Tuesday, December 13, 2011

Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch HĐQT Kusto Việt Nam

PROFILE - Ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Bình Thiên An (BTA) đã có những chia sẻ kinh nghiệm ứng xử trên thương trường tại buổi hội thảo gặp mặt nhà cung cấp “Cùng đồng hành, cùng phát triển” tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.


Theo ông Huy:  “Khi kinh doanh các bên nên chia sẻ thông tin thẳng thắn với nhau. Có khó khăn thì nói khó khăn. Chúng tôi cũng có rất nhiều khó khăn, và chúng tôi chia sẻ cho đối tác của mình. “

BTA có sử dụng vốn vay của ngân hàng cho vay không? BTA có chia sẻ thông tin khó khăn về nguồn thu với ngân hàng không?

Cũng như các doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng phải sử dụng thêm vốn vay của ngân hàng. Trong kinh doanh chẳng có ai chỉ sử dụng vốn tự có của mình.

Thật sự, chúng tôi cũng có những giây phút khó khăn khi tình hình tài chính không như dự kiến, bán hàng không đúng như kế hoạch.

Đơn cử như việc tăng giá dự án Đảo Kim Cương – tăng giá không chỉ là chiến lược marketing, chúng tôi đã chia sẻ với đối tác ngay từ đầu năm 2007, khi mới thiết kế. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2014, giá bán thấp nhất của dự án Đảo Kim Cương là từ 6.000 -10.000USD/m² so với hiện nay giá bán bình quân của Đảo Kim Cương đạt từ 3.500 – 5.000 USD/m².

Chúng tôi đã hoạch định rất rõ ràng, ai đến sau phải trả giá cao hơn. Nếu bất cứ một dự án bất động sản nào, càng gần hoàn thiện, giá bán càng rẻ , thì cho thấy chủ đầu tư khá nặng nề về tài chính.

Vừa qua, bộ phận bán hàng báo tháng rồi bán được 3 căn (dự án Đảo Kim Cương). Chúng tôi vẫn bán được hàng, nhưng dòng tiền bị ảnh hưởng do việc bán hàng không được như ý muốn. Điều này bắt buộc chúng tôi phải điều chỉnh các khoản đầu tư khác để tập trung hoàn thiện.

 Chúng tôi đã có thương thảo trước kế hoạch, chia sẻ khó khăn, thỏa thuận với ngân hàng, mới đi tiếp. Về phía ngân hàng, họ thấy được mình làm đúng, mình chân thành và đúng là tiến độ bán hàng chậm. Chúng tôi không nói rằng: chúng tôi hoành tráng lắm, chúng tôi nhiều tiền, của lắm.

Chúng ta phải chia sẻ thông tin một cách minh bạch để các bên cùng giúp đở nhau. Nếu doanh nghiệp gặp “vấn đề”, ngân hàng cũng sẽ “gặp vấn đề”.

Vậy đối tác của ông có chia sẻ thông tin minh bạch với ông và BTA không?

Có người hỏi tôi có mạo hiểm quá không khi “mua” CTCP Kỹ thuật Cơ Điện Lạnh PER8. Tôi trả lời rằng: Chính xác! Tuy nhiên, BTA có đầu tư con người.

PER8 có đội ngũ cán bộ chân thành, có người không lĩnh lương 3 tháng vẫn gắn bó với công ty. Nhưng trước đây PER8 làm từ thiện nhiều quá, làm cho một số đối tác mà không thu được tiền, đầu tư vào bất động sản…

Chúng tôi thấy PER8 khó khăn và thế mạnh như vậy, nên quyết định giúp đở và đầu tư vào PER8 – những con người và tập thể PER8. Chúng tôi hỗ trợ và cùng đồng hành.

Hợp tác với nhau để cùng đi lên. Nhưng nói thì dễ nhưng làm hay biến lời nói thành hiện thực là rất khó bởi người ra nói rằng thương trường là chiến trường. Vậy chúng ta phải làm thế nàođể cùng đồng hành, cùng phát triển?

Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn chia sẻ một vài quan điểm và kinh nghiệm trước đây.

Thứ nhất, tôi lớn lên từ sản xuất. Năm 1994, khi tôi 24 tuổi, tôi bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên, không có chuyên môn. Tôi bắt đầu mua nguyên vật liệu, bán hàng nhiều năm. Đó là tiền thân của Công ty Masan.

Khi đó tôi và anh Quang (Ông Nguyễn Đăng Quang – chủ tịch Masan, PV), sau đó năm 1996 cùng với anh Hùng Anh (Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank, Phó chủ tịch Masan, PV) gây dựng nên Masan.

Chúng tôi có ít kinh nghiệm xương máu của mất mát, chống lãng phí ,… Chúng tôi nhìn thấy và mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm đau đớn đó để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các đối tác.

Ngày trước, chúng tôi – Masan cạnh tranh rất khốc liệt với Công ty Rollton (được thành lập năm 1998 trực thuộc Tập đoàn Future Generation Group– anh Vỹ (Ông Đặng Khắc Vỹ - Thành viên HĐQT VIB) và anh Dũng (VP Bank); và Technocom - anh Vượng  (Ông Phạm Nhật Vượng ) – khi đó nắm giữ thị trường mì tôm Ukraina.

Chúng tôi đánh nhau sát phạt đến mức khủng khiếp về giá. Lúc đầu chúng tôi làm ra 1 gói mỳ giá thành 8cents, bán ra 12cents/gói. Sau đó người Việt Nam kiểm soát được 80% thị trường mì ăn liền ở Liên Xô. Chúng tôi cạnh tranh nhau và giảm giá đến mức 3,8 cents/gói mì với giá thành sản xuất là 4,5cents/gói mì - nhờ cạnh tranh chúng tôi đã tiết kiệm được giá thành sản xuất (cười).

Cuối cùng, chúng tôi ngồi lại với nhau: bây giờ đánh nhau hay là chết? Vì vậy, chúng tôi đã thiết lập những quy tắc ứng xử: không dành giật nhân viên của nhau , cạnh tranh lành mạnh , không liên minh về giá ở mức bao nhiêu? Dưới mức giá thành là bao nhiêu? Đây là những cam kết mang tính thỏa thuận với nhau trên giấy tờ nhưng không có cơ chế để phạt. Sau đó chúng tôi đã bình ổn được.

Chúng tôi – Masan đã thua trận tại thị trường Nga (thắng lợi trên thị trường Ukraina là anh Vượng , trên thị trường Nga là anh Vỹ ). Nhưng Masan đã kịp rút về Việt Nam.

Trên cơ sở cùng nhau phát triển, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau, thi đua cùng nhau khi về Việt Nam dù mỗi người một lĩnh vực và tôn trọng lẫn nhau. Đây là những điều quan trọng mà tôi rút ra được.

Tới đây, BTA, Coteccons, PER8, Beton 6, Descon … sẽ cùng các đối tác của mình gặp gỡ nhau hàng quý, hàng tháng cùng chia sẻ thông tin minh bạch, từng bước hình thành các quan hệ mật thiết.
Ông Trịnh Thanh Huy, sinh năm 1970, Kỹ sư Ô tô, Học viện kỹ thuật quân sự tại Việt Nam và Nga. Ông là sáng lập và lãnh đạo công ty BTA đầu tư vào dự án Đảo Kim Cương (quy mô 8ha, vốn đầu tư trên 400 triệu USD tại Quận 2, Tp. HCM); dự án Metropolis Thảo Điền (quy mô 8ha, vốn đầu tư hơn 600 triệu USD tại Quận 2, Tp.HCM) và đang mua lại một số dự án lớn khác.

Đồng thời ông Huy là sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT CTCP  thương mại Đầu tư HB. Đây là tập đoàn đa ngành đầu tư và điều hành các công ty logistics (Vinafco), vật liệu xây dựng (Bê tông 620 Châu Thới, Celestone), Xi măng (Cty TNHH Vật liệu Xây dựng Việt Nam), bất động sản (HB Quảng Nam…).

Trước đó, ông cùng với ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh xây dựng Tập đoàn Masan tại Nga, sau đó là Masan tại Việt Nam. Năm 2006, ông Huy rời Masan gây dựng Bình Thiên An.
Theo BM

Wednesday, July 20, 2011

Thương hiệu Nike: Thần phù nhân định

VIC.BRAND - Trong thế giới thương hiệu, Nike vốn sinh sau đẻ muộn nhưng rồi nhanh chóng trở thành kỳ phùng địch thủ với thương hiệu cây đa cây đề. Rõ là hậu sinh mà khiến các tiền bối phải kiềng nể, xuất phát sau mà rồi lại có lúc dẫn đầu.

Trên danh nghĩa chính thức, thương hiệu Nike có từ năm 1971. Nhưng quá trình đưa đến sự ra đời của nó đã được khởi nguồn từ năm 1957 trong một cuộc hội ngộ giữa hai người ở Trường đại học Tổng hợp Oregon (Mỹ).

Hai người này và cái logo của thương hiệu năm 1971 đã làm nên những gì mà Nike có được ngày nay, đã giúp Nike trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất và có giá nhất trên lĩnh vực sản phẩm phục vụ cho thể thao. Đó là Bill Bowerman và Phil Knight. Còn tác giả của logo cho Nike là nhà thiết kế Carolyn Davidson. Ba con người tương đồng với nhau ở ý tưởng lớn về triết lý kinh doanh và ý chí quyết tâm xây dựng thương hiệu.

Cùng ý tưởng lớn và chí lớn

Bill Bowerman là huấn luyện viên điền kinh khá nổi tiếng về phương pháp huấn luyện gần như chẳng theo trường phái nào. Khi làm huấn luyện viên cho đội điền kinh của trường Đại học tổng hợp Oregon, Bowerman thậm chí còn thiết kế giày chạy cho các vận động viên. Phil Knight là một thành viên trong đội tuyển và bị ám ảnh bởi giày chạy từ thời đó.

Đối với Bowerman và Phil, giày chạy thể thao không chỉ đơn thuần là giày thể thao, mà phải là đôi giày giúp vận động viên đạt được thành tích cao nhất. Thời đó, hãng Adidas và Puma (của Đức) gần như thống trị thị trường giày thể thao thế giới. Khi còn học ở Stanford Business School, Knight đã viết tiểu luận đưa ra ý tưởng nhập khẩu giày thể thao từ Nhật Bản sang Mỹ để những người chơi thể thao ở Mỹ không bị buộc phải sử dụng giày Adidas hay Puma đắt tiền.

Năm 1962, Knight cất công sang Nhật và thuyết phục hãng giày thể thao Tiger của Nhật - về sau đổi tên thành Asics - chấp nhận mình làm đại lý tiêu thụ ở Mỹ. Sau đó Knight cùng với Bowerman thành lập công ty Blue Ribbon Sports. Đúng ra thì phải nói đó chính là tiền thân của thương hiệu Nike. Ở thời điểm đó, Knight chưa hẳn toàn tâm toàn ý với lĩnh vực kinh doanh này mà vẫn tiếp tục làm việc cho hãng kiểm toán Price Waterhouse.

Nhưng ngay từ thời kỳ đầu này, Knight và Bowerman đã xác định triết lý kinh doanh và phong cách quản lý mà về sau được coi là bí quyết thành công của thương hiệu Nike. Triết lý kinh doanh đó là, không nên tin những ai quả quyết rằng không thể cải tiến được những gì đã được coi là hoàn hảo. Hoàn hảo không phải là hằng số và bất biến. Một khi đã có cái hoàn hảo thì sẽ có cái còn hoàn hảo hơn và không bao giờ có cái hoàn hảo nhất vĩnh viễn cả.

Phong cách quản lý của Knight và Bowerman là tìm kiếm cộng sự thích hợp, khích lệ họ lao động sáng tạo và sau đó để chính họ triển khai thực hiện và quản lý. Knight chỉ chuyên tâm lo về tài chính. Bowerman thiết kế mẫu mã. Đầu thập kỷ 70, công ty của Knight và Bowerman làm ăn phát đạt với việc đại lý tiêu thụ cho hãng giày Tiger đến mức nhà sản xuất và cung ứng giày ở Nhật Bản muốn tự khai thác thị trường Mỹ.

Vì thế, năm 1971, Knight chấm dứt hợp đồng đại lý và bắt đầu kinh doanh độc lập. Các nhà viết lịch sử thương hiệu về sau đều nhất trí rằng, nếu như không có chuyện này thì chưa biết đến khi nào mới ra đời thương hiệu Nike.

Phát minh của Bowerman và thiết kế logo của Davidson

Knight cần cái tên thương hiệu ẩn chứa đầy ý nghĩa và logo cho thương hiệu. Cho tới nay, không ai biết tên thương hiệu Nike có trước hay logo cho thương hiệu có trước vì chúng liên quan trực tiếp đến nhau. Nike là tên của Nữ thần Chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp và những hình ảnh về nữ thần này còn lưu truyền được đến ngày nay đều miêu tả vị thần này có đôi cánh với lời giải thích là có đôi cánh để bay cao, bay xa, vượt lên trên tất cả, luôn chiến thắng. Nike vừa là tên thần, lại vừa có nghĩa là chiến thắng. Knight tâm đắc điều đó.

Carolyn Davidson gặp Knight ở Đại học tổng hợp quốc gia Portland khi Knight đến đó giảng bài về kiểm toán, và từ đó thỉnh thoảng có làm việc này việc nọ cho công ty Blue Ribbon Sports. Knight đề nghị cô thiết kế logo cho công ty mới và Davidson đồng ý với thù lao 2 USD cho 1 giờ làm việc. Sản phẩm của Davidson là cái Swoosh, trông như cái cánh của thiên thần và chỉ tiêu tốn có hơn 35 USD tiền công. Logo ấy xuất hiện lần đầu tiên năm 1971 cùng với sản phẩm của Nike.

Cho tới tận ngày nay, không ai dám phủ nhận một thực tế là, chính cái logo ấy đã góp phần rất quan trọng vào thành công của thương hiệu Nike. Năm 1982, để biểu thị sự biết ơn và đánh giá đúng mức giá trị của logo này, Knight đã tặng Davidson một cái Swoosh bằng vàng và một tập cổ phiếu của tập đoàn Nike có giá trị gấp rất nhiều lần cái giá thiết kế năm nào.

Giày thể thao của Nike có thể cạnh tranh với tất cả các loại giày thể thao hàng hiệu khác trên thị trường còn nhờ phát minh về đế giày xốp của Bowerman.

Truyện kể lại rằng, một lần ăn sáng ở nhà, Bowerman trông thấy vợ làm bánh xốp và nảy ra ý tưởng áp dụng độ xốp ấy cho đế giày. Bowerman đem ngay máy làm bánh xốp của vợ vào xưởng và đổ cao su chảy vào đó. Quá trình từ đó của thương hiệu này gần như không khác gì nhiều quá trình thành đạt của những thương hiệu nổi tiếng khác trên thế giới.

Không phải Nike không gặp phải những giai đoạn sa sút và yếu kém. Nike nắm bắt được trào lưu jogging và triệt để kinh doanh hóa nó, nhưng lại không nhận ra làn sóng thể dục nhịp điệu (Aerobics) trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Nike lại phục hồi và lớn mạnh nhưng rồi lại không để ý đến nhu cầu về giày đắt tiền ngày càng giảm và khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng. Phil Knight hai lần rửa tay gác kiếm trong tập đoàn và rồi lại hai lần phải tái xuất giang hồ để vực lại Nike.

Bao thập kỷ trôi qua, thương hiệu này đã trở thành một cây đại thụ trong rừng thương hiệu. Nó gắn liền với thể thao và trở thành một biểu tượng cho thể thao. Nó mang tên của một vị thần và vì thế được cho rằng vị thần đã ủng hộ nó. Thần phù hộ cho chỉ là một chuyện. Vai trò của con người là chuyện khác và mới là điều quyết định trong thành công của thương hiệu này. Nike thành công bởi kiên định triết lý kinh doanh và phong cách quản lý kể từ khi tiền thân của nó ra đời. Vấn đề không chỉ là sản phẩm có chất lượng, mà phải là chất lượng ngày càng cao hơn.

Nike là một bằng chứng về việc thương hiệu nào muốn thành công trong cuộc cạnh tranh trên thương trường khốc liệt và không khoan nhượng chẳng kém gì chiến trường thì phải quyết đoán và linh hoạt, muốn thành công thì không được phép chần chừ, phải "Just do it" (tạm dịch: làm ngay đi) như khẩu hiệu quảng cáo và tiếp thị của Nike.

Nếu có thần thánh phù hộ thì chắc chắn thần thánh cũng chỉ phù hộ cho những ý tưởng lớn và những con người có đủ năng lực sáng tạo và ý chí thực hiện ý tưởng đó. Nike là chiến thắng, nhưng không phải cái tên mà chính con người mới làm nên chiến thắng, để thần thánh trong những nền văn hóa đã đắm chìm trong bụi phủ của thời gian vẫn được coi là có phần linh thiêng ở thời hiện đại.

Nguồn: Doanh Nhân

Wednesday, July 13, 2011

Xây dựng thương hiệu giáo dục

VIC.BRAND - Văn hóa Á Đông luôn đặt nặng vấn đề học vấn, vì vậy thầy cô giáo rất được tôn trọng và là hình ảnh mô phạm, mẫu mực cho sinh viên học sinh.

Nếu nhìn ở góc độ kinh doanh, với văn hóa hiếu học như thế, nhu cầu về giáo dục ở thị trường châu Á rất cao. Và thực sự có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học, mầm non ở các nước Đông Nam Á. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, tại sao phần lớn các trường danh tiếng lại xuất phát từ Mỹ, Nhật, Anh, Canada, Úc và châu Âu? Có thực sự họ nổi tiếng dựa vào chất lượng, hay họ phải dùng đến công cụ marketing để đánh bóng thương hiệu giáo dục? Nếu nói về kiến thức marketing, các trường ở Việt Nam không hề thua kém, nhưng hình ảnh “mô phạm” là một trong những rào cản khiến những người làm giáo dục khó đẩy mạnh tiếp thị thương hiệu giáo dục. Đồng thời đây là một ngành cần phải được hỗ trợ marketing từ phía chính phủ.

Marketing hỗn hợp

Đã có rất nhiều tổ chức, công ty, Cá nhân bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng một trường đào tạo hoặc liên kết đưa các trường nước ngoài về Việt Nam. Khá nhiều trường ở Việt Nam đã thành công về mặt doanh số, nhưng chưa thể kết luận họ làm kinh doanh tốt. Vì nếu nói về thương hiệu giáo dục, có bao nhiêu tên trường Việt Nam nằm trong danh sách những trường tốt của “khách hàng”?

Để xây dựng thương hiệu thành công, các tổ chức giáo dục cũng cần áp dụng mô hình marketing hỗn hợp, hay còn gọi là mô hình 4P.

Vậy mô hình 4P là như thế nào?

Thứ nhất là Products (Sản phẩm). Nhiều nhà đầu tư giáo dục cho rằng, chỉ cần chương trình (sản phẩm) tốt là đủ. Vậy tại sao có nhiều chương trình tốt từ nước ngoài mang về Việt Nam vẫn thất bại? Một sản phẩm giáo dục, ngoài giáo trình tốt là cốt lõi, giảng viên cũng là một sản phẩm. Các dịch vụ hỗ trợ học sinh, sinh viên cũng là một sản phẩm, nhưng sản phẩm quan trọng nhất là người học.

Thứ 2 là Promotion (Quảng cáo). Có rất nhiều chương trình nước ngoài, hoặc trường quốc tế quảng cáo rầm rộ, giảm 50% học phí, phát tờ rơi đầy một góc đường vẫn không thu hút được học sinh, sinh viên. Hãy dùng yếu tố con người là công cụ quảng cáo hữu hiệu cho kinh doanh giáo dục. Như đã nói ở trên, người học là một sản phẩm quan trọng. Hãy giới thiệu sản phẩm quan trọng này với khách hàng, với thị trường qua nhiều kênh. Ví dụ, qua chương trình giao lưu, thi thố tài năng; chương trình vừa học vừa làm đưa sinh viên đi khắp nơi làm việc trong mọi lĩnh vực. Và hãy dùng một công cụ mà người Việt đã biết sử dụng từ lâu đời. Đó là truyền miệng. Hãy đưa những giảng viên giỏi đi nói chuyện ở các tổ chức, hiệp hội...

Thứ 3 là Physical Evidence (Sự hữu hình). Giáo dục là một sản phẩm vô hình. Vậy làm sao có thể hữu hình hóa để khách hàng hiểu, chấp nhận và quyết định mua? Tùy vào đối tượng khách hàng mà trả lời câu hỏi này. Nếu đó là các bậc cha mẹ tìm kiếm một trường mầm non cho con thì họ quan tâm đến những gì? Hãy thiết kế chương trình phù hợp với mối quan tâm đó. .ếu đối tượng là người đi làm muốn học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), thì cũng nên tìm hiểu họ quan tâm đến những gì?

Cuối cùng là People (Con người). Phần lớn các hiệu trưởng, trưởng khoa và giáo sư đại học ở các nước phát triển đều có ý thức thương mại hóa các nghiên cứu và phát minh của mình. Họ quan hệ cực kỳ tốt với rất nhiều công ty trong lĩnh vực họ nghiên cứu. Vì đây là cầu nối để đưa những sản phẩm quan trọng là sinh viên đến với thị trường.

Doanh thu và mô hình kinh doanh trong giáo dục

Lợi thế của mô hình kinh doanh giáo dục là vừa có thể là tổ chức phi lợi nhuận vừa có thể là tổ chức doanh lợi. Ngoài làm giáo dục có thể kêu gọi tài trợ, hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhưng vẫn có thể thu phí như bất kỳ mô hình kinh doanh nào. Đại học Harvard xin tiền tài trợ hằng năm cả trăm triệu USD, nhưng học phí của Trường không rẻ chút nào.

Nếu so sánh với mô hình kinh doanh khác, kinh doanh giáo dục cũng có thể được bán sỉ cho các doanh nghiệp, hoặc có thể bán lẻ cho cá nhân. Ví dụ, nếu kinh doanh trường dạy tiếng Anh, bạn có thể bán những gói sản phẩm cho doanh nghiệp, hoặc có thể mở lớp dạy mọi đối tượng. Nhưng kinh doanh ngoại ngữ được xem là kinh doanh đại trà. Nếu kinh doanh giáo dục ở bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) bạn có thể bán lẻ cho cá nhân đang đi làm, sinh viên muốn học cao hơn. Mô hình này được xem là sản phẩm cao cấp.

Mặc dù nhìn giáo dục dưới con mắt kinh doanh, nhưng đừng quên văn hóa của Quốc Gia. Dung hòa được 2 yếu tố này, việc kinh doanh giáo dục sẽ trường tồn.

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư

The Go-Giver (Người dám cho đi)

VIC.BRAND - Người dám cho đi chứa đựng một triết lý sống - hay đúng hơn là phương cách sống - giúp việc kinh doanh của bạn phát đạt, giúp cuộc sống của bạn phong phú và tạo cho bạn một ấn tượng tuyệt vời đối với thế giới xung quanh.

Bí quyết của thành công là “cho đi”…

Người dám cho đi kể câu chuyện của một người thanh niên đầy tham vọng tên Joe, đang khát khao thành công. Anh là một người dám dấn thân thật sự, dù đôi khi anh cảm thấy như thể càng làm việc gấp rút và cật lực, những mục tiêu của anh càng khó đạt được. Và rồi một ngày nọ, đang vô vọng tìm cách cứu doanh số của một quý tồi tệ, anh đã tìm xin lời khuyên từ những “người dám cho đi”: nhà tư vấn huyền thoại mà mọi người quen gọi là Chủ tịch, chủ nhà hàng, CEO, nhà tư vấn tài chính, nhà môi giới bất động sản, và người kết nối. Họ đã chia sẻ với Joe năm quy luật của thành công tột đỉnh và chỉ cho anh cách mở lòng ra với điều kỳ diệu của “cho đi”.

Joe nhận ra rằng thay đổi sự tập trung từ nhận lấy sang cho đi - đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình và không ngừng làm tăng giá trị trong cuộc sống của người khác - cuối cùng sẽ mang lại lợi nhuận cao ngoài mong đợi.

Người dám cho đi là một câu chuyện lay động lòng người và truyền cảm hứng, sẽ mang đến những giá trị mới cho triết lý “Cho là nhận”.

Người dám cho đi là những người sống theo Năm quy luật của thành công tột đỉnh:

- Quy luật giá trị: Giá trị thật của bạn được quyết định bởi giá trị mà bạn cho đi chứ không phải ở giá trị mà bạn nhận được.
- Quy luật bù đắp: Thu nhập của bạn được quyết định bởi số người bạn phục vụ và cung cách bạn phục vụ họ.
- Quy luật ảnh hưởng: Ảnh hưởng của bạn được quyết định bởi mức độ mà bạn đạt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình.
- Quy luật sống thật: Món quà quý nhất mà bạn có thể cho người khác chính là bản thân.
- Quy luật của sự tiếp nhận: Chìa khóa của việc cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy.

Nguồn: Sách hay

Wednesday, May 25, 2011

Đoàn Quốc Việt - CEO BIM Group


PROFILE - Có người bảo anh là “người hùng” của ngành kinh doanh du lịch khách sạn. Có người lại bảo anh là điển hình của ngành nuôi trồng thuỷ hải sản XK với 2.800 ha diện tích nuôi trồng, năng suất trên 14.000 tấn tôm và 17.000 tấn hàu mỗi năm... Cũng có người bảo anh là một doanh nhân mang nặng nghĩa tình, luôn đau đáu nỗi niềm tri ân quá khứ. Anh là ai? Đêm ven bờ Vịnh Hạ Long, khách sạn Plaza kiêu hãnh hắt lên bầu trời đen thẫm những quầng sáng lung linh huyền ảo. Tôi như lạc trong miền cổ tích. Và câu hỏi: “Anh là ai?” vẫn chưa có lời đáp và chưa đến hồi kết thúc...

Trong quá khứ và hiện tại, làng DN VN có một người được dư luận biết đến từ lâu bởi những đóng góp của anh vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước. Người ta biết đến anh không chỉ qua những công trình do anh đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, mà là những công việc từ thiện trong chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ xây dựng nhiều trường học, xây dựng các nhà tình thương, nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ VN anh hùng, những người gặp hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn, những người khuyết tật, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó ở nhiều tình thành trong cả nước. Trong năm qua, anh đã cùng cán bộ CNV của Cty tình nguyện đóng góp hơn 5 tỷ đồng để xây dựng một trường học khang trang cùng với thiết bị hiện đại tại tỉnh Quảng Ninh, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, tặng gia đình chính sách, thương binh thuộc huyện Tiên Yên với giá trị 300 triệu đồng, ủng hộ lễ hội Hạ Long năm 2007 200 triệu đồng cùng nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác. Anh là kỹ sư Đoàn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Cty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long - Cty cổ phần thuỷ sản BIM.

Đoàn Quốc Việt sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội. Năm 1976, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa. Ra trường với tấm bằng giỏi, anh được nhận vào làm việc tại Viện nghiên cứu kỹ thuật điện. Năm 1986, anh được cử sang Ba Lan làm ở Viện nghiên cứu Sinh học. Tại đây, sau thời gian phấn đấu làm việc và đưa ra nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện đề tài khoa học về động thực vật, anh được các chuyên gia của Viện đánh giá rất cao về trình độ nghiên cứu cũng như năng lực phát huy công việc.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Ba Lan, năm 1989 anh trở về nước. Cũng trong thời gian này, Chính phủ cho phép 5 thành phần kinh tế được kinh doanh sản xuất. Hưởng ứng tinh thần đó, anh vui mừng huy động hết vốn liếng của gia đình, vay mượn bạn bè, ngân hàng để lao vào hoạt động kinh doanh. Dựa vào những kiến thức được học và thực tế, anh đã lập được nhiều đề án xây dựng chiến lược kinh doanh. Một trong những đề án của anh được gia đình và bạn bè ủng hộ nhất đó là đề án về Đầu tư phát triển du lịch khách sạn. Để biến ước mơ thành hiện thực, anh lên đường tìm đến những nơi có tiềm năng phát triển du lịch tốt. Sau khi khảo sát tình hình thực tế tại các tỉnh thành phía Bắc, anh nhận thấy Quảng Ninh là mảnh đất có thể thỏa mãn khát vọng lớn của mình bởi cơ chế thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, Quảng Ninh còn là một tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, vận tải biển, có đường giáp biển thuận lợi cho việc xây dựng đô thị biển, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ hải sản. Đầu năm 1994, anh Đoàn Quốc Việt quyết định thành lập Cty và một loạt dự án lớn được hình thành mà khởi đầu là dự án khách sạn Plaza, nằm ven bờ Vịnh Hạ Long, với tổng mức đầu tư vốn ban đầu là 11 triệu USD. Khách sạn được xây dựng với quy mô 200 phòng, cao 13 tầng, đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Tháng 5-1997, khách sạn Plaza được đưa vào hoạt động đúng như dự đoán của anh Việt: Nếu một khách sạn được đầu tư lớn về thiết bị, có địa điểm lý tưởng và tinh thần phục vụ chu đáo thì sẽ thu hút được khách quốc tế rất đông. Sau chưa đầy một năm, khách sạn đón hàng chục nghìn khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng và được bầu chọn là một trong những khách sạn cao cấp, phục vụ khách tốt nhất tại VN.

Là người có tầm nhìn chiến lược, năm 1999 nhận thấy ở Quảng Ninh có đường biển biên giới giáp Trung Quốc, lượng khách buôn bán và du lịch từ Trung Quốc vào rất đông. Trước tình hình đó, anh Việt bàn với toàn thể CBCNV quyết định đầu tư vào vận tải biển. Chủ trương của anh đưa ra được toàn thể CBCNV nhiệt tình hưởng ứng và đội tàu cao tốc cánh ngầm Mũi Ngọc với năng lực vận chuyển hàng nghìn khách/ngày được ra đời phục vụ các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hạ Long - Hải Phòng. Sau chưa đầy một năm hoạt động dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt đã mở ra con đường thuỷ thuận tiện cho khách buôn bán và khách du lịch quốc tế.

Thành công tiếp nối thành công. Khát vọng thắp lên khát vọng. Không bằng lòng với kết quả đạt được, năm 1999, thực hiện chương trình “đổi đất lấy hạ tầng” anh lại tiếp tục đầu tư tuyến đường bao biển Hùng Thắng với chiều dài 4,2 km, rộng 42 m, tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tiếp đó là dự án khu đô thị mới Hùng Thắng được Cty đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm nhiều hạng mục như: Trung tâm du lịch thương mại, khu nghỉ dưỡng, biệt thự biển, khu vui chơi, khách sạn 5 sao…

Có người bảo anh là người may mắn trên con đường chinh phục đỉnh cao sự nghiệp của mình. Nhưng họ đâu có biết, cái “may mắn” ấy là kết quả của những tháng ngày thấm đẫm bao giọt mồ hôi của chàng sinh viên trẻ tuổi mang trong mình nhiều khát vọng. Việt không nhớ anh đã ngốn bao nhiều sách vở, bao nhiều lần lang thang trong các ngõ ngách của phố phường Hà Nội cũng như ở trời Tây để tìm kiếm và nghiên cứu những công trình xây dựng có kiến trúc đẹp với mong muốn bù đắp lại những gì còn thiếu trong sách vở. Miệt mài và đam mê, như dòng sông nhỏ bồi đắp phù sa để tự trang bị cho mình hành trang vào đời.

Theo thời gian, Đoàn Quốc Việt đã từng bước khẳng định mình trong làng doanh nhân VN. Từ những năm 2000, không ít DN kinh doanh chế biến thuỷ hải sản lâm vào tình trạng lao đao, thậm chí phá sản, song bằng tố chất của một kỹ sư nghiên cứu Sinh học đã từng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về tài năng nghiên cứu khoa học, anh Đoàn Quốc Việt lại bắt tay vào triển khai dự án mới: Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản đặc biệt là giống tôm điển hình đạt năng suất cao ở các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh…mà trung tâm gây giống I của Cty đặt tại đảo Phú Quốc chuyên cung ứng nguồn con giống sạch bệnh, chất lượng cao, được kiểm định nghiêm ngặt sau khi đánh bắt từ Ấn Độ Dương. Trung tâm biệt lập với khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước và môi sinh. Trại nuôi tôm II ở Kiên Giang có diện tích hơn 2500 ha được áp dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm và quản lý môi trường, hàng năm cung ứng từ 12 - 15 tấn, tôm được đưa cho nhà máy với thời gian vận chuyển chỉ trong 2 giờ. Nhà máy đặt tại Kiên Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn HACCP, sử dụng thiết bị của hãng MYCOM, công suất 10 ngàn tấn/năm với các sản phẩm chế biến gồm: tôm loại HOSO, HLSO, PD/PUD, SHUSHI, NOBASHI, Hàu đông lạnh và các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Mô hình này tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, nguồn gốc rõ ràng và thoả mãn yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu trên thế giới. Anh Việt hồ hởi:“Mô hình chế biến của chúng tôi đạt tiêu chuẩn theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP). Để thực hiện thành công mô hình này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển dụng lao động vì các dự án này đều triển khai ở các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, điện, nước, giao thông không thuận tiện. Song bằng sự tâm huyết với nghề, sự nỗ lực của đội ngũ CBCNV trong Cty cùng với sự giúp đỡ tạo điều kiện của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, chúng tôi đã khắc phục và triển khai tốt dự án này trong thời gian ngắn”.

Đối với anh Việt, thương trường như chiến trường, đầy cam go thử thách nhưng anh quan niệm: “không có việc gì khó, chỉ sợ không đồng lòng”. Và trong anh luôn chất chứa nỗi niềm được tri ân với quá khứ. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân cũng là một người lính chống Mỹ, trải qua cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc, thấu hiểu nỗi đau, mất mát của các gia đình thương binh, liệt sĩ. Tôi là người có may mắn được sống sót qua cuộc chiến tranh đó và lại được sản xuất kinh doanh trong một đất nước hoà bình và đã gặt hái được những thành công ban đầu. Vì vậy, tôi luôn nghĩ, mình còn sống là còn cống hiến, muốn làm những gì có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Nếu không có các bậc cha anh đi trước, không có đồng đội, bạn bè đã hi sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc, làm sao tôi có được như ngày hôm nay”.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thành lập, trải qua bao vất vả thăng trầm, bao vinh quang và gian khó, ngày hôm nay anh Việt cùng toàn thể CBCNV của Cty TNHH phát triển sản xuất Hạ Long đã gặt hái được những kết quả thật đáng tự hào: từ số vốn 1tỷ đồng khi thành lập nay đã tăng lên 600 tỷ đồng, và dự kiến sẽ đạt 1.200 tỷ vào cuối năm 2008; số cán bộ CNV từ 10 người nay đã là 1200 người với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu/người/tháng, doanh thu 2006 đạt 165,86 tỷ đồng. Năm 2007 đạt 238,72 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 19,46 tỷ đồng.

Năm 2008, Cty tiếp tục đầu tư 2800 ha tại Ninh Thuận để sản xuất kinh doanh muối và phát triển các dự án về tổ hợp sân golf, bệnh viện, trường học… ở nhiều địa phương khác nhau. Với những thành tích đạt được trong 10 năm qua, Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Việt và tập thể CBCNV Cty đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý từ Trung ương đến địa phương: Bằng khen của Bộ Thuỷ sản: đơn vị đã có thành tích SX tiêu biểu điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ngành thuỷ sản giai đoạn năm 2001 – 2005; Bằng khen đơn vị có thành tích về nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ năm 2002. Được Tổng cục Thuế tuyên dương là đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ nộp Thuế toàn quốc năm 2005; Được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng cờ thi đua: Đơn vị dẫn đầu ngành Thuỷ sản... Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Việt đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) trao tặng kỷ niệm chương và được vinh danh là một trong 100 Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2007.

Theo CEO VN

Tuesday, May 10, 2011

Nguyễn Ngọc Điệp - CEO Vatgia.com


PROFILE - Thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư tiêu hết vèo chỉ sau 12 tháng, phải cầm cố cả nhà cửa, Nguyễn Ngọc Điệp vẫn không từ bỏ ý xây dựng web mua sắm có cái tên rất Việt - Vatgia.com. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời (Nhà may Phú Hưng với hơn mười cửa hàng tại Hà Nội), dường như chẳng bao giờ Điệp phải lo toan đến những chuyện cơm - áo - gạo - tiền.

Năm 22 tuổi sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Thương, Điệp nhanh chóng đầu quân cho một doanh nghiệp ở Nhật Bản rồi trở thành một trong những người làm thuê với mức lương tháng lên tới hơn 10.000 USD. Anh nhanh chóng tậu nhà, xe và nhiều phương tiện khác có giá trị mà chẳng cần bất cứ sự trợ giúp nào từ cha mẹ.

“Cuộc đời là chuỗi những nhân duyên, chẳng ai sinh ra đã nghĩ mình sẽ trở thành ông chủ doanh nghiệp, tôi cũng vậy. Đôi khi cơ hội đến bất ngờ như thể số phận đã định sẵn vậy và nó buộc phải xảy ra”, Giám đốc Vatgia.com lý giải rất đơn giản về con đường khởi nghiệp của mình.

Hồi đó, bạn bè, người quen thường nhờ Điệp đặt mua máy tính, máy ảnh, camera, mỹ phẩm,… của Nhật để gửi về Việt Nam. Công việc bận rộn, không có điều kiện đi lại nhiều, Điệp mày mò đặt mua hàng qua các trang mạng của Nhật. Thực hiện càng nhiều giao dịch online, Điệp càng thấy ham mê. Anh bắt đầu để tâm nghiên cứu các website thương mại điện tử tại đây.

Ban đầu, Điệp có ý tưởng xây dựng một website hoàn toàn bằng tiếng Nhật để cung cấp thông tin về Việt Nam cho khách hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với họ, anh hiểu rằng người Nhật yêu cầu tiêu chuẩn rất cao. Ngoài thông tin đồng bộ, họ còn yêu cầu hệ thống thanh toán, thẻ tín dụng… kèm theo, nên anh làm thử bằng tiếng Việt trước.

“Bạn bè là người Nhật khi biết ý tưởng này cũng khuyên tôi nên tập trung làm thị trường Việt Nam bởi với gần 90 triệu dân, đây là một thị trường vô cùng tiềm năng cho thương mại điện tử, lại đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn, chưa có một công ty nào chiếm lĩnh”, Điệp kể.

Anh mang ý tưởng này đến làm việc với gần 20 công ty có tiếng về công nghệ tại Việt Nam để đặt hàng họ phát triển. Tất cả đều lắc đầu từ chối vì yêu cầu của Điệp đưa ra về dữ liệu và tính năng quá khó và phức tạp. Chán nản nhưng Điệp không chịu bỏ cuộc, anh tiếp tục tìm người nghiên cứu độc lập. Sau 6 tháng làm ngày làm đêm, website vatgia.com bắt đầu thành hình vào đầu năm 2007.

Những ngày đầu hào hứng, Điệp nhẩm tính với số vốn tích luỹ vài trăm nghìn đôla, cộng thêm tiền cho thuê căn nhà anh sở hữu và tiền lương làm thêm cho công ty cũ, anh có thể duy trì được công ty mới hoạt động. Ai ngờ, đúng một năm sau, khi vatgia.com vẫn còn trong giai đoạn khởi động, chưa mang lại doanh thu thì nguồn vốn mà anh có - 300.000 đôla bắt đầu cạn kiệt. Trong khi, mỗi tháng anh vẫn phải ứng tới 200 triệu đồng để trả lương nhân viên, Vatgia.com đứng chênh vênh bên bờ phá sản. Đã có lúc anh tính đến việc bán nhà, bán xe, cầm cố đồ đạc có giá trị để duy trì công ty hoạt động.

Thế nhưng, trong lúc khó khăn nhất, vận may vẫn mỉm cười với Điệp. Bạn bè bên Nhật biết anh khó khăn đã tự nguyện giúp đỡ người 5.000, người 10.000 đôla và động viên anh vượt khó. Được bạn bè giúp sức, vatgia.com tiếp tục duy trì hoạt động cho đến tháng 3/2008 thì Quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ - IDG đã quyết định rót vốn vào đây. “Trước khi IDG vào một tháng, chúng tôi đang ở giai đoạn cầm cự, anh em 'ăn cơm nắm nằm vùng' để duy trì hoạt động của công ty”, Điệp kể.

Thế nhưng, có tiền, Điệp lại vấp phải khó khăn mới - đó là nghĩ cách tiêu tiền. “Có tiền, chúng tôi bắt đầu mở rộng quy mô, lập cơ sở mới, thuê văn phòng to đẹp hơn, thu nhập anh em cũng tăng đáng kể. Thế nhưng, cái khó lại nảy sinh”, Điệp kể.

Vatgia.com khởi đầu với 5 thành viên bỗng chốc tăng tới 70 người, rồi 120 nhân viên… Điệp đối mặt với thách thức trong quá trình hoạt động, nhân viên đi về không ai quản lý, phòng nhân sự chưa có, mỗi thành viên quản lý một nhóm nhỏ độc lập như một vương quốc riêng.... Mọi thứ trở nên hỗn loạn. Lúc bấy giờ, Điệp cầu cứu các công ty lớn cùng ngành tại Nhật.

“Sau khi nghe, họ không đưa ra lời khuyên mà tặng cho cuốn sách và nói về nhà đọc, mọi bí quyết nằm cả trong đó”, anh kể. Đọc xong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” mà bạn bè tặng, Điệp thở phào. Anh hiểu rằng muốn công ty lớn mạnh phải cần xây dựng một văn hoá riêng, có giá trị cốt lõi, mục tiêu dài hạn... mới có thể thống nhất phát huy được sức mạnh tinh thần và mọi nguồn lực của nhân viên.

Điệp tâm niệm trong công ty, ông chủ duy nhất là khách hàng. "Tôi nhớ mãi câu nói của Sam-Walton người sáng lập Tập đoàn bán lẻ số 1 thế giới Wal-Mart: Trong công ty, chỉ có một ông chủ duy nhất đó là khách hàng. Khách hàng có thể đuổi việc từ giám đốc cho đến nhân viên chỉ với một hành động duy nhất đó là mua hàng của công ty khác. Chính câu nói này đã định hướng toàn bộ công ty tôi”, Điệp nói.

Xác định được hướng đi, mục tiêu và giá trị cốt lõi, vatgia.com nhanh chóng ổn định hệ thống và tạo nên những bước nhảy vọt. Đến đầu năm 2010, vatgia.com bắt đầu tạo ra dòng tiền dương.

Nhiều năm nay, Điệp vẫn trung thành với chiếc xe mà anh mua khi còn làm tại công ty cũ và giữ mức lương 1.000 đôla một tháng. Trong khi đó, nhiều cán bộ dưới quyền nhận khoản thu nhập gấp đôi thậm chí gấp 3 so với giám đốc. Sở dĩ anh sống sung túc với mức lương "khiêm tốn" này vì cho rằng mình may mắn khi vẫn giữ được 2 căn nhà cho thuê. Đây là 2 trong số 3 căn nhà mà Điệp mua được tại thời điểm chưa thành lập công ty riêng.

Năm học lớp 9, bố mẹ ly hôn, anh phải ở nhờ họ hàng và di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Tại thời điểm đó, Điệp hiểu được giá trị của ngôi nhà nên khi kiếm được tiền là anh quy đổi hết ra nhà đất. Thế nhưng kể từ khi mở công ty, tất cả nhà đều phải cho thuê để có tiền duy trì Vatgia hoạt động.

Năm 2008 (vừa tròn 30 tuổi) anh được về ở tại căn nhà của chính mình bởi đã có dòng tiền đầu tư đến từ IDG. “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi trong quá trình khởi nghiệp là đã trở về được chính ngôi nhà của mình chứ không phải tiếp tục sống kiếp ở thuê nữa”, Điệp tâm sự.

Bài viết của Diễn giả Dương Hồng Lễ.

Nguyễn Hòa Bình - CEO PeaceSoft


PROFILE - Ngày nay, trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt không có chỗ cho những suy nghĩ chủ quan và bồng bột - những yếu tố thường thấy ở những doanh nghiệp mà ông chủ của nó tuổi đời còn rất trẻ. Cũng nằm trong độ tuổi rất trẻ khi mới thành lập doanh nghiệp, nhưng bằng trí tuệ và những bước đi vững chắc của mình, Nguyễn Hòa Bình - Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft) - đã tạo dựng lên một chân dung có thể nói là hình mẫu của những doanh nhân thế hệ mới, thế hệ 8X.

Năm 1999, Bình tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Tây với giải 3 quốc gia môn Toán. Với thành tích ấy, Bình có thể vào thẳng bất kỳ trường nào mình thích. Do ham mê công nghệ thông tin nên Bình đăng ký nhập học vào hệ chính quy (4 năm), khoa Công Nghệ (nay là Đại học Công Nghệ), Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, với khả năng sáng tạo nổi trội, Bình được chọn như một hạt giống để đào tạo nguồn tài năng trẻ của của Trung tâm bồi dưỡng tài năng công nghệ trẻ thuộc Công ty phát triển đầu tư công nghệ FPT, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Những đề tài và hoạt động khoa học không biết mệt mỏi đã đem lại cho chàng trai trẻ những giải thưởng ngay khi học Đại học. Hai năm liên tiếp, Bình đoạt các danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội”, năm 2001 Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo… và niềm vinh dự lớn là năm 2001 là Thành viên đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi “Sinh viên châu Á lập trình Visual Studio.NET” tại thành phố Seoul (Hàn Quốc) được tổ chức bởi Microsoft Châu Á và gặp mặt chủ tịch tập đoàn Microsoft, ngài Bill Gates.

Ngoài ra có thể kể thêm một số những giải thưởng khác mà Bình đã đạt được giải nhì và giải ba “Sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh niên” năm 2001 (VIFOTECH sinh viên) do Quỹ VIFOTECH trao tặng. Hiếm có một chàng trai khi còn ngồi trên nghế nhà trường lại đạt được nhiều giải thưởng như vậy, nó cũng chính là tiền đề cho những thành công của Bình sau này.

Bình tiếp cận và ham mê với công nghệ thông tin từ năm lớp 10, hồi đó nhà chỉ có duy nhất một máy tính, bố mẹ mua cho anh trai để làm thiết kế. Tranh thủ những lúc anh không sử dụng, Bình tự mày mọ và học ké, rồi mua sách về đọc, nghiên cứu. Chính từ thời điểm này, công nghệ thông tin đã cuốn hút Bình và đó là lý do mà Bình chọn vào khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, Nguyễn Hòa Bình đã ấp ủ ước mơ thành lập công ty cung cấp giải pháp phần mềm. Sau này anh kể lại, lúc đó cũng muốn làm giàu và cũng hơi ngông cuồng một chút, Công ty TNHH cung cấp giải pháp phần mềm Hòa Bình (Peace Soft) chính thức thành lập ngày 16/4/2001, do Nguyễn Hòa Bình - một cậu sinh viên năm thứ hai vừa tròn 20 tuổi - làm Giám đốc.

Lúc đó công ty chỉ là trên giấy tờ, không vốn, không nhân lực, không trụ sở, cái gì cũng tự làm, tự nghiên cứu, ngay chính kế hoạch định hướng phát triển công ty Bình cũng chưa biết, rồi nhận được sự ủng hộ của một số người bạn cùng chí hướng, Bình và mọi người đã viết một số phầm mềm để chào hàng đến một số đơn vị là các công ty tư nhân và một số cơ quan nhà nước.

“Vạn sự khởi đầu nan” rồi cũng qua, Hội đồng tư vấn chuyên môn về y học thảm họa - Bộ Y tế, do GS. TSKH. Lê Thế Trung, làm chủ hội đồng - nhận thấy phần mềm của Bình và những người bạn viết có ứng dụng khoa học cao nên đã ký hợp đồng. Đó là giải pháp về xây dựng hệ thống thông tin phòng chống thảm họa y tế qua Internet, cho phép cảnh báo và đưa ra phương án ứng cứu các trường hợp khẩn cấp: lũ lụt, phân lũ… triển khai tại nghành y tế 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình...

Con đường lập nghiệp đã tạo được một cột mốc quan trọng để Bình vững tin đưa công ty đến một tầm cao mới, tầm cao của trí thức và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ ham sáng tạo và cống hiến trí tuệ cho đất nước.

Không bằng lòng với những gì đạt được, Bình tự hiểu rằng phải nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hơn nữa mới mong đưa được công ty phát triển, vì những người trẻ như Bình khi mới lập nghiệp thì cái gì cũng khó. Chỉ có lòng nhiệt huyết và sự năng nổ của tuổi trẻ thì không thay thế được kiến thức thương trường, kinh nghiệm quản lý…

Một doanh nghiệp cũng giống như con người, cũng phải trải qua quá trình phát triển nhất định, đầu tiên là giai đoạn khởi nghiệp, giai đoạn phát triển và sau đó là tạo dựng được chỗ đứng trên thương trường. Mà khởi nghiệp thì bao giờ cũng có rất nhiều chông gai, có đến 80% số doanh nghiệp thất bại ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp.

Nguyễn Hòa Bình - Ông chủ website Chodientu.vn

Biết vậy, Bình lao vào nghiên cứu các đề tài khoa học và đầu tư có chiều sâu cho các sản phẩm của công ty. Thời điểm này, các báo cáo khoa học của Bình tại một số hội thảo như Hội thảo quốc tế về Công nghệ thông tin Địa lý (GIS-IDEAS) tổ chức tại Hà Nội. “Hội nghị thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số tiểu vùng sông Mê Kông” tại Học viện công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan… đã thu hút được sự chú ý của những người làm khoa học và những nhà hoạt động trong giới công nghệ thông tin.

Bình nhận được nhiều lợi động viên khích lệ và chính nó đã giúp cho Bình thêm tự tin và củng cố quyết tâm trong sự nghiệp. Năm 2003, Bình lại nhận tiếp được một niềm vinh dự nữa khi đạt giải ba giải thưởng “Trí tuệ Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam, công ty FPT và báo Lao Động đồng tổ chức; Giải thưởng “Quả Cầu vàng” do Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải, Bí thư TW Đoàn, Bộ trưởng Bộ KHCN và Bộ trưởng bộ BCVT trao tặng; Giải thưởng “Phần mềm ưu việt nhất Việt Nam” (được gắn biểu tượng 5 sao đẳng cấp quốc tế) do Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA) đánh giá, dành cho Giải pháp Cổng thông tin tích hợp E4Portal... Với Bình mỗi một giải thưởng, mỗi một chuyến đi đều có thể đem lại lợi ích cho mình nếu như mình nắm bắt được cơ hội.

Và cơ hội của Bình đã đến. Đó là Hội thảo Net Booking lớn nhất của giới kinh doanh Châu Á năm 2003. Bình đã đăng ký phát biểu trước hội đồng và các nhà đầu tư, lúc đó mỗi một công ty chỉ có 5 phút lên phát biểu để “kêu gào” và mời chào các nhà đầu tư hãy đầu tư cho công ty mình.

Kết thúc chuyến đi, Bình có viết một bài báo đăng trên báo Tuổi trẻ nói về những hoạt động của mình tại chuyến đi và những suy nghĩ về Net Booking toàn cầu. Sau khi bài báo được đăng Bình nhận được sự quan tâm rất có thiện chí của IDG Ventures Việt Nam và trực tiếp là ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc IDG Ventures Việt Nam. Chính ông Hoàng đã khuyến khích Bình nộp hồ sơ lên để xem xét và cấp vốn đầu tư, vì tại thời điểm này theo kinh nghiệm của IDG Ventures Vietnam, việc tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh đột phá, các dự án khả thi để đầu tư không khó; cái khó là đa số các đối tác của họ còn hạn chế ở khâu quản lý và tiếp cận thị trường nước ngoài.

Và một trong những khó khăn của họ trong việc tìm kiếm đầu tư là trình độ nguồn nhân lực và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận các hình thức kinh doanh và đầu tư mới, ví dụ như những lĩnh vực kinh doanh trên nền Internet, viễn thông và truyền thông, còn yếu. Vì vậy khi ông nhận thấy ở "PeaceSoft có một cổng thông tin đa dạng với website www.chodientu.com và PeaceSoft sẽ là công ty hàng đầu về phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam”, IDG đã chấp nhận đầu tư ngay đợt đầu cho công ty của Bình, được lựa chọn trong tổng số gần 200 hồ sơ gửi về.

Tháng 3/2005, tại khách sạn Caravelle (TP.HCM), Công ty của Bình là công ty Việt Nam đầu tiên nhận vốn đầu tư mạo hiểm từ Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG (Mỹ) phục vụ đầu tư xây dựng cổng Thương mại điện tử www.chodientu.com với số vốn đầu tư 1 triệu USD trong thời gian 5 năm. Ngoài các vấn đề về vốn, tổng giám đốc IDG Ventures đã gia nhập Ban giám đốc công ty PeaceSoft. Bình hy vọng, với những kinh nghiệm của mình, ông Hoàng sẽ giúp PeaceSoft giải quyết nhiều bài toán khó về nhân sự với phương pháp tiếp cận và phát triển thị trường tiên tiến và chuyên nghiệp.

Có thể nói khi IDG quyết định đầu tư vào Công ty TNHH Cung cấp giải pháp phần mềm Hoà Bình (Peace Soft) do Bình là Tổng Giám đốc cũng chính là khi họ nhìn thấy ở Bình khát vọng và khả năng có thể làm cho IDG sinh lời nhanh ng. Bởi trước khi có số vốn đầu tư của IDG, sàn giao dịch thương mại điện tử chodientu.com của công ty Bình đã có chỗ đứng và phát triển với doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Hàng ngày tại chodientu.com có khoảng 70.000 lượt giao dịch 0 một con số không nhỏ ở Việt Nam. Nhưng đối với Bình, cái lợi lớn nhất khi được IDG đầu tư, đó là Bình sẽ mở rộng quy mô của Chợ điện tử lên và phát triển thêm nhiều lĩnh vực hoạt động hơn nữa.

Con đường lập nghiệp của Nguyễn Hòa Bình vẫn đang rộng mở phía trước. Bình tự biết còn rất trẻ nên không thể tự mãn, ngay cả khi một số các cơ quan báo chí trong nước như Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số, Đài Tiếng nói Việt Nam,… các cơ quan báo chí nước ngoài như Microsoft Asia.NET Magazine, Washington Post, Financial Times, BBC Vietnamese, Los Angeles Times, News, AFP, The Independent, TV5, China Post… nhiều lần nhắc đến Bình như một nhà lãnh đạo trẻ thành công, Bình cũng không hề kiêu căng, anh chỉ coi đó là những ưu ái của giới truyền thông dành cho mình.

Hiện nay, điều hành gần 200 nhân viên đầy sức sáng tạo và phần lớn cũng trẻ như ông chủ, Nguyễn Hòa Bình đang miệt mài đóng góp cho lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam những giải pháp hữu ích. Đó là sản phẩm điện thoại Internet Voice Everywhere network, Giải pháp cổng Chính phủ điện tử eGov.Net - giải pháp thử nghiệm mô hình Cổng Chính phủ điện tử trên nền công nghệ .Net và web service cho phép cung cấp các dịch vụ hành chính công phục vụ người dân qua mạng…

Những thành công đó, cùng với sàn giao dịch thương mại điện tử chodientu.com, Bình hoàn toàn có thể tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình trong sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam.

Bài viết của Diễn giả Dương Hồng Lễ.

Saturday, March 12, 2011

Don Lam - CEO VinaCapital

PROFILE - Khi mở website của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, mục “lý lịch trích ngang” của Don Lam chỉ vỏn vẹn vài dòng: chức vụ tổng giám đốc, có 15 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư.


Điều này có vẻ tỷ lệ nghịch với sự xuất hiện của Don Lam trong các sự kiện đầu tư có tầm cỡ, khập khiễng với những gì giới đầu tư thấy Don Lam mang lại cho VinaCapital và cả thị trường Việt Nam.

Chúng tôi gặp Don Lam vào một buổi chiều muộn tại Văn phòng VinaCapital (tòa nhà SunWah, quận 1, TPHCM), nơi anh vừa kết thúc cuộc họp nội bộ và sẽ tiếp tục gặp các nhà đầu tư sau hơn một giờ nữa. Don Lam nói nửa đùa, nửa thật "Bây giờ, tôi đã dành 80% cho hoạt động đầu tư ở VinaCapital, 20% cho VinaCapital Foundation - quỹ chuyên thực hiện các trách nhiệm cộng đồng, trực thuộc Tập đoàn VinaCapital và sử dụng một phần lợi nhuận trích ra từ ngân sách của Tập đoàn nhằm hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho trẻ em Việt Nam nghèo bị bệnh tim - nên tôi ước mơ, một ngày nào đó, hai con số này sẽ được hoán đổi".

Nói thì thế, nhưng ai cũng biết, Don Lam là người "mê" đầu tư. Don Lam và các cộng sự vẫn còn dự định mở rộng quy mô vốn của VinaCapital không chỉ ở Việt Nam, mà còn sang các thị trường lân cận. Nên, ngày mà "ước mơ" đó trở thành sự thực, ắt hẳn sẽ còn rất xa.

Don Lam chia sẻ, cùng với quyết định quay về Việt Nam, việc thành lập VinaCapital là hai dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của anh, bởi sự thành công của VinaCapital giúp anh có cơ hội làm nhiều thứ, trong đó có VinaCapital Foundation. Và chúng tôi đã bắt đầu câu chuyện từ những bước ngoặt đó.

Đang giữ một vị trí cao tại PriceWaterHouse Cooper Việt Nam (PwC), vì sao anh đi đến quyết định từ bỏ?

Gia đình tôi đã phân tích rất nhiều trước khi tôi đưa ra quyết định đó. Nó cũng tương tự thời điểm tôi quay trở về Việt Nam. Khi đó, tôi đang làm việc cho PriceWaterHouse Cooper (PwC) tại Canada. Hãng kiểm toán này muốn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Và họ cần tìm một người vừa biết tiếng Anh, vừa biết tiếng Việt để xem, ký các báo cáo kiểm toán. Tôi đã thử! Tôi nghĩ rằng, mình chỉ lưu lại Việt Nam trong vòng một năm, nhưng đã ở đây đến năm 35 tuổi trong “vai” Phó tổng giám đốc của PwC Việt Nam.

Thời điểm đó, tôi “tình cờ” tư vấn cho một khách hàng người Đức về đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Lợi nhuận của dự án này khá cao, nên ông khách ấy đã đề nghị cùng hợp tác mở một công ty mới chỉ chuyên về tư vấn và đầu tư.

Vị khách đó không ai khác là Horts Geicke, Chủ tịch VinaCapital hiện nay. Hơn nữa, về phương diện cá nhân, trước khi rời PwC, tôi đã ngoài 30 tuổi, nếu muốn thay đổi công việc mới, lập một xí nghiệp mới thì đây là thời điểm thích hợp. Thế là chúng tôi lập VinaCapital (năm 2003), với quy mô vốn ban đầu chỉ đạt 10 triệu USD.

Nhưng cũng không loại trừ khả năng đây là thời điểm thích hợp, nếu nhìn lại thị trường Việt Nam từ khi mở cửa (năm 1986), có đến 3 lần sóng các quỹ đầu tư vào Việt Nam: vào cuối những năm 1990, sau năm 2000 và từ năm 2006?

Tất nhiên! Nhưng cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Quỹ đầu tư của chúng tôi thành lập cũng không mấy dễ dàng, bởi sau khủng hoảng năm 2000, một số nhà đầu tư nước ngoài đã mất hết tiền, trong khi một số đã rút khỏi thị trường Việt Nam.

Chính vì thế, không ai nghĩ sẽ thành lập một quỹ mới. VinaCapital đi tiên phong trong làn sóng thứ 2 này. Sau khủng hoảng kinh tế, không ai muốn bỏ tiền vào châu Á, nên việc huy động vốn rất khó. Song cũng từ thời điểm đó, Việt Nam có nhiều thay đổi: xuất hiện thị trường chứng khoán, một số doanh nghiệp Việt Nam đã suy nghĩ “mở” hơn.

Quỹ VOF (Vietnam Opportunity Fund) là quỹ đầu tiên mà VinaCapital quản lý (thành lập cuối tháng 11/ 2003), với các hạng mục đầu tư: hạ tầng, bất động sản, cổ phiếu niêm yết lẫn OTC.

Hơn 10 năm tham gia thị trường Việt Nam, từ việc thành lập một công ty quản lý quỹ với quy mô chỉ 10 triệu USD (Quỹ VOF), nay VinaCapital đã có đến 4 quỹ đang hoạt động, với quy mô gần 2 tỷ USD. Anh thấy mình đã làm gì để VinaCapital luôn tồn tại trước những biến động của thị trường?

Điểm khác biệt của VinaCapital ngay từ khi gia nhập thị trường là chúng tôi đã làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi một số quỹ như VinaFund (VF1) chủ yếu đầu tư vào công ty nước ngoài.

Thương vụ đầu tiên của chúng tôi là việc VOF đầu tư vào Kinh Đô để mua lại Kem Wall's (của Unilever) tháng 1/2004. Sau đó, chúng tôi đầu tư vào Hòa Phát, trước khi Hòa Phát lên sàn…

Đây chỉ là những đầu tư gián tiếp (FII), trong khi đó, trên thực tế, một nửa tiền của VinaCapital thuộc dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu là bất động sản du lịch tại Đà Nẵng.

Việc kêu gọi nhà đầu tư vào Việt Nam cũng không hề đơn giản. Điển hình như sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới - khu vực Đông Á tại TP.HCM tổ chức vào tháng 6 năm rồi, với sự tham gia của các CEO thuộc những tập đoàn hàng đầu thế giới.

VinaCapital đã phải mất 3 năm để vận động, trình bày với họ tiềm năng và lợi thế của thị trường Việt Nam. Tính ra, hàng năm, chúng tôi tổ chức trên 10 sự kiện tại Việt Nam và cả nước ngoài để kêu gọi nhà đầu tư.

Năm 2005 - 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nhiệt, nhưng cũng chính thời điểm này, VinaCapital đã chuyển hướng đầu tư vào bất động sản. Lý do nào để anh đi đến thay đổi này?

Trong đầu tư, khi chúng ta bỏ 10 đồng vào một công ty nào đó, thì giá trị trung bình của công ty luôn dao động từ 10 - 12 lần PE. Nhưng đã có thời điểm, con số này tại thị trường Việt Nam là 20 - 25, thậm chí có thời điểm lên 37. Điều này không hợp lý và chúng ta bắt buộc phải chuyển hướng, hay nói đúng hơn là chuyển rủi ro trước khi thị trường thay đổi.

Với kinh nghiệm của mình, theo anh, thời điểm này nên đầu tư vào hạng mục nào? Địa ốc, chứng khoán, hay tài chính?

Năm nay, thị trường căn hộ sẽ chậm lại, giá sẽ giảm nhẹ vì nhà đầu tư chờ xem “động tĩnh” về chính sách tiền tệ. Thời điểm này, ai có nhiều tiền mặt là “vua”, bởi có thể mua lại cổ phần của một số công ty có lợi nhuận ổn định, nhưng đang chào bán với hệ số PE dưới 10 lần.

Song nhà đầu tư cũng nên thận trọng, hãy đầu tư vào công ty nào không mắc nợ nhiều quá để tránh rủi ro. Riêng VinaCapital vẫn ưu tiên cho các lĩnh vực phát triển song hành với nền kinh tế như: sản xuất thực phẩm chế biến, du lịch - giải trí…, bởi đây là những ngành mà dù có lạm phát, nhu cầu vẫn luôn có.

Xin hỏi một câu khá riêng tư và ít khi được anh đề cập, nếu anh dành 80% cho VinaCapital Investment và 20% cho VinaCapital Foundation, vậy còn phần trăm nào cho gia đình?

(Cười to) Tôi hiếm khi chia sẻ về gia đình, vì đó là câu chuyện cá nhân. Nhưng dù đi đâu, tôi cũng trở về nhà tại Việt Nam vào chiều tối thứ Sáu. Việc thành lập VinaCapital Foundation cũng xuất phát từ suy nghĩ cá nhân nhiều hơn.

Theo Báo Đầu Tư.

Tuesday, February 01, 2011

Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk

PROFILE - Có đôi lúc hoài nghi về tương lai khi theo học ngành chế biến sữa, song qua những lần cọ xát với khó khăn, người đứng đầu Vinamilk nhận ra niềm đam mê với nghề cứ lớn dần lên và là bàn đạp để vượt qua hàng loạt thách thức.


Nhớ lại lúc được phân công học ở Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) bà Mai Kiều Liên tin nó giống như “định mệnh”. Khi đó cô học sinh 17 tuổi chưa hề có khái niệm gì về ngành sẽ theo học – chế biến sữa, nhất là thời điểm đó (1969), ngành sữa ở Việt Nam chưa phát triển.

5 năm đại học cũng là khoảng thời gian khiến bà trăn trở nhiều về đường hướng sau khi tốt nghiệp. “Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ như mong ước từ nhỏ”, vị lãnh đạo Vinamilk hồi tưởng.

Song thân phụ của bà cho rằng đây là ngành sẽ giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam khi đất nước bước vào thời bình. Lời khuyên này giúp bà Liên kiên định mục tiêu hoàn thành khóa học, song trong tâm trí vẫn chưa có ý nghĩ sẽ xây dựng doanh nghiệp sữa lớn mạnh.

Trở về nước, bà được phân công làm kỹ sư theo ca tại nhà máy sữa Trường Thọ. Sau đó, trải qua nhiều vị trí khác nhau và tới năm 1992, bà trở thành người đứng đầu Công ty Sữa Việt Nam.

Người điều hành Vinamilk từng trăn trở ngành sữa ở Việt Nam chưa thể chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu, trong khi đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Vì thế, bà đã chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam bằng cách chuyển giao con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu mua sữa tươi của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu nhập khẩu để kích thích chăn nuôi trong nước. Song song với đó, đầu năm 1990, Vinamilk nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Đối tượng nhắm tới vẫn là thị trường nội địa nhiều tiềm năng, bởi lượng tiêu thụ ở Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với thế giới.

Gần 20 năm giữ trọng trách “thuyền trưởng”, bà Mai Kiều Liên gặt hái nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Sau cổ phần hóa năm 2003, đến năm 2006 Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán, lúc đó vốn hoá trên thị trường là 530 triệu đôla Mỹ, qua 5 năm, nay vốn hoá đạt được 2 tỷ đôla Mỹ, tăng gần 4 lần. Đà thăng hoa đó khiến Vinamilk định hướng phát triển thành tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đa ngành với sữa, các sản phẩm từ sữa và ngoài ngành sữa như bia, cà phê… thương hiệu Vinamilk. Thế nhưng việc hợp tác đầu tư liên doanh sản xuất bia Zorok cùng SabMiller, nhà máy sản xuất cà phê không như mong đợi, Vinamilk phải chuyển nhượng lại 2 dự án này để bảo toàn vốn.

Rút kinh nghiệm thất bại trên, bà Mai Kiều Liên chỉ hướng tới duy nhất một lĩnh vực (sữa) và tập trung mọi nhân lực, vật lực. Nguồn vốn sau khi chắt chiu qua từng năm chỉ dùng để tái đầu tư, mở rộng sản xuất cho ngành sữa, chứ không đầu tư trái ngành hay rót vào chứng khoán, bất động sản như gợi ý của nhiều người. Cũng chính vì điều này mà hiện tại, Vinamilk chủ động nguồn vốn cho các dự án và hàng loạt kế hoạch đang ấp ủ mà không phải toan tính nên gõ cửa nhà băng nào. Gần đây, ngoài việc mua lại cổ phần của Công ty sữa Thanh Hóa và Bình Định, Vinamilk cũng nghiên cứu mua những công ty đang có nhu cầu bán.

Thế nhưng kể cả sản phẩm chủ lực là sữa, bản thân Vinamilk không phải lúc nào cũng hoàn toàn thắng lợi. Vị lãnh đạo này cho biết tới nay đã có khoảng 10 sản phẩm không được thị trường đón nhận dù có sự chuẩn bị kỹ càng. Đơn cử như sữa chua gừng, nhắm tới thị trường miền Bắc, nơi có thời tiết lạnh, hanh khô, với ưu điểm giúp làn da khỏe, không bị khô nứt. Song mặt hàng này không bán chạy, doanh số ít, khó thuyết phục người tiêu dùng. Mặc dù trước khi sản xuất, doanh nghiệp đã nghiên cứu, điều tra thị hiếu người tiêu dùng khá kỹ.

”Một trong những nguyên nhân có thể do lựa chọn người dùng thử chưa nhiều, chưa tiêu biểu và ở phạm vi hẹp”, vị Tổng giám đốc nhớ lại.

Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm qua đã không chừa một doanh nghiệp nào. tỷ giá biến động, lãi suất tăng cao, lạm phát nhảy vọt, người dân thắt chặt chi tiêu. Theo bà Liên, 2011 là năm hoạt động đầy trắc trở với doanh nghiệp, hầu như không có thuận lợi nào mà chỉ toàn thách thức. Vì vậy kế hoạch năm nay Công ty đưa ra tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm trước. Việc giao chỉ tiêu cho mỗi nhân viên cũng phải có kế hoạch, tính toán hợp lý.

Giữa năm ngoái, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận so với mục tiêu ban đầu. Song điều này đã không lặp lại trong năm nay. “Chưa khi nào, doanh nghiệp tiết giảm tối đa như năm nay. Gói chi phí chỉ được giải ngân 90%, thay vì 100% như mọi năm. 10% còn lại dự phòng khi có việc gấp cần xử lý”, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết.

Hiện nay tình hình chung của các doanh nghiệp trong nước gặp phải như: giá nguyên liệu thế giới tăng cao, hoạt động kinh doanh như “ngồi trên đống lửa” bởi áp lực lãi vay. Đơn vị nào phụ thuộc lớn vào vốn vay coi như bị thương nặng. Theo bà Liên, điều kiện bình thường, lãi vay 22-25% đã không có lời, huống chi đặt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chưa kể, lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh mà phải tăng giá bán (do nguyên liệu đầu vào, lãi vay tăng cao…) khiến việc cạnh tranh ngày càng gay gắt, thậm chí đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Trong khi đó, chính sách vĩ mô cũng không ổn định, doanh nghiệp khó lường. Nhưng với Vinamilk do có kế hoạch cụ thể 1 năm, 3 năm hay 5 năm, và chủ động được nguồn nguyên liệu nên mọi hoạt động diễn ra như theo kế hoạch nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Ngoài việc chờ can thiệp, người điều hành Vinamilk cho rằng bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Thay vì chờ lãi suất hạ, bản thân doanh nghiệp tự xoay sở nguồn vốn ở kênh khác, cắt giảm chi phí ở những khâu nào còn có thể, tìm đến phân khúc thị trường mới, sáng tạo ra sản phẩm mới…

Vinamilk đặt mục tiêu cuối năm nay đạt doanh thu 1 tỷ USD, đứng trong top 50 công ty sữa có doanh thu cao nhất thế giới vào năm 2017 với 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2010, Vinamilk là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất tại khu vực châu Á do Tạp chí Forbes Asia bình chọn.

Theo thời gian, sự đam mê thay thế cho những bỡ ngỡ, thậm chí hoài nghi về chọn lựa ngành chế biến sữa khi còn là sinh viên. Tới nay, 90% ý tưởng mới của Vinamilk xuất phát từ chính “thuyền trưởng” Mai Kiều Liên, dựa trên sự quan sát nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và sở thích tìm tòi thêm những hương vị mới lạ. Lạc quan khi cho rằng không khó khăn nào không thể vượt qua, mà chính những trải nghiệm này sẽ giúp bản thân dày dạn kinh nghiệm ứng chiến, bà Mai Kiều Liên luôn tâm niệm phải tìm ra mắt xích nào đang có vấn đề trong tổng thể, từ đó chỉ việc giải quyết nó.

Theo Vnexpress

Thursday, January 27, 2011

48 Nguyên Tắc Chủ Chốt Của Quyền Lực

VGBrand - Bạn hãy xem 48 Nguyên Tắc Chủ Chốt Của Quyền Lực như là quyển sổ tay của nghệ thuật đánh lạc hướng. Những nguyên tắc được trình bày đều là ghi chép của những người từng nghiên cứu và thuần thục trò chơi quyền lực. Những ghi chép này trải suốt hơn 3000 năm, xuất xứ từ những nền văn minh rất khác nhau như Trung Quốc, Italia.

Tuy vậy chúng cùng chia sẻ những chủ đề và mạch tư tưởng, cùng gợi ý về một cốt tuỷ của quyền lực chưa được diễn giải minh bạch. 48 Nguyên Tắc Chủ Chốt Của Quyền Lực được chiết xuất từ sự uyên thâm tích luỹ đó, được góp nhặt từ tác phẩm của những bậc thầy về chiến lược ( Tôn Tử, Clausewitz ), chính trị (Bismarck, Talleyrand), triều ca ( Castiglione, Gracían), quyến rũ (Ninon de Lenclos, Casanova), và lừa đảo (Yellow Kid Weil) lỗi lạc nhất trong lịch sử...

Tóm tắt nội dung các nguyên tắc:

1. Không bao giờ được tỏa sáng hơn ông chủ của mình (NEVER OUTSHINE THE MASTER)

Bài học về điều này trong lịch sử rất nhiều. Và kết quả của “công cao lấn chủ” đều rất bi thảm. Vì khi con người có được một thứ càng quý giá, thì nỗi lo sợ mất nó càng lớn.Họ luôn cảm thấy không an toàn và cảnh giác với bất cứ điều gì.

Một số lời khuyên:

- Luôn tỏ ra rằng ý tưởng thành công đều bắt nguồn từ ông chủ.
- Nếu bạn thực sự thông minh hơn ông chủ, hãy hành động như không phải vậy.
- Không nên khoe khoang về những gì bạn có trước mặt ông chủ bạn.

2. Không nên đặt quá nhiều niềm tin vào bạn bè, hãy học cách làm thế nào để dùng kẻ thù (NEVER PUT TOO MUCH TRUST IN FRIENDS, LEARN HOW TO USE ENEMIES)

Chắc bạn cũng biết câu chuyện: tin bạn mất … người yêu. Khi chúng ta đặt quá nhiều niềm tin tình cảm với ai đó, sự phán đoán và nhận xét khách quan về người đó cũng mất đi.Còn khi bạn ghét ai đó, bạn sẽ chỉ nhìn thấy khuyết điểm, mà không thấy được ưu điểm của họ. Bài học ở đây là hãy giữ thái độ khách quan, công bằng khi đưa bất cứ đánh giá hay quyết định nào.

Một số lời khuyên:

- Sự tha thứ của bạn với kẻ thù sẽ đem lại lòng biết ơn lớn hơn đối với bạn của bạn.
- Khả năng quan trọng hơn những cảm giác thân thiện.
- Bạn tiêu diệt kẻ thù bằng cách kết bạn với anh ta.
- Có kẻ thù theo gót, bạn sẽ luôn giữ được sự sắc sảo và tập trung.

3. Che giấu ý định của bạn (CONCEAL YOUR INTENTIONS)

Trong binh pháp Tôn Tử có kế “giương đông kích tây”, kế này còn cao hơn nguyên tắc 3 một bậc. Không chỉ che giấu chủ ý, mà còn khiến kẻ thù bị nhầm lẫn, bất ngờ. Hiệu quả sẽ nâng thêm một bậc.

Một vài lời khuyên:

- Tung hỏa mù.
- Giương đông kích tây.
- Có sự pha trộn thật giả để giảm sự nghi ngờ.

4. Luôn nói ít hơn cần thiết (ALWAYS SAY LESS THAN NECESSARY)

Chắc các bạn đã nghe câu: “Lời nói là bạc - Im lặng là vàng” hay câu “hãy uốn lưỡi 3 lần trước khi định nói điều gì”. Chúng ta giao tiếp với nhau qua ngôn từ, lời nói.Vì vậy, mỗi lời nói cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng để khi nói ra không phải hối hận.

Một số lời khuyên:

- Nói ít sẽ giúp bạn tránh được những lời nói ngu ngốc, thậm chí nguy hiểm.
- Một lời nói ra, khó mà rút lại.
- Giữ im lặng có thể khiến người khác tiết lộ nhiều hơn về họ.

5. Nhiều điều phụ thuộc vào danh tiếng, vì vậy hãy bảo vệ nó trong suốt cuộc đời bạn (SO MUCH DEPENDS ON REPUTATION – GUARD IT WITH YOUR LIFE)

Ở đây mình có thể dẫn chứng bằng câu chuyện “Cậu bé chăn cừu”. Những lời nói dối của cậu đã làm mất đi niềm tin của mọi người, và khi cậu nói thật, không còn ai tin cậu nữa.

Một vài lời khuyên:

- Một danh tiếng vững chắc sẽ giúp bạn thuận lợi hơn mà không tốn nhiều công sức.
- Không bao giờ tuyệt vọng khi đấu tranh bảo vệ danh tiếng của mình trước sự vu khống của người khác.
- Tấn công danh tiếng của người khác giống như con dao hai lưỡi vậy. Nếu bạn lạm dụng và đi quá xa, bạn sẽ là người chịu tổn hại.

6. Tranh thủ sự chú ý bằng mọi giá (COURT ATTENTION AT ALL COST)

Chúng ta có thể tự trả lời được câu hỏi, tại sao lại nhiều tổ chức, nhiều cá nhân làm từ thiện thế, tại sao lại có nhiều vụ xì căng đan vậy. Tranh thủ sự chú ý bằng mọi giá, là điều mà marketing mong đạt được. Và với tình hình trước mắt, LET cũng cần tận dụng nguyên tắc này.

Một số lời khuyên:

- Hãy đứng trước ngọn nến, và để mọi người nhìn thấy bóng bạn trên tường .

7. Hãy để người khác thực hiện công việc cho bạn, nhưng hãy luôn là người nhận thành quả (GET OTHERS TO DO THE WORK FOR YOU, BUT ALWAYS TAKE THE CREDIT)

Điều này nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng đó là điều mà cuộc sống đang diễn ra. Chúng ta thực sự không nhận được đúng thành quả mà mình đáng được nhận.

Một số lời khuyên:

- Hãy đứng trên vai người khổng lồ. Để hoàn thành công việc hãy áp dụng tất cả thành tựu mà loài người đã có.
- Tiết kiệm sức lực và năng lượng bằng cách thuê người làm việc giúp mình.
- Bạn chỉ có thể khai thác khả năng của người khác, khi vị trí của bạn là không thể lay chuyển.

8. Thu hút người khác đến với bạn – sử dụng mồi nhử nếu cần (MAKE OTHER PEOPLE COME TO YOU – USE BAIT IF NECESSARY)

Mỹ là đất nước áp dụng nguyên tắc này từ khá sớm, điều đó đã góp phần tạo lên vị trí của Mỹ hiện tại.

Một số lời khuyên:

- Đối với những người giỏi, cần tìm mọi cách thu hút và giữ chân họ.
- Hãy giữ thế chủ động, nhưng để mọi người đến với bạn nghĩ rằng họ đang nắm quyền chủ động.
- Giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.

9. Chiến thắng qua hành động của bạn, chứ đừng dùng lý lẽ (WIN THROUGH YOUR ACTIONS, NEVER THROUGH ARGUMENT)

Dù bạn có hàng trăm nghìn lý lẽ, song nếu bạn không có hành động thích hợp thì bạn sẽ không bao giờ có được thành công.

Một số lời khuyên:

- Hãy chứng minh, đừng giải thích.
- Học cách chứng minh sự đúng đắn của bạn một cách gián tiếp.
- Chọn lựa thời cơ phù hợp.
- Không ai có thể chối cãi một bằng chứng xác đáng.
- Nếu thời gian có thể dạy người khác điều bạn cố gắng nói, hãy để thời gian làm điều đó.

10. Tránh khỏi những điều bất hạnh và không may mắn (INFECTION: AVOID THE UNHAPPY AND THE UNLUCKY)

Bạn có nghĩ rằng khi gần người bất hạnh thì bạn cũng sẽ gặp bất hạnh, gần người thiếu may mắn thì bạn cũng sẽ luôn gặp rủi ro?

Bạn không phải là người duy tâm, song những yếu tố trên vẫn gây cảm giác e ngại cho bạn. Vì vậy tốt hơn hết, bạn nên giữ khoảng cách,và hãy hướng tới những điều hạnh phúc và may mắn .

Một số lời khuyên:

- Trong trò chơi quyền lực, những người kết nối với bạn giữ vai trò quan trọng vì vậy hãy tạo những kết nối thích hợp.
- Hướng tới sự thịnh vượng và vui vẻ.
- Suy nghĩ tích cực.

11. Học cách giữ mọi người phụ thuộc vào bạn (LEARN TO KEEP PEOPLE DEPENDENT ON YOU)

Để có thể điều khiển được người khác trước hết cần khiến họ phụ thuộc vào bạn.Vậy mối liên hệ đấy xây dựng trên những cơ sở nào là vững chắc nhất? Đó chính là tình yêu và sự sợ hãi.

Một vài lời khuyên:

- Hãy khiến sự nghiệp của người khác phụ thuộc vào bạn.
- Sử dụng bí mật của người khác, hay những thông tin họ không muốn công khai để tạo sự ràng buộc. (cái này nghe giống tống tiền quá)

12. Sử dụng sự trung thực và rộng lượng khéo léo để giải tỏa sự phòng bị từ nạn nhân của bạn (USE SELECTIVE HONESTY AND GENEROSITY TO DISARM YOUR VICTIM)

Đây là bài học khi tấn công các nàng, nếu bạn không muốn bị loại ngay từ vòng gửi xe, hãy vào vai diễn thật hoàn hảo. Khi đã qua được lớp vệ sĩ vây quanh nàng, cầm được tay nàng, thì lúc đó … hãy thực hiện nguyên tắc 11 ngay.

Một số lời khuyên:

- Điều quan trọng nhất đó là bạn cần bỏ vốn, cho đi trước khi nhận lại.

13. Khi cầu xin sự giúp đỡ của người khác, hãy dựa vào những điều họ thích thú, đừng dựa vào lòng tốt hay lòng biết ơn của họ (WHEN ASKING FOR HELP, APPEAL TO PEOPLE’S SELF-INTEREST, NEVER TO THEIR MERCY OR GRATITUDE)

Điều này cũng giống như khi muốn ai đó đầu tư cho bạn, cách tốt nhất đó là cho họ thấy tiềm năng của bạn. Lợi nhuận là thứ mà họ quan tâm, sự đầu tư là điều bạn cần. Sự giúp đỡ chỉ có thể bền vững trên sự hợp tác.

Một số lời khuyên:

- Cần tìm hiểu động lực của đối tác.
- Suy nghĩ đứng trên phương diện của đối tác, tìm cách khiến họ thấy được lợi thế khi hợp tác.

14. Tỏ ra là một người bạn, hành động như một gián điệp (POSE AS A FRIEND, WORK AS A SPY)

Nếu bạn là người hay tâm sự với bạn thân của mình, hãy cẩn thận với điều đó. Nếu muốn tâm sự với ai đó hãy tâm sự với một người không biết bạn là ai hoặc ít liên quan tới lĩnh vực của bạn. Sự cẩn trọng sẽ không bao giờ thừa.

Một số lời khuyên:

- Sử dụng “Mỹ nhân kế”.
- Sử dụng thông tin giả để thăm dò đối phương, từ đó xây dựng kế hoạch chu toàn.

15. Đẩy lùi kẻ thù của bạn hoàn toàn (CRUSH YOUR ENEMY TOTALLY)

Thời xưa có câu “diệt cỏ tận gốc” cũng có ý nghĩa tương tự. Sự chủ quan coi thường địch thủ, dù họ đã yếu thế là một điều có thể khiến bạn hối hận. Những câu truyện như: Dự Nhượng - Tráng sĩ nuốt than báo thù cho tri kỷ.
Câu Tiễn - Vua mà phải nếm phân kẻ thù là bài học nổi tiếng trong lịch sử.

Một số lời khuyên:

- Khoan dung với kẻ thù là độc ác với chính mình.
- Không để cho kẻ thù của bạn có sự lựa chọn nào cả.
- Đôi khi kẻ thù tự tiêu diệt lẫn nhau.

16. Sử dụng khéo léo sự vắng mặt để tăng thêm sự kính trọng và danh giá (USE ABSENCE TO INCREASE RESPECT AND HONOR)

Đây là kế “lùi một bước để tiến hai bước”. Bạn nghĩ sao khi một ca sĩ hay một cầu thủ giải nghệ trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp. Sự nổi tiếng cùng danh vọng của họ sẽ được tăng rất cao. Họ trở thành sự mong đợi , rào đón của mọi người, tổ chức. Để xem vị trí của bạn trong tổ chức, hãy đi đâu đó một thời gian, và xem phản ứng của mọi người. Có lẽ mình cũng thử áp dụng điều này, về quê chăn vịt một thời gian xem có ai mong ngóng không…

Một số lời khuyên:

- Biết cách tăng giá trị của mình, sẽ làm tăng sự quý trọng từ mọi người xung quanh.
- Nhận những công việc đặc biệt, giải quyết nó một cách đặc biệt và nhận phần thưởng một cách đặc biệt.

17. Giữ đối phương trong nỗi lo sợ lơ lửng: duy trì không khí bất ngờ, không thể dự đoán trước được (KEEP OTHERS IN SUSPENDED TERROR: CULTIVATE AN AIR OF UNPREDICTABILITY)

Đòn tâm lí được áp dụng rất phổ biến trong trò chơi quyền lực. Đòn tâm lí được tăng thêm sức mạnh bằng những điều bất ngờ khó dự đoán trước. Hãy để đối thủ của bạn sống trong những câu hỏi: tại sao hắn làm vậy? Có cạm bẫy gì? Làm sao để đối phó? Họ sẽ liên tục tự tra tấn mình bằng những câu hỏi đau đầu như vậy và không còn tỉnh táo tập trung vào vấn đề chính, và càng trở lên rối loạn hơn khi lại đoán trật lất.

Một số lời khuyên :

- Giữ thân bạn cách xa đối phương, nhưng con mắt bạn luôn dán vào họ.
- Không bao giờ được hài lòng với bất cứ một cách nào, hãy nghĩ ra cách mới, sự ngạc nhiên mới.

18. Đừng bao giờ xây dựng pháo đài để tự bảo vệ mình – Cô lập tạo lên nguy hiểm (DO NOT BUILD FORTRESSES TO PROTECT YOURSELF – ISOLATION IS DANGEROUS)

Nếu bạn đang xa lánh mọi người xung quanh, trong tổ chức, thì đó là cách mà bạn đang tự chặt bớt những sợi rễ sống của mình. Bức tường ngăn cản sự giao tiếp của bạn với thế giới chỉ có thể phá bỏ bởi chính bạn, và hãy làm điều đó ngay.

Một số lời khuyên:

- Pháo đài bảo vệ bạn có thể trở thành nhà tù giam cầm bạn.

19. Biết mình đang đối phó với ai – đừng xúc phạm nhầm người (KNOW WHO YOU’RE DEALING WITH – DO NOT OFFEND THE WRONG PERSON)

Nguyên tắc này tương tự câu nói: “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Trong cuộc sống, trước khi đặt bất cứ mục tiêu nào, trước hết hãy nghĩ xem vị trí hiện tại của mình ở đâu, và thế giới xung quanh đang phát triển thế nào. Khi đã thực sự nhận thức đúng đắn, bạn đã cầm chắc trong tay một nửa chiến thắng, nửa còn lại là nỗ lực thực hiện của bạn.

Một số lời khuyên:

- Đừng bao giờ nhìn mặt mà bắt hình dong.

20. Đừng giao phó hoàn toàn cho bất cứ ai (DO NOT COMMIT TO ANYONE)

Để có thể tồn tại trong trò chơi quyền lực bạn cần tính toán cho mình nhiều nước cờ, tạo cho mình nhiều sự lựa chọn. Từ đó chọn con đường đi tốt nhất cho mình.

Một số lời khuyên:

- Đừng bao giờ : “Được ăn cả ngã về không”.
- Không bao giờ tin tưởng hoàn toàn vào ai ngoài chính mình.
- Hãy để cuộc đời bạn nằm trong sự kiểm soát của bạn.

21. Hãy chơi trò ngu ngốc với những kẻ ngu ngốc (PLAY A SUCKER TO CATCH A SUCKER – SEEM DUMBER THAN YOUR MARK)

Một số lời khuyên:

- Tỏ ra ngu ngốc sẽ khiến đối phương chủ quan.
- Sự chủ quan sẽ tạo nên kẽ hở và cơ hội tấn công cho bạn.
- Hãy nhớ câu : khéo quá hóa vụng.

22. Sử dụng chiến thuật đầu hàng: chuyển điểm yếu thành sức mạnh (USE THE SURRENDER TACTIC: TRANSFORM WEAKNESS INTO POWER)

Một số lời khuyên:

- Nếu chiến thắng khiến kẻ thù mù quáng thì hãy cho họ chiến thắng.
- Không nên lấy cứng chọi cứng .
- Đầu hàng sẽ co bạn thời gian để lên kế hoạch tiếp theo, và che giấu mục đích của mình.

23. Tập trung sức mạnh của bạn (CONCENTRATE YOUR FORCES)

Đoàn kết, tập trung được toàn bộ sức mạnh có thể chiến thắng bất cứ lực lượng nào đó là điều mà nhân dân ta đã áp dụng hoàn hảo trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Một số lời khuyên:

- Một cây làm chẳng lên non, Ba cây chụm lại lên hòn núi cao.
- Luôn làm việc một cách nghiêm túc, tập trung để đạt được hiệu quả cao.
- Tìm cách gắn bó, tạo mối liên hệ bền chặt giữa các thành viên trong nhóm.

24. Làm người cận thần hoàn hảo (PLAY THE PERFECT COURTIER)

- Tránh phô trương, nói ít về bản thân.
- Tỏ ra lãnh đạm. Hoàn thành các công việc tỏ ra một cách dễ dàng không tốn nhiều công sức.
- Sàng lọc phong cách và ngôn ngữ của bạn cho phù hợp với những người xung quanh.
- Không bao giờ ngạc nhiên với những tin xấu, bất ngờ.

25. Luôn tái tạo lại chính mình (RE-CREATE YOURSELF)

Không ngừng thay đổi bộ mặt của mình sẽ tạo ra được sự chú ý cần thiết xung quanh. Sự bất ngờ và kì lạ sẽ đem lại tiếng tăm cho bạn.

26. Giữ đôi tay của bạn sạch sẽ (KEEP YOUR HANDS CLEAN)

27. Sử dụng những điều người khác cần phải tin tưởng, để khiến họ đi theo giống như đi theo tín ngưỡng (PLAY ON PEOPLE’S NEED TO BELIEVE TO CREATE A CULT-LIKE FOLLOWING)

- Giữ sự đơn giản, giữ sự mơ hồ.
- Giữ sự sáng suốt, Hành động như một nhà tiên tri.
- Mượn các hình thức tổ chức tôn giáo để cơ cấu các nhóm. Tạo nghi thức. Sử dụng tên và cấp bậc, chức danh.

28. Hành động với lòng dũng cảm, táo bạo (ENTER ACTION WITH BOLDNESS)

- Sư tử bao vây những con mồi do dự.
- Sự dũng cảm táo bạo có khả năng lan truyền với đông đội và tạo sự khiếp sợ cho kẻ thù.
- Dũng cảm chứ không phải hữu dũng vô mưu.

29. Lên kế hoạch tất cả các con đường dẫn tới đích (PLAN ALL THE WAY TO THE END)

Một số lời khuyên:

- Đưa vào kế hoạch tất cả những trở ngại có thể và hoàn cảnh nào có thể ngăn cản bạn đạt được mục tiêu, kế hoạch như thế nào giúp bạn vượt qua chúng.
- Chuẩn bị thay thế và mở rộng một cách thích hợp các tuyến đường mới đến mục tiêu của bạn.

30. Làm thành tích bạn đạt được có vẻ dễ dàng, không tốn sức lực (MAKE YOUR ACCOMPLISHMENTS SEEM EFFORTLESS)

Điều này sẽ làm tăng giá trị của bạn trong con mắt của người khác.

Một số lời khuyên:

- Đừng bao giờ nói về công việc của bạn cho tới khi nó kết thúc.
- Tận dụng, chia sẻ công việc để tạo hiệu quả cao nhất.

31. Điều khiển thế trận: Hãy khiến mọi người chơi với những lá bài mà bạn muốn (CONTROL THE OPTIONS: GET OTHERS TO PLAY WITH THE CARDS YOU DEAL)

- Cho mọi người những lựa chọn để họ có cảm giác rằng mình đang giành quyền điều khiển.
- Hãy biện hộ cho điều ngược lại để họ chọn lựa con đường mà bạn muốn.
- Thay đổi cục diện để trận đấu chỉ còn lại những lựa chọn mà bạn muốn.

32. Trò chơi dựa trên ảo tưởng của mọi người (PLAY TO PEOPLE’S FANTASIES)

- Con người cần sự mộng tưởng để thoát khỏi sự nhàm chán buồn tẻ của cuộc sống hằng ngày.
- Hứa hẹn sự sung túc giàu có có thể đạt được trong chốc lát.

33. Khám phá điểm yếu của mỗi người (DISCOVER EACH MAN’S THUMBSCREW)

34. Hãy hành động như một vị vua để được đối xử như vậy (BE ROYAL IN YOUR OWN FASHION: ACT LIKE A KING TO BE TREATED LIKE ONE)

35. Bậc thầy về nghệ thuật thời gian (MASTER THE ART OF TIMING)

- Không bao giờ được tỏ ra vội vã điều này sẽ khiến bạn mất đi sự đều khiển.
- Tập lùi lại và kiên nhẫn. Hành động khi đúng thời điểm.
- Dự đoán tương lai.
- Cảm nhận được cơn gió đang thổi nhưng không nhất thiết phải hòa mình vào cơn gió ấy.

36. Nếu người khác khinh miệt những điều bạn không hề có thì bỏ qua họ chính là sự trả thù tốt nhất (DISDAIN THINGS YOU CANNOT HAVE: IGNORING THEM IS THE BEST REVENGE)

- Sự quan tâm của bạn dành cho kẻ thù nhiều bao nhiêu sẽ giúp cho kẻ thù của bạn mạnh hơn bấy nhiêu.
- Hãy nhớ rằng chính bạn tự làm mình phiền muộn, nếu học cách kiểm soát điều đó bạn sẽ thành công.

37. Tạo ra những cảnh tượng hấp dẫn (CREATE COMPELLING SPECTACLES)

- Đừng bao giờ cẩu thả với những điều có thể cảm nhận bằng mắt.
- Mọi người luôn bị ấn tượng bởi vẻ bề ngoài.

38. Suy nghĩ những gì bạn muốn nhưng hãy hành động giống những người khác (THINK AS YOU LIKE BUT BEHAVE LIKE OTHERS)

39. Khuấy nước bắt cá (STIR UP WATERS TO CATCH FISH)

- Ý nghĩa của điều này là làm cho đối phương tức giận hoặc không kiềm chế đuợc cảm xúc, họ sẽ lộ sơ hở và đó sẽ là cơ hội cho bạn.

40. Coi khinh những thứ miễn phí (DESPISE THE FREE LUNCH)

- Tự túc sẽ giúp bạn thoát khỏi sự biết ơn với người khác.

41. Tránh ẩn dưới bóng những con người vĩ đại (AVOID STEPPING INTO A GREAT MAN’S SHOES)

- Chọn những con đường và phong cách khác nếu bạn là hậu duệ của một người vĩ đại.

42. Đánh người chăn cừu thì bầy cừu sẽ chạy tán loạn (STRIKE THE SHEPHERD AND THE SHEEP WILL SCATTER)

- Đánh trận chém tướng.

43. Làm việc dựa trên trái tim và khối óc của người khác (WORK ON THE HEARTS AND MINDS OF OTHERS)

- Nhắm vào những cảm xúc của con người: yêu, ghét, đố kị….

44. Giảm sự phòng bị và hồi mã thương (DISARM AND INFURIATE WITH THE MIRROR EFFECT)

45. Thuyết giáo sự cần thiết phải thay đổi, nhưng không được cải cách một lúc (PREACH THE NEED FOR CHANGE, BUT NEVER REFORM TOO MUCH AT ONCE)

- Cải cách là một con dao hai lưỡi, nếu hợp lí nó tạo ra sự thay đổi tuyệt vời. Còn nếu quá vội vàng nó sẽ gây ra biến động và sụp đổ.

46. Không bao giờ được xuất hiện quá hoàn hảo (NEVER APPEAR TOO PERFECT)

- Không bao giờ được đánh giá thấp sức mạnh của sự đố kị. Người có cùng địa vị xã hội với bạn sẽ là người đầu tiên đố kị với thành công của bạn.
- Đối với sự đố kị trá hình bằng những lời chỉ trích, nói xấu, sự tán dương quá mức thì bạn nên trả thù bằng việc bỏ ngoài tai những điều đó.

47. Không nên vượt quá những gì bạn nên giữ, hãy biết khi nào phải dừng lại (DO NOT GO PAST THE MARK YOU AIMED FOR; IN VICTORY, LEARN WHEN TO STOP)

- Bản chất của chiến thuật đó là điều khiển điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
- Không có thời điểm nào để dừng lại và bỏ đi hơn là sau chiến thắng

48. Chấp nhận rằng không có gì là bất biến (ASSUME FORMLESSNESS).
Nguồn: Benjamin Pham & Hanzo_hatori dịch.

Friday, January 07, 2011

Trương Gia Bình - CEO FPT

PROFILE - Được đồng nghiệp nhìn nhận như "một người không bình thường", Trương Gia Bình dường như luôn bùng nổ với các ý tưởng mới. Ông nhìn nhận trong cuộc đời mình, có ba ý tưởng quan trọng nhất.


Một số người nói với chúng tôi rằng, Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Cty FPT là một Nhân Vật Có Nhiều Ý Tưởng. Chúng tôi chưa bao giờ có dịp gặp gỡ ông Bình, một nhà khoa học được đào tạo trong môi trường Xô Viết trở thành doanh nhân, để trao đổi về điều đã làm cho ông trở nên khác biệt.

Hôm nay Trương Gia Bình ngồi trước mặt chúng tôi đây. Ông Bình đang chuẩn bị cho một buổi nói chuyện về các bí quyết thành công vào ngày hôm sau, mà nếu gạch đầu dòng ngắn gọn thì chúng bao gồm: khát vọng + nhìn được các điểm nút chiến lược + tập hợp được những người có năng lực để cùng vượt qua những khó khăn. Cao 1m73, nặng 88kg, cuốn sách đang đọc dở dang là "Cuộc đời tôi" (My Life) của Bill Clinton; ăn mặc theo lối càng ít thứ đeo khoác trên người càng tốt và thoải mái, có thể nhận xét sơ bộ rằng, ông Bình thuộc kiểu người cởi mở. Giọng nói của ông Bình khi phát âm chữ "R", lưỡi vẫn rung nhẹ. Đó là "di sản" của nhiều năm học tiếng Nga và của quê hương miền Trung, cho dù ông ra Hà Nội sống từ năm 2 tuổi.

1. TS Bùi Quang Ngọc - bạn học cùng từ năm lớp 2 (năm học 1964-1965) tại trường Phương Đông - Hà Nội, người được coi là khá hiểu ông Bình. Theo ông Quang Ngọc, ngày ấy họ cùng ở phố Thợ Nhuộm. Nhà Quang Ngọc số 91, nhà Gia Bình ở số 86, chính là trụ sở của Sở Y tế Hà Nội (bố ông Bình là Trương Gia Thọ - một vị bác sỹ nổi tiếng thời bấy giờ). Trò chơi ấu thơ của họ thường cho cá vào lọ để cùng ngắm chúng chọi nhau cho đến khi ngã ngũ.Hai người học với nhau cả 3 năm cấp 3 ở trường chuyên toán Chu Văn An, cùng ngồi ở chiếc bàn cuối lớp.

"Gia Bình học toàn diện. Dân chuyên Toán thường ít chú ý đến môn Văn cũng như các môn xã hội. Gia Bình lại là cánh ham mê môn Văn," TS Quang Ngọc nhớ lại. "Mỗi bài luận Bình bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu hàng đống sách chuyên đề rồi mới bắt tay vào viết. Tôi và nhiều bạn thường sử dụng các tư liệu mà Bình đã mất công tìm kiếm, thậm chí bắt trước cả cách phân tích, bình luận của Bình. Các bài Văn của Bình thường được được tham khảo mẫu khi trả bài.

Bình hay nói về Triết học, trình bày các vấn đề dưới góc độ hoặc bằng ngôn ngữ Triết. Hồi đấy tôi chỉ thấy hay hay vì nó khác với những suy nghĩ tư duy thuần Toán, không biết đâu rằng đó chính là biểu hiện của những phẩm chất lãnh đạo mà sau này Bình mới thể hiện rõ. Năm 1974, khi sang Liên Xô, mỗi đứa một nơi, Gia Bình học khoa Cơ học trường Tổng hợp Matxcơva, còn tôi học Toán ở Kisinhốp. 1979, Bình được chọn làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh, còn tôi về dạy Toán ở ĐHBK Hà Nội.

Năm 1985, Bình về nước lập nhóm "Nhiệt và chất" ở Viện Cơ, bắt đầu làm kinh tế. Một tối đầu mùa hè năm 1988, Bình đến nhà tôi chơi. Trên cái sân gác tầng 2 thoáng mát ở phố Khâm Thiên, Bình say sưa nói về máy tính cá nhân và thuyết phục tôi tham gia nhóm của Bình để chuyển máy tính sang Liên Xô. Ngoài sự thân quen rất nhiều năm, Bình nhìn nhận tôi như một chuyên gia Tin học khi đó. Chính Bình đã biến tôi từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay"

Khi ấy họ mới 32 tuổi. Và sau đó mấy tháng, FPT chào đời.

Tại sao một nhóm các nhà khoa học lại rủ nhau bỏ đi làm kinh tế? Ông Bình kể, thế hệ ông được hưởng thụ sự giáo dục về niềm tự hào dân tộc, sinh ra là người Việt Nam đã là điều hạnh phúc. Chúng ta là lương tâm của thời đại, và tin tưởng sâu sắc vào điều đó. Tuy nhiên khi đi ra thế giới, gặp phải một sự thật phũ phàng là không phải ai cũng tôn trọng chúng ta. Điều ấy là một nỗi đau từ khi bước chân ra khỏi nước.

Ông Bình nhớ, những năm 1980, khi đang là CTV Viện Hàn lâm Xô Viết, hôm ra sân bay tiễn một bạn về nước, cảnh sát đã cầm cái hộ chiếu của cô gái này vứt toẹt xuống đất. Lúc đó mới thấm thía nghèo là hèn, hèn là nhục; cũng tóc đen da vàng nhưng cầm giấy tờ Nhật Bản thì người ta được kính trọng. Thứ nữa là khi về nước, một người bạn than thở, Bình ơi đói quá không nuôi nổi vợ con, mình phải làm cái gì đi chứ? Vượt lên nghèo khó vốn là một suy nghĩ chất chứa trong đầu từ lâu, và lần này thì nhóm những nhà khoa học này nhất quyết làm kinh tế.

2. Ông Bình cho rằng, câu chuyện lớn nhất của cuộc đời mình là FPT. Buổi ban đầu cái tên FPT gắn với công nghệ thực phẩm. Việt Nam là một nước nông nghiệp, ông Bình hy vọng vào các dự án viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này, nó cũng là điểm xuất phát làm các đồ sấy khô của nhóm "Nhiệt và chất". Nhưng doanh vụ lớn đầu tiên của FPT là đổi máy tính Olivetti lấy các loại hàng của Liên Xô vốn rất quen thuộc với Việt Nam thời bao cấp.

Có thể nói giai đoạn 1988-1991 là giai đoạn đổi hàng Liên Xô. Giai đoạn 1991-1994 là giai đoạn tham gia thanh toán với Liên Xô (Nga) cho các công trình thủy điện, đồng thời Tin học đã là một hướng kinh doanh độc lập. Từ 1995, kinh doanh Tin học trở thành chủ đạo, các trung tâm định hướng kinh doanh ra đời trong FPT. Năm 1998, sau 10 năm thành lập, FPT khẳng định vị trí số một trên thị trường Tin học của các ngành kinh doanh này và cũng là nhà ISP đầu tiên của Việt Nam .

Trong quãng thời gian trên, ông Bình học hỏi rất nhiều mô hình tổ chức và quản lý của các Cty công nghệ hàng đầu, áp dụng những điểm phù hợp vào FPT. Nổi bật là việc lập và bảo vệ kinh doanh, check point nhân viên và xây dựng một hệ thông tin bảo đảm kiểm soát hiệu quả kinh doanh (Balance và FIFA). Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng hai của FPT là một sự kiện gây nhiều dư luận đến mức, hàng tháng sau dân Hà Nội vẫn còn bàn tán.

Thông thường sau những thành công như thế thì người ta bắt đầu hưởng thụ. Nhưng Trương Gia Bình "không phải là người thường" (đánh giá của ông Hoàng Minh Châu, một nhân vật trong FPT). Ông chưa có ý định hưởng thụ và đã thuyết phục được hầu hết các cộng sự của mình có chung ý chí đó. Năm 1999, FPT chuyển sang toàn cầu hóa với việc tham gia xuất khẩu phần mềm.

Đầu năm 2000, FPT là Cty Tin học đầu tiên đạt chứng chỉ ISO-9001. Năm 2000, triển khai thành công hệ kế toán Solomon theo chuẩn ERP quốc tế, hệ FIFA/MIS của FPT trở thành hệ thông tin doanh nghiệp tốt nhất tại Việt Nam . Năm 2002 doanh số FPT vượt 100 triệu USD; năm 2003 vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2002, FPT trở thành Cty cổ phần, rồi tập đoàn hóa. Hiện FPT có khoảng 10 ngàn nhân viên và doanh số đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Thời điểm đầu những năm 2000, ông Bình tung ra lý thuyết Fractal (tính bất biến của cấu trúc) và Leadership Building (kỹ năng lãnh đạo), đồng thời phát động phong trào học tập các lý thuyết này trong FPT.

"Không nhiều cán bộ FPT hiểu được các lý thuyết này, cũng như vận dụng chúng có kết quả. Là người lãnh đạo FPT trong những năm qua, Gia Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian. Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này. Bình là một nhà tư tưởng"  - TS Bùi Quang Ngọc nhận xét.

"Bình nhìn nhận FPT  phải có đối ngoại, đối nội, có thông tin báo chí, có văn hóa, có kinh tế, có tinh thần, có đoàn thanh niên, có phụ nữ, có thiếu niên nhi đồng (FPT Small). Bình học ở quân đội ở cấu trúc Fractal, và thường xuyên tham khảo tư vấn các vị tướng quân đội, trong đó có Bác Văn. Thậm chí Bình học hỏi cách dùng người của Bác Hồ. Những nguyên lý của âm dương ngũ hành cũng được Bình áp dụng. Bên cạnh đó có nhiều tư tưởng của Bình được minh chứng qua thực tế, ví dụ như bản đồ gene Cty. Bình tự mình hì hụi phác thảo các chuỗi phân tử đầu tiên của bộ gene này".

3. Để triển khai kinh nghiệm sống còn "con người là cốt lõi của thành công", ông Bình đã từng phát động một chiến dịch cầu hiền tài. "Chiếu cầu hiền tài" của ông đăng trên tạp chí nội san và được nhiều báo khác đăng tải lại, đã gây xúc động mạnh trong giới trẻ. Hai câu lạc bộ tài năng trẻ FPT ra đời, quy tụ hầu hết những học sinh - sinh viên giỏi nhất nước, trong đó có nhiều em vừa đoạt các giải cao trong các kỳ thi toán học, tin học quốc tế. Một trong các nỗ lực cầu hiền tài đã đưa về FPT một ngôi sao sáng trong làng phần mềm Việt Nam lúc đó là Henry Hùng.

Tinh thần "chiến tranh" được ông Bình phát động, để cho dễ nhớ, ông đã gói gọn mục tiêu của Cty vào 3 chữ số: 528. Số 5 chỉ 5000 lập trình viên chuyên nghiệp của FPT vào năm 2005, số 2 chỉ 200 triệu doanh số phần mềm xuất khẩu cũng vào năm đó, số 8 chỉ giá trị của Cty tại thị trường chứng khoán Nasdaq là 8 tỷ USD. Toàn thể nhân viên FPT hừng hực khí thế. Trở thành Cty bạc tỷ trong vòng mấy năm là một chuyện phi thường và ông Bình thổi vào bộ máy FPT quyết tâm làm chuyện phi thường.

Khẩu hiệu "công nghiệp hoá, hiện đại hoá" sẽ vẫn tiếp tục chỉ là khẩu hiệu trong nhiều năm cho đến khi xuất hiện một tư duy mới: công nghiệp phần mềm là lối thoát duy nhất của Việt Nam . Từ vấn đề kinh tế, xuất khẩu phần mềm phải trở thành vấn đề chính trị, vì nó không chỉ mang về cho đất nước một ít ngoại tệ mà là mở ra cho đất nước một cơ hội phát triển.

Ngày 5/6/2000, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005 với mục tiêu: 50 ngàn lập trình viên, 500 triệu USD phần mềm xuất khẩu vào năm 2005. Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 8 đã ra chỉ thị 58-CT/TƯ, trong đó nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin đối với sự phát triển đất nước. Tiếp theo hai văn kiện quan trọng này là việc triển khai hàng loạt các chính sách ưu đãi: miễn thuế 4 năm cho các Cty phần mềm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, không áp dụng VAT với các sản phẩm phần mềm, thuế xuất nhập khẩu bằng không... đặc biệt các lập trình viên Việt Nam được tôn vinh, khi mức lương bắt đầu phải nộp thuế thu nhập nâng từ hai triệu lên tám triệu đồng.

Các công ty phần mềm được sử dụng internet với tất cả các cổng dịch vụ không bị kiểm soát qua firewall, Nhà nước đầu tư vào các khu công viên phần mềm như Quang Trung, Hoà Lạc... "Những người làm phần mềm hân hoan thụ hưởng các chính sách mới này, nhưng không phải tất cả trong số họ đều biết đến công lao của ông Bình trong nỗ lực tác động hình thành chính sách" - ông Hoàng Minh Châu nhận xét.

4. Khi cần suy nghĩ, ông Bình cũng đốt thuốc, vẻ sôi nổi biến mất và thoáng rơi vào trầm tư. Ông Bình nhìn nhận, có ba ý tưởng quan trọng nhất trong cuộc đời mình.

Ý tưởng thứ nhất: Đưa chiến tranh nhân dân vào thương trường. Lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến tranh vệ quốc và chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh. Tại sao người Việt Nam sẵn lòng hy sinh, đổ máu cho quê hương, mà làm kinh tế lại có nhiều điều không ổn? Ông Bình để tâm học hỏi trực tiếp từ những vị tướng quân đội và sau này tự tổng kết trong bài "chiến tranh nhân dân ứng dụng vào quản trị kinh doanh". Điều này ông đã dạy cho nhân viên FPT, đồng thời cũng chia sẻ với các doanh nghiệp trong khuôn khổ khoa Quản trị kinh doanh - ĐHQG Hà Nội, và ông cho rằng sức mạnh đó là riêng có của người Việt Nam, quốc gia khác, nền văn hóa khác khó lòng học được.

Ý tưởng thứ hai: Genetic. Khi nhìn ra thế giới xem có doanh nghiệp nào tồn tại lâu dài, tìm hiểu bí quyết tồn tại của nó, ông Bình nhận thấy thương hiệu Sumitomo - Nhật Bản đã có 400 năm tuổi, nhưng lại có một Cty Thụy Điển đã tồn tại tới 7 thế kỷ. Ông Bình phát hiện ra rằng, bất cứ một cái gì trường tồn phải có một cấu trúc hết sức đặc biệt và có thể đặt tên nó là genetic. Để thiết kế được một hệ thống gen trong Cty, ông Bình không biết phải bắt đầu như thế nào, cho dù hết sức ước mong và dù đã xem xét cả mã gien của người lẫn ruồi giấm.

Khi FPT mới chỉ có 350 người, ông Bình tự so sánh với một dân tộc thiểu số Việt Nam cũng có 350 người. Một dân tộc đã tồn tại độc lập qua cả ngàn năm đến tận bây giờ, vì sao họ làm được điều đó? Ông Bình sửa soạn đi tìm dân tộc này nhằm quan sát cách thức họ sống, ăn nói, trồng cấy, sinh hoạt bên đống lửa... để tìm cấu trúc. Đang chuẩn bị đi thì lại vớ được một cuốn hương ước, và cho rằng hương ước hay hơn, nên thu thập rất nhiều về đọc. Ông Bình đã mơ hồ đoán được cấu trúc genetic nhưng vẫn không thiết kế nổi. Lúc này FPT xuất khẩu phần mềm sang Ấn Độ, ông Bình bắt đầu nghiên cứu các quan điểm ISO và nhận thấy sự minh bạch của bộ lệnh này, đồng thời nó là quy trình chung cho toàn bộ tập đoàn. Như là lá, bạn sẽ quang hợp, là hoa bạn sẽ di truyền vậy. Đồng thời tiêu chuẩn ISO có cả biến dị, bởi có cả giai đoạn  check, tức là sau một vòng tuần hoàn phải kiểm tra xem có cải tiến được nó không? Thế là bản thiết kế bộ gien của ông Bình đã hoàn tất.

Rất nhiều người trong FPT phản đối mạnh mẽ, làm gì có cái khái niệm đó tồn tại trên đời, nhưng sau khi ông Bình bắt đầu triển khai làm thì điều này bắt đầu xuất hiện trong một số cuốn sách. Thật may có một người bạn thân của ông Bình hiểu. Để ép mọi người sử dụng, ông Bình gần như phải dùng tới "bạo lực, cưỡng chế", bởi có thể cách ông Bình giải thích khó hiểu, hoặc cũng có thể mọi người không thích thay đổi.

Genetic không chỉ là nhận thức sâu sắc về một tập đoàn, mà muốn vận hành nó sẽ phải chấp nhận trả giá bằng 30% thời gian của toàn bộ bộ máy nhân sự trong khoảng từ 1 - 2 năm. Vừa đúng dịp có cuộc xuất khẩu phần mềm, ông Bình đặt ra khẩu hiệu "Xuất khẩu hay là chết", đồng thời cho vận hành genetic. Ông Bình đánh giá, đến nay bộ lệnh của FPT vẫn là bộ lệnh khác biệt so với các tập đoàn khác, bởi lẽ ông đã tìm mọi cách viết một bộ lệnh đầy đủ để duy trì sự trường tồn của lệnh này, cũng như cây cỏ trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là tìm cách bắt chước thiên nhiên.

Ông Bình không biết FPT sẽ tồn tại được bao lâu, nhưng theo đúng như thiết kế thì cần phải liên tục hoàn thiện, khi đạt đến đẳng cấp thiên nhiên thì đương nhiên sự tồn tại sẽ được chấp nhận. Gen đòi hỏi mỗi tế bào phải thuộc bài, phải có hệ thống đào tạo nội bộ. Tại FPT lãnh đạo hành xử giống nhau, 10 người cũng như 10 nghìn người, phương thức giống nhau dù quy mô khác nhau, đều theo quân sự lệnh. Ý tưởng genetic có trong đầu ông Bình từ năm 1996, đến lúc xuất hiện tại FPT đã là năm 2003. Một quá trình đeo đẳng.

Ý tưởng thứ ba: Thác số. Ông Bình dự báo rằng sớm muộn gì cũng có một cuộc lật đổ, thay đổi vị trí các quốc gia trong tương lai. Ý tưởng này về sau người ta viết thành những cuốn sách rất nổi tiếng như "Thế giới phẳng", còn ông Bình gọi nó là thác số. Bởi khi chưa có internet thì công việc nước nào nước ấy làm, nhưng khi internet ra đời sẽ có một dòng thông tin chảy từ chỗ có nhiều tin đến ít tin, từ chỗ nhiều tri thức đến chỗ ít tri thức, đồng thời sẽ có dòng công việc chảy theo dòng thông tin đó. Tương tự như việc phải chọn độ cao, ngăn đập để làm thủy điện.

Trong thác số, nước là kỹ năng, một số lượng các kỹ năng, cụ thể trong công nghiệp phần mềm là tiếng Anh và lập trình. Ông Bình đẩy tiếp một bước nữa là "tạo nước" bằng việc mở trường Đại học, hiện nay FPT có khoảng 10 nghìn sinh viên, ngoài ra cũng đào tạo cho khoảng 50 ngàn sinh viên trong các hệ thống khác. Khi tích đủ lượng nước rồi thì ông Bình ngồi xoa tay xem các tổ máy phát điện vận hành. Các nước phát triển không ai đi viết lập trình cả, học thì khổ "chết cha chết mẹ", ra đời lương lại không cao, họ thường làm các việc khác. Vì thế ông Bình cho rằng, trong tương lai các nước phát triển sẽ lười biếng, người ta vẫn giàu có nhưng đến một ngưỡng nào đó sẽ phải chấp nhận sự lật đổ. Thác số chính là cơ hội của đất nước, trong cái nghèo lại ẩn chứa một sức mạnh riêng.

5. Những năm 1980 khi đất nước đang rất khó khăn, ông Bình đã được mời sang Tây Đức làm việc. Sự lựa cuộc sống ở nước ngoài tương đối dễ dàng, nhưng ông nghĩ rằng không có nơi nào tốt hơn Việt Nam, mà ở Việt Nam thì phải ở Hà Nội, nơi ông đã lớn lên, nơi văn hóa, trí tuệ tinh túy của đất nước tụ hội, nơi ông cảm thấy "happy" hơn cả.

Ông Bình kể với chúng tôi rằng, ông đã quan sát kỹ mặt trống đồng để cố gắng hiểu mật mã của quá khứ, và gọi nó là "một bộ gen được ghi nhận đơn giản về văn hóa người Việt, về triết lí sống người Việt.

Ví dụ câu hỏi lớn nhất "hạnh phúc là gì?" Tôi thấy trên trống đồng vẽ một nhà mái cong, một người đàn ông, một người đàn bà, một đứa trẻ, một đấu gạo, trên nóc nhà có một con chim. Có thể thấy người Việt cổ quan niệm rằng, chúng ta là người hành phúc khi có một nơi để ở, có một gia để sống và có gạo để ăn. Kiểm nghiệm lại tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc, đời tôi đã có một nơi ở, một gia đình và có gạo. Bất kể chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tôi thấy tự tin vô cùng để có thể mạo hiểm. Làm kinh doanh phải chấp nhận mạo hiểm. Nhưng dù mạo hiểm đến đâu đi chăng nữa tôi vẫn đã có một gia đình, có người yêu thương mình".

Ông Bình tự thiết kế cho mình một ngôi nhà bên Hồ Tây, sau khi đọc chán các sách về âm dương ngũ hành, phong thủy, và tìm hiểu một thứ là "bộ lệnh hài hòa". "Ngôi nhà tôi là nơi đã bày trận đánh lớn: làm sao để Intel đầu tư vào Việt Nam , để TGĐ Intel đến nhìn thấy là choáng, họ thấy văn hóa Việt Nam mình hay quá. Đấy là một địa điểm chuyên dùng để kêu gọi xuất khẩu, kêu gọi đầu tư công nghệ cao, ông nào mà hoành tráng nhất thì tôi đón về nhà" - ông Bình không dấu được vẻ khoan khoái.

Kết thúc, ông Bình nói với chúng tôi: Có hai loại kiến thức, một loại có thể viết ra được thành lời, người ta gọi là kiến thức tường minh; một loại kiến thức không viết ra được mà chỉ có thể ngộ được. Đó là kiến thức ẩn, nó không thể tổng kết được mà là hệ quả của một quá trình quan sát, bắt chước và giác ngộ. Có lẽ ông Bình có chút lo lắng mơ hồ rằng, dân ngoại đạo chúng tôi vẫn còn chưa hết cảm thấy xa lạ chăng, với những ý tưởng ông vừa mới trình bày.

Trương Gia Bình nói điều đó với một điếu thuốc mới bắt đầu cháy trên tay.

Theo VEF