Friday, December 25, 2009

Bài học thành công từ người bán hàng bậc thầy ở Mỹ

Theo quan điểm của Zig Ziglar, thì thành công chỉ thực sự đúng nghĩa khi con người ta cân bằng được mọi mặt trong cuộc sống. Đó là các yếu tố: Thể chất, tinh thần, tình cảm, các mối quan hệ, và tất nhiên là cả sự nghiệp và tiền tài.


Khi chúng ta có được rất nhiều thứ: một chiếc ô tô rất đẹp, một ngôi nhà lộng lẫy, và những bộ quần áo hợp thời trang… điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc sống thiếu cân bằng. Vậy chìa khóa để thành công và cân bằng cuộc sốnglà gì? Trong bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc quan điểm thành công của thiên tài Zig Ziglar

Ít nhất hơn 30 năm qua, Ziglar đã giúp đỡ được rất nhiều người giành được thành công đích thực. Ông được thừa nhận là một nhà diễn thuyết, doanh nhân, giảng viên, tác giả của các cuốn sách bestseler và là một trong những người có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới.

Mặc dù Ziglar được dánh giá là người có khả năng khuyến khích người khác đạt được những thành công cao nhất trong khả năng của họ, nhưng sự nghiệp của ông cũng khá thăng trầm. Khi còn học trung học, anh tham gia lực lượng hải quân trong suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ II, và sau đó học trường đại học South Caroline. Cuộc sống của anh rẽ sang một trang khác khi anh rời trường đại học và gây dựng sự nghiệp kinh doanh, với mơ ước sẽ kiếm được nhiều tiền hơn cho gia đình. Sau hai năm, Ziglar tham gia lĩnh vực tài chính, anh mới được đánh thức tiềm năng của mình.

Đó là khi Ngài P.C Merrell, lãnh đạo công ty mà Ziglar đang làm việc, đã nhắc nhở anh trong một cuộc họp: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ai lãng phí thời gian và công sức như Ziglar”. Anh vẫn còn nhớ lời nhận xét đó. Anh bị sốc thực sự, và đã hỏi lại người quản lý: “Ông muốn ám chỉ điều gì?”. Ngài Merrell nói: “Tôi tin là anh có thể trở thành một trong số ít những người rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh nếu anh tin vào bản thân, làm việc và học tập nhiều hơn nữa, và giúp đỡ những người khác”. Những lời khuyên của Merrel đã khiến sự nghiệp của Ziglar rẽ sang một bước ngoặt mới. Sau một năm rèn luyện anh đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số 7000 nhân viên kinh doanh của công ty. Sau đó anh đã đứng vị trí số 1 trong công ty khác với trên 3000 nhân viên kinh doanh.

Khi trở thành người bán hàng bậc thầy ở Mỹ, Ziglar luôn tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình cho mọi người. Đến 1970, Ziglar đã dành toàn bộ thời gian của mình để diễn thuyết giúp đỡ động viên các bạn trẻ. Đến hôm nay, ông là tác giả của hơn 25 đầu sách, và rất nhiều trong số đó được được dịch sang nhiều thứ tiếng. Giờ đây, ông trở thành người đào tạo cho rất nhiều chuyên gia, trong đó có người từng là học trò, cũng có người từng là thầy giáo của ông. Sự nghiệp của Ziglar tiếp tục tỏa sáng khi ông kiên nhẫn làm theo lời dạy của Merrell: Tin tưởng ở bản thân, nỗ lực học hỏi và giúp đỡ người khác. Triết lý sống của Ziglar rất đơn giản: “Bạn có thể có tất cả mọi thứ bạn muốn trong cuộc đời nếu bạn giúp đỡ người khác khẳng định được bản thân họ”

Tin tưởng ở bản thân

Merell không hẳn có ý định biến ngày hôm đó trở thành ngày định mệnh của Ziglar, nhưng cho đến khi Merell khuyên Ziglar thật lòng thì Ziglar mới nhận ra rằng mình chỉ là một gã đàn ông bình thường trong một thị trấn bé nhỏ. Merrel nhìn thấy những năng lực tiềm ẩn trong con người Ziglar. Những lời nói của Merrel như chiếc chìa khóa giúp Ziglar mở cánh cửa khám khá năng lực tiềm ẩn của bản thân. Chìa khóa dó chính là niềm tin.

Kể từ đó, Ziglar trở thành một “cậu sinh viên” không ngừng học hỏi và khám phá bản thân. Và thời gian sau, những cụm từ như: “Sách tốt, người tốt” được coi là chiếc chìa khóa để mở ra những cánh cửa năng lực tiềm ẩn của Ziglar. Những năm tháng mới khởi nghiệp, cuốn sách như: “Sức mạnh của ý nghĩ lạc quan” ( The Power of Positive Thinking) của Norman Vincent Peale là một trong số những cuốn sách gối đầu giường của ông. Sau này, trong cuốn sách “Hẹn bạn trên đỉnh thành công” (Se you at the Top), Ziglar có so sánh một vài điểm khác biệt dẫn đến thành công trong sự nghiệp của ông, với cuốn sách nổi tiếng của Peale.

Những khi thành công và thất bại, ông thường phân vân suy nghĩ rất nhiều. Trong suốt thời gian thất bại, ông thường đọc cuốn sách của Dr. Norman Vincent Peale và lại tiếp tục có thêm nghị lực vươn lên trong sự nghiệp. Cuốn sách đó đã giúp ông tìm ra cội nguồn của sự thất bại. Đó chính là bản thân ông chứ không phải là yếu tố khách quan nào khác.

Ziglar học được rằng ông là người duy nhất đứng giữa thất bại và thành công. Cái cách mà ông nhìn bản thân, cái cách nhìn người khác và những gì mà ông đang tin tưởng vào bản thân, vào người khác sẽ thúc đẩy hay ngăn chặn ông đi đến thành công.

Ziglar là một bằng chứng sinh động rằng: Cuộc sống có thể thay đổi dựa vào kết quả của việc khám phá năng lực bản thân. Ông hiểu sâu sắc kinh nghiệm thực tiễn: Khi thay đổi cách suy nghĩ về bản thân, thì hành động cũng sẽ thay đổi. Ông đã dành rất nhiều thời gian để thuyết phục động viên mọi người lạc quan tin rằng họ có thể dạt được mục tiêu đề ra.

Động viên kịp thời

Ziglar nổi tiếng là một người rất giỏi động viên. Không còn nghi ngờ gì nữa khi mà giọng nói ngữ điệu, nhịp điệu lời nói và nụ cười thiên thần của ông đã khiến người nghe cảm thấy vô cùng thoải mái. Những lời nói của ông có sức truyền cảm mãnh liệt đến người nghe, đem lại những thay đổi quan trọng trong cuộc sống của họ. Ngoài những bài học trong kinh doanh, trong công việc… có một sự thật hiển nhiên mà bạn và tôi không thể phủ nhận đó là: Người ta sẽ đạt được nhiều hơn khi nói ngọt ngào chứ không phải “chanh chua”.

Tuy nhiên nghệ thuật động viên không chỉ nằm ở những lời có cánh. Mà ở việc: Giúp đỡ người khác hình dung được họ có thể trở thành người như thế nào và sau đó trang bị cho họ những hành trang cần thiết để đi đến thành công. Hành trang ấy là sự tự tin, sự sẵn sàng học hỏi nâng cao kiến thức, hoặc những sáng kiến táo bạo. Sự động viên cũng nằm ở việc kích thích mọi người nghìn thấy bản thân, hoặc hoàn cảnh của mình từ cuộc sống của những người khác. “Sau rất nhiều năm, tôi không thể khuyên bất kì ai, không thể động viên bất cứ ai, đặc biệt là khi họ hỏi tôi nên làm thế nào?”, ông tâm sự. “Khi bạn động viên người khác, nghĩa là bạn cũng đang động viên chính mình, vì bạn đang cam kết tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống cho người đối diện. Sự động viên kịp thời thực sự sẽ đem lại một sự thay đổi lớn cho người nghe”.

Ziglar đặc biệt tin vào câu thần chú: Bạn có thể có tất cả những gì bạn muốn nếu bạn giúp đỡ nhiều người đạt được những gì họ muốn. “Câu nói đó nhân mạnh vào những gì bạn có thể làm cho người khác chứ không phải là những gì người khác làm cho bạn. Tôi cam đoan rằng đó là một cách khôn ngoan để thành đạt trong cuộc sống”. Ông nói tiếp: “giúp đỡ người khác làm việc đúng đắn, giám sát họ là điều cần thiết nhưng phải luôn luôn động viên họ. Sự động viên là nguồn nhiên liệu quý giá trên hành trình biến ước mơ thành hiện thực”.

Luôn học hỏi

Người ta nói rằng để chuẩn bị cho một giờ giảng trên lớp thì giáo viên phải nghiên cứu ít nhất là bằng hoặc nhiều hơn học sinh của mình nhiều lần. Dường như điều đó hiển nhiên đúng với trường hợp Ziglar. Khi Merrell khuyên Zilgar nên học hỏi nhiều hơn, làm việc tốt hơn và giúp đỡ người khác, Ziglar đã trở lại với công việc cơ bản của mình là một nhân viên bán hàng. Những lời hướng dẫn đó là nền tảng cho thành công bước đầu của ông trong hai năm đầu tiên. Theo đó, ông phát hiện ra rằng mình nên chia sẻ những gì đã học hỏi được trong cuộc sống và động viên những người khác thành công hơn.

Mặc dù đã gây dựng cho mình một sự nghiệp thành công vang dội, nhưng với Ziglar, ông vẫn không ngừng học hỏi. “Tôi là một người học trò chăm chỉ” ông nói vậy. “Tôi nghĩ rằng đó là một trong những lý do khiến tôi đạt được thành công trên cuộc đời này”. Ông khuyên mọi người đừng quên mài sắc ý chí của mình, và phát huy tối đa thế mạnh của bản thân để đạt được điều mình muốn. Hiểu biết, kinh nghiệm và sự thông thái chính là những nguồn lực đem lại thành công cho mỗi người.

“Bạn cần phải trở thành một học trò chăm chỉ bởi vì mọi thứ đã và đang thay đổi và bạn cần phải thay đổi phát triển để ít nhất là theo kịp chúng. Tôi nhấn mạnh rằng thế giới đang thay đổi. Nếu bạn tiếp tục học hỏi những điều mới mẻ, bạn sẽ có thêm sức mạnh. Bạn có sức mạnh và niềm tin từ chính những gì bạn đã học hỏi và làm việc, từ đó bạn sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn trong cuộc sống”.

Khi ở tuổi 81, Ziglar vẫn chăm chỉ học hỏi và đọc sách. “Tôi đọc báo hàng ngày để hiểu mọi việc đang diễn ra như thế nào”. Ông cũng thường xuyên đọc một hoặc hai cuốn sách theo sở thích, “tôi không đọc những thứ tạp nham”, ông nhấn mạnh. Ông thường đọc các loại sách liên quan đến phát triển cá nhân, lãnh đạo, kinh doanh, bán hàng… Những cuốn sách đó không chỉ khiến ông thành công trong sự nghiệp bán hàng mà còn khiến ông trở thành người có ảnh hưởng lớn đến công chúng, có khả năng truyền nhiệt huyết cho rất nhiều người khác. “Khi tôi đọc sách, tôi thường lựa chọn lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi và những người khác. Tôi muốn nói rằng tôi không chỉ là một học trò chăm chỉ, tôi còn có khả năng dạy dỗ người khác.”

Biết điểm dừng

Ziglar mãi là một giảng viên tốt, nhưng ông còn biết đến với quyết định trao quyền thừa kế công ty cho con trai Tom Ziglar và con rể Richard K.Oats đúng thời điểm. Tờ Dallas Business Journal đưa tin rằng Zgilar muốn làm chủ tịch trên danh nghĩa, còn quyền lãnh đạo thực tế trao cho Tom Ziglar và Oats. Khi biết điểm dừng, biết trao quyền thừa kế cho đúng người thì sự nghiệp kinh doanh mà ông đã gây dựng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và tránh được nguy cơ tan vỡ. Đó cũng là một trong những bài học thành công trong cuộc sống.

Ziglar từ đó tiếp tục công việc đào tạo, động viên mọi người và viết sách. Cuốn sách gần đây nhất của ông là God’s Way Is Still the Best Way, xuất bản năm 2007. Trong đó ông chia sẻ: Ông tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình trong sự thành công của những nhà lãnh đạo hôm nay. Từ cuốn sách đầu tiên cho đến cuốn sách gần đây nhất, và hàng loạt những đĩa CD, DVD của ông, ông muốn gửi thông điệp tới mọi người rằng: Hãy tiếp tục động viên mọi người trên khắp thế giới tin vào năng lực của bản thân họ, chịu khó học hỏi và mở rộng lòng giúp đỡ người khác, đó là bí quyết thành công trong cuộc sống.

VicBrand tổng hợp Theo Success
Người dịch: Minh Hương

Wednesday, December 23, 2009

Vật tế thần trong cuộc săn tìm xu hướng truyền thông mới

Những tờ báo làm ăn thua lỗ nên chấp nhận bị đóng cửa, trở thành vật tế thần trong sự nghiệp tìm đường thoát cho ngành báo giấy, để bảo vệ cho sự tồn tại của những sản phẩm khác.

Tuần Việt Nam giới thiệu loạt 4 bài viết đăng trên Tạp chí Financial Times về tương lai của ngành truyền thông thế giới, tập trung vào 4 lĩnh vực: Báo giấy, Truyền hình, Mạng xã hội và Game. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phần 1: Báo in - Khi các ông chủ truyền thông tìm kiếm các mô hình mới để tồn tại

Ngành công nghiệp truyền thông đang trong cơn khủng hoảng, tất thảy, từ nhật báo cho đến các tờ tin tức buổi tối. Sau một thập kỷ vật lộn với sự xuất hiện của internet dẫn đến sự thay đổi hành vi của người đọc, sự tuột dốc thảm hại của doanh thu quảng cáo và lượng bạn đọc đã hạ nhục tất cả những ông chủ truyền thông cỡ bự, từ Hollywood cho đến Fleet Street – con phố biểu tượng của ngành báo chí Anh Quốc.

Những tin tức buồn đối với ngành báo giấy đã trở nên quen thuộc: Các công ty đa dạng như Sentana Sport - các kênh truyền hình thể thao trực tiếp và Reader’s Digest - nhà xuất bản tạp chí đều đã đâm đơn xin phá sản, trong khi các ấn phẩm, từ tạp chí Portofolio đến TheLondonPaper đều bị xếp xó.


Nếu coi ngành công nghiệp truyền thông là một bữa tiệc, thì phần vui vẻ nhất - bật rượu sâm-panh ăn mừng thời hoàng kim của ngành báo giấy đã kết thúc. Graydon Carter, tổng biên tập của tạp chí Vanity Fair, một bậc thầy trong việc “bày món” cho độc giả, giờ đây cũng ngán ngẩm ngồi chờ đợi một sự thay đổi diệu kỳ.

Trên các phương tiện truyền thông, những bình luận dự báo triển vọng hay cơ hội phát triển của báo giấy vẫn vắng bóng, trong khi cơn khủng hoảng thì không có dấu hiệu lắng xuống.

Từ các chương trình trực tuyến cho đến các chương trình âm nhạc, phát triển game cho đến các mạng xã hội, các ông chủ truyền thông thông đều loay hoay tìm cách gói ghém nội dung, gắn với những công nghệ mới nhất, tìm những thị trường quốc tế có tốc độ phát triển cao, tư duy lại các chiến lược xâm nhập thị trường, giới thiệu những mô hình mới nhằm thu tiền của độc giả, và sáng tạo lại những phương thức quảng cáo hiệu quả.

Báo động

Không khi nào mà nhu cầu tìm kiếm mô hình kinh doanh mới lại bức thiết như hiện nay trong ngành báo giấy, ngành kinh doanh đang lâm nguy bởi chi phí in ấn và doanh thu quảng cáo đang ở tình trạng báo động.

Công ty PricewaterhouseCoopers (PvC) – công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính hàng đầu thế giới ước tính doanh thu toàn cầu của ngành báo in và các dạng thức của nó sẽ rớt 10,2% trong năm 2009 và giảm xuống khoảng 20 tỷ đô-la trong khoảng 2008 đến 2013.


Ở Mỹ, trang web Craigslist – một trang web kiểu “rao vặt”, cho phép người dùng đăng tải thông tin quảng cáo miễn phí, ở các lĩnh vực khác nhau như việc làm, nhà cửa, khuyến mại, dịch vụ, CV và diễn đàn… phát triển mạnh, trở thành mối thách thức lớn ngành kinh doanh quảng cáo, rao vặt trên báo giấy, khiến doanh thu quảng cáo trên báo giấy giảm 29% trong năm 2009.

Đáng báo động hơn nữa, theo báo cáo vào tháng 7/2009 của tạp chí Outsell – một công ty nghiên cứu về ngành xuất bản, ngành công nghiệp báo giấy còn có thể “thất bại trong việc chuyển đổi sang phiên bản báo điện tử”, theo đó, doanh thu của các phiên bản điện tử của báo giấy chỉ chiếm 11% so với tổng doanh thu của báo giấy.

Trong nhiều tháng gần đây, cuộc khủng hoảng đã mở ra những cuộc thảo luận bàn về giá trị của ngành báo in, đồng thời khởi động những cuộc tìm kiếm những mô hình thay thế.

"Vật tế thần"

Nổi bật nhất là việc các báo in tiến hành thu phí đọc bài trên các phiên bản điện tử, trước đây vốn là lãnh địa riêng của một số tạp chí tài chính như Financial Times hay Wall Street Journal hay các ấn phẩm mang tính phê bình như Which? và Bản tin Người tiêu dùng.

Journalism Online, một quỹ đầu tư đang nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp cho báo in đã nghiên cứu gần 800 ấn phẩm đang thu phí bạn đọc. Nó lập luận rằng hệ thống thanh toán trực tuyến “trả tiền cho những gì bạn đọc”, thu phí nhỏ lẻ kiểu “góp gió thành bão” này có thể tạo ra nguồn thu mới cho báo in, thúc dẩy doanh thu quảng cáo trên nền nội dung số, đồng thời có thể bảo tồn giá trị của báo in.


Ông trùm truyền thông Murdoch cũng dự đoán tương tự về “nguồn thu có giá trị” từ việc thu phí trên các bài báo và đề cập đến khả năng thu về lợi nhuận của các ông lớn trong ngành báo in như Wall Street Journal, New York Times và Washington Post thông qua việc thu phí online.

Đế chế News Corp của Murdoch thì đại diện cho một chiến lược tăng trưởng kiểu khác, kinh doanh trực tiếp trên nền nội dung của các tờ báo. Ở Anh Quốc, các công ty truyền thông của Murdoch thu lợi trực tiếp từ các bài báo bằng cách tổ chức các trò chơi lô tô trực tuyến trên tạp chí Sun và trong các ngày nghỉ ngắn.

Murdoch cũng chấp nhận đóng cửa hai tờ báo miễn phí FreeSheet và TheLondonPaper, biến hai tờ này thành “vật tế thần” cho sự nghiệp tìm đường thoát cho ngành báo in. Những công ty làm ăn không thu lợi nhuận như Rocky Mountain News, BusinessWeek và Boston Global cũng đã đi đến bước đường cùng và có xu hướng phải đóng cửa, bán hoặc giảm bớt chi phí nhằm bảo vệ những sản phẩm còn đang tiếp tục thu lợi nhuận.

"Triển vọng tuyệt vời"

Cuối cùng, ông Murdoch cũng tuyên bố việc chuyển đổi nội dung báo in sang phiên bản điện tử để phù hợp hơn với bạn đọc trực tuyến chính là một hướng phát triển của ngành công nghiệp báo giấy, giúp việc thu phí nội dung trở nhên dễ dàng hơn, nhất là khi nội dung đó được hiển thị trên những thiết bị điện tử hấp dẫn.

David Hunk, chủ tịch của tờ USA Today nói rằng đây là một “triển vọng tuyệt vời” trong bạn đọc trực tuyến.

“Độc giả ở phương tây sẽ bình tĩnh đón nhận điều này, trả tiền cho những gì họ đọc, tức là họ trả tiền cho sự tiện dụng,” – Ken Doctor, một nhà phân tích của Outsell phát biểu.

Báo giấy sẽ vẫn giữ vị thế kinh doanh của mình, và có thể, niềm hi vọng lớn phục hồi doanh thu quảng cáo của nó sẽ trở thành hiện thực. PwC kỳ vọng doanh thu của ngành báo giấy, cuối cùng, cũng có thể dừng tuột dốc vào năm 2011.

Từ nay đến đó, nhà phân tích Doctor lập luận, “đặc biệt là trong thời kỳ khôi phục kinh tế, khả năng báo giấy hồi phục được phần lớn doanh thu từ quảng cáo có vẻ tươi sáng”

Cuộc tìm kiếm phương án doanh thu thay thế cho quảng cáo của ngành báo giấy sẽ không thể có kết quả trong một sớm một chiều. Nhưng việc tái xác lập phạm vi hoạt động và phương thức hoạt động trong những năm sắp tới là một việc mà các công ty truyền thông chắc chắn phải tiến hành ngay từ bây giờ.

VicBrand tổng hợp từ Financial Times/ TuanVietNam
Người dịch: Hương Lan