Tuesday, May 10, 2011

Nguyễn Ngọc Điệp - CEO Vatgia.com


PROFILE - Thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư tiêu hết vèo chỉ sau 12 tháng, phải cầm cố cả nhà cửa, Nguyễn Ngọc Điệp vẫn không từ bỏ ý xây dựng web mua sắm có cái tên rất Việt - Vatgia.com. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời (Nhà may Phú Hưng với hơn mười cửa hàng tại Hà Nội), dường như chẳng bao giờ Điệp phải lo toan đến những chuyện cơm - áo - gạo - tiền.

Năm 22 tuổi sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Thương, Điệp nhanh chóng đầu quân cho một doanh nghiệp ở Nhật Bản rồi trở thành một trong những người làm thuê với mức lương tháng lên tới hơn 10.000 USD. Anh nhanh chóng tậu nhà, xe và nhiều phương tiện khác có giá trị mà chẳng cần bất cứ sự trợ giúp nào từ cha mẹ.

“Cuộc đời là chuỗi những nhân duyên, chẳng ai sinh ra đã nghĩ mình sẽ trở thành ông chủ doanh nghiệp, tôi cũng vậy. Đôi khi cơ hội đến bất ngờ như thể số phận đã định sẵn vậy và nó buộc phải xảy ra”, Giám đốc Vatgia.com lý giải rất đơn giản về con đường khởi nghiệp của mình.

Hồi đó, bạn bè, người quen thường nhờ Điệp đặt mua máy tính, máy ảnh, camera, mỹ phẩm,… của Nhật để gửi về Việt Nam. Công việc bận rộn, không có điều kiện đi lại nhiều, Điệp mày mò đặt mua hàng qua các trang mạng của Nhật. Thực hiện càng nhiều giao dịch online, Điệp càng thấy ham mê. Anh bắt đầu để tâm nghiên cứu các website thương mại điện tử tại đây.

Ban đầu, Điệp có ý tưởng xây dựng một website hoàn toàn bằng tiếng Nhật để cung cấp thông tin về Việt Nam cho khách hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với họ, anh hiểu rằng người Nhật yêu cầu tiêu chuẩn rất cao. Ngoài thông tin đồng bộ, họ còn yêu cầu hệ thống thanh toán, thẻ tín dụng… kèm theo, nên anh làm thử bằng tiếng Việt trước.

“Bạn bè là người Nhật khi biết ý tưởng này cũng khuyên tôi nên tập trung làm thị trường Việt Nam bởi với gần 90 triệu dân, đây là một thị trường vô cùng tiềm năng cho thương mại điện tử, lại đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn, chưa có một công ty nào chiếm lĩnh”, Điệp kể.

Anh mang ý tưởng này đến làm việc với gần 20 công ty có tiếng về công nghệ tại Việt Nam để đặt hàng họ phát triển. Tất cả đều lắc đầu từ chối vì yêu cầu của Điệp đưa ra về dữ liệu và tính năng quá khó và phức tạp. Chán nản nhưng Điệp không chịu bỏ cuộc, anh tiếp tục tìm người nghiên cứu độc lập. Sau 6 tháng làm ngày làm đêm, website vatgia.com bắt đầu thành hình vào đầu năm 2007.

Những ngày đầu hào hứng, Điệp nhẩm tính với số vốn tích luỹ vài trăm nghìn đôla, cộng thêm tiền cho thuê căn nhà anh sở hữu và tiền lương làm thêm cho công ty cũ, anh có thể duy trì được công ty mới hoạt động. Ai ngờ, đúng một năm sau, khi vatgia.com vẫn còn trong giai đoạn khởi động, chưa mang lại doanh thu thì nguồn vốn mà anh có - 300.000 đôla bắt đầu cạn kiệt. Trong khi, mỗi tháng anh vẫn phải ứng tới 200 triệu đồng để trả lương nhân viên, Vatgia.com đứng chênh vênh bên bờ phá sản. Đã có lúc anh tính đến việc bán nhà, bán xe, cầm cố đồ đạc có giá trị để duy trì công ty hoạt động.

Thế nhưng, trong lúc khó khăn nhất, vận may vẫn mỉm cười với Điệp. Bạn bè bên Nhật biết anh khó khăn đã tự nguyện giúp đỡ người 5.000, người 10.000 đôla và động viên anh vượt khó. Được bạn bè giúp sức, vatgia.com tiếp tục duy trì hoạt động cho đến tháng 3/2008 thì Quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ - IDG đã quyết định rót vốn vào đây. “Trước khi IDG vào một tháng, chúng tôi đang ở giai đoạn cầm cự, anh em 'ăn cơm nắm nằm vùng' để duy trì hoạt động của công ty”, Điệp kể.

Thế nhưng, có tiền, Điệp lại vấp phải khó khăn mới - đó là nghĩ cách tiêu tiền. “Có tiền, chúng tôi bắt đầu mở rộng quy mô, lập cơ sở mới, thuê văn phòng to đẹp hơn, thu nhập anh em cũng tăng đáng kể. Thế nhưng, cái khó lại nảy sinh”, Điệp kể.

Vatgia.com khởi đầu với 5 thành viên bỗng chốc tăng tới 70 người, rồi 120 nhân viên… Điệp đối mặt với thách thức trong quá trình hoạt động, nhân viên đi về không ai quản lý, phòng nhân sự chưa có, mỗi thành viên quản lý một nhóm nhỏ độc lập như một vương quốc riêng.... Mọi thứ trở nên hỗn loạn. Lúc bấy giờ, Điệp cầu cứu các công ty lớn cùng ngành tại Nhật.

“Sau khi nghe, họ không đưa ra lời khuyên mà tặng cho cuốn sách và nói về nhà đọc, mọi bí quyết nằm cả trong đó”, anh kể. Đọc xong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” mà bạn bè tặng, Điệp thở phào. Anh hiểu rằng muốn công ty lớn mạnh phải cần xây dựng một văn hoá riêng, có giá trị cốt lõi, mục tiêu dài hạn... mới có thể thống nhất phát huy được sức mạnh tinh thần và mọi nguồn lực của nhân viên.

Điệp tâm niệm trong công ty, ông chủ duy nhất là khách hàng. "Tôi nhớ mãi câu nói của Sam-Walton người sáng lập Tập đoàn bán lẻ số 1 thế giới Wal-Mart: Trong công ty, chỉ có một ông chủ duy nhất đó là khách hàng. Khách hàng có thể đuổi việc từ giám đốc cho đến nhân viên chỉ với một hành động duy nhất đó là mua hàng của công ty khác. Chính câu nói này đã định hướng toàn bộ công ty tôi”, Điệp nói.

Xác định được hướng đi, mục tiêu và giá trị cốt lõi, vatgia.com nhanh chóng ổn định hệ thống và tạo nên những bước nhảy vọt. Đến đầu năm 2010, vatgia.com bắt đầu tạo ra dòng tiền dương.

Nhiều năm nay, Điệp vẫn trung thành với chiếc xe mà anh mua khi còn làm tại công ty cũ và giữ mức lương 1.000 đôla một tháng. Trong khi đó, nhiều cán bộ dưới quyền nhận khoản thu nhập gấp đôi thậm chí gấp 3 so với giám đốc. Sở dĩ anh sống sung túc với mức lương "khiêm tốn" này vì cho rằng mình may mắn khi vẫn giữ được 2 căn nhà cho thuê. Đây là 2 trong số 3 căn nhà mà Điệp mua được tại thời điểm chưa thành lập công ty riêng.

Năm học lớp 9, bố mẹ ly hôn, anh phải ở nhờ họ hàng và di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Tại thời điểm đó, Điệp hiểu được giá trị của ngôi nhà nên khi kiếm được tiền là anh quy đổi hết ra nhà đất. Thế nhưng kể từ khi mở công ty, tất cả nhà đều phải cho thuê để có tiền duy trì Vatgia hoạt động.

Năm 2008 (vừa tròn 30 tuổi) anh được về ở tại căn nhà của chính mình bởi đã có dòng tiền đầu tư đến từ IDG. “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi trong quá trình khởi nghiệp là đã trở về được chính ngôi nhà của mình chứ không phải tiếp tục sống kiếp ở thuê nữa”, Điệp tâm sự.

Bài viết của Diễn giả Dương Hồng Lễ.

Nguyễn Hòa Bình - CEO PeaceSoft


PROFILE - Ngày nay, trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt không có chỗ cho những suy nghĩ chủ quan và bồng bột - những yếu tố thường thấy ở những doanh nghiệp mà ông chủ của nó tuổi đời còn rất trẻ. Cũng nằm trong độ tuổi rất trẻ khi mới thành lập doanh nghiệp, nhưng bằng trí tuệ và những bước đi vững chắc của mình, Nguyễn Hòa Bình - Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft) - đã tạo dựng lên một chân dung có thể nói là hình mẫu của những doanh nhân thế hệ mới, thế hệ 8X.

Năm 1999, Bình tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Tây với giải 3 quốc gia môn Toán. Với thành tích ấy, Bình có thể vào thẳng bất kỳ trường nào mình thích. Do ham mê công nghệ thông tin nên Bình đăng ký nhập học vào hệ chính quy (4 năm), khoa Công Nghệ (nay là Đại học Công Nghệ), Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, với khả năng sáng tạo nổi trội, Bình được chọn như một hạt giống để đào tạo nguồn tài năng trẻ của của Trung tâm bồi dưỡng tài năng công nghệ trẻ thuộc Công ty phát triển đầu tư công nghệ FPT, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Những đề tài và hoạt động khoa học không biết mệt mỏi đã đem lại cho chàng trai trẻ những giải thưởng ngay khi học Đại học. Hai năm liên tiếp, Bình đoạt các danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội”, năm 2001 Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo… và niềm vinh dự lớn là năm 2001 là Thành viên đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi “Sinh viên châu Á lập trình Visual Studio.NET” tại thành phố Seoul (Hàn Quốc) được tổ chức bởi Microsoft Châu Á và gặp mặt chủ tịch tập đoàn Microsoft, ngài Bill Gates.

Ngoài ra có thể kể thêm một số những giải thưởng khác mà Bình đã đạt được giải nhì và giải ba “Sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh niên” năm 2001 (VIFOTECH sinh viên) do Quỹ VIFOTECH trao tặng. Hiếm có một chàng trai khi còn ngồi trên nghế nhà trường lại đạt được nhiều giải thưởng như vậy, nó cũng chính là tiền đề cho những thành công của Bình sau này.

Bình tiếp cận và ham mê với công nghệ thông tin từ năm lớp 10, hồi đó nhà chỉ có duy nhất một máy tính, bố mẹ mua cho anh trai để làm thiết kế. Tranh thủ những lúc anh không sử dụng, Bình tự mày mọ và học ké, rồi mua sách về đọc, nghiên cứu. Chính từ thời điểm này, công nghệ thông tin đã cuốn hút Bình và đó là lý do mà Bình chọn vào khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, Nguyễn Hòa Bình đã ấp ủ ước mơ thành lập công ty cung cấp giải pháp phần mềm. Sau này anh kể lại, lúc đó cũng muốn làm giàu và cũng hơi ngông cuồng một chút, Công ty TNHH cung cấp giải pháp phần mềm Hòa Bình (Peace Soft) chính thức thành lập ngày 16/4/2001, do Nguyễn Hòa Bình - một cậu sinh viên năm thứ hai vừa tròn 20 tuổi - làm Giám đốc.

Lúc đó công ty chỉ là trên giấy tờ, không vốn, không nhân lực, không trụ sở, cái gì cũng tự làm, tự nghiên cứu, ngay chính kế hoạch định hướng phát triển công ty Bình cũng chưa biết, rồi nhận được sự ủng hộ của một số người bạn cùng chí hướng, Bình và mọi người đã viết một số phầm mềm để chào hàng đến một số đơn vị là các công ty tư nhân và một số cơ quan nhà nước.

“Vạn sự khởi đầu nan” rồi cũng qua, Hội đồng tư vấn chuyên môn về y học thảm họa - Bộ Y tế, do GS. TSKH. Lê Thế Trung, làm chủ hội đồng - nhận thấy phần mềm của Bình và những người bạn viết có ứng dụng khoa học cao nên đã ký hợp đồng. Đó là giải pháp về xây dựng hệ thống thông tin phòng chống thảm họa y tế qua Internet, cho phép cảnh báo và đưa ra phương án ứng cứu các trường hợp khẩn cấp: lũ lụt, phân lũ… triển khai tại nghành y tế 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình...

Con đường lập nghiệp đã tạo được một cột mốc quan trọng để Bình vững tin đưa công ty đến một tầm cao mới, tầm cao của trí thức và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ ham sáng tạo và cống hiến trí tuệ cho đất nước.

Không bằng lòng với những gì đạt được, Bình tự hiểu rằng phải nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hơn nữa mới mong đưa được công ty phát triển, vì những người trẻ như Bình khi mới lập nghiệp thì cái gì cũng khó. Chỉ có lòng nhiệt huyết và sự năng nổ của tuổi trẻ thì không thay thế được kiến thức thương trường, kinh nghiệm quản lý…

Một doanh nghiệp cũng giống như con người, cũng phải trải qua quá trình phát triển nhất định, đầu tiên là giai đoạn khởi nghiệp, giai đoạn phát triển và sau đó là tạo dựng được chỗ đứng trên thương trường. Mà khởi nghiệp thì bao giờ cũng có rất nhiều chông gai, có đến 80% số doanh nghiệp thất bại ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp.

Nguyễn Hòa Bình - Ông chủ website Chodientu.vn

Biết vậy, Bình lao vào nghiên cứu các đề tài khoa học và đầu tư có chiều sâu cho các sản phẩm của công ty. Thời điểm này, các báo cáo khoa học của Bình tại một số hội thảo như Hội thảo quốc tế về Công nghệ thông tin Địa lý (GIS-IDEAS) tổ chức tại Hà Nội. “Hội nghị thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số tiểu vùng sông Mê Kông” tại Học viện công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan… đã thu hút được sự chú ý của những người làm khoa học và những nhà hoạt động trong giới công nghệ thông tin.

Bình nhận được nhiều lợi động viên khích lệ và chính nó đã giúp cho Bình thêm tự tin và củng cố quyết tâm trong sự nghiệp. Năm 2003, Bình lại nhận tiếp được một niềm vinh dự nữa khi đạt giải ba giải thưởng “Trí tuệ Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam, công ty FPT và báo Lao Động đồng tổ chức; Giải thưởng “Quả Cầu vàng” do Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải, Bí thư TW Đoàn, Bộ trưởng Bộ KHCN và Bộ trưởng bộ BCVT trao tặng; Giải thưởng “Phần mềm ưu việt nhất Việt Nam” (được gắn biểu tượng 5 sao đẳng cấp quốc tế) do Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA) đánh giá, dành cho Giải pháp Cổng thông tin tích hợp E4Portal... Với Bình mỗi một giải thưởng, mỗi một chuyến đi đều có thể đem lại lợi ích cho mình nếu như mình nắm bắt được cơ hội.

Và cơ hội của Bình đã đến. Đó là Hội thảo Net Booking lớn nhất của giới kinh doanh Châu Á năm 2003. Bình đã đăng ký phát biểu trước hội đồng và các nhà đầu tư, lúc đó mỗi một công ty chỉ có 5 phút lên phát biểu để “kêu gào” và mời chào các nhà đầu tư hãy đầu tư cho công ty mình.

Kết thúc chuyến đi, Bình có viết một bài báo đăng trên báo Tuổi trẻ nói về những hoạt động của mình tại chuyến đi và những suy nghĩ về Net Booking toàn cầu. Sau khi bài báo được đăng Bình nhận được sự quan tâm rất có thiện chí của IDG Ventures Việt Nam và trực tiếp là ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc IDG Ventures Việt Nam. Chính ông Hoàng đã khuyến khích Bình nộp hồ sơ lên để xem xét và cấp vốn đầu tư, vì tại thời điểm này theo kinh nghiệm của IDG Ventures Vietnam, việc tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh đột phá, các dự án khả thi để đầu tư không khó; cái khó là đa số các đối tác của họ còn hạn chế ở khâu quản lý và tiếp cận thị trường nước ngoài.

Và một trong những khó khăn của họ trong việc tìm kiếm đầu tư là trình độ nguồn nhân lực và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận các hình thức kinh doanh và đầu tư mới, ví dụ như những lĩnh vực kinh doanh trên nền Internet, viễn thông và truyền thông, còn yếu. Vì vậy khi ông nhận thấy ở "PeaceSoft có một cổng thông tin đa dạng với website www.chodientu.com và PeaceSoft sẽ là công ty hàng đầu về phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam”, IDG đã chấp nhận đầu tư ngay đợt đầu cho công ty của Bình, được lựa chọn trong tổng số gần 200 hồ sơ gửi về.

Tháng 3/2005, tại khách sạn Caravelle (TP.HCM), Công ty của Bình là công ty Việt Nam đầu tiên nhận vốn đầu tư mạo hiểm từ Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG (Mỹ) phục vụ đầu tư xây dựng cổng Thương mại điện tử www.chodientu.com với số vốn đầu tư 1 triệu USD trong thời gian 5 năm. Ngoài các vấn đề về vốn, tổng giám đốc IDG Ventures đã gia nhập Ban giám đốc công ty PeaceSoft. Bình hy vọng, với những kinh nghiệm của mình, ông Hoàng sẽ giúp PeaceSoft giải quyết nhiều bài toán khó về nhân sự với phương pháp tiếp cận và phát triển thị trường tiên tiến và chuyên nghiệp.

Có thể nói khi IDG quyết định đầu tư vào Công ty TNHH Cung cấp giải pháp phần mềm Hoà Bình (Peace Soft) do Bình là Tổng Giám đốc cũng chính là khi họ nhìn thấy ở Bình khát vọng và khả năng có thể làm cho IDG sinh lời nhanh ng. Bởi trước khi có số vốn đầu tư của IDG, sàn giao dịch thương mại điện tử chodientu.com của công ty Bình đã có chỗ đứng và phát triển với doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Hàng ngày tại chodientu.com có khoảng 70.000 lượt giao dịch 0 một con số không nhỏ ở Việt Nam. Nhưng đối với Bình, cái lợi lớn nhất khi được IDG đầu tư, đó là Bình sẽ mở rộng quy mô của Chợ điện tử lên và phát triển thêm nhiều lĩnh vực hoạt động hơn nữa.

Con đường lập nghiệp của Nguyễn Hòa Bình vẫn đang rộng mở phía trước. Bình tự biết còn rất trẻ nên không thể tự mãn, ngay cả khi một số các cơ quan báo chí trong nước như Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số, Đài Tiếng nói Việt Nam,… các cơ quan báo chí nước ngoài như Microsoft Asia.NET Magazine, Washington Post, Financial Times, BBC Vietnamese, Los Angeles Times, News, AFP, The Independent, TV5, China Post… nhiều lần nhắc đến Bình như một nhà lãnh đạo trẻ thành công, Bình cũng không hề kiêu căng, anh chỉ coi đó là những ưu ái của giới truyền thông dành cho mình.

Hiện nay, điều hành gần 200 nhân viên đầy sức sáng tạo và phần lớn cũng trẻ như ông chủ, Nguyễn Hòa Bình đang miệt mài đóng góp cho lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam những giải pháp hữu ích. Đó là sản phẩm điện thoại Internet Voice Everywhere network, Giải pháp cổng Chính phủ điện tử eGov.Net - giải pháp thử nghiệm mô hình Cổng Chính phủ điện tử trên nền công nghệ .Net và web service cho phép cung cấp các dịch vụ hành chính công phục vụ người dân qua mạng…

Những thành công đó, cùng với sàn giao dịch thương mại điện tử chodientu.com, Bình hoàn toàn có thể tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình trong sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam.

Bài viết của Diễn giả Dương Hồng Lễ.