Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Nhân lực cho ngành TMĐT: thiếu và yếu

Kiva.Dang A+ A- Print Email
Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển nhất định, Chính phủ và doanh nghiệp đang nỗ lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hoàn chỉnh khung pháp lý, riêng yếu tố đào tạo nhân lực cho ngành này hầu như còn bỏ ngỏ.


Đó là thông tin từ Diễn đàn- Triển lãm thương mại điện tử Việt Nam 2008, tổ chức bởi Bộ Công Thương kết hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại TPHCM ngày 3-12.

Khoảng trống lớn về nhân lực

Ông Dương Hoàng Minh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cho biết, khoảng trống lớn về nhân lực có kiến thức TMĐT đang gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi thích nghi với các phương thức giao dịch thương mại nước ngoài.

Ông Minh nhận định, đào tạo nhân lực cho ngành TMĐT không dễ, bởi lao động trong ngành này phải đáp ứng được nhiều yêu cầu chuyên môn cao vì TMĐT được tiến hành trong môi trường điện tử, nền tảng của TMĐT là công nghệ thông tin.

Khảo sát của cục đối với 108 đại học và cao đẳng trên toàn quốc cho thấy, trong số 49 trường đại học và cao đẳng đã giảng dạy TMĐT, chỉ có 2 trường thành lập khoa TMĐT, 11 trường có bộ môn TMĐT, các trường còn lại điều giảng viên bộ môn khác giảng dạy hoặc mời giảng viên thỉnh giảng cho môn học này. Số trường đào tạo chưa nhiều và chất lượng giảng viên thực sự đáng lo ngại. Hiện chỉ có 15% trường có giảng viên được đào tạo chuyên ngành về TMĐT, 45% trường có giảng viên được bồi dưỡng thêm, gần 50% trường có giảng viên tự nghiên cứu để giảng dạy bộ môn này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, trưởng khoa TMĐT, Đại học Thương Mại Hà Nội, bày tỏ, khó khăn lớn nhất của các trường hiện nay là không có sẵn đội ngũ giáo viên cho lĩnh vực này. Các trường phải tự thân xây dựng dần đội ngũ giáo viên bằng bồi dưỡng, đào tạo bổ sung, chuyển đổi giáo viên từ các chuyên ngành có liên quan cùng tham gia. Cùng với bất cập về chất lượng đội ngũ giáo viên, thì chương trình đào tạo còn manh mún và chưa thống nhất.

Tiến sĩ Minh cho biết, chương trình đào tạo hiện được xây dựng thông qua việc thu thập, nghiên cứu chương trình nước ngoài kết hợp với khảo sát và trao đổi trực tiếp. “Khâu yếu nhất trong quá trình đào tạo là đào tạo kỹ năng thực tế cho sinh viên, bởi chương trình học nặng về lý thuyết, thiếu cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và thực hành, năng lực hướng dẫn của giáo viên còn hạn chế…”, ông Minh nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ngoài cuộc

Đại diện từ các trường đại học, cao đẳng kiến nghị: hoạt động đào tạo TMĐT đã có những bước thay đổi nhất định nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc điều tra toàn diện nào được tiến hành để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, định hướng cho các cơ sở đào tạo gắn kết nhu cầu của doanh nghiệp với cơ sở đào tạo.

Thêm vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ban hành khung chương trình TMĐT để tạo điều kiện cho các trường xây dựng chương trình dạy phù hợp hơn. Hiện TMĐT chỉ mới có trong chương trình giảng dạy của ngành quản trị kinh doanh và hệ thống thông tin quản lý.

Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ Giáo Dục và Đào tạo giải thích, họ chưa có dịp tiến hành khảo sát việc đào tạo chuyên ngành TMĐT ở các trường đại học, cao đẳng vì theo quy định, việc đào tạo chuyên ngành là do các trường tự quyết định thực hiện còn bộ chỉ quản lý ngành đào tạo ở các trường mà thôi.

Vụ Giáo dục Đại học cũng khẳng định, đến nay chưa có trường đại học, cao đẳng nào đăng ký đào tạo ngành TMĐT với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, mặc dù môn học này đã được triển khai ở các trường đại học, cao đẳng nhưng vụ vẫn chưa thể nắm rõ chuyên ngành TMĐT tại các trường có bao nhiêu đơn vị học phần, khối lượng kiến thức ra sao…

Ông Nguyễn Văn Huân, khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Thái Nguyên, nhấn mạnh đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc vì các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp không thể làm một mình. “Để có nguồn nhân lực chất lượng cho ngành TMĐT, thực sự cần cái bắt tay chặt chẽ giữa nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công Thương trong thời gian tới”, ông Huân nói.

THU HIỀN/ The Saigon Times

Tại Diễn đàn- Triển lãm Thương mại điện tử Việt Nam 2008, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (EcomViet) đã công bố danh sách 10 website B2C xuất sắc trong năm 2008. Giải thưởng này do người tiêu dùng bình chọn với 10.000 lượt người tham gia. Các website B2C đoạt giải gồm:

1. www.jetstar.com

2. www.25h.vn

3. www.vinabook.com

4. www.megabuy.vn

5. www.travel.com.vn

6. www.thegioihoatuoi.com.vn

7. www.saigontourist.net

8. www.goodsmart.com.vn

9. www.linhperfume.com

10. www.golmart.vn

Post a Comment