Bà Charlene Barshefsky, nguyên đại diện thương mại Mỹ, trong cuộc trò chuyện với CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC khẳng định như vậy. Cho dù kinh tế VN đang ở vào tình thế không tươi sáng, nhưng riêng trong thế giới số lại có rất nhiều tín hiệu tốt đẹp.
Nguyên tắc "cùng thời điểm"
Trong thế giới ĐTDĐ, việc lựa chọn thời điểm để giới thiệu sản phẩm là tối quan trọng vì các nhà cung cấp và phân phối phải dựa trên vòng đời sản phẩm. Chính vì thế, trước đây những thiết bị cũ mèm ở các nước vẫn được xem là "hàng mới về" tại VN, và quyền ưu tiên xài hàng độc chỉ dành cho những ai có "người ở bển về" hoặc hàng hóa đi theo con đường xách tay, đặt mua qua mạng…
Nhưng tình hình đã rất khác khi những đại diện của VN đã được mời rất trang trọng tham dự hầu hết các cuộc ra mắt linh đình sản phẩm toàn cầu của Nokia, Samsung hay SonyEricsson tại Amsterdam hay Sydney, vì như đại diện của Nokia giải thích: "Chúng tôi đánh giá VN là một điểm nóng của thị trường di động và Internet, nên từ một năm trở lại đây các bạn luôn là khách mời quan trọng hạng nhất của chúng tôi".
Mới đây, HTC, nhà cung cấp các thiết bị di động thông minh hàng đầu thế giới, đã đem nguyên bộ sậu quan trọng nhất của mình đến VN để công bố thiết bị di động thông minh HTC Touch Diamond. VN là điểm đến trước nhiều quốc gia khác trong khu vực, chỉ sau London có vài ngày. Lý do được ông Peter Chou, chủ tịch kiêm tổng giám đốc HTC Corp, giải thích: "Điểm thị trường quan trọng mà HTC muốn chinh phục".
Li Quingqiao, giám đốc tiếp thị châu Á - Thái Bình Dương của HP, chia sẻ lý do vì sao họ giới thiệu sản phẩm lưu trữ sau Singapore cả tuần lễ: "Về nguyên tắc thì VN nằm trong kế hoạch giới thiệu sản phẩm cùng thời điểm với toàn cầu, thế nhưng lỗi là do chỉ có mỗi mình tôi không thể… phân thân để có thể có mặt cùng lúc ở nhiều nơi được".
Những làn sóng mới
Mới hôm 3-6, siêu showroom công nghệ di động to bằng một container với trị giá tới 1 triệu USD mang tên "Cisco Express - đồng hành cùng VN" đã chính thức khởi động hành trình xuyên Việt của mình với sự tham gia của nhiều hãng công nghệ lớn: CNA, EMC2, Emerson Network Power, Linksys, Panduit và SingTel.
Cuộc trình diễn tốn kém này tái khẳng định niềm tin vào tiềm năng phát triển ngành công nghiệp số tại VN của các doanh nghiệp nước ngoài. Song song đó là việc Microsoft khai trương Trung tâm sáng tạo tại Viện Công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghệ thông tin - truyền thông VN.
Mục đích của trung tâm là thực hiện những cam kết hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trong nước chính là một phần của lời hứa mà Bill Gates đã dành cho thanh niên VN trong cuộc tiếp xúc trực tiếp của mình. Điều này làm người ta nhớ lại tất cả những cam kết, phát biểu lẫn báo cáo công nghệ số mà nhiều đại gia toàn cầu đã dành cho VN, tất cả đều đang bắt đầu thành hiện thực.
Một tín hiệu khác đáng mừng hơn nữa là một làn sóng âm thầm nhưng ẩn chứa sức mạnh của những chuyên gia số đang rất thành công ở nước ngoài đã lần lượt quay về nước. Chẳng hạn ông Trung Dung - người rất nổi tiếng với thương vụ tạo lập, phát triển và chuyển nhượng thành công một công ty IT tại Mỹ với giá gần 2 tỉ USD - đã chính thức xuất hiện với dự án thanh toán điện tử mang tên Mobivi của mình. Chẳng hạn chàng trai Việt đầu tiên ở Yahoo! Đông Nam Á Nguyễn Tuấn Anh đang chuẩn bị ra mắt dự án đầu tay của mình sau một thời gian dài làm thuê trên xứ người.
Hàng loạt câu chuyện về sự trở về có cùng một đáp án như nhau cho câu hỏi lý do: họ vẫn đang nhìn thấy cơ hội số quá lớn ở VN.
Kinh tế khó khăn nhưng VN vẫn có lợi điểm riêng
"Mặt bằng chung của nền kinh tế đang có vẻ khó khăn, nhưng các nhà đầu tư khôn ngoan thì nhìn ngắm thị trường bằng con mắt nghề nghiệp riêng, lĩnh vực riêng của mình và đặt trong tương quan với các thị trường lân cận. VN đang có quá nhiều điểm thuận lợi để thu hút đầu tư kỹ thuật số so với các quốc gia trong khu vực, vì người ta luôn muốn đa dạng hóa thị trường và VN có lợi điểm về cảm giác an toàn, thân thiện".
Charlene Barshefsky
No comments:
Post a Comment