Saturday, January 23, 2010

Thiên tài kinh doanh đích thực không tỏ vẻ biết tuốt

Là người chịu trách nhiệm không có nghĩa bạn phải có tất cả các câu trả lời. Những thiên tài kinh doanh thật sự không làm ra vẻ họ biết mọi thứ.


Sau khi xem xét tính cách của các thiên tài kinh doanh như Bill Gates, Steve Jobs, Lou Gerstner, và Jack Welch, tạp chí Economist khái quát được hình ảnh về các nhân vật thế lực như sau: "Những đại sứ kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp là những nhân vật quan trọng, những người có thể thay đổi thế giới và cảm thấy không cần xin lỗi cho những hành động và khuynh hướng của họ".

Đây có thể là lập luận hay và đáng đọc. Nhưng cũng có thể là một sự lựa chọn sai và không đáng đọc. Có một điều, khi nhắc tới những CEO lớn, tôi gọi tên ra những kẻ vô dụng và thất bại y như có thể gọi tên các thiên tài và những người thay đổi thế giới. Có một lí do Bethany McLean và Peter Elkind đặt tên cho "cuốn sách bán chạy nhất của họ" theo tên thảm hoạ Enron: Những người khôn ngoan nhất trong hội đồng quản trị, và điều này ngoại trừ tội lỗi mà những người điều hành không tốt đã gây ra.

Cụm từ quen thuộc đó cũng thể hiện suy nghĩ của đa phần chúng ta về sự mong đợi vào những gì mà thậm chí các nhà lãnh đạo trung thực nhất thực hiện - giả định rằng những người "chịu trách nhiệm" sẽ có câu trả lời cho mọi câu hỏi. Ở những thời kỳ không phức tạp, một lãnh đạo với niềm tin cá nhân mãnh liệt, cảm giác chắc chắn về điều mình làm có thể sở hữu tấm vé thành công. Ngày nay điều đó lại là một dấu hiệu cảnh báo sự thất bại, có thể đến từ cách xét đoán tồi tệ, tinh thần thấp kém trong số các đồng nghiệp đã bị vỡ mộng, hoặc là sự thiêu rụi hoàn toàn đến từ những áp lực luôn muốn chiếm hữu quyền lực.

Đây không phải một trường hợp đặc biệt (nó chỉ là một lựa chọn sai lầm) của những mục tiêu thấp kém và sự ngốc nghếch. Những nhà quản lý giỏi nhất mà tôi từng gặp hiểu rằng có một sự khác biệt lớn giữa những mục tiêu mang tính tiến bộ, khích thích và quan trọng - những tham vọng thay đổi cuộc chơi - với giả định rằng bạn biết cách tốt nhất để đạt được những mục tiêu này. Chắc chắn rằng những nhà lãnh đạo vĩ đại sẽ đấu tranh cho những ý tưởng mới và những quan điểm đột phá - họ có tầm nhìn xa. Tuy nhiên điều này không có nghĩa họ biết trước tương lai mình.

Bạn là người chịu trách nhiệm không có nghĩa bạn phải có tất cả các câu trả lời. Những thiên tài kinh doanh thật sự không làm ra vẻ họ biết mọi thứ.

Chắc chắn, dễ hiểu hơn khi phân chia các nhà lãnh đạo thành các nhóm: những lãnh đạo ưa mạo hiểm với những lãnh đạo quan liêu, những lãnh đạo tham vọng với những lãnh đạo khiêm nhường. Tạp chí Fortune đã đặt cho Steve Jobs danh hiệu "CEO của thập kỷ" - trong khi thật khó tranh cãi với sự lựa chọn này, và càng khó hơn để mô phỏng tài năng của ông.

Vấn đề của việc công bố phẩm chất của một nhóm các thiên tài như Steve Jobs là họ chỉ là một trong số đó. Theo bản ghi nhớ của tạp chí Economist: Thật là một ý kiến không hay khi khuyến khích các CEO tranh đua với những lãnh đạo đã thành công, bởi lẽ điều này gần như chân lý: sự thành công không thể sao chép.

Keith Sawyer, một cố vấn viên có óc sáng tạo hàng đầu tại Đại học Washington ở St Louis, tác giả cuốn sách viết về chủ đề những ý tưởng hay đến từ đâu. Trong "phân nhóm các thiên tài" ông đã giảng giải cách một số lãnh đạo chuẩn bị để nhận ra sự thật hỗn độn và khó-kiểm-soát của logic thực tế về thành công trong kinh doanh.

Đa phần các nhà quản lý đều tán thành điều mà Sawyer gọi là "suy nghĩ nguyên bản" - "khuynh hướng suy nghĩ rằng các sự kiện dễ dự đoán hơn thực tế". Ông nói: "Sự đổi mới bắt nguồn từ bản chất sự việc, không thể dự đoán, đổi mới chỉ xuất hiện sau khi mọi người nhận thấy những gì đang xảy ra. Nghịch lý ở đây là: sự đổi mới không thể được lập kế hoạch trước, cũng không thể đoán trước; nó phải được phép xuất hiện".

Harriet Rubin, một trong những nhà cải cách vĩ đại trong lĩnh vực kinh doanh - xuất bản sách, một tác giả toàn tài trong lĩnh vực của chính mình, đã sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt một điều tương tự về sự lãnh đạo và sự đổi mới. Cô nhắc nhở những nhà quản lý những người có tham vọng tạo dấu ấn của riêng mình trên thế giới: "Tự do thực sự là một trò chơi lớn hơn trò chơi quyền lực. Quyền lực là cái bạn có thể kiểm soát. Tự do là cái bạn có thể theo đuổi".

Những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất không còn muốn giải quyết những vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp hay xác định cơ hội tốt nhất mà doanh nghiệp mang lại cho bản thân họ. Thay vào đó, họ nhận ra rằng những ý tưởng xuất chúng đều đến từ những nơi bất ngờ nhất: Những thiên tài trầm lặng thường ẩn mình sâu trong tổ chức, bao quanh tổ chức lại là những thiên tài tập thể, lại có những thiên tài ẩn mình của khách hàng, nhà cung cấp, và một số vị trí khác. Họ là những người sẽ khao khát muốn chia sẻ điều mình biết chỉ khi được hỏi. Đối với các công ty, những CEO nắm giữ quyền tối cao, những người thông minh nhất (và cứng rắn nhất) là khởi nguồn của sự vĩ đại.

VicBrand tổng hợp từ bài viết của William C. Taylor
Harvard Business Publishing
Người dịch: Hoàng Thu Thủy

Friday, January 22, 2010

Mối quan hệ giữa franchisor và franchisee

Chúng ta từng nghe mọi người so sánh mối quan hệ giữa franchisor và franchisee là sự kết hợp giữa hai người yêu nhau với và tiến tới hôn nhân.

Họ cũng cho rằng “tuần trăng mật” ngọt ngào nhất là lúc franchisor và franchisee cùng kinh doanh với mục tiêu chung. Nhưng nghĩ lại thì mối quan hệ này không giống như 1 cuộc hôn nhân.


Hôn nhân, nói đúng hơn trong kinh doanh là các doanh nghiệp liên doanh, họ là đối tác của nhau. Thật vậy, trong cuộc sống gia đình, vợ chồng chia nhau làm nhiều công việc, có người rửa chén, có người lo tiền bạc thông qua phân công lao động. Doanh nghiệp liên doanh cũng vậy, thông qua đàm phán và thương lượng, họ cũng có những trách nhiệm cụ thể.

Không giống như liên doanh, mối quan hệ của franchisor và franchisee giống như cha-con. Người mua franchise được ví như người con sẽ trải qua nhiều nấc thang cuộc đời. Khi họ mới gia nhập, họ nhận được sự huấn luyện từ người bán, khi họ đủ năng lực thì sẽ giảm dần phụ thuộc vào người cha, họ được phép tự chủ kinh doanh trên sân bóng của mình.

Khi họ trưởng thành, họ sẽ làm việc độc lập với các nhà cung cấp, đối tác, khách hàng, tạo uy tín và đôi khi vi phạm những quy định ràng buộc ban đầu. Nhưng cuối cùng họ vẫn sống trong 1 căn nhà với người cha.

Một người cha tốt là một người như thế nào?

Khi tôi còn nhỏ, tôi đã từng ganh tỵ với nhà 1 người hàng xóm. Ba mẹ của Mike rất ít khi ở nhà. Và khi họ trở về, họ cho phép Mike được làm bất cứ cái gì anh ấy muốn. Năm 15 tuổi, tôi lén qua nhà Mike chơi, tôi được tự do uống bia và hút thuốc. Tôi nghĩ rằng ba mẹ của Mike là những người tốt nhất trên đời. Nhưng khi mẹ tôi phát hiện, bà đã phạt tôi 1 tháng không được ra ngoài.

Trước khi tôi chịu cái “án” treo của mẹ, Mike đã phải nếm trải mùi vị ở trung tâm giáo dục trẻ dưới tuổi vị thành niên. Tôi bắt đầu hiểu ra, để trở thành 1 bậc phụ huynh tốt, thỉnh thoảng, không đồng nhất với 1 người bạn tốt.

Cũng vậy, một franchisor tốt phải thiết lập khoảng cách với franchisee. Franchisee phải nhận thức được nhiệm vụ quan trọng nhất của anh ta là phải bảo vệ và phát triển thương hiệu chung. Do đó một trong những nghĩa vụ quan trọng của franchisor là tuân thủ và chấp hành đúng kỷ luật. Để làm được điều này, đầu tiên, franchisor phải tiếp xúc và hướng cho franchisee vào khuôn khổ của quy định.

Thứ hai, franchisee cũng là một doanh nghiệp, do đó hãy làm việc với họ bằng 1 thái độ tôn trọng. Bạn không thể nói rằng: “Đây là cách làm thành công của tôi” và yêu cầu họ làm theo như vậy. Ít nhất bạn phải giải thích rõ ràng với họ vì sao nên làm như thế. Hầu hết franchisee nào cũng muốn ý kiến của mình được chấp nhận.

Vì vậy, một franchisor chuyên nghiệp phải biết lắng nghe, và trong trường hợp thuyết phục họ làm theo những chỉ dẫn của mình, hãy giải thích vì sao họ nên làm như vậy để mang lại lợi ích chung cho thương hiệu.

Giao tiếp hiệu quả chính là chìa khóa thành công

Chìa khóa thành công của 1 franchisor giỏi là kỹ năng giao tiếp và thuyết phục. Kỹ năng này quan trọng hơn một tờ nhắc nhở, một thông tin nội bộ, hay nhờ 1 người đại diện truyền đạt lại.

Trong xã hội hiện nay, người ta đã lạm dụng internet để giao tiếp. Nhưng đối với nhượng quyền kinh doanh, đó là 1 lỗi lớn. Thông thường, bạn nên gửi 1 email đầy đủ thông tin chi tiết để giải thích cho người mua franchise khi họ hiểu sai 1 vấn đề nào đó.

Tạo lập các mối quan hệ thông qua đối thoại trực tiếp. Vì thế bạn hãy tạo điều kiện và khuyến khích họ góp ý trong mọi lĩnh vực. Một franchisor tài ba là người biết chọn địa điểm để 2 bên gặp gỡ và trao đổi. Những cuộc họp hàng tháng, những chương trình quảng cáo… mang tính nhất cữ lưỡng tiện sẽ làm cho 2 bên hiểu và hợp tác với nhau lâu dài hơn.

Thiết lập 1 hội đồng cho những franchisee là một công tác quản lý tốt. Bạn vừa có thể kiểm soát lịch làm việc, vừa có tiếng nói trong hội đồng. Mục đích cuối cùng của bạn là đảm bảo các franchisee thực hiện tốt quy định ngay cả khi không có bạn.

Vì vậy hội đồng có thể thay bạn kiểm soát các thành viên, đồng thời nếu có sai phạm xảy ra, hội đồng sẽ thống nhất ý kiến các thành viên để có cách khắc phục tốt nhất.Tin cậy đối tác luôn là 1 yếu tố đi đầu trong kinh doanh. Có những điều bạn không thể chia sẽ với họ, vậy hãy tin tưởng vào họ, cởi mở và trung thực. Hãy nhớ rằng: “Một lần thất tín, vạn lần thất tin”.

Cuối cùng, thực sự quan tâm đến thành công của họ. Để tạo mối quan hệ tốt giữa franchisor và franchisee thì franchisor phải thừa nhận và khen ngợi thành quả của franchisee bởi vì cuối cùng những kết quả mà họ đạt được sẽ nâng cao giá trị thương hiệu của franchisor.

VicBrand tổng hợp từ Doanh Nhân

Thursday, January 21, 2010

Vì sao thông điệp marketing gây khó chịu?

Có thể bạn soạn được bản marketing có tính hùng biện nhất trên thế giới, nhưng không có nghĩa là khách hàng sẽ luôn luôn hồi âm bạn.

Nếu có nhiều bước giúp bạn thảo một văn bản marketing thật hiệu quả thì cũng có nhiều lý do khiến ngôn ngữ quảng cáo ấy trở thành vô hiệu.


10 lý do sau giải thích tại sao bản marketing lại gây khó chịu cho khách hàng.

Kiêu căng ngạo mạn

Nếu bản marketing dành phần lớn để nói về bạn thì sẽ không chạm được đến khách hàng. Thay vào đó, hãy làm sao để bản tiếp thị tập trung vào khách hàng mục tiêu. Vai trò của bạn chỉ đơn giản là giúp khách hàng, bằng cách này hay cách khác.

Trong văn bản tiếp thị, nhu cầu và ý muốn khách hàng mới là chính. Hãy cho thấy bạn hữu ích đối với họ ra sao thay vì nêu lên những lý do khiến bạn tin rằng mình rất xuất sắc.

Huyênh hoang tự đắc

Đã qua rồi thời của những bản văn độc đoán với ngôn ngữ bán hàng khó chịu. Khách hàng sẽ đọc thấy ý đồ kinh doanh của bạn ngay. Nếu tiếp thị mà nghe như tự quảng cáo trên TV thì độ đáng tin của thông điệp sẽ giảm xuống. Hãy suy nghĩ kỹ về khách hàng, sản phẩm và mục tiêu trước khi viện đến những thông điệp bán hàng khó chịu.

Dài dòng

Hãy ngắn gọn thôi, vì khách hàng rất bận. Họ bị tấn công dồn dập bởi vô số thông tin mỗi ngày. Hẳn bạn không muốn thông điệp của mình bị mất hút trong số đông, hay khách hàng sẽ mất hứng thú trước khi kịp hiểu thông điệp của bạn. Vì vậy, hãy thật cô đọng và gọn lẹ.

Buồn tẻ

Ngôn ngữ quảng cáo buồn tẻ cũng là cách để bạn bị lãng quên nhanh chóng trong mớ hỗn độn ồn ào khách hàng nghe và thấy hàng ngày. Văn bản marketing phải tạo ra động lực và thôi thúc khách hàng mua sắm. Đừng thụ động. Hãy chủ động tiếp cận khách hàng bằng những thông điệp đúng lúc, thích hợp và cấp bách.

Không đáng tin

Đừng nói chuyện viển vông trên trời, vì khách hàng sẽ nhận ra và loại trừ chúng ngay. Chìa khóa thành công nằm ở sự ngay thẳng, dễ hiểu và chân thật. Khách hàng tìm kiếm những thông điệp đặt nền trên sự thật.

Không nói điều người khác không muốn nghe

Hãy lắng nghe trước khi đối thoại, và nghiên cứu để biết điều khách hàng muốn nghe từ bạn là gì. Đừng chỉ nói chuyện suông, hãy tỏ ra thấu hiểu khách hàng, cho họ thấy bạn có khả năng đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ. Hãy chọn lựa thông điệp sao cho phù hợp với đối tượng khách hàng.

Tiếp thị không đúng chỗ

Chẳng ích gì nếu khách hàng không nhìn thấy hay đọc được thông điệp của bạn. Hãy tìm hiểu và loan tin ở những nơi khách hàng dễ thấy nhất.

Cầm đèn chạy trước ôtô

Đừng nhào vào viết bản marketing trước khi tìm hiểu. Hãy nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu khách hàng hiện tại lẫn tương lai để hiểu biết đầy đủ về thị trường. Cần phải hiểu thế giới xung quanh trước khi gửi thông điệp đến thế giới ấy.

Dùng một phương tiện

Loan truyền thông điệp qua một phương tiện thì chưa đủ. Những doanh nghiệp thành công đều có kế hoạch tiếp thị trên nhiều phương tiện truyền thông, cả online và offline, để tạo ra thông điệp marketing chặt chẽ, bền bỉ và nhất quán.

Khó hiểu

Phải viết bản marketing bằng ngôn ngữ khách hàng dễ sử dụng để hồi âm nhất. Loại bỏ mọi biệt ngữ hoặc những từ gây ấn tượng nhưng khó hiểu, và dùng phong cách, giọng điệu phù hợp với đối tượng khách hàng

Cuối cùng, hãy xem kỹ lại bản marketing để chắc rằng bạn không mắc phải sai lầm nào trong số trên. Một sai lầm thôi cũng đủ biến công sức đầu tư của bạn thành công dã tràng.

VicBrand tổng hợp từ Doanh nhân Sài Gòn