Saturday, October 17, 2009

Sức mạnh của thị trường Ngách

Nhiều doanh nghiệp thành công đã "sống sót" và trở nên thịnh vượng ngay cả trong những điều kiện kinh tế hỗn loạn và môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt nhất bằng sự không ngừng nuôi dưỡng một thị trường Ngách (niche) cùng những khách hàng trung thành trong một Cộng đồng ngách (niche community). Hoàn toàn có thể để mở rộng và phát triển kinh doanh qua một thị trường Ngách.


Thật đáng tiếc, nhiều doanh nghiệp khác đã đánh mất đặc tính của họ trong một nỗ lực sao chép cạnh tranh, tái xây dựng nhãn hiệu bản thân, hay vô tình vứt bỏ lòng trung thành của khách hàng do thay đổi trọng tâm. Hãy so sánh và xem xét sự tương phản của một vài ví dụ minh hoạ.

Radio Shack – bài học khi từ bỏ thị trường Ngách

Đã có thời gian những người mê audio xe hơi đổ xô đến hãng Radio Shack để mua loa, dây dẫn, radio, ăng ten và rất nhiều thiết bị điện tử khác để cài đặt, thay thế hay nâng cấp thiết bị âm thanh trên chiếc xe ôtô của họ. Các sản phẩm này giúp cải thiện đáng kể hệ thống âm thanh trên xe hơi.

Nhưng dần dần khi mà các sản phẩm ôtô mới ra đời được lắp ráp theo dây chuyền công nghiệp đã có những thay đổi đáng kể trong hệ thông âm thanh: mới hơn, hiện đại hơn và đồng bộ hơn. Nhu cầu cho việc nâng cấp âm thanh xe hơi sụt giảm nhanh chóng, và các cửa hàng thiết bị xe hơi dẫn ngừng cung cấp các thiết bị cho những tay mê âm thanh xe hơi tự chế.

Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn miễn là còn có những chiếc xe hơi cổ chạy trên đường phố, và quay vòng thường xuyên khi các thiết bị mới được giới thiệu. Việc quảng bá rằng những thiết bị này vẫn sẵn sàng tại Radio Shack có thể được xem là một cách thức duy trì cái Ngách này trong thị trường các thiết bị âm thanh xe hơn cùng một khoản doanh số bán hàng nhất định, nếu Radio Shack duy trì được sự nhất quán với cam kết này.

Song các thiết bị âm thanh xe hơi chỉ là một phần nhỏ trong những thay đổi khá lớn xuất hiện tại Radio Shack. Trong các nỗ lực tái xây dựng nhãn hiệu doanh nghiệp và trở nên giống Best Buy hay Circuit City hơn, Radio Shack đã từ bỏ nhiều nhãn hiệu và sản phẩm.

Từng nổi tiếng với các sản phẩm dây dẫn, cầu chì, biến áp, bán dẫn và tất cả các thành phần khác cho lĩnh vực đồ dùng nấu nướng điện tử gia đình, các cửa hàng Radio Shack đã thay thế nhiều sản phẩm trên giá hàng của họ bằng các thiết bị điện tử mới phổ thông hơn như điện thoại di động, tivi hay máy nghe nhạc DVD.

Những khách hàng đã từng trung thành với Radio Shack nhận ra rằng những nhãn hiệu ít tên tuổi hơn thực tế được sản xuất bởi cùng những nhà máy sản xuất ra các nhãn hiệu nổi tiếng, và không mấy quan tâm tới việc trả bớt ít tiền cho một nhãn hiệu khác biệt. Hơn tất cả, những fan trung thành của Radio Shack là những người mê âm thanh, hình ảnh và các thiết bị điện tử - những người tự tách biệt mình ra khỏi đám đông khi sở hữu các nhãn hiệu độc nhất. Trước sự thay đổi của Radio Shack, nhiều khách hàng cảm thấy mình như bị phản bội.

Và rồi, Radio Shack đã tận hưởng một quãng thời gian tăng trưởng doanh thu khi là một nhà phân phối chính các sản phẩm di động và điện tử phổ biến. Quả vậy, trong một thời hạn nhất định, hãng thấy rằng chiến lược tái xây dựng nhãn hiệu và chính sách bán lẻ đã hiệu quả. Radio Shack có được lợi nhuận đáng kể khi nhu cầu các thiết bị di động tăng vọt.

Nhưng không lâu sau, những kết quả đáng thất vọng bắt đầu xuất hiện khi các hãng điện thoại di động mở các cửa hàng phân phối của riêng họ. Đột nhiên, Radio Shack phải cạnh tranh với các công ty điện thoại di động và cạnh tranh với các cửa hàng phân phối khác vốn có thể cung cấp sản phẩm trong vòng một vài phút. Kỷ nguyên Vàng của sản phẩm di động chấm dứt, cùng với đó doanh thu cũng tan biến theo.

Không may mắn là khi thời huy hoàng của các thiết bị điện thoại di động trôi đi, những chiến lược kinh doanh mới của Radio Shack không đủ bù đắp mất mát. Việc giới thiệu những nhãn hiệu và sản phẩm tương tự như Best Buy và Circuit City, sự khác biệt hoàn toàn biến mất tại Radio Shack.

Tại sao lại phải mua sắm ở Radio Shack cho cùng sản phẩm và ít lựa chọn hơn? Đó là câu hỏi tiêu dùng cho Radio Shack mà hãng không thể có bất cứ câu trả lời nào. Nhiều khách hàng trung thành trước đây hay các chuyên gia điện tử gia đình tự chế,... đã buộc phải tìm kiếm các nguồn cung cấp mới. Cái Ngách mất đi và kết quả của việc không có bất cứ điều gì hỗ trợ đó là nhiều cửa hàng của Radio Shack phải đóng cửa.

Tin tốt cho Radio Shack là chưa quá muộn để quay trở lại với kỷ nguyên vàng trước đây - thời mà hãng tập trung vào bán hàng Ngách. Kinh tế tuần hoàn theo chu kỳ và chúng ta đang ở trong thời kỳ mà ngày một nhiều người tiêu dùng háo hức quan tâm tới những nhãn hiệu giá thấp và ít nổi tiếng hơn. Không ít người ngày nay thực sự ham muốn những sản phẩm Ngách được thiết kế riêng biệt cho từng nhóm tiêu dùng.

Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho các cửa hàng địa phương cung cấp các sản phẩm Ngách, nếu các cửa hàng này đẩy mạnh được một giải pháp dây chuyền cung ứng hiệu quả nhằm giảm thiểu hàng tồn kho và tối đa hoá khả năng tiếp cận sản phẩm.

Apple – Suy nghĩ khác biệt


Hãy so sánh chiến lược của Radio Shack với con đường đi của Apple. Hãng điện tử Apple từ lâu đã phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Cuộc chiến giành giật thị phần được thực hiện dưới nhiều dạng khác nhau và sử dụng nhiều đồng minh. Các hệ điều hành, các giải pháp phần mềm, các thiết bị cùng nhiều chiến thuật khác đã được sử dụng để bắt đầu cuộc chiến công nghệ và định dạng điện tử.

Mặc dù lấn lướt ở thị trường máy tính cá nhân, các đối thủ cạnh tranh không thể nào loại bỏ được Apple. Bất chấp sức ép cạnh tranh, Apple không chỉ sống sót mà còn tận hưởng những quãng thời gian kỳ diệu của tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Làm thế nào mà Apple không thể bị bật rễ trong thị trường các thiết bị điện tử? Một yếu tố dễ nhận thấy nhất đó là lòng trung thành đến cuồng nhiệt của các tín đồ Apple. Các hoạ sỹ, nhạc sỹ, nhà thiết kế cũng nhiều dân IT khác vẫn dành hết tình cảm cho nhãn hiệu quả táo bất hủ. Một vài người dành lòng trung thành của mình cho sự ổn định của hệ điều hành, trong khi những người khác hướng tới các thiết bị tiện ích.

Với việc ra mắt các máy tính iMac khuynh hướng màu sắc, một thị trường Ngách đã được mở ra với một số lượng đông đảo người dùng yêu thích khả năng được lựa chọn màu sắc cho sản phẩm của mình.

Mở rộng trên nền tảng của thành công, Apple giới thiệu chiếc máy nghe nhạc iPod. Một lần nữa, cơn lũ lớn các tín đồ mới và trung thành đã đổ về Apple. Apple nhanh chóng thống trị thị trường thiết bị giải trí di động cá nhân. Thậm chí cả khi hướng tới những khách hàng mới, Apple không bao giờ đánh mất trọng tâm vào những khách hàng trung thành đã giúp hãng sống sót và thịnh vượng.

Ngay cả vào thời điểm cộng tác mạnh mẽ với đối thủ truyền kiếp Intel, Apple đã mở rộng cộng nghệ mà không hy sinh hệ điều hành hay bất cứ cái Ngách nào đã được tạo dựng thành công.

Không thoả mãn với thành công và nhằm đẩy mạnh hơn nữa thị trường Ngách thiết bị giải trí âm nhạc cá nhân, Apple đã sử dụng trải nghiệm tuyệt vời trong quá khứ để tấn công mạnh mẽ một lĩnh vực công nghệ khác.

Ngay khi điện thoại di động góp phần vào Kỷ nguyên Vàng thứ hai của Radio Shack, chiếc iPhone là một vũ khí mới của Apple vào thị trường thiết bị cầm tay cá nhân. May mắn cho Apple, cái Ngách iPod vẫn khá mạnh mẽ và cái Ngách những người sử dụng trung thành máy tính Apple không suy giảm sức mạnh trong những ngày này. Chiếc iPhone có thể là một tia sáng trong cái chảo lớn, hay là một thành công chiến lược dài hạn, nhưng dù trong trường hợp nào, Apple tiếp tục mở rộng các hỗ trợ cho Ngách và một nền tảng cho những thành công không ngừng.

Đặt câu hỏi cho thị trường Ngách của bạn và suy nghĩ khác biệt

Chắc chắn bạn cũng có một thị trường Ngách. Sản phẩm, nhãn hiệu hay dịch vụ của bạn có những đặc điểm được mọi người yêu thích. Thị trường Ngách có thể được xác định dựa trên các khách hàng trung thành - những người cảm kích trước một vài đặc tính cụ thể nào đó bạn cung cấp. Đó có thể là một thị trường Ngách dựa trên khu vực địa lý, độ tuổi khách hàng hay một vài yêu tố khác.

Thị trường Ngách có thể là kết quả của sự liên kết với một nhãn hiệu, chẳng hạn với Nike, Mercedes hay Polo. Thị trường Ngách có thể là kết quả của những dịch vụ độc nhất với những tổ chức đặc biệt.

Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn hãy nhận ra và nuôi dưỡng thị trường Ngách của bạn từ những khách hàng trung thành, bởi những khách hàng đó sẽ là nền tảng cho thành công của bạn.

VicBrand tổng hợp theo BW Portal

Wednesday, October 14, 2009

Dốc hết trái tim - Pour Your Heart Into It

Howard phải vay tiền, làm việc bán thời gian ở quán bar ngoài giờ học và toàn bộ kỳ nghỉ hè để trang trải chi phí học tập. Thậm chí Howard đôi lần bán máu để hoàn thành chương trình đại học.

Tên sách: Dốc hết trái tim
Tên tác giả: Howard Schultz, chủ tịch - CEO của StarbuckDori Jone Yang (tự truyện).
Dịch giả: Võ Công Hùng
Nhà xuất bản Trẻ phát hành, 2009.

Bạn sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo khó? Liệu nguồn gốc xuất thân sẽ là lực cản ngăn bạn thực hiện những ước mơ lớn trong đời?

Xuất thân hèn kém có thể đem lại cho chúng ta cảm giác tủi nhục, mặc cảm và đơn độc. Howard Schultz, chủ tịch và Ceo của Starbucks đã trải nghiệm tâm trạng này khi ở tuổi trước ngưỡng cửa vào đời. Gia đình Howard sống trong khu nhà quy hoạch, do liên bang trợ cấp. Những người sống ở đó thời bấy giờ sẽ được gọi là "dân lao động nghèo". Howard từng cảm thấy vô cùng giận dữ và xấu hổ khi phát hiện rằng buổi cắm trại qua đêm được tham dự hồi hè ở trường là một chương trình bao cấp dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn và kiên quyết không tham gia những năm sau đó. Cậu thiếu niên Howard từng cảm thấy nhục nhã và thường xuyên cãi nhau với bố mình vì mỗi lần ông thất nghiệp hoặc bị tai nạn lao động, gia đình lại rơi vào cảnh túng thiếu, vay nợ thường xuyên để duy trì cuộc sống. Khi học đại học, Howard luôn cố giấu việc mình lớn lên ở khu quy hoạch. Khi tốt nghiệp ngành truyền thông đại học Bắc Michigan, Howard cũng trải qua một năm hoàn toàn bị mất phương hướng vì không người kèm cặp, không có hình tượng để noi theo, không thầy cô nào giúp đưa ra những lựa chọn cho cuộc đời.





Thế nhưng, xuất thân hèn kém đã khơi dậy trong Howard cả nghị lực lẫn tình yêu. Howard đã sớm trưởng thành và sống có trách nhiệm chính trong hoàn cảnh khốn khó của gia đình. Mười hai tuổi, Howard bắt đầu đi kiếm tiền bằng công việc giao báo, phụ quán ăn. Mười sáu tuổi , Howard làm việc sau giờ học cho bộ phận chế biến lông thú của một xí nghiệp may mặc tại địa phương. Howard luôn dành một phần tiền kiếm được cho mẹ không phải vì bà yêu cầu mà vì tự thấy thương cho hoàn cảnh sống của bố mẹ. Khi học bổng của trường đại học Bắc Michigan bị cắt do năng lực chơi bóng bầu dục của Howard lúc bấy giờ không đủ để được thi đấu chính thức trong đội bóng trường, Howard đã phải vay tiền, làm việc bán thời gian ở quán bar ngoài giờ học và toàn bộ kỳ nghỉ hè để trang trải chi phí học tập. Thậm chí Howard đã có đôi lần bán máu để hoàn thành chương trình đại học.

Và có lẽ, chính hình ảnh người cha không thành đạt, chết vì ung thư phổi, không có tiền tiết kiệm, chẳng có lương hưu, đã gieo vào trong trái tim Howard một cảm xúc thương yêu người lao động. Tình cảm này đã trở thành giá trị cốt lõi của Starbuck khi Howard là người điều hành. Đó là điều khiến Howard tự hào nhất về công ty như lời tâm sự trong quyển sách: "Chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ và thân thiết trong nhân viên. Nó không đơn thuần là những cụm từ sáo rỗng như ở nhiều công ty mà tôi biết. Chúng tôi triển khai nó trong những chương trình mang tính đột phá như chăm sóc sức khỏe toàn diện, thậm chí cho nhân viên làm việc bán thời gian, hay các tùy chọn cổ phiếu giúp mang lại quyền sở hữu cho tất cả mọi nhân viên. Chúng tôi đối xử với công nhân làm việc trong nhà kho và nhân viên bán lẻ cấp thấp bằng sự tôn trọng mà hầu hết công ty khác chỉ dành cho những quản trị viên cấp cao".

Hành trình của một chàng trai xuất thân bình dân, chẳng thìa bạc đĩa vàng, chẳng dòng dõi cao quý‎, chẳng người kèm cặp khi còn bé trở thành người đã biến những cửa hàng cà phê nhỏ lẻ Starbuck ở Seattle, Mỹ, thành một công ty nổi tiếng toàn cầu là một hành trình dài hơn 40 năm. Quyển sách Dốc hết trái tim mặc dù chỉ kể lại những bước ngoặt quan trọng và thú vị nhất của hành trình đó cũng dày gần 500 trang. Tuy nhiên, nó đủ sức tạo cảm hứng cho nhiều người đọc khác nhau. Trước hết, với những ai đang hoài nghi, đánh mất niềm tin vào bản thân khi theo đuổi những ước mơ của chính mình, Howard sẽ là người bạn đồng hành thân thiện và khiêm nhường. Tiếp đó, câu chuyện về một người đã từng có tên trong danh sách 10 người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 của tạp chí Time chắc chắn sẽ gợi mở cho những nhà lãnh đạo công ty một tầm cao mới về sự thành công của doanh nghiệp. Sự thành công không tính bằng tiền: Nó chính là cách bạn thực hiện cuộc hành trình và độ lớn của trái tim bạn khi kết thúc hành trình. Thành công của một doanh nghiệp sẽ chẳng có ‎ nghĩa gì nếu nhà lãnh đạo đến đích một mình. Chiến thắng sẽ ‎ý nghĩa hơn nhiều khi nó không chỉ dựa vào công sức của một cá nhân, mà là sự chung tay của cả một tập thể. Thành công của công ty phải mang lại hạnh phúc cho mọi người. Và hạnh phúc sẽ trường tồn khi mỗi thành viên trong doanh nghiệp đều lấy trái tim làm đích đến, giành chiến thắng không chỉ cho chính bản thân mình mà còn để dành cho nhau.

Biên tập: Trần Minh Trọng