Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Thời của phim quảng cáo

Kiva.Dang A+ A- Print Email
Bộ phim Bỗng dưng muốn khóc đang hút khán giả nên cũng “hút” theo đó nhiều lời than phiền: “Quảng cáo nhiều quá!”.

Một tập phim chỉ khoảng 40 phút mà bị ngắt quãng đến ba lần, mỗi lần gần bảy phút dành cho quảng cáo.

Thậm chí nhiều sản phẩm lặp đi lặp lại đến bốn lần trong vài phút. Người xem bắt đầu khó chịu ngồi đếm khi nhiều sản phẩm liên tục giội bom, “liên tục liên tục liên tục” như slogan (khẩu hiệu) của sản phẩm pin.

Điều này gây cho khán giả nhiều phiền toái nhưng cũng cho thấy rằng phim quảng cáo trên truyền hình (TVC: television commercial, từ đây gọi tắt là phim quảng cáo) bây giờ là “một phần tất yếu của cuộc sống” (slogan của một loại nước uống).

Dù thích hay không thích thì sự thật là khán giả truyền hình ngày nay đang sống cùng quảng cáo và đang bị tác động bởi quảng cáo. Các đài truyền hình sống được cũng nhờ vào quảng cáo...

Slogan = phong cách sống

“Tuyết Anh ơi, tối nay mình đi chơi nhé!” - Đang mệt mỏi, người viết ngẩn người trước câu rủ rê nghe quen quen nhưng không phải gọi... tên mình thì anh bạn đồng nghiệp phá lên cười: “Không nhớ à, quảng cáo mỹ phẩm Ponds đó.

Trước đây ngày nào tivi cũng phát, tôi nghe riết đâm... thuộc. Thi thoảng lôi chiêu này ra xài với nàng của tôi mỗi khi nàng ấy giận”.

“Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” là một câu nói lạ tai nhưng dễ nhớ khác do nhạc sĩ Tuấn Khanh nói trong đoạn phim quảng cáo về Vinacafe. Có xuất xứ từ một bộ phim truyền hình cách đây khá lâu, nhưng đến khi xuất hiện trên phim quảng cáo nó liền trở thành câu cửa miệng của nhiều người.

Hay “Vợ anh sẽ hỏi tội chú” trong quảng cáo một loại xà bông giặt được nhiều người đàn ông nói đùa với bạn khi được rủ rê... đi nhậu!

Khán giả xem truyền hình khó có thể quên câu “Có thể bạn không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn” của sản phẩm bia Saigon Special. Đây có thể xem là mẩu quảng cáo thành công nhất cho các sản phẩm hàng VN sau slogan “Biti’s - nâng niu bàn chân Việt” rất ấn tượng trước đó. Câu slogan của Biti’s không chỉ khiến người xem nhớ đến sản phẩm mà còn ngầm tạo nên một bản sắc Việt.

Còn câu “Có thể bạn không cao...” cũng là châm ngôn sống của nhiều người. Đồng nghiệp của người viết còn tâm sự chị cũng đã dùng câu nói này để dạy con trai phải tự tin vào bản thân: dù không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn vì năng lực, kiến thức, phẩm cách...

Thường một mẩu quảng cáo trên truyền hình bao gồm ba yếu tố: hình ảnh, ngôn ngữ và âm nhạc. Tiêu chí “nghe là nhớ, nhìn là thích” luôn được dân làm quảng cáo tôn lên vị trí hàng đầu. Ngoài chuyện hình ảnh tạo ấn tượng, âm nhạc sinh động, sâu lắng hay nhộn nhịp tùy theo từng sản phẩm thì ngôn ngữ, câu từ trong phim quảng cáo là điều khiến nhiều người xem quan tâm nhiều nhất.

Slogan quảng cáo được các hãng xem như một phong cách sống đặc biệt chứ không chỉ đơn thuần là giới thiệu một món hàng kinh doanh. Bởi vậy, slogan phải được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn “5 sao”, nghĩa là phải đảm bảo được 5 yêu cầu: đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ nhớ và liên quan chặt chẽ với thương hiệu.

Có những câu slogan của sản phẩm quảng cáo đã đi vào đời sống của người dân, được truyền miệng vì dễ hiểu và có sức hút cao về ý nghĩa và âm thanh như “Nokia: kết nối mọi người (Nokia: Connecting people)”, “Prudential: luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, “AIA: cuộc đời tôi, tương lai tôi, đất nước tôi”, “Mobi Fone: mọi lúc mọi nơi”, “Viettel - Hãy nói theo cách của bạn”, “Trung Nguyên: khơi nguồn sáng tạo”...

Ấn tượng khó phai

Một trong những đối tượng quan tâm nhiều nhất đến phim quảng cáo là trẻ nhỏ. Câu hát “ 100%, 100%, chúng tôi là những con bò, chúng tôi là những con bò...” được con nít ủng hộ quá xá nên trong những mẩu quảng cáo lần sau, loại sữa ấy (Vinamilk) luôn luôn có hình ảnh.... con bò thật to.

Nhiều bé cũng thuộc lòng lời bài hát “Bay lên nào, bay cao nào, nào nhảy cùng zing zing” hay “Mì Unif, mì Unif...” của sản phẩm bánh và mì gói. Nhiều trẻ dưới 5 tuổi cũng thích thú bập bẹ lặp lại những câu nói dễ nhớ một cách ngây thơ.

Trẻ con “lậm” quảng cáo như vậy, người lớn cũng đâu kém. Một thời nhiều nam thanh nữ tú Sài thành bắt chước cách ăn mặc của các nhân vật trong phim quảng cáo như đính hạt trang sức lên tóc (bắt chước dầu gội Rejoice), thể hiện cảm xúc kiểu “đó là một cảm giác rất Yomost!” rồi nhảy tung người lên khi chụp hình, hay tung đồng xu tìm người yêu như quảng cáo của Coca - Cola... Chưa kể rất nhiều ca khúc trong phim quảng cáo khiến người xem nhớ mãi như Quando Quando của bia Heineken, bài Đôi cánh tình yêu Mỹ Tâm hát cho Mitsubishi , Tôi yêu Việt Nam của Honda...

Anh M.S. - một nhân viên công ty quảng cáo - nói: “Nói như slogan của Prudential là phim quảng cáo luôn luôn lắng nghe (người tiêu dùng) luôn luôn thấu hiểu (người tiêu dùng) để tạo “ấn tượng khó phai” (slogan của Double Rich - NV). Thời của cạnh tranh, các doanh nghiệp phải bắt tay với nhà đài, công ty quảng cáo để sản xuất những phim quảng cáo chuyên nghiệp nhằm thu hút sự chú ý của công chúng với sản phẩm.

Có những phim quảng cáo đầy ý nghĩa, mang tính cộng đồng, tính nhân văn sâu sắc như chương trình khuyến học “Đèn đom đóm” của nhãn hiệu sữa Cô gái Hà Lan, 3 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo của Vinamilk, “Tết làm điều phúc” của bột giặt Omo, “Cười lên VN ơi” của kem đánh răng P/S. Tuy nhiên, cũng có những phim quảng cáo khiến khán giả khi xem phải lắc đầu ngao ngán...

TTO

Post a Comment