1. Malcolm Gladwell là một trong những học giả hàng đầu thế giới hiện nay. Ông là cựu phóng viên của tờ Washington Post và The New Yorker. Năm 2005, ông được tạp chí Time bầu chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Hiện nay, Malcolm Gladwell còn đứng trong top 25 diễn giả được trả tiền cao nhất thế giới.
Outliers là một thuật ngữ toán học chỉ những điểm bên ngoài đường thẳng/người nằm ngoài/điểm nằm ngoài và có thể gọi là điểm kỳ dị; nhưng ở đây tôi muốn dùng là Những kẻ xuất chúng, để mô tả những con người có thành công vượt bậc, hơn hẳn người khác. Vậy những thành công đó do đâu?
2. Trong cuốn sách, Malcolm Gladwell liệt kê 75 người giàu nhất trong lịch sử vài nghìn năm của thế giới. Từ Pharaoh Amenophis III của Ai Cập cổ đại, Nữ hoàng Cleopatra đến Marcus Licinius Crassus, Nguyên lão La Mã cổ đại; từ Bill Gates đến Warren Buffett của thời hiện đại... Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao trong 75 người giàu nhất thế giới ấy có tới 12 người (gần 20%) là công dân Mỹ sinh vào thập niên 1830 như: Vua dầu mỏ Rockefeller - 1939, Vua thép Andrew Carnegie 1835, Jay Gould – 1836; trùm ngân hàng J. P Morgan - 1837... Tiếp nữa, Gladwell nhận thấy những nhà lãnh đạo ngành IT thế giới đều sinh trong những năm 1955-1956. Bill Gates – 28/10/1955, Steve Jobs – 24/1/1955, Steve Balmer, Chủ tịch hiện nay của Microsoft – 24/3/1956, Paul Allen, người cùng sáng lập Microsoft với Bill Gates - 21/1/1953; Eric Schmith, CEO Google – 27/4/1955...?
Bạn có đoán ra lý do tại sao rất nhiều người xuất chúng lại sinh ra vào thời điểm đó không? Khác với những cách lý giải nguyên nhân thành công đã từng được nhiều người đưa ra, Gladwell lần lại lịch sử và nhận thấy nhiều mốc biến chuyển lịch sử có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của những con người xuất chúng này. Đối với nước Mỹ, cuộc cách mạng công nghiệp - có lẽ cũng là sự chuyển đổi vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước này - với hàng loạt những sự kiện rúng động như: thiết lập đường xe lửa từ Đông sang Tây, tìm ra mỏ dầu ở Texas, phố Wall hình thành... diễn ra trong thập niên 1860-1870. Và những người biết chộp lấy cơ hội này để làm giàu cần phải ở độ tuổi 30 vì nếu bạn sinh ra vào thập niên 1840, tính đến 1860 bạn mới ngoài 20 tuổi, có nghĩa là còn quá trẻ, không đủ trưởng thành, không đủ kinh nghiệm, quan hệ để chộp được cơ hội có một không hai đó. Còn nếu bạn sinh trong thập niên 1820, tính đến những năm 1860-70, bạn đã chừng 40 tuổi, tư tưởng của bạn đã bị hình thành bởi môtip tư duy của thời kỳ trước Nội Chiến. Hơn nữa, lúc đó bạn đã quá già để có thể dám chấp nhận mạo hiểm.
Tương tự như vậy, cũng không quá khó để tìm ra nguyên nhân cho sự thành công của những người xuất chúng trong ngành IT, dù có hơi khác biệt so với trường hợp kể trên. Malcolm Gladwell cho rằng sự kiện cách mạng trong ngành IT thế giới xảy ra vào tháng 1/1975, khi tạp chí Popular Electronic thông báo việc ra đời chiếc máy kỳ diệu Altair 8800, mở đầu kỷ nguyên máy tính điện tử cá nhân. Vậy vào tháng 1/1975, thế hệ nào có điều kiện tốt nhất để được hưởng lợi từ cơ hội này? Đó chắc chắn không thể là những người đã 30 hay 40 tuổi. Khi đó có lẽ họ đang giữ vị trí kha khá ở IBM hay đâu đó, họ không đủ dũng cảm và mạo hiểm để rời bỏ vị trí và để chộp lấy cơ hội mới. Tư duy của họ cũng không đủ “trắng tinh” để lĩnh hội những công nghệ mới mẻ. Nhưng cũng không thể là những học sinh trung học vì họ chưa đủ khả năng để làm được việc gì đó cho mình. Và Gladwell cho rằng, độ tuổi tốt nhất cho cơ hội này đó là những người khoảng 20 tuổi. Đó chính là lứa Bill Gates, Steve Jobs, Steve Balmer, Paul Allen, Eric Schmith...
3. Dựa trên cách phân tích của Malcolm Gladwell, tôi mày mò viết và phân tích về đặc điểm của những thế hệ của Việt Nam. Về kinh doanh, giai đoạn cải cách của Việt Nam diễn ra khoảng 1986-1989 và coi dấu mốc chính là năm 1989. Nếu theo Gladwell, để “chộp” được cơ hội cải cách/mở cửa, phải là những tay tầm 30 tuổi (tức là sinh vào năm 1955-1960), vì tuổi đó mới có đủ nền tảng/cơ sở để tận dụng được cơ hội làm giàu. Trong khi, những kẻ mới ngoài 20 còn nhỏ quá, vừa ra trường, chưa đủ kinh nghiệm, kỹ năng, quan hệ, vốn liếng... Những người 35-40 tuổi thì có thể quá già để dám mạo hiểm, dám bỏ vị trí tốt hiện tại… Và thực tế là rất nhiều CEO/Chủ tịch các Tập đoàn lớn tại Việt Nam sinh ra trong thời gian đó như Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT sinh năm 1956; Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch FPT - 1958; Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch FPT - 1956; Lê Văn Quang - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thuỷ sản Minh Phú - 1958; Trần Kim Thành, Công ty cổ phần Kinh Đô, 1960, Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - 1962, Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát – 1961, Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - 1960 …
4. Về khoa học, giới học giả Việt Nam lâu nay vẫn bị chê là hiếm có các bài báo/công trình nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí khoa học quốc tế, trong khi nhìn sang những nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Singapore thì số lượng này nhiều hơn hẳn. Đó không phải do lỗi của các học giả Việt Nam. Nếu một người thông minh, yêu khoa học, nhưng không được tiếp xúc máy tính từ cấp 2, cấp 3, không được tiếp cận nguồn thông tin mới mẻ, hiện đại của thế giới (sách khoa học, tạp chí, Internet...) và ngoại ngữ không đủ tốt để đọc các tài liệu từ tiếng nước ngoài ngay khi là sinh viên; thì đừng hòng chen chân được vào làng khoa học thế giới. Ví dụ Việt Nam, thế hệ chúng tôi được tiếp xúc với máy tính lần đầu tiên là quãng 1992-1993, bắt đầu học tiếng Anh vào khoảng năm 1990... lần đầu tiếp cận Internet khoảng 1997, và những người khá nhất cũng chỉ có thể tiếp cận các tạp chí quốc tế đầu tiên vào những năm 1995- 1996!
Quả thực tôi thấy những người thuộc lứa tuổi mình rất ít người có khả năng viết các bài báo, công trình đăng tạp chí quốc tế, không có cơ hội mấy để trở thành nhà khoa học “có tầm vóc quốc tế”, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt như Ngô Bảo Châu được ra nước ngoài sớm, được tiếp cận sớm với ngoại ngữ/tri thức mới, tiên tiến... Và như vậy, tôi cho rằng lứa người Việt Nam đầu tiên có đủ điều kiện trở thành nhà khoa học tầm vóc khu vực hay thế giới ít nhất phải sinh vào những năm 1980-1985. Họ sẽ chỉ đạt đến trình độ cao khi đã 35-40 tuổi. Như vậy, đến khoảng những năm 2015-2020 thì các bài báo khoa học của Việt Nam may ra mới lần lượt được xuất hiện.
Tôi cũng suy luận về lứa doanh nhân tầm vóc châu lục và quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Lần lại lịch sử, dấu mốc quan trọng cho hội nhập quốc tế của nước ta là 1997-2007 khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập WTO. Theo cách suy luận của Gladwell, thế hệ bắt đầu bước chân vào đại học lúc này mới có cơ hội hình thành tư duy mới. Và để những người này thành công, đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp kinh doanh phải là những năm 45-50 tuổi, tức là những năm 2020-2025, Việt Nam mới có thể xuất hiện những tỷ phú, những thương hiệu tầm vóc khu vực.
5. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là một người nếu chỉ sinh vào thế hệ đó, nắm được cơ hội của giai đoạn đó, liệu đã đủ để trở thành kẻ xuất chúng chưa? Câu trả lời đương nhiên là chưa. Malcoml Gladwell đưa thêm một điều kiện nữa, điều kiện có thể khiến bạn ngạc nhiên: để trở thành người xuất chúng thì bạn buộc phải thông minh, và phải là một trong những người rất thông minh, sáng láng và liều lĩnh của thế hệ đó. Nhưng ĐẶC BIỆT bạn không được quá thông minh. Nếu bạn quá thông minh bạn không có cơ hội để thành công. Thật kỳ cục! Nhưng sự thực là như vậy. Bởi những người thông minh nhất thường tính toán được mọi tình huống, cơ hội cũng như rủi ro có thể xảy ra; họ sẽ không dám mạo hiểm nắm lấy các cơ hội lớn trước mắt, đồng nghĩa với việc họ không thể có được những thành công xuất chúng. Gladwell phát hiện rằng không ai trong số những người được đánh giá là có chỉ số IQ cao nhất lại làm nên những thành công lớn lao. Dường như họ đều biến mất khi trưởng thành chỉ vì họ quá thông minh để có thể thành công. Ví dụ điển hình là Chris Langan, được mệnh danh là người thông minh nhất nước Mỹ với chỉ số IQ 195, tham gia cuộc chơi Đấu trường 100. Chris Langan đã từ bỏ cuộc chơi, đầu hàng khi đạt được mức thưởng 250.000 đô-la... vì không dám mạo hiểm ở câu hỏi tiếp theo. Nếu đã đến 250.000 đô-la rồi mà bỏ cuộc thì làm sao có thể giành được 1 triệu đô la? Trong khi đã từng có 3 người đạt được mức 1 triệu đô-la và chắc chắn họ không thông minh như Langan. Nhiều học giả Mỹ cũng đã nói rằng, những nhân vật thông minh nhất của Mỹ không thể trở thành Tổng thống. Gladwell đã thống kê và chứng minh rằng những người được giải Nobel cũng không phải là những người thông minh nhất khi còn bé...
6. Một nguyên tắc nữa để thành công là phải kiên trì rèn luyện: không có ai thành công mà không phải trải qua 10.000 giờ luyện tập. Hãy xem xét cường độ làm việc của những người xuất chúng như Bill Gates, ban nhạc The Beatle hay gần đây là Michael Jackson, bạn sẽ hiểu về nguyên lý Khổ Luyện Thành Tài. Riêng tôi, tôi cũng suy nghĩ mãi về con số 10.000 giờ luyện tập mà tác giả cuốn sách đưa ra. Mỗi năm mỗi người chỉ làm việc 300 ngày là cùng. Mỗi ngày một người làm việc nhiều là 8 giờ, nhưng gọi là làm việc thực sự có lẽ chỉ khoảng 3-4 giờ. 10.000 giờ như vậy tương đương với trên 8 năm, và thông thường là 10 năm rèn luyện. Đó là câu chuyện về những nghệ sĩ, nhạc sĩ tài danh…
7/ Quan điểm mới mẻ của M. Gladwell về thành công của “Những kẻ xuất chúng” chắc chắn sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhau, có thể bạn đồng tình, có thể bạn chưa hoàn toàn bị thuyết phục… Ở Việt Nam, liệu cách nhìn đó có hoàn toàn phù hợp? Áp dụng công thức này tìm kiếm những người “xuất chúng” của Việt Nam chắc chắn sẽ có một danh sách rất dài, bản thân tôi không thể nào tổng kết hết. Chúng tôi cũng mong muốn tìm hiểu về sự phát triển trong cuộc đời của những người Việt Nam từng được giải thưởng quốc tế hay các lứa học sinh, sinh viên trường chuyên, những thành viên các đội tuyển quốc gia. Việc tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công có thể sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà cải cách giáo dục đưa ra những quyết sách đúng đắn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ nhân tài mới cho nước Việt, hay đơn giản hơn giúp cho các bậc cha mẹ biết cách nuôi dạy con mình tốt hơn, giúp mỗi người chúng ta tự biết cách học và rèn luyện để trưởng thành và thành công hơn.
Biên tập: Meocon2485 / Openshare