Friday, February 05, 2010

Tiếp thị trong kỷ nguyên số

Với sự phát triển của internet, con người đang bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên số. Cùng với đó, sự thay đổi của người tiêu dùng cũng đang từng bước chi phối và làm thay đổi cách thức tiếp thị của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Người tiêu dùng và “văn hoá clicking”

Ngày nay, trong thời đại bùng nổ của internet, các phương tiện tương tác trực tuyến: các mạng xã hội, các trang web, diễn đàn… cũng phát triển rầm rộ. Điều này đang tác động mạnh mẽ đến cộng đồng người tiêu dùng. Đang hình thành một “văn hoá clicking” – theo cách gọi của bà Faith Popcorn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty tư vấn tiếp thị Faith Popcorn Brain Reserve – trong một cộng đồng rộng lớn.

Tính đến hiện tại, có tới khoảng 50 kênh tương tác chủ đạo vây quanh người tiêu dùng trong đời sống kỹ thuật số. Các “thượng đế” gần như chỉ cần một động tác nhấp chuột (click) trên máy tính là có được những thông tin, dịch vụ cần tìm. Bản chất của vấn đề này, theo bà Popcorn, là do người tiêu dùng ngày càng có xu hướng muốn ngồi một chỗ nhưng có được mọi thứ. Họ thích cảm giác được soi rọi mọi thứ trên màn hình máy tính, thích được che chở như ở trong một cái kén, an toàn, ấm cúng nhưng vẫn thể hiện được cái tôi của mình trong thế giới ảo nhờ sức mạnh công nghệ của kỷ nguyên số. Vì thế các trang web, blog, chat và vô số các công nghệ trực tuyến không dây khác đã và sẽ giúp người tiêu dùng dù ngồi tại nhà vẫn có thể làm được rất nhiều việc như: mua sắm, gặp gỡ bạn bè, trò chuyện, tư vấn, tìm kiếm thông tin, nghe nhạc, giải trí, học tập.

Thời của tiếp thị tương tác


Cùng với sự thay đổi của người tiêu dùng, các phương tiện và cách thức tiếp thị cũng đang biến đổi mạnh mẽ. Cho tới gần đây, báo chí, đài phát thanh, truyền hình… vẫn được coi là phương tiện truyền thông, tiếp thị hiệu quả nhất. Nhưng những phương thức truyền thống này ngày càng trở nên quá đắt mà lại chỉ đến được với một số ít người.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm các phương thức truyền thông cũ mất dần vị thế là do nó hạn chế tính tương tác. Về phía người tiêu dùng, họ bị rơi vào thế tiếp nhận thụ động các thông điệp tiếp thị, ngay cả khi họ không thích. Và khi muốn kiểm chứng tính chân thực của các thông điệp này, họ cũng khó có được nguồn thông tin phong phú từ rất nhiều mạng lưới khác. Còn bản thân các doanh nghiệp lại không có cách nào lượng hoá được hiệu quả cũng như đối tượng tiếp nhận của các chiến dịch truyền thông của mình.

Từ sự “xuống ngôi” của các phương thức tiếp thị truyền thống, một phương thức tiếp thị mới ra đời với sự hỗ trợ đắc lực của internet: tiếp thị số. Tiếp thị số giúp người làm marketing và kinh doanh nhận được thông điệp từ khách hàng nhanh chóng và chính xác mà quảng cáo truyền thống gần như không thể làm được.

Tiếp thị số ra đời và phát triển do thói quen lướt web đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Tới 83% người trả lời trong cuộc nghiên cứu của Hiệp hội quảng cáo Châu Âu (EIAA) tiết lộ họ sẽ thấy vô cùng bứt rứt nếu mỗi ngày không online được 1 lần, 32% quả quyết email là "dịch vụ không thể thiếu" trong cuộc đời họ... Trong cuộc nghiên cứu ảnh hưởng của lnternet và tivi, 82% người được hỏi cho biết họ thường xuyên online từ 5-7 ngày/tuần. Chỉ 77% nói rằng họ có "đảo mắt" tới máy thu hình với quỹ thời gian đó và 48% thì nói thẳng thừng tivi đang bị "thất sủng" trước sự bành trướng của Intenet.

Với tiếp thị số, không ai có thể áp đặt nếu không muốn. Thay vào đó là sự tương tác tự nguyện. Khi tiếp thị, quảng cáo trên các kênh truyền thông số, doanh nghiệp sẽ đo lường được tính hiệu quả của quảng cáo, biết được có bao nhiêu người tham gia vào quảng cáo thông qua lượng người vào xem.

Thêm vào đó, ưu điểm của phương thức marketing số là ứng dụng công nghệ hiện đại để tiến hàng marketing. Điều này giúp DN có thể tiến hành chiến dịch marketing trên diện rộng tiếp cận đến hàng triệu người dùng, với hàng chục phương thức được ứng dụng. Nhờ đó, marketing số giúp DN giảm thiểu chi phí. Cụ thể, DN có thể ứng dụng các loại hình marketing số như email marketing, web marketing, blog marketing, SMS marketing, mobile marketing, SEO marketing, social net-working marketing, banner marketing, articles online marketing...

Tiếp thị số tại Việt Nam: tiềm năng còn bỏ ngỏ

Ông Jeffrey Seah, CEO khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn truyền thông Starcom Mediavest, cho rằng DN ở các nước đang phát triển như VN có cơ hội khổng lồ từ công nghệ di động và công nghệ số nói chung. Vì đi sau nên một điều thú vị là VN nhảy cóc qua rất nhiều nấc mà các nước phát triển đã trải qua.

Hiện tại, số người sử dụng Internet của Việt Nam đã lên hơn 20 triệu, chiếm gần một phần tư dân số cả nước. Và, số người sử dụng điên thoại di động - kênh tiếp cận mới của Internet và viễn thông còn lớn hơn gấp nhiều lần. Tại Việt Nam, thói quen xem TV, nghe nhạc và đọc sách trong thanh niên trước kia giờ đã giảm, mà thay vào đó là sự gia tăng của việc thích ra phố, chơi thể thao, chơi game và lướt net. Giới trẻ Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều đến các phương tiện và sản phẩm kỹ thuật số, và xu hướng này cũng bắt đầu lấn át các sản phẩm truyền thông truyền thống. Một khảo sát cho thấy 52% thanh niên cho biết họ lướt web ít nhất một lần/tuần, con số này rất ấn tượng nếu so với 32% của năm 2002.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Giáo sư Ian Fenwick – chuyên gia tiếp thị số, đồng tác giả cuốn sách best seller về tiếp thị số “Tiếp thị số - Hướng dẫn thiết yếu cho truyền thông mới & Digital Marketing” hiện các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng quảng cáo, tiếp thị qua kênh truyền thông truyền thống là ti vi và báo giấy, trong khi chi phí quảng cáo qua các kênh này cực đắt, lên tới hàng trăm triệu hoặc cả tỉ đồng để xây dựng hình ảnh quảng cáo, tiếp thị.

Mặc dù hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang có xu hướng mở các kênh tiếp thị số, chủ yếu là qua website của doanh nghiệp nhưng hình thức, nội dung thể hiện còn hạn chế, chưa hấp dẫn và chưa tạo ra được nét độc đáo riêng, hiệu quả tiếp thị còn thấp.

Các kênh tiếp thị số như Internet, blog, mạng xã hội, qua điện thoại di động dù chi phí rẻ hơn cả trăm lần so với quảng cáo truyền thống, có “độ phủ” rất rộng và hiệu quả cao nhưng vẫn chưa được doanh nghiêp đầu tư phát triển. Theo ông Ian Fenwick, “Điều đó do khả năng nhận biết của doanh nghiệp về hiệu quả đầu tư cho kênh tiếp thị”.
Ngày 15/3 tới đây, GS John Quelch – “thầy phù thuỷ về marketing và thương hiệu” – sẽ diễn thuyết cho các DN Việt Nam về chủ đề “Điển cứu mới về chiến lược tiếp thị trong kỷ nguyên số”. Là kết quả nghiên cứu từ những điển hình áp dụng tiếp thị mới và độc đáo nhất, các điển cứu này sẽ giúp DN cập nhật nhiều kiến thức và thực tiễn đương đại nhằm xác lập một chiến lược marketing tối ưu, có tính ứng dụng cao cũng như khả năng dự báo, tiên lượng những bất ổn tiềm ẩn trong tương lai.
VicBrand tổng hợp từ VNR500

No comments:

Post a Comment