Friday, July 06, 2012

Võ Quang Huệ - CEO Bosch

PROFILE - Đưa nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị cung ứng cho ngành ô tô thế giới về Việt Nam là chuyện không dễ, chẳng phải ai cũng làm được như ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc (CEO) Bosch Việt Nam.


Du học từ năm 18 tuổi (những năm 1970) rồi ở lại Đức làm việc nhưng trong tâm thức Võ Quang Huệ, quê nhà vẫn là nơi ông luôn muốn quay về. “Có lẽ, mỗi người Việt xa quê đều trăn trở về điều này, chứ không chỉ mình tôi” - ông Võ Quang Huệ chia sẻ.

Tạo cơ hội cho người Việt

Dù mới 4 năm thành lập Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam (100% vốn nước ngoài, văn phòng ở TPHCM) nhưng nay, Bosch đã là thương hiệu khá quen thuộc tại nước ta và có những bước đi vững chắc. Năm 2011, doanh thu thuần của Bosch Việt Nam đạt 220,5 triệu USD, góp phần đưa tổng doanh thu tăng đến 75% so với năm 2010. Sáu tháng đầu năm nay, dù tình hình kinh tế khó khăn, Bosch Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Có được kết quả này, “công đầu phải kể đến dấu ấn của CEO Võ Quang Huệ” - lời một lãnh đạo Tập đoàn Robert Bosch. Ông Võ Quang Huệ nói rằng thành công không nhỏ nữa của công ty là chỉ trong một năm qua, số lượng người lao động tại Bosch Việt Nam đã tăng gấp đôi. Đội ngũ nhân viên người Việt này sẽ được tập đoàn bồi dưỡng, đào tạo để trở thành nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật trong tương lai.

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Tập đoàn Robert Bosch có hệ thống khép kín với nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu và phân phối sản phẩm. Đưa một nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị cung ứng cho ngành ô tô thế giới về Việt Nam là chuyện không dễ, chẳng phải ai cũng làm được như Võ Quang Huệ. Những thiết bị do nhà máy tại Việt Nam làm ra được bán cho các hãng ô tô danh tiếng thế giới. Hiện nhà máy sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục hộp số tự động cho ô tô (hoạt động từ tháng 4-2011) đã có kế hoạch đầu tư lên tới 322 triệu USD đến năm 2015. Đội ngũ công nhân viên của nhà máy cũng tăng từ 600 hiện nay lên 1.300 vào năm 2016. Trong khi đó, số lượng kỹ sư nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Phần mềm của Bosch ở Đông Nam Á (đặt tại TPHCM) cũng phát triển từ 60 lên 200 người. “Bosch tăng đầu tư vào Việt Nam là thêm cơ hội để người Việt học hỏi kinh nghiệm về quản lý, kỹ thuật và đem lại nhiều lợi ích cho địa phương. Mỗi lần tập đoàn thông báo tăng đầu tư, tôi đều vui mừng, thấy mình được góp thêm phần nào đó cho quê nhà” - ông Huệ bộc bạch.

Từ BMW đến Bosch

Võ Quang Huệ quê ở xã Điện Phong, huyện Điện Bàn - Quảng Nam. Ông tâm sự rằng có được những thành công như hôm nay là nhờ cái duyên của ông với quê nhà. Hồi những năm 1970, đất nước còn trong chiến tranh, ô tô là mặt hàng xa xỉ. Vì thế, trong ông cũng như nhiều du học sinh khác là được ra nước ngoài học ngành cơ khí ôtô để sau này có thể về nước phát triển thị trường nội địa.

Tốt nghiệp đại học tại Đức, Võ Quang Huệ đầu quân cho tập đoàn ô tô danh tiếng BMW. Ông liên tục được giao nhiệm vụ phát triển thị trường trọng điểm của BMW tại nhiều nước. Sau 14 năm ở BMW, năm 1993, lần đầu tiên ông trở về Việt Nam trong vai trò trưởng đề án đưa xe BMW vào thị trường này bằng cách hợp tác với một công ty cơ khí ô tô trong nước. Từ đây, ông nhen nhóm ước mơ về nước làm việc hẳn. “Là người Việt đầu tiên trong nhóm kỹ sư người Đức đưa thương hiệu ô tô sang trọng BMW vào Việt Nam, cảm giác đó thật là thú vị” - ông nhớ lại.

Năm 2006, trên chuyến bay từ Ai Cập về Singapore (khi đó Võ Quang Huệ là tổng đại diện BMW tại Ai Cập), ông tình cờ gặp người quản lý của Tập đoàn Robert Bosch. Người này cho hay Bosch đang tìm kiếm một người học ở Đức, hiểu văn hóa và kinh tế Đức, đồng thời có kinh nghiệm về thị trường Việt Nam. “Thế là tôi lọt vào “mắt xanh” của họ. Sau đó, trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng tại Thượng Hải (Trung Quốc), họ đề nghị tôi tham gia thành lập công ty con của Bosch ở Việt Nam. Tôi vui như mở cờ trong bụng. Còn gì hạnh phúc hơn khi được làm việc cho một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, ngay tại quê nhà”.

Thế là ông chia tay BMW sau 25 năm gắn bó, về với Robert Bosch.

Làm quyết liệt, sống tình cảm

Những ngày đầu mới bắt tay thành lập Bosch Việt Nam, ông đích thân gõ cửa các cơ quan chức năng ở TPHCM xin giấy phép, ra tận cảng làm việc với hải quan, gặp trực tiếp đối tác… Có lần, Bosch nhập dây chuyền sản xuất đầu tiên cho nhà máy ở huyện Long Thành - Đồng Nai bị thiếu thủ tục hải quan, khiến nhà máy có nguy cơ vận hành không đúng thời hạn, ông đề nghị hải quan mở cuộc họp, trình bày tầm quan trọng của dự án. “Khi ấy tôi bày tỏ rằng thành công của dự án này sẽ là thành công của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Và quan trọng hơn, Bosch muốn được làm việc, tuân thủ pháp luật Việt Nam. Sau đó, hải quan đã sớm có phương án giải quyết cho Bosch” - ông Huệ kể.

Hiện tại, công việc mỗi ngày một nhiều nhưng CEO Bosch Việt Nam vẫn không quên về thăm quê nhà xứ Quảng. Những dịp lễ tổ của họ tộc, dù người thân ở quê không còn nhiều nhưng ông hiếm khi nào vắng. Chẳng những thích ăn mì Quảng, lúc rảnh rỗi ông còn trổ tài nấu món mì Quảng “lai” cho cả nhà thưởng thức. Ông gọi là mì Quảng “lai” bởi nhiều năm ở nước ngoài, ông thường nấu món đặc sản quê hương này và có nêm thêm một chút gia vị khác lạ. “Nhưng khi về lại Việt Nam, tôi đã cập nhật cách nấu món mì Quảng truyền thống rồi” - ông Huệ kể vui.

Theo NLĐ

Thursday, July 05, 2012

Vũ Minh Trí - CEO Microsoft Việt Nam

PROFILE - Vũ Minh Trí, sinh năm 1973, người vừa được bổ nhiệm làm CEO Microsoft Việt Nam. Trước đó, anh từng làm CEO của một số tập đoàn đa quốc gia.


Vũ Minh Trí kể: "Những năm đầu 1990, việc chọn trường rất đơn giản, thích thì chọn chứ ít ai nghĩ nhiều đến yếu tố danh giá kiểu "nhất y, nhì dược". Tôi cũng thế và đã trở thành sinh viên ngành kỹ sư hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TPHCM theo cách đó".

Khẳng định tên tuổi

Từ thời sinh viên, Trí đã được đánh giá cao về sức học, năng khiếu lãnh đạo như một tố chất bẩm sinh. Sau khi tốt nghiệp với đề tài về dầu khí, anh được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tuyển thẳng. "Nhà mặt phố, bố làm dầu khí", người ta hay nói thế và khi ấy ai cũng bảo Trí may mắn. Nhưng sau một thời gian miệt mài ở phòng thí nghiệm của tập đoàn, chàng kỹ sư trẻ cảm thấy mất hứng thú với những công việc khô khan, trùng lặp. "Vẻ như tôi chọn nhầm nghề. Soi vào gương, thấy đó không phải hình ảnh của mình. Cứ như vậy, chẳng lẽ 5-10 năm sau mình sẽ là một kỹ sư già? Đắn đo vài lần, tôi quyết định chia tay ngành dầu khí" - Trí cho biết.

Trong suốt 10 năm, Vũ Minh Trí trải qua công việc sales, marketing ở nhiều tập đoàn đa quốc gia như P&G, BP, BAT... Rồi chàng kỹ sư năm nào bước lên tầm cao mới với vai trò CEO của Sony Ericsson. Giai đoạn năm 2006-2007, khi Vũ Minh Trí về Sony Ericsson, thị phần của hãng chỉ là 2%. Dưới bàn tay của CEO trẻ này, con số đó nhanh chóng cán mức 12%, rồi tăng chóng mặt đến 600%.

Năm 2008, Trí chia tay Sony Ericsson, được mời về làm CEO cho Yahoo! Việt Nam. Lúc này, trên thế giới và tại Việt Nam, Yahoo! đã là "gã khổng lồ" trong làng công nghệ. Và từ đây, "thương hiệu" Vũ Minh Trí được biết đến nhiều hơn khi anh xin giấy phép thành lập công ty internet nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam - điều mà đến giờ vẫn chưa có ai làm, ngoài Vũ Minh Trí. Đam mê công nghệ và hiểu tâm lý cư dân mạng, Trí và Yahoo! luôn quyết tâm phải làm cho khách hàng hài lòng ngay cả khi cung cấp dịch vụ miễn phí, đó là phải bảo mật thông tin cá nhân cho họ. Sự thành công của Yahoo! Việt Nam, nhất là blog trực tuyến Yahoo! 360, ghi đậm dấu ấn Vũ Minh Trí.

Tầm nhìn xa

Hai năm sau, kết thúc hợp đồng tại Yahoo! Việt Nam, anh về với Qualcomm, cũng vai trò CEO phụ trách khu vực Đông Dương và Thái Lan. Tại đây, anh cảm thấy hài lòng vì được làm theo triết lý riêng của mình: Đối thủ cũng chính là đối tác, vì thế phải hỗ trợ nhau cùng thúc đẩy thị trường điện thoại công nghệ 3G phát triển.

Nhiệm vụ của CEO Vũ Minh Trí ở Qualcomm là tập trung phát triển công nghệ 3G và điện thoại di động bằng cách phối hợp với các mạng viễn thông nâng cao chất lượng mạng. Rồi Qualcomm ký hợp đồng bán chip cho các OEM (Originally Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) của Trung Quốc và Đài Loan. Sau đó, các OEM bán điện thoại di động có chip Qualcomm cho những thương hiệu Việt Nam như Q-Mobile hay FPT, khuyến khích khách hàng chuyển từ công nghệ 2G sang 3G. Và đến giờ, dòng smartphone (điện thoại thông minh) vẫn tăng trưởng rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường điện thoại với các dòng máy dưới 150 USD, "chạy ào ào" trên nền tảng 3G. Điều đó chứng minh cho tầm nhìn xa của Vũ Minh Trí.

"Người ta nhớ đến "Trí Qualcomm" nhiều hơn so với khi tôi làm ở Yahoo! nhưng chưa chắc đó là nơi thành công nhất" - anh chia sẻ. Với một người giàu khát vọng như Vũ Minh Trí, sự thành công không dừng lại ở bấy nhiêu đó mà phải đầy lên theo năm tháng.

Góp sức phát triển công nghệ cao

Đang sôi nổi trò chuyện về những bước đi mới trong ngành công nghệ, chợt nhắc đến lĩnh vực sản xuất điện thoại di động của Việt Nam, Vũ Minh Trí trở nên suy tư. Anh kể rằng mỗi lần đến thăm các trung tâm công nghệ trên thế giới, anh đều tự hỏi: Điện thoại "made in Vietnam" đang ở đâu? Bao giờ có?... Đến nay, ngành thiết bị đầu cuối các nước đều phụ thuộc vào "công xưởng thế giới" Trung Quốc. Bằng nhiều chính sách mở, Trung Quốc lôi kéo các nhà máy trên thế giới về nước mình rồi tranh thủ học hỏi công nghệ, cách làm. Đến giờ, công nhân của Trung Quốc có thể làm được tất cả quy trình lắp ráp, phát triển thiết bị đầu cuối, có khi còn giỏi hơn cả kỹ sư điện tử của Việt Nam. Các hãng điện thoại nổi tiếng như Nokia, Samsung, LG, Apple... đều đặt nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc. Mỗi năm, Việt Nam có 21 triệu chiếc điện thoại di động mới được bán ra, trong đó dòng smartphone chiếm khoảng 20% nhưng chủ yếu là của đối tác nước ngoài. "Chúng ta không có gì ngoài lắp ráp. Một chiếc điện thoại giá 100 USD, trị giá phần lắp ráp chỉ chiếm... vài USD, phần thiết kế, phát triển sản phẩm chiếm đến 30%-40%..." - Vũ Minh Trí ưu tư.

Có lẽ vì thế mà thay vì hài lòng với thành công, Vũ Minh Trí lại bộc bạch: "Tôi nể anh Thân Trọng Phúc (cựu tổng giám đốc Intel Việt Nam) vì đã dày công đưa nhà máy Intel về đặt ở Khu Công nghệ cao TPHCM; phục anh Võ Quang Huệ (tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam) với nhà máy viết phần mềm cho những thiết bị tự động cao cấp đặt tại KCN Long Thành - Đồng Nai".

Giờ đây, khi đảm nhận cương vị mới, rất quan trọng là CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft tại Việt Nam, anh vẫn hằng ngày âm thầm góp từng "viên gạch" xây nền móng cho ngành công nghệ cao của nước nhà. "Microsoft Việt Nam vẫn đi theo chiến lược chung của tập đoàn nhưng sẽ được sáng tạo và đổi mới để phù hợp với thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình và quyết tâm lèo lái con thuyền Microsoft tiến những bước vững chắc để mang đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ hữu ích nhất cho người ".

Bên mái ấm gia đình

Bạn đời của Vũ Minh Trí cũng là bạn học từ thời đại học, gắn bó nhiều năm nên rất hiểu tính chồng. Từ khi anh bận rộn chinh phục những vị trí mới, chị lùi lại phía sau thầm lặng chăm lo cho gia đình. "Vợ tôi thích nấu ăn, làm bánh, khi ở nhà cô ấy sẽ có thời gian làm theo sở thích của mình" - anh chia sẻ.

Trí cho biết giai đoạn này anh rất bận rộn nên hy vọng sau 45 tuổi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhất là 2 nhóc xinh xắn của mình.

Theo NLĐ

Nguyễn Cảnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Eurowindow Holding

PROFILE - Không chỉ có sản phẩm cửa nhựa Eurowindow, Tập đoàn Eurowindow Holding hiện có rất nhiều công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng, tài chính...


Ông Nguyễn Cảnh Sơn khởi nghiệp tại Liên bang Nga năm 1994 với việc thành lập công ty T&M Trans.

Năm 2007, Eurowindow Holding được thành lập để quản lý các dự án đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn T&M Trans, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, VLXD, tài chính... Các công ty thành viên của Eurowindow gồm có: CTCP Cửa sổ nhựa Châu Âu, Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza, CTCP Incentra…

Ông Nguyễn Cảnh Sơn hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT của Eurowindow Holding, CTCP Đầu tư T&M Việt Nam; thành viên HĐQT Techcombank.

Ông Sơn hiện còn là chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Xây dựng thưởng hiệu từ con số "0"

Tiếp chúng tôi tại "tổng hành dinh" của tập đoàn T&M Trans Việt Nam số 30 BCD Lý Nam Đế (Hà Nội) là gương mặt liên tục xuất hiện trên trang bìa các tờ báo, tạp chí về doanh nhân, doanh nghiệp những năm gần đây. Đó là doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng GĐ Eurowindow, kiêm Tổng GĐ Mê Linh PLAZA.

Đến giờ nhiều người đã biết đến sự thành công của những thương hiệu này, nhưng ít ai biết chủ đầu tư - Tập đoàn T&M Trans và Tổng GĐ Nguyễn Cảnh Hồng đã bạo gan thế nào để làm được điều đó.

"Chúng tôi đã chọn cách đi khác. Lúc đó nhiều người thường chọn cách đi an toàn, lao vào những lĩnh vực đã có thị trường, nhưng anh trai tôi (ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn T&M Trans có trụ sở chính tại LB Nga) và tôi thì lại khác. Chúng tôi chủ động tìm hiểu dự đoán nhu cầu của thị trường và chọn sản phẩm cửa sổ nhựa châu Âu để đưa vào thị trường Việt Nam".

Sản phẩm này được ưa chuộng ở châu Âu và nhiều nước châu Á, vậy thì lý nào lại không thành công ở Việt Nam, một nước đang có tốc độ phát triển nhanh, vững chắc, đời sống người dân đang dần được nâng cao. Có niềm tin như vậy, với sự hỗ trợ đầu tư từ người anh trai, doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng liền bắt tay vào việc.

"Cái khó là chúng tôi phải tạo ra thị trường, vì lúc đó thị trường sản phẩm cửa nhựa gần như là con số "0". Người ta bảo gỗ đầy ra đấy, ai dùng cửa nhựa nhà ông" - Tổng GĐ Nguyễn Cảnh Hồng nhớ lại.

Nhiều người đã bảo anh em nhà ông Cảnh Sơn, Cảnh Hồng quá mạo hiểm với một sản phẩm cửa nhựa mang cái tên Eurowindow mới toanh mà thị trường chưa phát sinh nhu cầu, mạo hiểm với một đại siêu thị Mê Linh PLAZA đặt ở nơi "xa xôi" giáp ranh Hà Nội với Vĩnh Phúc… 90% khách hàng tiềm năng của họ khi được khảo sát ý kiến đã lắc đầu cho rằng sẽ không thành công, không khả thi.

Vậy mà cái bị đa số cho là điên rồ, không khả thi ấy chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển nhanh đến không ngờ. Bằng chất lượng, bằng quảng bá, tiếp thị kiên trì, chuyên nghiệp, doanh nghiệp đã đưa người dân Việt Nam đến với phong cách tiêu dùng mới.

Thực tế đã và đang chứng minh họ đúng, họ biết làm. Sản phẩm cửa nhựa Eurowindow chỉ sau 1 năm ra mắt đã được chọn trao giải Sao vàng Đất Việt đầu tiên vào năm 2004, doanh số liên tục tăng 60-70%/năm, năm 2007 dự kiến tăng 100%, đạt doanh thu trên 300 tỉ đồng.

Đến nay, ở Việt Nam đã có khoảng ba chục đơn vị sản xuất cửa nhựa cùng chia thị phần với Eurowindow, thu hẹp thị phần của cửa gỗ. "Chúng tôi mừng vì đã góp phần lớn để tạo ra được thị trường, mừng vì người dân được lựa chọn sản phẩm tốt, hưởng giá cả cạnh tranh, còn đơn vị nào uy tín, chất lượng thì sẽ tồn tại" - doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng tự tin. Chất lượng, uy tín và sự chuyên nghiệp là tiêu chí mấu chốt để những Eurowindow, Mê Linh PLAZA hay bất kỳ thương hiệu nào có thể đứng vững.

Sau 5 năm gây dựng thương hiệu và đứng vững trên thị trường, mới đây Eurowindow quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ 100% vốn đầu tư nước ngoài sang mô hình công ty cổ phần vào tháng 5/2007 và dự định sẽ sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán để có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Cùng với việc chuyển đổi hình thức Công ty của Eurowindow, tập đoàn mẹ T&M Trans đang tiến hành sắp xếp lại các mảng đầu tư tại Việt Nam với việc xây dựng Công ty Eurowindow Holding gồm 3 mảng kinh doanh chính: Sản xuất Vật liệu xây dựng; Xây dựng và kinh doanh bất động sản, phân phối vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất.

Đây là hoạt động nhằm liên kết giữa các khâu từ sản xuất vật liệu tới kinh doanh phân phối và xây dựng công trình, tận dụng thế mạnh sẵn có trong từng lĩnh vực liên kết lại tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các công ty, tiến tới thực hiện các dự án tầm cỡ quốc tế của tập đoàn T&M Trans tại Việt Nam.

Điều đáng trân trọng là Doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến công tác xã hội từ thiện với hàng tỉ đồng đóng góp đã được chuyển tới những đồng bào nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai.
Đôi nét về cá nhân:

- Họ tên: Nguyễn Cảnh Sơn
- Năm sinh: 10/4/1967 (45 tuổi)
- Quê quán: Thanh Chương, Nghệ An
- Chức vụ: Chủ tịch Eurowindow Holding; Chủ tịch CTCP Chứng khoán EuroCapital; Phó Chủ tịch Techcombank; Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
- Gia đình: Em: Nguyễn Cảnh Hồng (1970) - TGĐ Eurowindow
- Tài sản: Cổ phần Eurowindow Holding, Techcombank, 13% cổ phần CTCK EuroCapital.

Theo V&V