Đối với mỗi sản phẩm, mỗi khu vực tiêu thụ, việc quyết định hành vi mua hàng của người tiêu dùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó có một hoặc vài yếu tố căn bản nhất, mang tính quyết định. Nếu người kinh doanh tìm ra và đáp ứng vượt trội những yếu tố đó thì không thể không thành công.
Trước đây, hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu thường xuyên bị trả về, bị huỷ, bị khách hàng từ chối. Tuy nhiên, đến nay thì đã khác hẳn, thuỷ sản hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và được tiêu thụ mạnh tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản.
Có được thành công này là do các doanh nghiệp thủy sản trong nước đã rút ra được rằng, đối với khách hàng tiêu thụ mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng thủy sản nói riêng thì quan trọng nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Nhất là các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như: Nhật, EU, Mỹ...
Khi đã xác định được yếu tố giúp mình có thể vượt qua rào cản của những thị trường khó tính trên, các doanh nghiệp thuỷ sản đã là một trong những ngành đầu tiên của nước ta ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế, các quy trình quản lý chất lượng theo hướng chọn những tiêu chuẩn hiện đại nhất để áp dụng như ISO, HACCP... Thậm chí, trên một số vùng, lĩnh vực, Việt Nam là nước đi tiên phong trong việc xây dựng các vùng nuôi sinh thái - an toàn, xây dựng quy trình chế biến có trách nhiệm với khách hành từ vùng nuôi tới bàn ăn...
Đến nay, cả nước ta đã có 439 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 171 doanh nghiệp được xếp vào danh sách 1 xuất khẩu vào EU, 300 doanh nghiệp áp dụng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm theo HACCP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp đã được các cơ quan quản lý Châu Âu đưa vào danh sách 1 với quyền xuất thẳng hàng hoá mà không cần kiểm soát.
(DĐDN)
No comments:
Post a Comment