Saturday, October 04, 2008

CEO làm việc ở khắp nơi

Giới chủ doanh nghiệp, CEO có thể chẳng phải nghĩ đến việc chi trả cho một hóa đơn tiền điện hoặc cân nhắc mỗi khi chi tiêu. Thế nhưng để sự nghiệp thành công và tiền đẻ ra tiền họ luôn phải nghĩ cách. Họ làm việc ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đang ở trên máy bay.

Nếu ai nói rằng người giàu nghĩa là không phải lo nghĩ về vấn đề tiền nong? Bạn đã lầm. Họ rất quan tâm đến vấn đề này nhưng trên những phương diện khác. Phải quản lý số tài sản lớn bao gồm cả động sản và bất động sản ở nhiều khu vực địa lý khác nhau có thể là một nhiệm vụ tốn thời gian, bên cạnh việc điều hành công việc kinh doanh của công ty đã giúp tạo ra số của cải đó. Lời khuyên của những người giàu có là: Hãy làm việc mọi lúc, mọi nơi nếu có thể. Nếu bạn đi trên máy bay thì đừng đọc sách, nghe nhạc mà hãy tranh thủ làm việc.

Đi máy bay quả không dễ chịu chút nào, ở đó đông đúc, gián đoạn và vội vã. Tuy nhiên, trên máy bay sẽ không có ai gọi điện thoại làm phiền bạn. Hãy lên kế hoạch cho công việc theo thời gian bay. Hãy làm một công việc dễ quản lý. Mang theo một cái dập ghim, một phong bì lớn dán sẵn tem để gửi kết quả công việc về văn phòng. Mang theo vài chiếc phong bì và tem để sắp xếp các ghi chú viết tay tiếp theo. Trên mỗi chuyến đi, hãy đề ra một mục tiêu công việc cụ thể.

Hãy kiếm một cuốn sổ địa chỉ tiện lợi hoặc một chiếc máy tính xách tay. Ngay từ ngày đầu tiên đi làm, hãy lưu giữ tập hồ sơ về tất cả những người mà bạn gặp hay làm việc cùng và tiến hành tìm hiểu. Hãy đảm bảo ghi chú vào cuốn sổ những gì họ làm: thành viên mới của ban quản lý, quản trị thương hiệu, người cung cấp dịch vụ in ấn, người làm nghề viết tự do. Hãy dùng bút chì để ghi chép vì mọi người thường xuyên thay đổi công việc và số điện thoại.

Cứ sáu tháng một lần, hãy gửi một lá thư ngắn cho những người mà bạn không thường xuyên gặp: bạn học, đồng nghiệp cũ... Luôn xin danh thiếp của mọi người, và chắc chắn họ cũng sẽ xin danh thiếp của bạn. Giờ đây, bạn đã có hồ sơ của họ. Lưu giữ một bản sao “hồ sơ cá nhân” ở nơi an toàn. Hãy sử dụng hồ sơ này trong suốt sự nghiệp của bạn. Thực hiện hành động “liên kết con người” đơn giản này. Sẽ không có người nào thực hiện theo cách hoàn toàn tương tự như vậy. Hãy đầu tư vào con người.

Đừng quên những bức thư viết bằng tay: Phương tiện liên lạc đại chúng đang tràn ngập thư fax, thư điện tử, thư rác, thư thoại, các loại máy nhắn tin, PIN, ATM, các cuộc gọi báo thức số hóa, thiệp chúc mừng in sẵn… Thế nhưng các lá thư viết tay thường gây ấn tượng. Chúng là loại digitalis cho thế giới kỹ thuật số. Chúng sẽ làm bạn nổi bật, chứng tỏ bạn là một người có phong cách và phẩm chất. Chúng mang tính cá nhân, lịch lãm và không bao giờ mất phong cách.

Có vô số dịp để gửi một bức thư tay: thư cảm ơn, thư ca ngợi, thư chúc mừng, thư chia buồn... cho thông tin của bạn, suy nghĩ mà bạn muốn biết, sự hiện diện của bạn thật tuyệt vời, món ra-gu của bạn tuyệt nhất thế giới.

Đến một cửa hàng văn phòng phẩm tốt. Đặt mua một hộp thiếp và phong bì đặc biệt... có tên của bạn đó. Giữ chiếc hộp trong ngăn bàn và mang theo một ít trong cặp. Gửi một bức thư tay mỗi tuần để bắt đầu.

Đừng suồng sã với cấp trên: Bạn và cấp trên của bạn là những người cùng cộng tác kinh doanh chứ không phải bạn bè. Cần phải có một ranh giới nhất định giữa bạn và họ. Đừng vượt qua ranh giới đó và trở nên suồng sã. Bạn cũng đừng để cấp trên vượt qua nó. Rất nhiều người nghĩ rằng trở thành bạn bè với nhà quản trị cấp cao là thông minh, và họ cố thực hiện bằng được. Họ sắp đặt các cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội mời cấp trên đến dự các buổi tiệc, gia nhập các câu lạc bộ quốc gia... Điều này không phải là nền tảng cho một sự nghiệp thành công. Nó là một hành động thay thế cho tài năng. Và nó lộ liễu.

Tìm hiểu thật kỹ cấp trên của bạn và cấp trên của họ. Nắm được các vấn đền nan giải, kế hoạch, tính cách, phong cách riêng, điểm mạnh, điểm yếu và tất cả các vấn đề khác của họ. Luôn sẵn sàng giúp đỡ họ, cả trong công việc lẫn những vấn đề riêng tư. Nhưng hãy dừng lại trước ranh giới bạn bè. Bạn có thể trở thành bạn bè của họ khi bạn làm việc trong một công ty khác. Làm điều tương tự với cấp dưới của bạn.

Đừng quên đến thư viện mỗi tháng một ngày: Rời văn phòng làm việc và dành mỗi tháng một ngày, hoặc cứ ba tuần một lần, đến thư viện công cộng hay thư viện của các trường đại học. Hãy mượn một chiếc bàn làm việc lớn và tổ chức tất cả các dự án “phải làm” của bạn; rút bớt những thứ tiểu tiết, hoàn thành dứt điểm các administrivia (giấy tờ, báo cáo), chia các dự án lớn thành những công việc nhỏ, dễ xử lý, cập nhật hồ sơ nhân sự, thiết lập cuốn sách ý tưởng, viết tất cả các bản ghi nhớ tiếp theo, thư gửi khách hàng và thư cảm ơn.

Một ngày làm việc hiệu quả, không bị gián đoạn trong một thư viện yên tĩnh sẽ cho phép bạn hoàn thành công việc nhiều hơn gấp mười lần so với khi bạn làm việc tại văn phòng trong cùng một khoảng thời gian. Cảm giác hoàn thành nhiều công việc sẽ khuyến khích bạn, cho bạn cảm giác dẫn đầu, có khả năng kiểm soát và thúc đẩy bạn làm việc chăm chỉ với những trách nhiệm thông thường của mình.

(Trích cuốn "Để trở thành CEO xuất sắc" do Công ty Alpha Books phát hành)

Băn khoăn với “Thương hiệu quốc gia”

Tại buổi tọa đàm "Thương hiệu sản phẩm và thương hiệu quốc gia" vào sáng 3-10 tại TPHCM, một số doanh nghiệp mặc dù đã được trao biểu trưng thương hiệu quốc gia, nhưng vẫn còn băn khoăn chưa hiểu lắm về khái niệm này.

Theo đó, họ cho rằng thương hiệu quốc gia phải là doanh nghiệp có sản phẩm ảnh hưởng tầm cỡ quốc gia, doanh nghiệp có doanh thu cao, sản phẩm phải đạt tiêu chí bảo vệ môi trường, nói chung phải là những tiêu chí được xây dựng cụ thể. Thế nhưng, qua buổi tọa đàm mới hay mỗi doanh nghiệp có cách hiểu riêng về khái niệm này.

Ông Lê Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty May Nhà Bè, cho biết, mặc dù doanh nghiệp đã được trao biểu trưng thương hiệu quốc gia vào ngày 18-4 vừa qua, thế nhưng đến nay, chính bản thân ông cũng không rõ lắm về định nghĩa và tiêu chí lựa chọn thương hiệu quốc gia.

Ông Tuấn cho rằng ngay tại buổi tọa đàm mới hay mỗi doanh nghiệp hiểu về định nghĩa và khái niệm "Thương hiệu quốc gia" theo mỗi kiểu thì chưa ổn lắm. Đúng ra, tất cả các khái niệm phải đuợc làm rõ trước khi tiến hành trao biểu trưng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên thường trực của Ban thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia, nói rằng chương trình này do Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia.

Thương hiệu quốc gia được lựa chọn hướng vào ba giá trị cốt lõi gồm “chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực lãnh đạo”. Các thương hiệu Việt Nam được chọn tham gia chương trình phải có uy tín với khách hàng, có định hướng phát triển bền vững, có chính sách, có kế hoạch và nguồn lực phát triển thương hiệu cụ thể, lâu dài.

Ông Trung cho rằng, biến những câu hỏi về giá trị thành hành vi cụ thể để áp dụng tại các doanh nghiệp. Khi cộng đồng doanh nghiệp thực hành các hành vi này, lâu ngày ngấm dần vào cộng đồng doanh nghiệp, ngấm dần vào các thế hệ tạo nên cái gọi là thương hiệu quốc gia.

Tóm lại, có thể nói, nếu doanh nghiệp không theo kịp những giá trị tư tưởng này thì sẽ bị đào thải, còn nếu chỉ vươn lên về mặt hình thức không thôi thì cũng không mang lại giá trị thiết thực gì.

Ông Lý Quí Trung, Chủ tịch HĐQT tập đoàn An Nam, cho biết theo quan điểm cá nhân ông, không phải quốc gia nào cũng có thương hiệu. Thương hiệu được hiểu là cái nổi trội của sản phẩm, nó gắn chặt với tình cảm người tiêu dùng. Còn không, không thể gọi là “thương hiệu”.

Ông Trung đề xuất Việt Nam nên quy hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia tập trung vào các ngành nghề thế mạnh và tiêu chí được xây dựng cụ thể. Xây dựng thương hiệu quốc gia được xem như xây dựng một khu chế xuất, doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí chung thì cho vào đầu tư.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ còn cho ví dụ về thương hiệu quốc gia như một quỹ đạo mà trên đó, tất cả các thành viên đều vận động theo quỹ đạo đó.

“Đối với ngành y chúng tôi thì khi nghĩ đến việc mua thiết bị chữa bệnh thì nghĩ ngay đến Nhật, Đức… Đơn giản không chỉ vì chúng tôi muốn mua chất lượng sản phẩm đã được khẳng định, mà còn mua cả tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật và tinh thần thép của người Đức nữa. Tựu trung, thương hiệu quốc gia là cái kết tinh từ nhiều yếu tố khác nhau, tạo nên cái cốt lõi của quốc gia đó”, ông Tùng nói.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, thì cho rằng một doanh nghiệp phát triển theo ba giai đoạn: xây dựng và hình thành, phát triển, khẳng định tính bền vững của doanh nghiệp. Thương hiệu phải được nỗ lực đầu tư phát triển không ngừng và liên tục, nếu không, thương hiệu sẽ mất đi, sẽ bị đào thải.

Sau buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên thường trực của Ban thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia, cho biết ban thư ký sẽ tiếp thu những ý kiến phân vân của doanh nghiệp để khắc phục và làm tốt hơn nữa trong lần trao biểu trưng 2 năm sau.

TBKTSG

CEO Việt Nam và 10 vấn đề "nóng" về kinh tế

Tối ngày 02/10, ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế hàng đầu khu vực Châu Á của Ngân hàng phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới đã có buổi trò chuyện với các thành viên trong Câu lạc bộ CEO Việt Nam về 10 chủ đề nóng nhất của CEO về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Raymond Mallon, dấu hiệu của cuộc khủng hoảng toàn cầu đã xuất hiện ở nhiều quốc gia giàu có. Sự sụp đổ của các ngân hàng quốc tế lớn, việc điều hành quản lý yếu kém của Hoa Kỳ … đã và đang làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, nét khác biệt của cuộc khủng hoảng tài chính này so với cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á trước đây là nó diễn ra ở một trung tâm kinh tế thương mại lớn trên thế giới. Đó là Hoa Kỳ.“Thật khó đánh giá được tác động cụ thể của cuộc khủng hoảng này tới toàn cầu. Song Châu Á là khu vực có môi trường kinh doanh tương đối tốt và Việt Nam cũng là nước có tiềm năng tăng trưởng tốt nên khả năng bị tác động mạnh là ít” ông Raymond nói.

Hiện nay,10 chủ đề nóng nhất của CEO về môi trường kinh doanh tại Việt Nam mà ông Raymond Mallon đề cập đến gồm:

Thứ nhất, các vấn đề toàn cầu và bộ mặt khủng hoảng tài chính hiện nay.

Theo ông Raymond, môi trường kinh doanh toàn cầu đang gặp phải những khó khăn như: tăng trưởng kinh tế suy giảm, một số vấn đề của công ty tài chính toàn cầu tác động lên dòng tài chính; tốc độ xuất khẩu đang bị chậm lại…

Tuy nhiên, so với các khu vực khác, Châu Á vẫn là khu vực có khả năng tăng trưởng mạnh. “Tác động của cuộc khủng hoảng này sẽ còn tồn tại trong một thời gian nữa, các quốc gia Châu Á sẽ ít bị tác động hơn là các nước Châu Âu và Châu Mỹ la tinh vì không phải chịu nhiều ảnh hưởng từ nguồn tài chính bên ngoài” – ông Raymond Mallon nói.

Thứ hai, những bất ổn định về kinh tế vĩ mô.

Lạm phát cao đã tác động lên khả năng cạnh tranh và toàn thể xã hội. Những khó khăn về đảm bảo các khoản tín dụng, tài chính đi vay và ngoại hối, thâm hụt tài khoản vãng lai, giảm giá trị thương mại, không duy trì liên tục thành quả…là những khó khăn của Việt Nam.

“Lạm phát trong nước tăng cao một phần do Chính phủ chưa có những bước can thiệp nhanh chóng và không ngoại trừ do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài tác động vào như sự gia tăng của giá cả, lương thực, xăng dầu, khoáng sản…” – ông Raymond khẳng định.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có những lợi thế của mình như: Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á, khu vực được đánh giá là tăng trưởng cao nhất trên thế giới, nên việc làm và thu nhập có sự tăng trưởng mạnh mẽ, công nghiệp cũng phát triển mạnh…

Do đó, một số chỉ tiêu kinh tế chủ chốt được dự báo vẫn duy trì tốc độ phát triển. “Dù tăng trường có giảm đi chút ít, nhưng vấn đề quan trọng là vẫn giữ được sự ổn định. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn và điều này là có lợi, song nguồn đầu tư gián tiếp sẽ là mối lo ngại vì nó không ổn định và có thể đảo chiều bất cứ lúc nào” ông Raymond nhận xét.

Thứ ba, đổi mới các mạng lưới sản xuất trong khu vực và các kết nối khác.

Về thách thức, có thể thấy Việt Nam chậm chuyển giao công nghệ và các kỹ năng, thiếu các kỹ năng nổi bật, không phát triển các kỹ năng cần thiết để có thể tham gia vào các mạng lưới sản xuất trong khu vực có giá trị cao hơn. Nhưng Việt Nam có nhiều thuận lợi là nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng và bí quyết.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh thương mại và đầu tư trong khu vực Châu Á phát triển mạnh hơn thương mại Châu Á với các nước ngoài khu vực, việc hội nhập với các mạng lưới sản xuất trong khu vực, các công ty tầm cỡ quốc tế đang nổi lên ở Châu Á cũng là những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam phát triển.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng.

Vấn đề cung cấp điện, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, độ tin cậy, chi phí cũng như công việc hậu cần là những thách thức mà Việt Nam gặp phải. Hiện nay, chi phí container (xuất khẩu) của Việt Nam đang cao hơn so với một số nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.

Yếu tố này sẽ làm hạn chế sức cạnh tranh của Việt Nam trong thương mại quốc tế. Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng đang có những thuận lợi đáng kể, đó là một lượng lớn vốn FDI của nước ngoài đang đổ vào Việt Nam để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Thứ năm, nguồn nhân lực.

Những khó khăn có thể nhìn thấy là chi phí nguồn nhân lực ngày càng tăng, đa số vẫn còn thiếu kỹ năng, thiếu các giám đốc điều hành, chậm chạp trong việc cải cách đào tạo, dạy nghề, và sau đại học …. Thế nhưng, Việt Nam có lợi thế là tỷ lệ biết chữ khá cao, kỹ năng tính toán giỏi, có tham vọng học hỏi các kỹ năng mới, dân số trẻ và tỷ lệ phụ thuộc thấp. Đây sẽ là những thuận lợi cơ bản để phát triển nguồn nhân lực mới ở Việt Nam.

Thứ sáu, thị trường bất động sản, xây dựng.

Khó khăn của Việt Nam là ít các giao dịch, giá cả bất động sản đang giảm sút, huy động vốn khó khăn, chi phí xây dựng tăng, chậm tiến độ, ... Thế nhưng, Việt Nam lại có những thuận lợi là giá cho thuê văn phòng tương đối cao, đặc biệt là ở các trung tâm thương mại, khoản nợ về tài chính tương đối nhỏ, sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu đô thị, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản của Việt Nam…

Thứ bảy, tài chính, quản trị doanh nghiệp.

Tỷ lệ lãi suất cao, tính thanh khoản thấp, sự tự tin của các nhà đầu tư yếu, thị trường vốn yếu, quản lý công ty kém, kỹ năng của giám đốc điều hành chưa cao là những khó khăn mà Việt Nam gặp phải. Nhưng, bù lại, vẫn có những thuận lợi nhất định như khối ngân hàng đang phát triển, xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán, dòng tiền FDI và lượng tiền gửi lớn, quỹ đầu tư đang phục hồi,…

Thứ tám, khung pháp lý cho doanh nghiệp.

Khó khăn là giám sát chất lượng còn yếu kém đối với việc ban hành các chính sách, quy định mới; thiếu thống nhất trong các điều khoản quy định; yếu kém trong thực thi; sự can thiệp khá nhiều của các thủ tục hành chính.

Đổi lại, Việt Nam rất tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng và khối dịch vụ, cải thiện khả năng quản lý của các doanh nghiệp Nhà nước và giới hạn cho vay đối với các doanh nghiệp này.

Thứ chín, đô thị hoá.

Thuận lợi của Việt Nam là phát triển đô thị gia tăng, mở rộng quy mô các ngành kinh tế cùng với sự đô thị hoá đã tạo ra một số thị trường mới (tầng lớp trung lưu)… Song những khó khăn cũng không nhỏ: số lượng hộ gia đình ở các khu vực đô thị sẽ gia tăng nhanh chóng, dẫn đến áp lực về cơ sở hạ tầng và xã hội nguy cơ tiềm tàng của các tác động tới môi trường...

Thứ mười, vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp.

Theo ông Raymond, sự nóng lên của kinh tế toàn cầu có thể có những tác động tiêu cực lớn đến Việt Nam: Không khí đô thị sẽ bị ô nhiễm, chất lượng nước cũng bị giảm đi. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để Việt Nam học hỏi từ các nước trên thế giới, cơ hội cho các công ty có thương hiệu học cách ứng xử thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực quản lý nguồn nhân lực quốc gia.

Từ những phân tích đó, ông Raymond Mallon khẳng định: "Trong ngắn hạn, Việt Nam cần cẩn trọng và trước mắt là phải vượt qua được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tuy nhiên, nếu xét về dài hạn tình hình sẽ rất lạc quan đối với sự tăng trưởng của Việt Nam".

(DĐDN)

Thursday, October 02, 2008

Sáu bước để xây dựng thương hiệu qua web thành công

Thay đổi là điều tất nhiên sẽ xảy ra: Khi một nền kinh tế trưởng thành, già đi và cuối cùng chuyển đổi sang một hình thái mới hơn, thì hoạt động kinh doanh, marketing và xây dựng thương hiệu cũng cần phải thay đổi sao cho phù hợp.

Thất bại trong việc thích nghi với môi trường kinh doanh mới sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, không hề được được mong đợi trong tương lai.

Tất cả chúng ta đều biết nền kinh tế hiện đại phát triển như thế nào từ chỗ dựa vào nông nghiệp, rồi dựa vào công nghiệp và kế đến là dựa vào thông tin. Nhưng hiện tại, chúng ta đang dứng ở đâu? Có phải nền kinh tế thông tin đã chết? Nếu thế, tiếp theo sẽ là cái gì?

Chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn những gì được thể thể hiện trong biểu đồ của Maslow, để thấy được sự phát triển song song giữa sự thỏa mãn cá nhân và nền kinh tế trong nền kinh tế hiện đại.

Nền kinh tế trồng trọt đem đến mức độ thỏa mãn thấp nhất trong biểu đồ của Maslow bằng việc cung cấp đầy đủ nhu cầu nhu yếu phẩm, trong khi đó giai đoạn công nghiệp cung cấp sản phẩm cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu đa dạng, từ nhu cầu an toàn cho đến nhu cầu được xã hội công nhận và nhu cầu khẳng định địa vị. Nền kinh tế thông tin cho chúng ta câu trả lời về nhu cầu nhận thức và khát vọng kiến thức của con người.

Nhưng khi mọi thứ vừa thay đổi, web đã phá vỡ tính thông thường trong hoạt động kinh doanh. Ảnh hưởng của nó không chỉ là sâu sắc, mà còn gây áp lực lên các lĩnh vực điện ảnh, báo, phát hành sách, ngành công nghiệp phần mềm, và các lĩnh vực khác.

Châm ngôn: “thích nghi hay chết” trong thời điểm này đúng hơn bao giờ hết. Vậy, chúng ta đang ở đâu trên biều đồ phát triển của sự thỏa mãn cá nhân và nền kinh tế?

Hãy trở thành tất cả những gì mà bạn có thế

Trên đỉnh của biều đồ hình tháp của Maslow là “tự khẳng định”. Khát vọng muốn cho cả thế giới biết mình đang tồn tại của con người (tương tự như câu slogan của quân đội Mỹ: Be All Can You Be”). Đây chính là vấn đề trung tâm trong nền kinh tế ngày nay, nền kinh tế trải nghiệm.

B. Joseph Pine và James H. Gilmore, tác giả của The Experience Economy cho rằng: Công việc là rạp hát, mỗi doanh nghiệp như sân khấu, và những gì doanh nghiệp cần tập trung trong nền kinh tế ngày nay: “khi hàng hóa có thể thay thế được, sản phẩm là hữu hình, dịch vụ là vô hình, trải nghiệm là đáng nhớ, và sự biến đổi là hiệu quả. Tất cả những gì mà nền kinh tế cung cấp, phải làm sao không dẫn đến sự dư thừa.”

“Trải nghiệm là đáng nhớ, biến đổi là hiệu quả” nên là câu “thần chú” của chiến lược marketing mới của bạn, hoạt động của bạn phải đáp ứng đủ nhu cầu thị trường: Để trở thành tất cả những gì mà bạn có thể.

Trải nghiệm là đáng nhớ, biến đổi là hiệu quả

Trải nghiệm là đáng nhớ, chuyển đổi là hiệu quả. Điều đó có nghĩa gì? – để đem lại hiệu quả cho sự thay đổi – để biến những khán giả của web thành khách hàng – các marketer phải phân phối cả những thứ không phải là hàng hóa, giá cả hay sự tiện lợi. Những doanh nghiệp sẽ thành công trong nền kinh tế trải nghiệm là những doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm đáng giá chứ không đơn thuần chỉ là hàng hóa và dịch vụ.

Chúng ta đang bị bao bọc bởi cả mộ trường trực tuyến lẫn môi trường bên ngoài. Sự tăng trưởng của nhãn hiệu cà phê Starbucks không phải là do cà phê ngon mà là do những trải nghiệm họ cung cấp cho các khách hàng quen thuộc trên trực tuyến, Itunes, những kinh nghiệm đó đã thỏa mãn được những nhu cầu bị lãng quên của những người yêu nhạc, yêu sách và những phụ nữ có cá tính. Máy tính Mac cuối cùng đã dành được thị phần vì những trải nghiệm mà người tiêu dùng có với Ipods, những trải nghiệm đó đã thỏa mãn được họ và bây giờ công ty đã sẵn sàng đưa những trải nghiệm đó vào Mac.

Yếu tố then chốt cho sự tồn tại của doanh nghiệp không phải là 1 tính năng mới, hay giá rẻ mà là sự trải nghiệm có thể thỏa mãn được tâm hồn khách hàng.

Trải nghiệm thỏa mãn tâm hồn.

Những tư tưởng trong kinh doanh truyền thống đã tụt lại phía sau khá xa so với những khát khao tinh thần phức tạp của người tiêu dùng trong nền kinh tế trải nghiệm. Các trường kinh tế đào tạo ra nhiều nhân lực có chuyên môn cao và những người rất giỏi trong lĩnh vực thống kê, có khả năng nắm bắt thực tế của nền kinh tế, đang có xu hướng thiên về trải nghiệm và được thúc đẩy nhờ những hiểu biết sâu rộng về web, sự hiểu biết này có khả năng phát tán những nhu cầu chủ yếu về cảm xúc của người tiêu dùng

Kế hoạch gồm 6 bước cho quảng bá thương hiệu qua web

Mục tiêu: Biến đổi thông qua tự khẳng định mình

Kết quả cuối cùng của nổ lực của chúng ta là biến những người xem website thành khách hàng. Nhưng để đạt được điều đó chúng ta phải lùi lại 1 bước. Nền kinh tế trải nghiệm đòi hỏi cách suy nghĩ mới về khán giả của mình và chính xác về những thứ bạn đang bán.

Từ bây giờ, bất cứ quyết định nào của bạn về marketing nên dành sự ưu tiên cho yếu tố tự khẳng định bản thân. Tìm yếu tố đó, xây dựng chiến lược marketing của bạn xung quanh nó.

Hãy quên giá, chất lượng và dịch vụ đi. Tất cả điều đó không còn là yếu tố chủ đạo trong chiến lược của bạn.

Bước 1: Phải hiểu rằng mục tiêu marketing của bạn là biến những khán giả của bạn từ những người xem khó tính không hài lòng sang khách hàng hài lòng.

Điều kiện tiên quyết: Sự mong đợi

Marketing thành công là tạo ra sự mong đợi thực tế, có thể tin được và sự mong đợi đó có thể được đáp ứng.

Hầu như, mỗi ngày chúng ta đều bị tấn công tới tấp bởi các quảng cáo thái quá, những quảng cáo ngớ ngẩn trên web. Tất cả những thứ đó được xây dựng để đánh vào điểm yếu của người tiêu dùng, nhu cầu của họ để phát triển, để trở thành tốt nhất mà họ có thể, và để đạt được một vài kết quả có thể đo lường sự thỏa mãn, liên quan đến cuộc sống của họ. Tạo ra sự mong đợi sai có thể dẫn tới 1 lần giao dịch nhưng không phải là khách hàng lâu dài.

Bước 2: Tạo ra sự mong đợi phù hợp, đáng tin cậy mà bạn có thể thỏa mãn

Sản phẩm: Khán giả

Một cách hướng tâm trí của bạn xoay quanh cách tiếp cận mới này là nghĩ về khán giả của bạn như thể họ là sản phẩm của bạn. Bạn đang biến họ từ người tìm kiếm không hài lòng sang khách hàng thỏa mãn – đó chính là công việc của bạn. Bạn không chỉ muốn tạo ra giao dịch mà là tạo ra sự hài lòng, nhiều người tiêu dùng được thỏa mãn sẽ kể với mọi người về về những trải nghiệm của họ về bạn.

Đưa mọi người vào danh sách email của bạn là vẫn chưa đủ tốt. Bạn phải biến họ thành những người tin tưởng vào bạn và từ bỏ những niềm tin cũ.

Bước 3: Sản phẩm của marketing của bạn chính là khán giả. Biến khán giả trang web của bạn thành người tin tưởng tuyệt đối, người sẽ truyền đạt niềm tin vào khả năng của bạn có thể đem lại sự hài lòng.

Phương pháp luận: Trải nghiệm

Trải nghiệm cần được trải qua và được gia tăng hơn nhờ vào sức mạnh của câu chuyện bạn kể. Công ty Springwise có một ví dụ điển hình hoàn hảo về sức mạnh của câu chuyện thú vị, độc đáo.

Hai anh em Emil và Magnus Gerbola của Đan Mạch nhập khẩu rượu của Ý bán tại các bar rượu, nhà hàng, khách hàng của công ty. Nhưng những trải nghiệm về việc mua riệu tại Gerbola Vin rất khác khi bạn mua riệu tại nơi khác. Hai anh em này là con trai của một diễn viên hề trong đoàn xiếc lưu động của Ý vừa mới mở một cửa tiệm nhỏ ở một kho than dưới lòng đất được xây dựng vào năm 1942.

Còn điều gì tốt hơn việc ngồi với bạn bè thưởng thức những chai rượu nhập khẩu và giải trí bằng những câu chuyện của người buôn riệu, con của một diễn viên hề trong rạp xiếc và cửa hàng hoạt động trong một kho than.

Bước 4: Tạo ra những câu chuyện khác biệt, đó là dạng cơ bản của những trải nghiệm

Phạm vi hoạt động: Web

Hãy tin vào nó hoặc không, một vài doanh nghiệp vẫn không thể hiểu hết được việc sử dụng web như là một phương tiện chủ chốt, và cũng có một số không nhận ra rằng web là một kênh đa truyền thông, chứ không chỉ là nguồn cung cấp những tờ rơi, catologs kỹ thuật số.

Web làm gia tăng gấp nhiều lần những nghịch lý trong chọn lựa, và nguyên tắc đó là càng nhiều chọn thì càng khó ra quyết định. Như kết quả tất yếu, web phải phát tán những thông điệp marketing khác biệt, những thông điệp đó sử dụng kỹ thuật web đa truyền thông làm gia tăng những trải nghiệm.

Bước 5: Web không còn là nơi tập hợp tất cả mọi thông tin nữa mà là một sân chơi tinh vi, là nơi tạo ra sự trải nghiệm thông qua việc phát tán những câu chuyện mang tính chất giải trí, cung cấp nhiều thông tin có ích, hấp dẫn và đáng nhớ.

Phương tiện truyền bá: Video

Không có cách nào tốt hơn để rút ngắn khoảng cách của web và khách hàng tiềm năng bằng video. Khi chúng ta nói đến video chúng ta không nói về các màn trình bằng hình ảnh, và những hình động vì nó chuyển động nhưng không có nghĩa là nó hiệu quả. Cách mà bạn kể chuyện và truyền tải thông điệp phải cảm xúc, tầm quan trọng, sự hấp dẫn, cá tính, và ảnh hưởng.

Bước 6: Gửi thông điệp marketing của bạn, hay một câu chuyện độc đáo, khác biệt và nhất quán về thương hiệu của bạn thông qua 1 video khéo léo, tinh vi và đáng nhớ trên web.

Suy nghĩ cuối cùng

Nếu bạn đang kinh doanh, bạn sẽ rất bận.. và bạn khiến mọi thứ dần trở nên phức tạp, bạn cắt giảm nhiều thứ, tạo ra những nhiệm vụ vô nghĩa

Không may, khách hàng luôn phức tạp và kinh doanh luôn khó khăn, Pine và Gilmore đã nói rõ về điều đó trong cuốn sách Experience Economy rằng, công việc là rạp hát còn mỗi doanh nghiệp là một sân khấu.

Hay nếu bạn thích câu nói của Shakespeare hơn: “ Thế giới là sân khấu, còn tất cả đàn ông và phụ nữ đều là diễn viên.” Nếu bạn muốn thành điễn viên, bạn phải học cách để giao tiếp hiệu quả với khán giả của mình thông qua sức mạnh và ảnh hưởng của marketing trải nghiệm.

Jerry Bader- Marketingprofs.com

Tạo lợi thế cạnh tranh

- Hãy tưởng tượng bạn sắp đi công tác xa và đang phải lựa chọn một hãng hàng không cho chuyến đi. Chọn hãng nào đây?

Một hãng hàng không giá rẻ để tiết kiệm chi phí hay một hãng có chất lượng dịch vụ tuyệt hảo? Hoặc nên chăng chọn một hãng hàng không chuyên bay lộ trình bạn cần đi, vì họ có nhiều kinh nghiệm về nơi đến hơn các hãng khác?

Trong thời đại ngày nay, với một nhu cầu nhất định, khách hàng có vô vàn sự lựa chọn. Vì vậy, nếu muốn thành công, các công ty cần phải tìm cho mình một cách để luôn “nổi bật giữa đám đông”. Nói cách khác, công ty của bạn phải tạo dựng được lợi thế cạnh tranh trên thương trường.

Trong ví dụ trên, ba hãng hàng không đã áp dụng ba cách thức khác nhau để tạo dựng lợi thế cạnh tranh. Ba cách thức này được gọi chung là “chiến lược cạnh tranh phổ quát” (generic strategies), bởi chúng có thể được áp dụng cho mọi ngành với quy mô lớn hay nhỏ, mọi sản phẩm và dịch vụ.

Năm 1985, ba chiến lược này đã được Michael Porter giới thiệu lần đầu trong cuốn sách kinh điển “Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance”. Ông đặt tên cho ba chiến lược này là Chi phí thấp/Cost Leadership (trường hợp hãng hàng không giá rẻ); Khác biệt hóa/Differentiation (trường hợp hãng hàng không chất lượng cao); và Tập trung/Focus (trường hợp hãng hàng không chuyên bay một vài lộ trình).

Chiến lược chi phí thấp

Chiến lược này được hiểu là duy trì mức chi phí thấp nhất trong ngành hoặc trên thị trường. Những công ty theo đuổi chiến lược này cần có:

- Vốn để đầu tư cho những công nghệ giúp cắt giảm chi phí.

- Quy trình vận hành đạt hiệu quả cao.

- Nền tảng chi phí thấp (nhân công, nguyên vật liệu, thiết bị…).

Rủi ro lớn nhất khi áp dụng chiến lược này là không phải chỉ có công ty của bạn tiếp cận được các nguồn lực giá rẻ. Vì thế, các đối thủ khác hoàn toàn có thể sao chép chiến lược của bạn. Điều quan trọng là liệu bạn có khả năng duy trì chi phí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đường trường hay không?

Chiến lược khác biệt hóa

Nội dung cốt lõi của chiến lược này là làm cho sản phẩm/dịch vụ của công ty khác biệt và hấp dẫn hơn sản phẩm/dịch vụ của đối thủ cạnh tranh (về hình thức, tính năng, độ bền, chất lượng dịch vụ, hình ảnh thương hiệu…). Để áp dụng thành công chiến lược này, công ty cần có:

- Quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sản phẩm tốt

- Khả năng cung cấp sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao

- Hoạt động tiếp thị và bán hàng hiệu quả, nhằm đảm bảo khách hàng có thể cảm nhận được sự khác biệt và lợi ích mà nó mang lại.

Những công ty áp dụng chiến lược này phải rất nhanh nhạy trong quá trình phát triển sản phẩm mới. Nếu không, họ sẽ mất một vài “mặt trận” cho các công ty theo đuổi chiến lược “Tập trung trên nền tảng khác biệt hóa” (Differentiation Focus) được mô tả dưới đây.

Chiến lược tập trung

Công ty theo đuổi chiến lược này chỉ tập trung vào những thị trường ngách (niche markets). Đó là những phân khúc thị trường nhỏ với đặc điểm riêng biệt. Lợi thế cạnh tranh của những công ty này được tạo dựng dựa trên việc thấu hiểu sâu sắc những đặc thù của thị trường và khả năng cung cấp sản phẩm/dịch vụ phù hợp với những đặc điểm đó.

Tuy nhiên, việc tập trung vào một thị trường nhỏ phù hợp với nguồn lực của công ty vẫn chưa hẳn là an toàn, vì các công ty lớn với nguồn lực tốt hơn vẫn có thể tấn công vào những phân khúc này.

Trước nguy cơ đó, những công ty áp dụng chiến lược tập trung thường phải tiếp tục tạo ra những lợi thế khác (bằng cách cắt giảm chi phí hoặc khác biệt hóa sản phẩm/dịch vụ), nhằm mang đến nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng trong phân khúc của mình.

Vì thế, chiến lược tập trung còn được chia thành hai chiến lược con: “Chiến lược tập trung trên nền tảng chi phí thấp” (Cost Focus) và “Chiến lược tập trung trên nền tảng khác biệt hóa” (Differentiation Focus). Việc lựa chọn chiến lược nào là phụ thuộc vào năng lực cũng như điểm mạnh của công ty bạn.

Lời khuyên của Michael Porter là không nên theo đuổi nhiều chiến lược cùng lúc, bởi mỗi chiến lược đòi hỏi một cách tiếp cận rất khác nhau. Hãy thử dùng mô hình phân tích SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats) để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của công ty bạn khi áp dụng mỗi kiểu chiến lược nói trên, để hiểu được chiến lược nào có khả năng thành công cao nhất. Đồng thời, cũng đừng quên kết hợp kết quả này với việc phân tích các tác lực cạnh tranh trong ngành hoặc trên thị trường.

TBKTSG

Nhà lãnh đạo đắc nhân tâm

- Đó là những người làm việc không vì thành tích cá nhân mà vì thành công của công ty, vì thế khi mãn nhiệm, họ vẫn có thể góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thông qua việc chọn lựa người kế thừa có khả năng hơn mình.

Ngoài tri thức, tầm nhìn và bản lĩnh, người lãnh đạo doanh nghiệp cần biết lắng nghe, có thái độ trân trọng đối với những đóng góp của nhân viên, biết khơi gợi ở họ tinh thần làm việc hết lòng vì mục tiêu chung…

Trong quyển Good to Great, tác giả Jim Collins đưa ra khái niệm “nhà lãnh đạo cấp 5” (cấp cao nhất) với những tố chất tiêu biểu: khiêm tốn + ý chí nghề nghiệp + giản dị + kiên định + quyết đoán.

Theo đó, những nhà lãnh đạo này làm việc không phải vì thành tích cá nhân mà vì mục tiêu chung của doanh nghiệp. Vì thế, công việc đầu tiên của họ khi nhận nhiệm sở không phải là lập chiến lược công ty hay đề ra các chương trình hành động trong tương lai, mà là tuyển chọn đúng người và bố trí nhân viên vào đúng công việc.

Tác giả cho rằng, vì không vướng bận vinh quang cá nhân nên dù đã mãn nhiệm, các nhà lãnh đạo này vẫn có thể thúc đẩy doanh nghiệp đi đến thành công qua việc chọn lựa người kế thừa có khả năng hơn mình. Các tố chất nêu trên, theo một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, có thể được diễn giải bằng khái niệm “đắc nhân tâm” trong công tác lãnh đạo.

Câu chuyện Coteccons

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Coteccons Group, cho biết nhà lãnh đạo doanh nghiệp đắc nhân tâm phải thể hiện được tầm ảnh hưởng của mình tại doanh nghiệp, đồng thời có được sự yêu mến, tin tưởng, tôn trọng của nhân viên và đối tác. Muốn vậy, họ phải luôn tận tâm với công việc; nghĩ đến lợi ích của tập thể; thể hiện sự chính trực, giản dị, rộng lượng, chân thành trong cách sống và làm việc.

“Họ cần biết lắng nghe và học hỏi để hoàn thiện bản thân từng ngày. Quan trọng hơn, người lãnh đạo phải biết chia sẻ quyền lực, nhìn ra tiềm năng của nhân viên để phát triển nguồn nhân lực đúng tầm, từ đó mới mong có được đội ngũ kế thừa xứng đáng”, ông Dương chia sẻ.

Ở công ty xây dựng của ông Dương có chế độ điều chỉnh lương theo định kỳ ba tháng, dành cho nhân viên chứng tỏ được năng lực. Nhưng điều này có thể dẫn đến chuyện thang bảng lương của công ty bị xáo trộn, nên trong cấu trúc lương sẽ có 2% lương được tính cho thâm niên.

“Chúng tôi thực hiện chính sách thưởng mở và công bằng cho tất cả mọi người. Tập thể được tham gia vào quá trình đánh giá năng lực và mức độ đóng góp của nhau, kể cả việc góp ý về cách điều hành của ban giám đốc”, ông Dương nói.

Nhà quản lý nào cũng biết, để nhân viên duy trì tính kỷ luật, nề nếp trong môi trường làm việc, người lãnh đạo phải luôn gương mẫu, lời nói cần đi đôi với hành động. “Lý thuyết là vậy nhưng việc áp dụng vào thực tế vẫn đòi hỏi một chút ứng biến của người lãnh đạo. Ban lãnh đạo chúng tôi luôn đến công ty sớm hơn nhân viên để động viên họ tập thói quen đi làm đúng giờ, có thái độ nhiệt tình với công việc. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân không tuân thủ kỷ luật. Sử dụng máy chấm công thì… thiếu tình cảm, hơn nữa nếu đã muốn đi làm trễ thì nhân viên sẽ tìm mọi cách nói dối. Tôi nghĩ ra cách cho nhân viên ghi vào sổ thời gian đến làm việc. Việc này đã tỏ rõ hiệu quả trong việc tạo tính tự giác đi làm đúng giờ của nhân viên, vì người đến sau không thể ghi giờ vào làm sớm hơn người đến trước”, ông Dương kể.

Biết hạn chế cái tôi để nhìn ra ưu điểm của nhân viên cũng là một tố chất cần có ở nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Ở Coteccons vẫn có chuyện nhân viên nghỉ việc để ra lập công ty riêng, dù trước đó ít năm họ từng được cưu mang trong lúc khó khăn. Ban lãnh đạo công ty dù bức xúc nhưng vẫn tôn trọng quyết định của họ.

“Chúng tôi hiểu nhân viên có nhu cầu được thăng tiến ngoài chuyện mưu sinh. Vì thế, ban lãnh đạo tôn trọng quyết định “ra riêng” của họ. Thay vì nghĩ rằng họ thiếu trung thành, chúng tôi cảm thông với họ về những trăn trở trong quá trình làm việc và ý chí vươn lên trong xã hội”, ông Dương nói.

Công tác lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay không thể thiếu việc cập nhật những mô hình quản trị, chiến lược kinh doanh tốt từ đối tác. Việc này, vừa để hoàn thiện môi trường làm việc tại công ty, đồng thời cũng để trở nên “tương thích” hơn trong quan hệ làm ăn với đối tác. Vì thế, công ty có chính sách cử người ra nước ngoài tham quan, học hỏi những kinh nghiệm quản lý và lãnh đạo, để về ứng dụng vào công việc.

“Nhiều người nghĩ rằng nếu luôn học hỏi có nghĩa là bạn đang có nhiều điểm… chưa hoàn thiện. Chúng tôi không e ngại điều này, bởi học hỏi từ người khác chính là động lực phát triển”, ông Dương nói.

Chuyện ở PVD

PVD là viết tắt của Petro Vietnam Drilling - Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí Việt Nam. Nhưng tại PVD, các nhà lãnh đạo chuyển PVD thành “Pioneer of Vietnam Driller” - công ty đi đầu trong ngành khoan và dịch vụ khoan dầu khí Việt Nam. “Đây là cách ban lãnh đạo PVD tạo niềm tự hào về công ty cho nhân viên”, ông Đỗ Văn Khạnh, Tổng giám đốc PVD, giải thích. Từ đó, theo ông Khạnh, nhân viên sẽ thêm tin tưởng vào sự phát triển bền vững của công ty; vào tài năng và tâm huyết của ban lãnh đạo; và có động lực để cống hiến hết mình.

Quá trình chinh phục niềm tin của nhân viên PVD bắt đầu từ năm 1994, khi công ty được thành lập và tiến hành những dịch vụ khoan, hợp tác đầu tiên với các công ty dầu khí nước ngoài. Lúc đó, trong hợp tác kinh doanh, PVD luôn đặt mục tiêu “win-win” (đôi bên cùng có lợi) lên hàng đầu. Đến nay, PVD đã là thành viên của Hiệp hội Khoan quốc tế. “Điều này càng khiến nhân viên PVD tự hào vì chúng tôi đã vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới”, ông Khạnh nói.

Bên cạnh việc tạo dựng niềm tin, ông Khạnh cho rằng nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần biết cách khơi gợi lòng nhiệt tình làm việc nơi nhân viên. Việc này không chỉ là nêu khẩu hiệu mà nên cụ thể hóa thành trách nhiệm của nhân viên với công việc và đồng nghiệp. Ở PVD, nhân viên được chia thành các nhóm làm việc. Việc đánh giá kết quả lao động của nhân viên sẽ không chỉ căn cứ theo thành tích cá nhân, mà còn dựa vào kết quả làm việc của nhóm. Vì thế, từng nhân viên sẽ không chỉ có trách nhiệm với bản thân, với công việc mình phụ trách, mà còn phải thể hiện trách nhiệm này với cộng sự trong nhóm làm việc.

Để nhân viên hết lòng vì công việc, ông Khạnh cho rằng nhà lãnh đạo cần có tinh thần chia sẻ với nhân viên, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc thân thiện. “Chúng tôi có thể chia sẻ với nhân viên về những áp lực trong việc lãnh đạo doanh nghiệp, chẳng hạn cổ tức phải chia cho cổ đông, vấn đề kỳ vọng của các nhà đầu tư… Từ đó, nhân viên có thể hiểu rằng những vấn đề trong công tác lãnh đạo có khi xuất phát từ những áp lực bên ngoài”, ông Khạnh nói.

Dẫn chứng về môi trường làm việc thân thiện, ông Khạnh cho rằng có thể chỉ cần chú ý khắc phục những chuyện vụn vặt như các cuộc họp trong công ty nên tránh không khí tranh cãi hơn thua, phản bác gây căng thẳng; nhân viên sai phạm thì có thể gọi vào phòng riêng để nói cho họ biết rõ về mức độ sai phạm và hình thức xử phạt kèm theo, điều đó khiến họ cảm thấy việc xử phạt là rất rõ ràng.

“Bên cạnh đó, việc khen thưởng nếu cào bằng có thể làm triệt tiêu mong muốn cống hiến của nhân viên. Các bộ phận, phòng ban trong công ty tuy ngang bằng nhau về vị trí nhưng mức thưởng có thể hơn kém nhau cả chục lần, tùy vào tính chất công việc, nhiệm vụ được giao và mức độ hoàn thành”, ông Khanh nói.

VĂN HÓA

Thương mại điện tử đòi hỏi chuyên nghiệp hơn

Giao dịch thương mại điện tử cần một hành lang pháp lý an toàn để vừa thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, vừa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng là vấn đề được đặt ra tại cuộc hội thảo phổ biến Thông tư 09/2008 của Bộ Công Thương về việc cung cấp thông tin và giao dịch hợp đồng trên trang web thương mại điện tử.

Đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng Thông tư 09 gồm thương nhân sử dụng trang web để bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ (thương nhân); tổ chức, cá nhân giao dịch trên trang web thương mại điện tử (khách hàng) và tổ chức, cá nhân sở hữu trang web đó.

Trọng tâm của Thông tư là cân bằng quyền lợi và trách nhiệm của người mua và người bán hàng trên mạng vốn khác biệt rất nhiều so với các phương thức giao dịch truyền thống.

Mua - bán phải chuyên nghiệp hơn

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương, cách đây 10 năm Internet còn ở bước chập chững, các doanh nghiệp phát triển dịch vụ ào ạt để tận dụng cơ hội cung cấp thông tin và mua bán trên mạng.

Nhưng hiện nay, sự bùng phát thông tin đã dẫn đến nhu cầu chọn lựa và sàng lọc. Điều này đặt ra vấn đề phải đối phó với sự tràn ngập thông tin, đặt pháp luật trước thách thức là phải làm sao xử lý có hiệu quả và chuẩn xác các hoạt động kinh doanh trên môi trường Internet.

Theo ông Hưng, hiện có 38% doanh nghiệp đã xây dựng trang web, và người ta dự báo chỉ mất khoảng ba năm thì con số này sẽ tăng gấp đôi (khoảng 70-80%).

Trước số lượng trang web bùng phát như vậy, người tiêu dùng khi mua bán phải dựa trên những tiêu chí nào để bảo vệ mình? Vì thế, Thông tư 09 buộc phải điều chỉnh hành vi trong hoạt động thương mại điện tử sao cho phù hợp với môi trường thương mại quốc tế và thực tiễn của Việt Nam.

Thông tư 09 là sự nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh trên môi trường Internet, tạo chất xúc tác quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp và người mua.

Vấn đề làm bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, băn khoăn là làm sao để triển khai thông tư mà không gây cản trở cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh doanh đồng thời cũng bảo vệ người tiêu dùng vốn gặp nhiều bất lợi với mô hình kinh doanh này.

Trong giao dịch điện tử, người mua luôn phải tuân theo các hợp đồng mà họ hoàn toàn không có quyền thương lượng. Điều này, cùng với việc thiếu thông tin minh bạch khiến khách hàng lo ngại, dẫn đến thiếu niềm tin đối với thương mại điện tử.

Thông tư 09 là sự nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh trên môi trường Internet, tạo chất xúc tác quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp và người mua.

Thách thức lớn nhất là làm sao cân bằng lợi ích của các bên tham gia giao dịch. Thực tế cho thấy, việc người Việt Nam chưa tự tin trong giao dịch điện tử có nhiều nguyên nhân, không chỉ là thói quen hay tâm lý, mà còn là doanh nghiệp cũng chưa tạo được niềm tin cho người sử dụng.

Giao dịch truyền thống được xem là bất bình đẳng giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng, thì trong môi trường thương mại điện tử điều đó còn thể hiện rõ hơn. “Điều này cho thấy để thương mại điện tử phát triển, cần có tính chuyên nghiệp cao hơn nơi người mua và người bán,” bà Việt Anh nói.

Điều chỉnh như thế nào?

Hiện nay, trên các trang web thương mại điện tử, doanh nghiệp là người đưa ra các sản phẩm và quy định tiêu chuẩn đối với người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ về hoạt động của mình.

Các thông tin cơ bản nhất theo Thông tư 09 thì doanh nghiệp phải cung cấp cho người tiêu dùng thông tin cụ thể về doanh nghiệp, tạo những điều khoản ràng buộc và minh bạch cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Theo ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, khi khách hàng mua hàng qua mạng, họ phải cung cấp những thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, bệnh án, sở thích, số tài khoản, địa chỉ IP máy tính… Đây là những thông tin rất nhạy cảm.
Vì thế, nhà cung cấp phải có cam kết bảo vệ dữ liệu của khách hàng như thế nào. Việc thiết lập các điều khoản phải dựa trên những nguyên tắc và chuẩn mực chung của mô hình kinh doanh trực tuyến, giúp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhưng phải làm tăng niềm tin của người tiêu dùng thì thương mại điện tử mới có môi trường tốt để hoàn thiện và phát triển.

Để ràng buộc trách nhiệm của doanh nhân, Thông tư 09 đưa ra các quy định buộc họ phải cung cấp những thông tin chi tiết về mình, như địa chỉ, số đăng ký kinh doanh, các điều khoản hợp đồng...; mô tả hàng hóa - dịch vụ, công bố chi tiết giá cả và các chi phí phát sinh liên quan, đặc biệt lưu ý trường hợp thanh toán trực tuyến, đồng thời phải có cơ chế xác nhận trước khi hợp đồng được giao kết: cho phép khách hàng rà soát hợp đồng trước khi quyết định; thủ tục chấm dứt hợp đồng…

Ngoài ra, trên trang web phải công bố cơ chế giải quyết tranh chấp (nếu xảy ra), chẳng hạn dựa vào các điều khoản nào của hợp đồng; nghiêm cấm việc lợi dụng ưu thế công nghệ để đơn phương giải quyết các vấn đề tranh chấp với người mua. Và điều quan trọng là cam kết bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, nếu tiết lộ sẽ chịu trách nhiệm ra sao…

Tự bảo vệ mình

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin mới đây tại 50 trang web thương mại điện tử có tiếng của Việt Nam thì 96% các trang web có mô tả khá rõ ràng về hàng hóa, dịch vụ cung cấp, đăng tải giá sản phẩm… nhưng chỉ có 38% công bố rõ ràng cơ cấu giá.

Chỉ có 8% là công bố đầy đủ các điều khoản giao dịch, nhưng có đến 46% không công bố bất kỳ một điều khoản nào. 98% không đưa đầy đủ thông tin cơ bản của thương nhân (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, e-mail, giấy phép đăng ký kinh doanh) và 96% không công bố cơ chế giải quyết tranh chấp.

Chỉ có 12% công bố chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, 6% xây dựng cơ chế cho phép khách hàng lựa chọn hoặc từ chối cung cấp thông tin cá nhân…

Các con số nêu trên cho thấy ngay cả doanh nghiệp cũng chưa chuyên nghiệp trong việc kinh doanh trên mạng. Vì thế, theo một vị đại diện của Bộ Công Thương, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình.

Hiện tại, nếu so sánh với các trang web thương mại điện tử có uy tín của nước ngoài, chỉ cần đặt hàng, phía bán hàng sẽ nhanh chóng liên lạc, thì ở nhiều trang thương mại điện tử trong nước muốn mua hàng phải chờ đợi và có thể gặp những rắc rối phát sinh liên quan đến chất lượng hàng hóa, chi phí… nhưng lại không thể giải quyết tranh chấp.

Ở các nước, mua hàng qua mạng luôn rẻ hơn mua hàng trực tiếp nhưng ở Việt Nam hiện nay, khách hàng phải trả giá tương đương hoặc cao hơn giá thị trường...

Những quy định mới là cơ sở để có thể giải quyết được những tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của hai bên khi xảy ra các tranh chấp về giao dịch và hợp đồng. Tuy nhiên, ông Linh khuyến cáo, hình thức thương mại điện tử còn khá mới tại Việt Nam nên cần phải có thời gian hoàn thiện.

Khung pháp lý mới hình thành hiện chỉ ở mức độ cơ bản. Để hạn chế rủi ro và tự bảo vệ mình khi tham gia giao dịch thương mại điện tử, người mua phải tập có thói quen xem xét tất cả các thông tin cơ bản về chủ trang web, thông tin về các điều khoản giao dịch, chính sách bán hàng, sự chứng nhận của tổ chức có uy tín… trước khi quyết định mua hàng.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, đơn vị sở hữu trang web www.thegioididong.com.vn, về mặt kỹ thuật công nghệ để điều chỉnh các hoạt động theo quy định mới là rất dễ dàng, có thể thực hiện trong vòng một ngày.

Tuy nhiên, ông Tài cho rằng đó chưa phải là tất cả những yếu tố đủ để hoàn thiện môi trường thương mại điện tử hiện nay. Trước đây, công ty này đã từng thiết kế một trang web theo chuẩn mực quốc tế, nhưng trước những yêu cầu về cung cấp thông tin cá nhân, dường như người mua không mặn mà.

“Hiện tại, Thế Giới Di Động vừa bán hàng trực tuyến vừa có chuỗi cửa hàng, siêu thị bán hàng theo cách truyền thống và số lượng mua qua mạng khoảng vài ngàn trong tổng số gần 150.000 hợp đồng mua bán hằng tháng.

Thông tư 09 là một quy định tốt cho môi trường thương mại điện tử, tuy nhiên chưa tác động nhiều đến các hành vi của người mua trong thời điểm hiện nay, nguyên nhân là họ chưa đủ niềm tin đối với thương mại điện tử”, ông Tài cho biết.

TBKTSG

Rào cản đối với sự tiến bộ của nhà lãnh đạo

John Maxwell - chuyên gia số 1 thế giới về nghệ thuật lãnh đạo cho rằng: "Việc lãnh đạo được phát triển từng ngày chứ không phải trong một ngày". Thế nên, việc dần dần loại bỏ những thói quen xấu sẽ là cách giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả. Marshall Goldsmith - chuyên gia huấn luyện về lĩnh vực quản lý và lãnh đạo đã liệt kê ra 20 thói quen cản trở sự tiến bộ của nhà điều hành trong tổ chức.

1. Hiếu thắng: Luôn muốn giành thắng lợi bằng bất kể giá nào và trong tất cả mọi tình huống, cho dù nó quan trọng hay không.

2. Viển vông: Lúc nào cũng đưa ra những thứ quá khả năng thực hiện.

3. Áp đặt: Muốn áp đặt các tiêu chuẩn của mình lên những người khác.

4. Đưa ra những lời phê bình không có tính xây dựng.

5. Bắt đầu với "không", "nhưng mà", "tuy nhiên"..., những từ ngầm nói với mọi người rằng "Tôi đúng còn anh thì sai".

6. Nói với cả thế giới rằng bạn thông minh như thế nào: thể hiện cho người khác thấy là chúng ta thông minh hơn họ nghĩ.

7. Nói khi đang tức giận: Sử dụng cảm xúc bất ổn như một công cụ quản lý.

8. Tiêu cực: Nhu cầu chia sẻ những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí ngay cả khi không được hỏi.

9. Giấu thông tin: Không chia sẻ thông tin để giữ lợi thế so với những người khác.

10. Không chịu thừa nhận: Không chịu khen ngợi và khen thưởng.

11. Cướp công: Đánh giá quá cao đóng góp của mình trong bất kỳ thành công nào, cho dù mình không thực sự tham gia vào.

12. Luôn thích buộc tội người khác.

13. Đổ lỗi cho những người chịu trách nhiệm trước đây: Đổ lỗi của chúng ta cho những người trước đây.

14. Thiên vị: Không đối xử công bằng với mọi người.

15. Không chịu thể hiện sự hối tiếc: Không nhận trách nhiệm về hành động của chúng ta, không thừa nhận mình sai hoặc thừa nhận hành động của chúng ta ảnh hưởng tới người khác như thế nào.

16. Không lắng nghe: Một dạng của việc không tôn trọng đồng nghiệp.

17. Không chịu thể hiện lòng biết ơn:

18. Mắng mỏ những người đưa: mắng mỏ những người thông báo tin tức cho chúng ta, cho dù họ chẳng có tội tình gì.

19. Đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

20. Xem cái tôi của mình quá lớn.

Business week

Môi trường làm việc lý tưởng

Là một người quản lý, bạn luôn mong muốn không khí nơi làm việc có được sự chuyên nghiệp và độ thoải mái nhất định. Công sở sẽ phải là không gian để cho những nhân viên sáng tạo, cống hiến, hoàn thành những khát vọng sự nghiệp của họ. Vậy đâu là bí quyết để tạo không khí làm việc lý tưởng tại văn phòng?

1. Hợp tác và chia sẻ

Đừng bao giờ đưa ra những chỉ thị như kiểu ra lệnh. Nhân viên của bạn không phải là những bộ máy và chắc chắn bạn cũng không muốn họ làm việc một cách đối phó vô cảm. Cần ý thức nhân viên là người cộng sự của bạn. Với những thông tin không thuộc hàng tối mật, hãy chân thành chia sẻ với nhân viên. Được trao đổi thông tin một cách cởi mở, nhân viên của bạn sẽ nắm được công việc, biết bắt đầu từ đâu, hướng triển khai thế nào, khúc mắc thì cần hỏi ai. Việc thực hiện nhiệm vụ của mình theo những kế hoạch khoa học sẽ tăng hiệu quả công việc và tránh được những rủi ro không đáng có.

Trong một môi trường làm việc linh hoạt việc quan tâm đúng mức đến cuộc sống của những nhân viên cũng được coi là một phương pháp để gắn kết hơn nữa các mối quan hệ văn phòng, tạo niềm tin của nhân viên đối với công ty.

2. Mỉm cười

Mỉm cười là động tác thể dục giúp cho khuôn mặt mỗi người bừng sáng. Hãy tưởng tượng đến niềm hứng khởi của các nhân viên trong công ty khi bắt đầu mỗi ngày làm việc lại được nhìn thấy cấp trên vui vẻ khích lệ mình hoàn thành công việc.

Đừng bao giờ để quyền lực đánh mất những niềm vui thường nhật của bạn cũng như tranh thủ tìm thấy những niềm vui trong công sở. Nụ cười trên môi cũng là dấu hiệu chứng minh bạn luôn làm chủ được tình hình, dù trong cuộc sống hay trong công việc. Nhân viên quét dọn, cô thư ký, thủ quỹ hay cả người bảo vệ luôn theo dõi những biến đổi trên khuôn mặt của bạn. Họ cố gắng làm việc tốt và hi vọng được ngợi khen bằng thái độ hòa nhã của bạn.

Nói như vậy không nhất thiết là bạn phải ép mình tỏ ra vui vẻ khi bạn không muốn thế. Nụ cười chỉ có sức mạnh khi nó xuất phát tự đáy lòng. Và nên nhớ, nhân viên của bạn luôn thừa thông minh để nhận biết đâu là nụ cười mỉa mai. Người gánh chịu hậu quả sẽ chính là vị sếp đáng kính thiếu chân tình đấy.

3. Hiểu tâm lý người khác

Không quá khi nói rằng tâm lý học là một phần quan trọng của khoa học quản lý. Bạn luôn cần đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét những vấn đề của cấp dưới. Cũng cần chấp nhận việc nhân viên này không hợp tính với nhân viên kia. Trước khi làm cho mọi chuyện rõ ràng để có những điều chỉnh hợp lý, lãnh đạo không nên cố xếp những nhân viên có cá tính trái ngược nhau vào cùng một nhóm. Công tác nhân sự không thể tùy tiện “tự nhiên chủ nghĩa” vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc.

Mặt khác, khi bạn đã đưa ra việc hỏi ý kiến nhân viên thì hãy chuẩn bị tinh thần với những ý kiến khồng giống như mình mong muốn. Những ý kiến phản biện mới là cơ sở để để người lãnh đạo nhận ra những sai sót trong cơ chế quản lý cũng như mỗi dự án, từ đó đề ra phương án khắc phục hợp lý.

4. Không để tâm đến việc nhỏ

Việc quan tâm đến đội ngũ nhân viên chỉ nên dừng lại ở việc biết sinh nhật, điều kiện sức khỏe, còn lại những mối quan hệ riêng tư hay thói quen tiến hành công việc cụ thể, người lãnh đạo không cần quá quan tâm. Chỉ cần cho nhân viên thấy rõ bạn đánh giá cao hiệu quả công việc và có những khen thưởng công bằng là được.

Việc có tình cảm riêng với nhân viên cũng được coi là điểm tối kỵ trong công sở. Việc này sẽ gây sức ép cho cả bạn lẫn đối phương, các nhân viên khác cũng luôn cảm thấy có nguy cơ của sự thiên vị. Trong trường hợp không tránh khỏi, tốt nhất là chuyển người kia sang bộ phận khác. Với chuyện tình cảm của các nhân viên với nhau, thời gian đầu bạn hãy làm như không biết, không can thiệp. Nếu nhân viên của bạn chính thức báo cáo bạn mới có ý kiến, nhưng chủ yếu hãy quản lý về mặt công việc.

5. Có nguyên tắc nhưng không cố chấp

Mỗi văn phòng cần có những quy định riêng dựa trên đặc thù công việc, sếp đặt ra và cũng thực hiện làm gương cho nhân viên làm theo. Đảm bảo sự đúng giờ, không làm việc riêng, ai cũng có thể đưa ra ý kiến trong những thời hạn nhất định, có thưởng có phạt...Trong công ty ai cũng có quyền phát ngôn nhưng phát ngôn một cách chính thức và chịu trách nhiệm về những lời nói của mình. Tối kỵ trong công ty là lúc cần phát biểu lấy ý kiến thì im lặng, ngoài giờ làm việc thì bàn tán xôn xao.

Người lãnh đạo cần đưa ra định hướng cũng như những kết luận cuối cùng. Vì thế trong trường hợp nào sếp cũng không được làm mất quyền quyết định của mình. Những ý kiến phản hồi của nhân viên có thể tiếp thu nhưng phải trải qua một quá trình chọn lọc, đối chiếu mới có thể đưa ra những quyết sách hợp lý. Khi đã quyết định thì không chấp nhận việc bàn lùi. Sự quyết đoán và sự sẵn sàng “đứng mũi chịu sào” của sếp là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của tổ chức.


Info.CEO

Tuesday, September 30, 2008

"Cơn sốt Palin" hay chiến thuật marketing “dựa hơi” người nổi tiếng

Ngay khi bà Sarah Palin bước vào cuộc chạy đua tranh cử, doanh số của cửa hàng trực tuyến CafePress tăng vọt bởi hãng này đã tận dụng hình ảnh bà Palin trên các sản phẩm của mình. Theo GS. John Quelch, thì sự thu hút chú ý của bà Palin có thể khiến nhiều người xem xét tới việc bỏ phiếu cho ngài John McCain.

Tâm điểm:

* Ngay khi bà Sarah Palin bước vào cuộc chạy đua tranh cử, doanh số của cửa hàng trực tuyến CafePress tăng vọt, như thể họ đang bán hàng trong những “Ngày thứ sáu đen” (Black Friday) - Ngày thứ sáu sau lễ tạ ơn ở Mỹ, theo truyền thống, đó là ngày bắt đầu mua sắm cho kỳ Giáng sinh, cho nên, hầu hết tất cả các mặt hàng đều giảm giá, bán rất chạy.

* Trên trang eBay, danh mục sản phẩm liên quan tới Palin tăng vọt 354% vào tuần trước; trong khi các mặt hàng liên quan tới Joe Biden giảm 11%.

* Những vật phẩm liên quan tới Palin được mua bán qua eBay có thể kể tới: các hình vẽ minh họa, các bức ảnh kèm chữ ký và thậm chí là bánh mì nướng.

* Theo Giáo sư John Quelch, thì sự thu hút chú ý qua mạng trực tuyến của bà Palin có thể khiến nhiều người xem xét tới việc bỏ phiếu cho ngài John McCain.

Câu chuyện của CafePress

Lần đầu tiên kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử, tại CafePress (một cửa hàng trực tuyến chuyên bán các loại áo phông ngắn tay sản xuất theo yêu cầu của khách hàng), việc kinh doanh các đồ dùng trong chiến dịch vận động tranh cử của Thượng nghị sĩ John McCain đã có thể cạnh tranh với của đối thủ Barack Obama.

Vào ngày Thượng nghị sĩ McCain tuyên bố lựa chọn Thống đốc bang Alaska – bà Sarah Palin – vào vị trí Phó Tổng thống, thì đó cũng là lúc lượng hàng tiêu thụ qua kênh bán hàng trực tuyến đã tăng vọt. Kéo theo đó là việc mua bán các thứ liên quan tới McCain cũng tăng lên liên tục.

“Trong thuật ngữ của những người kinh doanh bán lẻ, thì về cơ bản hiện tượng này giống như Ngày thứ sáu đen” – Amy Maniatis, Phó Chủ tịch marketing của CafePress nói.

Vào thời điểm mà McCain đưa ra tuyên bố, thì cửa hàng mới chỉ có 2000 sản phẩm liên quan tới McCain – Palin. Còn hiện giờ, con số đó đã lên tới 323.000 sản phẩm. Những mặt hàng phổ biến nhất phải kể đến: áo phông có hình con chó Pit Bull với đôi môi tô son, những mẫu thiết kế chỉ dành riêng cho “hockey moms” (the mother of all hockey - một trang web chuyên về sản phẩm liên quan tới môn thể thao hockey), và cũng có cả hàng loạt các mặt hàng thể hiện sự phản đối Palin.

“Cơn sốt Palin đơn giản là một hình thức thể hiện của việc bà đã đưa các yếu tố đời sống riêng của mình vào cuộc vận động tranh cử. Dù cho mọi người có yêu quý bà hay không, họ cũng đang thể hiện cảm xúc của mình về bà” – Maniatis nhận định.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại eBay

Hai ngày trước khi McCain giới thiệu Palin với dân chúng, không một thành viên nào của eBay mua bán các sản phẩm liên quan tới Palin. Trong ngày tiếp theo, một sản phẩm được đưa ra tại trang đấu giá. Vào ngày tuyên bố chính thức, thì đã có tới hơn 100 sản phẩm xuất hiện trên trang này. Trong một tuần tiếp theo, con số này tiếp tục gia tăng một cách chóng mặt.

Tuần trước, danh sách những mặt hàng có liên quan tới Palin đã tăng lên 354%. Cũng trong lúc này, danh sách tương tự dành cho ứng cử viên phó tổng thống Đảng Dân chủ - Thượng nghị sĩ Joe Biden – đã giảm tới 11%.

Cho tới thời điểm hiện tại, có trên 4.220 sản phẩm liên quan tới Palin được mua bán thông qua eBay, với mức giá trung bình khoảng 5,61 USD/ một sản phẩm. Xuất hiện trong danh sách này, hầu hết là các mặt hàng có giá trị không cao như: khuy áo, stickers, áo phông và các bức ảnh. Đạt kỷ lục cao nhất là giá một bức ảnh có chữ ký của Palin – với giá lên tới gần 500 USD.

Nếu bạn gõ từ khóa “Sarah Palin” trên trang eBay, thì ngoài những đồ dùng thông thường cho chiến dịch vận động tranh cử ra, tất cả các mặt hàng khác có liên quan sẽ xuất hiện.

Một người bán hàng – theo những gì anh ta khẳng định - đang rao bán căn nhà trước đây của gia đình Palin; một người khác thì lại đang rao bán một bức ảnh về bà theo phong cách Andy Warhol[1]; thậm chí một người khác còn đưa lên một miếng bánh mì nướng – mà theo người này nó mang hình ảnh, dáng dấp của bà Palin.

Cái tên Palin cũng được gắn với những sản phẩm mà nhiều khi thực sự không liên quan tới bà, những thứ mà chuyên gia văn hóa đại chúng của eBay cho rằng người bán làm như vậy nhằm tăng lượng truy cập vào danh mục sản phẩm của anh ta.

Một điều tương tự cũng đã từng xảy ra khi bộ phim “Sex and the City” lần đầu tiên ra mắt công chúng vào đầu năm nay. Những người bán hàng cũng bắt đầu gắn tên của bộ phim vào danh mục những sản phẩm của họ, cho dù chúng chẳng hề liên quan gì (như giầy dép hoặc các loại quần áo).

Bà Karen Bard, nhân viên của eBay đánh giá: “Họ đang tận dụng triệt để những gì thịnh hành trong văn hóa đại chúng để thêm vào danh mục của mình. Đó là tầm quan trọng đích thực của văn hóa đại chúng”.

“Bất kể thứ gì đáp ứng được thị hiếu của quần chúng, ngay lập lức nó sẽ được mang ra mua bán trên eBay. Đó không phải là trường hợp ngoại lệ đối với bà Palin, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên về việc những thứ liên quan tới bà cứ liên tục tăng vọt trên eBay”.

Làn gió mới thổi vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhờ chiến thuật “dựa hơi” người nổi tiếng trong bán hàng trực tuyến

Căn cứ vào những con số khổng lồ về sản phẩm liên quan tới các ứng viên được mua bán trực tuyến, điều đó cũng không nhất thiết là họ sẽ giành được nhiều lá phiếu ủng hộ trong ngày bầu cử Tổng thống. Dù vậy, theo ý kiến của Giáo sư John Quelch, thì sự quan tâm tới bà Palin ít nhất có thể khiến nhiều người sẽ xem xét tới việc bỏ phiếu cho ngài John McCain.

Obama có nhiều người ủng hộ trẻ trung, tả khuynh, và “rõ ràng, chính những người trẻ tuổi có xu hướng bộc lộ một cách cởi mở quan điểm chính trị của mình thông qua các sản phẩm có liên quan” - GS Quelch cho biết.

Nếu những người thuộc phe cánh hữu (mà theo GS Quelch) là những người có xu hướng ít thể hiện việc ủng hộ hay không thông qua cách ăn mặc, cũng bắt đầu bộc lộ thiên hướng chính trị của mình thông qua những con số cứ ngày một tăng lên, thì “đây thực sự là một chỉ số tốt để đánh giá phản ứng tích cực và sự nhiệt tình của quần chúng”.

Không cần biết kết quả thực sự của cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống ra sao, nhưng ít nhất thì thông qua mạng trực tuyến, sự hiện diện của bà Palin cũng đã thổi một làn gió mới vào chiến dịch của ngài McCain.

Theo như bà Maniatis: “Thông qua các con số thống kê về lượng tiêu thụ áo phông, có thể thấy việc tuyên bố của bà Palin đã thực sự đã đưa McCain trở lại với cuộc đua, và tiếp thêm sinh khí cho Đảng Cộng hòa. Xét về khía cạnh thời trang, bà Palin là một sự bổ sung hoàn hảo”.

Kristi Keck - CNN Politics và HBS In The New

Monday, September 29, 2008

Nền móng xây dựng kinh doanh trực tuyến

Rất nhiều người đã hỏi Derek Gehl, chuyên gia phụ trách chuyên mục E-business của tạp chí Entrepreneur và CEO của Internet Marketing Center, về cách thức xây dựng và phát triển một hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Derek trả lời họ rằng: “Có một chuỗi các bước đi đã được kiểm chứng mà bạn có thể thực hiện nhằm đảm bảo cho thành công.

Làm thế nào tôi biết được? Tôi đã chứng kiến hàng nghìn người bắt đầu và phát triển các hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ theo cùng một quy trình như nhau”.

Dưới đây là 8 bước đi thành công mà Derek đưa ra cho những ai có ý định khởi sự kinh doanh trực tuyến nhằm thu hút mọi người đến với trang web và khích lệ họ mua sản phẩm hay dịch vụ.

Bước 1: Tìm kiếm một nhu cầu và thỏa mãn nhu cầu đó

Hầu hết các chuyên gia tiếp thị đều mắc sai lầm về việc tìm kiếm một sản phẩm trước khi có một thị trường. Trừ khi mọi người chủ động tìm kiếm các sản phẩm được bán trực tuyến của bạn, bạn sẽ không thể bán được hàng. Cái khó là tìm kiếm một nhóm những người đang có một vấn đề chung cần giải quyết và sau đó giải quyết giúp họ.

May mắn là internet đã khiến việc nghiên cứu thị trường trở nên dễ dàng hơn nhiều. Có một vài cách thức dễ dàng để nghiên cứu thị trường của bạn:

- Vào các diễn đàn trực tuyến để tìm xem mọi người đang đưa ra những câu hỏi nào và những vấn đề nào họ đang cố gắng giải quyết.

- Xác định các từ khoá mà rất nhiều người tìm kiếm song không có nhiều trang web có thể trả lời đầy đủ cho họ.

- Kiểm tra các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của bạn bằng việc vào trang web của họ và ghi chú lại những gì họ đang thực hiện để thoả mãn nhu cầu nào đó.

Sau khi bạn làm xong công việc này, hãy sử dụng những thông tin bạn có được để tạo ra một sản phẩm cho một thị trường đã hiện hữu, đồng thời nỗ lực làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của bạn.

Bước 2: Tạo ra một bản chào hàng thích hợp

Trên trang web, nội dung thông tin của nó phải làm thay công việc bán hàng cho bạn. Có một công thức đã được kiểm chứng khi viết các bản chào hàng, giới thiệu bán hàng,… sẽ đưa những ai vào trang web của bạn đi tiếp quy trình bán hàng từ thời điểm họ đến:

- Khuấy động mối quan tâm với một tiêu đề hấp dẫn.

- Miêu tả vấn đề mà sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thể giải quyết.

- Cho họ thấy tại sao bạn có thể được tin cậy để giao phó nhiệm vụ giải quyết vấn đề.

- Bổ sung những đánh giá từ những ai đã từng sử dụng sản phẩm của bạn.

- Nói về sản phẩm và những lợi ích nó đem lại cho người dùng.

- Đưa ra một lời mời hay một bảo đảm.

- Đề nghị mua sắm.

Xuyên suốt thông tin chào hàng này, bạn hãy tập trung vào cách thức mà sản phẩm hay dịch vụ của bạn có khả năng giải quyết các vấn đề của mọi người hay khiến cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Hãy suy nghĩ như một khách hàng và hỏi: “Có gì trong đó cho tôi?”.

Bước 3: Thiết kế và xây dựng trang web

Một khi bạn có được thị trường và sản phẩm của bạn, đồng thời bạn đã xác định quy trình bán hàng, đã đến lúc để xây dựng trang web.

Hãy nhớ giữ nó càng đơn giản càng tốt. Trang web của bạn chính là mặt tiền của cửa hàng trực tuyến, vì vậy hãy chắc chắn rằng nó thân thiện với các khách hàng. Bạn chỉ có không quá 10 giây để thu hút sự chú ý của mọi người trước khi họ chuyển sang trang web khác. Có một vài yếu tố quan trọng bạn cần nắm vững:

- Sử dụng những phông chữ đơn giản như Arial trên nền trắng hoặc màu sáng nhạt nào đấy.

- Trang web cần dễ sử dụng và tìm kiếm. Mọi yếu tố phải rõ ràng và đơn giản xuyên suốt trang web.

- Chỉ sử dụng hình ảnh, âm thanh hay video nếu chúng đẩy mạnh được thông điệp của bạn.

- Đưa vào các lời đề nghị chọn lựa để bạn có thể thu thập nhiều địa chỉ email.

Bước 4: Sử dụng các công cụ tìm kiếm để hướng các khách hàng mục tiêu tới trang web

Bạn lôi kéo đông đảo mọi người tới trang web mới của bạn như thế nào? Quảng cáo pay-per-click sẽ có hai lợi thế:

- Quảng cáo hiện lên trên các trang kết quả tìm kiếm ngay tức khắc.

- Chúng cho phép bạn thử nghiệm các từ khoá khác nhau, các tiêu đề khác nhau, các mức giá và phương thức bán hàng khác nhau.

Không chỉ thu hút được đông đảo mọi người trong chốc lát, mà một khi bạn xác định những từ khoá hiệu quả nhất, bạn có thể sử dụng chúng xuyên suốt bản chào hàng và các mã khoá trang web nhằm nâng cao thứ hạng kết quả tìm kiếm của trang web.

Bước 5: Xây dựng danh tiêng chuyên môn cho bản thân để thu hút đông đảo mọi người hơn tới trang web.

Mọi người sử dụng internet để tìm thông tin. Nếu bạn cung cấp các thông tin giá trị cho các trang web khác sử dụng và bao gồm cả đường link ngược lại trang web của bạn, bạn sẽ lôi kéo được đông đảo mọi người hơn và cải thiện đáng kế thứ hạng kết quả tìm kiếm. Có một vài ý tưởng cho việc xây dựng danh tiếng chuyên gia cho bản thân bạn:

- Đưa ra những bài viết, video hay các thông tin hữu ích khác rất có giá trị với mọi người và phân bổ các nội dung đó thông qua những trang web tin tức hay các thư viện bài viết trực tuyến.

- Đưa vào đường link “gửi tới người thân” tại các bài viết hay trên trang web của bạn.

- Trở thành một chuyên gia tích cực trong các diễn đàn của ngành hay trong các trang mạng xã hội nơi mà có đông đảo các khách hàng mục tiêu của bạn.

Nếu bạn sử dụng các chiến thuật này, bạn sẽ tiếp cận được nhiều người đọc mới. Thậm chí tốt đẹp hơn khi các trang web bạn đăng nội dung thông tin của bạn có đường link dẫn tới trang web của bạn. Các công cụ tìm kiếm trực tuyến rất yêu thích các trang web tương thích liên quan, do đó sẽ đánh giá cao hơn thứ hạng trang web của bạn.

Bước 6: Sử dụng sức mạnh của tiếp thị email để giữ liên lạc với mọi người và biến họ thành khách hàng

Khi bạn xây dựng một danh sách chọn lựa (opt-in list), bạn đang tạo ra một trong những tài sản giá trị nhất mà các hoạt động kinh doanh trực tuyến có thể có - sự cho phép gửi email tới mọi người. Tại sao tiếp thị email lại có giá trị lớn như vậy?

- Bạn đang đưa ra cho các khách hàng tiềm năng điều gì đó họ đề nghị.

- Bạn đang phát triển mối quan hệ lâu dài với mọi người trong thị trường mục tiêu của bạn.

- Phản hồi là có thể đánh giá được 100%.

- Nó rẻ và hiệu quả hơn nhiều so với các quảng cáo in, quảng cáo truyền hình hay radio vì nó có tính mục tiêu cao.

- Nó có thể được thực hiện tự động hoàn toàn.

Bất cứ ai vào trang web của bạn và lựa chọn tham gia vào danh sách của bạn luôn là những khách hàng tiềm năng nhất. Và không có công cụ nào tốt hơn email để bạn tiếp xúc hiệu quả với các khách hàng này.

Bước 7: Tăng thu nhập của bạn thông qua việc khích lệ lòng trung thành

Một trong những nguyên tắc tiếp thị internet quan trọng nhất đó là phát triển các giá trị bền vững tới từng khách hàng. Ít nhất 36% trong số những người đã từng mua sản phẩm hay dịch vụ của bạn sẽ mua lại lần nữa nếu bạn duy trì các tiếp xúc với họ sau đó. Cách thức để các khách hàng quay trở lại đó là:

- Cung cấp các sản phẩm bổ sung cho lần mua sắm ban đầu của họ.

- Gửi đi các cuống phiếu lòng trung thành điện tử mà họ có thể sử dụng trong lần mua tiếp theo.

- Đưa ra các sản phẩm có liên quan trên trang “cảm ơn” của bạn.

Nếu các khách hàng trung thành thấy rõ những lợi ích của mình, họ sẽ trung thành hơn với bạn trong tương lai.

Bước 8: Bắt đầu một chương trình liên minh để gia tăng doanh số và lợi nhuận

Một khi kinh doanh bắt đầu đi vào ổn định, đã đến thời điểm để thực hiện một chương trình liên minh. Các đối tác liên minh này là những người xúc tiến sản phẩm của bạn trên trang web của họ với một mức cắt giảm giá bán. Mỗi lần họ gửi tới bạn một người mua, bạn trả cho họ một khoản hoa hồng.

Chương trình liên minh là phương thức đơn giản và dễ dàng để phát triển kinh doanh trực tuyến. Một khi bạn xây dựng được một chương trình, tất cả những gì bạn phải làm đó là chia sẻ các tài liệu tiếp thị với các đối tác và gửi tới họ các tấm séc khi họ bán được hàng cho bạn. Bằng việc này, bạn không phải đi ra ngoài và bỏ ra cho quảng cáo các đối tác của bạn sẽ quảng cáo cho bạn.

Internet đang thay đổi nhanh chóng, những những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và phát triển kinh doanh trực tuyến dường như không mấy thay đổi trong hơn 10 năm qua.

Nếu bạn có ý định bước chân vào thế giới kinh doanh trực tuyến, hay quan tâm tới các chuỗi hành động theo các nguyên tắc cụ thể như trên. Còn nếu bạn đã ở trong thế giới đó, hãy dành thời gian nhìn lại và xem xét xem liệu có bước đi nào bạn bỏ qua hay không. Bạn sẽ không thể đi sai đường với những nền móng cơ bản này.

(BwPortal)