Friday, August 29, 2008

Khó khăn, vẫn chi nhiều cho quảng cáo


Các chuyên gia ngành quảng cáo cho biết doanh thu ngành vẫn tăng cao từ đầu năm đến nay, mặc dù có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm đáng kể ngân sách cho quảng cáo vì tình hình kinh tế khó khăn.

Một trong các lý do giải thích tại sao doanh thu của ngành quảng cáo vẫn tăng là từ năm ngoái các doanh nghiệp đã thông qua kế hoạch tài chính của năm 2008, bao gồm cả ngân sách cho quảng cáo, và do vậy khó có thể thay đổi.

Vinamilk tăng chi nhiều nhất cho quảng cáo, bao gồm cả chiến dịch quảng bá thương hiệu cà phê Moment bằng việc sử dụng hình ảnh của câu lạc bộ bóng đá Arsenal.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng buộc phải duy trì khoản chi cho quảng cáo, nhằm giữ và tăng sức mua cho các sản phẩm của họ trong thời lạm phát cao.

Ông Martin Gil, Tổng giám đốc của Coca Cola tại Đông Dương, là một trong những người không ủng hộ ý kiến cho rằng trong tình hình khó khăn thì các doanh nghiệp cắt giảm ngân sách cho quảng cáo và các chương trình khuyến mại. Trong một lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Gil nói rằng có nhiều doanh nghiệp vẫn chi mạnh để tiếp tục quảng bá sản phẩm để giữ thị phần.

Bà Trần Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn dịch vụ truyền thông và quảng cáo TNS Media, nhận xét rằng dường như chi phí dành cho quảng cáo của một số ngành có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mặt khác nhiều doanh nghiệp đã chi tiền cho các kênh quảng cáo mới bên cạnh các kênh truyền thống.

Theo bà Mai, các kênh quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên xe taxi, các màn hình LCD quảng cáo ngoài trời và cả trên các kênh chiếu phim đang ngày càng được nhiều người xem như Star Movies và HBO. “Do vậy, việc giảm doanh số quảng cáo cho các kênh truyền thống không có nghĩa là doanh số của toàn ngành quảng cáo nói chung bị sụt giảm”.

Doanh thu quảng cáo hiện tại vẫn tăng

TNS Media đã cung cấp các số liệu dẫn chứng ngân sách dành cho quảng cáo tăng cao trên các kênh ti vi, đài phát thanh, báo và tạp chí in mà công ty khảo sát trong sáu tháng đầu năm nay. Theo đó, tổng doanh thu quảng cáo của các kênh này tăng đến 16,2% so với sáu tháng của năm 2007, đạt hơn 234 triệu Đô la Mỹ.

Trong đó, ti vi là kênh thu hút nhiều tiền quảng cáo nhất với gần 171 triệu Đô la Mỹ, tăng 14,3% so với cùng kỳ của năm 2007. Kế đến là báo in với các số tương ứng hơn 42 triệu Đô la Mỹ (tăng 17%), tạp chí với 20,4 triệu Đô la Mỹ (tăng 31,2%), đài phát thanh với hơn 828.000 Đô la Mỹ (tăng 51,5%, cũng là mức tăng cao nhất).

Viễn thông, sản xuất các sản phẩm chăm sóc cơ thể và hóa mỹ phẩm, đồ uống, thực phẩm và dược là năm ngành chi nhiều tiền nhất cho quảng cáo, với tổng số tiền hơn 115 triệu Đô la Mỹ, tăng đến 24,9% so với cùng kỳ của năm 2007.

Trong năm ngành này, chỉ có ngân sách quảng cáo của ngành sản phẩm chăm sóc cơ thể và hóa mỹ phẩm giảm 3,1%, các ngành còn lại tăng từ 6,4% (đồ uống) đến hơn 103% (viễn thông).
Và sẽ sụt giảm trong năm 2009?

Các nhà nghiên cứu thị trường dự đoán lạm phát và các vấn đề kinh tế hiện nay của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của ngành quảng cáo vào năm 2009, vì kết quả kinh doanh của năm nay có thể sẽ buộc các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cắt giảm ngân sách cho quảng cáo.

Bà Mai giải thích quảng cáo là một ngành dịch vụ, phát triển tùy thuộc vào sự phát triển của khách hàng quảng cáo và cả nền kinh tế của đất nước. “Do đó, các vấn đề về kinh tế có thể là một trong các lý do dẫn đến sự sụt giảm của doanh thu của ngành quảng cáo nếu như khách hàng của ngành ngừng hay cắt giảm ngân sách cho lĩnh vực này”.

Tuy nhiên, bà Mai nói rằng không phải tất cả các công ty đều làm như thế bởi vì sẽ có những doanh nghiệp sẽ tăng ngân sách cho quảng cáo và các chương trình khuyến mại ngay trong lúc kinh tế khó khăn. “Vì thế, thị trường luôn có người thắng kẻ thua”, bà cũng cho rằng điều quan trọng là doanh nghiệp biết cách chi tiêu khôn ngoan trong thời buổi khó khăn.

Với hơn 15 năm làm việc trong ngành quảng cáo Việt Nam, bà Mai nhận xét rằng quảng cáo là một ngành rất cạnh tranh tại Việt Nam. Các công ty quảng cáo khó có thể tối đa hóa lợi nhuận nếu họ không tham gia vào nhiều lĩnh vực và hoạt động như quảng cáo ngoài trời và có nhiều khách hàng quốc tế.

Các chuyên gia và công ty quảng cáo ước tính tổng doanh thu của ngành quảng cáo năm 2007 đạt hơn 500 triệu Đô la Mỹ. Họ hy vọng doanh thu của ngành này trong năm 2008 và các năm tới vẫn sẽ vẫn tăng trưởng khả quan.

Còn ông Martin Gil, cũng là Trưởng đại diện của Coca Cola tại Việt Nam, vẫn lạc quan về triển vọng của Việt Nam vì có những yếu tố cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt trong các năm sắp tới mặc dù lạm phát có ảnh hưởng đến người tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp.
* 10 doanh nghiệp chi nhiều nhất cho quảng cáo

Theo TNS Media, 10 doanh nghiệp chi tiêu cho quảng cáo nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm nay là Unilever Việt Nam, P&G Việt Nam, Vinamilk, VMS-MobiFone, Dutch Lady Việt Nam, công ty Bia Tân Hiệp Phát, Nestle Việt Nam, VinaPhone, Công ty Bia Việt Nam (VBL) và Abbott Laboratories Inc.

Tổng ngân sách dành cho quảng cáo của 10 công ty này vựợt hơn 55,7 triệu Đô la Mỹ, giảm 2,1% so với 6 tháng của năm 2007. Trong số này, Unilever Việt Nam chi nhiều nhất cho quảng cáo và các chương trình khuyến mại với hơn 19,5 triệu đô la còn Abbott Laboratories Inc. chi ít nhất với chỉ hơn 2 triệu Đô la Mỹ nhưng vẫn tăng 12,5%.

Trong 10 công ty trên, Dutch Lady Việt Nam cắt giảm chi phí quảng cáo nhiều nhất, giảm 20,3% với số tiền tương ứng là hơn 4,5 triệu đô la. Ngược lại, ngân sách của Vinamilk dành cho quảng cáo tăng mạnh nhất, với 79,3% và tương ứng với số tiền gần 6,5 triệu đô la.

Vào tháng 5/2008, Vinamilk đã công bố chiến dịch trị giá 2 triệu Đô la Mỹ bao gồm việc sử dụng logo và hình ảnh của các cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Arsenal (Anh) để quảng bá cho thương hiệu cà phê Moment.

(TBKTSG)

No comments:

Post a Comment