Friday, June 19, 2009

Sứ mạng hay lợi nhuận

Cơ hội kinh doanh mở ra ngày càng nhiều đã đặt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt trước sự lựa chọn: theo đuổi sứ mạng kinh doanh hay chạy theo lợi nhuận?

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế, cơ hội kinh doanh xuất hiện ào ạt và liên tục, nhiều ngành nghề mới được hình thành. Thế giới ngày càng "phẳng" hơn, mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp với thị trường liên thông từ trong nước đến quốc tế, đồng thời mở ra một vấn đề mới cho các nhà lãnh đạo, đó là theo đuổi những giá trị kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp (còn gọi là sư mạng) hay nhang cơ hội mới ập đến với mức lợi nhuận hấp dẫn. Điều đơn giản đầu tiên là lợi nhuận chỉ mang tính ngắn hạn trong khi sư mạng chính là mục đích cuối cùng.

Sự thay đổi môi trường kinh doanh

Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần chú trọng quản lý thật tốt khách hàng, sản phẩm, nguồn nhân lực, tài sản... là đã hoàn thành mục tiêu. Nhưng hiện nay, khi quá trình dân chủ hóa thông tin, tri thức diễn ra hàng ngày trên toàn thế giới thì những công nghệ, ưng dụng mới nhất, xu hướng ngành cũng như thông tin về thị trường, đối thủ... không còn là của riêng ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc bất kỳ ai. Mọi người đều có thể lấy thông tin bàng cách truy cập Internet.

Việc dân chú hóa thông tin và tri thức cũng cho phép ban lãnh đạo doanh nghiệp đào sâu tìm hiểu kiến thức về những ngành liên quan hoặc lĩnh vực mà họ quan tâm. Chính những kiến thức này sẽ là động cơ thúc đẩy lãnh đạo doanh nghiệp hướng Công ty mình thực hiện những hoạt động mới, tạo ra lợi nhuận và bành trướng doanh nghiệp nhưng lại dần xa rời sứ mạng doanh nghiệp.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đi theo chiều hướng này. Ví dụ, ngành bất động sản cụ thể là xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê đang rất "sốt", đem lại lợi nhuận cao, thế là hàng loạt doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư và quên mất sứ mạng chính của mình. Như một Công ty chuyên sản xuất cà phê nhận thấy thị trường phân phối sản phẩm tiêu dùng đang có tiềm năng, họ quyết định đổ hàng ngàn tỉ đồng thiết lập hệ thống phân phối bán lẻ trải dài cả nước. Lời lỗ của những dự án trên chưa biết thế nào nhưng trước mất là nguồn lực của họ đã bị dàn trải khiến lợi thế cạnh tranh đang dần suy yếu.

Kênh phân phối kia sẽ tồn tại như thế nào khi xu hướng người tiêu dùng đang dần chuyển sự tập trung vào siêu thị. Nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng 2007 của báo Sài Gòn Tiếp Thị ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ cho thấy, người tiêu dùng đang xem siêu thị là kênh mua sắm chủ yếu ở các mặt hàng tiêu dừng và gia dụng.

Tương tự như khi doanh nghiệp của bạn dễ dàng nắm bất thông tin của các ngành khác thì những Công ty ngoài ngành công không quá khó khăn để có thông tin về ngành hoạt động của bạn, thậm chí là cả thông tin về thị trường, xu hướng ngành, phát minh công nghệ... mà bạn đang có. Điều này sẽ thôi thúc những đối thủ tiềm năng nhảy vào, đối thù trực tiếp sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Và đây cũng là một động lực thúc đẩy các nhà lãnh đạo phát triển những định hướng kinh doanh mới, tạo ra lợi nhuận cao nhằm giảm thiểu rủi ro về ngành cũng như áp lực cạnh tranh.

Những vấn đề trên là thực tế cửa không ít doanh nghiệp lớn, được xem là hàng đầu của Việt Nam theo đuổi sứ mạng hay lợi nhuận? hiện nay. Vậy nhà lãnh đạo phải làm thế nào?

Sứ mạng hay lợi nhuận

Một Tiến sĩ kinh tế học có tiếng ở Việt Nam nói rằng, vấn đề đơn giản hay phức tạp phụ thuộc phần lớn vào cách ta đặt vấn đề. Cũng giống như ngày xưa khi bao vây thành trì, vị tướng lĩnh chỉ nhìn thấy công thành là phương pháp duy nhất mà bỏ qua những phương pháp về ngoại giao, chính tri, kinh tế vì ông bị bó hẹp trong chính quan điểm của mình. Không thể trách vị tướng đó kém cỏi vì ông ta được đào tạo để chinh phạt. Giá trị để chứng tỏ bản thân ông là nhũng trận chiến, số lượng thành trì và tù binh chiếm được.

Tương tự với nhà lãnh đạo doanh nghiệp, không thể trách khi họ rời bỏ những giá trị cốt lõi để chạy theo lợi nhuận. Đương kim CEO của Motorola, Eo Zander là nhà quản ly xuất thân từ ngành tài chính, sau khi tại vị, ông đã tiến hành cắt giảm nhân sự tại Mỹ hàng loạt, chuyển các bộ phận hỗ trợ sang Malaysia và Philippines. Một sớm thực dậy, các nhà quản lý cấp trung của Motorola đến văn phòng không còn nhận được lời chào buổi sáng từ cô thư ký xinh đẹp mà thay vào đó là cuộc gọi từ Malaysla báo về lịch làm việc trong ngày, một email tư Philippines cung cấp các hồ sơ chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng. Những thay đổi của vị CEO này đã vấp phải sự phản đối rất lớn từ nhân viên, Chính quyền vì đã làm mất việc làm của hàng ngàn người Mỹ và chuyển một bộ phận doanh số không nhỏ của Motorola ra nước ngoài. Nhưng trong báo cáo tổng kết cuối năm 2005, lợi nhuận và tăng trưởng của Motorola lại cao hơn những gì người tiền nhiệm làm được.

Trở lại Việt Nam, rất nhiêu nhà lãnh đạo đang băn khoan liệu nên tập trung vào lợi nhuận hay sứ mạng cốt lõi của doanh nghiệp. Khó khăn của họ là đã đặt hai phạm trù lợi nhuận và sứ mạng ở hai khía cạnh đối nghịch nhau. Trong triết học duy vật biện chứng, C.Mác và Ph.Ăngghen nói rằng, bên trong mâu thuẫn có sự thống nhất với nhau, mâu thuẫn là tiền đề đề phát triển tiến bộ xã hội. Sự phủ định của những mâu thuẫn này mang tính biện chứng, tức chúng không phủ định hoàn toàn mà chi phủ định những mặt gây hạn chế, kìm hãm sự phát triển của nhau. Khi loại bỏ những yếu tố này thì những yếu tố mâu thuẫn sẽ kết hợp với nhau, tạo nên bước nhảy cho xa hội.

Nên áp dụng quy luật trên vào hai phạm trù sư mạng và lợi nhuận, xem lợi nhuận như một công cụ để duy trì mục tiêu sứ mạng của doanh nghiệp. Khi đó, mục tiêu hàng đầu trong hoạch định chiến lược kinh doanh là xây dựng sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, lợi nhuận chỉ là công cụ thực hiện. Quan điểm này còn thể hiện ở khía cạnh các doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực kinh doanh có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực, thế mạnh, lợi thế hiện tại của mình. Khi áp dụng quan điểm này, họ sẽ được những chiến lược kinh doanh nhất quán, khai thác triệt để sức mạnh nền tảng của doanh nghiệp mà không làm giảm suất sinh lợi và tăng trưởng.

FPT là một ví dụ tốt cho nhận định trên. FPT đang theo đuổi rất nhiều lĩnh vực như sản xuất gia công phân mém, phân phối thiết bị tin học, cung cấp phần mềm hỗ trợ quản trị doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc, lắp ráp máy tính và đào tạo tin học. Nhưng họ chưa bao giờ xa rời triết lý kinh doanh của mình, đó là "Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ". Tất cả những hoạt động con của Công ty dù mới xuất hiện hay tồn tại từ lâu đều tập trung vào mục đích phát triển công nghệ. Và bản thân những ngành con này đều có suất sinh lợi rất cao (lợi nhuận và tăng trưởng hàng năm của FPT đều đạt trên 30%).(Theo bản cáo bạch của Công ty FPT).

Với doanh nghiệp cà phê ở trên, vẫn là xây dựng kênh phân phối nhưng tại sao là hàng tiêu dùng mà không phải là hàng nông sản hoa quả tươi, nông sản chế biến? Trong khi khai thác và chế biến cà phê đang là thế mạnh của họ và tình hình phân phối nông sản hoa quả tươi Việt Nam hiện rất thiếu những kênh phân phối trọng yếu. Một mảng nhỏ thị trường đã vào siêu thị và các cửa hàng cung cấp nông sản tươi sống, đại đa số còn lại là những cửa hàng manh mún. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến nguồn gốc cũng như sự đảm bảo chất lượng của nông sản cùng với tính an toàn khi sử dụng chúng.

VicBrand tổng hợp từ Nhịp cầu đầu tư

Nghiên cứu hình ảnh thương hiệu trong thời kinh tế khó khăn

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế mà chúng ta đang trải qua hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải kiểm soát các khoản chi tiêu một cách chặt chẽ, và do vậy hoạt động nghiên cứu thị trường cũng thường chịu ảnh hưởng.

Tại Mỹ, chi phí dành cho nghiên cứu marketing trong năm vừa qua đã giảm xuống đáng kể, và không quá ngạc nhiên khi các báo cáo của những doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng cũng cho thấy, họ đang phải cắt giảm tới 20% ngân sách chi cho nghiên cứu thị trường.

Trong khi nhiều thương hiệu trong số đó thu hẹp dần ngân sách nghiên cứu tại các thị trường Tây Âu, thì họ lại tăng cường khoản này cho các thị trường mới nổi ở châu Á và châu Mỹ La tinh, nơi mà chi phí nghiên cứu thị trường thường ít tốn kém hơn, và những hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng tại những nền kinh tế đang phát triển có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

Một trong những lý do giải thích tại sao hoạt động nghiên cứu thị trường lại bị liệt vào danh sách cắt giảm ngân sách, đó là khi “tâm lý chững lại” bắt đầu nhen nhóm, nhiều thương hiệu hướng sự tập trung vào nhóm khách hàng chủ chốt và tạm hoãn những nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới để chờ tới khi nền kinh tế biến chuyển tốt lên.

Khoan hãy nhận định rằng, có nên trì hoãn những nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới hay không, mà hãy tính đến việc khi tình hình kinh tế xấu đi, nhóm khách hàng chủ chốt bỗng xác lập các thói quen mua sắm mới. Lúc ấy, việc tìm hiểu xem những thói quen mới đó là gì trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết đối với thương hiệu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc tìm hiểu thái độ của khách hàng về chiến lược định vị của bản thân thương hiệu cốt lõi.

Khi kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu tăng cao có thể khiến cho việc tạo nét khác biệt hóa hay phân khúc thị trường dù có mờ nhạt chung chung đi chăng nữa thì nó cũng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi kinh tế suy thoái, các quyết định cho hoạt động marketing cần phải dựa trên một trọng tâm chủ chốt, mà chỉ nghiên cứu thị trường mới có thể cung cấp được.

Quan trọng hơn cả là các thương hiệu cần phải biết rằng, liệu khách hàng của họ có quay về thói quen mua sắm trước đây khi nền kinh tế bắt đầu cất cánh trở lại, hay như nhiều người tại Mỹ vẫn hoài nghi rằng, sau thời kỳ thắt lưng buộc bụng kéo dài, liệu người tiêu dùng có tiếp nhận thói quen đối phó mới này về lâu về dài hay không.

Nếu thương hiệu buộc phải cắt giảm chi phí nghiên cứu thị trường và hơn nữa thương hiệu đó lại có mối quan hệ thường xuyên với một công ty nghiên cứu mà họ tin tưởng, thì một trong những giải pháp chính là xác định rõ ràng trọng tâm nghiên cứu và thảo luận với hãng nghiên cứu, để tìm cách thu thập được những thông tin cần thiết với mức chi phí thấp hơn.

Gần đây, khi thực hiện công việc này với một hãng nghiên cứu mà chúng tôi đã có mối quan hệ lâu năm, chúng tôi đã tìm được giải pháp sử dụng phương thức phỏng vấn chuyên sâu thay cho thảo luận nhóm tập trung, nhờ đó có thể tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể cho khách hàng của chúng tôi.

Hiện nay, có một xu hướng mới đang phát triển là sử dụng phương thức nghiên cứu trực tuyến, một phương thức khá tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nên cẩn trọng khi sử dụng phương pháp này. Đối với loại hình nghiên cứu định tính về các ý tưởng sản phẩm mới và về nhiều chủ đề khác, những nhóm người tiêu dùng đăng ký tham gia nghiên cứu trực tuyến thường tham dự với tâm lý quá nhiệt tình và do vậy ý kiến của họ chưa chắc đã đại diện cho tất cả các khách hàng.

Và luôn như thường lệ, nghiên cứu cần được sử dụng nhằm tìm hiểu, khai thác thông tin, chứ không phải là để chúng ta tuân theo một cách mù quáng. Một ví dụ điển hình là khi nhà sản xuất các thiết bị gia dụng hàng đầu của Mỹ, Whirlpool, tiến hành kiểm tra thử nghiệm về ý tưởng sản xuất máy giặt Duet tích hợp chức năng giặt/sấy với thiết kế mẫu mã rất hiện đại, thì có tới 30% số đáp viên tham gia phỏng vấn phản đối ý tưởng này.

Tỷ lệ phần trăm như vậy thôi cũng đã đủ để loại bỏ một sản phẩm mới ngay từ giai đoạn nghiên cứu và phát triển sản phẩm ban đầu. Nhưng 70% số đáp viên còn lại hoàn toàn bày tỏ sự ủng hộ và yêu thích ý tưởng này. Một số chuyên viên tại Whirlpool đã đấu tranh để vẫn tiếp tục cho tiến hành kế hoạch sản xuất này, và khi Duet được giới thiệu ra mắt, sản phẩm đã không đủ cung ứng cho nhu cầu rất lớn của thị trường.

Tóm lại, điều quan trọng là cần phải hiểu rõ nên sử dụng hoạt động nghiên cứu như thế nào. Việc xác định không nên cắt giảm nghiên cứu ở đâu cũng quan trọng không kém việc tìm hiểu xem chỗ nào có thể cắt giảm được. Khi tình hình kinh tế trì trệ kết thúc, những thương hiệu nào được định vị một cách vững chắc sẽ có lợi thế trong việc chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường.

VicBrand tổng hợp từ bài viết của Richard Moore Associates - VIR

Wednesday, June 17, 2009

Quy tắc ư? Quên đi!

Có rất nhiều học thuyết, phương pháp, quy tắc để thành công trong kinh doanh. Song nhiều doanh nghiệp ngày nay lại cho thấy rằng, quy tắc lớn nhất chính là: đừng tuân theo bất kỳ quy tắc nào!

Vốn mạnh, quản lý tốt, công nghệ cao, thị trường hot và một niềm đam mê cháy bỏng là 5 thành phần luôn được nhắc tới trong công thức làm kinh doanh. Thế nhưng, liệu chúng có đúng là những quy tắc “sống còn”, không thể không theo?

Vốn lớn

Khi hỏi về điều kiện đầu tiên để có được một công ty tăng trưởng mạnh thì vốn lớn luôn là câu trả lời phổ biến nhất. Dĩ nhiên, có rất nhiều lý do giải thích cho sự lựa chọn này. Song theo Giáo sư George Foster, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ các doanh nghiệp đang phát triển, Đại học Stanford (Mỹ) thì: “Đồng USD hiển nhiên có sức mạnh giúp doanh nghiệp tiến nhanh hơn. Nhưng khởi nghiệp ít vốn hoàn toàn có thể thành công, nếu bạn biết sáng tạo và có cách cắt giảm chi phí”.

Tháng 1.2000, Stuart Suddath, một chàng thanh niên gốc Ấn Độ ở Florida (Mỹ) đã thành lập Công ty Vận tải Tự phục vụ Movex trong căn phòng ngủ bỏ trống của bố anh. Công ty làm ăn tốt với doanh thu 2 triệu USD ngay trong năm đầu tiên.

Chi phí kinh doanh chủ yếu của Movex hầu như chỉ dành cho việc quảng cáo rộng rãi dịch vụ này trên cả nước, đầu tư nâng cấp phần mềm quản lý hoạt động của đội xe tải và trả lương cho 34 nhân viên. Đặc biệt, phần chi phí lớn nhất là đầu tư cho cơ sở vật chất thì Movex lại chẳng tốn đồng nào, nhờ một ý tưởng độc đáo: liên kết với các tài xế xe tải độc lập, thuê cả tài xế lẫn xe.

Không chỉ tiết kiệm một lượng vốn khổng lồ để đầu tư sắm cả hạm đội xe, xây dựng bãi đậu, bảo trì..., bằng cách liên kết với các tài xế xe tải, mạng lưới vận chuyển của Movex còn được mở rộng ra cả nước và luôn sẵn sàng mọi lúc mọi nơi. Từ Virginia đến California, từ Dakota đến Texas, chỉ cần một cú điện thoại là lực lượng tài xế của Movex tại địa phương sẽ ngay lập tức có mặt.

Quản lý giàu kinh nghiệm

Một đội ngũ quản lý hùng hậu, lão luyện, giỏi chuyên môn hẳn là điều mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn. Nhưng liệu bạn có nuôi nổi họ không lại là chuyện khác.

Vì vậy, qua kinh nghiệm hợp tác với nhiều doanh nghiệp, Giáo sư Foster đúc kết: sự kiên trì, tập trung cao độ và linh hoạt mới là những đức tính cần nhất ở nhà quản lý.

Ví dụ điển hình cho đội ngũ quản lý như thế là ở Round Table Group, một công ty liên kết các chuyên gia tài chính và luật sư độc lập, chuyên hỗ trợ các vụ kiện tụng, tranh chấp và tư vấn cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp. Kiên trì đến mức gan lì, cả 3 nhà sáng lập của Round Table Group đã bám trụ với công ty từ lúc ra đời năm 1994 đến nay, bất chấp những thời kỳ khó khăn, túng quẫn.

Tổng cộng chỉ có 12 nhân viên, Giám đốc Điều hành Russ Rosenzweig mới 24 tuổi, đội ngũ quản lý của Round Table Group không thể gọi là hùng hậu cũng chẳng lão luyện. Thế nhưng bắt đầu từ năm 2002, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi qua mỗi năm. Và bí quyết điều hành của anh chàng giám đốc trẻ măng Rosenzweig là tinh giản đội ngũ quản lý đến mức tối đa và chỉ tập trung vào ngành nghề của mình, không ôm đồm mọi thứ. “Làm thế nào để khi gặp gỡ khách hàng, bạn có thể mô tả về doanh nghiệp mình chỉ bằng 1 câu”, Rosenzweig kết luận.

Để cạnh tranh, phải mạnh về công nghệ

Mặc dù thời đại kinh tế kỹ thuật đã dần được thay thế bởi kinh tế chất xám, nhưng sự mê tín vào sức mạnh của công nghệ vẫn còn ăn sâu trong đầu nhiều nhà doanh nghiệp. Và họ hoàn toàn có lý. Bởi sức mạnh công nghệ mang lại cho họ lợi thế đi trước đối thủ, làm ra những sản phẩm mới toanh và khám phá những thị trường chưa ai tiếp cận.

Tuy nhiên, Karen Booth Adams, một nữ doanh nhân từ Atlanta (Mỹ) đã chứng minh điều ngược lại. Tháng 11.2000, Adams cùng một đối tác thành lập cửa hàng cung cấp vật dụng trang trí nội thất dành cho trẻ em qua mạng lấy tên là PoshTots. Đó là thời điểm mà chiếc bong bóng internet đã quá căng và có dấu hiệu nổ tung. Thế nhưng, PoshTots không những vượt qua an toàn mà còn phát triển quy mô lên 22 nhân viên với doanh thu 10 triệu USD năm 2005. Ngoại trừ kiến thức về internet của Karen, PoshTots chẳng có sức mạnh công nghệ gì so với đối thủ. Cái họ có là sự linh hoạt.

Ngay sau khi vụ nổ bong bóng xảy ra, Karen lập tức chuyển hướng. Thay vì tận dụng internet để tiếp cận đông đảo khách hàng như trước, cô chỉ nhắm vào đối tượng khách hàng cao cấp bằng cách cung cấp những sản phẩm vượt trội về chất lượng và độc đáo về mẫu mã.

Chen chân vào những thị trường hot

Không ai có thể nói rằng lý thuyết này sai. Nhưng một thị trường hot luôn đồng nghĩa với sự cạnh tranh khốc liệt, vì thế, thay vì làm kẻ đến sau trong một sân chơi quá nhiều tay sừng sỏ, tại sao không làm người tiên phong trong thị trường mới? Đó chính là điều mà Suddath đã làm khi thành lập Movex. “Trong lúc mô hình công ty vận chuyển trọn gói và công ty cho thuê xe tải để khách hàng tự lái đều đã có quá nhiều đối thủ, tôi nghĩ đến một mô hình trung gian giữa hai loại này và Movex ra đời”, Suddath kể lại.

Phải đam mê

Jeff Williams, Giám đốc Đào tạo, Công ty Tư vấn khởi nghiệp Bizstarter.com, chưa bao giờ tuân theo những quy tắc thành công như vốn lớn, quản lý giàu kinh nghiệm hay sản phẩm độc đáo, nhưng anh luôn tin rằng, niềm đam mê là không thể thiếu khi làm kinh doanh. “Bạn phải yêu sản phẩm của mình, yêu công việc bán hàng, yêu cả khách hàng để không mệt mỏi trước những kêu ca, đòi hỏi của họ”, anh nói.

Như vậy, đam mê dường như là quy luật không thể phá vỡ. Thế nhưng, cũng còn tùy bạn đam mê điều gì: sự đột phá để làm nên bước nhảy vọt hay chỉ muốn kiểm soát công ty ở mức độ hiện tại. Cần phải phân biệt giữa công ty có tiềm năng phát triển và công ty luôn sẵn sàng phát triển. Có những công ty đầy tiềm năng nhưng vẫn không phát triển được, nguyên nhân là do lãnh đạo quá chú tâm vào việc duy trì thành quả hiện tại mà không dám liều lĩnh tạo những bước đột phá.

Quy luật được tạo ra với mục đích cao nhất là tìm ra người dám... phá luật, câu nói đùa này hoàn toàn có lý, ít nhất là với những ví dụ thành công điển hình ở trên!

VicBrand tổng hợp

Những câu chuyện làm giàu của người Mỹ

Nhắc đến nước Mỹ thì mọi người nghĩ ngay đến một quốc gia giàu có với những con người tài năng. Những doanh nhân ở đất nước này có những phương thức làm ăn và kinh doanh khác nhau để đi đến thành công nhưng họ luôn có một điểm chung: khôn khéo và có tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số câu chuyện về cách kinh doanh của người Mỹ.

Câu chuyện 1: Tặng 2/3 đất cho chính phủ

Cách trung tâm thủ đô Washington 300 km về phía đông có một khu đất trống khá đẹp. Tuy nhiên, vì khu đất này nằm trong vùng khí hậu quanh năm khô hạn, đất đai không được màu mỡ, hơn nữa lại cách khá xa trung tâm nên dù đã được rao bán khá lâu nhưng vẫn không có người đến mua.

Sau một khoảng thời gian, khu đất đã được bán rẻ cho một thương gia khá nổi tiếng ở khu vực. Mọi người đều thắc mắc không hiểu người chủ mới này mua đất với mục đích gì, và khi nghe ông giải thích sẽ hiến tặng 2/3 đất cho chính quyền địa phương thì ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Tuy nhiên, vì là một người có tâm huyết với ngành giáo dục nên người hiến tặng yêu cầu chính quyền phải xây một trường đại học ngay tại mảnh đất rộng lớn đó. Vì yêu cầu của vị thương gia này rất hợp với nhu cầu muốn mở thêm trường đại học ở địa phương nên ý kiến của ông được chấp thuận.

Thế rồi, không bao lâu sau, một ngôi trường đại học hiện đại được xây dựng trên chính mảnh đất của ông thương gia. Tận dụng cơ hội này, trên 1/3 mảnh đất còn lại thương gia nọ cho xây dựng một khu liên hợp bao gồm : nhà ăn, quán bar, rạp chiếu phim, siêu thị, cửa hàng thời trang….để phục vụ nhu cầu của sinh viên trong trường. Cũng không lâu sau, vì làm ăn có lãi nên vị thương gia đó đã kiếm được lợi nhuận bằng số tiền bỏ ra để mua mảnh đất. Hơn thế nữa, càng về sau khi số lượng sinh viên càng đông thì việc làm ăn của ông diễn ra hết sức thuận lợi. Lúc này mọi người mới kháo nhau rằng: “Hóa ra việc hiến tặng đất đã cho ông ta nhiều lợi ích hơn là bỏ hoang mảnh đất đó”.

Câu chuyện 2: Mua vé tặng lạc

Năm 15 tuổi, một doanh nhân rất nổi tiếng của Mỹ sau này đã phải làm thêm tại một trường đua ngựa chuyên nghiệp. Công việc của cậu khi đó là bán những đồ ăn lặt vặt và nước uống cho những người tham gia và đến sân để xem đua ngựa. Tuy nhiên, vì chỉ là trường đua nhỏ nên lượng khán giả vào xem cũng hạn chế. Và đương nhiên, việc buôn bán của cậu bé khi đó cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.

Không để cho tình trạng này kéo dài, cậu bé đã đề nghị với ông chủ trường đua nên mở đợt khuyến mãi với khách hàng mua vé vào xem đua ngựa. Cách thức cậu đưa ra là sẽ tặng 1 túi lạc cho mỗi khách hàng khi mua vé. Tuy nhiên, sau khi tính toán một hồi, ông chủ đã không đồng ý với ý kiến của cậu vì cho rằng như thế ông sẽ phải chi một khoản khá lớn nữa. Nhưng cậu bé vẫn không bỏ cuộc tại đây. Sau khi thuyết phục ông chủ để cậu chịu mọi chi phí nhưng nếu số lượng khách hàng tăng cao thì ông chủ phải chia đôi tiền số khách tăng đột biến cho cậu, và ông chủ đồng ý.

Cậu bé đã tự bỏ tiền túi của mình để mua lạc về rang và cho vào các túi ni lông nhỏ. Sau đó cậu làm biển quảng cáo ngay trước trường đua: “Mua một vé tặng một túi lạc” với hy vọng lượng khách sẽ kéo đến đông hơn. Đúng như tiên đoán ban đầu, người vào xem môn thể thao này đều cầm một túi lạc để nhấm nháp. Sau khi ăn lạc, chắc chắn họ có nhu cầu uống nước, và thế là cậu bé kia vừa nhận được ½ số tiền do lượng khách tăng đột biến, vừa có thêm thu nhập bằng cách bán nước. Lần này thu nhập của cậu tăng từ 8 đến 10 lần so với trước đây.

Chỉ với một tư duy bán hàng thông minh như vậy, cậu bé 15 tuổi khi đó đã có tư chất tiềm tàng của một nhà kinh doanh lớn và thời gian đã chứng minh điều này là hoàn toàn đúng đắn.

Câu chuyện thứ 3: Tổng thống và sách

Có một nhà xuất bản tồn đọng một lượng lớn đầu sách không bán được. Sau một hồi tính toán và suy nghĩ, giám đốc nhà xuất bản đã quyết định gửi tặng ngài tổng thống một quyển sách với ghi chú: “Mong Ngài đọc và cho ý kiến về nội dung của cuốn sách”. Đương nhiên, với người có cương vị là tổng thống thì có rất nhiều việc phải làm, ông cũng không có nhiều thời gian để xem qua quyển sách đã được tặng đó. Nhưng vì nhà xuất bản cứ thúc giục cho ý kiến nên tổng thống đành phải nói lấy lòng: “Tôi thấy quyển sách này cũng khá hay”. Chớp lấy thời cơ này, trên các mục và chương trình quảng cáo cho cuốn sách, nhà xuất bản đều nhấn mạnh vào dòng chữ: “Quyển sách này đến tổng thống còn khen hay”. Lập tức sau một thời gian ngắn, không những lượng sách tồn được bán hết mà nhà xuất bản còn phải tái bản thêm 2 lần nữa.

Rồi cũng chính tại nhà xuất bản này khi lựơng sách bán ra của một đầu sách cũng không được khả quan. Cũng như lần bán hàng trước, lần này nhà xuất bản lại gửi tặng tổng thống với hy vọng nhận được phản hồi từ tổng thống. Rút kinh nghiệm, sau khi đựợc tặng, mặc dù cũng chưa hề đọc qua nhưng tổng thống vẫn nói: “Nội dung quyển sách này rất tệ”. Tưởng chừng lời nói của tổng thống sẽ làm nhà xuất bản nản lòng, nhưng ông giám đốc đã cho in bên ngoài cuốn sách dòng chữ: “Quyển sách này đến tổng thống cũng còn chê”. Và dòng chữ này đã kích thích sự tò mò của độc giả, chẳng bao lâu sau lượng sách bị tồn kho cũng được bán hết.

Rồi đến lần thứ 3 khi một đầu sách lại bán ra chậm, nhà xuất bản lại tiếp tục gửi tặng tổng thống. Để rút kinh nghiệm hai lần trước, lần này tổng thống nhất quyết không có ý kiến gì. Tưởng chừng như thế thì nhà sách sẽ không có bất cứ lý do gì để mượn câu nói của tổng thống viết lên sách của mình, nhưng mọi người lại nhầm. Lần này, trên bìa quyển sách ghi một dòng chữ khá lớn: “Đến tổng thống còn khó kết luận về độ hút khách của cuốn sách này”. Và đương nhiên, số lượng sách bán ra không phải là con số nhỏ.

VicBrand tổng hợp từ DanOng

Tuesday, June 16, 2009

Nguyên tắc "less is more" của thương hiệu cao cấp

Một trong những đặc tính của con người là đố kỵ. Chúng ta cảm thấy ghen tỵ với thành công của người khác, bởi vì bản thân ta cũng muốn đạt được những thành công đó. Nhà văn kiêm nhà bình luận chính trị người Mỹ Gore Vidal đã từng viết:“Mỗi khi bạn bè thành công thì dường như một phần trong con người tôi đang chết đi”.

Vậy thương hiệu có liên quan gì đến tâm lý của con người, khi chúng ta đều khao khát giành được sự chú ý và lòng ngưỡng mộ của đám đông? Có lẽ chính những thương hiệu đỉnh cao là một trong những phương tiện có thể giúp mọi người thỏa mãn mong muốn này.

Những thương hiệu cao cấp (Very Important Brands- VIB) hướng đến việc tách biệt khách hàng của mình ra khỏi đám đông thông qua những biểu hiện về sự giàu có và địa vị. Nếu trước kia, những món ăn trong bữa tối có thể nói lên nhiều điều về bạn, thì ngày nay, khái niệm “con người bạn thể hiện qua những món hàng bạn mua” đã vào thay thế.

Trong thời đại của quảng cáo, của xã hội tiêu dùng ngày nay, những gì bạn sở hữu sẽ nói lên đẳng cấp của bạn. Nếu một người đi xe hiệu BMW đời 7, sử dụng phục trang của hãng Louis Vuitton, đeo đồng hồ Thụy Sỹ có mác Rolex, thì dù cố tình hay vô ý họ cũng tự tách biệt mình ra khỏi đa số những người đi xe bình dân, mặc quần áo được sản xuất đại trà và xem giờ bằng những chiếc đồng hồ “không tên tuổi”.

Tuy không ai trong chúng ta muốn công khai thừa nhận, nhưng chúng ta đều rất khát khao được cảm thấy mình đứng cao hơn người khác. Những chuyên gia quảng cáo là người hiểu được điều này một cách thấu đáo nhất. Các thương hiệu được gán cho những từ như “sang trọng”, “quý phái”, “cao cấp” nhằm làm cho con người cảm thấy thỏa mãn hơn một chút về quyết định của họ khi bỏ tiền ra mua món hàng. Bằng cách đó, uy tín thương hiệu đã thoả mãn mong muốn của con người một cách tinh tế.

Chúng không cạnh tranh bằng giá cả hay tiện ích, mà tác động vào tâm thức và cảm nhận của người tiêu dùng. Hẳn bạn cũng nhận thấy rằng thương hiệu VIB đang bán cho người tiêu dùng một giá trị xa xỉ nhưng vô hình. Thực ra, xe hơi BMW7 cũng chỉ mang lại những tiện nghi mà Volkswagen có, trong khi giá cả của dòng xe hạng doanh nhân kia lại đắt hơn gấp 3 lần. Các thương hiệu thời trang cao cấp cũng là một ví dụ điển hình cho nhận định trên, bởi hầu như chưa bao giờ người ta mua chiếc áo hiệu Chanel chỉ vì giá trị sử dụng thực sự của nó.

Trong cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề The Blank Slate của mình, nhà tâm lý học Steven Pinker đã liên hệ ý thức về địa vị của con người với ý nghĩa hành vi của các loài vật, chẳng hạn như loài chim công. Ông viết: “Chỉ có những con công trống cường tráng nhất mới sở hữu bộ lông kềnh càng và đẹp mắt.

Công mái sẽ chú ý vào mức độ sặc sỡ cũng như độ lớn chiếc đuôi của những anh chàng công trống để chọn ra kẻ xứng đáng nhất cho nó”. Tương tự như thế, con người dùng các thương hiệu tiếng tăm để trang trí cho “cái đuôi” rực rỡ của mình và dường như mức độ xa xỉ của các món đồ trang sức ấy luôn tỷ lệ thuận với sự sành điệu và giàu sang của chủ nhân.

Để có thể thu lợi nhuận nhiều hơn, các công ty phải tìm cách gia tăng doanh số và tìm kiếm thêm nhiều đối tượng khách hàng mới. Lúc này, các thương hiệu VIB sẽ phải đối mặt với một thách thức khác: thị trường càng được mở rộng, càng có thêm nhiều khách hàng thì lợi nhuận càng có nguy cơ sụt giảm và thương hiệu … mất giá.

Vì sao vậy? Nguyên nhân ở chỗ nếu có quá nhiều người mua các sản phẩm sang trọng đó thì sẽ dẫn đến việc một lúc nào đó, nó sẽ trở thành thương hiệu đại chúng chứ không còn là thương hiệu VIB nữa và những khách hàng này cũng sẽ không tiếp tục mua. Bạn hãy thử tưởng tượng, khi mọi người đều đeo kính hiệu Gucci, dùng túi xách Christian Dior, mặc trang phục của Dolce & Gabbana hết thảy thì liệu những thương hiệu này có còn “làm mưa làm gió” được nhờ tính chất độc đáo, khác biệt của nó nữa không?

Như vậy, các thương hiệu VIB phải làm mọi cách để luôn giữ được đẳng cấp sang trọng của mình, đồng thời vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, có thương hiệu đã chấp nhận tự “hạ bậc” để sản phẩm của họ có được nhiều khách hàng hơn. Ví dụ hãng Mercedes-Benz đã chơi trò mạo hiểm này khi tung ra những mẫu xe giá rẻ hạng C, E với mục đích vươn tới thị trường bình dân rộng lớn.

Bên cạnh đó, các thương hiệu vẫn có thể áp dụng chiến thuật kép là đi 2 thế cờ cùng lúc. Chẳng hạn như trường hợp của Gucci. Hãng này luôn tuân thủ đúng quy luật chủ đạo của các thương hiệu hạng sang: giới hạn số lượng sản phẩm được cung cấp trên thị trường. Nước hoa mang nhãn hiệu Gucci có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi và những nguời có thu nhập trung bình cũng có thể mua được sản phẩm của hãng này.

Thế nhưng đặc biệt đối với quần áo và các phụ kiện mang nhãn mác của nó thì Gucci vẫn chỉ giới hạn cung cấp cho một số ít nhà phân phối và rất khắt khe trong việc chọn lựa các cửa hàng phân phối thời trang cao cấp.

Những nhãn hiệu biết phát huy thế mạnh của chiến lược “càng hiếm càng đắt” (less is more) phải kể đến Harley Davidson.

Harley Davidson có thể chưa được công nhận là thương hiệu sang trọng, song nó là một biểu tượng của sự chuẩn mực và chất lượng, có một địa vị nhất định trong nhận thức của người tiêu dùng. Điều này có được là nhờ Harley Davidson đã biết điều tiết lượng hàng bán ra sao cho người ta có cảm giác rằng không phải dễ dàng để mua được sản phẩm mang nhãn mác của nó.

Một thương hiệu muốn tạo cho người tiêu dùng cảm giác ước ao được sở hữu thì lượng cầu của nó bao giờ cũng phải lớn hơn cung. Thương hiệu được đánh giá là bậc thầy trong việc tạo nhu cầu đó chính là Rolex.

Người ta mang chiếc đồng hồ hiệu Rolex không phải vì nó báo giờ chính xác hơn các loại đồng hồ khác, mà là để khẳng định đẳng cấp và chứng minh sự giàu có của mình, bởi vì nếu so với đồng hồ Porsche, thì chất lượng 2 loại là tương đương.

Các cửa hàng bán lẻ đồng hồ Rolex có mặt khắp nơi trên thế giới, nhưng rồi công ty này đã quyết định cắt giảm số lượng các đại lý phân phối của họ chỉ trong vòng vài năm. Không giống như phần lớn các công ty khác luôn tìm cách mở rộng mạng lưới phân phối, Rolex đã chọn cho mình một lối đi riêng. Kết quả, chỉ còn lại một số rất ít các nhà bán lẻ được Rolex “chọn mặt gửi …đồng hồ” và cho phép phân phối loại hàng này. Nhu cầu mua đồng hồ Rolex ngay sau đó đã tăng vọt làm cho hình tượng và địa vị của thương hiệu Rolex càng vững chắc hơn.

Louis Vuitton là một ngoại lệ đã phá vỡ quy luật “càng hiếm càng đắt” của các nhãn hiệu cao cấp. Dù được sản xuất với số lượng lớn ở các nhà máy của mình trên toàn thế giới, Louis Vuitton vẫn giữ được nét quyến rũ của một nhãn hiệu đáng để người tiêu dùng phải thèm muốn. Đâu là bí mật của hãng này? Câu trả lời là khả năng kiểm soát sản phẩm.

Louis Vuitton tự tiến hành tất cả các phân đoạn của quá trình làm ra sản phẩm, từ khâu thiết kế đến phân phối. Việc này không những giữ cho chất lượng luôn ổn định, mà còn đảm bảo thu được lợi nhuận nhiều hơn đối thủ cạnh tranh khoảng 45%. Khả năng tự kiểm soát đó cho phép Louis Vuitton đạt được vị trí mà nó mong muốn, giữ được uy tín của một thương hiệu xa xỉ trong tâm trí người tiêu dùng.

Nguyên tắc “càng hiếm càng đắt”, “thị trường càng rộng lớn thì lợi nhuận càng có nguy cơ sụt giảm” đối với các thương hiệu VIB xem ra vẫn có thể bị vô hiệu hóa bằng những thủ thuật khéo léo nhất trong hoạt động xây dựng thương hiệu. Nếu trong tâm trí của khách hàng, thương hiệu của bạn là “số 1” thì bạn hoàn toàn có thể bán sản phẩm của mình với giá cao, thậm chí cao hơn gấp nhiều lần sản phẩm của những thương hiệu khác cùng chủng loại, ví dụ như gói đồ ăn Happy Meal của McDonald’s. Bạn thấy đấy, tất cả chỉ là vấn đề nhận thức mà thôi.

VicBrand tổng hợp

Monday, June 15, 2009

Bí quyết nói trước công chúng

Bảy nguyên tắc cơ bản không thể bỏ qua nếu muốn thành công khi nói trước công chúng. Nhìn thấy người này diễn thuyết một cách tự tin, người kia trả lời câu hỏi của các nhà báo một cách lưu loát trên truyền hình, chắc hẳn có lúc bạn đã tự hỏi họ có năng khiếu bẩm sinh hay phải luyện tập để làm được như vậy?

Câu trả lời của Richard Zeoli, một chuyên gia trong lĩnh vực này, là: “Năng khiếu, nếu có chỉ là một phần, tất cả đều do khổ luyện mà thành!”.


Trong một bài viết mới đây đăng trên trang web của Forbes, Richard Zeoli đã chỉ ra bảy nguyên tắc cơ bản cần phải tuân thủ nếu muốn thành công khi nói trước công chúng.

Nguyên tắc thứ nhất: Đừng cố gắng trở thành nhà diễn thuyết đại tài

Trong giao tiếp hàng ngày bạn thường nói năng thoải mái, nhẹ nhàng, nhưng khi nói trước đám đông, hình như mọi chuyện trở thành ngược lại. Quá chú ý đến công chúng sẽ làm hại đến khả năng diễn thuyết. Để trở thành một diễn giả thu hút thì hãy chú ý đến những điều bạn nói. Dù cử tọa của bạn là vài ba người hay cả ngàn người, dù bạn đang nói về công việc của mình hay về một bước đột phá trong y khoa thì hãy luôn là chính mình, và thiết lập sự kết nối với cử tọa. Hãy nhớ cử tọa chỉ muốn nghe người nào nói chuyện nhẹ nhàng, cuốn hút. Thế thôi.

Nguyên tắc thứ hai: Đừng cố gắng trở nên hoàn hảo

Khi bạn mắc lỗi, đừng lo lắng vì chẳng ai để ý nhiều đến việc đó, ngoại trừ bạn.

Ngay cả đến những nhà hùng biện tài danh cũng sẽ mắc lỗi. Sự chú ý của con người thường bị phân tán. Trên thực tế, người ta chỉ thực sự nghe khoảng 20% những gì diễn giả nói, còn lại 80% họ tiếp thu qua hình ảnh. Khi bạn mắc lỗi, hiếm khi cử tọa để ý đến việc đó, vì vậy điều quan trọng bạn có thể làm là cứ tiếp tục. Đừng ngừng lại, và đừng xin lỗi, chỉ trừ khi đó là một lỗi quá nghiêm trọng.

Hãy nhớ, ai cũng có thể mắc lỗi. Đó là một phần của con người, và chính phần con người này làm cho chúng ta kết nối được với cử tọa, giúp ta trở thành những nhà hùng biện.

Cử tọa không muốn nghe ở một người quá hoàn hảo, họ chỉ muốn nghe một diễn giả đời thường.

Nguyên tắc thứ ba: Hãy hình dung mình đang diễn thuyết

Bạn có biết là những người thành công rực rỡ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đều phải sử dụng đến sức mạnh của việc tưởng tượng. Các nhân viên bán hàng hình dung ra việc mình ký được hợp đồng, các nhà quản lý hình dung ra viễn cảnh phát triển những dự án đầu tư mới, các vận động viên nhắm mắt lại và hình dung ra cảnh họ đã về đích... Trong nghệ thuật nói trước đám đông, cách tốt nhất để chống lại sự lo lắng và trở nên thư thái là hãy tưởng tượng trong đầu về buổi nói chuyện của mình.

Nếu bạn có đề tài phải trình bày trước nhiều người, hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để hình dung việc mình đang làm, hình dung càng chi tiết càng tốt. Hãy hình dung bạn đang ở trên diễn đàn với cảm giác thư thái và dễ chịu, diễn đạt tốt và kết nối được với cử tọa. Nếu bạn thực hành điều này mỗi ngày, thì đến lúc trình bày trước đám đông, trí óc của bạn sẽ trở nên quen thuộc với tình huống đó. Bạn sẽ không còn cảm giác lo lắng, sợ hãi, thay vào đó là sự thư thái và tự tin hơn nhiều trước cử tọa.

Nguyên tắc thứ tư: Giữ kỷ luật

Mục tiêu của chúng ta không phải là trở thành một diễn giả hoàn hảo, bởi vì không có một diễn giả như vậy, chúng ta chỉ có thể trở thành một diễn giả thuyết phục. Và diễn thuyết cũng cần phải thực tập. Giao tiếp là chuyện đương nhiên, bởi chúng ta sống để nói với người khác. Nhưng khi vốn liếng, thế mạnh của mình được gắn trực tiếp với việc chúng ta có thuyết phục được đám đông hay không, chúng ta cần phải chú ý đến công việc này một cách nghiêm túc.

Cách thực hành tốt nhất là trình bày bài diễn văn một cách thoải mái tại nhà hay trong văn phòng của mình.Càng thực hành nhiều, bạn sẽ càng sẵn sàng, điều đó dẫn đến sự tự tin. Nếu bạn có bài diễn văn phải trình bày trong một tuần lễ nữa, hãy thực tập nó mỗi ngày. Đọc lớn lên ngay khi bạn thức dậy mỗi buổi sáng, ít nhất một lần vào buổi trưa và hai lần trước khi đi ngủ. Thực hành đều đặn như thế, đến khi chính thức thực hiện, bạn sẽ cảm thấy được chuẩn bị sẵn sàng vì đã biết rõ tất cả.

Cùng với nguyên tắc thứ ba ở trên, đây là cách tốt nhất để vượt qua sự lo lắng và có được sự tự tin trước cử tọa.

Nguyên tắc thứ năm: Hãy làm cho câu chuyện trở nên gần gũi

Đối với bất kỳ đề tài nào, cử tọa chỉ phản hồi tốt nhất khi diễn giả làm cho sự giao tiếp có tính gắn bó với con người. Hãy sử dụng mọi cơ hội để biến thông tin trở nên gần gũi với người nghe. Người ta thích nghe về những người khác, những bi kịch, những chiến thắng, những câu chuyện vui xảy ra hàng ngày trong chính cuộc sống của họ… Bất kỳ lúc nào có thể, bạn hãy đem chính mình vào bài diễn thuyết. Điều này không chỉ giúp cử tọa gần gũi với bạn hơn mà còn giúp bạn nói năng tự nhiên trước đám đông. Còn gì quen thuộc hơn là chủ đề về chính bản thân bạn?

Nguyên tắc thứ sáu: Cảm nhận được người nghe

Nói về bạn, nhưng trọng tâm không phải về cá nhân bạn mà về cử tọa. Bởi mục tiêu chính của một bài diễn thuyết không phải là làm lợi cho diễn giả mà là phục vụ cử tọa. Vì thế trong tất cả các giai đoạn chuẩn bị, và trình bày, bạn hãy luôn nghĩ bằng cách nào bạn có thể giúp cử tọa đạt được những gì họ mong muốn từ diễn giả. Khi thực hiện điều này, vai trò diễn giả của bạn sẽ trở thành vai trò thỏa mãn yêu cầu của cử tọa, điều này chắc chắn sẽ làm giảm bớt sự e dè trong việc diễn thuyết trước đám đông.

Nguyên tắc thứ bảy: Làm cho cử tọa mong đợi nhiều hơn

Một trong những bài học giá trị nhất trong nghệ thuật diễn thuyết trước đám đông là “ít hơn lại có nghĩa là nhiều hơn”. Hiếm khi chúng ta rời khỏi một buổi diễn thuyết và nghe người ta nói rằng: “Tôi mong rằng diễn giả đó nói dài hơn!”. Ngược lại, không biết bao nhiêu lần chúng ta nghe mãi câu: “Thật là mừng vì bài diễn thuyết đã kết thúc!”.

Hãy làm cho cử tọa ngạc nhiên. Luôn luôn làm cho phần trình bày của mình ngắn hơn một chút so với những gì mà cử tọa nghĩ. Nếu bạn tuân thủ sáu nguyên tắc trên, thì bạn đã chiếm được sự chú ý và sự quan tâm của cử tọa. Vì thế cách tốt nhất là làm cho cử tọa trông đợi bạn tiếp tục thêm vài phút nữa hơn là khiến họ ngọ nguậy trong ghế để đợi bạn kết thúc bài diễn thuyết.

VicBrand tổng hợp từ The Saigon Times
- Forbes

Sunday, June 14, 2009

Bạn có muốn trở thành một CEO?

Bạn có hay không những tố chất của một nhà lãnh đạo tiềm năng, một CEO chuyên nghiệp? Bạn có thể đạt đến vị trí đáng ngưỡng mộ này nếu biết cách áp dụng các bí quyết của chúng tôi.


Nếu muốn trở thành một CEO (giám đốc điều hành), hãy chắc chắn rằng bạn đang theo đuổi vị trí trong một công ty mà ở đó bạn sẽ có được hạnh phúc, là nơi mà bạn tin tưởng bạn có thể đạt được những thành tích tuyệt vời.

Tự học và trở thành một CEO

Nếu bạn muốn trở thành một CEO, hãy bắt đầu bằng việc học hỏi về tất cả mọi mặt của công ty nơi bạn làm việc, cho dù có những lĩnh vực không hề liên quan đến bạn.

Cần tìm hiểu thực tế những gì mà một CEO làm hàng ngày. Hãy tưởng tượng một nhạc trưởng trong giàn nhạc giao hưởng, người này không chơi bất cứ một thứ nhạc cụ riêng nào nhưng từ một khoảng cách, một vị trí nhất định, anh ta đưa ra yêu cầu cho mỗi một thành viên của dàn nhạc mặc dù họ chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Anh ta không cần phải trở thành một người chơi vĩ cầm có khiếu và trên thực tế không bao giờ cần như vậy để làm nên một bản nhạc vĩ đại. Một CEO cũng tương tự, anh ta không cần hàng đống kinh nghiệm trong việc viết mã code để đưa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IT của mình đạt đến thành công nhưng anh ta dứt khoát phải có một sự hiểu biết chắc chắn về các chức năng của nó như thế nào.

Học hỏi từ những người khác

Quá trình trở thành CEO là một chặng đường dài phấn đấu vì một mục tiêu chính đáng, vị trí này đòi hỏi một tập hợp ấn tượng các kỹ năng mà một phần xuất phát từ các kinh nghiệm bạn đúc kết được. Tuy nhiên, điều này không làm giảm giá trị của nguồn “tài nguyên” sẵn có để thúc đẩy nhanh hơn quá trình này. Tiểu sử và những cuốn tự truyện của những nhà lãnh đạo thành công có nhan nhản khắp nơi, không quan trọng đó là Lee Iacocca, người vực dậy tập đoàn xe hơi Chrysler từ những năm 1980 hay Hannibal, một trong những vị tướng và nhà chiến thuật tài ba nhất trong lịch sử quân sự thế giới, người được mệnh danh là “cha đẻ của chiến thuật” nổi tiếng với đội quân voi chiến từng đánh bại thành Rome trong năm 218 trước công nguyên, tất cả đều cho thấy sự nghiệp mỗi một người như một tấm gương lãnh đạo truyền cảm cung cấp cho bạn một vài điều mà bạn có thể mang theo trên con đường đi đến thành công của riêng bạn.

Xông xáo tìm kiếm các cơ hội thăng tiến và phát triển

Trong khi điều này có vẻ là hiển nhiên, thì nhiều khi nó vẫn bị hiểu sai đó là tham vọng mù quáng. Để phấn đấu thăng tiến và nâng cao vị trí của mình, hễ khi nào có cơ hội hiếm hoi, bạn nên nhận thức rõ tham vọng của mình. Bạn không muốn bộc lộ một cách thái quá sự ích kỷ của bản thân và nỗ lực không ngừng. Những gì bạn muốn làm là đạt được nhiều thành tích góp phần đưa công ty của bạn phát triển hơn để củng cố và nâng cao vị trí mà bạn đang có. Profile của bạn sẽ được nâng tầm tương xứng với những đóng góp mà bạn làm được, đó không phải là tham vọng cá nhân của bạn.

Tập trung đạt được hiệu quả công việc

Lãnh đạo tuyệt vời là phải xác định rõ trách nhiệm của mình, cần trông đợi bất cứ việc gì đã được chỉ định thuộc trách nhiệm của bạn sẽ phải đạt đến thành công, và nếu không làm được, danh tiếng của bạn sẽ trở nên rất mỏng manh. Nếu bạn không đóng vai trò quan trọng thì bạn vẫn có thể làm việc tại những công ty lớn hơn, đừng ỷ vào những thành tích mà bộ phận bạn quản lý từng có được trong việc cố gắng đạt đến cấp độ C. Bạn sẽ bị phán xét đầu tiên và trên hết bới chính các kết quả đó vì bản thân chúng đã phản ánh trình độ chuyên nghiệp của bạn.

Tìm kiếm một cố vấn dày dạn kinh nghiệm cho mình

Giá trị của việc cố vấn không thể bị phóng đại, và những cố vấn phải thực sự dạn dày kinh nghiệm tại vị trí điều hành quản lý. Hãy tìm kiếm một cố vấn trong phạm vi công ty của bạn, người thường đưa ra các quyết định nhưng không phải là người mà bạn trực tiếp báo cáo công việc hàng ngày. Một vài công ty sử dụng chương trình “cố vấn tiềm năng cao cấp” nhằm nâng cao sự nghiệp của một vài nhân viên có tố chất trở thành những người lãnh đạo tuyệt vời. Nếu công ty của bạn không sử dụng những chương trình phát triển kiểu này, hãy là người đề xuất việc áp dụng nó, lời yêu cầu này sẽ giúp bạn có tên trong danh sách những người được chọn.

Lời kết

Đường lối lãnh đạo ngạo mạn ở thị trường chứng khoán phố Wall đã góp phần đẩy nền kinh tế vào chỗ khủng hoảng nhưng nó cũng đánh dấu một kỷ nguyên mới trong việc giải trình trách nhiệm. Việc nới lỏng là một phần để đạt đến cấp độ cao nhất và cho thấy nhiều hơn những người xứng đáng gánh vác lấy trách nhiệm nhưng cũng có những người không còn cách nào khác phải nhận lấy cơ hội này.

VicBrand tổng hợp