BIZMAN - "Quê hương tôi là một vùng đất nghèo, quanh năm chỉ có làm ruộng. Do vậy ý thức thay đổi cuộc sống thôi thúc tôi ngày càng mạnh mẽ. Tôi phải làm việc miệt mài, chịu khó, tận dụng sáng tạo và cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh" - bà Trần Thị Lâm chia sẻ.
Nữ doanh nhân vừa được tặng giải thưởng "Bông hồng vàng" ngày 6/3 vừa qua - Chủ tịch HĐQT Công ty y tế Hoa Lâm - Shangri La, bà Trần Thị Lâm tâm sự với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietnamNet về con đường kinh doanh tới thành công của mình.
- Xuất phát từ đâu mà bây giờ bà chuyển sang lĩnh vực y tế, trong khi trước đây bà đang kinh doanh xe máy thành công?
Bà Trần Thị Lâm: Người làm kinh doanh ai cũng có mục đích. Xây dựng khu y tế này, tôi có niềm tin mãnh liệt vào sự thành công của dự án để phục vụ cho bản thân, gia đình và phục vụ cho mọi người bệnh.
Nhiều đêm tôi suy nghĩ, sao đất nước họ - như Singapore - có khoảng trên 4 triệu dân, mà y tế phát triển, trong khi ở Việt Nam có cả trăm triệu dân, người Việt cũng rất giỏi, tại sao không làm được, trong khi đất đai có sẵn, tiền bạc chắc cũng không thiếu... Có lẽ do chúng ta thiếu những con người đi đầu, bản lĩnh và tâm huyết.
Nhìn cảnh người Việt ra xứ người trị bệnh, dù có tiền đi nữa cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về ngôn ngữ, chăm sóc, phục vụ... Đó là chưa kể những chi phí cao gấp bao nhiêu lần nếu khi có các bệnh viện tại Khu Y tế Kỹ thuật cao ra đời sẽ phục vụ: chất lượng, kỹ thuật y khoa, và tay nghề giống nhau thì không có gì sung sướng bằng, mình được trị bệnh ngay trên quê hương của mình mà chi phí lại giảm và được gần gũi những người thân...
Các chuyên gia kinh tế, y tế hàng đầu hiện nay ước tính người Việt Nam mất rất nhiều tiền qua Singapore và các quốc gia khác trị bệnh.
Vậy tại sao không làm bệnh viện tương tự ở Việt Nam cho người Việt?
- Đối tác của bà tại Khu Y tế kỹ thuật cao TP.HCM là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư quốc tế. Bà đã thuyết phục đối tác như thế nào để họ quyết định đầu tư, hợp tác với một công ty không chuyên trong lĩnh vực y tế như Hoa Lâm?
Có một cách duy nhất để tôi thuyết phục họ, đó là "lời nói phải đi đôi với làm". Chính những việc làm của tôi đã thuyết phục được các đối tác như Singapore, Malaysia, Anh quốc cùng hợp tác đầu tư... và mới đây là tập đoàn y tế Parkwayhealthcare ký hợp đồng dài hạn để điều hành Khu Y tế Kỹ thuật cao.
Phải nói rằng khi UBND TP.HCM giao cho Hoa Lâm làm Khu Y tế kỹ thuật cao, chứng tỏ lãnh đạo TP rất tin tưởng vào khả năng của doanh nghiệp (DN), tuy nhiên vẫn nhiều khó khăn phía trước.
Theo tôi, một trong những điểm "vướng" là đội ngũ nhân sự. Ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đội ngũ y tá và bác sỹ vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu số lượng và chất lượng, nhất là lĩnh vực y tế kỹ thuật cao, làm việc trong môi trường quốc tế.
- Điều gì làm cho bà tin tưởng rằng Dự án chắc chắn sẽ thành công?
Điều làm tôi vui mừng nhất hiện nay là không chỉ hình hài Khu Y tế kỹ thuật cao đang thay đổi từng ngày, mà Công ty Hoa Lâm - Shangrila đã ký hợp đồng với Parkwayhealthcare (tập đoàn y tế hàng đầu của Singapore) nhận quản lý và điều hành khu Y tế kỹ thuật cao ít nhất trong 10 năm.
Nếu một mình Hoa Lâm, giả thuyết với 500 con người đi nữa, chắc khó gây dựng được Khu y tế kỹ thuật cao... mà phải cộng tác với những đối tác trong nước hoặc nước ngoài với nhiều kinh nghiệm; tức là phải tận dụng hết khả năng, kinh nghiệm thực tiễn, khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, trí tuệ của người khác... thì mới nhanh chóng có khả năng thành công.
- Không chỉ đầu tư vào y tế, bà còn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, công nghệ cao... Với quỹ thời gian hạn hẹp của mình, bà đã bố trí quỹ thời gian như thế nào?
Về ngân hàng, tôi là người đầu tiên khôi phục và sáng lập Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank). Tuy nhiên đây là ngành tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên phải liên kết với đối tác lớn mạnh là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) để quản lý điều hành. Hiện ông xã tôi đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
- Bí quyết thành công trong kinh doanh của bà là gì?
Để thành công cần rất nhiều yếu tố, cái tâm, chữ tín, chữ tầm... 3 chữ T đó phải gắn liền. Với tôi, để đạt tới thành công trước tiên doanh nghiệp phải có người đứng đầu xuất sắc; người đó phải biết kết nối, tận dụng, nhìn nhận và đánh giá đúng về con người. Nếu người đó cho dù tài giỏi bao nhiêu nữa nhưng không biết liên kết, tập hợp nhân tài thì cũng khó thành công.
Bản thân tôi đi lên từ con số 0, nên tôi rất kính trọng những người thành công, bất cứ ở lĩnh vực nào, càng cảm phục những người từng bị vấp ngã nhưng rồi tự vươn lên, những người hai bàn tay trắng...
Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Quê hương tôi là một vùng quê nghèo, quanh năm chỉ có làm ruộng. Tôi nghĩ nếu không chịu khó vươn lên thì cuộc đời của tôi và dòng họ sẽ không bao giờ thay đổi. Do vậy ý thức thay đổi cuộc sống càng thôi thúc tôi ngày càng mạnh mẽ. Cho nên tôi phải làm việc một cách miệt mài, chịu khó, tận dụng sáng tạo và cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
- Xin cho biết đôi nét về gia đình của bà?
Tôi có 5 người con, trong đó có 3 cô con gái. Các cháu đều đi du học, nhưng tôi muốn các cháu trở về Việt Nam sinh sống và làm việc. Bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con cái nối nghiệp theo mình, nhưng tối thiểu tôi muốn các cháu ngoan, biết làm người là tôi vui rồi lắm rồi. Còn chuyện các cháu có nối tiếp mình hay không thì còn tùy thuộc vào khả năng của từng cháu nữa.
Tôi luôn tâm niệm rằng: "Kinh doanh là phải biết vị trí mình ở đâu?". Người kinh doanh giống như thuyền trưởng lái một con tàu chạy ra biển, có những đêm tim đập mạnh, mệt mỏi, không phải bị bệnh mà vì lo... "Vị thuyền trưởng phải vững tay lái. Nếu chênh tay lái con thuyền sẽ lật. Vì vậy thuyền nhỏ thì không nên ra khơi".
Năm 1993 bắt đầu sự nghiệp từ việc kinh doanh xe gắn máy từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, bằng những tìm tòi sáng tạo, năm 1998 bà độc quyền bán xe máy của hãng Daelim (Hàn Quốc). Đến năm 1999, bà đã bán được khoảng gần 100.000 xe trong một năm với trên 300 công nhân và gần 200 cửa hàng, đại lý bán xe trên toàn quốc đạt doanh thu và đóng thuế hàng nghìn tỷ.
Bà là người đầu tiên khôi phục và là cổ đông sáng lập nên Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) và là một trong những cổ đông chính của ngân hàng. Hiện nay Vietbank đã có vốn 3.000 tỷ đồng với tổng tài sản gần 20 ngàn tỷ với 85 điểm hoạt động trên khắp cả nước và gần 2000 người làm việc và Vietbank không ngừng phát triển.
Về lĩnh vực y tế, hiện tại, bà là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH y tế Hoa Lâm - Shangrila. Đây là Khu y tế phức hợp gồm 6 bệnh viện với 1.750 giường bệnh quy mô hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Bà đã thuyết phục tập đoàn y tế Parkwayhealthcare Singapore để điều hành bệnh viện đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2012.
Theo VEF
No comments:
Post a Comment