Saturday, January 26, 2013

15 cách để hạnh phúc hơn trong công việc

TIPS - Học cách quản lý cảm xúc của tính bạn và cảm xúc của những người xung quanh bạn.


Hạnh phúc của bạn trong công việc (cũng như trong cuộc sống) phụ thuộc rất lớn vào việc bạn quản lý cảm xúc chính bạn và cảm xúc của những người quanh bạn như thế nào. Để đạt được điều này, bạn phải nuôi dưỡng "con đường thông minh" hoặc "trí tuệ cảm xúc" của bạn. Dưới đây mà một số cách:

1. Hãy quyết đoán

Bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của bạn với sự tự tin, nhưng không cần phải "thắng" trong các cuộc thảo luận.

2. Hãy tự nhận thức

Nhận biết và hiểu những gì bạn đang cảm thấy trong mọi tình huống và lý do tại sao bạn cảm nhận như vậy.

3. Hãy thấu cảm

Hiểu và đánh giá cao tình cảm của những người khác, ngay cả khi bạn cảm nhận hoàn toàn khác.

4. Hãy tập trung vào giải pháp

Thay vì phàn nàn về các vấn đề, cô lập chúng và đưa ra một giải pháp hiệu quả.

5. Hãy khen ngợi

Cho phép chính bạn tận hưởng công việc của bạn, sự hiện diện của các đồng nghiệp của bạn và những thách thức sắp tới của công việc.

6. Hãy hãnh diện và khiêm tốn

Thực tế đánh giá cao thế mạnh của bạn trong khi chấp nhận những hạn chế không thể tránh khỏi của bạn.

7. Hãy phát triển nhận thức

Theo đuổi sự phát triển khả năng và tài năng của bản thân.

8. Hãy độc lập

Hãy tự định hướng và tự kiểm soát tư duy và hành động của bạn.

9. Hãy tử tế

Không ai thực sự hạnh phúc nếu họ có ý nghĩa đối với những người xung quanh họ.

9. Hãy giao tiếp

Thúc đẩy và duy trì sự gần gũi tình cảm thông qua các cuộc trò chuyện có ý nghĩa.

11. Hãy thực tế

Phân biệt giữa trải nghiệm cảm xúc của bạn thực tế và mục tiêu khách quan.

12. Hãy linh hoạt

Điều chỉnh cảm xúc và hành vi của bạn để thay đổi tình hình và điều kiện.

13. Hãy lạc quan

Duy trì một thái độ tích cực ngay cả khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch hoặc kỳ vọng.

14. Hãy phục hồi

Học cách chịu đựng các sự kiện bất lợi, các tình huống căng thẳng, và những cảm xúc mạnh mẽ.

15. Hãy thận trọng

Điều chỉnh cảm xúc của bạn và chống lại sự cám dỗ dẫn tới hành động một cách vội vàng.

Theo INC.

Friday, January 25, 2013

Xây dựng website di động trong tích tắc

MOBILE WEBSITE - Chương trình GoMo của Google đã mở rộng và giờ đây cung cấp một ứng dụng xây dựng website di động tự xây dựng (DIY - Do it yourself) với sự hợp tác của DudaMobile. Công cụ này cung cấp lưu trữ miễn phí cho một năm, các mẫu chuyên nghiệp, và các tính năng cao cấp như "nhấp để gọi" và bản đồ di động.


Hãy thử nhìn các con số thống kê để xem tương lai kinh doanh trên di động:

- Tìm kiếm trên di động đã tăng 400% kể từ 2010. (Theo Gartner, Google)

- 61% người dùng thực hiện cuộc gọi tới một doanh nghiệp sau khi tìm kiếm và 59% khách hành tới thăm địa điểm. (Theo Google)

- 81% người dùng thích website di động hơn ứng dụng di động để nghiên cứu giá. (Theo Adobe)

-  Vào năm 2013, số người sử dụng di động truy cập intertnet sẽ nhiều hơn người dùng máy tính cá nhân. (Theo Google).

Còn bây giờ, hãy đem website của bạn lên di động:

GoMo và DudaMobile đã hợp tác để giúp bạn xây dựng website dành cho máy tính để bàn của bạn có giao diện di động thân thiện hơn. Bạn chỉ cần nhập địa chỉ website của bạn vào bên dưới và chúng tôi sẽ tự động tạo website di động của bạn với các mẫu chuyên nghiệp. Nhiều tùy chỉnh cho website mới nếu bạn muốn, và sau đó xuất bản với một cú nhấp chuột duy nhất.


Hỗ trợ bởi: Google và DudaMobile.

Xác định mô hình khởi nghiệp cùng Guy Kawasaki

STARTUP - Khi bạn muốn thành lập công ty , bạn cần tạo ra ý nghĩa vì sao nó tồn tại, sau đó bạn đi tìm  câu thần chú.  Bước kế tiếp, bạn đã bắt đầu tạo mẫu cho sản phẩm, dịch vụ. Bước thứ tư này là xác định mô hình kinh doanh. Để làm như vậy, bạn cần trả lời hai câu  hỏi:

Ai có tiền trong túi?
Bạn làm thế nào để moi tiền ra khỏi túi của họ?


Những câu hỏi này có vẻ không mấy tế nhị nhưng nó lại rất hiệu quả khi xác định tính khả thi của việc thành lập một tổ chức – ngay cả và nhất là các tổ chức phi lợi nhuận, những tổ chức chỉ cần có mức tài chính đủ để duy trì hoạt động. Bạn không thể nào tạo dựng một công ty tầm cỡ nếu bạn không thể tồn tại, và khi bạn hết tiền, giấc mơ của bạn sẽ chấm dứt.

Nói theo cách tế nhị hơn, câu hỏi thứ nhất là xác định khách hàng tiềm năng và nhu cầu của họ. Câu hỏi thứ hai giúp bạn tạo ra một hệ thống bán hàng có khả năng đảm bảo doanh thu lớn hơn chi phí. Dưới đây là một số lời khuyên khi xác định mô hình kinh doanh:

Hãy cụ thể. Bạn miêu tả được khách hàng càng chi tiết càng tốt. Rất nhiều doanh nhân sợ thất bại do rơi vào thế độc nhất và không đạt được tầm ảnh hưởng rộng. Tuy nhiên, các công ty thành công nhất đã khởi đầu bằng cách nhắm vào những thị trường cụ thể và phát triển nhanh chóng, mà thường là rất bất ngờ, nhờ mở rộng sang các phân đoạn thị trường khác. Rất ít công ty khởi đầu với những mục tiêu lớn lao mà lại đạt được những mục tiêu đó.

Hãy đơn giản. Nếu bạn không thể miêu tả mô hình kinh doanh của bạn trong mười từ hay ít hơn, bạn chưa có mô hình kinh doanh. Bạn nên dùng khoảng mười từ và sử dụng chúng khôn ngoan bằng cách chọn những từ đơn giản. Hãy tránh dùng những thuật ngữ kinh doanh gây nhàm chán như chiến lược, sứ mệnh sống còn, tầm cỡ thế giới, hiệp lực, người tiên phong, leo thang, tầm cỡ doanh nhân…. Ngôn ngữ kinh doanh không tạo nên một mô hình kinh doanh. Hãy tham khảo mô hình kinh doanh của eBay: “Chỉ mất một khoản phí lập danh sách cộng với tiền hoa hồng”. Chỉ có vậy.

Đi theo một mô hình có trước. Thương mại đã có từ rất lâu và cho đến giờ những người thông minh đã hoạt động trong tất cả các ngành kinh doanh. Bạn có thể đổi mới công nghệ, thị trường và khách hàng nhưng tạo ra một lĩnh vực kinh doanh mới thì không phải là ý định khôn ngoan. Vì vậy, hãy dẫn dắt hoạt động kinh doanh của bạn theo một mô hình đã nổi tiếng và được mọi người biết đến. Dù có như vậy, bạn cũng sẽ phải chiến đấu ở rất nhiều mặt trận khác.

Lời khuyên cuối cùng của tôi là bạn hãy tham khảo ý kiến của phụ nữ, và chỉ phụ nữ thôi. Lý thuyết của tôi là trong AND của đàn ông có một gen khiến đàn ông muốn giết hại con người, động vật và cây cối. Mặc dù xã hội đã cố gắng kiềm chế đáng kể loại gen này nhưng việc sáng lập ra một tổ chức chỉ để tiêu diệt một tổ chức khác vẫn được xã hội chấp nhận. Ví dụ như Sun Microsystem muốn tiêu diệt Microsoft.

Ngược lại, phụ nữ không có gen này. Họ đánh giá tính khả thi của các mô hình kinh doanh tốt hơn. Các bạn vẫn còn chưa tin? Cuốn sách Phần thưởng của Darwin (The Darwin Awards) cung cấp những bằng chứng không thể chối cãi về khả năng vượt trội này là của phụ nữ. Những phần thưởng này để tưởng niệm “những người đã tách mình ra khỏi ngân hàng gen một cách ngốc nghếch đến không thể tưởng tượng nổi”.

Theo Việt Nam Franchise World.

Thursday, January 24, 2013

Xu hướng lãnh đạo trong năm 2013

LÃNH ĐẠO - Mạng xã hội không chỉ là xu hướng duy nhất trong thế giới kinh doanh. Phương pháp quản lý và phong cách lãnh đạo cũng có những xu hướng riêng.


Andrew Graham, chủ tịch và CEO của tập đoàn Forum, một trong những công ty đào tạo nhân sự lớn nhất nước Mỹ và toàn cầu, đã đưa ra một số dự đoán thú vị về xu hướng lãnh đạo trong năm 2013:

Phải lãnh đạo sự thay đổi

Trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, các công ty phải cắt giảm lương, thưởng, những biến động liên tục đã trở thành “chuyện thường ngày” ở công sở. Nếu không kiểm soát những thay đổi đó, bạn sẽ tạo ra một môi trường làm việc lộn xộn.

Graham cho biết Forum đã nghiên cứu và đưa ra 3 cách giải quyết cho các nhà lãnh đạo trước sự biến động:

-  Tạo dựng sự linh hoạt theo hoàn cảnh.
-  Luyện tập khả năng phán đoán theo hành động.
-  Phát triển sự khôn ngoan chuyên nghiệp.

Thêm vào đó, hãy tạo thêm sự tự tin cho nhóm của bạn rằng thay đổi không đồng nghĩa với những biến động tiêu cực và ra quyết định tùy theo tình hình thực tế thay vì cứng nhắc áp đặt quy tắc giải quyết chung.

Người quản lý tốt sẽ ngày càng khó tìm

Do những thay đổi đề cập ở trên, những người quản lý giỏi có xu hướng tự mình kinh doanh riêng thay vì hoạt động cố định trong một công ty. Vì thế mà việc tìm kiếm người quản lý giỏi ở các công ty sẽ khó khăn trong năm 2013 này. Graham nói: “Đừng mong chờ sẽ tìm được một người xuất sắc từ bên ngoài. Thay vào đó, hãy tự “ươm trồng” tài năng cho mình: thuê những người có tiềm năng phát triển hoặc những người lãnh đạo mới nổi và đầu tư cho họ”.

Hãy đảm bảo rằng bạn có chương trình đào tạo nhân viên phù hợp và định hướng rõ ràng cho nhân viên của mình vươn tới vị trí cao hơn, làm việc năng suất hơn. Như vậy, bạn không chỉ nuôi dưỡng những người lãnh đạo xuất chúng mà còn làm gia tăng doanh thu cho công ty.

Kỹ năng lãnh đạo con người sẽ được đánh giá cao hơn

Trong tất cả các kỹ năng và kinh nghiệm cần có của một người quản lý, khả năng lãnh đạo con người được đánh giá cao hơn theo từng năm. Theo nghiên cứu “Quản lý nhân tài ở Trung Quốc và Mỹ” của công ty đào tạo quản lý Leadership IQ, công ty có người quản lý với kỹ năng lãnh đạo con người tốt hoạt động hiệu quả hơn các công ty khác cùng lĩnh vực.

Các công ty muốn có được nhân tài làm tốt kỹ năng này nên kết hợp 4 nguyên lý sau trong đào tạo nhân viên:

- Tư duy như một nhà lãnh đạo.
- Đào tạo, hướng dẫn nhóm.
- Đạt kết quả thông qua người khác.
- Liên kết con người.

Lãnh đạo “đa cấp”

Nếu như những năm qua, lãnh đạo thường chú trọng tới cá nhân thì trong năm 2013 này, lãnh đạo là sự nỗ lực của cả nhóm. Vì người lãnh đạo liên tục phải đối phó với những thử thách mới chưa từng trải nghiệm nên họ phải viện tới mọi nguồn lực có thể, từ mạng lưới quan hệ xã hội, nhân viên tới những nhà lãnh đạo khác để đưa ra biện pháp giải quyết tốt nhất.

Graham gợi ý các nhà lãnh đạo nên xây dựng hệ thống lãnh đạo “đa cấp”, trong đó:

- Đảm bảo sự nhất quán giữa các cấp độ: năng lực, khái niệm, ngôn ngữ và chủ đề nhất quán.
- Chuẩn bị vững chắc cho từng cấp độ tiến tới cấp độ tiếp theo.
- Chủ ý kết nối các nhà lãnh đạo từ các đơn vị, chức năng và vị trí bằng các cơ hội đào tạo và phát triển.

Là người lãnh đạo nhưng có thể bạn không có đáp án cho mọi vấn đề. Song người lãnh đạo giỏi ít nhất cũng phải biết tìm kiếm đáp án ở đâu.

Chương trình đào tạo nhân sự không nên là một sự ép buộc

Trong những năm gần đây, các công ty thường cố gắng “nhồi nhét” càng nhiều thông tin càng tốt cho nhân viên bằng các khóa học, khóa đào tạo chỉ vài tiếng đồng hộ. Graham cho rằng chương trình đào tạo như vậy sẽ phản tác dụng. Ông nói: “Người học không muốn tới lớp đào tạo mà ở đó họ bị ép phải làm việc với tốc độ chóng mặt, hoàn thành những bài tập khó trong khi vẫn phải bắt nhịp với công việc hàng ngày”.

Graham dự đoán xu hướng năm tới là hạn chế những chương trình đào tạo bắt buộc cho nhân viên. Học là điều cần thiết nhưng cũng phải tạo điều kiện để kết nối nhóm, rèn luyện tinh thần đồng đội.

Dù năm 2013 có những xu hướng mới, biến động ra sao, có một điều vẫn không thay đổi: một người lãnh đạo tốt có thể xây dựng niềm tin với các thành viên trong nhóm của mình, làm tăng năng suất làm việc và tạo dựng thành công cho tổ chức.

Theo Dân Trí

Wednesday, January 23, 2013

Từng bước triển khai VTiger CRM cho doanh nghiệp

CRM - Kinh doanh là một mối quan hệ giữa người bán và người mua, định nghĩa này càng đúng đắn trong thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Cùng một sản phẩm hay dịch vụ với chất lượng và giá cả tương đương, nhưng doanh nghiệp nào có mối quan hệ với khách hàng tốt hơn thì khách hàng đó sẽ là của họ.


CRM từ lâu đã là một ngành công nghiệp tỷ đô của các công ty công nghệ trên thế giới như Microsoft, SourceForce, Oracle, SAP AG... được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tính ưu việt của CRM là tạo ra một quy trình bán hàng và quản lý doanh nghiệp khép kín. Ngày nay khi xu hướng sử dụng điện toán đám mây gia tăng, CRM còn giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp linh hoạt và có thể làm việc từ bất kỳ đâu.

Tại Việt Nam, CRM được sử dụng nhiều ở trong các doanh nghiệp có quy mô lớn như các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn nhà nước, các ngân hàng,... Đây là các doanh nghiệp có quy trình kinh doanh yêu cầu khắt khe và được đầu tư sớm. Tuy vậy ở phía cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc ứng dụng CRM vẫn còn là tự phát thay vì là một phần bắt buộc trong hoạt động kinh doanh.

Chi phí đầu tư cho một hệ thống CRM có rất nhiều mức khác nhau. Có hai hình thức trả phí bản quyền của CRM là mua trọn gói hoặc trả phí theo thời gian. Các đối tác triển khai khác nhau cũng có những hình thức hỗ trợ khác nhau. Nói chung là không thể lấy một doanh nghiệp nào làm chuẩn cả.

Tuy vậy, hiện nay trên thế giới cũng có nhiều hệ thống CRM mã nguồn mở đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp quy mô từ nhỏ đến vừa (ít hơn vài trăm người dùng). Chẳng hạn như: SugarCRM, Vtiger CRM, OpenCRM, SplendidCRM, CiviCRM, XRMS CRM... thông dụng hơn cả ở Việt Nam là SugarCRM là Vtiger CRM.

Trong giới hạn bài viết này, Su club sẽ hướng dẫn từng bước triển khai CRM bằng mã nguồn Vtiger.

Công đoạn chuẩn bị

- Tải về bộ cài đặt của Vtiger CRM (phiên bản mới nhất tính đến hết năm 2012 là 5.4.0): dành cho Window; dành cho Linux; dành cho Mac.
- Bạn cần có một máy tính để cài đặt, tốt nhất nên là một máy chủ (server) để chạy liên tục và xử lý được nhiều luồng truy cập hơn. Nếu chỉ chạy trong nội bộ thì địa chỉ IP của máy tính cài đặt Vtiger CRM sẽ là máy chủ.

Bộ cài đặt sau khi thành công sẽ chiếm khoảng 500 MB bộ nhớ đĩa cứng. Đa số các máy tính ngày nay đều có đĩa cứng rất lớn với hàng vài trăm GB. Bộ nhớ trong  của máy cài đặt cũng chỉ yêu cầu từ 512 MB mà thôi.

Bắt đầu (cài đặt trên Window)

- Chạy bộ cài đặt là file .exe bạn đã tải về:


- Chọn Next để tiếp tục:


- Chọn ô đồng ý với điều khoản thỏa thuận, sau đó click Next để qua bước tiếp theo.


- Vtiger CRM tích hợp sẵn MySql, bước này sẽ hỏi bạn có muốn thay đổi port mặc định và cài đặt mật khẩu cho cơ sở dữ liệu hay không. Click Next để đi tiếp.


- Bước này bạn sẽ nhập thông tin tài khoản quản trị viên và loại tiền tệ sử dụng cho toàn hệ thống CRM. Click Next để đi tiếp.


- Chọn thư mục sẽ cài đặt Vtiger CRM, mặc định sẽ nằm trong ổ đĩa C, thư mục cha là Program Files. Click Next để tiếp tục.


- Chọn thư mục sẽ chứa biểu tượng tắt của Vtiger trong Start Menu. Click Install để tiến hành cài đặt lên đĩa cứng.

Tới đây Vtiger CRM sẽ bung mã nguồn cần thiết vào đĩa cứng, bạn chỉ cần chờ cho quá trình này kết thúc. Sau khi cài đặt thành công Vtiger CRM sẽ tự động khởi động trình duyệt web mặc định của máy tính và dẫn bạn vào trang đăng nhập. Bạn sử dụng tài khoản quản trị viên để đăng nhập và bắt đầu các bước cấu hình hệ thống.

Trong bài tiếp theo Su club sẽ hướng dẫn bạn cấu hình hệ thống, tạo và phân quyền người dùng, tùy chỉnh giao diện Vtiger CRM cho thân thiện với doanh nghiệp của bạn.

Video hướng dẫn cài đặt (tiếng Anh):


Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết này!

Nguồn tham khảo:
- Vtiger.com
- Youtube.com

Tuesday, January 22, 2013

Việt Nam đón 'bão' M&A từ Đông Nam Á

M&A - Các vụ mua bán sáp nhập diễn ra dồn dập gần đây được dự báo trở thành một trong những xu hướng chính của nền kinh tế trong năm nay. Bên mua đến từ các nước láng giềng với số vốn lớn chưa từng có.


Đây là cơ hội hay thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam?

Số đặc biệt của tờ The Economist với chủ đề “Thế giới 2013” phát hành tuần qua đã đăng tải bài viết của tác giả Simon Cox, biên tập viên theo dõi các vấn đề kinh tế châu Á, nói về 2 nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á với nhận định đáng suy ngẫm: “Khi Trung Quốc và Ấn Độ chùng lại, 2 ngôi sao mới nổi khác là Indonesia và Philippines đã sẵn sàng nắm bắt thời cơ”.

Nổi sóng M&A từ láng giềng

Nếu soi kỹ những vụ mua bán sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp Việt với đối tác từ khu vực Đông Nam Á sẽ thấy nhận định này là có cơ sở. Dưới tựa đề “Những người hàng xóm nặng ký”, tác giả đã phân tích về thế và lực mới của Indonesia và Philippines trong năm 2013.

Theo đó, từ năm 1997, Ngân hàng Thế giới thậm chí từng đưa ra dự báo về quá trình tăng trưởng trong dài hạn của nhóm “Big Five” gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia thay cho khối BRICS (không có Indonesia). “Kinh tế Indonesia đang trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, tương tự như Việt Nam năm 2007. Với mức lãi vay chỉ khoảng 5-7%/năm, các công ty Indonesia có rất nhiều lợi thế về vốn để mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Indonesia tìm đến Việt Nam”, ông Dalton Sembiring, Tham tán Công sứ Indonesia tại TP.HCM, chia sẻ với NCĐT.

Nổi bật cùng Indonesia là Philippines nhờ các nhà đầu tư nước ngoài liên tục đổ tiền vào mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước cùng dòng kiều hối hàng tỉ USD đổ về hằng năm. Nhờ vậy, hiện Philippines có mức tích lũy dự trữ ngoại hối tương đương 120% nợ nước ngoài của quốc gia này.

Ngoài Indonesia và Philippines, tác giả còn phỏng vấn bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan về chủ đề liên kết kinh tế giữa các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2013. “Mở cửa giao thương, đầu tư vào các nền kinh tế của nhau là điểm tựa chiến lược của ASEAN để trở thành một cộng đồng hiệu quả hơn vào năm 2015”, The Economist trích lời Thủ tướng Thái Lan Yingluck. Năm 2015 mà bà Yingluck đang nói đến chính là thời điểm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi đó 10 nước ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung với 600 triệu dân.

Với mục tiêu phát triển trong tương lai, cả 3 quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh việc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường lẫn năng lực sản xuất. Và Việt Nam là một trong những đích đến của họ.

Đã hơn 3 tuần kể từ thời điểm thương vụ Prime Group bán tới 85% cổ phần cho đại gia SCG của Thái Lan được công bố, nhưng dư âm về giá trị khủng của vụ M&A này cùng tương lai của thương hiệu Prime vẫn tiếp tục được bàn tán sôi nổi. Chỉ riêng lý lịch của 2 đối tác cũng đủ để gây chú ý. Prime hiện là nhà sản xuất gạch men lớn nhất khu vực Đông Nam Á, thứ năm thế giới và chiếm 20% thị phần gạch ốp lát trong nước; còn SCG hiện có tới 17 công ty tại Việt Nam với doanh thu khoảng 300 triệu USD/năm.

Cùng thời điểm M&A giữa SCG và Prime, Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền cũng công bố việc bán 70% vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long cho Tập đoàn Semen Gresik của Indonesia với giá 230 triệu USD. Semen Gresik là tập đoàn xi măng của Nhà nước, chiếm khoảng 42% thị phần tại Indonesia và đây là vụ M&A đầu tiên của Semen Gresik ở nước ngoài. Còn Geleximco là một tập đoàn tư nhân đa ngành trong nước với 20 đơn vị thành viên.

Năm qua, lĩnh vực hạ tầng cũng chứng kiến những bước thâm nhập sâu hơn của Công ty Manila Water, thuộc một trong các tập đoàn tư nhân lớn nhất Philippines là Ayala. Tính đến nay Ayala đã mua 47,35% cổ phần của Công ty Cấp nước Kênh Đông, 49% cổ phần của Công ty B.O.O Nước Thủ Đức và 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII).

Ngoài ra, thời gian qua, một số nhà đầu tư Đông Nam Á đã “săn lùng” doanh nghiệp Việt qua sàn chứng khoán. Có thể kể đến là trường hợp Quỹ Orchid Fund của Singapore nắm giữ 10,65% số cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần FPT. Tương tự, Quỹ Đầu tư Platinum Victory cũng của Singapore hiện sở hữu 11,26% số cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE.

Lợi cả đôi đàng?

Trên tờ nhật báo The Bangkok Post, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SCG, từng kỳ vọng vụ M&A với Prime sẽ góp phần gia tăng ảnh hưởng của đại gia này tại Đông Nam Á. Năm 2011, SCG cũng đã mua lại 2 nhà máy gạch ở nước ngoài, 1 tại Indonesia và 1 tại Philippines. “Thương vụ này sẽ nâng tổng công suất sản xuất gạch của SCG lên 225 triệu m2/năm, gồm 48% từ Thái Lan, 14% ở Indonesia, 5% ở Philippines và 33% ở Việt Nam”, ông Trakulhoon nói. Như vậy, Việt Nam sẽ là “cứ điểm” lớn nhất của SCG ở nước ngoài.

Đối với Xi măng Thăng Long, sau khi bán 70% cổ phần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vũ Văn Tiền phát biểu: “Sự hợp tác này là một bước phát triển mới, giúp chúng tôi tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc dòng tiền tốt hơn”. Ngoài ra, giá bán xi măng tại Indonesia và Malaysia hiện dao động từ 120-140 USD/tấn, trong khi tại Việt Nam chỉ từ 65-75 USD/tấn nên triển vọng của các doanh nghiệp trong nước vẫn khá mờ mịt.

Xem xét ở góc độ đầu vào là vốn lẫn đầu ra là thị trường tiêu thụ, không ít ý kiến cho rằng trong lúc thị trường xây dựng đóng băng, vốn ngân hàng siết chặt thì việc 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng này bán được với giá trị khủng như vậy là một cuộc vượt thoát ngoạn mục.

Nhưng nhận định này có lẽ chỉ đúng một phần.

Ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Điều hành TNK Capital Partners, công ty chuyên về tư vấn M&A, cho rằng, điểm mấu chốt trong một thương vụ là giá bán như thế nào để lợi cả đôi đàng, nhưng lại rất khó để đưa ra kết luận giá chốt của một vụ M&A là cao hay thấp nếu chưa biết rõ các điều khoản ràng buộc. Ví dụ, hợp đồng M&A có điều khoản cam kết về mức lợi nhuận mà bên bán cần đảm bảo trong vòng 2 năm liên tiếp sau thời điểm ký kết. Nếu không thực hiện được, bên mua vẫn có quyền điều chỉnh giá mua xuống mức thấp hơn.

Đối với cả 2 thương vụ nói trên, ngoài giá trị sít sao nhau là 5.000 tỉ đồng, các thông tin nhạy cảm liên quan đến những cam kết, ràng buộc cùng chiến lược hậu M&A hiện vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, dưới góc độ đầu tư, có một quy luật chắc chắn: thị trường xuống là thị trường của người mua, không phải của người bán. Hay nói cách khác, “bán trong lúc khó khăn chắc chắn không thể có được giá tốt”, như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Ngoài giá cả, các thương vụ trên cũng đem đến nhiều kỳ vọng về triển vọng hợp tác chiến lược trong tương lai, bởi bên mua đều là các doanh nghiệp cùng ngành, chứ không phải các quỹ chuyên đầu tư tài chính. Với kinh nghiệm hoạt động dày dạn trong ngành, nhà đầu tư mới có thể giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn sau khi mua. Song điều này thường phải trả giá bằng việc doanh nghiệp bị thâu tóm.

Rủi ro thao túng

Giám đốc điều hành một công ty chuyên tư vấn về M&A đánh giá, các thương vụ nhà đầu tư ngoại mua với tỉ lệ chi phối thì quá trình thay da đổi thịt trong doanh nghiệp diễn ra rất nhanh. Những trường hợp mua 20-30%, khả năng họ mua thêm để thâu tóm và chi phối doanh nghiệp là điều chắc chắn.

Trong xu hướng M&A này, các doanh nghiệp tư nhân có thể được xem là mục tiêu hàng đầu, bởi nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được số cổ phần chi phối nhanh chóng và dễ thỏa thuận vai trò quyết định trong công ty hơn.

Với mục tiêu mua chi phối và nắm quyền quản lý, các thương vụ vừa qua cho thấy các doanh nghiệp niêm yết ít được chú ý. Một trong những rào cản khiến các nhà đầu tư ngoại e ngại tiếp cận doanh nghiệp niêm yết chính là không thể mua chi phối (trên 51%), phải công bố thông tin theo từng mức sở hữu của cổ đông lớn...

Tuy nhiên, cuộc chơi với sự tham gia của những người láng giềng này sẽ không là chuyện riêng của doanh nghiệp nào, dù là tư nhân, niêm yết hay nhà nước. Vừa phải chống đỡ khó khăn, vừa cạnh tranh với những gã khổng lồ là điều không dễ chịu chút nào với các doanh nghiệp trong nước thời gian tới.

Với tiềm lực tài chính mạnh, các nhà đầu tư láng giềng này sẵn sàng tạo ra một mặt bằng mới về chất lượng sản phẩm và dịch vụ cao với giá thấp tại Việt Nam. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nội đau đầu giải bài toán nâng cao chất lượng và giảm chi phí, trong khi năng lực và thời gian thì có hạn.

Thậm chí, sự lớn mạnh của họ thường rất dễ gắn liền với hành vi thâu tóm và thao túng thị trường trong nước. Câu chuyện từ quả trứng đến nguy cơ lũng đoạn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam là một minh chứng điển hình.

Chỉ riêng trong ngày 10.1.2013, giá trứng gà tại TP.HCM đã tăng đến 4.000 - 5.000 đồng/chục, một kỷ lục từ trước đến nay. Các ngày sau đó, giá trứng vẫn tiếp tục tăng từ 2.000-3.000 đồng/chục không chỉ riêng TP.HCM mà lan sang cả Hà Nội.

Sau khi Sở Công Thương TP.HCM vào cuộc, thủ phạm đã lộ diện, đó chính là hành động tự ý nâng giá của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, một doanh nghiệp Thái Lan.

Thành lập năm 1993, CP Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Charoen Pokphand Thái Lan (CP Thái Lan), tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Thái. Năm 2011, doanh thu của Công ty lên tới 30.000 tỉ đồng và ước tính đạt mức tăng trưởng 15% trong năm 2012. Dữ liệu của Stoxplus năm 2011 cho thấy, CP Việt Nam chiếm tới 20% thị phần thức ăn chăn nuôi , 77% thị phần chăn nuôi lợn công nghiệp và 30% thị phần chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam. Với vị thế như vậy, CP Việt Nam thừa sức lèo lái giá trị trường theo ý đồ của mình.

Thật ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng thừa nhận vấn đề này khi cho biết nguồn cung trứng gia cầm trên thị trường đang bị một số Công ty chăn nuôi nước ngoài chi phối, điển hình là CP Việt Nam và JAPFA (Indonesia). Vì vậy, nguy cơ bắt tay liên kết giữa các doanh nghiệp này nhằm thao túng giá là điều có thể thấy trước.

Theo lô trình hội nhập, đến năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN cùng các Hiệp định Thương mại Tự do như ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật, Việt Nam - châu Âu, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương. Lúc đó hàng rào thuế quan sẽ giảm xuống, các biện pháp bảo hộ đối với các ngành sản xuất nội địa không còn. Liệu khi đó, các doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để giữ được miếng bánh tại thị trường nội địa trước các ông lớn nước ngoài?

“Tình trạng thao túng thị trường chắc chắn sẽ xảy ra và doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị thật kỹ trước cuộc chơi nghiệt ngã này”, ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tư vấn Tài chính Công ty Chứng khoán Bản Việt nói.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

'Cặp đôi hoàn hảo' người Việt ở thung lũng Silicon

SILICON - Giữa thung lũng Silicon, anh nổi tiếng với những sản phẩm chăm sóc sức khỏe hiện đại và tiện lợi, trong khi cô là một thủ khoa xinh đẹp, dịu dàng mà quyết đoán.


Trung tâm bồi dưỡng người nhập cư (ILC) của Mỹ trong một ấn phẩm năm 2007 ghi nhận Sonny Vu là một trong những người nhập cư có đóng góp lớn cho ngành công nghệ sinh học ở bang Massachusetts và vùng New England phía đông bắc nước này. Đây là nơi tập trung nhiều đại học hàng đầu của Mỹ và quy tập chất xám của thế giới như ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)...

Mới đây nhất, ngày 11/1/2013, cái tên Sonny Vu lại tiếp tục trở nên “đình đám” khi thiết bị theo dõi hoạt động thể chất cá nhân có tên Misfit Shine do công ty của anh sáng tạo giành giải nhì Hội chợ hàng tiêu dùng điện tử (CES) tại Las Vegas (Mỹ) nổi tiếng nhất thế giới. Misfit Shine đã dẫn đầu và bỏ xa hàng trăm sản phẩm khác trong cuộc bình chọn online kéo dài nhiều ngày, nhưng cuối cùng rớt xuống hạng hai vì cú ra đòn chiến thuật bất ngờ phút chót của hãng máy tính Lenovo.

Bỏ học để khởi nghiệp

Sonny Vu, tên tiếng Việt đầy đủ là Vũ Xuân Sơn, sinh năm 1973 ở Long Xuyên. Anh rời Việt Nam cùng gia đình năm 1979. Trò chuyện từ San Francisco, bang California, Sơn cho biết những ngày đầu đến Mỹ thật khó khăn, nhưng anh chưa bao giờ là một đứa trẻ nhút nhát, nên hòa nhập rất nhanh. Với tư chất thông minh, nhanh nhẹn, việc học của Sơn hoàn toàn thuận lợi, suôn sẻ cho đến khi học… tiến sĩ.

Sơn tốt nghiệp bằng đôi về toán học và ngôn ngữ học tại ĐH Illinois nhánh Urbana-Champaign. Có lẽ do “máu kinh doanh” luôn căng tràn nên trong lúc đang làm nghiên cứu sinh tại MIT năm 1996, Sơn bỏ ngang để ra mở doanh nghiệp nhưng thất bại. Dù không áp đặt nguyện vọng của mình lên lựa chọn nghề nghiệp của con, nhưng “khỏi phải nói ba mẹ mình tức giận đến thế nào”, anh kể. Sau đó, anh chọn đi làm nghiên cứu viên cho Tập đoàn máy tính Microsoft.

Năm 1999, giữa lúc đang thành công rực rỡ trong vai trò người thành lập và đào tạo nhân lực Phòng Nghiên cứu xử lý ngôn ngữ Trung Hoa cho máy tính của Microsoft ở Bắc Kinh, Sơn lại nghỉ ngang và quay trở lại MIT. Rồi anh lại cắt ngang chương trình tại MIT một lần nữa để lập ra công ty công nghệ phần mềm xử lý ngôn ngữ FireSpout. “Đó là một bước khởi đầu ngu xuẩn. Mình đã đổ bao nhiêu tiền vào đó. Có điều công nghệ này đã bán được”, Sơn chia sẻ về “đứa con” đầu lòng của mình. Anh bán công nghệ FireSpout cho một tập đoàn lớn năm 2001, sau khi đã hoàn tất luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học ở MIT.

Bán FireSpout, Sơn lại cùng người bạn đại học cũ là Sridhar Iyengar lập Công ty AgaMatrix. “Điều trớ trêu là công ty thành lập vào tháng 10.2001, ngay sau sự kiện 11/9 chấn động nước Mỹ và thế giới”, Sơn kể. Còn Sridhar nhớ lại vào thời điểm đó việc huy động vốn khó, nhưng bù lại có rất nhiều người giỏi sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn trước đó. Sau những chật vật “đầu tiên”, sự kết hợp giữa Sridhar chuyên sâu về cảm ứng sinh học và phụ trách chế tạo sản phẩm cùng với Sơn phụ trách phát triển kinh doanh đã đưa AgaMatrix cất cánh. Sản phẩm nổi bật của công ty này là thiết bị theo dõi lượng đường máu ở bệnh nhân tiểu đường. Ngày nay, AgaMatrix với 150 con người ở Boston (Mỹ) và 300 nhân viên khác ở châu Á có doanh thu hằng năm gần 100 triệu USD.

Nhưng đến năm 2011, Sơn tiếp tục rời khỏi vị trí quản lý AgaMatrix, dù vẫn là cổ đông lớn, để thành lập công ty của riêng mình - Misfit Wearables. Đồng sáng lập cùng anh vẫn là người bạn nhập cư gốc Ấn Sridhar và John Sculley - cựu tổng giám đốc của tập đoàn máy tính Apple và nước giải khát Pepsi. Misfit Shine - được chế tạo tại Hàn Quốc bằng vật liệu nhôm máy bay, với kích thước và hình dáng gần như đồng xu, có thể gắn vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể và không thấm nước - là sản phẩm đầu tay của công ty.


Thiết bị này cũng có thể kết nối với máy tính của bác sĩ để giúp bác sĩ theo dõi và có lời khuyên kịp thời đối với người sử dụng. Với giá ưu đãi 69 USD/cái cho khách hàng đặt mua online tại địa chỉ indiegogo.com/misfitshine trước khi sản phẩm ra thị trường trong năm nay (giá bán chính thức về sau là 99 USD), hiện đã có 7.500 người đăng ký mua. Sơn cho biết chỉ trong một tuần qua, có đến 6 sản phẩm chăm sóc sức khỏe tương tự được ra mắt, cạnh tranh vì thế rất khốc liệt. Nhưng anh hoàn toàn tự tin với sản phẩm của mình.

Sơn không ngần ngại nói rằng làm ông này ông kia ở những tập đoàn đa quốc gia chưa bao giờ là điều anh mong ước. “Tự mình tạo ra những sản phẩm tuyệt vời cho người tiêu dùng” là lý tưởng sống của anh. Bên cạnh Sridhar sẵn sàng hỗ trợ anh về kỹ thuật cảm ứng sinh học, John Sculley và Vinod Khosla - người đồng sáng lập công ty chuyên về mạng máy tính Sun Microsystems - là những người thầy thường cho anh các lời khuyên bổ ích.

Cưới người đẹp học giỏi

Không chỉ sớm khẳng định tên tuổi ở Thung lũng Silicon, Sơn còn nổi danh trong cộng đồng du học sinh Việt khắp thế giới bởi thành tích chinh phục “cô nàng thủ khoa” xinh đẹp Lê Diệp Kiều Trang. Sơn gặp Trang năm 2006 tại TP.HCM trong lần về nước theo lời mời của bà Tôn Nữ Thị Ninh, người khi ấy mang hoài bão xây dựng một ĐH Trí Việt đẳng cấp thế giới và ra sức chiêu mộ tài năng Việt ở nước ngoài.

Năm 2008, cô thạc sĩ thủ khoa ngành kinh tế học ở ĐH Oxford (Anh) khóa 2003 - 2005 và đang làm việc cho Ngân hàng HSBC tại TP.HCM đã “bỏ cuộc chơi” theo Sơn về thung lũng Silicon.

Tại đây, Trang tiếp tục học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Quản trị Sloan của MIT và lại tốt nghiệp thủ khoa năm 2011. Sau đó, Trang đầu quân cho Tập đoàn tư vấn tài chính McKinsey tại Boston, bang Massachusetts. “McKinsey là một công ty tuyệt vời với môi trường làm việc, con người và những giá trị tuyệt vời. Nhưng trong vài tuần nữa, mình sẽ nghỉ việc ở đây để tập trung cho Misfit Wearables”, Trang tiết lộ.

Trang không cho đó là một sự hy sinh vì người bạn đời. Trái lại, “Misfit có sức thu hút lớn đối với mình. Và đương nhiên, ở đó mình có cảm giác mình thuộc về nó, cảm giác về một công việc có ý nghĩa, dù tự kinh doanh là một việc đầy rủi ro”. Trang cũng cho biết trong 2 năm qua, ngoài làm việc cật lực cho McKinsey, cô cũng dành nhiều thời gian cho Misfit. Với kiến thức quản trị kinh doanh, Trang tham gia vào công tác tài chính, phát triển kinh doanh, kết nối giữa nhóm thiết kế sản phẩm 12 người ở San Francisco và nhóm 25 người ở Việt Nam phụ trách các mảng khác, và công tác nhân sự của công ty.

Trong lúc Sơn xác định Misfit Wearables là sự nghiệp lâu dài của mình và đang chuẩn bị cho sự ra đời của một sản phẩm khác, quyết định “trong 2 giây” dứt áo với McKinsey để đồng hành với công ty của chồng là minh chứng cụ thể nhất của cái “duyên trời định” mà Trang mô tả về sự kết đôi giữa cô và Sơn.
Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980 tại TP.HCM trong một gia đình trí thức khá giả. Tốt nghiệp PTTH xuất sắc từ Trường chuyên Lê Hồng Phong năm 1998, Trang nhận đượchọc bổng học dự bị đại học 2 năm (A-Level) tại Anh. Xong A-Level với điểm cao, Trang được học bổng ĐH Oxford và tốt nghiệp cử nhân kinh tế và quản trị trong vòng 3 năm. Với điểm số nằm trong top 5 của trường, Trang được tiếp học bổng thạc sĩ.

Đỗ thủ khoa thạc sĩ ngành kinh tế, Trang được tiếp học bổng tiến sĩ, nhưng cô thấy hướng học thuật không phù hợp với mình nên tạm gác học bổng và về Việt Nam làm việc năm 2005. Sau khi kết hôn, Trang sang Mỹ và được học bổng Legatum cho ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh của MIT.
Từ 19-31/1, Sơn và Trang có chuyến công tác nhiều nước để mở rộng quan hệ kinh doanh, trong đó có Việt Nam và Singapore. Tại Singapore chiều 26/1, “cặp đôi hoàn hảo” này sẽ có cuộc gặp gỡ kéo dài 3 giờ với các sinh viên và trí thức trẻ tại đây với mục tiêu chiêu mộ tài năng Việt cho Misfit Wearables.
Theo Thanh Niên

Monday, January 21, 2013

“Điên” như Larry Page!


GOOGLE - Khi Martin Sorrell, Tổng Giám đốc (CEO) Tập đoàn Quảng cáo WPP, viếng thăm Google vào mùa thu vừa qua, Tổng Giám đốc Larry Page của Google đã cho xe đi đón tại khách sạn Rosewood cách đó khoảng 32 km. Nhưng đây không phải là chiếc xe bình thường.

Đó là chiếc Lexus SUV hoàn toàn tự động nhờ vào sự trợ giúp của một loạt thiết bị công nghệ cao như radar, cảm biến và máy quét laser có thể thực hiện 1,5 triệu phép đo mỗi giây. Trong vòng khoảng 20 phút, chiếc xe không người lái này đã khiến cho Sorrell phải thán phục khi nó nhanh nhẹn rẽ cua, tự động chạy chậm lại khi đường xá đông đúc hay tăng tốc vượt qua chiếc xe bên cạnh. Sorrell phải thốt lên: “Thật không thể tin được”.

Xe tự lái là dự án con cưng của Page. Trong khi nhiều người cho rằng ý tưởng về chiếc xe do máy tính điều khiển là thử nghiệm… chỉ để biểu diễn thì Page lại tin rằng nó sẽ là tương lai của ngành giao thông và hoàn toàn có thể bán ra thị trường được. Theo anh, ngoài tính an toàn khi lưu thông, chiếc xe không người lái còn có nhiều đặc tính khác: tiết kiệm năng lượng (lưu thông một cách hiệu quả hơn) và gia tăng năng suất làm việc (thời gian đi lại được rút ngắn) và quan trọng hơn là tiết kiệm chi phí. Tại Google, việc sử dụng ôtô tự lái đã giúp Công ty tiết kiệm được tới hàng triệu USD.

Page cho biết Googleplex (trụ sở của Google tại Mountain View, California) thiếu bãi đậu xe trong khi chi phí đầu tư chỗ đậu xe mới đã lên tới 40.000 USD/xe. “Vậy tại sao không để ôtô thả bạn xuống nơi làm việc rồi tự tìm chỗ đỗ xe ở bên ngoài? Bất cứ khi nào bạn cần đi ra ngoài, điện thoại của bạn sẽ thông báo bạn đang đi ra khỏi tòa nhà và xe sẽ có mặt ngay vừa lúc bạn xuống cầu thang”, anh nói.

Nghe có vẻ giống như chiếc xe KITT siêu hiện đại của nhân vật chính trong bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng của Mỹ “Knight Rider”. Ý tưởng nghe có vẻ điên rồ nhưng đó lại là tương lai mà Page muốn Google tạo ra và đây là loại ý tưởng luôn làm cho anh phấn khích.


Lột xác Google

Kể từ khi thành lập Google vào năm 1998, Page và nhà đồng sáng lập Sergey Brin đã quyết tâm tạo dựng một công ty có thể đặt cược trong dài hạn vào các ý tưởng táo bạo. Và nhiều trong số những ý tưởng ấy đã nhanh chóng trở thành sản phẩm thiết thực được người tiêu dùng đón nhận. Page đã đưa ra những ý tưởng điên rồ nhất, như chụp ảnh từng centimet mỗi con đường để tạo ra một bản đồ kỹ thuật số về thế giới thực hay quét hình mọi cuốn sách để làm nên thư viện số lớn nhất thế giới.

Những ý tưởng kỳ quặc và cách quản lý thực tế, chú trọng đến hiệu quả hiếm khi nào đi chung với nhau. Nhưng người ta lại tìm thấy cùng lúc 2 điều ấy ở Page. Chính nhờ sự kết hợp tuyệt vời đó, Page đã lột xác Google kể từ khi anh đảm nhận vị trí CEO vào tháng 4.2011.

Khi anh nhậm chức CEO, động cơ cải tiến của Google đang cho thấy dấu hiệu già cỗi, lỗi thời và tính quan liêu bắt đầu bám rễ. Page đã nhanh chóng tổ chức lại sản phẩm, khai tử hàng tá các dự án không thành công hoặc không cần thiết như Google Health. Và đặc biệt anh đã thay cơ cấu tổ chức cũ của Google, vốn được chia thành những bộ phận lớn phụ trách kỹ thuật và quản lý sản phẩm, bằng 7 lĩnh vực chuyên tập trung vào sản phẩm như tìm kiếm, sản phẩm quảng cáo, hệ điều hành Android và thương mại. Mỗi nhà điều hành đứng đầu 7 lĩnh vực này, được gọi là nhóm L-Team (nhóm 7 nhà điều hành cấp cao của Larry Page), được giao toàn quyền và trách nhiệm đối với bộ phận họ điều hành. Nhóm L-Team họp mặt với Larry vào mỗi trưa thứ Hai hằng tuần để giải quyết các vấn đề liên quan đến sản phẩm và đảm bảo các dự án của họ nhất quán với tầm nhìn của Page.

Để cải tiến sản phẩm, Page cho rằng phải luôn “nghĩ khác”. Chẳng hạn, trên một chuyến bay cách đây không lâu, khi nhìn qua cửa sổ máy bay, anh nghĩ đến việc cải thiện hình ảnh trong ứng dụng bản đồ của Google bằng cách dùng các máy bay bay tầm thấp chụp hình khắp nước Mỹ. Và giờ Google Earth có cả hình ảnh 3D của nhiều thành phố.

“Anh ấy giải quyết vấn đề với góc nhìn rất khác. Nó buộc bạn phải xem lại cách bạn nhìn nhận vấn đề trước đây”, Nikesh Arora, Giám đốc Kinh doanh của Google, nhận xét.

Có những ý tưởng khiến Page trăn trở hằng năm trời. Chẳng hạn, anh luôn nghĩ đến việc phát triển một công cụ tìm kiếm hoàn hảo, một công cụ có thể hiểu được người sử dụng muốn nói gì, đưa ra các kết quả tìm kiếm hợp với ý muốn của họ, cho họ những câu trả lời họ muốn, thậm chí khi họ không hỏi. Cuối năm 2011, trong một cuộc họp với các nhà điều hành cấp cao, Page cho rằng đã đến lúc Google bắt đầu thực hiện một trong những lời hứa ấy. Và mọi thứ đã được khởi động rất nhanh.

Hồi tháng 1.2012, các nhân viên đã nảy ra ý tưởng phát triển một sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của Page và khoảng 6 tháng sau đó, Công ty tung ra Google Now, công cụ tìm kiếm dành riêng cho thiết bị di động.

Sử dụng các thông tin từ lịch làm việc của bạn, email, các lần tìm kiếm trong quá khứ và địa điểm, ứng dụng này có thể cảnh báo bạn phải đến sân bay ngay tức khắc nếu không muốn lỡ chuyến bay vì có một tai nạn xảy ra khiến cho giao thông bị ách tắc. Ứng dụng này cũng phản ứng theo các mệnh lệnh bằng giọng nói tương tự như ứng dụng nhận dạng tiếng nói Siri của iPhone, nhưng ít bị lỗi hơn (theo nhận xét của nhiều chuyên gia). Google Now hiện đã có mặt trong các thiết bị Android thế hệ mới nhất.

Việc Google Now nhanh chóng đi từ ý tưởng trở thành sản phẩm thực sự là một minh chứng cho thấy một Google năng động và cải tiến như thế nào dưới sự điều hành của Page. Từ lâu nay, anh luôn nói rằng mối đe dọa lớn nhất Google phải đối mặt chính là bản thân Google. Đó là lý do kể từ khi trở thành CEO, anh đã tìm mọi cách để loại trừ tính quan liêu và bất cứ việc gì làm chậm lại quá trình cải tiến.

Những thay đổi anh đã và đang thực hiện tại Google đã nhanh chóng đưa Công ty quay trở lại thời kỳ làm việc nhanh nhạy của 10 năm đầu Google xuất hiện. Không những thế, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Google đang được vận hành một cách trơn tru hơn bao giờ hết kể từ khi Page đảm nhận vị trí CEO. Đó là một thành công khiến cho nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tại thung lũng Silicon phải ngạc nhiên.

Thậm chí, Page bất chấp mọi phản ứng để dọn đường cho những cải tiến của Google. Hồi tháng 3.2012, Google đã khiến nhiều người sử dụng tức giận khi thay đổi hàng loạt chính sách về tính riêng tư. Lý do thay đổi là chính sách cũ giới hạn các dữ liệu được chia sẻ giữa các sản phẩm của Google và cản đường các dịch vụ như Google Now, vốn lấy dữ liệu cá nhân từ nhiều nguồn khác nhau.

Đối với Page, liên kết các tính năng này với nhau là điều cần thiết khi người sử dụng chuyển từ máy tính sang thiết bị di động, nơi các ứng dụng phải được tích hợp chặt chẽ hơn và là nơi phần mềm và phần cứng phải làm việc một cách trơn tru với nhau. Mục đích của Page còn lớn hơn thế. Anh muốn xóa bỏ một vấn đề gút mắc đang gây đau đầu cho nhiều hãng công nghệ trong thế giới web: màn hình di động không được thân thiện đối với các mẫu quảng cáo như các màn hình lớn hơn của máy tính cá nhân.

Page cho rằng cơ hội trong ngành di động sẽ tăng một khi biết đưa ra dịch vụ cải tiến như “click-to-call”, cho phép người sử dụng di động gọi điện (để mua sản phẩm/dịch vụ) chỉ bằng một cái chạm nhẹ vào mẫu quảng cáo. “Tôi tin chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn bây giờ, vì phần mềm, thiết bị và năng lực cũng đã tốt hơn”, Page nói. Những cải tiến của Page đã thuyết phục được khách hàng quảng cáo. Chẳng hạn, WPP, khách hàng lớn nhất của Google, đã tăng chi tiêu vào Google lên 25% trong năm 2012, lên khoảng 2 tỉ USD.

Thách thức của Page

Page đã thành công trong việc đưa Google tiến vào một thế giới điện toán di động có tính cạnh tranh cao, dựa vào sức mạnh của hệ điều hành Android. Và điều quan trọng là dưới sự lãnh đạo của Page, Android và YouTube đã phát triển thành những bộ phận lớn và quan trọng, dẹp tan mọi lời chỉ trích. Bộ phận tìm kiếm trên máy tính để bàn vẫn chiếm 80% nguồn thu của Google nhưng quảng cáo hiển thị, chủ yếu từ YouTube, hiện mang lại doanh thu hằng năm 5 tỉ USD. Di động, vốn bao gồm cả mảng tìm kiếm trên điện thoại, mang lại 8 tỉ USD.

Không ngừng cải tiến, đối với Page, là cách để cạnh tranh trong một thế giới web khốc liệt. Cho đến nay, Page đã chứng tỏ mình phản đòn rất tốt. Hồi tháng 9.2012, Google đã giới thiệu một ứng dụng YouTube mới cho iPhone và iPad khi Apple quyết định lấy phần mềm YouTube đã được cài sẵn trước đó khỏi các thiết bị này. Sau đó, Google tung ra một phiên bản mới các bản đồ dành cho hệ điều hành iOS, cung cấp cho người sử dụng một công cụ thay thế cho ứng dụng bản đồ đầy lỗi của Apple.

Page lúc nào cũng sẵn sàng để đối phó bất cứ cuộc phản công nào của đối thủ. Nhiều năm qua, Microsoft và nhiều đối thủ khác đã cáo buộc Google thiên vị dịch vụ của mình trong các kết quả tìm kiếm và điều này, theo họ, là vi phạm luật chống độc quyền. Thế nhưng, Page vẫn một mực phủ nhận. Sau gần 2 năm “đào bới”, đầu tháng 1 này, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã tuyên bố không tìm được chứng cứ nào cho thấy Google đã thao túng kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu và cơ quan quản lý tại các nước khác vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc. Nghĩa là Page vẫn chưa có thể thở phào nhẹ nhõm.

Thách thức của Page không chỉ có thế. Anh vẫn chưa thuyết phục được người ngoài rằng một số những đặt cược lớn của anh sẽ đơm hoa kết trái. Trong khi Google nâng ly chúc mừng sự thành công của Google+ trước đối thủ lớn Facebook, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng vẫn chưa thấy sự sôi động gì nhiều trên mạng xã hội này.

Quan trọng hơn là nhiều người vẫn chưa hiểu được làm thế nào mà Motorola Mobility có thể sống hòa bình với bộ phận Android. Google mua lại Motorola chủ yếu là vì kho bản quyền sáng chế của công ty này. Sau khi mua lại, Google đã cắt giảm việc làm và bán đi bộ phận set-top box (thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình) của Motorola với giá 2,35 tỉ USD. Nhưng Google vẫn có ý định giữ lại mảng điện thoại thông minh và máy tính bảng của Motorola, một động thái khiến cho Google cạnh tranh trực tiếp với các đối tác Android của mình. Page cho biết Motorola sẽ không được biệt đãi. Trong Công ty, Dennis Woodside, người đứng đầu Motorola, không được tham dự các cuộc họp của nhóm L-Team để tránh mâu thuẫn. Page cũng cho biết Google đang làm việc với các đối tác Android để tạo ra các thiết bị cải tiến được sử dụng rộng rãi, mà vẫn có thể làm hài lòng tất cả các bên.

Thế nhưng, nhiều người vẫn lo ngại bất kỳ thành công nào của Motorola có thể sẽ làm nguội lạnh mối quan hệ thân thiết của Google với các đối tác Samsung, HTC và nhiều công ty khác. David Yoffie, Giáo sư trường Kinh doanh Harvard và có chân trong Hội đồng Quản trị của HTC, nhận xét: “Không có lý do gì để tin rằng họ (Google) có thể làm tốt phần cứng hơn các đối tác của mình”.

Nhưng có thể Page sẽ lại làm mọi người ngạc nhiên một lần nữa. Chiếc xe tự lái là một ví dụ. Các chiếc xe tự lái của Google vẫn chưa sẵn sàng để được tung ra thị trường nhưng chúng đã chạy hàng trăm ngàn cây số khắp California mà chưa hề xảy ra sự cố nào. Và hãy cân nhắc điều này: Google đã vận động thành công để những chiếc xe không người lái được phép rong ruổi khắp California. Trong tháng 11, Page đã thuê Phó Giám đốc Cục An toàn Giao thông đường cao tốc quốc gia vào vị trí Giám đốc An toàn cho dự án này. Một khi đã đặt mục tiêu đưa xe tự lái trở thành chiếc xe có thể làm thương mại, Page không bao giờ làm nó một cách nửa vời.

Theo NCĐT | Fortune

Sunday, January 20, 2013

Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ

STARTUP - Ngày nay có rất nhiều bạn trẻ năng động đang tìm kiếm cơ hội để khởi nghiệp cho chính bản thân mình. Nhưng khó khăn về vốn luôn là thử thách hàng đầu, nó khiến bạn chùn chân hoặc tệ hơn là thất bại ngay trong những ngày đầu chập chững bước vào con đường kinh doanh. Chính vì vậy tìm ra cho mình một nguồn vốn tạm đủ cho bước đầu khởi nghiệp là một câu chuyện mà không phải ai cũng làm được.

Một trong các chương trình hạt giống kinh doanh khá nổi tiếng thời gian gần đây là JFDI.Asia (Viết tắt: The Joyful Frog Digital Incubator - Vườn ươm kỹ thuật số). JFDI có trụ sở tại Singapore. Xuất phát từ ý tưởng đầu tư trong vòng 100 ngày, JFDI sẽ cấp số vốn ban đầu cho mỗi đội số vốn ban đầu là 25 ngàn USD tiền mặt, 100 ngàn USD cơ sở vật chất, văn phòng, tư vấn và giới thiệu 100 nhà đầu tư cho giai đoạn đầu hoạt động. Đổi lại JFDI có vốn chủ sở hữu trong công ty của bạn. JFDI chấp nhận những đội mới chỉ có ý tưởng hoặc đội đã hoạt động có khách hàng, có nhà tài trợ.

Quả thật đây là một số vốn trong mơ đối với bất kỳ bạn trẻ nào, đặc biệt là đối với bạn trẻ Việt Nam có thu nhập phổ biến chỉ tính bằng vài trăm USD/tháng.

Khi dự án của một đội được lựa chọn cấp vốn, họ sẽ phải đến Singapore làm việc trong 100 ngày đầu tiên (đây là quy định chung vì văn phòng của JFDI cũng như các nhà đầu tư, cố vấn gặp gỡ trao đổi tại đây, họ không muốn đầu tư vào một đội mà họ không được theo dõi tiến độ triển khai dự án hoặc đầu tư qua các báo cáo).

Đây cũng là chương tình duy nhất ở Đông Nam Á được chấp nhận vào mạng lưới toàn cầu của TechStars Accelerator.

Dưới đây là thông tin liên hệ của JFDI để các bạn trẻ có dự án khởi nghiệp có thể liên lạc:

Văn phòng JFDI
Địa chỉ: 71 Ayer Rajah Crescent #05-16 Singapore 139951
Điện thoại: +65 3158 1804