Thursday, October 02, 2008

Môi trường làm việc lý tưởng

Là một người quản lý, bạn luôn mong muốn không khí nơi làm việc có được sự chuyên nghiệp và độ thoải mái nhất định. Công sở sẽ phải là không gian để cho những nhân viên sáng tạo, cống hiến, hoàn thành những khát vọng sự nghiệp của họ. Vậy đâu là bí quyết để tạo không khí làm việc lý tưởng tại văn phòng?

1. Hợp tác và chia sẻ

Đừng bao giờ đưa ra những chỉ thị như kiểu ra lệnh. Nhân viên của bạn không phải là những bộ máy và chắc chắn bạn cũng không muốn họ làm việc một cách đối phó vô cảm. Cần ý thức nhân viên là người cộng sự của bạn. Với những thông tin không thuộc hàng tối mật, hãy chân thành chia sẻ với nhân viên. Được trao đổi thông tin một cách cởi mở, nhân viên của bạn sẽ nắm được công việc, biết bắt đầu từ đâu, hướng triển khai thế nào, khúc mắc thì cần hỏi ai. Việc thực hiện nhiệm vụ của mình theo những kế hoạch khoa học sẽ tăng hiệu quả công việc và tránh được những rủi ro không đáng có.

Trong một môi trường làm việc linh hoạt việc quan tâm đúng mức đến cuộc sống của những nhân viên cũng được coi là một phương pháp để gắn kết hơn nữa các mối quan hệ văn phòng, tạo niềm tin của nhân viên đối với công ty.

2. Mỉm cười

Mỉm cười là động tác thể dục giúp cho khuôn mặt mỗi người bừng sáng. Hãy tưởng tượng đến niềm hứng khởi của các nhân viên trong công ty khi bắt đầu mỗi ngày làm việc lại được nhìn thấy cấp trên vui vẻ khích lệ mình hoàn thành công việc.

Đừng bao giờ để quyền lực đánh mất những niềm vui thường nhật của bạn cũng như tranh thủ tìm thấy những niềm vui trong công sở. Nụ cười trên môi cũng là dấu hiệu chứng minh bạn luôn làm chủ được tình hình, dù trong cuộc sống hay trong công việc. Nhân viên quét dọn, cô thư ký, thủ quỹ hay cả người bảo vệ luôn theo dõi những biến đổi trên khuôn mặt của bạn. Họ cố gắng làm việc tốt và hi vọng được ngợi khen bằng thái độ hòa nhã của bạn.

Nói như vậy không nhất thiết là bạn phải ép mình tỏ ra vui vẻ khi bạn không muốn thế. Nụ cười chỉ có sức mạnh khi nó xuất phát tự đáy lòng. Và nên nhớ, nhân viên của bạn luôn thừa thông minh để nhận biết đâu là nụ cười mỉa mai. Người gánh chịu hậu quả sẽ chính là vị sếp đáng kính thiếu chân tình đấy.

3. Hiểu tâm lý người khác

Không quá khi nói rằng tâm lý học là một phần quan trọng của khoa học quản lý. Bạn luôn cần đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét những vấn đề của cấp dưới. Cũng cần chấp nhận việc nhân viên này không hợp tính với nhân viên kia. Trước khi làm cho mọi chuyện rõ ràng để có những điều chỉnh hợp lý, lãnh đạo không nên cố xếp những nhân viên có cá tính trái ngược nhau vào cùng một nhóm. Công tác nhân sự không thể tùy tiện “tự nhiên chủ nghĩa” vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc.

Mặt khác, khi bạn đã đưa ra việc hỏi ý kiến nhân viên thì hãy chuẩn bị tinh thần với những ý kiến khồng giống như mình mong muốn. Những ý kiến phản biện mới là cơ sở để để người lãnh đạo nhận ra những sai sót trong cơ chế quản lý cũng như mỗi dự án, từ đó đề ra phương án khắc phục hợp lý.

4. Không để tâm đến việc nhỏ

Việc quan tâm đến đội ngũ nhân viên chỉ nên dừng lại ở việc biết sinh nhật, điều kiện sức khỏe, còn lại những mối quan hệ riêng tư hay thói quen tiến hành công việc cụ thể, người lãnh đạo không cần quá quan tâm. Chỉ cần cho nhân viên thấy rõ bạn đánh giá cao hiệu quả công việc và có những khen thưởng công bằng là được.

Việc có tình cảm riêng với nhân viên cũng được coi là điểm tối kỵ trong công sở. Việc này sẽ gây sức ép cho cả bạn lẫn đối phương, các nhân viên khác cũng luôn cảm thấy có nguy cơ của sự thiên vị. Trong trường hợp không tránh khỏi, tốt nhất là chuyển người kia sang bộ phận khác. Với chuyện tình cảm của các nhân viên với nhau, thời gian đầu bạn hãy làm như không biết, không can thiệp. Nếu nhân viên của bạn chính thức báo cáo bạn mới có ý kiến, nhưng chủ yếu hãy quản lý về mặt công việc.

5. Có nguyên tắc nhưng không cố chấp

Mỗi văn phòng cần có những quy định riêng dựa trên đặc thù công việc, sếp đặt ra và cũng thực hiện làm gương cho nhân viên làm theo. Đảm bảo sự đúng giờ, không làm việc riêng, ai cũng có thể đưa ra ý kiến trong những thời hạn nhất định, có thưởng có phạt...Trong công ty ai cũng có quyền phát ngôn nhưng phát ngôn một cách chính thức và chịu trách nhiệm về những lời nói của mình. Tối kỵ trong công ty là lúc cần phát biểu lấy ý kiến thì im lặng, ngoài giờ làm việc thì bàn tán xôn xao.

Người lãnh đạo cần đưa ra định hướng cũng như những kết luận cuối cùng. Vì thế trong trường hợp nào sếp cũng không được làm mất quyền quyết định của mình. Những ý kiến phản hồi của nhân viên có thể tiếp thu nhưng phải trải qua một quá trình chọn lọc, đối chiếu mới có thể đưa ra những quyết sách hợp lý. Khi đã quyết định thì không chấp nhận việc bàn lùi. Sự quyết đoán và sự sẵn sàng “đứng mũi chịu sào” của sếp là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của tổ chức.


Info.CEO

No comments:

Post a Comment