Friday, October 19, 2012

Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Imexpan Pacific

PROFILE - Nhắc đến Johnathan Hạnh Nguyễn, nhiều doanh nhân Việt Nam tỏ ra nể phục. 28 năm trước, ông là người đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán để mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines. 2 năm sau đó, ông là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư khi thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP). Hiện tại ông là Chủ tịch IPP.


ừ năm 1996 đến nay, IPP đã đầu tư hoặc hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng số vốn hơn 280 triệu USD. Ông Hạnh cho biết, những dự án này mang lại doanh số hằng năm khoảng 460 triệu USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động ở Việt Nam.

Ông đứng sau những thương vụ đầu tư lớn như Siêu thị Miền Đông; Khách sạn Nha Trang Lodge; cửa hàng miễn thuế tại các sân bay nội địa và 4 quốc gia ở Đông Nam Á.

Đặc biệt, tên tuổi của ông và IPP gắn liền với hệ thống cửa hàng thời trang và mỹ phẩm chuyên bán hàng hiệu. Hàng thời trang cao cấp được IPP đưa về và bán tại khu mua sắm Rex Arcade và các trung tâm thương mại.

Ngoài trụ sở tại Việt Nam, IPP còn có chi nhánh ở Mỹ, Philippines và Singapore. Quản lý và điều hành một tập đoàn lớn như IPP nhưng ông tỏ ra khá thoải mái. “Các tướng của tôi đều là những người giỏi, trong đó có cả người nước ngoài. Mỗi người là chuyên gia trong lĩnh vực của mình nên tôi hoàn toàn yên tâm khi giao trách nhiệm cho họ. Khi có việc gì khẩn cấp, ban kiểm soát báo cáo trực tiếp với tôi để nhận chỉ thị kịp thời”.

Ông Hạnh cho biết thành công được như ngày nay là do ông đã giữ vững tiêu chí kinh doanh chậm mà chắc. Khi quyết định đầu tư vào dự án nào, ông phải nắm chắc đó là lĩnh vực tiên phong và có lợi thế cạnh tranh tại Việt Nam.

Ông chọn đầu tư vào hàng không, du lịch, trung tâm thương mại, không đầu tư tràn lan, đặc biệt là không lấn sang bất động sản hay chứng khoán. “Phải đi trước và đi đường dài chứ không phải chạy theo phong trào vì tôi là nhà đầu tư chứ không phải nhà đầu cơ”, ông bày tỏ.

Một trong những thành viên mang lại cho IPP doanh thu lớn nhất là Công ty Imexpan Pacific, nhà phân phối độc quyền nhiều sản phẩm hàng hiệu tại Việt Nam.

Đánh giá về tốc độ phát triển của thị trường hàng hiệu tại Việt Nam, ông Hạnh cho biết: “Phải nói là tăng trưởng rất nhanh, bình quân tốc độ tăng trưởng của Công ty là 38%, năm nay dự tính chỉ đạt 10% do kinh tế suy thoái”.

Ông cho biết ước mơ lớn nhất của mình là 10 năm nữa sẽ mở một trung tâm thương mại lớn nhất tại Việt Nam như mô hình Asia Mall của Philippines. Trung tâm sẽ có quy mô hơn 380.000 m2, bán cả hàng hiệu và hàng hóa khác.

Ông dự tính tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Song song đó, IPP cũng sẽ đầu tư mở một khu chuyên bán hàng lỗi mốt, lỗi mùa, khuyến mãi...

Trở về quê hương sinh sống và phát triển sự nghiệp đến nay đã 28 năm, ông Hạnh chia sẻ rằng kiều bào nói chung và giới doanh nhân trí thức kiều bào là nguồn lực mà Nhà nước vẫn chưa khai thác hết. Theo ông, Nhà nước cần tạo thêm điều kiện thuận lợi cho kiều bào khi họ về nước đầu tư.

Mỗi ngày khi xong công việc, ông Hạnh lại về với mái ấm của mình tại quận 2, TP.HCM. Vợ ông là diễn viên điện ảnh Lê Hồng Thủy Tiên, từng đóng phim Vị đắng tình yêu. Sau khi lập gia đình, chị rút lui khỏi màn ảnh và trở thành Tổng Giám đốc Công ty IPP.

Vợ chồng ông có 1 con gái năm nay 16 tuổi và 1 con trai 14 tuổi. Ngoài ra, ông còn có 2 cậu con trai từ cuộc hôn nhân đầu là Louis Nguyễn và Phillip Nguyễn.

Ông cho biết, giữa tháng 11 này, con trai Louis Nguyễn của ông sẽ làm đám cưới với diễn viên điện ảnh Tăng Thanh Hà.
Vài nét về Johnathan Hạnh Nguyễn

- Sinh năm 1951 tại Nha Trang
- Các vị trí từng đảm nhiệm: Tổng đại diện hàng không Philippines tại Đông Dương, sau đó là Việt Nam; Tổng Giám đốc Công ty ImexPanPacific.
- Từ năm 2004 đến nay: Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).
- Tháng 5/2012: được Hạ viện Philippines vinh danh vì những đóng góp trong việc thắt chặt quan hệ Việt Nam-Philippines.
- Các thành tích khác: Bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam năm 2003; Bằng khen của Thủ tướng năm 2008; Huân chương lao động hạng 3 năm 2009; Huân chương lao động hạng 2 năm 2011; Huân chương hữu nghị do Chủ tịch nước ký tặng.
Theo NCĐT

Saturday, October 13, 2012

Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group

PROFILE - Ông Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh từ một cơ sở bán lẻ tôn vào năm 1994. Năm 2001, sau 7 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm kinh doanh, ông sáng lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.


Vận dụng những kinh nghiệm tích lũy được trong ngành kinh doanh tôn - thép, chỉ trong vòng 10 năm, Ông đã phát triển Hoa Sen thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành thép.

Từ tháng 4/2011, ông Vũ thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc để tập trung vào nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG).
Với gần 42,9 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ - có giá trị 754 tỷ đồng tính theo giá cổ phiếu ngày 27/11- ông Vũ hiện là người giàu thứ 19 trên TTCK Việt Nam. So với đầu năm, cổ phiếu HSG đã tăng hơn gấp đôi.

 Đến cuối tháng 11/2012, vợ chồng ông Vũ đã thực hiện mua vào thêm 7,78 triệu cổ phiếu.

Quá trình công tác:

- 2001 - 10/2006: Sáng lập viên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hoa Sen.
- 11/2006 - 02/2007: Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hoa Sen; Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Tôn Hoa Sen.
- 03/2007 - 12/2007: Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hoa Sen; Chủ tịch Tôn Hoa Sen và VLXD Hoa Sen.
- 1/2008 - 4/2011: Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hoa Sen
Từ tháng 4/2011 – nay: Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen.

Con đường đến với thế giới tâm linh

Cha mẹ ông Vũ quê ở Điện Bàn, Quảng Nam nhưng ông sinh ra ở Bình Định. Ông kể rằng thuở nhỏ hay lên chùa nhưng khi đó ông chưa có đức tin. Tuy nhiên, nhiều biến cố sau này đã làm ông bước vào con đường Phật pháp.

Ông Vũ không tin vào chuyện coi bói nhưng vợ ông lại rất tin. Một lần khi ông Vũ 28 tuổi, hai vợ chồng đến coi bói tại nhà một thầy bói mù, thầy bói nói rằng "Năm 28 tuổi cậu không được đi đâu nếu không sẽ không còn gì".

Không nghe theo, ông Vũ vẫn quyết ra đi làm ăn và chưa đầy một năm sau thì hai vợ chồng ông không còn lại tài sản gì.

Sau đó, ông chuyển về sống tại Sài Gòn, gia cảnh rất cơ cực, ông Vũ đi làm lái xe cho một công ty tại Gò Vấp. Một lần ông lại cùng vợ đi xem bói, bà thầy bói "phán" chính xác về gia cảnh ông khiến ông Vũ rất ngạc nhiên. Sau đó có một số sự kiện làm ông tin rằng có một thế giới tâm linh khác đang đồng hành với thế giới của mình. Ông bắt đầu quan tâm đến Phật pháp.

Một lần, ông Vũ tình cờ gặp một người ăn xin. Người này nói rằng: "Trong vòng 3 năm nữa, cậu nam - ý chỉ ông Vũ - sẽ có một số vốn nước ngoài để làm ăn". Ông Vũ rất băn khoăn khi gia cảnh đang nghèo khó, gia đình lại không có ai đi nước ngoài.

Rồi ba năm sau (năm 1994) , "lời tiên tri" quả đã thành hiện thực khi ông Vũ đã tận dụng được vốn từ công ty liên doanh tôn NippoVina. Ông Vũ bắt đầu gặt hái những thành công từ hoạt động kinh doanh tôn và ông cũng tin hơn vào những điều nhiệm mầu.

Theo CafeBiz

Wednesday, September 26, 2012

Phạm Nhật Vương - Chủ tịch HĐQT VinGroup

PROFILE - "Trở thành tỷ phú đôla nhờ bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina và sau đó là đầu tư bất động sản ở Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đang nuôi tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế", Bloomberg nhận định trong bài viết mới đăng.


Theo hãng tin này, dù đang sở hữu 8 dự án bất động sản hỗn hợp tại những khu đất vàng ở Việt Nam, ông chủ tịch 44 tuổi của Tập đoàn Vingroup vẫn tiếp tục phát triển những dự án mới, thu hút sự quan tâm của những người đang sở hữu vàng hay tiền mặt.

"Cũng tương tự như người Trung Quốc, nhiều người Việt hiện nay giữ vàng như một cách tiết kiệm", ông Phạm Nhật Vương trao đổi tại trụ sở chính của công ty ở Hà Nội. Theo ông, họ sẽ không thể ngồi trên đống vàng chôn dưới chân giường mãi được. Cuối cùng gì người có vàng cũng sẽ phải mang chúng đi đầu tư. Nếu thu hút được nguồn vốn này, đó là cú hích lớn đối với thị trường bất động sản, ông nhận xét.

Ông Vượng và vợ - bà Phạm Thu Hương - đang nắm giữ 50% cổ phần tại Vingroup, công ty được đánh giá lớn thứ năm tại Việt Nam về giá trị thị trường.

Theo tính toán của Bloomberg, ông hiện sở hữu 1,3 tỷ USD, chưa kể những tài sản cam kết sẽ đầu tư vào một số dự án. Dẫu vậy ông chưa từng xuất hiện trong bảng xếp hạng tỷ phú quốc tế nào. Do đó, hãng truyền thông Mỹ gọi Phạm Nhật Vượng là vị tỷ phú ẩn danh.

Hiện Vingroup tìm cách huy động khoảng 300 triệu USD thông qua việc bán cổ phiếu tại Singapore, nhằm phục vụ tham vọng mở rộng tại Việt Nam.

"Nếu đưa cho tôi 10 tỷ USD ngay bây giờ, tôi sẽ đầu tư hết vào lĩnh vực xây dựng vì ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều thứ cần phải xây", ông Phạm Nhật Vượng phát biểu. Tỷ phú ẩn danh này cho biết ông cũng lên kế hoạch xây bất động sản tại Singapore, Hong Kong, nơi có các công ty xây dựng hàng đầu châu Á.

Vị tỷ phú ẩn danh

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật, kinh tế địa lý tại Đại học Moscow Geology ở Nga, ông Phạm Nhật Vượng chuyển đến Ukraine. Kể từ đó, ông sáng lập nên công ty LLC Technocom, sản xuất hơn 100 nhãn hiệu thực phẩm, bao gồm mỳ gói và khoai tây nghiền.

Năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng bán công ty cho Nestle SA với cái giá không được tiết lộ. Vào thời điểm bán, công ty Technocom đang có doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm.

Ông Vượng trở về Việt Nam từ năm 2001 và thành lập công ty cổ phần Vinpearl. Một năm sau đó, ông thành lập tiếp công ty Vincom, chuyên xây dựng các trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp. Đến năm nay, hai công ty trên được sáp nhập trở thành Tập đoàn Vingroup.

Bằng cách mua lại đất khi các nhà máy chuyển từ trung tâm thành phố ra ngoại ô, Vingroup dần nắm trong tay khoảng 10.200 hecta đất vàng tại Hà Nội, phía nam TP HCM cũng như các thành phố khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Dự án đa năng Royal City của Vingroup tại Hà Nội có giá bán căn hộ từ 1.800-2.500 USD/m2. Khi hoàn thành vào năm tới, dự án này sẽ có công viên nước trong nhà và sân trượt băng đầu tiên ở Việt Nam.

Mới đây, công ty đã bán 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Đây là lần bán thứ hai sau khi Vingroup huy động được 100 triệu USD cũng bằng hình thức này thông qua một công ty khác hồi 2009. Tính đến ngày 31/12 năm ngoái, Vingroup có tài sản 1,7 tỷ USD, theo dữ liệu thống kê của Bloomberg.

Ông Phạm Nhật Vương tiết lộ đang lên kế hoạch đầu tư ra bên ngoài Việt Nam. Ông vừa thuê công ty tư vấn McKinsey & Co. để đánh giá hoạt động kinh doanh của Vingroup và đưa ra các lời khuyên thích hợp.

Trước khi lên ý tưởng cho một dự án mới, ông cũng thường đi đây đi đó để tham khảo. Ví dụ như trước khi xây Vincom Center ở TP HCM, ông tổ chức một chuyến tham quan Singapore. Cùng với nhân viên, ông đã tham khảo cách làm tại trung tâm thương mại Ion Orchard để học hỏi cách tạo một trung tâm thương mại hạng sang.

Hay trước khi bắt tay xây dựng dự án nghỉ dưỡng đầu tiên của mình ở Nha Trang, ông cũng bay qua Phuket để xem xét cách làm khách sạn ở đây. Khi vào phòng khách sạn, thậm chí ông còn lật tung hết đồ đạc lên trước khi sắp đặt lại như cũ để tìm hiểu cách bố trí.

"Ông ấy là một người rất giản dị và khiêm tốn", bà Lê Thị Thu Thủy, từng làm ở ngân hàng đầu tư Lehman Brothers và hiện là CEO của Vingroup cho biết. Theo bà, ông luôn thôi thúc ban lãnh đạo công ty phải tự học mỗi ngày, không được hài lòng thỏa mãn với những gì đã làm được.

Là một người luôn đề cao kỷ luật, ông Phạm Nhật Vượng yêu cầu nhân viên của mình thuộc lòng câu khẩu hiệu "Tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong từng việc làm, trong từng hành động".

Trong bài viết của Bloomberg, chân dung ông Phạm Nhật Vượng cũng được khắc họa là một lãnh đạo hòa đồng. Hàng tuần ông thường chơi đá bóng, bóng rổ với nhân viên tại trung tâm thể thao của công ty. Trong bộ đồ thể thao và giày đá bóng, ông chọn chơi ở vị trí tiền đạo.

"Tấn công luôn tốt hơn là phòng thủ", đó là nguyên tắc được ông áp dụng cho mọi việc làm của mình.

Theo Vnexpress

Tuesday, September 04, 2012

Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group

PROFILE - Nếu tính gián tiếp qua CTCP Masan, ông Quang là người giàu thứ 2 trên TTCK với khối tài sản hơn 10.000 tỷ đồng.


Ông chủ của Tập đoàn Masan là một trong những doanh nhân khá tiếng.

Là chủ tịch của một trong những công ty lớn nhất nhì thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ sở hữu vỏn vẹn 10 cổ phiếu MSN.

Tuy nhiên, ông Quang lại là cổ đông lớn nhất sở hữu 46% cổ phần của CTCP Masan – công ty mẹ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 51% cổ phần của CTCP Tập đoàn Masan.

Nếu tính gián tiếp thông qua sở hữu tại CTCP Masan thì ông Quang sở hữu khối tài sản hơn 10.000 tỷ đồng – khi đó sẽ trở thành người giàu thứ 2 trên TTCK.

Bà Nguyễn Hoàng Yến – vợ ông Quang – cũng cùng chồng tham gia điều hành.

Bà Yến hiện là Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Masan Group, Thành viên HĐQT của Masan Consumer.

Với gần 22 triệu cổ phiếu MSN đang nắm giữ, bà Nguyễn Hoàng Yến hiện là người giàu thứ 4 trên TTCK Việt Nam.

Quá trình công tác

- Từ tháng 10/2011 đến nay: Thành viên HĐQT Vinacafe Biên Hòa
- Từ năm 2008 đến nay : Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm MaSan; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MaSan; Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT Ngân hàng Techcombank.
- Từ năm 2000 đến năm 2007 : Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghiệp-Thương mại MaSan; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư MaSan
- Từ năm 1999 đến năm 2002 : Phó chủ tịch thứ nhất HĐQT Ngân hàng Techcombank
- Từ năm 1995 đến năm 1998 : Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank
- Từ năm 1991 đến năm 1994 : Công tác tại Viện Khoa học Việt Nam.

Khởi nghiệp từ mỳ gói

Theo một bài viết trên báo Nhịp cầu đầu tư thì câu chuyện của Masan Food (ngày nay là Masan Consumer) gắn liền với sự thành công của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang những năm đầu thập niên 1990, khi ông bắt đầu bán mì ăn liền cho người Việt tại Nga, rồi xây dựng nhà máy đầu tiên với công suất 30 triệu gói/tháng, sản xuất mì, nước tương, nước mắm, tương ớt bán cho người bản xứ.

Trong lịch sử phát triển của Masan, mì ăn liền có thể xem là anh cả. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan được giới truyền thông gọi là “người dạy người Nga dùng mì gói và tương ớt” khi những lô mì gói đầu tiên của ông đã thành công trên thị trường Nga cách đây khoảng 20 năm.

Khi bắt đầu sản xuất mì ăn liền xuất khẩu sang thị trường Nga, ông Quang đã nghĩ rất khác với các doanh nghiệp cùng xuất khẩu mì ăn liền sang thị trường này. "Tại sao Masan lại chỉ sản xuất mì ăn liền cho cộng đồng 200.000 người Việt tại Nga mà bỏ quên đi một thị trường 150 triệu người Nga còn chưa được khai thác".

Ông Quang bộc bạch: "Chúng tôi thường nói với nhau về câu chuyện 2 người cùng được giao nhiệm vụ đi tìm thị trường cho giày da tại một nước rất lạc hậu ở châu Phi. Một người đi về rất thất vọng và báo cáo: ở đó chẳng có cơ hội nào cả bởi người dân ở đó không quen đi giầy. Người còn lại về thì hồ hởi thông báo: đó là một thị trường khổng lồ, tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả. Những người ở Masan thuộc mẫu thứ 2".

Cũng chính vì thế ông Quang cùng Masan tấn công vào thị trường mì ăn liền và sau đó là tương ớt dành cho người Nga (những người chưa quen ăn mì, tương ớt) chứ không chỉ nhắm vào thị trường người Việt đang sinh sống tại Nga. Kết quả là Masan là công ty Việt Nam thành công nhất về xuất khẩu sang thị trường Nga. Lúc cao điểm, doanh số xuất khẩu của Masan sang thị trường Nga đạt trên 100 triệu USD mỗi năm.

Đến năm 2002, ông Quang đưa Masan trở về quê nhà bằng việc tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên: Nước tương Chin-su. Sang năm 2003 thì bắt đầu có thêm nước mắm Chin-su.

Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mì gòi bằng sản phẩm Omachi.

Hiện tại thì Masan Consumer đang thống lĩnh thị trường nước mắm, nước tương với hơn 3/4 thị phần.

Trong phân khúc mì ăn liền, thị phần của công ty đến cuối năm 2011 vào khoảng 16%, đứng thứ 2 sau Acecook Việt Nam.

Ngày nay, mảng thực phẩm chỉ là một phần trong số các hoạt động của Masan.

Quá trình thành lập Masan Group

Tiền thân của CTCP Tập đoàn Masan hiện nay là CTCP Hàng Hải Masan (MSC) thành lập vào tháng 11/2004 với vốn điều lệ ban đầu là 3,2 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển.

Tháng 7/2009, MSC được chuyển giao toàn bộ cho CTCP Tập đoàn Masan, tăng vốn lên 100 tỷ đồng.

Tháng 8/2009, CTCP Tập đoàn Masan đổi tên thành CTCP Masan.

CTCP Hàng hải Masan đổi tên thành CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - đang niêm yết với mã chứng khoán MSN). Vốn điều lệ tăng từ 100 tỷ lên 3.784 tỷ đồng. Lúc này, Masan Group sở hữu 54,8% cổ phần của Masan Food và 20% cổ phần của Techcombank.

Đến tháng 10/2009, Masan Group đã tăng vốn lên 4.286 tỷ đồng, trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đến tháng 8/2012, sau nhiều đợt phát hành riêng lẻ và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần, vốn điều lệ của Masan Group đã tăng lên 6.873 tỷ đồng.Vốn hóa thị trường đạt hơn 63 nghìn tỷ đồng (~ 3 tỷ USD) và là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ hai trên TTCK Việt Nam.

Năm 2010, Masan tiến vào lĩnh vực khoáng sản khi tiến hành mua lại dự án Núi Pháo từ Dragon Capital.

Một số số liệu về Masan Consumer

Tại Việt Nam, Masan khởi đầu lĩnh vực thực phẩm vào năm 1996 khi thành lập CTCP Công nghệ - Kỹ nghệ - Thương mại Việt Tiến, chuyên về gia vị.

Năm 2000, thành lập công ty CTCP Công nghiệp và XNK Minh Việt, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu.

Năm 2002, sản phẩm đầu tiên của Masan được tung ra thị trường: Nước tương Chin-su.

Năm 2003, sáp nhập công ty Việt Tiến và công ty Minh Việt, đổi tên thành CTCP Công nghiệp - Thương mại Ma San. Trong năm này tung ra thị trường sản phẩm nước mắm cao cấp Chin-su.

Trong năm 2007, công ty giới thiệu một loạt sản phẩm như nước tương Tam Thái Tử, nước mắm Nam Ngư và mì ăn liền Omachi.

Năm 2008, CTCP Công nghiệp - Thương mại Masan đổi tên CTCP Thực phẩm Masan (Masan Food).

Năm 2011, CTCP Thực phẩm Masan đổi tên thành CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Trong năm này, Masan Consumer đã thực hiện phát hành riêng lẻ 10% cổ phần với giá 159 triệu USD cho quỹ đầu tư KKR của Mỹ, qua đó định giá công ty ở mức 1,6 tỷ USD.

Cuối năm 2011, Masan Consumer đã bỏ ra hơn 50 triệu USD để mua lại cổ phần chi phối của Vinacafe Biên Hòa. Đây là bước đi đánh dấu sự mở rộng của công ty ra ngoài lĩnh vực thực phẩm.

Theo CafeBiz

Saturday, September 01, 2012

Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên

PROFILE - “Từ tay trắng thành anh hùng”, “Vua cà phê Việt” là cách Forbes miêu tả về Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ tập đoàn cà phê Trung Nguyên. So sánh về giá trị tài sản, Vũ có thể chưa là gì đối với các “đại gia” VN. Nhưng tài sản lớn nhất của Vũ chính là những sáng kiến, ý tưởng, những chiến lược phát triển bền vững… Có thể nói, anh là hình ảnh đại diện cho doanh nhân VN ở thế kỷ mới: khát vọng lớn, ước mơ lớn, tinh thần dấn thân, đau đáu với vận mệnh dân tộc, khát khao nâng cao hình ảnh và vị thế VN trên toàn cầu. Vậy anh đã làm gì để biến khát vọng thành hiện thực?


Như tinh thần Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chúng ta cần “cách mạng” tâm thế của chính chúng ta, dựng một ngọn cờ để đưa dân tộc này thoát nghèo, thoát nhục.

Anh chia sẻ, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, một quốc gia giàu mạnh và phát triển luôn là quốc gia sở hữu những thương hiệu mạnh mang tầm cỡ toàn cầu. Làm cho thương hiệu Việt tỏa sáng toàn cầu vừa là mục tiêu, vừa là phương pháp để bảo đảm an ninh và phát triển đất nước.

Không khát vọng, không thành công

- Thương hiệu Việt theo tôi là một cụm từ mang tầm... vĩ mô, vì thế chúng ta hãy đi từ... Trung Nguyên nhé. Nhiều người cho rằng Trung Nguyên đã xây dựng thương hiệu thành công nhưng khả năng để trở thành một thương hiệu toàn cầu thì sao ?

Nói thương hiệu cà phê Trung Nguyên thành công là chưa phải vì nó vẫn chưa đạt tới kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi có khát vọng lớn, có chiến lược tốt, nhưng yếu tố thực thi còn chưa hoàn hảo. Đây là một trong những vấn đề lớn nhất mà nhiều DN VN như chúng tôi gặp phải.

Thẳng thẳn mà nói, với cách điều hành như hiện nay, tôi cho rằng đến 20 năm nữa chúng ta không có một thương hiệu nào mang tính toàn cầu. Dù rằng xét về nhiều mặt thì Trung Nguyên có thể làm được điều đó. Bởi nó thỏa mãn được một số điều kiện: Thương hiệu là số 1 của quốc gia; DN phải có khát khao toàn cầu; Lĩnh vực hoạt động của DN phải là lĩnh vực thế mạnh của quốc gia; Chiến lược của Chính phủ – sự hậu thuẫn của Chính phủ phải tương thích với chiến lược của DN.

Xét trên những điều kiện này, đâu đó Trung Nguyên cũng có phần nào đáp ứng được. Ví dụ như ở VN, chúng tôi đã có được vị trí số 1, chúng tôi cũng có khát vọng rất lớn vươn ra toàn cầu nhưng sự chia sẻ từ cấp lãnh đạo xuống nhân viên chưa sâu sắc. Cà phê thì vốn đã là thế mạnh của quốc gia, nhưng giá trị và vị thế cà phê VN chỉ ở phân đoạn rất thấp, chưa tạo ra một phát ngôn trên toàn cầu...

- Vậy theo anh, giá trị cốt lõi của Trung Nguyên vào giai đoạn chưa “nổi tiếng” với hiện nay có gì khác nhau không ?

Khác nhiều chứ. Khi bắt đầu khởi nghiệp, chúng tôi không có điều kiện tiếp xúc nhiều với kiến thức marketing, truyền thông như bây giờ. Nhưng chúng tôi có khát vọng của những người trẻ, có sự dấn thân cho điều mà chúng tôi yêu thích, có phương pháp, sáng kiến để đua tranh với những thương hiệu toàn cầu đã có mặt ở VN cả trăm năm và nỗ lực mọi cách để đạt được điều chúng tôi mong muốn. Bây giờ chúng tôi có tất cả: cả vị thế, cả sự công nhận của xã hội, cả kiến thức, giàu có… nhưng sự “dám”: dám khát vọng, dám dấn thân, dám hành động… lại bị hạn chế nhiều. Ngay khi đặt vấn đề phải đưa Trung Nguyên thành thương hiệu toàn cầu, chúng tôi nhận được nhiều nghi ngờ. Nhưng ngay cả khi khởi nghiệp và bây giờ, khát vọng lớn và sự sáng tạo không ngừng vẫn là những giá trị cốt lõi xuyên suốt quyết định sự thành công của chúng tôi.

- Chúng tôi, những người làm báo vẫn thường lấy Trung Nguyên để minh chứng về thành công trong cuộc chiến khốc liệt với thương hiệu quốc tế tại thị trường nội địa. Và tôi tin rằng chúng tôi không võ đoán ?

Ngay từ khi khởi nghiệp, Trung Nguyên luôn mang trong mình khát vọng và cổ động cho tinh thần đua tranh với thế giới. Năm 2003, khi sản phẩm G7 ra đời, chúng tôi đâu có gì ngoài mấy cái máy đóng gói và xưởng nhỏ, nhưng chúng tôi dám thách thức Nestlé. Và sự kiện “thử mù” tại dinh Thống Nhất đã mang lại một kết quả khó tưởng tượng: 89% người uống thử chọn chúng tôi. Chỉ trong vòng 9 năm, G7 đã trở thành số 1 ở VN. Bây giờ cũng vậy, so với các đối thủ toàn cầu, chúng tôi thua kém hơn nhiều về tài chính, về kinh nghiệm quản trị, tính chuyên nghiệp trong vận hành,… nhưng chúng tôi luôn mang trong mình khát khao đua tranh và khát vọng trở thành thương hiệu hàng đầu.

- Vậy còn điều gì khiến Trung Nguyên đủ tự tin để “... đi đánh xứ người” ?

Tôi tin rằng cà phê sẽ là một quyền lực thực sự của VN nếu chúng ta làm đến nơi đến chốn – từ vật chất đến tư tưởng tinh thần. Cà phê là mặt hàng được buôn bán nhiều nhất trên thế giới chỉ sau dầu mỏ, một bên là tài nguyên tái tạo, một bên là tài nguyên cạn kiệt. Những nước có lượng tiêu thụ cà phê cao nhất cũng là những nước mạnh nhất: Mỹ, Đức, Nhật… Cà phê lại được đất trời chỉ ưu đãi dành cho một số nơi, và VN là một trong số đó. VN đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu cà phê và chúng tôi lại là DN tiên phong của ngành. Chúng tôi đã đưa ra khái niệm về cụm ngành cà phê quốc gia và chiến lược làm sao để phát triển mô hình này được sự hưởng ứng của nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương. Nếu nó được triển khai tốt, vị thế và giá trị cà phê VN trên bản đồ cà phê thế giới sẽ được nâng cao, có thể đem về 20 tỉ USD trong 15 năm cho VN ! Trên bệ đỡ này – cụm ngành quốc gia, các thương hiệu có thể đi ra thế giới.

- Còn nhớ, năm 2009 sau khi kinh tế thế giới bắt đầu ổn định trở lại, anh tung ra nhiều chương trình, dự án mới “đình đám” mà điển hình là “Thủ phủ cà phê toàn cầu”. 2013 cũng được cho rằng kinh tế bớt khó khăn, anh và Trung Nguyên sẽ có gì ?

 “Dự án Thủ phủ cà phê của toàn cầu” là sản phẩm của 5 năm trời, được hình thành qua nhiều năm nghiên cứu, đóng góp và là tâm huyết của chúng tôi.

Hiện giờ, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện dự án Mega1 trong cụm dự án Mega trong chiến lược hiện thực hóa mô hình cụm ngành cà phê quốc gia. Riêng mình, tôi luôn suy nghĩ, trăn trở về việc làm sao cho đất nước này hùng mạnh.

Nâng cao “dân khí!

- Nhiều ý kiến cho rằng anh đang “mượn” cà phê để đánh bóng tên tuổi, để... làm chính trị ?

Tôi nghĩ rằng một công dân có trách nhiệm, trước tiên anh phải làm tới nơi tới chốn những việc trong chuyên môn của mình. Đối với tôi: chính trị là nhất thời, cà phê mới là vĩnh cửu. Tôi là người làm cà phê và cà phê của tôi phi tôn giáo, phi chính trị, phi sắc tộc, ngôn ngữ... Tôi nghĩ, mọi công dân có quyền nghĩ lớn và bắt buộc phải nghĩ lớn.

- Những việc anh làm, những điều anh nói có thể cho thấy anh đang muốn làm một cái gì đó có vẻ to tát hơn là thành công trong kinh doanh?

Mỗi quốc gia mạnh vì có những công dân mạnh. Mạnh ở đây hiểu rằng cả sự giàu có, cả dân trí và cả dân khí. Nếu tôi chỉ nghĩ cho cái “mạnh” của cá nhân thì tôi đã không đến nỗi không còn tóc thế này. Vì dù tôi mạnh tới đâu mà đất nước tôi không mạnh, thì đó vẫn là sự thất bại. Đó là chưa kể, so với các nước khác, VN có tất cả những điều kiện để có thể trở nên hùng mạnh. Từ diện tích, tài nguyên, dân số tới vị trí địa lý, từ chỉ số thông minh tới truyền thống văn hóa lịch sử… tôi thấy VN đủ cả. Về dân trí, chúng ta đã được cải thiện nhiều vì cơ hội tiếp xúc với kiến thức gần như trong tầm tay. Nhưng dân khí ta còn thấp. Không dám nghĩ lớn và nếu thấy người nghĩ lớn thì chê bai, ganh ghét. Thử hỏi, nghĩ còn không dám thì làm sao anh nói chuyện hành động? Trong cuộc phỏng vấn hai nhà lãnh đạo trẻ Israel mới đây, tôi được biết rằng, có tới 70% người trẻ Israel mong muốn họ sẽ trở thành những người lãnh đạo hoặc có ảnh hưởng tới đất nước họ. Có lẽ, chỉ với tinh thần như vậy, mà trong điều kiện rất khắc nghiệt với một mảnh đất nhỏ bé trên sa mạc, sống trong sự bao vây thù địch của 300 triệu người cực đoan tôn giáo, mà người Do Thái giờ đây gần như nắm hết những vị trí chủ chốt trong những lĩnh vực chủ chốt của thế giới như tài chính, ngân hàng, công nghệ cao…

- Anh nói như Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học hay chính trị gia... chứ không chỉ là doanh nhân?

Tôi nghĩ trong mỗi người chúng ta nên có… vài con người. Một doanh nhân vừa phải là một chuyên gia văn hóa, một nhà ngoại giao, một nhà chính trị, chiến binh… Bài học thành công từ người Do Thái cho thấy mỗi doanh nhân của họ mang trong mình tinh thần của một chiến binh, của một doanh nhân và của một nông dân. Họ tự hào vì cái sự “3 trong 1” đó. Khi tham gia cuộc chơi toàn cầu, thì mỗi một cá nhân VN vừa phải là bộ trưởng ngoại giao, vừa phải là bộ trưởng thương mại, thậm chí là bộ trưởng quốc phòng,… để đại diện được cả tài, trí, và khí của người Việt. Thử tưởng tượng nếu ông doanh nhân chỉ biết đến mỗi tiền, nhà chính trị chỉ biết tìm cách thăng quan tiến chức… thì xã hội này sẽ bị cắt khúc và sự phát triển chỉ cục bộ mà thôi !

- Theo anh thì lối sống hiện nay của xã hội ta có điều gì cần phát huy ?

Phải cổ động cho tinh thần dám nghĩ, dám khát khao. Cuộc chiến thời bình khắc nghiệt hơn rất nhiều, vì biên giới giờ đây không phải là khái niệm địa lý cơ học đơn thuần, nó là biên giới mềm của: hàng hóa, văn hóa… Cuộc chiến này khốc liệt nhất vì không phải ai cũng nhận ra bản chất của nó và nó lại thường trực hàng ngày hàng giờ, len lỏi vào mọi nơi, mọi khoảnh khắc trong đời sống mỗi cá nhân. Như tinh thần Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chúng ta cần “cách mạng” tâm thế của chính chúng ta, dựng một ngọn cờ để đưa dân tộc này thoát nghèo, thoát nhục.

“VN cần trở thành hình mẫu về phát triển bền vững”

- Hiện anh quan tâm đến điều gì nhất của tình hình đất nước ?

Trong suốt quá trình vận động lịch sử, thế giới có sự chi phối bởi hai quyền lực: quyền lực cứng và quyền lực mềm. Trong bối cảnh quốc tế này thì VN nắm lấy và xây dựng quyền lực nào. Tôi ủng hộ phát triển theo con đường quyền lực mềm, cần xem lại và đánh giá ở ba trụ cột. Thứ nhất là động lực, nhân lực cho sự phát triển đất nước. Thứ hai là hệ giá trị quốc gia, những giá trị cốt lõi. Thứ ba là các chính sách quốc gia, đối nội cũng như đối ngoại, để làm sao có thể hấp thụ toàn bộ nguồn lực thế giới về cho VN, để có thể xây dựng, tôn tạo và cùng bảo vệ VN.

- Xem ra quan điểm, triết lý của anh hơi khác so với một số mục tiêu hiện nay ?

VN có mọi điều kiện và tiềm năng để trở thành hình mẫu phát triển bền vững của thế giới. Tăng trưởng kinh tế phải hài hòa với môi trường, tự nhiên, văn hóa bản địa... Nói chung là cần quan tâm đến mọi khía cạnh của sự phát triển, chứ không chỉ nhìn ở một vài chỉ số nào đó. Đó là mấu chốt hóa giải cho tất cả.

Hiện nay tài nguyên trí tuệ của ta vẫn còn bị bỏ trống, nếu ta biết quy hoạch đúng thì đây là tài nguyên lớn nhất của VN.

Tại sao cà phê của chúng ta cho nguồn thu 2,7 tỉ USD (năm 2011 – PV) mà không phải 27 tỉ, trong khi Nestle không trồng hạt cà phê nào thì thu về 18 tỉ USD? Còn dầu mỏ bán mỗi năm hơn hơn đó chút thôi? Còn nhiều cái “mỏ” khác, nếu chúng ta biết đến, đủ vốn tri thức để khai thác.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Bạn hỏi đã nhiều, hãy để tôi hỏi câu cuối nhé: Phẩm chất của một thương hiệu toàn cầu đến từ một quốc gia đang phát triển như VN là gì?

Theo DĐDN

Thursday, August 23, 2012

Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT DOJI

PROFILE - Ông Đỗ Minh Phú chủ tịch DOJI và TienPhongBank là ai mà sở hữu một công ty giá trị 30.000 tỉ VNĐ và là một trong những người giàu nhất Việt Nam 2012? Dưới đây là hồ sơ tổng hợp về vị chủ tịch giàu có của tập đoàn DOJI và TienPhongBank.


Ông Đỗ Minh Phú được biết đến chủ yếu với vài trò là Chủ tịch của Doji Group - một doanh nghiệp lớn chuyên về kinh doanh vàng bạc đá quý và chủ tịch của Diana Việt Nam - doanh nghiệp lớn chuyên về sản xuất băng vệ sinh, tã trẻ em.

Năm 2011, Diana Việt Nam đã bán lại phần lớn cổ phần cho Unicharm của Nhật Bản.

Sau đó, ông Phú đã tham gia vào lĩnh vực ngân hàng với việc mua lại 20% cổ phần của Ngân hàng Tiên Phong.

Quá trình công tác

- 1992 - 1994  Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Đá quý VIGEMTEC
- 1994 - 2007  Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD
- 2007 - nay  Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc  Đá quý DOJI

Cơ duyên đến với đá quý

Ông được cử đi học ở Liên Xô nhưng vì nhầm lẫn, giấy gọi nhập học thiếu tên Đỗ Minh Phú. Để bù đắp sau sai sót này, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu viết giấy cho phép chọn bất cứ khoa nào của Đại học Bách Khoa và ông chọn nơi cao điểm nhất - ngành vô tuyến điện tử ở ĐH Bách Khoa.

Đến khi đi làm, ông theo đuổi ngành khoa học máy tính. Khả năng chuyên môn lại giỏi tiếng Anh, ông được Viện nghiên cứu cử làm giám đốc một công ty nước ngoài về đá quý, và sau đó là công ty liên doanh cùng lĩnh vực.

Năm1994, ông bỏ chức Giám đốc công ty liên doanh lương 300 đôla Mỹ, để thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý.

Năm 2007, ông xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, DOJI Plaza tại Hà Nội.

Trong hai năm 2007 và 2008, đổi tên DOJI, tái cấu trúc và phân chia làm 6 công ty thành viên, thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái. Doanh thu của tập đoàn từ 60 tỷ (2006) lên 20.000 tỷ đồng (2011).

Ông Phú cho biết: “Chiến lược lâu dài của DOJI không phải là kinh doanh vàng miếng, mà là phát triển kinh doanh hàng trang sức”.

Kinh doanh nhà hàng và sản xuất băng vệ sinh

Cuối 1996, em trai ông Phú là ông Đỗ Anh Tú khi đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tiệp Khắc, có ý định đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Sau khi tìm hiểu thì thấy rằng mặt hàng băng vệ sinh có nhiều triển vọng khi chỉ mới có một công ty duy nhất đó là Softina của Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội, liên doanh với công ty TN Trade của Thái Lan.

Năm 1997, họ thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý, nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Diana chuyên sản xuất các sản phẩm khăn tã giấy, băng vệ sinh, giấy Tisue. Tổng số tiền đầu tư là 600.000 USD (tỷ giá khi đó 11.000 đồng/USD).

Năm 1997, doanh thu của Diana đạt khoảng 5 tỷ đồng, 2008 tăng lên gấp khoảng 3 lần, 2010 doanh thu đạt 1.020 tỷ đồng.

Chuyện kinh doanh nhà hàng được ông Phú tính đến do nhận ra có thể tận dụng mặt bằng rộng của Ruby Plaza và vị trí tại tầng cao nhất, không tốn kém chi phí thuê, đồng thời marketing hiệu quả cho các gian hàng vàng bạc đá quý bên dưới.

Không như các doanh nhân thành đạt khác, ông Phú hoàn toàn "đoạn tuyệt" với những thú vui như chơi golf, tennis hay bất cứ môn thể thao nào vì quá bận rộn. Thú vui giải trí duy nhất của ông là xem quảng cáo, để học hỏi kinh nghiệm marketing, quảng bá hình ảnh.

Thương vụ Unicharm-Diana

Năm 2011, Tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm đã công bố mua lại 95% cổ phần của CTCP Diana. Giá trị của thương vụ không được công bố. Theo nhiều nguồn tin thì thương vụ này có giá trị nằm trong khoảng từ 130-200 triệu USD.

Câu hỏi được đặt ra là gia đình họ Đỗ sẽ làm gì với lượng tiền khổng lồ sau khi thoái vốn tại Diana?

Và bước đi đầu tiên là Tập đoàn Doji và những người có liên quan đã thông báo mua lại 20% cổ phần của Tienphong Bank.

Ông Đỗ Minh Phú – đại diện Doji nắm 8% cổ phần và ông Đỗ Anh Tú – cổ đông nắm 5% đã tham gia ứng cử vào HĐQT của Tienphong Bank.

Đầu năm 2012, Tập đoàn Doji cũng thông báo đã mua lại và nắm giữ 65% cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (Artex Saigon). Ông Đỗ Minh Phú đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT của công ty.

Artex Saigon là công ty chuyên về xuất nhập khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; đồng thời công ty này cũng sở hữu nhiều tòa nhà văn phòng có vị trí đắc địa.

Gia đình: 3 đời có truyền thống kinh doanh

Gia đình ông Đỗ Minh Phú là một điển hình kiểu mẫu của một đại gia đình 3 đời làm kinh doanh và đều là những nhân vật nổi tiếng trong giới doanh nhân Việt Nam.

Thế hệ thứ nhất:

Bố ông Đỗ Minh Phú là cụ Đỗ Thế Sử (sinh năm 1923), là một trong những sáng lập viên Công ty tiền thân của Tập đoàn DOJI. Năm 38 tuổi, cụ đang là Tổng biên tập báo Sơn Tây thì xin nghỉ để làm kinh doanh. Năm 73 tuổi, cụ Sử lập Công ty TNHH Phát triển Xuất nhập khẩu May mặc – GAMEXCO. Hiện nay, ở độ tuổi 90, cụ vẫn trực tiếp điều hành, xuất khẩu sản phẩm may mặc sang Đông Ấu, với trên 300 lao động.

Thế hệ thứ hai:

Cụ Đỗ Thế Sử có 9 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân.

Ông Đỗ Minh Phú là con thứ ba trong gia đình họ Đỗ.

Anh cả là Đại tá, Kĩ sư Đỗ Thái Tùng, đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang làm việc cho một công ty lớn ở Hà Nội.

Anh thứ hai là Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), hiện nay là Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 5 sao Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup).

Những người em trai và em gái của ông cũng đều nắm giữ những chức vụ trọng trách ở các cơ quan, doanh nghiệp lớn: Ông Đỗ Quốc Bình (em trai) - Chủ tịch Hiệp hội Tắc-xi Hà Nội; Ông Đỗ Anh Tuấn (em trai) - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt; Ông Đỗ Anh Tú (em trai) - Tổng Giám đốc Công ty Dianna, thành viên HĐQT TienphongBank; Ông Đỗ Khôi Nguyên (em trai) - Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ; Bà Đỗ Xuân Mai (em gái) - Điều hành công ty Green Global; Bà Đỗ Kim Dung(Em gái) - Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa...

Thế hệ thứ ba:

Cụ Đỗ Thế Sử có 34 cháu đều tốt nghiệp đại học (hầu hết đều học ở nước ngoài).

Ông Đỗ Minh Phú có hai người con là Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức.

Đỗ Vũ Phương Anh (sinh năm 1980) hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Khối Hành chính – Nhân sự, Khối Marketing kiêm Tổng kiểm soát của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Cô tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ với học vị Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh cao cấp.

Ngoài công tác ở Tập đoàn DOJI, chị còn nắm giữ vị trí Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Hành chính – Nhân sự Công ty CP Diana và Giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983) hiện đang là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Anh tốt nghiệp Đại học Westminster, Vương quốc Anh, học vị Thạc sĩ Marketing và chứng nhận Chuyên gia đá quý tại GIA (Gemology Institute of America).

Theo CafeF

Thursday, August 16, 2012

Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai

PROFILE - Là người Việt Nam đầu tiên kể từ năm 1975 có máy bay riêng, sở hữu số tài sản hơn 10.000 tỷ đồng, từ những kinh nghiệm thực tế trên thương trường, Chủ tịch Tập đoàn HAGL - ông Đoàn Nguyên Đức đúc kết: Đừng bao giờ ngộ nhận học đại học là có tất cả.


Tôi học trường đời 35 năm

Mới đây, chuyện 3 doanh nhân Việt không bằng đại học quản lý công ty nghìn tỷ lên sàn chứng khoán khiến nhiều người ngạc nhiên lẫn thích thú. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL): “Rất nhiều người trên thế giới như thế chứ không riêng gì ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam, không chỉ có 3 người quản lý công ty lên sàn chứng khoán đâu mà tôi tin có không dưới 100 người thành đạt mà không bằng đại học”.

Ông Đức lý giải: “Tôi không có bằng đại học là đúng nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ học có 5 năm còn tụi tôi học trường đời tới 35 năm rồi”. Theo ông, dù là kiến thức trong trường hay kiến thức ngoài đời, nếu không tận dụng, không tận thu thì “cũng vứt đi hết”.

Là người Việt Nam đầu tiên kể từ năm 1975 có máy bay riêng, sở hữu số tài sản khổng lồ khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng tài sản của tập đoàn HAGL, từ những kinh nghiệm thực tế trên thương trường, ông Đức đúc kết rằng: Đừng bao giờ ngộ nhận học đại học là có tất cả.

Ông khẳng định: “Đại học không phải là tất cả, không phải có bằng đại học mới làm được việc lớn. Đại học chỉ là kiến thức nền, kiến thức cơ bản, nó có ý nghĩa với thầy giáo, giáo sư, nhà khoa học, bác sĩ,… còn trong kinh doanh thì hoàn toàn không lệ thuộc.

Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2 năm liên tiếp (2008-2009) chia sẻ: Trong tay ông hiện tại có không dưới 6.000 nhân viên có bằng đại học, thậm chí trong tương lai, con số này lên tới 10.000 người (đã tốt nghiệp nông lâm, tài chính, vi sinh,…) nhưng trong số đó, có rất nhiều người không làm được việc, không phải ai cũng thành đạt. Bên cạnh đó có những người không bằng đại học vẫn giữ những vị trí rất quan trọng, chủ chốt trong tập đoàn.

“Tôi cũng thi đại học 3 lần”

Là chủ tịch của tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực với hơn 20.000 cán bộ công nhân viên, khi tuyển dụng, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức luôn đánh giá cao bằng đại học nhưng ông cũng luôn tâm niệm: đại học không phải là tất cả.

“Ngày xưa, tôi cũng thi đại học 3 lần, da diết muốn thi nhưng không bao giờ nặng nề điều đó”, ông Đức thừa nhận.

Mặc dù không có bằng đại học, nhưng bầu Đức cho biết, ông không bao giờ tự ti về điều này. “Bạn bè tôi rất đông, hồi lớp 12 ra trường 40 – 50 người, trong đó đỗ đại học hơn 30 người, sau 20 năm gặp nhau, tất cả đều như nhau, không ai hơn ai. Mỗi người mỗi việc, ai cũng đều có quyền thành đạt ở lĩnh vực chuyên môn của mình, đừng bao giờ nghĩ không học là không thành đạt” – ông Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh.

“Hiện nay, tôi biết có nhiều bạn trẻ sở hữu tấm bằng đại học nghĩ mình hơn người khác nhưng điều đó là sai lầm lớn. Bởi ra đời còn nhiều yếu tố, học đại học chưa phải là làm ngay được” – Ông Đức nhận xét.

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng một phân xưởng nhỏ vào năm 1990, có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh. Sau đó mở rộng loại hình kinh doanh sang khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc đến bóng đá... để trở thành một tập đoàn HAGL đa ngành vững mạnh như bây giờ. Gia nhập sàn chứng khoán từ cuối năm 2008 với mã HAG, tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết ban đầu gần 180 triệu đơn vị, đến nay, khối lượng cổ phiếu HAG đang lưu hành đã lên tới hơn 537 triệu, tương đương mức vốn hóa thị trường khoảng 16.067 tỷ đồng.

Nắm trong tay 48,32% cổ phần,tương đương 259,67 triệu cổ phiếu HAG, bầu Đức hiện là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.

Từ những trải nghiệm của mình, bầu Đức nhắn nhủ: Người ta có quyền coi nặng bằng cấp – kệ họ, mỗi người mỗi quan niệm, suy nghĩ khác nhau, không ai buộc ai chuyện đó. Theo vị Chủ tịch HAGL, có nhiều đường đi tới thành công, không nên phân biệt “đại học” hay “không đại học”. Bởi lẽ, “không phải học cao cấp mới đi tới thành công đâu. Tôi khuyên các bạn trẻ đừng bao giờ ngộ nhận điều này” – một lần nữa ông nhấn mạnh.

Theo GDVN

Friday, July 06, 2012

Võ Quang Huệ - CEO Bosch

PROFILE - Đưa nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị cung ứng cho ngành ô tô thế giới về Việt Nam là chuyện không dễ, chẳng phải ai cũng làm được như ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc (CEO) Bosch Việt Nam.


Du học từ năm 18 tuổi (những năm 1970) rồi ở lại Đức làm việc nhưng trong tâm thức Võ Quang Huệ, quê nhà vẫn là nơi ông luôn muốn quay về. “Có lẽ, mỗi người Việt xa quê đều trăn trở về điều này, chứ không chỉ mình tôi” - ông Võ Quang Huệ chia sẻ.

Tạo cơ hội cho người Việt

Dù mới 4 năm thành lập Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam (100% vốn nước ngoài, văn phòng ở TPHCM) nhưng nay, Bosch đã là thương hiệu khá quen thuộc tại nước ta và có những bước đi vững chắc. Năm 2011, doanh thu thuần của Bosch Việt Nam đạt 220,5 triệu USD, góp phần đưa tổng doanh thu tăng đến 75% so với năm 2010. Sáu tháng đầu năm nay, dù tình hình kinh tế khó khăn, Bosch Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Có được kết quả này, “công đầu phải kể đến dấu ấn của CEO Võ Quang Huệ” - lời một lãnh đạo Tập đoàn Robert Bosch. Ông Võ Quang Huệ nói rằng thành công không nhỏ nữa của công ty là chỉ trong một năm qua, số lượng người lao động tại Bosch Việt Nam đã tăng gấp đôi. Đội ngũ nhân viên người Việt này sẽ được tập đoàn bồi dưỡng, đào tạo để trở thành nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật trong tương lai.

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Tập đoàn Robert Bosch có hệ thống khép kín với nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu và phân phối sản phẩm. Đưa một nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị cung ứng cho ngành ô tô thế giới về Việt Nam là chuyện không dễ, chẳng phải ai cũng làm được như Võ Quang Huệ. Những thiết bị do nhà máy tại Việt Nam làm ra được bán cho các hãng ô tô danh tiếng thế giới. Hiện nhà máy sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục hộp số tự động cho ô tô (hoạt động từ tháng 4-2011) đã có kế hoạch đầu tư lên tới 322 triệu USD đến năm 2015. Đội ngũ công nhân viên của nhà máy cũng tăng từ 600 hiện nay lên 1.300 vào năm 2016. Trong khi đó, số lượng kỹ sư nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Phần mềm của Bosch ở Đông Nam Á (đặt tại TPHCM) cũng phát triển từ 60 lên 200 người. “Bosch tăng đầu tư vào Việt Nam là thêm cơ hội để người Việt học hỏi kinh nghiệm về quản lý, kỹ thuật và đem lại nhiều lợi ích cho địa phương. Mỗi lần tập đoàn thông báo tăng đầu tư, tôi đều vui mừng, thấy mình được góp thêm phần nào đó cho quê nhà” - ông Huệ bộc bạch.

Từ BMW đến Bosch

Võ Quang Huệ quê ở xã Điện Phong, huyện Điện Bàn - Quảng Nam. Ông tâm sự rằng có được những thành công như hôm nay là nhờ cái duyên của ông với quê nhà. Hồi những năm 1970, đất nước còn trong chiến tranh, ô tô là mặt hàng xa xỉ. Vì thế, trong ông cũng như nhiều du học sinh khác là được ra nước ngoài học ngành cơ khí ôtô để sau này có thể về nước phát triển thị trường nội địa.

Tốt nghiệp đại học tại Đức, Võ Quang Huệ đầu quân cho tập đoàn ô tô danh tiếng BMW. Ông liên tục được giao nhiệm vụ phát triển thị trường trọng điểm của BMW tại nhiều nước. Sau 14 năm ở BMW, năm 1993, lần đầu tiên ông trở về Việt Nam trong vai trò trưởng đề án đưa xe BMW vào thị trường này bằng cách hợp tác với một công ty cơ khí ô tô trong nước. Từ đây, ông nhen nhóm ước mơ về nước làm việc hẳn. “Là người Việt đầu tiên trong nhóm kỹ sư người Đức đưa thương hiệu ô tô sang trọng BMW vào Việt Nam, cảm giác đó thật là thú vị” - ông nhớ lại.

Năm 2006, trên chuyến bay từ Ai Cập về Singapore (khi đó Võ Quang Huệ là tổng đại diện BMW tại Ai Cập), ông tình cờ gặp người quản lý của Tập đoàn Robert Bosch. Người này cho hay Bosch đang tìm kiếm một người học ở Đức, hiểu văn hóa và kinh tế Đức, đồng thời có kinh nghiệm về thị trường Việt Nam. “Thế là tôi lọt vào “mắt xanh” của họ. Sau đó, trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng tại Thượng Hải (Trung Quốc), họ đề nghị tôi tham gia thành lập công ty con của Bosch ở Việt Nam. Tôi vui như mở cờ trong bụng. Còn gì hạnh phúc hơn khi được làm việc cho một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, ngay tại quê nhà”.

Thế là ông chia tay BMW sau 25 năm gắn bó, về với Robert Bosch.

Làm quyết liệt, sống tình cảm

Những ngày đầu mới bắt tay thành lập Bosch Việt Nam, ông đích thân gõ cửa các cơ quan chức năng ở TPHCM xin giấy phép, ra tận cảng làm việc với hải quan, gặp trực tiếp đối tác… Có lần, Bosch nhập dây chuyền sản xuất đầu tiên cho nhà máy ở huyện Long Thành - Đồng Nai bị thiếu thủ tục hải quan, khiến nhà máy có nguy cơ vận hành không đúng thời hạn, ông đề nghị hải quan mở cuộc họp, trình bày tầm quan trọng của dự án. “Khi ấy tôi bày tỏ rằng thành công của dự án này sẽ là thành công của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Và quan trọng hơn, Bosch muốn được làm việc, tuân thủ pháp luật Việt Nam. Sau đó, hải quan đã sớm có phương án giải quyết cho Bosch” - ông Huệ kể.

Hiện tại, công việc mỗi ngày một nhiều nhưng CEO Bosch Việt Nam vẫn không quên về thăm quê nhà xứ Quảng. Những dịp lễ tổ của họ tộc, dù người thân ở quê không còn nhiều nhưng ông hiếm khi nào vắng. Chẳng những thích ăn mì Quảng, lúc rảnh rỗi ông còn trổ tài nấu món mì Quảng “lai” cho cả nhà thưởng thức. Ông gọi là mì Quảng “lai” bởi nhiều năm ở nước ngoài, ông thường nấu món đặc sản quê hương này và có nêm thêm một chút gia vị khác lạ. “Nhưng khi về lại Việt Nam, tôi đã cập nhật cách nấu món mì Quảng truyền thống rồi” - ông Huệ kể vui.

Theo NLĐ

Thursday, July 05, 2012

Vũ Minh Trí - CEO Microsoft Việt Nam

PROFILE - Vũ Minh Trí, sinh năm 1973, người vừa được bổ nhiệm làm CEO Microsoft Việt Nam. Trước đó, anh từng làm CEO của một số tập đoàn đa quốc gia.


Vũ Minh Trí kể: "Những năm đầu 1990, việc chọn trường rất đơn giản, thích thì chọn chứ ít ai nghĩ nhiều đến yếu tố danh giá kiểu "nhất y, nhì dược". Tôi cũng thế và đã trở thành sinh viên ngành kỹ sư hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TPHCM theo cách đó".

Khẳng định tên tuổi

Từ thời sinh viên, Trí đã được đánh giá cao về sức học, năng khiếu lãnh đạo như một tố chất bẩm sinh. Sau khi tốt nghiệp với đề tài về dầu khí, anh được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tuyển thẳng. "Nhà mặt phố, bố làm dầu khí", người ta hay nói thế và khi ấy ai cũng bảo Trí may mắn. Nhưng sau một thời gian miệt mài ở phòng thí nghiệm của tập đoàn, chàng kỹ sư trẻ cảm thấy mất hứng thú với những công việc khô khan, trùng lặp. "Vẻ như tôi chọn nhầm nghề. Soi vào gương, thấy đó không phải hình ảnh của mình. Cứ như vậy, chẳng lẽ 5-10 năm sau mình sẽ là một kỹ sư già? Đắn đo vài lần, tôi quyết định chia tay ngành dầu khí" - Trí cho biết.

Trong suốt 10 năm, Vũ Minh Trí trải qua công việc sales, marketing ở nhiều tập đoàn đa quốc gia như P&G, BP, BAT... Rồi chàng kỹ sư năm nào bước lên tầm cao mới với vai trò CEO của Sony Ericsson. Giai đoạn năm 2006-2007, khi Vũ Minh Trí về Sony Ericsson, thị phần của hãng chỉ là 2%. Dưới bàn tay của CEO trẻ này, con số đó nhanh chóng cán mức 12%, rồi tăng chóng mặt đến 600%.

Năm 2008, Trí chia tay Sony Ericsson, được mời về làm CEO cho Yahoo! Việt Nam. Lúc này, trên thế giới và tại Việt Nam, Yahoo! đã là "gã khổng lồ" trong làng công nghệ. Và từ đây, "thương hiệu" Vũ Minh Trí được biết đến nhiều hơn khi anh xin giấy phép thành lập công ty internet nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam - điều mà đến giờ vẫn chưa có ai làm, ngoài Vũ Minh Trí. Đam mê công nghệ và hiểu tâm lý cư dân mạng, Trí và Yahoo! luôn quyết tâm phải làm cho khách hàng hài lòng ngay cả khi cung cấp dịch vụ miễn phí, đó là phải bảo mật thông tin cá nhân cho họ. Sự thành công của Yahoo! Việt Nam, nhất là blog trực tuyến Yahoo! 360, ghi đậm dấu ấn Vũ Minh Trí.

Tầm nhìn xa

Hai năm sau, kết thúc hợp đồng tại Yahoo! Việt Nam, anh về với Qualcomm, cũng vai trò CEO phụ trách khu vực Đông Dương và Thái Lan. Tại đây, anh cảm thấy hài lòng vì được làm theo triết lý riêng của mình: Đối thủ cũng chính là đối tác, vì thế phải hỗ trợ nhau cùng thúc đẩy thị trường điện thoại công nghệ 3G phát triển.

Nhiệm vụ của CEO Vũ Minh Trí ở Qualcomm là tập trung phát triển công nghệ 3G và điện thoại di động bằng cách phối hợp với các mạng viễn thông nâng cao chất lượng mạng. Rồi Qualcomm ký hợp đồng bán chip cho các OEM (Originally Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) của Trung Quốc và Đài Loan. Sau đó, các OEM bán điện thoại di động có chip Qualcomm cho những thương hiệu Việt Nam như Q-Mobile hay FPT, khuyến khích khách hàng chuyển từ công nghệ 2G sang 3G. Và đến giờ, dòng smartphone (điện thoại thông minh) vẫn tăng trưởng rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường điện thoại với các dòng máy dưới 150 USD, "chạy ào ào" trên nền tảng 3G. Điều đó chứng minh cho tầm nhìn xa của Vũ Minh Trí.

"Người ta nhớ đến "Trí Qualcomm" nhiều hơn so với khi tôi làm ở Yahoo! nhưng chưa chắc đó là nơi thành công nhất" - anh chia sẻ. Với một người giàu khát vọng như Vũ Minh Trí, sự thành công không dừng lại ở bấy nhiêu đó mà phải đầy lên theo năm tháng.

Góp sức phát triển công nghệ cao

Đang sôi nổi trò chuyện về những bước đi mới trong ngành công nghệ, chợt nhắc đến lĩnh vực sản xuất điện thoại di động của Việt Nam, Vũ Minh Trí trở nên suy tư. Anh kể rằng mỗi lần đến thăm các trung tâm công nghệ trên thế giới, anh đều tự hỏi: Điện thoại "made in Vietnam" đang ở đâu? Bao giờ có?... Đến nay, ngành thiết bị đầu cuối các nước đều phụ thuộc vào "công xưởng thế giới" Trung Quốc. Bằng nhiều chính sách mở, Trung Quốc lôi kéo các nhà máy trên thế giới về nước mình rồi tranh thủ học hỏi công nghệ, cách làm. Đến giờ, công nhân của Trung Quốc có thể làm được tất cả quy trình lắp ráp, phát triển thiết bị đầu cuối, có khi còn giỏi hơn cả kỹ sư điện tử của Việt Nam. Các hãng điện thoại nổi tiếng như Nokia, Samsung, LG, Apple... đều đặt nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc. Mỗi năm, Việt Nam có 21 triệu chiếc điện thoại di động mới được bán ra, trong đó dòng smartphone chiếm khoảng 20% nhưng chủ yếu là của đối tác nước ngoài. "Chúng ta không có gì ngoài lắp ráp. Một chiếc điện thoại giá 100 USD, trị giá phần lắp ráp chỉ chiếm... vài USD, phần thiết kế, phát triển sản phẩm chiếm đến 30%-40%..." - Vũ Minh Trí ưu tư.

Có lẽ vì thế mà thay vì hài lòng với thành công, Vũ Minh Trí lại bộc bạch: "Tôi nể anh Thân Trọng Phúc (cựu tổng giám đốc Intel Việt Nam) vì đã dày công đưa nhà máy Intel về đặt ở Khu Công nghệ cao TPHCM; phục anh Võ Quang Huệ (tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam) với nhà máy viết phần mềm cho những thiết bị tự động cao cấp đặt tại KCN Long Thành - Đồng Nai".

Giờ đây, khi đảm nhận cương vị mới, rất quan trọng là CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft tại Việt Nam, anh vẫn hằng ngày âm thầm góp từng "viên gạch" xây nền móng cho ngành công nghệ cao của nước nhà. "Microsoft Việt Nam vẫn đi theo chiến lược chung của tập đoàn nhưng sẽ được sáng tạo và đổi mới để phù hợp với thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình và quyết tâm lèo lái con thuyền Microsoft tiến những bước vững chắc để mang đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ hữu ích nhất cho người ".

Bên mái ấm gia đình

Bạn đời của Vũ Minh Trí cũng là bạn học từ thời đại học, gắn bó nhiều năm nên rất hiểu tính chồng. Từ khi anh bận rộn chinh phục những vị trí mới, chị lùi lại phía sau thầm lặng chăm lo cho gia đình. "Vợ tôi thích nấu ăn, làm bánh, khi ở nhà cô ấy sẽ có thời gian làm theo sở thích của mình" - anh chia sẻ.

Trí cho biết giai đoạn này anh rất bận rộn nên hy vọng sau 45 tuổi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhất là 2 nhóc xinh xắn của mình.

Theo NLĐ

Nguyễn Cảnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Eurowindow Holding

PROFILE - Không chỉ có sản phẩm cửa nhựa Eurowindow, Tập đoàn Eurowindow Holding hiện có rất nhiều công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng, tài chính...


Ông Nguyễn Cảnh Sơn khởi nghiệp tại Liên bang Nga năm 1994 với việc thành lập công ty T&M Trans.

Năm 2007, Eurowindow Holding được thành lập để quản lý các dự án đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn T&M Trans, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, VLXD, tài chính... Các công ty thành viên của Eurowindow gồm có: CTCP Cửa sổ nhựa Châu Âu, Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza, CTCP Incentra…

Ông Nguyễn Cảnh Sơn hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT của Eurowindow Holding, CTCP Đầu tư T&M Việt Nam; thành viên HĐQT Techcombank.

Ông Sơn hiện còn là chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Xây dựng thưởng hiệu từ con số "0"

Tiếp chúng tôi tại "tổng hành dinh" của tập đoàn T&M Trans Việt Nam số 30 BCD Lý Nam Đế (Hà Nội) là gương mặt liên tục xuất hiện trên trang bìa các tờ báo, tạp chí về doanh nhân, doanh nghiệp những năm gần đây. Đó là doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng GĐ Eurowindow, kiêm Tổng GĐ Mê Linh PLAZA.

Đến giờ nhiều người đã biết đến sự thành công của những thương hiệu này, nhưng ít ai biết chủ đầu tư - Tập đoàn T&M Trans và Tổng GĐ Nguyễn Cảnh Hồng đã bạo gan thế nào để làm được điều đó.

"Chúng tôi đã chọn cách đi khác. Lúc đó nhiều người thường chọn cách đi an toàn, lao vào những lĩnh vực đã có thị trường, nhưng anh trai tôi (ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn T&M Trans có trụ sở chính tại LB Nga) và tôi thì lại khác. Chúng tôi chủ động tìm hiểu dự đoán nhu cầu của thị trường và chọn sản phẩm cửa sổ nhựa châu Âu để đưa vào thị trường Việt Nam".

Sản phẩm này được ưa chuộng ở châu Âu và nhiều nước châu Á, vậy thì lý nào lại không thành công ở Việt Nam, một nước đang có tốc độ phát triển nhanh, vững chắc, đời sống người dân đang dần được nâng cao. Có niềm tin như vậy, với sự hỗ trợ đầu tư từ người anh trai, doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng liền bắt tay vào việc.

"Cái khó là chúng tôi phải tạo ra thị trường, vì lúc đó thị trường sản phẩm cửa nhựa gần như là con số "0". Người ta bảo gỗ đầy ra đấy, ai dùng cửa nhựa nhà ông" - Tổng GĐ Nguyễn Cảnh Hồng nhớ lại.

Nhiều người đã bảo anh em nhà ông Cảnh Sơn, Cảnh Hồng quá mạo hiểm với một sản phẩm cửa nhựa mang cái tên Eurowindow mới toanh mà thị trường chưa phát sinh nhu cầu, mạo hiểm với một đại siêu thị Mê Linh PLAZA đặt ở nơi "xa xôi" giáp ranh Hà Nội với Vĩnh Phúc… 90% khách hàng tiềm năng của họ khi được khảo sát ý kiến đã lắc đầu cho rằng sẽ không thành công, không khả thi.

Vậy mà cái bị đa số cho là điên rồ, không khả thi ấy chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển nhanh đến không ngờ. Bằng chất lượng, bằng quảng bá, tiếp thị kiên trì, chuyên nghiệp, doanh nghiệp đã đưa người dân Việt Nam đến với phong cách tiêu dùng mới.

Thực tế đã và đang chứng minh họ đúng, họ biết làm. Sản phẩm cửa nhựa Eurowindow chỉ sau 1 năm ra mắt đã được chọn trao giải Sao vàng Đất Việt đầu tiên vào năm 2004, doanh số liên tục tăng 60-70%/năm, năm 2007 dự kiến tăng 100%, đạt doanh thu trên 300 tỉ đồng.

Đến nay, ở Việt Nam đã có khoảng ba chục đơn vị sản xuất cửa nhựa cùng chia thị phần với Eurowindow, thu hẹp thị phần của cửa gỗ. "Chúng tôi mừng vì đã góp phần lớn để tạo ra được thị trường, mừng vì người dân được lựa chọn sản phẩm tốt, hưởng giá cả cạnh tranh, còn đơn vị nào uy tín, chất lượng thì sẽ tồn tại" - doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng tự tin. Chất lượng, uy tín và sự chuyên nghiệp là tiêu chí mấu chốt để những Eurowindow, Mê Linh PLAZA hay bất kỳ thương hiệu nào có thể đứng vững.

Sau 5 năm gây dựng thương hiệu và đứng vững trên thị trường, mới đây Eurowindow quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ 100% vốn đầu tư nước ngoài sang mô hình công ty cổ phần vào tháng 5/2007 và dự định sẽ sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán để có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Cùng với việc chuyển đổi hình thức Công ty của Eurowindow, tập đoàn mẹ T&M Trans đang tiến hành sắp xếp lại các mảng đầu tư tại Việt Nam với việc xây dựng Công ty Eurowindow Holding gồm 3 mảng kinh doanh chính: Sản xuất Vật liệu xây dựng; Xây dựng và kinh doanh bất động sản, phân phối vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất.

Đây là hoạt động nhằm liên kết giữa các khâu từ sản xuất vật liệu tới kinh doanh phân phối và xây dựng công trình, tận dụng thế mạnh sẵn có trong từng lĩnh vực liên kết lại tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các công ty, tiến tới thực hiện các dự án tầm cỡ quốc tế của tập đoàn T&M Trans tại Việt Nam.

Điều đáng trân trọng là Doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến công tác xã hội từ thiện với hàng tỉ đồng đóng góp đã được chuyển tới những đồng bào nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai.
Đôi nét về cá nhân:

- Họ tên: Nguyễn Cảnh Sơn
- Năm sinh: 10/4/1967 (45 tuổi)
- Quê quán: Thanh Chương, Nghệ An
- Chức vụ: Chủ tịch Eurowindow Holding; Chủ tịch CTCP Chứng khoán EuroCapital; Phó Chủ tịch Techcombank; Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
- Gia đình: Em: Nguyễn Cảnh Hồng (1970) - TGĐ Eurowindow
- Tài sản: Cổ phần Eurowindow Holding, Techcombank, 13% cổ phần CTCK EuroCapital.

Theo V&V

Friday, June 08, 2012

Cao Thị Ngọc Dung - CEO PNJ

PROFILE - Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), thành công lớn không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn ở cách đối nhân xử thế.


Những ngày này, bà Cao Thị Ngọc Dung tất bật cùng một đối tác Ý thực hiện đề án tái cấu trúc PNJ trong 10 năm tới. Nhiều người thắc mắc rằng gần 25 năm qua, PNJ đã tăng trưởng tốt, thị phần ổn định và uy tín thương hiệu trang sức rất cao, vì sao phải tái cấu trúc? “Lịch sử chỉ là nền tảng. PNJ không mãi tự hào với quá khứ mà nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai, nên phải làm mới. Tôi không cho phép mình tự mãn bởi điều đó đồng nghĩa với tự đào thải” - bà giải thích.

Muốn trở thành nhà bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á

PNJ của gần 25 năm trước bắt đầu từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ với 20 nhân sự và tài sản vỏn vẹn chỉ 7,4 lượng vàng. Nhưng PNJ giờ đây đã trở thành một công ty đại chúng uy tín, niêm yết trên sàn chứng khoán, có tổng tài sản hoạt động hơn 2.500 tỉ đồng cùng một đội ngũ nhân sự hùng hậu 2.428 người, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt từ 20%-30%. PNJ cũng đã trở thành thương hiệu trang sức hàng đầu Việt Nam với các mặt hàng uy tín, đủ sức cạnh tranh với các nhãn hàng quốc tế.

Không chỉ được phân phối rộng khắp cả nước với hệ thống 160 cửa hàng, nữ trang của PNJ giờ đây đã có mặt ở châu Âu, Mỹ, Úc… Công ty có đủ các nhãn hàng đáp ứng từng phân khúc thị trường khác nhau như: CAO Fine Jewellery, PNJ Gold, PNJ Silver... Đặc biệt, PNJ còn được biết đến là đơn vị kiểm định kim cương sánh ngang tầm với GIA - nhà kiểm định hàng đầu của Mỹ.

Sở dĩ PNJ có được như ngày nay là nhờ một tay CEO Cao Thị Ngọc Dung lèo lái. Vì thế, bà được giới kinh doanh kim loại quý mệnh danh là “bà chúa” vàng nữ trang!

Đề cập sự thành công của PNJ, bà Dung cho biết các kế hoạch và chiến lược kinh doanh của công ty luôn được quản lý, điều hành ở trạng thái an toàn, không quá đột phá. “Tôi luôn tự dặn lòng mình không được chủ quan, lơ là dù ở bất kỳ giai đoạn nào. Ngay từ đầu, tôi đã hướng PNJ theo một kế hoạch ổn định, có thể kiểm soát và lường trước được mọi rủi ro”- bà chia sẻ.

Sáu tháng đầu năm nay, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh của PNJ chưa đạt như mong muốn nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy vị thế bền vững của PNJ và nhu cầu thị trường vẫn còn “dư địa” lớn. Trên cơ sở ấy, nữ CEO này không giấu tham vọng đưa PNJ trở thành nhà bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á với những nhãn hiệu thời trang cao cấp.

Trước mắt, PNJ tập trung thực hiện các mục tiêu: Mở rộng quy mô và tăng năng lực sản xuất; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán buôn vàng miếng; mở rộng hệ thống bán lẻ PNJ Gold, cửa hàng PNJ Silver; phát triển có chọn lọc hệ thống cửa hàng CAO Fine Jewellery; thành lập PNJ Diamond Center tại trung tâm TPHCM.

Giỏi thu phục nhân tâm

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời, ngay từ nhỏ, Cao Thị Ngọc Dung đã cảm nhận được giá trị của chữ tín trong kinh doanh. Cũng chính vì thế, bà rèn đội ngũ của mình phải luôn tạo và giữ niềm tin với khách hàng.

Khi được hỏi điều gì khiến bà cảm thấy hài lòng nhất với PNJ, nữ CEO chia sẻ: “Tôi vui vì đã tạo được môi trường làm việc mà ở đó mọi người luôn có cảm giác như mình đang ở trong một đại gia đình có giáo dục với nền nếp gia phong quy củ. Đó là vốn liếng và cũng là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất mỗi khi bắt đầu một ngày làm việc”.

Tại PNJ, người lao động đều được đối xử thân tình như những người trong một nhà. Ở đó, mọi người đều hiểu được mình đang ở đâu, làm gì và tương lai sẽ ra sao. Định hướng phát triển của công ty gắn liền với phương châm “Đặt lợi ích của khách hàng, của xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp”. Mọi thành viên ở đại gia đình PNJ đều thấu hiểu điều đó. Vì vậy, những hoạt động từ thiện - xã hội mà PNJ tham gia không dừng lại ở chuyện lãnh đạo công ty gửi tiền đóng góp mà họ cùng nhân viên đích thân đến tận nơi trao tặng bằng cả tấm lòng.

Ngoài việc tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, CEO Cao Thị Ngọc Dung còn là một tấm gương trong công việc và lối sống để cấp dưới noi theo. Luôn bình đẳng trong cư xử và không bao giờ nặng lời với bất cứ ai, đó là bí quyết thu phục nhân tâm của bà. Ngay cả với các con, bà cũng ít khi la mắng và không dùng roi vọt. “Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là vợ chồng tôi phải sống như thế nào để các con tôi soi vào, chứ không dạy các con bằng mệnh lệnh hay áp đặt” - bà tâm sự.

Chồng bà, ông Trần Phương Bình, cũng là một CEO nổi tiếng (DongA Bank). Cả hai đều rất bận rộn nhưng cũng luôn dành thời gian cho bữa cơm gia đình. Ba người con của bà cũng rất giàu ý chí cầu tiến và đạt thành tích học tập cao ở những trường đại học danh giá tại Mỹ. Trong đó, con gái đầu đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard.

Hễ có chút thời gian rảnh là bà Dung đọc sách. Khi còn trẻ, bà sẵn sàng mất ngủ cả đêm vì những quyển sách hay. Giờ đây, một ngày mới của bà cũng bắt đầu bằng những trang sách. CEO PNJ quan tâm đến những loại sách rèn nhân tâm và luận về triết lý kinh doanh. Bà cho biết: “Rất mừng là càng đọc, tôi càng nhận thấy bao nhiêu năm qua mình đã đi đúng hướng để điều hành PNJ. Tôi chỉ mong rằng đại gia đình của PNJ ngày càng ấm áp hơn, cùng đồng lòng và quyết tâm cho những kế hoạch, chiến lược mới”.

Với những thành công đạt được, năm 2011, bà Cao Thị Ngọc Dung được trao giải thưởng “Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp”. Mới đây, PNJ đã có mặt trong tốp 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.

Theo Người lao động

Monday, March 05, 2012

Trần Trọng Kiên - CEO Thiên Minh

PROFILE - Nổi tiếng với thương vụ 45 triệu USD mua lại 100% cổ phần của chuỗi khách sạn và resort Victoria (2011), nhưng ít ai biết Trần Trọng Kiên còn tiên phong đưa du lịch mạo hiểm vào 3 nước Đông Dương.


Khởi đầu từ mong muốn thoát nghèo

Có lẽ bây giờ, nhiều bạn trẻ đã quen với khái niệm du lịch trekking (đi bộ dã ngoại) hay du lịch mạo hiểm, trải nghiệm, song không phải ai cũng biết loại hình này xuất hiện ở Việt Nam đã gần 20 năm nay, và người “khai sáng” nó lại là một sinh viên trường Y mới tốt nghiệp khi đó.

Sau khi hoàn thành 6 năm đèn sách ở ĐH Y khoa Hà Nội, anh bác sĩ trẻ Trần Trọng Kiên đã tạo bước ngoặt cho mình bằng việc thành lập Buffalo Tours vào năm 1994. Với sự giúp đỡ của vài người bạn, những ngày đầu, tài sản công ty không có gì ngoài một cái bàn làm việc và một chiếc điện thoại lúc nào cũng im lặng như thách thức.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, công ty đã bắt đầu có khách, nhờ kinh doanh loại hình dịch vụ rất mới khi đó. Rồi người này giới thiệu người kia, cùng với việc quảng bá thương hiệu của chủ nhân, Buffalo Tours bắt đầu có tiếng.

Với phương châm phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng và du lịch có trách nhiệm, thêm vào đó là tận dụng nguồn nhân lực tiềm năng, suốt 17 năm qua, Buffalo Tours được biết đến là công ty du lịch mạo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng đều đặn 20 - 40% hàng năm.

Hiện Buffalo Tours đang cung cấp dịch vụ cho hơn 200 công ty du lịch, lữ hành trên thế giới.

Ngoài trụ sở chính đặt tại Hà Nội, công ty cũng có các chi nhánh ở TP HCM, Đà Nẵng, Siem Reap, Phnom Penh (Campuchia), Sydney (Australia), các địa điểm bán tours ở các khách sạn 5 sao như Ressainance và New World. Hiện nay, mạng lưới của Buffalo Tours vẫn tiếp tục được mở rộng và công ty ngày càng gây dựng được nhiều quan hệ với các đối tác du lịch tiềm năng trên toàn cầu.

“Với những sản phẩm phù hợp với thị trường, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm nhiều kênh phân phối hơn. Sẽ có thể phát triển nhanh hơn nhiều nếu tận dụng tối đa mạng lưới của các công ty lữ hành quốc tế thay vì tự mình phát triển chúng. Và chúng tôi đã vượt qua rào cản biên giới để hòa nhập với thế giới, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và gây dựng quan hệ với nhiều đối tác tiềm năng”, anh Kiên chia sẻ.

Lý giải về việc rời bỏ nghề Y để đi theo con đường kinh doanh du lịch, anh Kiên cho hay: “Tôi sinh ra trong một gia đình tương đối khó khăn về tài chính tại Việt Nam, tôi không muốn chứng kiến gia đình tôi, đặc biệt là những đứa con tôi cũng phải lớn lên trong sự thiếu thốn. Đó chính là lý do tôi bỏ lại tấm bằng bác sỹ để đến với kinh doanh”. Thế nhưng khi đã là một doanh nhân thành đạt và phần nào thực hiện được những mục tiêu mình đặt ra, doanh nhân Trần Trọng Kiên luôn nung nấu một ý tưởng, đó là phải làm một điều gì đó giúp ích cho cộng đồng. “Tất cả mọi người đều có thể làm được một điều gì đó dù là rất nhỏ cho cộng đồng. Niềm vui du lịch vì vậy sẽ được nhân lên nhiều lần”, anh nói.

Đây cũng là lý do để anh Kiên triển khai và phát triển hình thức du lịch tình nguyện. Đó là những đoàn tình nguyện viên dạy học cho trẻ em mồ côi, những chuyến dã ngoại kết hợp với khám chữa bệnh cho người dân nghèo, những đóng góp về vật chất và tinh thần cho các làng dân tộc miền núi ở Mai Châu, các dự án xây trường lớp, nhà ở cho các em nhỏ.

Bên cạnh đó, anh còn triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, khu sinh thái và động vật quý hiếm ở Cúc Phương hay Tam Đảo. Phương châm sống có ích, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và phát triển cộng đồng được quán triệt trong toàn bộ canh ty.

Không bao giờ nói lời hối tiếc

Trần Trọng Kiên là người không bao giờ nói lời hối tiếc trong những quyết định của mình. Bỏ nghề Y, đôi lúc anh cũng thấy chạnh lòng khi thấy giờ đây, bạn bè nhiều người trở thành những chuyên gia đầu ngành, người biết mổ tim qua Xquang, qua siêu âm, kẻ biết thanh mạch vành, mà khi xưa còn là sinh viên, anh cũng từng ao ước mình sẽ làm được vậy. “Nhưng để nói lời hối tiếc, thì có lẽ là không”, anh nói.

Kể cả khi gặp thất bại, Trần Trọng Kiên cũng không vì thế mà nản lòng hay hối tiếc. Anh quan niệm, thất bại là chuyện bình thường, miễn là có đủ thông minh để biết rằng mình đã sai.

Vị doanh nhân trẻ này chẳng ngại kể ra những thất bại của mình. Thực tế, trong mỗi bước tiến lớn và thành công hôm nay của Công ty CP du lịch Thiên Minh cũng như thương hiệu Buffalo Tours, Trần Trọng Kiên vẫn có những bước đi nhỏ chệch hướng, sai lầm. Năm 1997 - 1998, công ty lên kế hoạch tung ra dịch vụ nhảy dù cho khách du lịch. Nhưng hơn một năm chuẩn bị, bao công sức, tiền của bỏ ra, mà cuối cùng phải thừa nhận, dịch vụ ấy chẳng thể thương mại hóa ở Việt Nam. Sau đó, kế hoạch mở tour du lịch bằng khinh khí cầu cũng thế, rất nhanh chóng thất bại...

Trải qua không ít thất bại, nhưng trong tâm vị doanh nhân này vẫn còn ấp ủ rất nhiều dự định. Anh muốn đưa Victoria Hotels & Resorts trở thành thương hiệu hàng đầu của người Việt Nam, gắn kết văn hóa Việt và Pháp. Anh còn muốn mở rộng các điểm đến chiến lược, khai phá những điểm du lịch mới cả trong nước và ngoài nước. Với anh, sự thất bại lớn nhất đó là dừng lại.

Anh kể câu chuyện khi đầu tư Buffalo Tours sang Thái Lan. Lúc đó là thời kỳ khủng hoảng chính trị của nước này, nhiều người bảo anh “có vấn đề”. Nhưng sau khi nghiên cứu thị trường và tìm tòi chiến lược tiếp thị phù hợp, anh thấy rằng mình không tranh thủ thời điểm này để mở rộng thương hiệu sang Thái thì sẽ không còn nhiều cơ hội tương tự nữa. “Chúng tôi đã áp dụng hệ thống phân phối và quản lý đang có để tiếp thị trực tiếp thương hiệu, dịch vụ đến từng người tiêu dùng Thái Lan. Kết quả là đến tháng 10/2010, Buffalo Tours Thái Lan đã có lãi, nhân viên từ 3 - 4 người lúc đầu tăng lên thành 100 người, số lượng khách hàng đạt con số 10.000 người. “Nếu lúc đó tôi dừng lại, an bài với việc phát triển thương hiệu trong nước mà không mở rộng, thì khó mà có được kết quả như hôm nay”.

Nếu xếp Trần Trọng Kiên vào danh sách những doanh nhân ham học thì cũng không sai. Dù công việc bận rộn, sở hữu và quản lý rất nhiều công ty, thương hiệu trong ngành du lịch, khách sạn, song anh không ngại bỏ thời gian để tham gia các khóa học cần thiết. Anh tự nhận mình là người đam mê được học hỏi và khao khát hoàn thiện bản thân. Ngoài các tấm bằng bác sỹ đa khoa thực hành từ ĐH Y Khoa Hà Nội, Cử nhân khoa tiếng Anh của ĐH Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội, Trần Trọng Kiên cũng sở hữu bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh của ĐH Hawaii Mỹ và chứng chỉ Quản trị Tài chính của ĐH Swinburne, Australia.

Theo Đất Việt

Sunday, March 04, 2012

Đỗ Thị Kim Liên - CEO AAA


PROFILE - Một cô gái cá tính, quyết định thay đổi số phận, bứt phá để vượt qua nỗi ám ảnh của cái nghèo. Một doanh nhân bản lĩnh và mạnh mẽ đã tạo nên AAA - thương hiệu bảo hiểm có tiếng tại Việt Nam. Một nhà quản lý sâu sắc, tình cảm có thể sẵn sàng chia sẻ với nhân viên mọi vui buồn. Và một người phụ nữ đảm đang, chu đáo luôn biết dành tất cả tình thương, trách nhiệm cho người thân, xây nên tổ ấm gia đình như mơ… Thật khó để khắc họa hết hoàn chỉnh bức chân dung về chị - Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA.

Cô bé hiếu thắng…

Luôn so sánh và cố gắng hết mình để vượt qua người khác, dường như Đỗ Thị Kim Liên là một cô bé hiếu thắng. Hiếu thắng nhưng hay làm. Cha đi học ở Liên Xô, mẹ bươn trải lo cho cuộc sống gia đình, còn anh chị lớn lại tham gia dân công nên mọi việc nhà đều do Liên quán xuyến. Tuổi thơ của chị là những lúc tranh thủ để chơi nhảy ngựa, trốn tìm, chơi đồ hàng với bạn bè cùng trang lứa, vì công việc nhà và chăm sóc cho 2 em nhỏ đã chiếm hết thời gian. Lớn hơn một chút, chị tham gia vào công việc đồng áng. Một buổi đến trường, một buổi đi chăn bò, cắt cỏ hoặc chăm lúa… Một cô bé mới lớn, nhỏ con mà phải gánh trên vai rất nhiều việc.

Cực nhọc, vất vả nhưng cơm vẫn không đủ ăn. Hoàn cảnh ấy khiến cô bé Kim Liên thấm thía cảnh nghèo. Tuy nhiên, do còn nhỏ nên chị chẳng biết làm gì khác ngoài cố hết sức mình cho công việc. Kim Liên luôn đặt cho mình một mục tiêu để phấn đấu, dù nó rất ngây thơ: “Trong làng có cô bạn cùng lớp rất giỏi việc đồng áng. Ruộng lúa nhà bạn lúc nào cũng xanh tốt, sạch cỏ nên tôi tự đề cho mình mục tiêu là phải làm hơn bạn. Lúa nhà mình phải xanh tốt hơn nhà bạn”, chị kể. Với mục tiêu đó, chị rất chăm chỉ làm việc. Hơn nữa, do mẹ đi buôn bán xa nhà suốt nên công việc nhà và đồng áng đã trở thành trách nhiệm của chị. Vì vậy, chị luôn hoàn thành tốt công việc của mình, đồng thời sớm hiểu được thế nào là giá trị của lao động. “Đứng trước cánh đồng lúa đang phơi phới thì con gái, mình cảm nhận được một mùi hương rất đặc biệt. Giống như mùi hương quyến rũ của cô gái 18 tuổi vậy. Có điều lạ là hương thơm ngất ngây ấy chỉ có mình mình cảm nhận được. Nó giống như hạnh phúc khi thấy thành quả lao động mà chỉ có người bỏ sức lao động ra mới cảm nhận được”, chị cho biết.

Suốt những năm đi học, năm nào Kim Liên cũng được bầu làm lớp trưởng. Cá tính, tháo vát, thông minh, cô lớp trưởng Kim Liên có thể thay giáo viên chủ nhiệm điều hành các hoạt động của lớp. Từ việc nhắc nhở lớp thực hiện nội quy của nhà trường, chủ trì sinh hoạt lớp đến hướng dẫn lớp sinh hoạt ngoại khóa chị đều làm tốt mà không cần giáo viên nhắc nhở. Có lẽ, những năm làm lớp trưởng là khoảng thời gian chị được rèn luyện tố chất của một thủ lĩnh. Theo mỗi bước thăng trầm trên đường đời, tố chất ấy lại được nuôi dưỡng và bồi đắp để hình thành nên một “nữ tướng” của AAA hiện nay.

Và hành trình tìm con đường sáng

Đến nay  dù đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt với cuộc sống đầy đủ tiện nghi, nhưng Đỗ Thị Kim Liên vẫn không thể quên được tuổi thơ của mình. “Những kỷ niệm tuổi thơ cứ như thước phim quay chậm. Nó không bao giờ phai nhạt trong tôi. Vốn là một trí thức, cha tôi sớm biết rằng chỉ có tri thức mới giúp con mình thoát nghèo. Chính vì vậy, ông rất nghiêm khắc với việc học hành của chị em tôi. Ông hướng chúng tôi theo nghiệp giáo của mình. Cha tôi khắt khe đến nỗi khiến tôi sợ việc học luôn. Ban ngày làm việc, ban đêm phải học bài đến khuya dưới ánh đèn dầu leo loét, trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc thì ai chẳng sợ. Nhưng tôi vẫn vâng lời cha và học”, chị kể.

Theo con đường cha chọn, Đỗ Thị Kim Liên thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm II Hà Nội. Lên đại học, tuy không còn làm lớp trưởng nữa, song chị vẫn nổi tiếng là sinh viên cá tính và sôi nổi. Chị sẵn sàng đứng lên đấu tranh, phát biểu trước những điều không đúng. Và để xóa tan nỗi ám ảnh về sự nghèo hèn, chị bắt đầu nghĩ đến việc kiếm tiền tự lập. Ban đầu, chị cùng bạn bè mua thuốc tây rồi theo những chuyến tàu lên vùng miền núi phía Bắc bán cho đồng bào dân tộc. Muốn có lãi trong các chuyến đi, chị tìm cách đi tàu mà không mất tiền. “Ngồi ở toa xe này, thấy nhân viên kiểm soát đi kiểm tra thì chạy sang toa xe khác. Nếu bị bắt thì đành xin. Nhiều khi mấy chú kiểm soát viên cứ tưởng tôi sinh viên nghèo không có tiền về quê nên tha cho”, chị cho biết. Lanh lợi nên chị kinh doanh rất thuận lợi, thu nhập đủ lo cho cuộc sống của bản thân.

Hết buôn thuốc tây, Kim Liên lại nghĩ ra cách ươm cây giống bán cho các lâm trường. Cha chị là giảng viên trường Đại học Nông nghiệp I, được nhà trường cấp cho nhà ở trong khu nhà tập thể dành cho giảng viên. Khu nhà này ở gần khu vườn của nhà trường nên chị nhờ cha thuê cho mình mảnh vườn đó để cùng các bạn trong lớp ươm cây. Chăm chỉ, nhanh nhẹn, bao giờ chị cũng là người làm nhanh và được nhiều hơn các bạn. Số tiền kiếm được chị đưa cho cha lo việc học hành cho mình cùng các em. Chị tự hào vì suốt những năm đi học mình không phải xin tiền bố mẹ. Nhưng lúc đó chị không biết rằng ngoài số tiền kiếm được, chị còn được nhiều hơn sau mỗi công việc ấy. Đó chính là những bài học, những kinh nghiệm kinh doanh thực tế rất quý giá.

Thời sinh viên của chị trôi qua với các kế hoạch kinh doanh, các vụ làm ăn như thế. Năm 1989, tốt nghiệp đại học, chị được phân công về dạy học tại Sóc Sơn, Hà Nội, sau đó là Mê Linh, Vĩnh Phúc. Kỷ niệm về “đời” giáo viên của chị cũng rất nhiều, có lẽ sâu sắc nhất là lúc chị đi thực tập. Khi ấy chị được phân công làm thay công tác chủ nhiệm lớp 11 tại một trường phổ thông ở Sóc Sơn. Học sinh chỉ nhỏ hơn cô giáo 2 -3 tuổi nên chị bị trêu chọc. “Ngày đầu tiên bước vào lớp, học sinh đứng dậy chào, mình kêu ngồi xuống thì mấy học trò cao to ở cuối lớp không chịu ngồi xuống mà cứ đứng nhìn mình chằm chặp”, chị kể. Là một người mạnh mẽ và cá tính nên chị xử lý được ngay tình huống này. Chị “trả đũa” bằng cách không giảng bài, nói trước lớp rằng tiết học đầu tiên là tiết học “nhìn” cô giáo, nhưng hôm sau chị sẽ kiểm tra bài của hôm đó mà lẽ ra phải học. Cương quyết, dứt khoát, chị khiến học sinh tâm phục, khẩu phục. Sau tiết học đầu tiên ấy, ai cũng biết đến cô giáo Liên nghiêm khắc.

Nghiêm khắc nhưng vì rất nhiệt tình, biết quan tâm và chia sẻ, yêu thương và có trách nhiệm với học trò nên Kim Liên rất “được lòng” học sinh. Thậm chí, có phụ huynh còn đến gặp chị và nói rằng “con tôi rất thích học cô”. Không chỉ hiểu rõ từng hoàn cảnh học sinh lớp mình chủ nhiệm, chị còn hiểu rõ hoàn cảnh của từng học sinh ở các lớp mình đứng dạy. Học sinh yêu quý chị không chỉ vì vậy, mà còn vì những bài giảng sâu sắc thấm đẫm tính nhân văn của chị. Là giáo viên dạy Văn, một bộ môn có tính giáo dục cao, Kim Liên hiểu rõ tầm quan trọng của nó nên các bài giảng của chị luôn xen lẫn nhiều câu chuyện dí dỏm giàu tính nhân văn. “Như vậy sẽ khiến học sinh vừa tiếp thu bài nhanh lại cảm thấy không nhàm chán”.

Tâm huyết, yêu nghề là vậy nhưng thu nhập lại không đảm bảo cho cuộc sống của chị. “Tôi thấy cuộc sống sao cơ cực quá. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Dù học đại học, đã làm giáo viên - một nghề cao quý, được người khác kính trọng, vậy mà về nhà tôi vẫn phải nuôi heo để sống. Rời phấn trắng bảng đen là tôi vội vàng đạp xe về cho heo ăn, tắm cho đàn heo mấy chục con. Cứ nghe tiếng xe đạp cọc cạch của tôi về đến đầu ngõ, cả đàn heo đồng thanh réo lên như bản nhạc buồn”. Trong hoàn cảnh như vậy, càng ngày Kim Liên càng cảm nhận được hết sự chua chát của cuộc sống. Chị chợt nghĩ không lẽ mình cứ sống như vậy suốt đời. Không! Cái tôi trong chị không cho phép. Nó không chấp nhận chị có cuộc sống như vậy. Và ý chí muốn bứt phá được hình thành từ đó. Cuộc sống cơ cực chính là động lực để con người ta phấn đấu và vượt qua hoàn cảnh. Chị cũng thế. Cái nghèo là nỗi ám ảnh lớn nhất, nhưng nó cũng là động lực mạnh nhất cho chị tự tin bứt phá.

Vượt “vũ môn”

Quyết định bứt phá thoát khỏi cuộc sống hiện tại là một quyết định táo bạo không dễ gì thực hiện với bất kỳ ai, với phụ nữ lại càng khó khăn hơn. Song Đỗ Thị Kim Liên lại khác. Chị tin mình có đủ sức mạnh để đi đến cùng ước mơ của mình, dù luật lệ gia đình chị lúc ấy rất khắt khe. Cha chị luôn hướng các con của mình theo nghề nhà giáo cao quý. Nếu chị bỏ nghề cũng có nghĩa là làm trái ý của cha. Biết vậy, nhưng chị vẫn quyết tâm với con đường mình đã chọn. “Tôi muốn bứt phá, dẹp bỏ cái luật lệ của gia đình để ra đi. Và tôi quyết định trốn”. Cuộc phiêu lưu tìm cuộc sống mới của chị bắt đầu từ đây. Nói dối cha mẹ là xuống Hải Phòng, chị vay mượn tiền của một số bạn bè một mình vào Vũng Tàu. Cứ nghĩ cuộc sống sẽ tốt hơn, Kim Liên đâu ngờ sự ra đi của mình đã gây tai tiếng với áp lực lớn cho gia đình. Khi ấy, mọi người đồn rằng chị vay 200 triệu đồng bỏ đi theo trai. Không chịu được áp lực của dư luận, bố mẹ chị đi tìm và bắt chị về bằng được để giải thích việc này. Tuy nhiên, áp lực từ phía gia đình và dư luận khiến Kim Liên càng thêm quyết tâm. Chị nhất quyết không về và tự nhủ rằng phải làm việc thật chăm chỉ, khi giàu có rồi sẽ đường hoàng trở lại quê nhà.

Đặt chân đến thành phố biển thơ mộng, chị sống nhờ ở nhà người anh họ. Bị cuốn hút bởi cuộc sống nơi đây, ngọn lửa nhiệt huyết trong chị càng thêm rạo rực. Được anh xin cho vào làm việc tại Trường Trung cấp Du lịch Vũng Tàu, chị bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Vừa học, Kim Liên vừa trau dồi khả năng ngoại ngữ. Nhưng, với cá tính mạnh mẽ, chị không thể chấp nhận được một cuộc sống bình lặng, nhàm chán và nhạt nhẽo. Vậy là, chị đăng ký thi tuyển làm thuyết minh viên cho Bảo tàng Bạch Dinh. Hình ảnh những thuyết minh viên với tà áo dài tha thướt, duyên dáng giới thiệu cho khách du lịch nghe về lịch sử, văn hóa của đất nước tạo cho chị một ấn tượng rất đặc biệt. Cho nên, khi đã trở thành thuyết minh viên, chị làm rất tốt và được nhiều người yêu quý. Ngay cả ban giám đốc của bảo tàng Bạch Dinh lúc ấy.

Khi cuộc sống dần ổn định, chị đưa em ở quê vào và nuôi ăn học. Nhưng vốn “không chịu ngồi yên một chỗ” nên khi công việc đang ổn định, chị lại nhận lời về làm cho một công ty dầu khí tại thành phố Hồ Chí Minh. Công việc không phù hợp, chẳng bao lâu chị quay lại Vũng Tàu. Nhưng chưa được bao lâu thì mẹ mất, Kim Liên phải ra Bắc để chịu tang mẹ. Sau đó, chị tiếp tục vào Nam nhưng lần này lại quyết định làm việc tại Sài Gòn. Chị xin vào bán sách tại nhà sách Fahasa, rồi làm thêm công việc phát hành phim cho một hãng phim hoạt hình. Công việc này đã giúp Kim Liên xây dựng được rất nhiều mối quan hệ. Nhờ sự chân tình, cởi mở nên chị được nhiều người yêu mến. Rồi trong vòng xoáy của cuộc sống, nghề bảo hiểm đến với chị như một cái duyên được sắp đặt trước. “Khi đó, có một người bạn làm ở Công ty Bảo hiểm Bảo Minh hỏi tôi là có thích làm bảo hiểm không? Chẳng biết gì về bảo hiểm nhưng tôi cũng đến thi tuyển”, chị kể về duyên kỳ ngộ giữa mình và bảo hiểm, “Ngày đến dự tuyển, tôi bất ngờ khi thấy công ty này nhỏ quá!. Song, khi mang tài liệu về đọc thêm, tôi thực sự bị thuyết phục bởi ngành này. Dù đây cũng là kinh Doanh, nhưng Kim Liên nhận ra rằng: “Bảo hiểm là ngành mang tính nhân văn cao”. Cho nên, chị quyết định thử sức với vai trò là một cộng tác viên, một người làm việc bán thời gian.

Qua các mối quan hệ, chị biết đến dự án cầu Mỹ Thuận. Rồi cũng nhờ một anh bạn, chị được tiếp xúc với nhiều quan chức cấp cao của dự án này. Đặc biệt, ban quản lý dự án còn giới thiệu cho chị gặp Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi đó. Lần đầu gặp một cán bộ cấp cao, tuy sợ nhưng Kim Liên cũng rất thẳng thắn khi nói chuyện với ông. Chị nhờ ông nói giúp để ban quản lý dự án này chấp nhận ký hợp đồng bảo hiểm công trình với Bảo Minh. Song, chị lại thật thà nhận mình chưa phải là nhân viên chính thức của Bảo Minh, và Bảo Minh khi đó chỉ là công ty nhỏ, mới tách ra từ Bảo Việt, còn chị đang trong giai đoạn thử việc thôi. Có lẽ chính vì quá thật thà nên chị đã có được cảm tình của Thứ trưởng. Và ông đã nhận lời nói giúp chị. Kể lại câu chuyện lần đầu tiên đi thuyết phục khách hàng, chị vẫn cảm thấy “sao mình ngây ngô thế?”. Lúc ấy chị biết thứ trưởng và anh trợ lý dự án ngày hôm sau có chuyến công tác đi Úc, chị hứa sẽ tiễn họ ra sân bay. Hăng hái lái xe máy đến Ban quản lý dự án cầu Mỹ Thuận với ý nghĩ sẽ chở họ đi, chị “quê độ” khi biết họ đi bằng ô tô của cơ quan. Nhưng có lẽ chính sự nhiệt tình và “ngây ngô” của chị khiến mọi người càng thương chị hơn.

Tuy có sự giúp đỡ của nhiều anh em trong Ban dự án Mỹ Thuận cũng như Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhưng Kim Liên vẫn gặp khó khăn. Vì khi ấy Bảo Minh chỉ là công ty mới được thành lập, chưa có nhiều hợp đồng lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Trong khi đó gói bảo hiểm cho Mỹ Thuận lên đến nhiều tỷ đồng. Vậy là chị phải tự mình xoay xở. Chị tìm gặp từ phòng nghiệp vụ của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh đến những người có kinh nghiệm khác để xin chỉ giáo và quyết tâm làm bằng được. Cuối cùng, dù không ký được hợp đồng cho toàn bộ gói thầu, Kim Liên cũng đã nhận được một phần trong gói thầu, mang về cho Bảo Minh một hợp đồng lớn. Những có lẽ điều quan trọng hơn cả là chị đã trở thành người mở đường trong lĩnh vực bảo hiểm xây dựng cho Bảo Minh.

Sau sự kiện này, cái tên Đỗ Thị Kim Liên nổi như cồn tại Công ty Bảo Minh. Từ đây, sau cái duyên ban đầu, nghề bảo hiểm đã dần trở thành niềm đam mê của chị.

Khi niềm đam mê bị thách thức

Thành công từ phi vụ làm ăn đầu tiên, Đỗ Thị Kim Liên càng hăng say hơn với bảo hiểm. Từ công trình Mỹ Thuận, chị tham gia vào nhiều công trình cầu đường nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, chị chính thức trở thành  đại lý cho Bảo Minh. Chị ký được nhiều hợp đồng trong các công trình khác nhau. Bí quyết của chị bắt nguồn từ quan điểm “lấy lợi ích khách hàng làm tiền đề”. Chị kể về lần làm bảo hiểm cho công trình đường giao thông của Tổng Công ty Giao thông 8 tại Quảng Nam. Công trình này đang xây dựng thì bị bão làm sạt lở, chị phải bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra để tìm hiểu. Chụp hình, giám định xong, chị đứng về phía khách hàng yêu cầu Bảo Minh bồi thường. Việc làm này của chị đã  khiến nhiều người trong công ty hiểu lầm. Họ cho chị là “tay trong”, là chị đã ăn chia với khách hàng. Nhưng Kim Liên đã bỏ qua tất cả những lời dị nghị để thực hiện nghĩa vụ của mình. Cuối cùng Bảo Minh thuê một công ty giám định trung gian để làm việc. Cho đến tận 3 năm sau, bảo Minh mới xác minh chính xác và còn bồi thường cao hơn so với mức ban đầu mà Kim Liên đã đề nghị.

Càng hiểu được giá trị nhân văn của bảo hiểm, Đỗ Thị Kim Liên càng kiên quyết hơn trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi khách hàng. Nhưng chỉ ở vị trí là một nhân viên bình thường thì chị rất khó khăn để làm việc đó. Ngay cả khi được anh em trong Phòng Khai thác Công ty Bảo Minh tín nhiệm bầu làm trưởng phòng, chị vẫn cảm thấy không hài lòng với cách giải quyết công việc, đặc biệt trong việc bồi thường cho khách hàng của công ty lúc đó. Vì vậy, năm 2002, chị và một số anh em cùng chí hướng nghĩ đến việc thành lập công ty riêng. Tuy nhiên, để mở một công ty tư nhân kinh doanh bảo hiểm trong thời điểm đó không phải dễ, bởi nhà nước chưa khuyến khích việc này.

Khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng không thể ngăn cản được ý tưởng và sự quyết tâm của chị. Bởi bảo hiểm giờ đây đã trở thành mục đích sống của Kim Liên. Kiên trì với mục đích đó, Kim Liên ra Hà Nội thuyết phục Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính, rồi cả Chính phủ cho phép tư nhân mở công ty bảo hiểm. Là một trong những người đầu tiên xin Chính phủ cho thành lập công ty bảo hiểm tư nhân, chị đã thành công. Tuy nhiên, “việc thuyết phục chính phủ còn dễ hơn là thuyết phục chồng”, chị nói vui. Mang ý tưởng mở công ty bảo hiểm nói với chồng - anh Lê Toàn, chị bị phản đối ngay. Anh cho rằng chị ảo tưởng. Thuyết phục anh mãi không được, chị phải nhờ một người bạn có chuyên môn là anh Đinh Nam Thắng, con của nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình, cũng là bạn thân của chồng, thuyết phục giúp. Tin tưởng vào người bạn từng học chuyên ngành bảo hiểm ở nước ngoài về, anh Lê Toàn đã đồng ý với chị. Sau này, chính anh lại là người ủng hộ, giúp chị nhiều nhất. Có thể nói, sự thành công như hôm nay của chị có vai trò rất lớn của anh.

Vạn sự khởi đầu nan, sóng mới yên thì giông bão đã kéo đến. Ấy là khi chị đã thuyết phục được chồng thì khó khăn khác đã ào đổ tới. Theo quy định, muốn thành lập một công ty bảo hiểm cần có 80 tỷ đồng vốn pháp định. Đến lúc Kim Liên có được phép thành lập công ty thì chỉ còn hai cổ đông là Ngân hàng Phương Nam và Ngân hàng Quân đội chịu góp vốn, do thời gian xin giấy phép quá lâu nên những người bạn cùng chí hướng - những người hứa sẽ góp vốn với chị - đã quay lưng. Không bỏ cuộc, hai vợ chồng chị tìm mọi cách: “Vận động bạn bè không được, chồng tôi phải bán đồ đạc có giá trị trong nhà, bán tháo đất đai, nhà cửa đang đầu tư. Thậm chí, ngôi nhà đang ở chúng tôi cũng phải bán đi”, chị cho biết. Cuối cùng, công ty của anh chị cũng được thành lập với tên gọi AAA. Cái tên ra đời từ ý tưởng của anh Lê Toàn. Cái tên này đáp ứng đủ các tiêu chí mà chị đề ra từ ban đầu là: vừa dễ đọc, dễ nhớ, lại dễ tìm kiếm khi công nghệ thông tin phát triển.

Bước vào kinh doanh, thách thức lớn nhất đặt ra với chị là nhân lực. Để có một đội ngũ nhân viên trụ cột cần rất nhiều thời gian. Mời những người có kinh nghiệm từ các công ty khác về là việc quá khó với Đỗ Thị Kim Liên. “Vì còn quá trẻ, kinh nghiệm quản lý chỉ là 2 năm làm trưởng phòng nên rất ít người tin và theo tôi”, chị chia sẻ. Chị chỉ còn cách duy nhất là vừa đào tạo đội ngũ nhân viên mới, vừa tranh thủ mời những người có kinh nghiệm khi có cơ hội. May mắn cho chị, năm đó Giám đốc Công ty Bảo Minh - Nguyễn Nam Cường, sếp cũ của chị mới về hưu. Không bỏ lỡ, chị đến mời ông. Sau vài tháng chị kiên trì thuyết phục, ông Cường cũng đồng ý. Bên cạnh đó, chồng chị cũng giúp rất nhiều trong việc mời người giỏi về công ty. Vốn có uy tín trong giới kinh doanh, lại có khả năng thuyết phục, anh đã mời được nhiều người của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt sang đầu quân cho AAA. Từ đó, đội ngũ nhân viên trụ cột của AAA dần hình thành. Theo quan điểm của Đỗ Thị Kim Liên thì: “Một tướng khó kiếm, vạn quân dễ tìm. Khi đã có tướng giỏi rồi thì quân sẽ tự tìm đến”.

AAA có đội ngũ nhân sự hùng hậu như hiện nay là nhờ uy tín của Lê Toàn. Nhưng chỉ đúng một phần, hầu hết “cánh chim đầu” đàn của AAA là do uy tín của anh mà có là một sự thật, song người giữ họ trụ lâu dài với AAA thì lại nhờ chính bản lĩnh của kim Liên. Quan điểm của chị là “phải luôn làm công tác thu hút nhân tài, vì bằng lòng với thực tại có nghĩa là đang tự giết mình”. Nếu hỏi nhân viên của AAA về bà tổng giám đốc này thì rất nhiều người khâm phục chị trong cách đối nhân xử thế. Chị luôn coi đồng nghiệp, nhân viên như anh em trong nhà vậy. Không chỉ chia sẻ khi họ có tang gia, hiếu hỉ; chị còn có thể ngồi hàng giờ liền để nghe những cô nhân viên trẻ tuổi tâm sự về chuyện yêu đương… Với chị, đó là cách điều hành doanh nghiệp, bởi: “Trong lúc khó khăn, chới với nhất, các em coi mình như cái phao cứu sinh vậy!” Cảm thông, chân tình, chị dần nhận được tình cảm của các nhân viên. Họ coi chị như người thân. Thậm chí, nhiều người đã tin tưởng và tâm sự cùng chị cả những chuyện mà họ chưa bao giờ nói với người thân.

Phải chăng chính nhờ cách điều hành đặc biệt này mà chị đã tạo ra một đội ngũ nhân viên đoàn kết, thương yêu nhau như ruột thịt cho AAA? Giờ đây, AAA đã có một đội ngũ hơn 700 nhân viên giỏi nghiệp vụ và luôn cống hiến hết mình cho công ty.

Không chấp nhận là cái bóng

Từ một người chưa có nhiều kinh nghiệm điều hành, Đỗ Thị Kim Liên đã dần trưởng thành và trở thành một nhà quản lý xuất sắc. Thành công ấy bắt nguồn từ chính sự nỗ lực của bản thân chị. Nhưng nó cũng có sự góp sức không nhỏ của anh Lê Toàn, chồng chị. Người ta thường nói: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Câu nói này đúng với vợ chồng chị. Vốn kinh qua nhiều công việc kinh doanh khác nhau, anh có rất nhiều kinh nghiệm thương trường. Và anh đã trở thành người thầy của chị. “Anh dạy tôi từ cách ứng xử với nhân viên, các ăn mặc, đi đứng đến quản lý, điều hành. Cứ như vậy, theo thời gian, tôi trưởng thành lên khi nào không biết”.

Chịu ảnh hưởng từ chồng, coi chồng là người quan trọng tạo nên thành công của mình; tuy nhiên, chị lại không quên rằng mình mới là nhạc trưởng trên sân khấu. Chị bảo: “Nếu như chấp nhận làm cái bóng của người khác, đến lúc nào đó mình sẽ bị cái bóng đó che kín. Điều quan trọng là phải biết học hỏi, biến cái hay của người khác thành cái của mình”. Dường như quan điểm ấy được chị áp dụng triệt để trong mọi hoàn cảnh, với mọi người chứ không chỉ riêng chồng mình. Với một người thầy khác là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, chị cũng áp dụng cách này. Từ nhỏ chị đã thần tượng bà và thật may mắn khi chồng chị lại là bạn thân với con bà. Có cơ hội tiếp xúc, bà dần trở thành người thầy, người mẹ tunh thần của chị. Có khó khăn gì trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, chị lại đến chia sẻ với bà. “Chỉ cần nói chuyện, nghe từng câu chuyện bà kể là tôi biết ngay mình phải làm gì. Tôi học bà từ cách đi lại, cách đứng trên diễn đàn đến cách đàm phán. Tất nhiên không phải tôi bắt chước mà là tôi học bà, rồi biến nó thành của mình”.

Sự lớn mạnh của AAA là thành quả rõ ràng nhất cho sự học hỏi không ngừng đó. Bản lĩnh, ham học hỏi cộng với việc hành trang là hai chữ  “tâm” - “tài” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, từ một trường phòng, giờ chị đã điều hành doanh nghiệp có số vốn lên đến hơn 1000 tỷ đồng với hơn 700 nhân viên. Dưới sự điều hành của chị, AAA tăng trưởng không ngừng. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước, tăng trưởng trung bình đạt 150%/năm. Công ty liên tục đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó có nhiều sản phẩm mới như bảo hiểm điện thoại di động, bảo hiểm y tế toàn cầu, bảo hiểm chăm sóc phụ nữ… Hệ thống quản lý được ứng dụng công nghệ hiện đại. Từ một công ty với văn phòng chưa nay 16m2, hiện nay chi nhánh và văn phòng đại diện của AAA đã có mặt ở hơn 40 tỉnh thành. Điều đáng nói là trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều khó khăn, nhưng AAA vẫn phát triển tốt. Chưa dừng lại ở đó, bà chủ của AAA còn đang thực hiện nhiều dự án khác như hợp tác với Công ty Vinamotor xây dựng trạm dừng chân trên các tuyến quốc lộ, đầu tư bất động sản, khai thác tàu biển…

Với những gì đã làm được, Đỗ Thị Kim Liên thực sự tỏa sáng. Tuy nhiên, chị cũng không bao giờ quên những người thầy, những người bạn, những người đồng nghiệp đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho chị khẳng định bản thân. Trong đó có gia đình chị. “Bạn khó mà thành công nếu không có một gia đình hạnh phúc. Tôi may mắn có được người chồng hiểu đến mọi ngõ ngách trong tâm hồn mình. Anh chăm chút cho tôi từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Anh như một người thầy, một người bạn, thậm chí có lúc như người cha, người mẹ của tôi vậy”, chị nói về chồng với tất cả sự yêu thương. Có một người chồng hết lòng thương yêu, những đứa con ngoan ngoãn là động lực lớn nhất để chị phấn đấu, nỗ lực trong công việc.

Gia đình là niềm tự hào lớn nhất của chị, cho nên dù bận rộn đến mấy, chị luôn dành thời gian cho gia đình. Sẵn sàng vào bếp nấu những món ăn ngon mà chồng ưa thích, bất kể lúc nào cũng có thể sắp xếp thời gian để làm một bữa tiệc nhỏ cho gia đình, đó là cách chị vun đắp cho hạnh phúc của mình. Bằng bí quyết đó, chắc chắn “lâu đài” hạnh phúc của chị sẽ được xây cao mãi. Chính điều này giúp chị yean tâm điều hành AAA ngày càng phát triển rộng khắp và vững mạnh hơn.

Theo Danh Nhân