguồn tài nguyên dầu cát khổng lồ ở Alberta và tiếp tục thúc đẩy dự án xây dựng nhà máy khí hóa lỏng ở Qatar.


Tuy nhiên, không may cho Shell, cổ phần của hãng tại một trong những dự án lớn nhất là dự án khai thác dầu ở Sakhalin, Nga, đã giảm từ mức 55% xuống còn 27% do Chính phủ Nga tăng cường kiểm soát ngành công nghiệp dầu khí.


Shell có 104.400 nhân viên, đạt doanh thu 355,782 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2006 và lợi nhuận đạt 31,331 tỷ USD, tăng 23,1%. Tài sản của Shell tính đến cuối năm 2007 đạt con số 269,470 tỷ USD.


4. BP


Năm 2007 là một năm sóng gió đối với tập đoàn mang “quốc tịch” Anh này. Shell đã buộc phải nâng cấp nhà máy lọc dầu Whitting ở Mỹ sau khi nhà máy này bị buộc tội vi phạm các quy định về môi trường. Sự ra đi của Ceo John Brown cũng là một vấn đề lớn đối với BP trong năm qua.


Tuy nhiên, khoản đầu tư 2,4 tỷ USD ở khu vực San Juan (Mỹ) và các dự án thăm dò dầu khí nước sâu ở Vịnh Mexico được dự báo là sẽ đem lại kết quả kinh doanh khả quan cho BP vào những năm sắp tới.


Với 97.600 nhân viên, trong năm 2007, BP đạt doanh thu 291,438 tỷ USD, tăng 6,2%. Trong khi đó, lợi nhuận của tập đoàn chỉ đạt có 20,845 tỷ USD, giảm 5,3%. Tài sản của BP tính đến cuối năm ngoái là 236,076 tỷ USD.


5. Toyota


Hãng xe hơi Nhật Bản là “ngôi sao mới nổi” duy nhất trong top 5 công ty lớn nhất thế giới năm nay. Sự xuống dốc của ngành công nghiệp ô tô Mỹ đem đến lợi thế cho Toyota. Doanh số toàn cẩu của Toyota trong năm ngoái chỉ kém có hãng ô tô lớn nhất thế giới General Motors (GM) của Mỹ có 3.000 xe.


Tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, Toyota đã hoàn toàn “thắng thế” trước GM khi doanh số của GM giảm 6% còn doanh số của Toyota tăng 3,1%. Chính Toyota đã “tiếm ngôi” GM trong danh sách năm nay, khi mà năm ngoái vị trí số 5 là của GM.

Năm 2007, doanh thu của Toyota đạt mức 230,2 tỷ USD, tăng 12,4%, trong khi lợi nhuận đạt mức 15,042 tỷ USD, tăng 7%. Hãng có 316.121 nhân viên và tài sản 326,099 tỷ USD.


* Ngoài 5 công ty trên, trong top 10 của danh sách năm nay còn có tập đoàn dầu lửa Chevron của Mỹ, công ty tài chính ING của Hà Lan, hãng dầu lửa Total của Pháp, hãng xe hơi GM của Mỹ, và tập đoàn dầu lửa ConocoPhillips của Mỹ.
(Fortune)

Bài học từ New Zealand

Chỉ sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu, trái kiwi nổi tiếng của New Zealand với thương hiệu Kiwi ZESPRI đã có mặt trên khắp thế giới, chinh phục hầu hết các thị trường khó tính như Nhật, Tây Ban Nha, Mỹ, Hà Lan, Pháp, Đức,...


Mới đây, sản phẩm này cũng đã chính thức du nhập vào VN thông qua nhà nhập khẩu độc quyền là Công ty Saigon Ve Wong.

Vì sao Kiwi ZESPRI lại thành công nhanh chóng như vậy? Giới chuyên môn đánh giá Tập đoàn ZESPRI có “chuỗi liên kết” hiệu quả.

Theo tổng giám đốc tập đoàn này, hiện nay ở New Zealand có 2.700 nông dân tham gia trồng trái kiwi thì cũng có bấy nhiêu đó người có cổ phần tại Tập đoàn ZESPRI.


Với sự tham gia vào một trong những chuỗi tạo ra giá trị, người nông dân được truyền đạt kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn thực phẩm của châu Âu v.v... để hiểu rằng người tiêu dùng thế giới thích trái cây sạch, do đó hoàn toàn không được sử dụng hóa chất cũng như công nghệ làm biến đổi gien.

Ngoài ra, ở một chuỗi tạo ra giá trị khác, những nhân công tham gia vào khâu chọn lọc sản phẩm, đóng gói hàng xuất khẩu đều phải hiểu là hàng có vẻ ngoài xấu xí sẽ được dùng làm nước ép, không bị bỏ đi; nên không có chuyện họ chèn hàng xấu, bầm giập để đóng gói xuất khẩu. Xuất khẩu trái kiwi được hiểu là xuất khẩu uy tín của New Zealand, bởi khi nhắc đến người New Zealand, thế giới nghĩ ngay đến hình ảnh chim kiwi, trái kiwi và gọi người New Zealand là “người kiwi”.

“Để phát triển một thương hiệu, cần có sự liên kết hiệu quả từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến đóng gói, phân phối” là bí quyết kinh doanh của ZESPRI. Một bí quyết ngỡ như đơn giản nhưng tại VN nhiều ngành vẫn còn loay hoay, lúng túng.
Ngay chính một chuyên gia của Hiệp hội Trái cây VN cũng thừa nhận bà hết sức khâm phục cách làm ăn của tập đoàn này và sẽ xem cách xâm nhập của họ vào thị trường VN như một bài học quý báu để ứng dụng cho việc đẩy mạnh trái cây thương hiệu VN xuất ra thị trường thế giới.
(NLĐ)

Reversal! (Lật ngược tình huống)

I.Giải thích khái niệm:


Reversal (lật ngược tình huống): đây là công cụ tốt giúp cho bạn nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Để thực hiện theo phương pháp tư duy này, bạn chỉ việc đặt câu hỏi có nội dung đối nghĩa hoàn toàn với câu hỏi bạn đang cần tìm lời giải đáp, tiếp theo áp dụng kết quả tìm được 1 cách thích hợp.

Ví dụ: Hãy tưởng tượng bạn muốn nâng cao chất lượng giải đáp cho đội ngũ nhân viên trung tâm dịch vụ chăm sóc khách hàng, bạn có thể áp dụng phương pháp Reversal với câu hỏi đại loại như: “Làm thế nào để giảm sự hài lòng từ phía khách hàng?'. Sau khi xem xét câu hỏi này, bạn có thể đưa ra 1 số phương án như sau:

- Không trả lời điện thoại khi khách hàng gọi đến

- Không gọi điện phúc đáp.

- Để nhân viên không có chút kiến thức nào về các sản phẩm trực điện thoại.

- Xây dựng 1 đội ngũ nhân viên không lịch sự.

- Đưa lời khuyên sai

- Không ghi nhận thắc mắc hay phê bình của khách hàng.


Sau khi đi ngược lại vấn đề với 1 mớ các “phương án tồi tệ”, bạn hãy áp dụng vào tình hình thực tế của trung tâm, lật lại vấn đề và cải thiện chúng. Hãy chắc chắn hầu hết các nhân viên của bạn đều có thể tiếp quản công việc trực điện thoại một cách hiệu quả và hoà nhã. Bạn có thể lập ra các chương trình huấn luyện hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên, giúp họ đưa ra những lời khuyên chính xác và hiệu quả.


II. Cách tiếp cận:

Đưa vấn đề bạn đang cần giải quyết theo hướng ngược lại, chuyển từ tích cực sang tiêu cực ( Ví dụ, khi bạn đối mặt với vấn đề chăm sóc khách hàng, bạn hãy đưa ra nhiều cách làm tồi hơn dịch vụ này, bạn sẽ hài lòng với 1 số ý kiến bạn tìm được).

Cố tìm ta cái gọi là “không thể” và thấy được cái mọi người “không làm” (Ví dụ: hãng máy tính Apple Computer đi vào lĩnh vực mà IBM không động đến hay Nhật Bản sản xuất loại ô tô nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu).


Chuyển bại thành thắng , thắng thành bại: Nếu vấn đề có chiều xấu đi, ban hãy nghĩ theo hướng tích cực (Ví dụ: nếu mất hết file dữ liệu trong máy tính, điều gì sẽ xảy ra? Có thể bạn sẽ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình! Ai biết đâu đấy!).

- Những câu bạn nên nghỉ ngay khi có một tình huống xảy ra ngay lúc đó : Rồi cũng tốt thôi, bình thường thôi mà…, chuyện nhỏ ….mặc kê không sao đâu..v.v


Double reversal. Lúc đầu, phương án này đặt bạn vào tình huống tệ hại hơn, bi quan hơn rất nhiều, bạn cần nhận ra tại sao nó lại tệ đến thế và hãy chuyển nó sang hướng tốt đẹp hơn. Ví dụ: Đôi khi chúng ta chỉ hay tự hỏi“làm cách nào để giàu có” chứ không hề quan tâm đến câu hỏi“làm cách nào để cháy túi”. Nếu bạn đi theo hướng câu hỏi thứ 2 thì nó buộc bạn phải nghĩ “cái gì làm ta cháy túi” và sau đó là đảo ngược lại tình thế “cái gì sẽ giúp ta không bị cháy túi”, 1 hướng mới sẽ mở ra cho bạn, nó khác và hiệu quả hơn nhiều với việc bạn hỏi trực tiếp “làm thế nào để giàu có”.

III. Hiệu quả mang lại:


Việc lật ngược tình huống không chỉ mang lại triển vọng mới trong giải quyết vấn đề mà còn giúp cho bạn nhìn ra thực tế của vấn đề. Đơn giản, trong quá trình bạn đi ngược lại và nghĩ ra hàng loạt các ý tưởng tiêu cực, bạn sẽ phát hiện ra nhiều yếu tố tiêu cực đang tồn tại trong chính thực tế và bạn sẽ nỗ lực tìm mọi cách để giải quyết, loại trừ chúng.
Trong cuộc sống và công việc ai cũng sẽ gặp những tình huống xấu cả, mặc dù đó chỉ xảy ra một lần nhưng chắc sẽ là thường xuyên thôi. Những lúc đó bạn xây dưng cho minh phương pháp Reversal ! .Mọi việc đều có hướng giải quyết .
(Openshare)

Thắng giặc phải bắt tướng

Trong kinh doanh cũng vậy, người có tài luôn biết phát hiện những yếu tố cốt lõi nhất, bản chất nhất quyết định sự thành bại của thị trường để từ đó "ra đòn" quyết định, thu thắng lợi.


Đối với mỗi sản phẩm, mỗi khu vực tiêu thụ, việc quyết định hành vi mua hàng của người tiêu dùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó có một hoặc vài yếu tố căn bản nhất, mang tính quyết định. Nếu người kinh doanh tìm ra và đáp ứng vượt trội những yếu tố đó thì không thể không thành công.


Trước đây, hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu thường xuyên bị trả về, bị huỷ, bị khách hàng từ chối. Tuy nhiên, đến nay thì đã khác hẳn, thuỷ sản hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và được tiêu thụ mạnh tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản.


Có được thành công này là do các doanh nghiệp thủy sản trong nước đã rút ra được rằng, đối với khách hàng tiêu thụ mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng thủy sản nói riêng thì quan trọng nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Nhất là các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như: Nhật, EU, Mỹ...


Khi đã xác định được yếu tố giúp mình có thể vượt qua rào cản của những thị trường khó tính trên, các doanh nghiệp thuỷ sản đã là một trong những ngành đầu tiên của nước ta ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế, các quy trình quản lý chất lượng theo hướng chọn những tiêu chuẩn hiện đại nhất để áp dụng như ISO, HACCP... Thậm chí, trên một số vùng, lĩnh vực, Việt Nam là nước đi tiên phong trong việc xây dựng các vùng nuôi sinh thái - an toàn, xây dựng quy trình chế biến có trách nhiệm với khách hành từ vùng nuôi tới bàn ăn...


Đến nay, cả nước ta đã có 439 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 171 doanh nghiệp được xếp vào danh sách 1 xuất khẩu vào EU, 300 doanh nghiệp áp dụng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm theo HACCP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp đã được các cơ quan quản lý Châu Âu đưa vào danh sách 1 với quyền xuất thẳng hàng hoá mà không cần kiểm soát.

Ngành thủy sản đã áp dụng kế sách “thắng giặc phải bắt tướng” để tìm ra vị tướng quyết định việc mua hàng của các đối tác nước ngoài là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ đã kịp thời loại bỏ nhược điểm, tập trung thỏa mãn “vị tướng” an toàn thực phẩm để thu được thắng lợi lớn - đó chính là niềm tin của người tiêu dùng các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

(DĐDN)

Thương hiệu và thể thao

Euro sôi động và chuẩn bị Olympics Bắc Kinh, là mùa các hãng thể thao bận rộn nhất với các sự kiện tài trợ, quảng cáo. Trang mạng Brandastrategy đã thực hiện một số điều tra khá thú vị về các nhà tài trợ và ý kiến của các fan hâm mộ.


Không thèm nhớ nhà tài trợ


Có đến 41% các fan hâm mộ đá bóng của châu Âu không hề biết tên các hãng tài trợ cho giải vô địch Euro 2008.


Cuộc điều tra được tổ chức Điều tra quốc tế theo phương pháp lấy mẫu thực hiện đã đưa ra kết quả thật đáng thất vọng cho các hãng tài trợ và quảng cáo trong giải thi đấu này cho dù các hãng dành các khoản ngân sách khổng lồ cùng những nỗ lực kinh khủng đến đâu thì thông điệp mong muốn của họ vẫn không truyền tải được đến các fan hâm mộ (tức là những người tiêu dùng hiện tại và tiềm năng của họ).


Cuộc điều tra được thực hiên với 1,820 người bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh. Trong đó, 77% người Anh hoàn toàn không biết tên các nhà tài trợ cho giải; với các fan hâm mộ của Pháp thì đỡ tệ hơn - 55%; Tây Ban Nha 42% và Đức 28%. Nguyên nhân các fan hâm mộ môn thể thao vua tại Anh không quan tâm đến thông tin về các nhà tài trợ cũng phần nào dễ hiểu vì đội tuyển Anh không có mặt trong danh sách đội tuyển của giải lần này, và tất nhiên số chương trình quảng cáo về giải trên các chương trình truyền trình tại Anh cũng giảm xuống đáng kể.


Dù sao cũng có một điểm an ủi cho các hãng quảng cáo. Các fan có thể không để ý đến các hãng tài trợ và quảng cáo; nhưng ít ra họ cũng thừa nhận có nhận ra một cái tên quen thuộc qua các đoạn quảng cáo. Kết quả cho thấy 66% các fan hâm mộ người Tây Ban Nha để ý các nhãn hiệu qua các đoạn quảng cáo; 63% với các fan người Pháp và Anh; và 43% với fan của cỗ “xe tăng Đức”.


Và cũng chính những fan của “cỗ xe tăng” Đức cũng là những khách hàng khó tính nhất – có đến 35% trong số fan thừa nhận cho dù có nhìn thấy thương hiệu quảng cáo trong chương trình yêu thích, họ cũng không thay đổi thói quen mua đồ thể thao; trong khi đó các fan hâm mộ khác thì đều thừa nhận dễ bị ảnh hưởng bởi các thương hiệu quảng cáo trong chương trình. Chỉ 20% fan hâm mô người Pháp, 17% người Anh và 14% người Tây Ban Nha nghĩ rằng các quảng cáo thương hiệu đan xen với chương trình có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của họ.


Quảng cáo thua cảm xúc


Trên một số chương trình truyền thông nhân dịp Euro 2008, nhà tài trợ Canon đã công bố một nghiên cứu fan hâm mộ nước nào nồng nhiệt nhất trên sân cỏ. Vị trí đầu bảng thuộc về Thụy Điển, có đến 88% các fan hâm mộ của nước này thường ôm, thậm chí hôn luôn người bên cạnh mặc dù không quen biết khi quá phấn khích; và 95% thừa nhận rằng bóng đá là dịp độc nhất vô nhị họ có thể bỏ quên các nghi lễ phép tắc truyền thống.


Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng này là Na Uy, tiếp theo là Bỉ và Anh quốc. Các cổ động viên người Pháp được xếp trong số bảo thủ nhất châu Âu với chỉ chừng 60% trong số họ thừa nhận là sẽ ôm hôn bất kỳ ai khi phấn khích - trong khi con số trung bình của các fan hâm mộ tại Châu Âu có thừa nhận sẽ làm việc này là 77%.

Nói đến những giọt nước mắt thì các cổ động viên người Bồ Đào Nha, Bỉ, Đức, và Anh bị coi mau nước mắt nhất, vì rất nhiều người thừa nhận là đã khóc trong các trận đấu. Xét rộng hơn thì các fan hâm mộ tại châu ÂU có vẻ dư thừa cảm xúc có đến 66% đã từng khóc khi ở trên sân.


Và đã cảm tính như vậy thì các fan còn để ý gì đến cầu thủ yêu thích của mình đang mặc áo của hãng nào hay bảng quảng cáo nào trên sân…

(Doanh nhân)

Thursday, July 10, 2008

Các nguyên tắc thành lập một liên kết tiếp thị

Liên kết tiếp thị (marketing partnership) là sự hợp tác giữa các chuyên gia cung cấp dịch vụ chuyên môn, các Công ty hay các nhân viên bán hàng có cùng các đối tượng khách hàng tiềm năng, cùng các nhu cầu về tiếp thị và có thể đang chào bán các dịch vụ bổ sung cho nhau. Theo Paul McCord - Chủ tịch của McCord and Associates, một Công ty Tư vấn quản trị và đào tạo nghiệp vụ bán hàng ở Houston (bang Texas, Mỹ), tác giả của cuốn sách Superstor Selling: 12 Keys to Becoming a Sales Supersror (12 bí quyết để trở thành một siêu sao bán hàng) thì để đưa một liên kết tiếp thị đến thành công, các bên liên kết phải tuân thủ những nguyên tắc dưới đây.

Mục đích của việc thành lập một liên kết tiếp thị là nhằm phối hợp các nỗ lực bán hàng và tiếp thị trong một phạm vi thị trường đã được xác định, hoặc để tiếp cận một nhóm khách hàng tiềm năng đã được xác định nhưng không mất đi hình ảnh và các hoạt động riêng của các bên liên kết.


Các hoạt động tiếp thị liên kết phổ biến thường bao gồm: tạo ra các tài liệu tiếp thị chung, cùng xây dựng các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị trực tiếp bằng thư từ, cùng tham dự các cuộc họp bán hàng, giới thiệu các khách hàng tiềm năng cho nhau, kết hợp các dịch vụ nguồn nhân lực và tài sản để tạo ra các dịch vụ mới... Ví dụ điển hình về hoạt động tiếp thị liên kết là một đại lý bảo hiểm có thể phối hợp với một nhân viên dịch vụ tín dụng cho cá nhân để cùng tiếp thị. Thực tế cho thấy bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào cũng có thể tìm dược nhiều cơ hội để thành lập các liên kết tiếp thi.


Tuy nhiên, cúng nên lưu ý rằng liên kết tiếp thị không phải là giải pháp để doanh nghiệp khắc phục nhanh các vấn đề trong bán hàng, cũng không phải để doanh nghiệp giảm bớt các gánh nặng của hoạt động tiếp thị và bán hàng. Khi thành lập một liên kết tiếp thị, các bên phải có trách nhiệm chia sẻ, thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ của liên kết. Ngoài ra, khi tham gia một liên kế tiếp thị, các doanh nghiệp cần phải lưu ý đến những nguyên tắc sau:


1. Các bên tham gia liên khi cùng có hình ảnh, vị trí của nhau trên thị trường


Việc chọn lựa một đối tác phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng. Uy tín, hình ảnh của một bên tham gia liên kết sẽ có ảnh hưởng trực tiếp lên uy tín, hình ảnh của các bên còn lai. Phạm vi tiếp thị của các đối tác cũng là một yêu tố khác mà doanh nghiệp cần phải cân nhăsc khi tham gia một liên kết tiếp thị. Nếu ở vai trò là người khởi xướng thành lập một liên kết tiếp thị doanh nghiệp sẽ có lợi thế trong việc chọn lựa các đối tác thích hợp.


2. Lợi ích là động lực chính của các đối tác tham gia liên kết tiếp thị


Khi khởi xướng việc thành lập một liên kết tiếp thị, doanh nghiệp phải thuyết phục các đối tác khác bằng cách chứng minh cho họ thấy được những lợi ích, giá trị thật sự mà họ sẽ có được khi tham gia liên kết. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp phải sẵn sàng "cho" trước, "nhận" sau thì mới thuyết phục được các doanh nghiệp khác tham gia vào một liên kết tiếp thị do mình khởi xướng.


3. Sự cam kết là yếu tố quan trọng nhất


Vai trò là người khởi xướng việc thành lập một liên kết tiếp thị, một mặt doanh nghiệp sẽ có được cơ hội chẩn cho mình những đối tác tiềm năng nhất giúp củng cố hình ảnh, vị trí của mình trên thị trường. Nhưng mặt khác, doanh nghiệp phải có trách nhiệm theo cam kết liên kết. Doanh nghiệp phải đảm nhận phần lớn công việc của liên kết ít nhất là trong giai đoạn đầu. Doanh nghiệp có thể sẽ làm việc với những đối tác tuy thích thú với ý tưởng mà doanh nghiệp đưa ra nhưng còn hoài nghi về tính khả thi của nó. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chứng minh cho đối tác thấy được khả năng hiện thực hóa ý tưởng đó và đảm bảo sự liên kết sẽ đem lại lợi ích sòng phẳng cho các bên. Trên thực tế, một số liên kết tiếp bị thất bại vì bên khởi xướng việc thành lập liên kết đã gieo vào đầu các đối tác quá nhiều kỳ vọng mà trên thực tế không thể có được.

Triết lý của cà phê và quyền lực mềm cho Việt Nam

Chủ tịch HĐQT Công ty Cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ


"Trung Quốc có khẩu hiệu ngắn gọn: "Hàng hoá Trung Quốc ở đâu, văn hoá Trung Quốc ở đó". Nhìn sang Hàn Quốc, thông qua phim ảnh, họ gia tăng lượng bán hàng lên 10 tỷ USD/năm. Tôi xin đặt câu hỏi: Việt Nam có ý thức được vấn đề đó không? Có xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia dựa trên những thế mạnh như cà phê, hạt tiêu, hạt điều không? Chúng ta vẫn chưa thực sự ý thức về vấn đề "quyền lực mềm", từ cấp quản lý đến cấp doanh nghiệp" - Đó là trăn trở của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ.

Xây dựng triết lý của cà phê Việt Nam


* Theo ông Việt Nam có triết lý về cà phê chưa?


- Tôi nghĩ ở Việt Nam, triết lý cà phê mới manh nha. Để có được triết lý ấy, cần dựa trên quan điểm của địa phương, dân tộc và thế giới về loai sản phẩm này. Nó sẽ được bồi đắp bởi những người uống và đam mê cà phê theo thời gian, ngay một lúc không thể hoàn tất được.


* Để có được triết lý ấy, theo ông cần làm gì?


- Tôi kêu gọi các nhà văn hóa cần nhìn nhận đây là vấn đề nghiêm túc và phải có công trình nghiên cứu cẩn thận. Cà phê là mẫu số chung để quy tụ 2 triệu tín đồ uống cà phê ở nhiều quốc gia, sắc tộc, màu da, quan điểm chính trị và tôn giáo khác nhau. Do đó, cần phải nghiên cứu nó với tư cách một công trình khoa học. Nếu có được triết lý ấy, Việt Nam sẽ có một cơ hội quá lớn. Lần đầu tiên Việt Nam sẽ trở thành nhà tư tưởng, có thể xuất khẩu và quy tụ được những người khác nhau trên thế giới.


Mặt khác, Hiệp hội Cà phê Việt Nam cần những người quyết liệt và có kinh nghiệm quốc tế để tính toán chiến lược cho cà phê Việt Nam. Chúng ta cần phải có liên minh chiến lược đối với các nước trồng cà phê như Colombia, Brazil, Indonesia. Nếu ý thức đó là quyền lực của Việt Nam thì cần nghiêm túc nhìn nhận nó ở góc độ rộng hơn nhiều nếu không chúng ta sẽ phải trả giá.


Đề nghị ba Bộ ngồi lại với nhau...


* Muốn xây dựng được chiến lược cho cà phê Việt Nam, theo ông chính phủ cần làm gì?


- Trước tiên, chính phủ phải nhận thức được thế mạnh này là một quyền lực mới thực sự của Việt Nam mà thế giới không dễ gì có được: Hạt tiêu, hạt điều xuất khẩu đứng số một thế giới, gạo, cà phê đứng thứ 2... Đây là vấn đề cần thiết phải có sự đầu tư của nhà nước, nhưng cũng cần nói rằng vai trò của nhà nước rất yếu trong vấn đề này. Chúng ta cần phải quan tâm đầy đủ trong từng chuỗi giá trị đầu vào, từ khâu giống trồng trọt đến một loạt giải pháp ứng dụng công nghệ hàng đầu, tổ chức sắp xếp lại sản xuất, không để manh mún, thất thoát sau thu hoạch quá lớn.


Thứ hai là làm sao để nông sản Việt Nam không dừng lại ở bán thô, phải tính toán để chế biến, phân phối sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Cần phân chia cụ thể trách nhiệm của các Bộ chức năng. Tôi đề nghị 3 bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hoá - Du lịch và Thể thao... cùng các nhà sản xuất cà phê ngồi lại với nhau cùng bàn bạc, vì sản phẩm khi đi ra thế giới không thuần tuý chỉ thuộc về đơn lẻ một đơn vị nào, mà phải gắn kết và gói vào trong đó những giá trị cao.


* Nếu nắm được nguyên liệu mà không nắm được phân phối, thị trường thì những gì chúng ta thực hiện có mạo hiểm không?


- Phải nắm được khâu phân phối và thương hiệu. Chúng ta phải xây dựng thôi, đừng sợ, có đi rồi sẽ đến. Như Starbucks, họ đến sau nhiều hãng cà phê, nhiều hệ thống khác nhưng vì sao họ chiến thắng? Đó là vì họ có phương pháp và những quan điểm đúng trong vấn đề định vị trong não trạng của từng người tiêu dùng. Việt Nam nếu xét góc độ nào đó hơn các đất nước khác về gốc, bởi những thương hiệu như Nestlé, Kraft, Sara Lee, P&G, và các hàng cà phê đặc biệt như Starbucks, Tullys... tất cả đều đến từ những nước Âu - Mỹ - những nước hầu như không trồng cà phê. Mình có gốc nhưng lại không phát huy xây dựng được một thương hiệu toàn cầu. Hiện nay, thương hiệu của chúng ta vẫn chưa nổi bật. Ngay cả Trung Nguyên vẫn còn mờ nhạt với thế giới.


Nhưng nếu nhận thức được vấn đề này, tính toán lại và thực hiện một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ có vị trí nhất định.


Xây dựng quyền lực mềm cho Việt Nam từ hàng nông sản


* Trong sản xuất nông sản ở nước ta, vẫn còn nhiều hiện tượng chạy theo phong trào. Đối với quy hoạch các vùng nguyên liệu, ông có nghĩ là cần phải có chế tài để thực hiện không?


- Công tác này, xét về mặt quản lý, là rất quan trọng, nhưng bấy lâu nay vẫn tự phát. Tôi đề nghị cần một quy hoạch khác, quy hoạch chủ động hơn chứ không như bây giờ. Tức là đi tìm nhu cầu của thế giới trên một diện tích Việt Nam để định hướng sản xuất chứ không phải cứ chạy theo phong trào, thế giới cần thì trồng, không cần thì lại chặt phá. Chúng ta cần học bài học từ Malaysia: Trong khi các nước đua nhau trồng cao su thì họ phá bỏ loại cây này để trồng cọ dầu. Hiện nay, họ là một quyền lực và chi phối tất các các thứ liên quan đến loại cây này trên thế giới và thu lại giá trị rất cao.


Ngay bây giờ, chúng ta lập tức phải quy hoạch ngay vùng nguyên liệu vì nó ảnh hưởng sâu xa đến chiến lược phát triển lâu dài của đất nước. Ví dụ ngành cà phê, nếu để vượt quá khuôn khổ kiểm soát, sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước... Nếu cà phê khủng hoảng thừa, nó sẽ là tác nhân bị lên án, do đó, cần tính toán lại. Vấn đề quy hoạch lúa gạo cũng vậy.


Tóm lại để hội nhập sâu rộng, Việt Nam cần ở phân đoạn tạo giá trị gia tăng cao để có cái nhìn toàn diện ngay cả khi chúng ta có những thế mạnh như lúa gạo, cà phê.


* Ông có nói quyền lực mềm của Việt Nam sẽ được gia tăng rất nhiều nhờ xây dựng những liên minh quốc tế. Ông có thể nói cụ thể hơn?


- Như tôi đã nói, như với một khái niệm cà phê chẳng hạn, nếu thực sự hình thành được khái niệm này, tự nó đã là một quyền lực rồi. Nhưng sự thiết lập này bị các thế lực khác luôn luôn phá vì các nước hưởng lợi họ không muốn vậy. Ví dụ như dầu mỏ, một quốc gia có thể chi phối toàn bộ giá dầu trên thế giới, cà phê của chúng ta cũng hoàn toàn có thể thực hiện được điều này. Đó là quyền lực chứ còn gì, bởi khi ấy, mình được quyền quyết định cuộc chơi.


* Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng quyền lực mềm cho mình trong khi các nước khác như Mỹ, Trung Quốc đã đi trước ta từ rất lâu. Vì sao chúng ta chưa thành công?


- Bắt đầu là vấn đề nhận thức. Trung Quốc có khẩu hiệu ngắn gọn: "Hàng hoá Trung Quốc ở đâu, văn hoá Trung Quốc ở đó". Nhìn sang Hàn Quốc, thông qua phim ảnh, họ gia tăng lượng bán hàng lên 10 tỷ USD/năm. Tôi xin đặt câu hỏi Việt Nam có ý thức được vấn đề đó không? Có nỗ lực không? Có xây dựng chiến lược dựa trên những thế mạnh như cà phê, tiêu điều không? Có xây dựng được các chương trình đồng bộ mang tính quốc gia để quảng bá những ngành nghề đó không? Chúng ta vẫn chưa thực sự ý thức về vấn đề "quyền lực mềm", kể từ cấp quản lý đến cấp doanh nghiệp.


Việc tính toán để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản là rất khó. Có tham vọng xuất khẩu thông qua con đường văn hoá, hay nói cách khác là "gói văn hóa vào trong sản phẩm", chúng ta mới tạo ra được ngành công nghiệp từ design - thiết kế cho đến các nhà văn hoá hoạt động có chủ đích, các trung tâm đào tạo có chủ đích.


Thương mại không còn là thương mại nếu như hội nghị thương mại toàn quốc không có các nhà giáo dục, các nhà văn hoá. Phải có họ, chúng ta mới yên tâm nói rằng chúng ta đang nhận thức đúng vấn đề mà chúng ta đang "xê dịch". Nếu chỉ có các ông thương mại thuần tuý thì xin lỗi, chúng ta vẫn là thương mại đơn thuần.


* Vậy theo ông, tư duy quản lý của Việt Nam trong việc xây dựng quyền lực mềm từ thương hiệu cần thay đổi theo hướng như thế nào?


- Trong mấy năm gần đây chúng ta đều nói về thương hiệu này, thương hiệu kia. Thú thực tôi cũng rất tự hào rằng mấy năm trước tôi là người vận động cho chương trình đó ra Quốc hội, cho các nhóm tâm huyết và nhận được sự ủng hộ rất cao.


Thế nhưng, nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu là một chuyện, vấn đề ở chỗ cần phải có một chiến lược xác định đâu là ưu thế nổi trội để phát triển. Hàn Quốc cũng từng mất một thời gian để tìm hiểu đâu là ưu thế của quốc gia họ. Họ không thể đi theo hướng chất lượng như Nhật, hay hướng giá rẻ như Trung Quốc, nên những sản phẩm của họ đi theo hướng thời trang. Lập tức, họ có chiến lược quốc gia để đào tạo những người thiết kế - design thích hợp, những nhà xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu ở mức độ nhất định. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa thực hiện được điều này.


Tôi là học sinh đầu tiên của bài học mất bản quyền nông sản

* Hiện nay, vấn đề sở hữu trí tuệ đối với ngành nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí có người còn hiểu rằng, sở hữu trí tuệ chỉ bó hẹp trong ngành công nghệ thông tin, còn ngành nông sản thì không....


- Cái đó là nhận thức rất thiển cận. Ở các quốc gia, vấn đề sở hữu trí tuệ, sở hữu bản quyền rất quan trọng. Như Microsoft, một phần mềm của nó bạn đều phải trả tiền bản quyền. Cần thừa nhận rằng, một số doanh nghiệp còn chưa nhận thức đúng được về vấn đề này, nên cần sự truyền thông sâu rộng của các cơ quan báo chí.


Tôi là nạn nhân đầu tiên bị mất bản quyền. Một công ty Mỹ lấy thương hiệu của mình và cuối cùng mình phải trả tiền cho họ chỉ vì mình chưa đăng ký. Mong rằng đó là bài học cho toàn bộ những người hoạt động trong ngành nông sản và những ngành khác nếu họ muốn đưa sản phẩm ra nước ngoài hoặc đối phó với những người làm hàng nhái.


* Nhận xét của ông về tác động của WTO đối với ngành nông sản Việt Nam?


- Đối với nông sản, tôi thấy tác động tốt. Lúa gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê... dù còn bất cập ở phân khúc thấp nhưng đó là thế mạnh của chúng ta. Công việc của chúng ta lầ cần lấy nguồn lực của thế giới để nâng ngành này trở thành quyền lực mềm chi phối. Có một vấn đề phải bàn là chúng ta chưa sẵn sàng ứng phó, chưa nhận thức đầy đủ tác động mà WTO đem lại.


Khi ra sân chơi quốc tế rõ ràng Việt Nam còn yếu kém quá nhiều. Một đất nước xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, khi mở cửa, ai cũng nhận thấy mình tụt hậu so với thế giới. Nỗ lực để thoát khỏi tụt hậu và nâng mình lên là niềm trăn trở của tất cả người Việt Nam, của các chính trị gia, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp.


* Vậy còn vai trò của các hiệp hội...


- Họ chưa phát huy được vai trò của mình. Cần thay đổi cơ chế vận hành để chính phủ có thể trông cậy vào các hiệp hội này... Ở các nước, họ thường giải quyết các vấn đề thông qua các hiệp hội hết, ít khi các cơ quan chức năng của chính phủ phải can thiệp.


Ở ta thì ngược lại. Các hiệp hội vai trò rất mờ nhạt và cần thay đổi mạnh mẽ. Doanh nghiệp chờ sự thay đổi và cần chủ động thúc đẩy sự thay đổi đó.


Đừng sợ hãi những người khổng lồ


* Trong chiến lược marketing, muốn xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp bao giờ cũng phải là người đi đầu ở một khía cạnh nào đó. Nhưng ông luôn nói về Starbucks. Liệu đó có phải là một cái bóng quá lớn không?


- Phải thừa nhận họ là một người khổng lồ, nhưng đừng hãi sợ họ. Hãy xem phương thức vận hành của họ, xem cách họ thành công để tìm hướng đi cho mình. Điều này này bản thân tôi không ngại. Nhiệm vụ của tôi là trong tầm nhìn này, thiết lập được hệ thống cùng chung ý nghĩ, khát khao này để hiện thực hoá trên những quan điểm.


Xây dựng thương hiệu là tìm ra điểm mới, mới như thế nào. Tôi nghĩ mỗi thương hiệu nên phát ngôn được hai vấn đề: giá trị cốt lõi và sự khác biệt hấp dẫn thế giới người sử dụng. Vấn đề này đòi hỏi sự tư vấn của các chuyên gia về nhiều lĩnh vực triết học, tâm lý học...


Cần xây dựng một thương hiệu cà phê Việt Nam ngon nhất thế giới về chất lượng, nâng nó trở thành triết lý sống, là ngôn ngữ thứ hai của thế giới. Lời hứa đó sẽ thực thi trong chiến lược thương hiệu.


Các thương hiệu, dịch vụ, kể cả thể chế, tư tưởng mà quốc gia theo đuổi là hình ảnh của đất nước đó. Tại Việt Nam hiện nay vai trò của các tập đoàn chúng ta chưa thực hiện được. Mỗi doanh nghiệp phải tự ý thức quảng bá cho thương hiệu quốc gia ra ngoài thế giới. Đương nhiên còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta phải làm.


Nguyễn Dung - Lanhdao