Tuesday, July 29, 2008

Tìm lại hương xưa cho thương hiệu làng gốm cổ Phước Tích

Nằm trải dọc bên dòng Ô Lâu với hơn 550 năm lịch sử, làng gốm cổ Phước Tích (xã Phong Hoà, Phong Điền, TT-Huế) đã từng "vang bóng một thời" khi hai lần được vua ân tứ. Qua thời gian và chiến tranh, thương hiệu của làng dần bị mai một và đã có lúc chìm vào quên lãng....

Hương xưa làng cổ

Đã từ rất lâu, Phước Tích nổi tiếng nhờ nghề làm gốm. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào gốm, nhiều nhà trở nên giàu sang cũng nhờ gốm. Đất của làng kết hợp với nước sông Ô Lâu tạo nên những sản phẩm gốm mà cả khắp miền Trung không nơi đâu tốt và đẹp bằng.

Từ những vật dụng nhỏ như nồi, niêu, ấm… cho đến những loại có kích thước lớn như lu, vại, ché… đều được làm bằng phương pháp thủ công rất thuần thục.

Thương lái từ khắp nơi đổ về "thánh địa gốm" Phước Tích lấy hàng, kể cả những nơi xa xôi như Quảng Ngãi, Phú Yên… Những lò nung luôn đỏ lửa nhưng vẫn không đủ hàng cho khách. Cũng chính nhờ sự trù phú từ nghề gốm mang lại mà Phước Tích trở thành một trong những thủ phủ của đất cố đô thời bấy giờ. Trong làng hiện còn có hơn 100 ngôi nhà cổ, trong đó có đến 30 nhà được xếp vào loại độc đáo nhất của các làng cổ Việt Nam.

Giống như bao ngôi nhà cổ khác trong làng, nhà cụ Trương Công Bậc được thiết kế theo kiểu ba gian hai chái. Mái lợp ngói liệt đã thắm nâu, tường gạch rêu phong cổ kính. Hàng cửa bản khoa sậm đen mầu thời gian tạo nét thâm nghiêm. Cái sân trước nhà rộng thênh thang được lót bằng gạch còn khá nguyên vẹn.

Khu vườn đầy cây trái mang đậm dấu ấn cổ xưa. Và những vật dụng thiết yếu trong nhà cụ Bậc đều được làm bằng gốm cổ. Bộ ấm uống trà, bình cắm hoa, nồi, niêu…với những đường nét vừa đơn giản vừa tinh xảo, bền bỉ qua thời gian. Hiện ở Phước Tích có một hệ thống gồm 48 nhà rường cổ có độ tuổi hàng trăm năm. Những ngôi nhà thờ họ, miếu mạo với kiến trúc độc đáo. Làng đã 2 lần được vua ân tứ, với một nghề gốm truyền thống, nghề làm tương lâu đời với thương hiệu nổi tiếng.

Phai theo thời gian

Sự phát hiện làng cổ Phước Tích được đánh giá ngang với sự phát hiện phố cổ Hội An vào những năm 80 của thế kỷ 20. Mặc dù vậy trong khoảng 2-3 chục năm trở lại đây nghề gốm đã không có “đất dụng võ”. Phần vì sản phẩm không có đầu ra khi không cạnh tranh nổi với các vật dụng được làm từ những chất liệu hiện đại, phần vì thế hệ trẻ ở Phước Tích không mấy mặn mà với cái nghề đã tạo nên tên tuổi của cha ông họ.

Mặc dù hết sức tâm huyết với nghề và đã dốc tâm truyền dạy cho bao thế hệ nhưng bà thợ cả Lê Trọng Thị Vít (90 tuổi) cũng phải thừa nhận: "Làng ni hiện chỉ có người già tụi tui còn giữ nghề thôi. Con cháu nó đi xa hết lấy ai mà chỉ dạy, chắc cũng bỏ thôi chứ theo nghề lấy gì mà sống”. Là một trong những học trò của cụ Vít, đã từng được xem là "bàn tay vàng" của làng nhưng bà Nguyễn Thị Vọng (72 tuổi) cũng đã "tắt lò" từ hàng chục năm nay.

Vào nghề từ thời còn để chỏm, làm ra không biết bao nhiêu sản phẩm gốm nhưng rồi cuối cùng cũng phải bỏ nghề vì...không đủ sống. Bỏ gốm bà Vọng chuyển sang buôn bán. Thỉnh thoảng "nhớ nghề" bà lại đào một ít đất, trộn thêm nước ngồi mày mò làm một số vật dụng nhỏ ôn lại thời kỳ hoàng kim.

"Tiềm năng du lịch"

Từ sau năm 2006, vào các dịp Festival, dân làng Phước Tích khấp khởi mừng và tưởng chừng làng được hồi sinh với mô hình triển lãm gốm truyền thống và tour du lịch “Hương xưa làng cổ”. Nghề gốm của làng lại có dịp loé sáng. Khách du lịch đổ xô về chiêm ngưỡng làng nghề một thời đã tung hoành ở đất cố đô. Những nghệ nhân có tay nghề trong làng được mời ra biểu diễn. Nhưng rồi "ngày vui ngắn chẳng tày gang", sau festival làng lại ảm đạm như xưa. Những lò gốm chỉ được đỏ lửa trong thời gian ngắn phục vụ du lịch lại nhanh chóng...tắt ngấm.

Chứng kiến bao thăng trầm của ngôi làng nghề cổ, ông Trương Đức Kiến (82 tuổi) tâm sự: “Làng ni làm du lịch được. Rồi kết hợp với dân tạo nơi nghỉ lại cho khách, tổ chức cho khách thưởng thức “cây nhà lá vườn” như: Cơm niêu, cá kho rim, đĩa rau sống, tổ canh cá sông, vã kho, bánh trái nước uống theo phong cách nhà vườn. Cho du khách tự tay nhào đất, nặn nên một sản phẩm gốm, bày cho họ cách nung một sản phẩm gốm như thế nào…"

Xét về tiềm năng du lịch của Phước Tích, nhiều hội thảo khoa học, nhiều đoàn nghiên cứu văn hoá, hội kiến trúc sư Việt Nam… đã khẳng định: Phước Tích là một tiềm năng du lịch lớn cả về du lịch sinh thái lẫn văn hoá.

Tuy vậy, trên thực tế Phước Tích vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng nào trong chiến lược phát triển du lịch của TT-Huế. Phải đến cuối năm 2007, UBND huyện Phong Điền mới ban hành Quy chế tạm thời bảo tồn và phát triển làng di sản Phước Tích, xã Phong Hoà.

Ông Nguyễn Khoa Túc - Phó Chủ tịch xã Phong Hoà cho biết: “Trước đây, khi chưa ban hành Quy chế tạm thời bảo tồn và phát triển làng di sản Phước Tích, chúng tôi đã nỗ lực khuyên nhủ bà con nên bảo tồn nhà cổ. Ví dụ như, ai xây rào bằng gạch thì xã khuyên họ nên làm rào bằng cây chè tàu, ai có ý định bán nhà đập nhà thì khuyên can... Hiện tại, dân phải bỏ tiền túi ra tự bảo tồn thôi…”


Xã Phong Hoà đã cung cấp kinh phí cử 4 thanh niên là Lương Thanh Hiền, Nguyễn Phước Tâm, Nguyễn Trường Sơn, Hà Vĩnh Phúc ra làng gốm Bát Tràng học tập thêm phương pháp làm gốm mới. Sau 6 tháng học tập hiện cả 4 người đã quay về, cùng nhau xây dựng lò mới theo phương pháp mới. Dự kiến cuối tháng 8 sẽ xuất mẻ gốm đầu tiên. Lương Thanh Hiền hồ hởi: "Chúng tôi quyết tâm sẽ khôi phục lại làng nghề truyền thống, để dân Phước Tích tiếp tục sống được với nghề gốm".

(NongnghiepOnline)

No comments:

Post a Comment