Saturday, July 17, 2010

Lương của các Giám đốc truyền thông là bao nhiêu?

Vietnam Green - Ngành truyền thông có thể đang trải qua những thời điểm sóng gió, nhưng ít nhất một thứ vẫn không thay đổi: thu nhập hậu hĩnh cho các nhà lãnh đạo.

Thu nhập nhiều triệu đô-la

Giới điều hành cấp cao tại các công ty truyền thông lớn nhất của Mỹ tiếp tục thu về những khoản lương nhiều triệu đôla trong năm 2009, một năm cắt giảm chi phí diễn ra phổ biến trong khắp ngành này. Trong một số trường hợp, thu nhập của họ thậm chí còn tăng hơn so với năm trước.

Đứng đầu danh sách là Leslie Moonves, giám đốc điều hành của CBS Corporation. Tổng thu nhập của ông năm 2009 lên tới gần 43 triệu USD, hơn gấp đôi những gì ông kiếm được vào năm 2008, theo một phân tích của Equilar, công ty nghiên cứu thanh toán lương cho giới điều hành.

Không xa phía sau là giám đốc điều hành của Viacom, Philippe P. Dauman, người được trả gần 34 triệu USD, tăng 22% so với năm 2008. Sumner M. Redstone, nhà điều hành CBS và Viacom, hưởng thu nhập hơn 33 triệu USD từ hai công ty cộng lại.

"Bất cứ ai nghiên cứu ngành kinh doanh này đều biết rằng lợi nhuận đang được ép chặt tại các công ty truyền thông, vì thế, thực tế có những khoản lương lớn này không có ý nghĩa gì cả", James F. Reda, người thành lập James F. Reda & Associates, công ty tư vấn lương với nhiều văn phòng tại New York và Atlanta nói.
Tại Comcast, hai nhà điều hành được trả lương cao nhất, Brian L. Roberts và Stephen B. Burke, có thu nhập lần lượt là 25 triệu USD và 31 triệu USD. Lương của Robert gần như giữ nguyên mức năm 2008, trong khi thu nhập của Burke tăng khoảng 12 triệu USD, phần lớn vì các khoản tiền thưởng một lần liên quan tới việc công ty này mua lại NBC Universal.

Đối với một số giám đốc, vận hành một công ty truyền thông năm 2009, dù có khó khăn, nhưng thậm chí còn béo bở nhiều hơn cả một công ty tài chính lớn, nơi nhiều ban lãnh đạo cắt giảm lương điều hành sau gói cứu trợ tài chính liên bang.

Ngành ngân hàng không còn "ăn khách"

John G. Stumpf, người đứng đầu Wells Fargo, là giám đốc tài chính được trả lương cao nhất, với thu nhập 18,8 triệu USD, theo một phân tích của Equilar. Lloyd C. Blankfein, người đứng đầu Goldman Sachs, kiếm được 41 triệu USD năm 2008 còn năm 2009 đã giảm 1 triệu USD. Equilar nói, không kể 9 triệu USD ông nhận được năm nay cho công việc đã hoàn thành từ năm trước nhưng không được cho vào phép tính của Equilar.

Lương của nhân viên ngân hàng sẽ nhiều khả năng trở lại mức trước đó nếu cải cách tài chính diễn ra thành công, Reda nói, nhưng các ngân hàng sẽ không còn là mục tiêu nghề nghiệp của nhiều người nữa.

Reda nói, "chính phủ sẽ làm gì sau khi cải cách tài chính? Lấy đi sinh nhật của họ?"

Mặc dù nhiều công ty truyền thông đã và sẽ trải qua những thời điểm khó khăn và sự không chắc chắn trong việc duy trì được doanh thu trong tương lai số, năm 2009, các nhà đầu tư vẫn không bỏ đi. Cổ phiếu của CBS đã tăng 74% năm 2009, và Viacom tăng 56%.

Ở trường hợp của nhiều giám đốc truyền thông, trong đó có Dauman tại Viacom, hầu hết tiền lương đều được tính dựa trên hoạt động của công ty. Lương cơ bản của Dauman năm 2009, 2,5 triệu USD, không thay đổi so với năm trước.

Ngành truyền thông đã phục hồi trong năm 2009, sau một năm 2008 đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều công ty vẫn luôn tính chuyện cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí lao động. Doanh thu nhìn chung vẫn giảm phổ biến, nhưng trong nhiều trường hợp lợi nhuận lại tăng.

Tại Viacom, doanh thu năm 2009 giảm 7% so với năm trước, nhưng lợi nhuận của công ty lại tăng 1,6 tỷ USD, tức 29%, không cách quá xa mức tăng lương 22% của Dauman. CBS đã lại có lợi nhuận trong năm 2009 - 227 triệu USD - sau một năm 2008 suy giảm nặng nề.

Rich Greenfield, một nhà phân tích truyền thông tại BTIG New York nói: "Hiện nay, tiền lương cho các nhà quản lý không phải là điều khiến người ta đầu tư hay không đầu tư vào những cổ phiếu này. Các cổ đông tập trung hơn vào triển vọng tăng trưởng ngoạn mục của công ty hơn là các khoản lương trả cho nhà điều hành".

Lương tăng còn vượt ra ngoài một số hãng truyền thông lớn sang một số công ty báo chí lớn nhất.

Craig A. Dubow, giám đốc Gannet, nhà xuất bản báo chí lớn nhất của Mỹ, được trả 4,4 triệu USD trong năm 2009, tăng 17% so với năm trước.

Tại tờ New York Times, Janet L. Robinson, tổng giám đốc, nhận mức lương 4,9 USD năm 2009, tăng 26% so với năm trước, còn Arthur Sulzberger Jr., chủ tịch, nhận 4,8 USD, tăng 171%. Gary B. Pruitt, giám đốc điều hành McClatchy, được trả 2,5 triệu USD năm 2009, tăng 61%.

Không phải ai cũng được tăng lương

Nhưng lương không phải ở đâu lương của những ông lớn này cũng tăng hoặc tăng như nhau.

Rupert Murdoch tại News Corporation đều bị giảm 40% lương - xuống còn khoảng 18 triệu USD - và 21% đối với Roger Ailes, người đứng đầu Fox News, với mức lương chỉ còn 14,6 triệu USD.

Lương của các nhà điều hành hàng đầu khác cũng giảm. Robert A. Iger, người đứng đầu Disney, chỉ nhận được mức lương 21,6 triệu USD năm 2009, giảm 58% so với năm trước, và đối tác của ông tại Time Warner, Jeffrey L. Bewkes, thì chỉ nhận 19,4 triệu USD, "thất thu" 10%.

Một số nhà phân tích nói rằng thị trường thay đổi và sự bất ổn xung quanh vấn đề kinh doanh truyền thông thực tế có thể góp phần vào tạo nên những khoản lương lớn, làm các công ty thậm chí còn quyết tâm hơn trong việc giữ chân những người được coi là nhà điều hành tài năng.

Khi bạn có một ngành trải qua nhiều xáo động như vậy, nó ngày càng làm tăng áp lực lên lương vì rất nhiều người nhảy việc", Don Delves, chủ tịch tập đoàn Delves, công ty tư vấn lương tại Chicago nói. "Người ta tìm kiếm rất nhiều, họ nhảy việc và vì thế sẽ có người phải lo lắng sẽ mất đi những tài năng".

Ông nói thêm rằng, những khoản lương lớn là "một trong những khó khăn của cả mô hình kinh doanh".

Nguồn: The New York Times
Bản dịch: Đình Ngân/ Tuần Việt Nam

Điều gì tạo nên một giám đốc công nghệ thông tin giỏi?

Vietnam Green - Thế nào là một giám đốc công nghệ thông tin (Chief Information Officer – CIO) giỏi? Điều gì tạo nên một giám đốc công nghệ thông tin hoàn hảo? Câu trả lời tuỳ thuộc cách bạn xác định tính chất công việc của họ như thế nào.

Một bài báo mang tên “Công nghệ không tin không quan trọng” do Nicholas Carr, cựu chủ bút tờ Thời Báo Kinh Tế Harvard nổi tiếng, viết đã làm xôn xao dư luận. Và nếu bạn tin vào giả thiết của ông có thể bạn sẽ có một cách nhìn hoàn toàn khác về vai trò của giám đốc công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.

Theo ông Carr, công nghệ thông tin là ngành mới nhất trong số các ngành công nghệ mới đã và đang mang lại những đóng góp to lớn cho sự phát triển của các ngành công nghiệp trong suốt 2 thế kỷ qua. Cũng như các ngành khác, công nghệ thông tin đang nhanh chóng trở thành một yếu tố trong cơ sở hạ tầng ngành thương mại, mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược.

Tuy nhiên khi vai trò, lợi ích của công nghệ thông tin tăng, chi phí sẽ giảm và khi chúng được sử dụng khắp nơi trên thế giới thì ngẫu nhiên sẽ trở thành đầu vào của tất cả các loại hàng hoá. Từ một quan điểm chiến lược chúng trở nên vô hình và không còn là vấn đề đáng quan tâm nữa. Việc quản lý bộ phận công nghệ thông tin trong doanh nghiệp, do vậy, đang là một vấn đề đáng suy nghĩ.

Ông Carr cũng nhấn mạnh không nên sử dụng công nghệ thông tin như một vũ khí cho sự tăng trưởng vì như vậy là rất rủi ro. Bất kỳ một thành công nào đạt được từ sử dụng công nghệ thông tin sẽ nhanh chóng bị các đối thủ khác bắt chước và giành mất. Theo ông, các CIO nên là một người đi theo nhanh nhẹn chứ không nên là người dẫn đầu.

Tuy nhiên liệu một CIO hiện đại có thực sự chỉ nên là một người lẩn tránh rủi ro, một người theo sau nhanh nhẹn? Câu hỏi “Điều gì sẽ tạo nên một giám đốc công nghệ thông tin giỏi” đã được đưa ra và dưới đây là quan điểm thu được từ 3 nhà tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin cao cấp của Mỹ:

Theo ông Rich Brennen, Trưởng điều hành toàn cầu công ty Spencer Stuart, các CIO cần hiểu về doanh nghiệp mình, về lĩnh vực mình đang điều hành. Ngoài ra, các CIO cũng cần biết các kỹ năng quản lý, là người có uy tín, có khả năng thu hút những người tài giỏi, biết nhìn xa trông rộng cũng như cần có kỹ năng quan hệ phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Theo ông Tarun Inuganti, đối tác công ty Korn/Ferry International:

Một CIO lý tưởng là người có thể đóng vai trò cầu nối giữa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với công nghệ thông tin, người có thể cùng ban giám đốc đưa ra những giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp khai thác được đầy đủ các tiềm năm của mình nhờ công nghệ đồng thời không ngừng gắn kết những lợi thế của công nghệ tới toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Reynold Lewke, đối tác công ty Egon Zehnder, cho biết các CIO cần biết xây dựng chiến lược công nghệ thông tin - kinh doanh kết hợp, một chiến lược công nghệ có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời biết thuyết phục mọi người hiểu cần phải làm những gì để thực hiện được chiến lược đó.

Các kỹ năng cần thiết của CIO trong tương lai

Theo Brennen, các CIO cần học cách quản lý những áp lực về chi phí cũng như cải thiện và phát triển tính nhạy bén cho thế hệ kế cận.

Theo Inuganti, các CIO thế kỷ 21 sẽ đóng vai trò như một chuyên viên kinh doanh chiến lược, đảm nhiệm việc phát triển, kết nối, gây ảnh hưởng cũng như thực hiện và phân phối các giải pháp kinh doanh, phát triển các mối quan hệ hiện tại, thiết lập các mối quan hệ tiềm năng thông qua công nghệ thông tin.

Theo Lewke, các CIO hiện đại rất cần có tính nhạy cảm về sự khác biệt nền văn hoá bởi có như vậy CIO mới có thể điều hành tốt một tập thể làm việc đa quốc gia, đa chủng tộc trong xu thế kinh tế toàn cầu hoá hiện nay cũng như giúp xác định rõ những mặt hàng nào nên tung ra trên thị trường nào, rút ngắn thời gian đưa các sản phẩm mới ra thị trường.

Vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau về một CIO giỏi, tuy nhiên những quan điểm về một CIO biết né tránh rủi ro (risk-averse) hay một người theo sau nhanh nhẹn (fast-follower) của Nicholas Carr cũng rất đáng lưu tâm.

Nguồn: Tầm Nhìn

4 chìa khóa xây dựng thương hiệu dịch vụ đúng cách

Vietnam Green - Apple - “Khác biệt”, Volvo - “An Toàn”, và Fedex - “Tin cậy”, các thương hiệu này đã bỏ ra hàng triệu USD với mục đích kết nối thương hiệu của họ với những tính từ như trên. Những từ ngữ trên là kết quả cuối cùng của quá trình toàn diện các công ty sản xuất hàng tiêu dùng tạo nên, thương hiệu.

Thương hiệu có vai trò quan trọng tối cao đối với sản phẩm, nó tạo ra sự nhận biết thương hiệu, sự am hiểu về thương hiệu và kích thích sự mong muốn. Những thương hiệu có mức độ nhận biêt đầu tiên (top of mind) tạo ra những giá trị được khách hàng cảm nhận tốt hơn và có khả năng định một mức giá cao hơn.

Tuy nhiên, nhiều công ty dịch vụ lại chưa quan tâm tới xây dựng thương hiệu bởi vì họ cho rằng việc này chỉ dành cho các công ty sản xuất hàng tiêu dùng. Thương hiệu tạo ra sự yêu thích, sự nhận biết, khả năng định giá cao hơn… Tại sao các công ty cung cấp dịch vụ không thể tạo ra những lợi ích tương tự từ thương hiệu?

Có thể, khi thương hiệu dịch vụ được xây dựng theo đúng cách. Bạn cần chú ý tới 4 điểm khác biệt chính giữa xây dựng thương hiệu dịch vụ và xây dựng thương hiệu tiêu dùng.

1. Không sử dụng tiếp thị đại trà

Các thương hiệu hàng tiêu dùng sử dụng các chiến dịch quảng cáo đại trà nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng đại trà. Tuy nhiên, nhiều công ty dịch vụ, khi bắt đầu xây dựng thương hiệu, lại đi theo hướng đi của các nhãn hàng tiêu dùng là sử dụng quảng cáo đại trà. Đây là một sự lãng phí rất lớn.

Động lực triển khai thương hiệu dịch vụ cũng khác so với thương hiệu hàng tiêu dùng. Các thương hiệu dịch vụ cần phải đạt được sự nhất quán trong toàn bộ quá trình truyền tải các giải pháp giá trị.

Trong khi một đoạn quảng cáo trên truyền hình vào giờ vàng có thể mang lại hiệu quả cho thương hiệu hàng tiêu dùng, nhưng chúng sẽ không hiệu quả đối với thương hiệu dịch vụ. Chương trình marketing phù hợp với thương hiệu dịch vụ cần “giao tiếp” với khách hàng tiềm năng một cách thường xuyên với thông điệp nhất quán. Điều này sẽ tạo ra sự nhận biết và sự công nhận. Vì vậy khi bạn gọi điện thoại đề nghị hẹn gặp mặt khách hàng, họ sẽ sẵn sàng đồng ý.

2. Tập trung vào sự liên quan hơn là sự khác biệt

Sự khác biệt rất quan trọng đối với thương hiệu hàng tiêu dùng. Hầu hết các mô hình thương hiệu (hay các trường giảng dạy kinh doanh) đều tranh luận về tầm quan trọng của sự khác biệt. Nhưng việc các thương hiệu dịch vụ tạo ra được sự khác biệt là rất hiếm hoi. Nhiều thương hiệu dịch vụ cung cấp những dịch vụ giống như nhau, chính vì vậy, chúng ta rất khó để tạo được định vị khác biệt trên thị trường.

Thay vì cố gắng tạo ra sự khác biệt, hãy tập trung tạo ra sự liên quan, cụ thể là những sự liên quan có gắn liền với khách hàng. Một thương hiệu dịch vụ lý tưởng kết hợp nhu cầu, mong muốn, và kì vọng của khách hàng với tích cách và giá trị của thương hiệu.

Điều cốt yếu là bạn cần tạo ra điểm tiếp xúc giữa nhu cầu của khách hàng và bản chất của thương hiệu, một sự kết hợp hoàn hảo giữa đặc điểm lý tính và cảm tính dành cho cả 2 phía. Phương pháp này giúp tạo ra một thương hiệu không những tạo sự cộng hưởng với khách hàng bằng cách mang lại những giá trị quan trọng đối với họ, đồng thời giúp tạo ra một thương hiệu có tính xác thực, riêng biệt và có khả năng phòng vệ.

Bằng cách bám chặt vào hình ảnh bạn đại diện, truyền tải thông tin về khả năng hỗ trợ khách hàng, sư uy tín và tin cậy của thương hiệu, bạn mang lại cho chúng những tính cách riêng biệt. Hầu hết thương hiệu dịch vụ đều không có khả năng “bám chặt vào những điều đã đề ra”, nếu họ có thể, họ sẽ có chỗ đứng trên thị trường.

3. Quan tâm phát triển doanh thu, không phải thị phần

Các thương hiệu dịch vụ được cho là thành công khi chúng chiếm những vị trí dẫn đầu trong thị trường. Trái lại, đối với thương hiệu dịch vụ là sự gia tăng về doanh thu, không phải thị phần.

Thay vì quan tâm tới vị trí trên thị trường, hãy tập trung nỗ lực gia tăng doanh thu.

4. Mỗi nhân viên là đại sứ thương hiệu

Thương hiệu dịch vụ không thể tận dụng những lợi thế như trưng bày sản phẩm, sự cảm nhận và thử nghiệm sản phẩm của người tiêu dùng trước khi họ đưa ra quyết định mua hàng. Thay vì vậy, bộ mặt của thương hiệu dịch vụ chính là nhân viên. Do đó không nên đánh giá thấp quá trình xây dựng thương hiệu nội bộ.

Để tạo ra văn hóa mang tính công tác, hãy truyền tải thông điệp thương hiệu cho toàn thể nhân viên để mỗi người trở thành một đại sứ thương hiệu. Điều này giúp đảm bảo mỗi cuộc điện thoại, mỗi tương tác với khách hàng và mỗi cuộc giao tiếp đều truyền tải đúng giá trị thương hiệu.

Đừng tham vọng trở thành “Anh Cả”, nhưng hãy tạo ra một điểm chung cho toàn thể công ty, bởi vì “nói bằng một ngôn ngữ duy nhất” là một phần rất quan trọng đối với thương hiệu dịch vụ do họ có tương tác trực tiếp và một-đối-một với khách hàng.

Vậy điều này thực sự là gì?

Một chiến lược thương hiệu thành công là một tập hợp những hoạt động có định hướng theo khách hàng và chiến lược kinh doanh của công ty. Thương hiệu có thể tạo ra những giá trị hiện hữu cho các công ty kinh doanh dịch vụ. Vì thế hãy suy nghĩ một cách có chiến lược, săn tay áo và triển khai các kế hoạch thương hiệu nhằm tạo ra:
  • Vị trí vững chắc trên thị trường
  • Tăng sự nhận biết và am hiểu về thương hiệu
  • Xây dựng một môi trường văn hóa mang tính cộng tác
  • Đồng nhất và tích hợp các thông điệp
  • Gia tăng doanh thu
Thương hiệu hàng tiêu dùng chú trọng vị thế của mình trên thương trường và sự khác biệt, chúng sử dụng những tài liệu tiếp thị được thiết kế ấn tượng, website và các hoạt động quảng cáo nhằm tạo dựng thương hiệu và gia tăng thị phần. Nhưng đối với các thương hiệu dịch vụ, các mẫu tài liệu tiếp thị được thiết kế đẹp chỉ là công cụ hỗ trợ. Để tạo ra được những kết quả tương tự, các thương hiệu dịch vụ cần phải áp dụng một phương pháp tiếp cận hoàn toàn khác.

Vấn đề quan trọng là cần tạo ra một quy trình giúp gia tăng doanh thu về lâu dài. Hãy học theo cách làm của Apple, FedEx và Volvo. Hãy tiếp thu kiến thức về xây dựng thương hiệu, nhưng uyển chuyển trong việc áp dụng chúng phù hợp với nhu cầu của thương hiệu dịch vụ.

Tác giả: Robert Croston/ Business Knowhow
Người dịch: Phạm Vũ Hoàng Quân/ Marketingchienluoc

Truyền thông kỹ thuật số: Lợi thế cấp số nhân

Vietnam Green - "Lợi thế của thị trường truyền thông kỹ thuật số, internet đang ngày càng gây ảnh hưởng tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam". Bằng thực tiễn và kinh nghiệm, ông Thomas Crampton, Giám đốc Bộ phận 360 Digital Influence Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ogilvy Public Relations Worldwide, đã đưa ra những nhận định như vậy.

Truyền thông kỹ thuật số (Digital Influence) được xem là cách doanh nghiệp (DN) dùng ảnh hưởng từ mạng xã hội, diễn đàn cũng như những trang web có tính chất kết nối trên internet... để truyền thông điệp của mình đến mọi người. Đó có thể là thông tin về sản phẩm mới, về các chương trình bán hàng, ưu đãi...

Khắc phục được nhược điểm của các hình thức quảng cáo truyền thống là chỉ truyền thông điệp một chiều, truyền thông kỹ thuật số giúp DN tương tác chặt chẽ với người tiêu dùng dựa vào khả năng phản hồi, tương tác của các mạng xã hội. Đồng thời chi phí triển khai cũng thấp hơn hẳn.

Với lợi thế dân số trẻ, số lượng người sử dụng internet nhiều và bằng nhiều phương tiện như máy tính, điện thoại di động..., khoảng cách giữa đời sống thật và ảo tại Việt Nam là cực nhỏ. Đây là môi trường vô cùng thuận lợi cho truyền thông kỹ thuật số. Theo nghiên cứu của MTV thực hiện ở các nước châu Á, người trẻ ở khu vực này tìm được bạn thân trên mạng nhiều hơn ngoài đời và họ chính là đối tượng mua hàng nhiều nhất.

Tại Việt Nam, nếu theo dõi các mạng xã hội có thể thấy những thử nghiệm của DN trong lĩnh vực này. Ban đầu là nhãn hàng Comfort với ngôi nhà hương. Chỉ qua tranh luận của các khách hàng "tóc dài", sản phẩm này mới được nhiều người biết đến và còn tìm mua dùng thử để khỏi thắc mắc.
Theo ông Thomas Crampton, đối chiếu với tiếp thị trực tuyến (online marketing) có thể thấy, xây dựng một website hay microsite thu hút được người dùng thường xuyên truy cập, cũng như xây dựng được một cộng đồng đúng nghĩa trên trang ấy sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nhanh thì một năm, lâu thì khoảng ba đến năm năm.

Do vậy, trang web của một sự kiện nhanh chóng rơi vào ngõ cụt vì không có người truy cập, cộng đồng của trang web ấy cũng tan rã sau sự kiện. Truyền thông kỹ thuật số đã đi vào những trang xã hội như Facebook, YouTube, Twitter và mới nhất là Foursquare..., phương pháp này không mất kinh phí để đầu tư, vận hành trang web, nên nó đơn giản hơn tiếp thị trực tuyến nhiều.

Cái lợi của truyền thông kỹ thuật số đã thấy rõ, nhưng việc triển khai lại khá phức tạp. DN sẽ phải bỏ thời gian tìm hiểu mạng xã hội để tìm ra những người đang có ảnh hưởng (hot blogger), tiếp xúc và thuyết phục đối tượng này chịu tham gia cùng với mình. Thực chất, đây không phải là việc chọn đại sứ thương hiệu để đòi hỏi đối tượng đó phải phát ngôn về sản phẩm. Đã là người có ảnh hưởng trên mạng, tất nhiên họ cũng sẽ thận trọng trong các phát ngôn của mình.

Trong trường hợp họ đồng ý phát ngôn theo yêu cầu của DN, nếu không khéo léo rất dễ dẫn đến phản tác dụng. Do đó, DN chỉ cần đơn giản là mời và tạo điều kiện cho họ dùng thử sản phẩm, dịch vụ rồi để họ tự phát ngôn và đương nhiên họ cũng sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định.

Khi đã áp dụng phương pháp truyền thông này, điều cần thiết là phải tuân thủ các quy tắc: Lắng nghe xem cư dân mạng đang nói gì, đang bình luận vấn đề nào nhiều nhất. Lên kế hoạch cụ thể xem ai sẽ là người có thể dùng ảnh hưởng của họ truyền thông đến mọi người thông điệp của sản phẩm. Sau đó tiếp tục theo dõi diễn đàn để kịp thời đưa ra những thông tin phản hồi chính xác nhất.

Các tập đoàn đa quốc gia đã đi tiên phong trong khai thác truyền thông kỹ thuật số. Thế nhưng, theo quan điểm của nhiều chuyên gia quảng cáo, cơ hội lớn nhất trong phương pháp này lại là các DN nhỏ và vừa cùng với các sản phẩm có tính chất bản địa. Đơn cử như trang Facebook của một chiếc hambuger theo phong cách Úc có đến 78.000 người kết bạn.

Hẳn nhiên, đến ngày cửa hàng ra mắt sản phẩm, rất nhiều người đã xếp hàng để được thưởng thức chiếc bánh bình thường ấy dù trước đó cửa hàng buôn bán chẳng khấm khá gì. Thế mới thấy, sức mạnh của truyền thông kỹ thuật số có khả năng kích thích tiêu dùng đối với một sản phẩm bình thường, thậm chí là đã trở thành nhàm chán.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn