Saturday, June 28, 2008

Không có khái niệm thất bại

Anh không có quyền quyết định việc thất bại như thế nào, nhưng anh hoàn toàn có khả năng quyết định cách phục hồi và chuẩn bị cho chiến thắng lần tới" - Pat Riley huấn luyện viên bóng rổ chuyên nghiệp đã thành công.


Coi thất bại là động lực tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo chuyên nghiệp đều cho rằng khái niệm thất bại không hề tồn tại. Họ chỉ nhận được những kết quả mà họ gọi là sự thất bại. Chúng ta gắn danh hiệu nhà lãnh đạo bẩm sinh cho những người luôn tìm thấy giá trị trong mọi trải nghiệm, đặc biệt khi họ không nhận được những kết quả theo đúng mong muốn. Thất bại thực ra là cơ hội để bắt đầu lại với bộ óc sáng suốt hơn. Không ai có thể thành công trong mọi công việc. Tuy nhiên, ý nghĩa của chiến thắng lại phụ thuộc vào cách chúng ta chấm điểm. Những nhà lãnh đạo xuất sắc thường không tự dồn mình vào tình huống khó khăn với việc tính điểm âm, kém hiệu quả hay đáng thất vọng. Họ tìm ra những bài học có ý nghĩa, tiếp thu bài học đó và tiếp tục tiến lên. Họ giải phóng bản thân khỏi suy nghĩ rằng mình có thể “thất bại” bằng cách coi những trải nghiệm đó như một lần học hỏi, rút kinh nghiệm.

Những nhà lãnh đạo giỏi nhất luôn đặt trọng tâm vào mục tiêu và rút ra bài học từ toàn bộ quá trình tiến tới mục tiêu đó, bất chấp những trắc trở trên đường đi. Hãy bắt đầu phát triển kỹ năng này với việc đảm nhận mọi trách nhiệm đối với những trải nghiệm của chúng ta. Nhưng “đảm nhận mọi trách nhiệm” có nghĩa như thế nào? Hãy nhớ lại thời gian hay không gian, nơi chúng ta không nhận được những kết quả như mong muốn. Hãy nhớ rằng khi đó chúng ta có vài cách giải quyết.

Cách đơn giản là chúng ta chấp nhận những gì ta có và không làm gì cả. Nhưng những người lựa chọn giải pháp này sẽ sụp đổ, là hậu quả của thất bại. Hoặc chúng ta có thể kêu ca, phàn nàn về thất bại. Hoặc chúng ta có thể chạy trốn khỏi kết cục đó. Hoặc chúng ta quyết tâm thay đổi bản thân bằng cách coi trải nghiệm đó là một lần học hỏi, rút kinh nghiệm. Cách phản ứng này đồng nghĩa với việc chúng ta đã đứng ra “đảm nhận mọi trách nhiệm”.

Thất bại thường xuyên sẽ sớm mang lại thành công. Hãy coi thất bại là một điều kiện tiên quyết đưa tới thành công. Những người bán hàng giỏi biết rằng cứ mười cuộc gọi chào hàng, họ sẽ thành công một lần. Mỗi lần không bán được, người bán hàng thành công nghĩ rằng: “Thật tuyệt, vậy là ta đã loại bỏ được một lời từ chối nữa”. Hãy loại thất bại ra khỏi đường đi của anh bằng cách học hỏi, rút kinh nghiệm từ chúng.

Hãy sử dụng những thất bại đó để giúp anh tránh phải đi lại con đường anh đã đi. Hãy theo dõi khuynh hướng chung về việc biến một kết quả không mong muốn thành “câu chuyện để đời”.Trên thực tế chúng ta không thể đánh giá cao những người làm trầm trọng hoá sự thất bại bằng cách lảm nhảm câu chuyện họ đã “làm hỏng”, “thất bại thảm hoạ”, “sụp đổ” và “bỏ lỡ cơ hội” như thế nào.

Khi không nhận được kết quả đúng như mong muốn hãy kể một câu chuyện với kết thúc lạc quan, hơn là biến nó thành một kết cục thảm thương. Hãy miêu tả những thách thức, chi tiết hoá các hành động chúng ta đã thực hiện. Đừng quên tìm ra những điểm thay đổi bất ngờ dẫn tới kết quả không mong muốn. Hãy trình bày về những điều khiến chúng ta thất vọng nếu thực sự phải làm như vậy. Tiếp đó, hãy nói rõ những điều chúng ta đã học được từ kinh nghiệm đó. Hãy kết thúc câu chuyện của mình bằng một lời khẳng định “Nhu cầu là vũ khí mạnh mẽ nhất của chúng ta”, thất bại chính là một động lực cần thiết thúc đẩy sự tăng trưởng.
Sự khác biệt giữa thành công và thất bại:

Người thành công biết chính xác những gì mình muốn, tin tưởng vào khả năng của mình và sẵn sàng cống hiến hết thời gian của cuộc đời để đạt được điều đó.

Người thất bại không có mục đích cụ thể cho cuộc sống, luôn tin rằng mọi thành công đều là kết quả của vận may và chỉ thật sự bắt tay vào việc khi có sự tác động từ bên ngoài.

Người thành công có khả năng ảnh hưởng đến những người xung quanh và hợp tác với họ trong thái độ thân thiện.

Người thất bại tìm thấy khuyết điểm của mình ở người khác.

Người thành công chỉ bày tỏ ý kiến về những điều mình biết và họ hoàn toàn có thể thực hiện điều đó một cách rất khôn ngoan.

Người thất bại phát biểu ý kiến về mọi vấn đề mà họ chỉ biết chút ít hoặc hoàn toàn không có một chút kiến thức gì về chúng.

Người thành công dung hoà quan hệ với tất cả mọi người mà không quan tâm đến lợi ích đạt được.

Người thất bại chỉ nuôi dưỡng quan hệ với những ai mà từ đó họ sẽ có những thứ mà họ muốn.

Người thành công luôn trau dồi kiến thức và mở rộng lòng khoan dung. Họ sống hướng đến quyền lợi chung của cộng đồng.

Người thất bại có trí tuệ hạn chế, sự vị kỷ chiến thắng lòng vị tha. Vì vậy họ tách khỏi những cơ hội thuận lợi và mối quan hệ thân thiện với xã hội.

Người thành công theo kịp thời đại và xem đây là một trách nhiệm quan trọng để biết được điều gì đang diễn ra.

Người thất bại chỉ quan tâm đến bản thân với những nhu cầu trước mắt và bất chấp mọi thứ để thực hiện, không cần biết đó là điều tốt hay xấu.

VicBrand tổng hợp.

Friday, June 27, 2008

90 ngày đầu tiên làm sếp

Chừng nào còn các nhà lãnh đạo, chừng đó giai đoạn chuyển đổi nhà lãnh đạo còn tồn tại. Tổng thống Mỹ có 100 ngày để khẳng định mình trên nghị trường, còn với các CEO - lãnh đạo các tập đoàn, thời gian thử thách họ trên thương trường là bao lâu?


Theo các nhà phân tích, những gì mà một vị lãnh đạo làm trong suốt ba tháng đầu tiên (90 ngày) quyết định rất lớn tới việc người ấy sẽ thành công hay thất bại. Đối với các giám đốc, các nhà quản lý, hay chỉ là trưởng phòng, trưởng nhóm, những ngày đầu mới nhậm chức bao giờ cũng là giai đoạn khó khăn nhất.

Khác với suy nghĩ thông thường cho rằng được thăng chức thật thích thú và dễ dàng, thực tế đã chứng tỏ rằng đây là thời kỳ khó khăn nhất khi những nhà lãnh đạo phải đương đầu với nhiều thách thức mới, thậm chí gặp nhiều áp lực nhất khi phải xử lý những tình huống phức tạp. Họ phải điều hành những con người mới, trong một môi trường làm việc mới, khác biệt nhiều so với môi trường và cách thức làm việc họ từng quen thuộc trước đây.

Quan niệm cũ cho rằng cứ làm chuyên viên giỏi hay nhà quản lý bộ phận giỏi là có thể trở thành giám đốc hay nhà lãnh đạo giỏi. Trên thực tế, có rất nhiều ví dụ về sự thất bại của những người này trong vai trò lãnh đạo. Những thành công trước đây, trình độ chuyên môn cao hay năng lực quản lý bộ phận xuất sắc là chưa đủ để đảm bảo thành công trong cương vị mới. Những nghiên cứu và thực tiễn đều chứng minh rằng sự thành công hay thất bại của một nhà lãnh đạo hầu như sẽ được quyết định trong 90 ngày nhậm chức đầu tiên.

Cuốn cẩm nang "90 ngày đầu tiên làm lãnh đạo" của Michael Watkins, được Trường Đại học Kinh doanh Harvard xuất bản năm 2003 đã vạch ra một lộ trình hành động trong giai đoạn mới nhậm chức. Cuốn sách trình bày 10 chiến lược giúp các nhà lãnh đạo nhanh chóng thành công bao gồm:

Thúc đẩy bản thân thích nghi với chức vụ và môi trường mới. Các nhà lãnh đạo cần dẹp bỏ lối suy nghĩ và cách làm việc trong vị trí cũ để đảm nhiệm vai trò mới. Đừng cho rằng những gì từng giúp mình thành công trước đây sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Họ sẽ thất bại nếu chỉ tiếp tục sử dụng những kỹ năng và phương pháp quen thuộc mà không tìm ra được biện pháp và chiến lược mới.

Luôn tìm tòi học hỏi. Tìm hiểu về công ty, về nhân sự, về lĩnh vực hoạt động kinh doanh và tất cả những gì về công ty mới càng nhanh càng tốt. Nhà lãnh đạo phải tìm hiểu thị trường, sản phẩm, công nghệ, hệ thống, cơ cấu và cả văn hóa lẫn chính trị của tổ chức và ngành. Những kiến thức này rất quan trọng cho sự nghiệp của họ, giúp họ xác định chiến lược đúng đắn và phong cách lãnh đạo phù hợp.

Lựa chọn chiến lược phù hợp. Không có một quy tắc duy nhất nào để thành công trong giai đoạn chuyển giao... nhưng cơ bản có bốn tình huống mà các nhà lãnh đạo thường gặp, gồm khởi đầu; xoay chuyển, tổ chức lại và duy trì thành công. Mỗi giai đoạn có những đặc trưng riêng. Vì thế, nhà lãnh đạo cần xác định chính xác tình huống mình phải đương đầu để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp.

Giành được những thắng lợi bước đầu. Sớm có được thành công sẽ giúp nhà lãnh đạo lấy được lòng tin của mọi người. Những thắng lợi bước đầu là động lực giúp họ và nhân viên làm việc, là tấm gương thúc đẩy mọi người, đồng thời cũng giúp họ tự tin hơn trong công việc.

Đàm phán và xây dựng thành công các mối quan hệ. Nhà lãnh đạo cần tìm cách xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiện, hiệu quả với người phụ trách mình và đáp ứng những kỳ vọng của họ. Nhà lãnh đạo cần thảo luận với người phụ trách mình cũng như nhân viên mình phụ trách về tình huống, những kỳ vọng, phong cách làm việc, các nguồn lực, và nhu cầu phát triển cá nhân của mỗi người. Những buổi nói chuyện này sẽ giúp họ phát triển và thống nhất định hướng và cách thức làm việc.

Tạo dựng sự đoàn kết trong tổ chức. Càng lên cao, vai trò của nhà lãnh đạo trong tổ chức càng quan trọng. Nhà lãnh đạo cần xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo dựng sự đoàn kết trong tổ chức và thống nhất định hướng chiến lược và phương pháp làm việc của từng bộ phận với định hướng, chiến lược chung của công ty.

Xây dựng ê-kíp làm việc. Ê kíp làm việc hiệu quả có vai trò sống còn trong sự thành công của nhà lãnh đạo. Kinh nghiệm cho thấy nhà lãnh đạo cần có những quyết định cứng rắn về nhân sự, không được phép nể nang, nhân nhượng nếu muốn thành công.

Thiết lập liên minh. Thành công của nhà lãnh đạo không chỉ dựa vào năng lực và tài trí của từng cá nhân hay của nhóm làm việc mà còn cần có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của những người không trực tiếp dưới quyền. Do vậy, họ cần xây dựng được liên minh ủng hộ và hậu thuẫn cho mình, cả trong và ngoài công ty, bao gồm các đối tác, các khách hàng, các nhà cung cấp và cả những nhà tư vấn...

Duy trì cân bằng. Do thời kỳ chuyển đổi rất căng thẳng và khó khăn nên sự cân bằng trong cuộc sống là hết sức cần thiết. Nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc đã thất bại hoặc gặp thêm nhiều khó khăn khi ngoài các vấn đề cần xử lý trong công việc, họ còn phải đương đầu với những rắc rối và căng thẳng trong gia đình, với bạn bè và với xã hội. Vì thế, nhà lãnh đạo cần xây dựng sự cân bằng trong cuộc sống là hết, làm chỗ dựa cho bản thân trong giai đoạn khó khăn này.

Cuối cùng, nhà lãnh đạo cần hiểu vai trò của mình là giúp đỡ tất cả mọi người, cả cấp dưới, cấp trên và các đồng nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp của chính họ. Việc nhà lãnh đạo giúp cấp dưới theo kịp tốc độ làm việc của mình, chính là tự giúp chính họ và góp phần mang lại sự thành công chung cho toàn bộ tổ chức.


Sai lầm của nhà lãnh đạo

99% vai trò lãnh đạo không phải ở vị trí đứng đầu mà từ vị trí giữa của tổ chức, mà mỗi tổ chức chỉ có duy nhất một người lãnh đạo. Phải làm gì nếu bạn không phải người duy nhất?

John C. Maxwell chuyên gia bậc thầy về nghệ thuật lãnh đạo với trên 13 triệu bản sách bán ra trên khắp hành tinh chia sẻ. Theo ông có rất nhiều nhà lãnh đạo đang ngộ nhận về mình, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đều hiệu quả của công việc.

Trong lịch sử, có những lãnh đạo tiêu biểu như William Wallace chỉ huy các chiến binh chống lại sự đàn áp của quân đội Anh. Winston Churchill chống lại sự đe dọa của Đức Quốc Xã khi gần như toàn bộ châu Âu sụp đổ. Mahatma Gandhi dẫn đầu đoàn diễu hành tới bờ biển để phản đối Đạo luật Thuế muối. Mary Kay Ash tự sáng lập một tập đoàn tầm cỡ thế giới. Martin Luther King Jr. là một trong những nhà lãnh đạo giúp tổ chức cuộc diễu hành đến Washington vì việc làm và tự do năm 1963, ông đã đứng trước Đài tưởng niệm Lincoln đọc bài diễn văn I Have a Dream (Tôi có một giấc mơ), được xem là một trong những bài diễn văn được yêu thích nhất và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Những nhân vật này đều là những lãnh đạo vĩ đại có ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người. Nhưng những điển hình này đã gây ra những ngộ nhận. Trên thực tế, 99% vai trò lãnh đạo không phải ở vị trí đứng đầu mà từ vị trí giữa của tổ chức. Mỗi tổ chức thường chỉ có duy nhất một người lãnh đạo. Vậy bạn phải làm gì nếu không phải người duy nhất?

"Gần 30 năm thuyết giảng về nghệ thuật lãnh đạo, hầu như trong buổi hội thảo nào cũng có người tới gặp tôi và nói: “Tôi rất thích những điều ngài giảng về nghệ thuật lãnh đạo, nhưng tôi không thể áp dụng chúng. Tôi không phải là lãnh đạo chủ chốt. Tôi đang làm việc cho một người có trình độ… cùng lắm là loại trung bình”, ông nói.

Bạn cũng đang ở vị trí đó? Bạn đang ở vị trí nào trong tổ chức? Bạn không phải là nhân viên dở nhất, nhưng cũng không phải là người đứng đầu. Dù vậy, bạn lại muốn lãnh đạo và đóng góp cho tổ chức.

Bạn không nên cảm thấy đau khổ vì hoàn cảnh hay chức vị của mình. Bạn cũng không cần phải trở thành CEO để lãnh đạo hiệu quả. Bạn có thể học cách gây ảnh hưởng thông qua vai trò lãnh đạo dù cấp trên của bạn không phải là nhà lãnh đạo giỏi. Bí quyết ở đây là gì? Bằng cách trở thành nhà lãnh đạo 360 độ, bạn học được cách phát triển tầm ảnh hưởng của mình dù ở bất kỳ vị trí nào trong tổ chức và học cách lãnh đạo cấp trên, đồng cấp và cấp dưới.

Không phải ai cũng biết cách gây ảnh hưởng tới mọi người ở các vị trí khác nhau - cấp trên, đồng cấp và cấp dưới. Một số người lãnh đạo các thành viên trong nhóm rất giỏi, song lại thờ ơ với các lãnh đạo ở các phòng ban khác. Một số người xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp, nhưng không có chút ảnh hưởng nào tới cấp dưới. Vài người có thể được lòng hầu hết mọi người, nhưng lại chẳng làm nên trò trống gì. Ngược lại, có những người làm việc rất năng suất song không thể hòa hợp với bất cứ ai. Nhà lãnh đạo 360 độ không giống ai trong số những người này. Chỉ có nhà lãnh đạo 360 độ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người ở tất cả các cấp trong tổ chức. Bằng cách giúp đỡ người khác, họ giúp đỡ chính mình.

Tới đây, bạn có thể phản ứng: “Lãnh đạo mọi người ở các vị trí khác nhau - Nói bao giờ chẳng dễ hơn làm!” Việc này quả là khó khăn nhưng không phải là bất khả thi. Trên thực tế, ai cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo 360 độ miễn là có khả năng lãnh đạo ở mức trung bình trở lên và sẵn sàng cố gắng hết sức để làm được điều đó. Vậy nên, ngay cả khi bạn đánh giá bản thân chỉ ở mức điểm 5 hoặc 6/10, bạn vẫn có thể cải thiện khả năng lãnh đạo, mở rộng tầm ảnh hưởng đến những người xung quanh và ở bất cứ vị trí nào trong tổ chức.

Muốn lãnh đạo mọi người ở các vị trí khác nhau, bạn phải học ba kiểu kỹ năng lãnh đạo. Bạn có thể đã cảm nhận được việc mình lãnh đạo cấp trên, đồng cấp và cấp dưới như thế nào. Nhưng, tôi vẫn muốn bạn đánh giá các kỹ năng đó chính xác hơn để điều chỉnh đúng đắn hướng phát triển kỹ năng lãnh đạo của bản thân.

Trước khi đọc tiếp cuốn sách này, tôi khuyên bạn đánh giá kỹ năng lãnh đạo của bản thân dựa trên bản đánh giá trên trang web (360-Degreeleader.com). Các câu hỏi trực tuyến mà chúng tôi đưa ra khá đơn giản, dễ hiểu, yêu cầu bạn đánh giá bản thân trong những vấn đề liên quan đến năng lực lãnh đạo của một trong ba lĩnh vực. Bạn sẽ biết được ưu điểm, nhược điểm của mình khi thực hành từng kiểu kỹ năng. Tuy nhiên, trước khi học các kỹ năng này, chúng ta nên bắt đầu với bảy ngộ nhận của những người lãnh đạo từ vị trí giữa của tổ chức.

Ngộ nhận về chức vị: "Tôi không thể lãnh đạo nếu tôi không đứng đầu”. Theo tôi, ngộ nhận số một của mọi người về vai trò lãnh đạo là: Chức vị hay chức danh tạo ra vai trò lãnh đạo. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Bạn không cần đứng đầu một nhóm, một phòng ban hay một tổ chức để lãnh đạo. Nếu bạn nghĩ mình cần đứng đầu, thì bạn thuộc nhóm người ngộ nhận về chức vị.

Vị trí đứng đầu không tự động biến người ta thành nhà lãnh đạo. Nguyên tắc Ảnh hưởng trong cuốn 21 nguyên tắc vàng về nghệ thuật lãnh đạo phát biểu: “Thước đo thật sự của vai trò lãnh đạo chính là tầm ảnh hưởng.”

Khi lãnh đạo các tổ chức tình nguyện, tôi đã chứng kiến nhiều người bị “giam cầm” trong ngộ nhận chức vị. Khi bố trí những người này vào một nhóm, họ thấy bức bối nếu không được cấp một chức danh hoặc địa vị để những thành viên khác biết mình là người lãnh đạo. Thay vì cố gắng xây dựng mối quan hệ với mọi người và gây ảnh hưởng một cách tự nhiên, họ chờ cấp trên trao quyền hành và cấp chức danh. Một thời gian sau, họ càng cảm thấy khó chịu. Cuối cùng, họ quyết định thử lại với một nhóm khác, một nhà lãnh đạo khác hoặc một tổ chức khác.

Người ngộ nhận về chức vị không hiểu được năng lực lãnh đạo hiệu quả phát triển như thế nào. Nếu bạn từng đọc một số cuốn sách khác của tôi về nghệ thuật lãnh đạo, bạn hẳn còn nhớ một công cụ nhận dạng vai trò lãnh đạo trong cuốn Phát triển kỹ năng lãnh đạo. Công cụ này tôi gọi là “Năm cấp độ lãnh đạo”, ghi lại các động thái phát triển vai trò lãnh đạo cũng như bất kỳ điều gì quan trọng mà tôi biết về nó. Nếu bạn không rõ về công cụ này, tôi sẽ giải thích ngắn gọn như sau:

Có rất nhiều yếu tố tác động đến khả năng lãnh đạo. Bạn phải tạo ra quyền lãnh đạo với mỗi người bạn gặp. Bạn ở vị trí nào trên các cấp độ lãnh đạo phụ thuộc vào “tiền sử mối quan hệ” giữa bạn với người đó. Với mỗi người, bạn phải xuất phát từ cấp độ dưới cùng trong năm cấp độ lãnh đạo.

Cấp độ đầu tiên là chức vị. Bạn chỉ có ảnh hưởng khi bạn có chức vị. Chức vị của bạn có thể là công nhân dây chuyền sản xuất, trợ lý hành chính, nhân viên bán hàng, quản đốc, trợ lý giám đốc... Từ vị trí đó, bạn có quyền hành nhất định đi kèm với chức danh. Nhưng nếu bạn chỉ sử dụng chức vị để lãnh đạo mọi người và không làm gì thêm để tăng tầm ảnh hưởng của mình, thì mọi người đi theo bạn chỉ vì họ phải theo. Chức vị của bạn càng thấp, bạn càng có ít quyền hành. Nhưng may mắn là bạn có thể tăng tầm ảnh hưởng của mình vượt ra khỏi chức danh và địa vị. Bạn có thể tiến lên cấp độ lãnh đạo cao hơn.

Nếu bạn tiến lên cấp độ thứ hai, bạn bắt đầu lãnh đạo vượt ra ngoài chức vị vì bạn đã xây dựng được mối quan hệ với những người mà bạn muốn lãnh đạo. Bạn đối xử tử tế với họ. Bạn tôn trọng họ với tư cách là con người. Bạn quan tâm đến họ, chứ không chỉ quan tâm đến công việc họ làm cho bạn hay cho tổ chức. Bởi vì bạn quan tâm đến họ, nên họ bắt đầu tin tưởng bạn hơn. Kết quả là họ đồng ý để bạn lãnh đạo họ, hay nói cách khác, họ bắt đầu đi theo bạn vì họ muốn.

Cấp độ thứ ba là cấp độ định hướng kết quả. Nhờ những thành tựu bạn đạt được trong công việc, bạn tiến lên cấp độ này trong vai trò lãnh đạo cùng với những người khác. Nếu bạn đóng góp vào thành công của những người mà mình lãnh đạo, họ sẽ ngày càng tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của bạn. Họ đi theo bạn vì những gì bạn đã làm cho tổ chức.

Để đạt đến lãnh đạo cấp độ thứ tư, bạn phải tập trung phát triển những người khác. Vì thế, cấp độ này được gọi là cấp độ phát triển con người. Bạn toàn tâm toàn ý với các cá nhân bạn lãnh đạo: hướng dẫn, giúp đỡ, phát triển kỹ năng và bồi dưỡng năng lực lãnh đạo của họ. Thực chất, việc bạn đang làm là tái tạo vai trò lãnh đạo. Bạn trân trọng, gia tăng giá trị cho họ. Ở cấp độ này, họ đi theo bạn vì những điều bạn làm cho họ.

Cuối cùng, cấp độ thứ năm là cấp độ vĩ nhân. Tuy nhiên, đây là cấp độ không phải cứ nỗ lực hết mình là có thể đạt đến được. Bởi vì cấp độ này không nằm trong tầm kiểm soát của bạn mà do người khác quyết định. Họ đưa bạn tới cấp độ này sau một thời gian dài bạn lãnh đạo họ cực kỳ xuất sắc qua bốn cấp độ lãnh đạo. Bạn đã có được uy tín của một lãnh đạo cấp độ thứ năm.

Vấn đề nằm ở sự bố trí chứ không phải vị trí: Khi đã hiểu được các yếu tố tác động đến khả năng gây ảnh hưởng dựa vào năm cấp độ lãnh đạo, các nhà lãnh đạo triển vọng nhận ra chức vị và vai trò lãnh đạo đích thực hầu như không “dính dáng” gì với nhau. Bạn có nhất thiết phải đứng đầu tổ chức mới phát triển được mối quan hệ với mọi người hay khiến họ thích làm việc với bạn không? Chức danh đứng đầu có giúp bạn đạt được thành tựu và giúp những người khác làm việc năng suất hơn không? Bạn có cần phải trở thành CEO để hướng dẫn nhân viên thấy được, nghĩ được và làm được như các lãnh đạo không? Tất nhiên là không. Khả năng gây ảnh hưởng tới người khác là vấn đề nằm ngoài chức vị.

Bạn có thể lãnh đạo mọi người từ bất cứ vị trí nào trong tổ chức. Việc đó sẽ giúp tổ chức trở nên tốt hơn. David Branker, một lãnh đạo cấp trung của tổ chức đã ảnh hưởng tới mọi người trong nhiều năm và nay là ủy viên ban quản trị một nhà thờ lớn, nói: “Ngồi không ở vị trí giữa của tổ chức gia tăng gánh nặng cho các lãnh đạo đứng đầu. Các lãnh đạo cấp trung của tổ chức có thể tạo ra ảnh hưởng lớn lao tới tổ chức.”

Mỗi lĩnh vực của tổ chức đều phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo của một người nào đó. Điểm mấu chốt là: Bất cứ ai cũng có thể lựa chọn trở thành lãnh đạo dù ở bất kỳ vị trí nào. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt, không quan trọng bạn ở vị trí nào.

2012: Một phần tư hành tinh sẽ "online"

Theo dự đoán của Jupiter Research, một phần tư dân số thế giới sẽ được kết nối Internet trong vòng 4 năm tới.

Cụ thể, tổng số người dùng Internet của cả hành tinh sẽ cán ngưỡng 1,8 tỷ vào năm 2012, chiếm hơn 25% dân số toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất sẽ tập trung ở những khu vực như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil và có phần chậm hơn tại Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á.

"Từ năm 2007 đến năm 2012, số người dùng interrnet sẽ tăng hơn 44%. Đây là mức tăng kỷ lục trong lịch sử", báo cáo của Jupiter Research cho biết.

Mặc dù các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ có tỷ lệ phổ cập Internet thấp hơn so với các nước phát triển, song Jupiter Research tin rằng "không có sự khác biệt" về thói quen, kỹ năng ứng dụng và trình độ lướt net giữa các khu vực.

"Nói cho dễ hiểu thì các thao tác và hoạt động online của người dùng Trung Quốc cũng có độ khó, độ thành thạo về công nghệ chẳng kém gì người dùng tại Mỹ", chuyên gia Vikram Sehgal giải thích.

Không có gì ngạc nhiên khi Jupiter đánh giá châu Á là một thị trường đặc biệt quan trọng bởi 2 yếu tố: dân số đang tăng nhanh và thị trường công nghệ cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Ngôi sao châu Á

"Châu Á sẽ không chỉ là châu lục có tốc độ tăng trưởng dân số online cao nhất thế giới, mà còn là một thị trường khổng lồ để các doanh nghiệp khai thác và tìm kiếm cơ hội làm ăn", ông Sehgal nói thêm.

Hiện tại, theo báo giới Trung Quốc, xứ xở Vạn Lý Trường Thành đã qua mặt Mỹ để trở thành quốc gia có dân số sử dụng Internet đông nhất hành tinh.

Cụ thể, số người online tại Trung Quốc đã vượt quá 220 triệu, còn Mỹ vẫn "dậm chân tại chỗ" với 216 triệu người dùng Internet.

Việc tận dụng trình độ, nguồn nhân lực dồi dào tại đây, kết hợp với giá nhân công rẻ sẽ giúp các doanh nghiệp IT phương Tây tiết kiệm được nhiều chi phí.

Nhưng quan trọng hơn, họ sẽ cho ra đời được nhiều sản phẩm mang tính bản địa cao, phù hợp với nhu cầu của người dùng châu Á.

Dân số Internet tăng nhanh cũng là một tín hiệu vui cho các hãng như Google, Yahoo... vốn có doanh thu dựa dẫm chủ yếu vào quảng cáo trực tuyến.

Theo khảo sát mới nhất của hãng nghiên cứu iSuppli, Google, Baidu.com và Yahoo hiện là 3 công cụ tìm kiếm phổ biến và được ưa chuộng nhất tại châu Á hiện nay.

Thursday, June 26, 2008

Người Singapore mua sắm trực tuyến "máu" nhất châu Á

Người dân đảo quốc Sư tử và xứ sở Kim Chi là những vị khách hàng sộp nhất của các website thương mại điện tử trong khu vực, hãng thẻ tín dụng MasterCard cho biết.



Cuộc thăm dò mới nhất của MasterCard cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2008, người dùng Internet Singapore đã chi tới 770,7 USD cho việc mua sắm qua mạng.

Đứng ở vị trí số hai là người dùng Internet Hàn Quốc với số tiền trung bình bỏ ra là 707,5 USD.

Cuộc khảo sát được tiến hành với hơn 4000 người có tài khoản ngân hàng và sử dụng mạng Internet ít nhất 1 lần/tuần.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát bao gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Úc, Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc.

Ở thái cực trái ngược với người dân Singapore và xứ sở Kim chi, người dùng Internet Thái Lan tỏ ra tiết kiệm nhất.

Trong suốt quý I/2008, họ chỉ bỏ khoảng 406,3 USD để mua hàng qua mạng.

Trung Quốc, Ấn Độ nổi lên

Có một thông tin khá thú vị là mặc dù người dân Nhật Bản rất chăm mua hàng qua mạng, song tổng số tiền mà họ bỏ ra lại không cao.

Theo thống kê, có khoảng 83% người dùng Nhật Bản đã từng shopping trực tuyến, nhưng tính trung bình, mỗi người chỉ mua khoảng 581 USD mà thôi.

Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là quốc gia sở hữu tỷ lệ shopping trực tuyến cao nhất (83%).

Con số này cao hơn khá nhiều so với mức bình quân 63% của cả khu vực.

Tuy nhiên, MasterCard dự đoán rằng: đến năm 2010, dân số shopping trực tuyến của Trung Quốc sẽ đạt tới 480 triệu người, chiếm 58,6% dân số shopping online của cả châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện nay, tỷ lệ này mới chỉ dừng ở ngưỡng 49,9% mà thôi.


Ngoài ra, dân số shopping trực tuyến của Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, qua mặt Hàn Quốc và Nhật Bản.

(Theo AFP)

9 dạng tính cách của các nhà lãnh đạo

Việc khởi sự và phát triển hoạt động kinh doanh của riêng bạn luôn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Và để có thể vươn tới thành công, bạn còn cần phải có năng lực và tính cách của một nhà lãnh đạo.


Hãy quan sát những phẩm chất dưới đây xem bạn thuộc nhóm nào và tìm xem bạn cần bổ sung cho mình những phẩm chất nào. Liệu bạn có phải là Bill Gates, một người có tầm nhìn bao quát, hay là nhà cải cách như Anita Roddick, người sáng lập Body Shop?


Phẩm chất doanh nhân là nét đặc trưng cá nhân và thể hiện tính cách của bạn, đồng thời chúng cũng “pha trộn” con người bạn với các nhu cầu của hoạt động kinh doanh.


Khi bạn hiểu được bản thân có những phẩm chất nào, bạn sẽ có thể cống hiến cho công việc phần tinh túy và ưu việt nhất của mình. Bên cạnh đó, hãy cố gắng tận dụng sự giúp đỡ của người khác trong những lĩnh lực mà bạn thấy mình không chuyên sâu lắm.

Nào, giờ thì bạn hãy thử tự đánh giá năng lực bản thân và tìm hiểu cách bạn điều hành công ty của mình.

1. Người đổi mới


Nếu bạn đang điều hành công ty của mình theo hướng luôn tìm đến cái mới, thì nghĩa là bạn đang tập trung vào việc sử dụng doanh nghiệp như một phương tiện để cải tạo cả thế giới. Cơ chế hoạt động của bạn sẽ là: cố gắng điều chỉnh công ty khi nó phát triển chệch hướng so với sự vận động chung của toàn thế giới, đồng thời sửa chữa những sai lầm đó. Mẫu nhà lãnh đạo này luôn có một khả năng kiên định và lãnh đạo công ty một cách liêm chính và có đạo đức.


Lưu ý: Hãy cẩn thận đừng để xu hướng và tính cách này của bạn trở thành chủ nghĩa cầu toàn. Khi đó bạn có thể phải nhận những lời chỉ trích từ nhân viên và khách hàng của mình.


Ví dụ: Anita Roddick, nhà sáng lập Công ty Body Shop.


2. Người khuyên bảo


Đây là những người luôn nhiệt tình giúp đỡ khách hàng, đồng thời đưa ra cho họ những lời khuyên có giá trị. Phương châm làm việc của họ là: Khách hàng bao giờ cũng đúng và chúng ta phải làm bất cứ điều gì để thoả mãn yêu cầu của khách hàng. Công ty được thành lập bởi những nhà lãnh đạo có phẩm chất như thế này sẽ lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động.


Lưu ý: Những nhà lãnh đạo này thường chỉ quan tâm tới yêu cầu cần được đáp ứng của doanh nghiệp và khách hàng của họ, nên đôi khi có thể quên nhu cầu của bản thân mình.


Ví dụ: John W. Nordstrom, nhà sáng lập công ty Nordstrom.


3. Những siêu sao


Là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân dựa trên năng lực đặc biệt của bản thân và đã trở thành những nhà lãnh đạo thành công. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo có phẩm chất này thường hay điều hành công ty vì lợi ích của riêng bản thân mình hơn là vì lợi ích chung của công ty và của toàn xã hội.


Lưu ý: Những nhà lãnh đạo này thường có khả năng cạnh tranh rất cao và rất ham làm việc.


Ví dụ: Donald Trump, Giám đốc điều hành công ty Trump Hotels & Casino Resorts.


4. Những nghệ sỹ


Đây là những người kín đáo, song lại rất có khả năng sáng tạo. Chúng ta thường thấy loại tính cách này ở các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực yêu cầu óc sáng tạo rất lớn, ví dụ như thiết kế trang Web, thiết kế phần mềm và quảng cáo. Vì là một người có óc nghệ thuật nên bạn sẽ xây dựng và phát triển công ty của mình dựa trên những tài năng và óc sáng tạo sẵn có.


Lưu ý: Bạn có thể rất nhạy cảm với những phản ứng của khách hàng, thậm chí có thể là phản ứng thái quá, không cần thiết. Lời khuyên cho những nhà lãnh đạo này là hãy biết kiềm chế hoặc bỏ qua những cảm xúc bất lợi đấy.


Ví dụ: Scott Adams, chuyên gia thiết kế của công ty Dilbert.


5. Người biết nhìn xa


Các công ty được thành lập bởi những nhà lãnh đạo có phẩm chất này sẽ phát triển dựa trên tầm nhìn về tương lai và sự suy đoán của nhà lãnh đạo. Họ rất tò mò muốn khám phá thế giới bên ngoài, xem những yếu tố gì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của công ty về lâu dài, đồng thời có khả năng xây dựng nên những kế hoạch nhằm khắc phục và xoá bỏ những trở ngại tiềm ẩn mà những người khác khó có thể thấy được.


Lưu ý: Những nhà lãnh đạo này thường tập trung vào tương lai, mà đôi khi thiếu quan tâm đến hiện tại. Hãy hành động một cách thực tế để vươn tới viễn cảnh mà bạn đang mường tượng.


Ví dụ điển hình: Bill Gates, nhà sáng lập Tập đoàn MicroSoft Inc.


6. Nhà phân tích


Đối với những nhà lãnh đạo có khả năng phân tích cao, công ty của họ sẽ phát triển dựa trên sự tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thuộc lỗi hệ thống. Một số lĩnh vực điển hình cần phải có những phẩm chất như thế này là các ngành khoa học, những lĩnh vực chuyên về máy móc và máy tính. Đối với những công ty chuyên kinh doanh trong các lĩnh vực này, nhà lãnh đạo thường tỏ ra vượt trội hơn trong việc giải quyết các vấn đề vĩ mô.


Lưu ý: Hãy cẩn thận khi bạn tính toán và mất cảnh giác với những con số. Hãy làm việc dựa trên lòng tin vào người khác.


Ví dụ: Gordon Moore, nhà sáng lập Tập đoàn Intel.


7. Người có óc thực tế


Đây là những người luôn luôn tràn ngập sự mạnh mẽ, tự tin và lạc quan. Công ty của bạn sẽ hoạt động và phát triển dựa trên yêu cầu thực tế của thị thường và sẽ làm cho khách hàng cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào sự phát triển lâu dài của công ty. Họ sẽ cảm nhận được rằng thái độ của công ty đối với khách hàng là thái độ đáng tin cậy.


Lưu ý: Bạn có thể giao phó quá nhiều việc cho nhân viên hoặc hứa hẹn quá nhiều với khách hàng, và đôi khi lại còn hành động một cách hấp tấp. Tốt nhất là bạn hãy cố gắng cân bằng giữa bản tính hấp tấp của bạn với các kế hoạch của công ty mình.


Ví dụ: Malcolm Forbes, nhà xuất bản Tạp chí Forbes.


8. Người anh hùng


Bạn có một ý chí khác thường, bạn có khả năng lãnh đạo thế giới và giúp cho công ty của bạn vượt qua thử thách. Bạn là mẫu nhà lãnh đạo điển hình và bạn có khả năng điều hành những công ty lớn.


Lưu ý: Vì có những khả năng phi thường như vậy, nên nếu bạn dùng thủ đoạn để đạt được mục đích, thì điều đó sẽ làm công ty của bạn không thể phát triển lâu dài. Để có thể thành công, bạn cần phải vận dụng khả năng lãnh đạo của mình để giúp đỡ những người khác cùng phát triển như bạn vậy.


Ví dụ: Jack Welch, giám đốc điều hành của General Electric.


9. Người hòa giải


Nếu bạn thuộc loại người này, bạn sẽ mang đến cho công ty của mình sự hài hoà, thân thiện. Bạn không có khả năng cãi nhau với người khác, cũng như ít khi giữ tâm trạng bực tức trong thời gian dài.


Lưu ý: Do bản tính cẩn thận, ôn hòa và khả năng hòa giải nên bạn có thể tránh được những xung đột không cần thiết, cũng như ít khi phải suy tính quá nhiều. Hãy sử dụng những kịch bản khác nhau để chuẩn bị đối phó với mọi cuộc xung đột.


Ví dụ: Ben Cohen, nhà đồng sáng lập Công ty Ben & Jerry’s Ice Cream.


Mỗi một phẩm chất, tính cách đều có thể dẫn bạn đến thành công trong môi trường kinh doanh, chỉ cần bạn luôn sống thật với tính cách của mình. Việc biết rõ những ưu điểm của bản thân có thể giúp bạn phát triển công ty còn nhỏ bé của bạn, và nếu bạn đang có ý định liên kết hoạt động cùng với một tổ chức khác, thì những hiểu biết đó càng trở nên vô giá.

Những điểm cần chú ‎ý khi thay đổi phương thức kinh doanh

Một quán cà phê được nhiều người yêu thích sau khi thay đổi cách bán hàng và phương thức kinh doanh, lập tức trở nên vắng khách. Nếu là một chủ doanh nghiệp, bạn phải làm gì để tránh rơi vào tình trạng tương tự như vậy?


Cà phê là sự lựa chọn để tiếp thêm năng lượng của nhiều người. Bạn có thể đun nước sôi một cách dễ dàng, nhưng lại hoàn toàn không biết cách nướng một chiếc bánh mì thế nào cho ngon.


Đó cũng là lý do tại sao nhiều người thích vào quán để nhấm nháp và thưởng thức hương vị của tách cà phê do những chuyên gia giỏi pha, hơn là tự tay pha lấy cho mình.

Nhất là nếu quán cà phê đó lại nằm ở một vị trí thích hợp và tiện nghi, nó còn là sự lựa chọn để gặp gỡ và ký kết các dự án, hợp đồng kinh doanh. Vậy điều gì sẽ xảy ra, khi tất cả những gì đã trở nên quá quen thuộc với bạn trong quán cà phê này bỗng chốc biến đổi một cách nhanh chóng?

Đầu tiên là họ thay đổi hình thức trang trí cửa hàng. Họ cho rằng cách trang trí như thường ngày đã trở nên quá cũ kỹ và lạc hậu, cần phải cải tiến theo hướng hiện đại hơn. Trong khi họ không hề biết rằng sự cổ điển mới là nét đặc trưng và hấp dẫn đối với khách hàng.


Tiếp theo là thái độ phục vụ của nhân viên trở nên thiếu niềm nở khi khách hàng yêu cầu xin thêm một chút đá, một thìa đường hay một chút váng cà phê. Họ còn sỗ sàng trả lời khách hàng là tất cả những yêu cầu thêm này đều phải trả bằng tiền. Việc này đã khiến khách hàng trở nên rất bực bội. Nhiều người đã nghĩ đến việc tìm một quán cà phê khác làm điểm dừng dân cho thói quen thưởng thức cà phê vào mỗi buổi sáng của họ.


Cuối cùng là giá cho một tách cà phê tăng cao đột biến mà không hề có sự báo trước cho khách hàng. Khi được hỏi lý do, các nhân viên của quán cà phê này đã rất lúng túng khi giải thích rằng, đó là do chi phí tăng cao, và việc áp dụng thẻ giảm giá đối với khách hàng thường xuyên đã khiến lợi nhuận của cửa hàng bị sụt giảm đáng kể. Khách hàng cảm thấy lý do đưa ra không được thỏa đáng. Một vị khách không giữ được sự tức giận, đã thốt lên: nếu việc tặng thẻ khuyến mãi cho khách hàng thường xuyên là lý do tăng giá sản phẩm, ông ta sẵn sàng không nhận tấm thẻ đó.



Với tất cả những sự thay đổi này, quán cà phê dần mất khách. Ngay cả lượng sinh viên mà thường ngày vẫn hay vào quán để chống lại cơn buồn ngủ khi phải học hành thi cư cử liên miên cũng giảm dần vì túi tiền của họ không để đáp ứng cho sự tăng giá quá cao đó.


Câu chuyện về quán cà phê nói trên đã cho thấy một điều rằng, dù ở lĩnh vực kinh doanh nhỏ, khi quyết định thay đổi phương thức bán hàng hay nâng giá sản phẩm, đều phải hết sức thận trọng. Nếu không sẽ mất đi khá lớn lượng khách hàng trung thành. Thậm chí một thương hiệu lớn đã có uy tín nhiều năm trên thị trường, khi muốn thay đổi một yếu tố nào đó, cũng phải thăm dò thái độ của khách hàng. Bởi vì, sự trung thành của khách hàng không dễ gì mà có được.


Sau đây là ba vấn đề quan trọng cần lưu ý để tránh phải trả một cái giá quá đắt cho sự thay đổi mà bạn đưa ra:


1. Hãy hỏi những khách hàng trung thành nhất của bạn rằng liệu họ có chấp nhận sự thay đổi này không?


Không ai muốn phải trả thêm tiền cho sản phẩm/dịch vụ mà họ vẫn thường mua, nhưng bạn có thể thông báo với họ do chất lượng sản phẩm được nâng cao cao nên có sự tăng giá. Sau đó, bạn chờ xem sự phản ứng của khách hàng đối với thông tin mà bạn đưa ra như thế nào?


Bạn không nên thông báo ngay một cách công khai trước một nhóm khách hàng lớn hoặc nhờ một nhóm khách hàng nào tư vấn cho quyết định của bạn. Bạn chỉ cần thông báo một cách giản dị trong một cuộc trò chuyện với khách hàng và giải thích sự thay đổi gì sắp tới sẽ diễn ra. Bạn sẽ thấy vấn đề sẽ trở nên rất đơn giản và nhanh chóng được giải quyết. Và thông qua sự bàn bạc, thảo luận để cùng nhau tìm ra một phương pháp sáng tạo nhất sẽ dễ dàng được khách hàng chấp nhận.


2. Thử nghiệm từng sự thay đổi một cách riêng biệt, chứ không tiến hành đồng thời cùng một lúc mọi thay đổi


Làm như vậy có thể khiến bạn đánh giá sự tác động của từng nhân tố riêng biệt đối với khách hàng và lý do khiến nó được chấp nhận hay không. Nhìn chung tâm lý hầu hết mọi người là đều không thích thay đổi những gì đã trở thành thói quen của mình. Nếu như bạn tiến hành thay đổi đồng thời nhiều yếu tố, sẽ rất khó khăn để bạn nhận ra được sự thay đổi nào là tốt, hữu ích và sự thay đổi nào khách hàng không thể chấp nhận được và bạn nên tránh.


Liệu việc tăng giá sản phẩm, thay đổi hình thức trang trí, loại bỏ thẻ khuyến mãi đối với khách hàng thường xuyên... hay một nhân tố nào khác mà cửa hàng cà phê đánh mất đi một lượng đáng kể khách hàng trung thành? Câu trả lời chính xác nhất sẽ được đưa ra nếu như bạn không bỏ qua bước hành động này.


3. Thừa nhận khi bạn mắc phải sai lầm


Quay trở lại câu chuyện quán cà phê nói trên, liệu những nhân viên trong quán này có liên quan đến việc tăng giá sản phẩm không? Có lẽ thái độ của họ đã phần nào nói lên một điều là chính bản thân họ cũng không muốn điều đó xảy ra. Nếu khách hàng muốn trút sự giận giữ thì hãy gặp ông chủ, chứ họ chỉ là những người thừa hành mệnh lệnh. Nhìn chung, đối với mọi trường hợp, việc tăng giá sản phẩm mà không đưa ra được lý do thỏa đáng, sẽ là một quyết định sai lầm.


Giá của bạn đưa ra phải được dựa trên mặt bằng chung về giá cả của sản phẩm/dịch vụ. Nếu mà nó quá cao, thì cái giá bạn phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều lợi nhuận mà bạn sẽ thu được, nhất là khi khách hàng lại quay lưng lại với bạn.



Hãy luôn nhớ một điều là, hoạt động kinh doanh của bạn chỉ tồn tại khi khách hàng sẵn sàng và có khả năng trả được tiền để mua những gì mà bạn bán ra thị trường. Nếu không có khách hàng, bạn sẽ phải tìm việc khác để làm. Vì vậy, hãy nhìn, lắng nghe và rút ra những bài học cho mình, bởi vì chỉ có kinh nghiệm mới giúp bạn khiến khách hàng quay lại để mua sản phẩm/dịch vụ của mình.

Khác biệt giữa xây dựng và phát triển nhãn hiệu

Có một sự khác biệt giữa xây dựng nhãn hiệu và phát triển nhãn hiệu. Xây dựng nhãn hiệu bao gồm những chiến thuật nhằm để tạo sự khác biệt của nhãn hiệu, trong khi đó phát triển nhãn hiệu là quá trình tìm kiếm ra sự khác biệt đó.


Xây dựng nhãn hiệu là quá trình tạo sản phẩm và công ty thành nhãn hiệu. Xây dựng nhãn hiệu là tuyên truyền nhãn hiệu một cách nhất quán đến công chúng, nhân viên, cổ đông, đối tác và khách hàng.

Có một sự khác biệt giữa xây dựng nhãn hiệu và phát triển nhãn hiệu. Xây dựng nhãn hiệu bao gồm những chiến thuật nhằm để tạo sự khác biệt của nhãn hiệu, trong khi đó phát triển nhãn hiệu là quá trình tìm kiếm ra sự khác biệt đó.


Các chiến thuật xây dựng nhãn hiệu là sự nhất quán trong việc sử dụng màu sắc, hình ảnh và người phát ngôn trong việc tuyên truyền sự khác biệt của nhãn hiệu. Nhưng màu sắc, hình ảnh hay người phát ngôn không phải là nhân tố tao nên sự khác biệt vì tất cả đều có thể thay đổi trong những chiến dịch kế tiếp.

Phát triển nhãn hiệu và xây dựng nhãn hiệu có thể được xem như là một quá trình chuyển dịch tổ chức theo những thang bậc của sơ đồ. Dựa trên sứ mạng và viển cảnh của tổ chức mà một cầu trúc nhãn hiệu được xác định.


Thông qua cấu trúc này thì chiến lược nhãn hiệu và cách thức thể hiện nhãn hiệu được xác định. Sự thể hiện nhãn hiệu là sự gắn kết giữ sản phẩm hay dịch vụ và hoạt động truyền thông để phản ảnh được bản chất của nhãn hiệu. Mục tiêu cuối cùng của phát triển và xây dựng nhãn hiệu chính là tao nên sự trung thành của khách hàng đối với nhãn hiệu.

Wednesday, June 25, 2008

"Điểm cơ hội" trong thế giới số

"Dù có nhiều khó khăn trước mắt, nhưng những nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế vẫn nhìn thấy những điểm cơ hội của riêng mình để tiếp tục dấn thân vào thị trường VN".

Bà Charlene Barshefsky, nguyên đại diện thương mại Mỹ, trong cuộc trò chuyện với CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC khẳng định như vậy. Cho dù kinh tế VN đang ở vào tình thế không tươi sáng, nhưng riêng trong thế giới số lại có rất nhiều tín hiệu tốt đẹp.


Nguyên tắc "cùng thời điểm"


Trong thế giới ĐTDĐ, việc lựa chọn thời điểm để giới thiệu sản phẩm là tối quan trọng vì các nhà cung cấp và phân phối phải dựa trên vòng đời sản phẩm. Chính vì thế, trước đây những thiết bị cũ mèm ở các nước vẫn được xem là "hàng mới về" tại VN, và quyền ưu tiên xài hàng độc chỉ dành cho những ai có "người ở bển về" hoặc hàng hóa đi theo con đường xách tay, đặt mua qua mạng…


Nhưng tình hình đã rất khác khi những đại diện của VN đã được mời rất trang trọng tham dự hầu hết các cuộc ra mắt linh đình sản phẩm toàn cầu của Nokia, Samsung hay SonyEricsson tại Amsterdam hay Sydney, vì như đại diện của Nokia giải thích: "Chúng tôi đánh giá VN là một điểm nóng của thị trường di động và Internet, nên từ một năm trở lại đây các bạn luôn là khách mời quan trọng hạng nhất của chúng tôi".


Mới đây, HTC, nhà cung cấp các thiết bị di động thông minh hàng đầu thế giới, đã đem nguyên bộ sậu quan trọng nhất của mình đến VN để công bố thiết bị di động thông minh HTC Touch Diamond. VN là điểm đến trước nhiều quốc gia khác trong khu vực, chỉ sau London có vài ngày. Lý do được ông Peter Chou, chủ tịch kiêm tổng giám đốc HTC Corp, giải thích: "Điểm thị trường quan trọng mà HTC muốn chinh phục".


Li Quingqiao, giám đốc tiếp thị châu Á - Thái Bình Dương của HP, chia sẻ lý do vì sao họ giới thiệu sản phẩm lưu trữ sau Singapore cả tuần lễ: "Về nguyên tắc thì VN nằm trong kế hoạch giới thiệu sản phẩm cùng thời điểm với toàn cầu, thế nhưng lỗi là do chỉ có mỗi mình tôi không thể… phân thân để có thể có mặt cùng lúc ở nhiều nơi được".


Những làn sóng mới


Mới hôm 3-6, siêu showroom công nghệ di động to bằng một container với trị giá tới 1 triệu USD mang tên "Cisco Express - đồng hành cùng VN" đã chính thức khởi động hành trình xuyên Việt của mình với sự tham gia của nhiều hãng công nghệ lớn: CNA, EMC2, Emerson Network Power, Linksys, Panduit và SingTel.


Cuộc trình diễn tốn kém này tái khẳng định niềm tin vào tiềm năng phát triển ngành công nghiệp số tại VN của các doanh nghiệp nước ngoài. Song song đó là việc Microsoft khai trương Trung tâm sáng tạo tại Viện Công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghệ thông tin - truyền thông VN.


Mục đích của trung tâm là thực hiện những cam kết hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trong nước chính là một phần của lời hứa mà Bill Gates đã dành cho thanh niên VN trong cuộc tiếp xúc trực tiếp của mình. Điều này làm người ta nhớ lại tất cả những cam kết, phát biểu lẫn báo cáo công nghệ số mà nhiều đại gia toàn cầu đã dành cho VN, tất cả đều đang bắt đầu thành hiện thực.


Một tín hiệu khác đáng mừng hơn nữa là một làn sóng âm thầm nhưng ẩn chứa sức mạnh của những chuyên gia số đang rất thành công ở nước ngoài đã lần lượt quay về nước. Chẳng hạn ông Trung Dung - người rất nổi tiếng với thương vụ tạo lập, phát triển và chuyển nhượng thành công một công ty IT tại Mỹ với giá gần 2 tỉ USD - đã chính thức xuất hiện với dự án thanh toán điện tử mang tên Mobivi của mình. Chẳng hạn chàng trai Việt đầu tiên ở Yahoo! Đông Nam Á Nguyễn Tuấn Anh đang chuẩn bị ra mắt dự án đầu tay của mình sau một thời gian dài làm thuê trên xứ người.


Hàng loạt câu chuyện về sự trở về có cùng một đáp án như nhau cho câu hỏi lý do: họ vẫn đang nhìn thấy cơ hội số quá lớn ở VN.


Kinh tế khó khăn nhưng VN vẫn có lợi điểm riêng


"Mặt bằng chung của nền kinh tế đang có vẻ khó khăn, nhưng các nhà đầu tư khôn ngoan thì nhìn ngắm thị trường bằng con mắt nghề nghiệp riêng, lĩnh vực riêng của mình và đặt trong tương quan với các thị trường lân cận. VN đang có quá nhiều điểm thuận lợi để thu hút đầu tư kỹ thuật số so với các quốc gia trong khu vực, vì người ta luôn muốn đa dạng hóa thị trường và VN có lợi điểm về cảm giác an toàn, thân thiện".

Charlene Barshefsky

Quảng cáo tương tác là ‘mỏ vàng

Với công nghệ Web 2.0 tăng cường khả năng kết nối cộng đồng, các trang này có thể kiếm hàng triệu USD từ quảng cáo khi tạo không gian cho doanh nghiệp nói chuyện trực tiếp với người sử dụng về sản phẩm và những chiến dịch khuyến mại.


Lâu nay, quảng cáo dù xuất hiện trên… bờ tường hay trên báo in, truyền hình, báo điện tử đều ở dạng “Chúng tôi nói về chúng tôi” mà thiếu kênh phản hồi trực tiếp với khách hàng. Những thắc mắc hay ý kiến của họ thường phải thông qua hệ thống thư từ, thư điện tử, điện thoại; các phàn nàn, khiếu nại phải nhờ đến báo chí, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng…

Nhưng các công nghệ Internet đã gỡ bỏ rào cản giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp khi cho họ cơ hội trao đổi nhanh chóng trên các website, hình thành nên khái niệm mới là “quảng cáo tương tác trực tuyến”.

Theo đó, công ty sẽ đăng ký vị trí trên một trang web có nhiều người tham gia để trò chuyện với người tiêu dùng, khách hàng tiềm năng về những chủ đề như sản phẩm, dịch vụ, giải quyết các thắc mắc... Những nội dung đó được lưu giữ và công khai để bất kỳ ai cũng có thể đọc và phản hồi.


Diễn đàn là nơi chứng kiến mô hình quảng cáo này đầu tiên ở Việt Nam, đáng kể nhất là mạng Trái tim Việt Nam Online với "box" mua sắm và khu vực riêng trên muare.vn. Các doanh nghiệp như công ty máy tính Trần Anh đăng ký hình thức “dính topic” ở vị trí cố định trên diễn đàn này để chủ đề của họ tạo ra không bị “trôi” sang trang khác khi có topic mới được lập.

Dù vậy, cấu trúc và tiện ích của diễn đàn dường như không đủ để người dùng quản lý, tìm kiếm thông tin, thể hiện cá tính. Ví dụ, loạt bài viết về một chủ đề bị dàn trải lẫn giữa phần bình luận của các thành viên, hoặc nếu tách riêng thành thread (bài viết) mới sẽ bị trôi giữa nhiều bài viết khác.


6 tháng qua, mạng xã hội Cyworld Việt Nam (một phiên bản của Cyworld Hàn Quốc) đã thử nghiệm hình thức quảng cáo tương tác cho một số doanh nghiệp. Các công ty sẽ đăng ký tên tham gia (nickname) vào mạng này sở hữu một “Myhome” (ngôi nhà ảo của riêng họ, được quyền trang trí bằng hình ảnh, phát ngôn theo chủ đề) và “kết bạn” với những thành viên khác để quảng bá sản phẩm. Lúc này, doanh nghiệp như một người “hàng xóm”, cũng viết blog chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hay thông báo kế hoạch mới, đăng ảnh, video... vào bộ sưu tập riêng, đi “comment” (bình luận) cho bạn bè, tổ chức các cuộc thi, câu lạc bộ...

“Giao tiếp với các khách hàng tiềm năng theo cách này sẽ khiến họ cảm thấy tự nhiên hơn, không bị áp đặt quảng cáo”, ông Park Han-Seok, Giám đốc kinh doanh công ty mỹ phẩm LG Vina, cho biết. “Những phản hồi trực tiếp ngay trên trang web giúp chúng tôi nắm bắt được nhu cầu thực sự của người tiêu dùng và gắn bó lâu dài với họ. "Hiện “ngôi nhà” dành cho mỹ phẩm Lacvert Essance của công ty trên mạng Cyworld đã thu hút 116.335 lượt ghé thăm, 2.375 “hàng xóm”, 6.000 bình luận của người xem.


Ông Eric JongBeom Jang, Phó Chủ tịch Cyworld Việt Nam, cho biết triển vọng kiếm tiền từ quảng cáo hai chiều này rất lớn. Tại xứ sở kim chi, doanh thu của Cyworld Hàn Quốc tăng hơn 300% trong 4 năm kể từ khi bắt đầu áp dụng mô hình vào năm 2003. Trong đó, năm 2003 họ đạt 12,4 triệu USD, năm 2004 đạt 24,7 triệu USD; con số này tăng lên 37,1 triệu USD năm 2005 và 47,3 triệu USD năm 2007. Còn tại Việt Nam, Cyworld đang kỳ vọng vào hình thức này khi ước tính quảng cáo trên mạng xã hội trong nước sẽ tăng 200%/năm và có những khách hàng đầu tiên như công ty mỹ phẩm LG Vina, Pizzahut, Galaxy-Hot Kiss (phim Nụ hôn thần chết), công ty đào tạo người mẫu TSquared Media.

Trên thế giới, các mạng xã hội khổng lồ với hàng chục triệu thành viên như MySpace, Facebook… cũng áp dụng mô hình quảng cáo tương tác. Điều này giúp hình thành nên một vị trí công việc mới là “PR trực tuyến” trong các công ty cần quảng cáo. Những người này ngoài việc am hiểu sản phẩm và chính sách của công ty còn phải học cách trò chuyện với cộng đồng bằng ngôn ngữ, điệu cười, smiley mang phong cách dân dã đặc trưng của "thời @" và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng đến từng phút.



Nhưng khi chọn lựa quảng cáo tương tác, doanh nghiệp đối diện với không ít khó khăn. Do mọi phản hồi đều xuất hiện ngay trên mặt trang web nên họ sẽ phải xác định trước là có lời khen, tiếng chê, thậm chí xúc phạm. Lúc này, ngoài sự khéo léo của PR, công ty chỉ có thể giữ uy tín bằng chính chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, vì bất kỳ ai cũng có thể lập nickname để tham gia phản hồi nên đối thủ có thể dựa vào đó để “đánh” bằng nhiều hình thức và doanh nghiệp cần phải chấp nhận “lửa thử vàng”.

Co-branding: hợp tác thương hiệu

Ví dụ như Sony-Ericsson hay dao cạo Philishave COOLSKIN - sản phẩm hợp tác giữa Philips và Nivea (Nivea for Men).

Và gần đây, một sản phẩm hợp tác thương hiệu gây nhiều tranh cãi là HP iPod - kết quả của hợp tác giữa 2 thương hiệu lớn - HP và Apple.

Việc hợp tác thương hiệu với Apple’s iPod của HP có vẻ như là một hành động không bình thường cho lắm, một sự thoả thuận liên quan tới hai thương hiệu mà thông điệp của chúng không thực sự có điểm nào liên kết với nhau.

HP là một thương hiệu có lịch sử phát triển khá lâu đời, là một trong những thương hiệu lớn mạnh – đứng ngang hàng với IBM. Đây là một công ty máy tính lớn mạnh và đáng gờm với khá nhiều những thoả thuận với các tập đoàn lớn khác, và thương hiệu HP rất có uy tín về sự đáng tin cậy và quy mô khổng lồ. Trong khi đó thì Apple là công ty về sự cải tiến, sáng tạo và phong cách. Ngay từ đầu nó đã là một thương hiệu phá vỡ mọi luật lệ và làm thay đổi những suy nghĩ và kỳ vọng của người tiêu dùng. Nó là một thương hiệu được yêu thích bởi sự sáng tạo và trẻ trung.

Đối với sản phẩm mới này, Apple mang tới sự cải tiến, thiết kế sản phẩm với phong cách riêng, danh tiếng và sự hiện đại. HP mang tới một thương hiệu đại diện về máy tính dành cho kinh doanh, sự tin cậy và đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm - những điều không liên quan gì tới sản phẩm iPod này cả.

Mặt khác, theo đúng định nghĩa về Hợp tác thương hiệu thì HP cần phải có đóng góp một thứ gì đó ngoài hình ảnh logo – ví dụ như thiết kế khác biệt, một vài nét đặc trưng khác hay có thể là một dịch vụ tốt hơn. Nhưng sản phẩm HP iPod không hề có những điều mới mẻ như thế để có thể trở thành một sản phẩm hợp tác thương hiệu thành công - trừ logo ra thì HP chẳng mang tới điều gì mới cho phần cứng của sản phẩm HP iPod cả.

VicBrand tổng hợp