Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » CEO Mỹ: Thời « thắt lưng buộc bụng »

Lần đầu tiên sau nhiều năm, bảng lương cho các Tổng giám đốc (CEO) tại Mỹ bắt đầu ngót lại trong năm 2007. Con số này không nhỏ chút nào, khi mức sụt giảm trung bình tại bang California là 10%. Xu thế này diễn ra trên toàn nước Mỹ do phản ứng ngày một mạnh mẽ của các nhà đầu tư.


Sau nhiều năm mức lương dành cho các CEO tăng đều đặn, trong nỗi bất bình âm ỉ của các cổ đông, rồi thì cũng tới lúc “cái ung cũng vỡ”: Lương cho CEO đã thực sự sụt giảm. Cuộc thăm dò hàng năm của tờ “Los Angeles Times” về mức lương của các CEO cho thấy trong năm 2007, 100 công ty lớn nhất bang California đã xén bớt trung bình khoảng 10% quỹ lương cho các quan chức điều hành chóp bu so với năm ngoái.


Những quan chức điều hành bậc trung cũng bị giảm lương, nhưng ở mức khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, theo hãng tư vấn Mercer, xu thế trên toàn nước Mỹ là tương tự, với quỹ lương CEO giảm 5,5%, đánh dấu lần giảm sút đầu tiên trong ít nhất là một thập kỷ qua.

Cổ đông “ngấm đòn”

Trước hiện tượng lương trung bình trong năm 2007 của các CEO sụt giảm, một bài báo mới đây trên tờ Business cho biết, văn bản chính thức của Mattel Inc. đã không đề cập tới lý do tại sao hồi năm ngoái tổng lương mà công ty trả cho CEO của họ, ông Robert A. Eckert, lại tăng tới 89%. Trên thực tế, văn bản kết luận mức tăng này bắt nguồn từ khoản thưởng khuyến khích dài hạn, mà cứ ba năm một lần công ty vẫn trả cho nhân viên.

Lương của các CEO phải tương ứng với kết quả hoạt động của công ty và chất lượng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán


Mức cắt giảm lương bổng lớn nhất được áp dụng trong ngành bất động sản và thị trường cho vay thế chấp, 2 ngành công nghiệp đang trong cơn khốn đốn nhất tại Mỹ. Điều đó cho thấy rằng, các ông chủ công ty muốn CEO của họ phải chia sẻ một phần trách nhiệm từ hoạt động kém cỏi của công ty thời gian qua.


Ví dụ như Countrywide Financial Corp. - “gã khổng lồ” chuyên về tín dụng nhà đất _- mới thông báo khoản lỗ 704 triệu USD trong năm 2007 so với lợi nhuận 2,7 tỉ USD một năm trước đó. Công ty này đã cắt giảm 77% lương của Chủ tịch kiêm CEO Angelo Mozilo (từ 48,1 triệu USD xuống còn 10,8 triệu USD).


Và Ryland Group Inc., công ty xây dựng có trụ sở tại Calabasas, cũng thông báo khoản lỗ 334 triệu USD hồi năm ngoái. Đó là cả một cú sốc nặng nề nếu biết lợi nhuận năm 2006 của họ là 360 triệu USD, và kết quả là Chủ tịch kiêm CEO của công ty, R. Chad Dreier buộc phải ngậm ngùi chấp nhận mức lương của giảm 55%.

Quan điểm gắn kết mức lương bổng với hiệu quả công việc đã có từ nhiều thập kỷ nay. Nhưng từ trước năm ngoái, thậm chí khi việc kinh doanh có dấu hiệu sa sút, thì lương cho CEO vẫn tăng vù vù, khiến nhiều người chỉ trích rằng các công ty đang quá “mù quáng.” Nhưng theo chuyên gia Diane Doubleday - người phụ trách dịch vụ đánh giá tiền lương của hãng Mercer – điểm khác biệt lúc này là thái độ bất mãn ngày một gia tăng của các cổ đông đã bắt đầu có tác động: “Cổ đông, những người đã ‘ngấm đòn’ vì khoản cổ tức ngày một teo tóp, đã bị kích động hơn bao giờ hết và muốn rằng chuyện trả lương cho các CEO phải tương ứng với kết quả hoạt động của công ty và chất lượng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.”

Một lý do khả dĩ nữa lý giải chuyện giảm lương, đó là việc công khai các quy định từ hai năm trước buộc hội đồng quản trị phải định rõ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công việc của CEO. Nếu mức lương Hội đồng quản trị chi trả không được xác định theo đúng công thức này, họ phải giải thích lý do. Hơn nữa, các công ty phải báo cáo về ước tính giá trị cổ phần ưu đãi mà họ trao cho các CEO.

Theo Derrick Neuhauser - chuyên gia tư vấn lương bổng CEO của BDO Seidmann thì việc công khai hoá tối đa các quy định “ngày nay đã tác động sâu sắc tới mức chi trả lương bổng”. Hơn nữa, luật pháp quốc gia cũng như các quy chế ngành đang được thay đổi để đám cổ đông dễ cáu kỉnh có thể dễ dàng hơn trong việc phế truất các giám đốc, những người vốn luôn háo hức thông qua các quỹ lương khổng lồ. Tại gần 100 công ty lớn ở Mỹ, các nhà đầu tư thuộc hiệp hội thậm chí còn liên kết nhau lại để lật đổ các giám đốc.


“Các nhà đầu tư đã phát điên lên vì mức lương của CEO và bắt đầu trả đũa”, Patrick McGurn - Phó Chủ tịch điều hành Institutional Shareholder Services, hãng tư vấn quản lý công ty cho các cổ đông lớn, nhận định: “Họ sẽ nói rằng nếu các ngài thông qua những kế hoạch lương này, chúng tôi sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm cả những người đứng đầu uỷ ban tiền lương.”

“Nội chiến” âm ỉ

Thậm chí cả chính phủ Mỹ cũng đã xắn tay vào cuộc khi quốc hội tổ chức các phiên điều trần để xem xét xem liệu các cuộc “nội chiến” này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thị trường tín dụng thế chấp, cũng như một số đề xuất nhằm hạn chế thu nhập của các CEO. “Trả lương CEO luôn là cuộc thương lượng giữa các giám đốc, giới điều hành và cổ đông,” Jack Marsteller - người phụ trách mảng tiền lương thuộc hãng tư vấn Towers Perrin ở Los Angeles - nhận định: “Trong quá khứ, cán cân quyền lực thường nghiêng về giới điều hành. Giờ nó đã thay đổi.”

Nhưng khó có thể nói rằng luôn có sự ăn khớp hoàn hảo giữa mức lương và hiệu quả công việc. Trên thực tế, vẫn có những công ty hoạt động kém cỏi lại trả mức lương khổng lồ cho các CEO.

KB Home Corp. - công ty xây dựng có trụ sở tại Los Angeles mới thua lỗ 929,4 triệu USD trong năm 2007 sau khi kiếm được 428 triệu USD một năm trước đó - thông báo rằng CEO Jeffrey Mezger không đáp ứng được tiêu chuẩn tiền thưởng của công ty. Vậy nên, HĐQT đã “linh động” tặng ông này 6 triệu USD tiền thưởng để thay vào đó. Và kết quả là, tổng thu nhập của Mezger đã tăng vọt từ 5,9 triệu USD trong năm 2006 lên 16,4 triệu USD năm 2007.

Tại sao lại có mức tăng khủng khiếp này? Theo thông báo chính thức, ủy ban tiền lương thuộc Hội đồng quản trị công ty rất khoái cung cách xử lý công việc của ông này trong năm đầu tiên trên cương vị CEO của KB theo hướng cắt giảm chi phí và gia tăng độ hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên, lý do mà Hội đồng quản trị tăng tới con số 6 triệu USD thì cũng chưa rõ ràng. Thông báo của KB không giải thích điều này, đồng thời cũng từ chối bình luận.

Live Nation Inc., công ty quảng cáo có trụ sở tại Beverly Hills, luôn thông báo mức lỗ hàng năm kể từ khi tách ra từ Clear Channel Communications Inc. năm 2005. Hồi năm ngoái, Live Nation lỗ 11,9 triệu USD so với mức 31,4 triệu USD năm 2006, nhưng CEO Michael Rapino vẫn được tăng lương tới 627%. Ngạc nhiên chưa? Thông báo chính thức của Live Nation chẳng giải thích gì, trong khi công ty từ chối bình luận.


Tại công ty sản xuất đồ chơi Mattel Inc., thu nhập tăng 21% trong năm 2007, nhưng CEO Robert A. Eckert lại được tăng lương tới 89%. Tại sao vậy? Thông báo chính thức của Mattel vẫn lặng thinh về vấn đề này. Còn nữ phát ngôn viên Lisa Marie Bongivanni chỉ nói vắn tắt rằng việc tăng lương cho Eckert bắt nguồn từ chính sách thưởng khuyến khích trong dài hạn mà công ty vẫn trả 3 năm một lần.

Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục suy thoái

“Khi nhìn thấy một mức tăng như vậy, hiển nhiên là bạn sẽ muốn tìm hiểu nguyên nhân. Nhưng thay vì được nghe một lời diễn giải lưu loát, các cổ đông chỉ nhận được một mớ những ngôn từ chuyên môn và thuật ngữ khó hiểu,” chuyên gia McGurn thuộc Institutional Shareholder Services nói,“tôi nghĩ một trong số các lý do là họ ngại sự phản ứng và trách nhiệm giải trình. Họ có thể tăng vống mức lương mà chẳng gặp bất cứ trở ngại nào từ chính các chủ nhân của công ty.”

Daniel Pedrotty - Giám đốc đầu tư thuộc hiệp hội AFL-CIO, cho rằng chuyện lương bổng không bị ràng buộc với hiệu quả kinh doanh là vẫn xảy ra vì các cổ đông thiếu “vũ khí” để gây áp lực với các giám đốc. Trong những năm gần đây, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái đã nghiên cứu khả năng cho phép các cổ đông đề cử ứng viên giám đốc mà không cần phải có một cuộc đua tranh quá tốn kém. Tuy nhiên, cơ quan này chưa thể thực hiện được cái ý tưởng mà các nhóm doanh nghiệp cho là sẽ dẫn tới sự can thiệp tai hại vào nội bộ công ty.


Nhưng ông Pedrotty cho rằng chuyện sẽ khác kể từ năm tới, một phần là do cả ba ứng cử viên tranh ghế Tổng thống Mỹ đều chỉ trích các phương pháp trả lương CEO hiện tại. Thượng nghị sĩ Barack Obama hồi năm ngoái đã giới thiệu dự luật cho phép các cổ đông được có tiếng nói trong việc trả lương cho CEO. Thượng nghị sĩ Hillary Rodham Clinton mới đây đã đề nghị dự luật tương tự và còn đặt ra một số giới hạn trong chi trả lương cho đối tượng này. Thượng nghị sĩ John McCain cũng từng chỉ trích mạnh mẽ mức lương của một số CEO là rất phi lý.


Nhưng, có thể năm tới sẽ lại là thái độ kiềm chế quen thuộc của các nhà hoạt động trong giới cổ đông, những người cứ luôn phàn nàn chuyện lương bổng CEO kể từ năm 1990. “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng. Những gì chúng tôi được chứng kiến trong năm nay là quá tích cực rồi,” Giám đốc McGurn nói, “Nhưng nếu đà suy thoái kinh tế này còn tiếp tục, liệu Hội đồng quản trị có thể khăng khăng bám vào tư duy ấy? Liệu họ có tiếp tục cắt giảm, hay giữ nguyên mức lương CEO nếu như công ty lại gặp phải một năm tồi tệ nữa? Đó mới là điểm mấu chốt của vấn đề.”

(DĐDN)

Post a Comment