Thursday, August 28, 2008

Yêu ghét một thương hiệu

Theo thống kê của GFK, trong năm 2005, thị phần điện thoại di động (ĐTDĐ) của Nokia tại Việt Nam là 54%, tiếp theo sau là Samsung, Motorola, Sony Ericsson… Như dự báo của giới kinh doanh ĐTDĐ vị thứ trên trong năm 2006 cũng khó thay đổi.

Ấn tượng đầu tiên

Gặp ngẫu nhiên một số người dùng điện thoại, họ thừa nhận việc trung thành với thương hiệu có phần do "ấn tượng đầu tiên". Anh Tâm ở Bình Thạnh là người mê ĐTDĐ "đa phương tiện". Từ khi Ericsson ra mắt sản phẩm T61 có camera gắn ngoài đầu tiên, anh luôn trung thành với thương hiệu này và sau này là Sony Ericsson.

Theo anh, dùng quen rồi, khó chuyển sang thương hiệu khác. Anh Vĩnh (Q.10) cũng có suy nghĩ tương tự khi nói về Siemens. Anh giải thích: "Có lẽ do ấn tượng ban đầu khi chọn thương hiệu đầu tiên để sử dụng. Dùng riết rồi quen, chẳng muốn đổi sang hãng khác vì phải tìm hiểu lại từ đầu"!

Ngoài sự "cảm tình" cho thương hiệu, có khách hàng bị ấn tượng bởi kiểu dáng thiết kế. Uyển Nhi (Q.3) thú nhận: ban đầu vì ấn tượng với vỏ sò của Samsung mà chạy theo hãng này nhưng đến khi dùng mới thấy sóng yếu quá nên chuyển sang Nokia.

Vài tháng sau lại thấy V3i của Motorola quá "sắc sảo" nên một lần nữa chuyển sang model này dù đã được bạn bè cảnh báo trước: sóng của V3i cũng kém không khác gì Samsung! Còn hiện nay, Nhi đã trở về với Samsung và là một Samsung đắt tiền - Samsung D500.

Ít thay đổi thương hiệu

Trong một cuộc khảo sát do công ty Synovate thực hiện, 80% khách hàng khi được hỏi đã chọn Nokia, sau đó đến Samsung, Motorola, Sony Ericsson… Chúng tôi cũng đã thử tìm hiểu 10 người, 50% trong số họ đến nay vẫn trung thành với hãng đầu tiên mà họ chọn, số còn lại thay đổi do những yếu tố: được tặng hoặc có ý thích thay đổi thương hiệu khác để không nhàm chán...

Chị Tuyết (Thủ Đức) kể, cách đây 6 năm chiếc điện thoại đầu tiên chị dùng là "cục gạch" Ericsson (lúc đó chưa sáp nhập với Sony) 388 vì lúc này trên quầy bán ĐTDĐ chỉ loe ngoe một vài kiểu dáng. Lúc Nokia ra 3310, mẫu máy đầu tiên sử dụng anten ngầm, chị chuyển sang dùng model này. Hai năm sau, khi Samsung ra S300 vỏ sò sang trọng chị lại đổi máy. Chưa đầy 3 tháng sau, chị kết luận: "Quay trở về với Nokia vì "xét một cách toàn diện", dùng Nokia vẫn sướng hơn vì dễ sử dụng".

Không ít khách hàng đã thú nhận rằng, điều đầu tiên tác động đến họ sử dụng máy của hãng nào chính là tác động từ quảng cáo, sau đó là tác động từ bạn bè, cuối cùng mới là những thuận tiện khi sử dụng.

Khó thay đổi thói quen

Thạc sĩ Trần Tuấn Anh, hiện là giảng viên khoa quản trị kinh doanh của ĐH Mở - bán công TP.HCM nhận xét: "Với ĐTDĐ, mỗi hãng đều có những cách sử dụng khác nhau. Những người sử dụng mà chúng tôi đã có dịp khảo sát đều có xu hướng chọn hãng nào có giao diện dễ sử dụng ở các chức năng: thoại, nhắn tin, chụp ảnh và có giá rẻ để dễ dàng đổi máy. Thói quen đó có thay đổi nhưng tỷ lệ không đáng kể".

Giám đốc một công ty phân phối các sản phẩm ĐTDĐ phân tích thêm, bên cạnh thói quen, ấn tượng về mẫu mã cũng là một trong những tiêu chí để thu hút khách hàng bỏ thương hiệu này chạy qua thương hiệu kia mà trường hợp của Motorola V3 là một điển hình. Từ model nắp gập, mỏng từ thời StarTac, gần cuối năm 2005, Motorola đã thu hút người sử dụng chuyển sang model V3 của thương hiệu này vì tính thời trang, giá phù hợp. Thạc sĩ Tuấn Anh đánh giá.

Dù được cam kết sẽ có nhiều "khoản đãi" hậu hĩnh từ nhà sản xuất nhưng theo lời giám đốc kinh doanh của một siêu thị ĐTDĐ vẫn chỉ tập trung những thương hiệu nổi tiếng, còn những tên tuổi khác, trưng bày cho vui, tạo nên sự đa dạng cho siêu thị.

Chị thú nhận: "Việc gây ấn tượng với khách hàng, trách nhiệm chính thuộc về hãng, còn siêu thị chỉ tư vấn hoặc hỗ trợ bằng những chương trình khuyến mãi nho nhỏ chung các model. Một nhân viên của siêu thị Phước Lập cho biết khách hàng thường chỉ dạo qua 4 gian hàng: Nokia, Samsung, Sony Ericsson và Motorola, những hãng còn lại chỉ liếc mắt…

Theo những người kinh doanh di động, cũng như những mặt hàng điện tử khác, mặt hàng ĐTDĐ là mặt hàng nhạy cảm, chỉ cần một sự trục trặc nào đó nho nhỏ, gây sự phiền toái cho người sử dụng là khách hàng bỏ ngay để nhảy sang thương hiệu khác. " Một thời khách hàng "ghét" Nokia vì dính tới vụ Đông Nam, "quên" Ericsson vì trong giai đoạn sáp nhập với Sony…" - những chuyện không dính gì về kỹ thuật.

(SGTT)

No comments:

Post a Comment