Theo các nhà phân tích, những gì mà một vị lãnh đạo làm trong suốt ba tháng đầu tiên (90 ngày) quyết định rất lớn tới việc người ấy sẽ thành công hay thất bại. Đối với các giám đốc, các nhà quản lý, hay chỉ là trưởng phòng, trưởng nhóm, những ngày đầu mới nhậm chức bao giờ cũng là giai đoạn khó khăn nhất.
Khác với suy nghĩ thông thường cho rằng được thăng chức thật thích thú và dễ dàng, thực tế đã chứng tỏ rằng đây là thời kỳ khó khăn nhất khi những nhà lãnh đạo phải đương đầu với nhiều thách thức mới, thậm chí gặp nhiều áp lực nhất khi phải xử lý những tình huống phức tạp. Họ phải điều hành những con người mới, trong một môi trường làm việc mới, khác biệt nhiều so với môi trường và cách thức làm việc họ từng quen thuộc trước đây.
Quan niệm cũ cho rằng cứ làm chuyên viên giỏi hay nhà quản lý bộ phận giỏi là có thể trở thành giám đốc hay nhà lãnh đạo giỏi. Trên thực tế, có rất nhiều ví dụ về sự thất bại của những người này trong vai trò lãnh đạo. Những thành công trước đây, trình độ chuyên môn cao hay năng lực quản lý bộ phận xuất sắc là chưa đủ để đảm bảo thành công trong cương vị mới. Những nghiên cứu và thực tiễn đều chứng minh rằng sự thành công hay thất bại của một nhà lãnh đạo hầu như sẽ được quyết định trong 90 ngày nhậm chức đầu tiên.
Cuốn cẩm nang "90 ngày đầu tiên làm lãnh đạo" của Michael Watkins, được Trường Đại học Kinh doanh Harvard xuất bản năm 2003 đã vạch ra một lộ trình hành động trong giai đoạn mới nhậm chức. Cuốn sách trình bày 10 chiến lược giúp các nhà lãnh đạo nhanh chóng thành công bao gồm:
Thúc đẩy bản thân thích nghi với chức vụ và môi trường mới. Các nhà lãnh đạo cần dẹp bỏ lối suy nghĩ và cách làm việc trong vị trí cũ để đảm nhiệm vai trò mới. Đừng cho rằng những gì từng giúp mình thành công trước đây sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Họ sẽ thất bại nếu chỉ tiếp tục sử dụng những kỹ năng và phương pháp quen thuộc mà không tìm ra được biện pháp và chiến lược mới.
Luôn tìm tòi học hỏi. Tìm hiểu về công ty, về nhân sự, về lĩnh vực hoạt động kinh doanh và tất cả những gì về công ty mới càng nhanh càng tốt. Nhà lãnh đạo phải tìm hiểu thị trường, sản phẩm, công nghệ, hệ thống, cơ cấu và cả văn hóa lẫn chính trị của tổ chức và ngành. Những kiến thức này rất quan trọng cho sự nghiệp của họ, giúp họ xác định chiến lược đúng đắn và phong cách lãnh đạo phù hợp.
Lựa chọn chiến lược phù hợp. Không có một quy tắc duy nhất nào để thành công trong giai đoạn chuyển giao... nhưng cơ bản có bốn tình huống mà các nhà lãnh đạo thường gặp, gồm khởi đầu; xoay chuyển, tổ chức lại và duy trì thành công. Mỗi giai đoạn có những đặc trưng riêng. Vì thế, nhà lãnh đạo cần xác định chính xác tình huống mình phải đương đầu để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp.
Giành được những thắng lợi bước đầu. Sớm có được thành công sẽ giúp nhà lãnh đạo lấy được lòng tin của mọi người. Những thắng lợi bước đầu là động lực giúp họ và nhân viên làm việc, là tấm gương thúc đẩy mọi người, đồng thời cũng giúp họ tự tin hơn trong công việc.
Đàm phán và xây dựng thành công các mối quan hệ. Nhà lãnh đạo cần tìm cách xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiện, hiệu quả với người phụ trách mình và đáp ứng những kỳ vọng của họ. Nhà lãnh đạo cần thảo luận với người phụ trách mình cũng như nhân viên mình phụ trách về tình huống, những kỳ vọng, phong cách làm việc, các nguồn lực, và nhu cầu phát triển cá nhân của mỗi người. Những buổi nói chuyện này sẽ giúp họ phát triển và thống nhất định hướng và cách thức làm việc.
Tạo dựng sự đoàn kết trong tổ chức. Càng lên cao, vai trò của nhà lãnh đạo trong tổ chức càng quan trọng. Nhà lãnh đạo cần xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo dựng sự đoàn kết trong tổ chức và thống nhất định hướng chiến lược và phương pháp làm việc của từng bộ phận với định hướng, chiến lược chung của công ty.
Xây dựng ê-kíp làm việc. Ê kíp làm việc hiệu quả có vai trò sống còn trong sự thành công của nhà lãnh đạo. Kinh nghiệm cho thấy nhà lãnh đạo cần có những quyết định cứng rắn về nhân sự, không được phép nể nang, nhân nhượng nếu muốn thành công.
Thiết lập liên minh. Thành công của nhà lãnh đạo không chỉ dựa vào năng lực và tài trí của từng cá nhân hay của nhóm làm việc mà còn cần có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của những người không trực tiếp dưới quyền. Do vậy, họ cần xây dựng được liên minh ủng hộ và hậu thuẫn cho mình, cả trong và ngoài công ty, bao gồm các đối tác, các khách hàng, các nhà cung cấp và cả những nhà tư vấn...
Duy trì cân bằng. Do thời kỳ chuyển đổi rất căng thẳng và khó khăn nên sự cân bằng trong cuộc sống là hết sức cần thiết. Nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc đã thất bại hoặc gặp thêm nhiều khó khăn khi ngoài các vấn đề cần xử lý trong công việc, họ còn phải đương đầu với những rắc rối và căng thẳng trong gia đình, với bạn bè và với xã hội. Vì thế, nhà lãnh đạo cần xây dựng sự cân bằng trong cuộc sống là hết, làm chỗ dựa cho bản thân trong giai đoạn khó khăn này.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo cần hiểu vai trò của mình là giúp đỡ tất cả mọi người, cả cấp dưới, cấp trên và các đồng nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp của chính họ. Việc nhà lãnh đạo giúp cấp dưới theo kịp tốc độ làm việc của mình, chính là tự giúp chính họ và góp phần mang lại sự thành công chung cho toàn bộ tổ chức.
No comments:
Post a Comment