Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » » » Doanh nghiệp dính bẫy... lừa quảng cáo

Sợ bị thông tin sai trên sách hướng dẫn du lịch nên sửa rồi ký vào giấy xác nhận thông tin, không dè dính bẫy, mang nợ hàng ngàn euro.


Công ty Du lịch H. (quận 5, TP.HCM) vừa bất ngờ nhận được thư đòi nợ khoảng 2.300 euro (khoảng 60 triệu đồng) cho một “hợp đồng quảng cáo”. Trong khi đó, Công ty H. đinh ninh rằng tờ giấy kia chỉ là bản cung cấp thông tin mà thôi.


Mời miễn phí...


Tháng 8 năm ngoái, Công ty H. nhận được thư gửi qua bưu điện của Công ty NovaChannel AG (tại Thụy Sĩ) giới thiệu về ấn phẩm Tourist Directory (sách chỉ dẫn du lịch) sắp xuất bản.

Trong thư nói rằng NovaChannel AG sẽ đưa thông tin mà họ hiện có về Công ty H. vào cuốn sách một cách miễn phí. Tuy nhiên, trong số thông tin “hiện có” đó, chỉ có tên Công ty H. là đúng, phần địa chỉ công ty thì bị sai lệch một chút, còn lại số điện thoại, fax, địa chỉ website thì sai hoàn toàn. Thư này cũng đề nghị Công ty H. sửa chữa lại thông tin và gửi trở lại cho NovaChannel AG để họ có thể cập nhật thông tin chính xác cho cuốn sách.

Anh nhân viên xử lý lá thư này lo ngại thông tin sai lệch trên sẽ bị đưa vào sách hướng dẫn du lịch, thấy sự việc cũng đơn giản nên anh tự sửa chữa lại, ký tên (không ghi rõ họ tên, cũng không đóng dấu công ty) và gửi bưu điện cho NovaChannel AG. Anh nghĩ rằng thông tin này sẽ được đăng miễn phí trong thời gian sắp tới.


Đến tháng 3/2008, Công ty H. nhận được thư của NovaChannel AG đòi nợ trên 1.000 euro cho một lần quảng cáo trong cuốn sách chỉ dẫn du lịch. Tháng 5, công ty này lại tiếp tục gửi thư, số nợ lần này lên gần 2.300 euro! Bởi vì trong quá trình đòi nợ, dù đòi không được, NovaChannel AG báo cáo vẫn thực hiện “hợp đồng”, tiếp tục quảng cáo về Công ty H. trong sách thêm một kỳ nữa và quảng cáo trong đĩa CD TouristDirectory.


Chào hàng hay bẫy giao dịch?


Đến nay, Công ty H. vẫn khẳng định tờ giấy trên chỉ là bản xác nhận, chỉnh sửa lại thông tin cho đúng chứ không phải đơn đặt hàng quảng cáo gì cả. Công ty này cho rằng “Chào hàng-đặt hàng đâu có đơn giản dữ vậy. Mà muốn đặt hàng thì cũng phải đặt cọc hay trả tiền trước rồi mới thực hiện hợp đồng. Đằng này, chưa hề làm ăn gì với nhau, sao lại có thể xem là đặt hàng quảng cáo được!”.


Sau khi xem xét, một luật sư cho rằng tờ giấy trên có thể được xem là một hợp đồng mà trong đó Công ty H. yêu cầu NovaChannel AG đăng quảng cáo. Tuy nhiên, đây là một hợp đồng rất dễ gây nhầm lẫn!


Luật sư này phân tích rằng bức thư trên đã đưa Công ty H. vào tình huống dễ dàng ký tên và gửi lại cho NovaChannel AG. Trong thư đưa ra “đe dọa” nếu Công ty H. không gửi lại tờ giấy trên thì NovaChannel AG sẽ xuất bản chỉ dẫn sai lệch về Công ty H. Muốn không bị sai lệch thì Công ty H. phải đặt hàng. Mà muốn đặt hàng thì cần phải ký tên.


Bức thư đưa thêm vài chi tiết dễ gây nhầm lẫn về miễn phí, thế là con mồi rất dễ sập bẫy, ký tên vào thư, cứ nghĩ rằng đó là ký xác nhận lại thông tin, ai ngờ đó chính là ký hợp đồng theo điều khoản ràng buộc ghi ở phía dưới cùng của bức thư. Theo điều khoản ràng buộc này, xem như Công ty H. đã đặt hàng quảng cáo và tuân thủ hợp đồng này theo luật Thụy Sĩ.


Đã có hàng ngàn nạn nhân


Luật sư này cho rằng Công ty H. đã lâm vào thế kẹt, nếu không trả tiền thì có thể bị NovaChannel AG kiện ra tòa ở Thụy Sĩ. Nếu Công ty H. chứng minh được “hợp đồng có dấu hiệu lừa dối, gây nhầm lẫn” thì có thể thắng kiện nhưng chi phí đi lại hầu tòa để chứng minh thì không rẻ hơn 2.300 euro. Còn nếu bỏ mặc vụ kiện ra sao thì ra thì phải trả thêm phí thua kiện, phí thi hành án nữa.


Công ty H. đã tìm hiểu về “đối tác” bất đắc dĩ. Họ phát hiện ra mình chỉ là một trong số hàng ngàn nạn nhân sập bẫy hợp đồng này, dưới dạng giới thiệu thông tin chỉ dẫn du lịch, giới thiệu thông tin triển lãm, sách thông tin thương mại... Tổ chức Liên minh về tiêu chuẩn quảng cáo của châu Âu cũng đưa ra cảnh báo về hợp đồng trên để các doanh nghiệp dè chừng và cũng thông báo có hàng ngàn thư phản hồi của các doanh nghiệp cho rằng hợp đồng trên mang tính lừa đảo.

Thậm chí một tổ chức phi thương mại đã được lập ra, tạo hẳn một website để phản ứng lại kiểu làm ăn của NovaChannel AG. Do đó mà các công ty châu Âu cũng đã cảnh giác với kiểu hợp đồng miễn phí này. Tuy nhiên, doanh nghiệp ở những quốc gia khác thì chưa có kinh nghiệm.

Trên một số website cũng đưa ra tư vấn cho các doanh nghiệp rằng không cần phải trả tiền cho hợp đồng vì đây là hợp đồng gian lận. Đồng thời còn hướng dẫn doanh nghiệp gửi thư tường trình cho cơ quan quản lý tại Thụy Sĩ, cũng như tại quốc gia của mình để các cơ quan này xử lý hợp đồng trên và cảnh báo cho các doanh nghiệp khác.
(Onboom)

Post a Comment