Thursday, March 04, 2010

Thân Trọng Phúc - CEO Intel Việt Nam

PROFILE - 10 lần nộp đơn xin việc – 10 lần thất bại. 20 năm sau là Tổng giám đốc công ty Intel tại Việt Nam. Người đó là Ông Thân Trọng Phúc – Tổng giám đốc Intel Việt Nam. Chuyện gì đã xảy ra trong 20 năm ấy? Làm thế nào để từ một người thất bại trở thành Tổng giám đốc? Tại sao Intel lại đầu tư vào Việt Nam?


“Chàng Lucky luck” Việt Nam đến Mỹ

“Ngày nhỏ tôi thích nhân vật Lucky luck, và trông dáng tôi cao gầy giống nhân vật này nên các bạn đặt cho tôi biệt danh là Lucky luck”. 16 tuổi cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ. Đến với quê hương của chàng cao bồi Mỹ, “chàng Lucky luck” Việt Nam đã sống như thế nào?…

“Tôi làm rất nhiều việc để kiếm tiền: tưới cây, trồng cây, dọn vệ sinh, làm thêm tại phòng thí nghiệm, quản lí kho hàng cho nhà trường. Những ngày này, dù làm rất nhiều nghề, cuộc sống vất vả nhưng tôi vẫn luôn mơ ước được làm việc tại các công ty công nghệ cao, ngành quản lí tiếp thị.”
Thử sức và thất bại

Nếu chàng Lucky Luck trong phim hoạt hình cưỡi lừa, hai tay hai súng, lang bạt khắp nơi đi tìm chân lí, thì “chàng Lucky luck” của chúng ta mà vác hồ sơ đi gõ cửa các công ty. “Tôi đã nộp đơn phỏng vấn tại công ty IBM 10 lần nhưng đều bị loại.”Buồn và thất vọng! Nhưng mỗi lần thất bại ông đều nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân thất bại”. Vậy nguyên nhân thất bại là gì?….

Bước chân vào Intel

Năm 1986, IBM là một công ty lớn và rất nổi còn Intel chỉ là công ty nhỏ mới lên. Sau hai lần phỏng vấn thất bại ông đã thành công ở lần thứ 3 và được nhận làm việc tại Intel.

Ý tưởng đầu tiên ông mang đến cho Intel là: bán chíp cho khách hàng kèm theo phần mềm ứng dụng chíp. Được khách hàng ủng hộ, thuyết phục được ban giám đốc, dự án được chấp nhận đầu tư. Nhưng cuối cùng dự án bị thất bại vì nhiều lí do…. Sau thất bại này ông đã rút ra bài học cho mình “Muốn thành công thì phải có sự giúp đỡ của nhiều người, một mình âm thầm thì khó mà thành công”.

10 năm và bước đột phá thứ 2

Sau thất bại ở dự án đầu tiên, ông Phúc không có thêm một bước tiến nào trong vòng 10 năm… Một sự thay đổi đã giúp cho “chàng Lucky luck” có bước nhảy dài trong sự nghiệp tại Intel… Sự thay đổi ấy đã giúp ông tiếp cận và làm việc cùng với những người đứng đầu Intel, cơ hội để thăng tiến và thành công. Đồng thời đây cũng chính là tiền đề cho việc ông trở về Việt Nam. Vậy sự thay đổi ấy là gì?..

“Lucky luck” trở về quê hương

“Tôi thích bài hát một cõi đi về của Trịnh Công Sơn”. Phải chăng đó chính là một bài hát có hàm chứa tâm sự và mong muốn của một người Việt xa quê!!

Ông tâm sự: “Từ lâu tôi đã mong muốn được trở về Việt Nam làm việc nhưng chưa có cơ hội”. Năm 2000, sau một bữa ăn tối đặc biệt ông đã có mặt tại Việt Nam. Vậy chuyện gì đã xảy ra? “Con gió” nào đã đưa ông từ Mỹ trở về Việt Nam? Lúc đó trụ sở của Intel đã có mặt tại Việt Nam được 3 năm. Trụ sở này chỉ có 6 nhân viên với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu thị trường. Một ý nghĩ đã nảy lên trong ông đó là “tại sao không lôi kéo Intel đầu tư vào Việt Nam?”

Intel vào Việt Nam

Ngày 2/8/2006, Tại Tp Hồ Chí Minh, Intel- Tập đoàn sản xuất chíp máy tính số một thế giới đã chính thức làm lễ đón nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và hoàn thiện chíp bán dẫn (ATM) tại khu công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý quan tâm không của cả thế giới. Hàng chục hãng thông tấn lớn trên thế giới như Reuters, Times, AP, AFP, Bloomberg…đã đến đưa tin về sự kiện này.

Sự kiện này đã đưa Việt Nam vào bản đồ Công nghệ thông tin của thế giới. Theo dự đoán, sau Intel sẽ có làn sóng đầu tư vào Công nghệ thông tin Việt Nam. Ông Phúc cho biết: “Việc đầu tư của Intel vào Việt Nam đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng CNTT trên thế giới. Dự án nhà máy của Intel đã gây sự chú ý mạnh mẽ và có những tác động cụ thể về chiến lược kinh doanh của các công ty CNTT đa quốc gia khác tại Việt Nam”

Vì sao Intel chọn Việt Nam? Ông Craig Barrett – chủ tịch Intel cho biết: “…Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi chọn Việt Nam vì ở đây hội đủ tất cả các yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư của chúng tôi.” Tuy nhiên để ông chủ của Intel thấy được Việt Nam “hội đủ tất cả các yếu tố thuận lợi” ấy trong 8 năm đặt trụ sở nghiên cứu thị trường lại là cả một câu chuyện dài… Trong câu chuyện ấy “chàng Lucky luck” của chúng ta đóng vai trò là một nhân vật chính…

Nguồn: NĐT

Wednesday, March 03, 2010

3 bí quyết thành tỷ phú

Không sợ thất bại, có cái nhìn tích cực và sở hữu một cuộc hôn nhân tốt đẹp là 3 bí quyết cơ bản dành cho những ai muốn trở nên giàu có.


Suốt 5 năm vừa rồi, Tập đoàn Tư vấn China Market Research Group (CMR) đã tìm hiểu bí quyết thành công bằng cách phỏng nhiều tài phiệt ngành bất động sản tại Trung Quốc, các tỷ phú trong ngành Internet ở Mỹ, nhà giàu Ấn Độ, thêm một số đại gia ngành bán lẻ tại châu Âu.

Hầu hết những tỷ phú được CMR phỏng vấn đều trải qua thời kỳ dài khó khăn, thiếu thốn. Một số người từng phải đi thuê nhà chứ không có tiền mua. Vài người khác dành nhiều năm làm việc trong garage sửa chữa ôtô hay làm hai ba công việc một lúc để kiếm tiền trang trải. Nay khi đã trở nên giàu có, họ tiết lộ những bí quyết khác nhau để có được thành công như sự may mắn, yếu tố thời gian. Tuy nhiên, CMR vẫn tìm ra được 3 bí quyết chung mà hầu hết tỷ phú đều có và đăng tải phát hiện của mình trên tạp chí Forbes.

Bí mật đầu tiên để trở nên giàu có là không bao giờ sợ thất bại. Hầu hết những người trả lời phỏng vấn cho biết khi giải quyết một vấn đề, họ có hai lựa chọn, một là đi theo con đường an toàn, bằng phẳng và con đường còn lại rủi ro hơn. Trong nhiều trường hợp, rủi ro là chất xúc tác cần thiết để đạt được thành công và tiền bạc.

Kể cả khi bị thất bại, đó cũng trở thành những bài học quý báu để họ đứng dậy mà làm lại. Trong tư duy của các tỷ phú, thất bại không thể làm mờ đi niềm đam mê làm giàu và lòng lạc quan về khả năng của bản thân.

Một giám đốc trong ngành Internet cho CMR biết ông từng có trong tay hơn 1 tỷ USD trong thời kỳ bùng nổ dotcom. Thời kỳ đó, ông sống cuộc sống của một tỷ phú đúng nghĩa như tiệc tùng với danh ca huyền thoại Elton John hay bay vòng quanh thế giới bằng chiếc Gulfstream của riêng mình. Tuy nhiên, khi làn sóng Internet bão hòa, ông lao đao mất một thời gian và gần như trắng tay. Thay vì để mặc sai lầm đánh gục mình, ông đã đứng dậy và quyết tâm làm lại lần nữa. Với vốn liếng là những sai lầm đã mắc phải, ông lập một công ty kỹ thuật khác. Cho đến nay, tuy tài sản vẫn chưa khôi phục về mức cũ nhưng ông cũng đã đạt được nhiều thành quả nhất định, với vài trăm triệu USD trong tay.

Bí quyết thứ hai để trở nên giàu có là nhìn vào thách thức một cách tích cực để tìm nguồn thu mới. Những tỷ phú CMR phỏng vấn đều nhìn một vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, và sau đó nhiều khi không giải quyết theo cách thông thường. Họ nhận ra một điều rằng không phải bao giờ cái đúng cũng thuộc về số đông.

Mấy chục năm trước, một vị lãnh đạo trong ngành dầu mỏ cảm thấy công dụng của các trạm xăng cần được nâng lên, thay vì chỉ là nơi để đổ xăng. Ông nhìn thấy lợi nhuận từ những trạm xăng này và cả việc phí phạm không gian ở thời kỳ đó. Giải pháp của ông là mở thêm các cửa hàng tiện lợi đi kèm. Khi khách hàng ghé vào đổ xăng, họ có thể tranh thủ đi mua thức ăn nhẹ hoặc đồ uống. Ban đầu, ý tưởng này bị các doanh nghiệp khác cười nhạo, cho rằng việc người ta mua xăng và cà phê cùng lúc là câu chuyện nực cười. Tuy nhiên, đến nay, ở Mỹ hầu như không có trạm xăng nào mà lại không có một cửa hàng tiện lợi kèm theo.

Một cuộc hôn nhân đẹp là bí mật thứ ba của giàu có. Hầu hết các tỷ phú, nhất là tỷ phú tự thân lập nghiệp, đều nói với CMR rằng có được một người bạn đời tốt là nhân tố quyết định đến thành công của họ. Làm lãnh đạo một tập đoàn, công ty lớn đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh. Sự căng thẳng, áp lực có thể đánh gục người đứng đầu bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu người bạn đời là nơi họ tìm thấy sự ủng hộ, chia sẻ thì những khó khăn đấy trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, người bạn đời cần tin tưởng vào vợ hoặc chồng của mình khi họ đang trên đường chinh phục những thách thức mới.

VicBrand tổng hợp từ VnExpress

Tuesday, March 02, 2010

CEO có nên "nghĩ gì nói nấy"?

Một cổ đông chất vấn tôi rằng, liệu những suy nghĩ của tôi có tác động thế nào đến công ty tôi đang điều hành. Tôi nhận ra rằng đó không phải là mối bận tâm của riêng cá nhân này.


Hầu như mọi phát ngôn của người giữ vị trí lãnh đạo thường bị chỉ trích chỉ vì phát ngôn tự do. Thực chất, người ta đang có những cuộc tranh luận tích cực về những gì một nhà lãnh đạo ở mọi lĩnh vực từ chính trị, giáo dục cho tới quản lý nên phát ngôn ra ngoài công chúng.

Thông thường, người ta cho rằng, các nhà lãnh đạo đều phải cân nhắc kỹ lưỡng liệu điều mình nói sẽ tác động ra sao đến công ty mà họ đại diện. Các nhà đầu tư và khách hàng kỳ vọng mọi thông điệp từ một công ty phải luôn nhất quán, có khả năng dự đoán và đáng tin cậy nhưng nếu vậy, những lời phát ngôn đó không thể đạt đến độ minh bạch và cởi mở.

Và đó liệu có phải là vấn đề cố hữu mà các tập đoàn lớn như Enron, Worldcom và hàng nghìn công ty khác đã và đang mắc phải khi luôn cố ngụy tạo ra một viễn cảnh hào nhoáng, không chân thực về công ty của mình? Vậy nên chăng chúng ta hãy bắt đầu làm quen với những phát ngôn trung thực, cởi mở và ít chịu tác động của thủ thuật quan hệ công chúng?

Quả thực, tôi không dám chắc về điều này. Sự thực là, vài tuần trước, tôi vừa mới từ chức chủ tịch của một công ty đại chúng trước khi xuất bản cuốn sách của mình. Đây hoàn toàn là việc làm có chủ đích. Tôi nghĩ tốt hơn hết mình không nên xuất bản cuốn sách này khi còn đang đương chức. Dù tốt hay xấu, tôi không muốn cuốn sách của mình sẽ ảnh hưởng đến quyết định của cổ đông trong việc mua cổ phiếu của những công ty mình đang lãnh đạo - dẫu gì mọi việc tôi làm đều phải vì lợi ích của công ty.

Thế nhưng, khi đọc những dòng bình luận về bài viết cuối cùng của mình, tôi bắt đầu có cách nghĩ khác. Chúng ta vẫn luôn đề cao phương pháp lãnh đạo cá nhân. Tầm nhìn, định hướng và khả năng làm người đứng đầu đều tập trung ở duy nhất một người. Báo chí tung hô, đám đông tin rằng CEO là một người hùng. Bởi đánh giá sai nên người ta dễ đi lầm đường và như vậy mặt trái của lòng hâm mộ này quả tai hại khôn lường.

Các nhà lãnh đạo của chúng ta đã trở nên quyền lực hơn và cũng đã biết sử dụng sức ảnh hưởng của mình một cách tự do hơn. Điều này có nghĩa những suy nghĩ, quan điểm, những bất bình, những vấp ngã của họ đều chi phối sâu sắc đến công việc lãnh đạo thường ngày của họ. Tất cả những gì diễn ra bên lề cuộc sống của một nhà lãnh đạo ít nhiều đều tác động đến cách họ điều hành công việc và chúng ta phải chấp nhận một sự thực là không gì có thể tách rời những yếu tố thuộc về cuộc sống riêng, rất đời thường của một nhà lãnh đạo ra khỏi công việc của anh ta.

Tôi ngưỡng mộ những nhà lãnh đạo có khả năng nói ra những gì mình nghĩ, bày tỏ quan điểm và cảm xúc không chút e dè. Chắc chắn, chúng ta không cần phải tán thưởng một lãnh đạo chân thực theo kiểu thề thốt suốt cuộc họp với cổ đông hay bởi anh ta bộc lộ thói đàn bà, thú vui say xỉn của mình. Nhưng chúng ta cần ngưỡng mộ những nhà lãnh đạo đã có thể gìn giữ được niềm tin và bản chất cốt lõi của mình và chúng ta cũng cần cổ vũ để họ hãy luôn cởi mở và trung thực với chính mình.

Chúng ta đã tìm ra một phương pháp lãnh đạo khác mà theo cách gọi của một vị giáo sư là "một ý tưởng vừa tuyệt vời vừa điên khùng". Điểm tốt của ý tưởng này ở sự giản dị, tao nhã và chính xác. Nhưng tệ là, ý tưởng này sẽ không trở thành hiện thực nếu chúng ta không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh hay nói đúng hơn là thói chuộng thần tượng và biểu tượng. Theo tôi, chúng ta nên đánh giá lại việc mình vẫn làm bấy lâu nay là luôn chú trọng vào vai trò lãnh đạo mang tính cá nhân đã đúng đắn chưa, đồng thời cân nhắc những lợi ích của nhóm và mô hình làm việc theo nhóm.

VicBrand tổng hợp
Bài viết của Jeff Stibel trên Harvard Business Publishing.
Người dịch: Như Nguyệt/ VNN

Quảng cáo tiềm thức: Những âm thanh khó cưỡng

83% các loại hình quảng cáo hiện tại chủ yếu tác động đến thị giác. Tuy nhiên, thính giác cũng có thể mang lại hiệu quả không kém. Những âm thanh gần gũi của cuộc sống có thể tạo ra sức cuốn hút khó cưỡng.


Phần lớn người tiêu dùng đều tin rằng họ sẽ không bao giờ bị đánh lừa bởi các chiêu thức quảng cáo. Tại sao ư?

Họ bỏ qua những trang quảng cáo trên các tạp chí, không bao giờ nhấp vào một đường link quảng cáo trên mạng, và nếu ti vi đang chiếu các chương trình quảng cáo, họ sẽ bỏ ra ngoài.

Tuy nhiên, Martin Lindstrom – tác giả của cuốn sách bestseller Buyology (Tạm dịch: Tại sao chúng ta mua hàng) và là nhà tư vấn tiếp thị cho các công ty trong danh sách Forturn 500, bao gồm cả PepsiCo và Disney – lại tin vào điều ngược lại.

Ông cho rằng, tránh khỏi sức ảnh hưởng của quảng cáo còn khó khăn hơn cả việc bị cuốn hút bởi nó rất nhiều. Thực tế cũng đã chứng minh như vậy.

Các quảng cáo rõ ràng có tác động đến tâm lý của người tiêu dùng. Chẳng thế mà trong năm qua công ty quảng cáo Madison Evenue vẫn thu về 34 triệu đô la mặc cho sự khó khăn của nền kinh tế nói chung.

Âm thanh bình dị khó cưỡng

Martin Lindstrom tham gia nhóm nghiên cứu tiếp thị thần kinh học. Người ta thực hiện các thí nghiệm trong đó những người tình nguyện được tiếp xúc với rất nhiều quảng cáo khác nhau.
Họ được kết nối với các thiết bị theo dõi các dấu hiệu của cảm xúc bao gồm hoạt động của não bộ, độ co giãn của đồng tử, phản ứng mồ hôi và biểu hiện cơ mặt. Các nghiên cứu đã khẳng định 83% các loại hình quảng cáo hiện tại chủ yếu tác động đến một giác quan duy nhất của con người, đó là thị giác.

Tuy nhiên, thính giác cũng có thể mang lại hiệu quả không kém. Chỉ có điều, cho đến nay các nhà quảng cáo vẫn chưa khai thác được hết sức mạnh của nó.

Từ trước tới nay, các quảng cáo chỉ dùng các giai điệu lặp đi lặp lại hoặc các câu khẩu hiệu để tác động lên thính giác của người nghe.

Những âm thanh hàng ngày của cuộc sống như tiếng xèo xèo của thịt nướng trên vỉ, tiếng ríu rít của con trẻ nô đùa ... ít được sử dụng.

Tuy nhiên, những âm thanh bình dị đó lại có sức cuốn hút khó có thể cưỡng lại được. Nếu bạn biết kết hợp những thanh âm đó vào một chiến dịch quảng cáo thì có thể sẽ đạt được kết quả không ngờ.

Thông điệp tiềm thức

Để tìm ra những âm thanh thu hút người nghe nhiều nhất, Lindstrom đã tập hợp những người tình nguyện lại, bật cho họ nghe một loạt các băng ghi âm sinh hoạt trong gia đình.

Từ giai điệu “I’m Lovin’ It“ rất thịnh hành của McDonald cho đến tiếng chim hót hay tiếng bật lửa hút thuốc. Kết quả là, âm thanh được nhiều người yêu thích nhất và để lại nhiều cảm xúc tích cực nhất chính là tiếng cười khúc khích của trẻ con.

Xếp các thứ hạng về sau là những âm thanh không phổ biến bằng nhưng cũng có sức lay động rất lớn. Đứng thứ hai trong danh sách của Lindstrom là tiếng ù ù của điện thoại rung.

Tiếp sau là tiếng xoẹt xoẹt đẩy tiền ra từ máy ATM, tiếng xèo xèo của thịt nướng trên xiên và tiếng mở và rót nước ngọt.

Trong tất cả những trường hợp kể trên, người ta không cần đến một người đặc biệt để tạo ra những âm thanh, truyền cho nó một thông điệp và phát đi phát lại cho đến khi mọi người đã nhàm tai.

Thay vào đó, những âm thanh này tự nó đã mang nhiều ý nghĩa và gây ra những cảm giác rất thân thuộc của con người như đói, khát, hạnh phúc, mong chờ.

Read Montague – nhà khoa học về thần kinh của Trường đại học Dược Baylor đã phát biểu: "Những thông điệp tiềm thức có thể tác động mạnh mẽ nhất đến tinh thần và điều khiển hành vi của bạn chính là những thông điệp gần gũi nhất với bạn.”

Nếu như các nhà quảng cáo không hiểu được điều này, họ sẽ phải trả giá. Chính Lindstrom cũng thừa nhận ông cảm thấy khó hiểu khi xem một quảng cáo trên ti vi, trong đó, hình ảnh những miếng thịt đang nướng trên vỉ lại đi kèm với âm thanh ghita chói tai.
Một trong số những nghiên cứu trước đây của ông về não bộ đã chứng tỏ rằng khi một việc không thống nhất như thế xảy ra thì rất nhiều vùng trên não, bao gồm thùy nhỏ và vỏ não đều tập trung hoạt động để tìm hiểu về nó.

Không chỉ ngành quảng cáo truyền hình có thể tận dụng âm thanh tốt hơn trong các chương trình của họ. Các nhà bán lẻ cũng đang khai thác rất tốt thế mạnh của âm thanh.

Cửa hàng 0101 ở Nhật đã tạo ra một loạt các các hiệu ứng âm thanh như tiếng trẻ con chơi đùa, tiếng chim hót, tiếng nước chảy và sử dụng lần lượt tại các gian hàng quần áo thể thao, nước hoa và quần áo công sở.

Lindstrom cũng đang tư vấn cho các khách hàng của ông để áp dụng một chiến lược tương tự tại các siêu thị ở Châu Âu.

Tiếng lọc cà phê, tiếng xì xì khi rót nước ngọt có ga được phát ở các quấy ăn uống, và tiếng bi bô của trẻ em được phát tại gian hàng thức ăn cho trẻ.

Phản tác dụng

Tất cả những điều này không có nghĩa là các nhà quảng cáo chỉ cần dùng âm thanh thì người tiêu dùng sẽ đổ xô đi mua hàng. Trên thực tế, có những âm thanh còn có thể khiến cho khách hàng xa lánh sản phẩm.

Trong những năm đầu khi điện thoại di động mới được đưa vào sử dụng, có tới 42% dân số ở Anh có thể nhận biết được tiếng chuông của Nokia, chẳng bao lâu sau âm thanh này bị rất nhiều người ghét bỏ.

Theo Lindstrom, một phần lý do của việc này là nhiều người không tắt điện thoại trong các rạp chiếu phim và âm thanh phiền toái này thường réo lên khi những bộ phim đang đến hồi gay cấn.
Âm thanh khởi động máy của Microsoft cũng lâm vào tình trạng bị ghét bỏ tương tự do mọi người thường phải nghe nó mỗi khi họ khởi động lại máy do chương trình bị lỗi.

Trong những trường hợp này, các nhà sản xuất phải xem xét thay đổi một phần hoặc thay đổi hoàn toàn các âm thanh trên.

Lịch sử đã chứng minh các nhà tiếp thị sẽ ngày càng nghĩ ra các chiêu thức phức tạp và ồn ào hơn để cuốn hút người dùng.

Cơn bão các âm thanh thương mại sẽ còn hội tụ hơn nữa. Ngay cả khi đó, người ta vẫn có hy vọng để cải thiện. Nghiên cứu của Lindstrom cho thấy các âm thanh nhẹ, tinh tế và gợi tả tạo ra phản ứng tốt hơn ở người nghe.

Thế nên, nếu như không còn cách nào khác thì ít nhất là các nhà tiếp thị cũng không nên sử dụng những âm thanh quá ồn ào.

Nguồn bài viết: Time.com
Người dịch: Vân Anh/ VNN