Friday, June 12, 2009

Cần hiểu đúng về chức năng R&D

R&D (Research and Development), thường được dịch là “nghiên cứu và phát triển”, là cụm từ rất thường được dùng trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất.


Nếu như cách đây vài năm, hoạt động nghiên cứu và phát triển vẫn còn rất xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam thì thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ đã bắt đầu chú trọng đến hoạt động này. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có một bộ phận (hoặc phòng) R&D. Bộ phận này có nhiệm vụ chính là nghiên cứu để phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thực hiện chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Cũng chính vì sự “áp đặt” nhiệm vụ khá hạn hẹp này mà nhiều phòng R&D của doanh nghiệp Việt Nam chưa làm hết chức năng cần có của một đơn vị nghiên cứu và phát triển theo đúng nghĩa, dẫn đến khả năng phát triển của doanh nghiệp bị hạn chế, bó hẹp trong khuôn khổ sản phẩm thuần túy, cứng nhắc, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực doanh nghiệp.

Trên thế giới, chức năng nghiên cứu và phát triển không chỉ giới hạn ở việc cho ra đời sản phẩm mới. Một bộ phận R&D chuyên nghiệp trong một tập đoàn đa quốc gia thường “bao sân” đồng thời nhiều chức năng dưới đây.

Nghiên cứu - phát triển sản phẩm (Product R&D)

Đây là chức năng nghiên cứu và phát triển thuần túy về mặt sản phẩm nhằm cho ra đời những sản phẩm có thiết kế, chất liệu, đặc tính, công dụng mới. Chẳng hạn, sản phẩm nước mắm làm từ cá hồi, bột nêm làm từ rong biển, trà thảo mộc đóng chai, cửa nhựa uPVC… Hoạt động nghiên cứu và phát triển này thường chú trọng nhiều đến công thức sản phẩm, thành phần cấu tạo, màu sắc, hương vị, chất liệu, kiểu dáng sản phẩm… Ngoài ra, nghiên cứu và phát triển sản phẩm còn bao gồm cả việc nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có.

Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, chức năng này tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các dịch vụ mới với nội dung mới, đem lại lợi ích mới. Chẳng hạn như các tour du lịch đến những địa điểm mới, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp sử dụng chất liệu chiết xuất từ thiên nhiên, dịch vụ tắm bùn trong khu resort…

Nghiên cứu - phát triển bao bì (Packaging R&D)

Ngoài việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các loại hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bộ phận R&D còn có chức năng nghiên cứu, phát triển các loại chất liệu bao bì mới (khác với thiết kế kiểu dáng, màu sắc, trang trí, in ấn bao bì - thường do bộ phận marketing đảm nhiệm).

Chẳng hạn một công ty trong ngành nước giải khát tung ra các sản phẩm trà xanh đóng chai, được chiết rót ở nhiệt độ cao, buộc phải có một loại chai nhựa làm bằng chất liệu chịu nhiệt mà không bị biến dạng, không độc hại. Bộ phận R&D của công ty phải nghiên cứu để chọn một loại chất liệu phù hợp với chi phí hợp lý nhất cho sản phẩm mới này. Còn phần kiểu dáng sản phẩm, nhãn mác, việc trang trí gian hàng trưng bày đẹp, bắt mắt là do bộ phận tiếp thị đảm nhiệm. Đôi khi, việc nghiên cứu, phát triển bao bì còn nghiên cứu luôn cả các kiểu dáng đặc biệt của bao bì (ví dụ hộp sữa bằng giấy có hình bánh ú, hình chóp…), cũng như cách thức đóng gói bao bì tối ưu.

Việc nghiên cứu và phát triển bao bì đóng góp rất lớn vào thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khi, chỉ cần thay đổi chất liệu bao bì, trong khi vẫn giữ nguyên thành phần, chất lượng, số lượng sản phẩm bên trong, mức tiêu thụ sản phẩm đã có thể tăng lên nhiều lần. Bao bì cho các sản phẩm mì ăn liền là một ví dụ. Khi chuyển từ bao bì giấy sang bao bì nhựa, các sản phẩm mì gói của doanh nghiệp Việt Nam, vốn được định vị là bình dân, đã có thể cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm của nước ngoài, mặc dù chất lượng bên trong chưa thay đổi nhiều.

Nghiên cứu - phát triển công nghệ (Technology R&D)

Việc nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ sản xuất, chế biến tối ưu để cho ra đời sản phẩm (cả cũ lẫn mới) với chất lượng và giá thành tối ưu cũng là một trong những chức năng quan trọng của bộ phận nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, công nghệ lên men tự nhiên khác với công nghệ thủy phân bằng a-xít trong sản xuất nước tương, công nghệ sản xuất bia tươi khác với bia “luộc”, công nghệ pha chế hương liệu trong ngành thức uống…

Nghiên cứu - phát triển công nghệ bao gồm cả hoạt động “tình báo công nghệ”, nghiên cứu bí quyết công nghệ của đối thủ để bắt chước hoặc phát triển công nghệ mới cho mình.

Nghiên cứu - phát triển quá trình (Process R&D)

Bản chất của chức năng này là nghiên cứu, tìm kiếm các quá trình sản xuất, chế biến, lắp ráp, vận hành, phối hợp… tối ưu, được thể hiện bằng các quy trình cụ thể mang tính ứng dụng cao, đem lại hiệu suất và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Điển hình cho hoạt động này là việc nghiên cứu để cải tiến, phát triển các quy trình sản xuất (đối với sản phẩm), quy trình phục vụ (đối với dịch vụ), quy trình vận hành (đối với máy móc)… Hoạt động này có thể được xem là hoạt động nghiên cứu - phát triển “phần mềm” của sản phẩm, khác với “phần cứng” là chất liệu, công thức, bao bì sản phẩm, công nghệ sản xuất, chế biến…

Công tác nghiên cứu, phát triển “phần mềm” này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua, trong khi hiệu quả mang lại có khi còn cao hơn cả “phần cứng”. Đặc biệt, đối với các loại hình dịch vụ, việc nghiên cứu, phát triển các quy trình phục vụ mang ý nghĩa hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định trong sự thành công hay thất bại của loại hình dịch vụ đó.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, bộ phận R&D không thể không chú trọng đến một quy trình thật khoa học, thật hợp lý cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thường được đặt cho một tên gọi rất rõ ràng là “quy trình nghiên cứu - phát triển”. Quy trình này quy định trình tự các bước thực hiện trong hoạt động nghiên cứu - phát triển, mô tả sự phối hợp giữa bộ phận R&D với các bộ phận khác trong doanh nghiệp như marketing, sản xuất, kiểm soát chất lượng, tài chính…; từ việc tiếp nhận yêu cầu, nghiên cứu, phân tích, sản xuất thử, đến sản xuất hàng loạt...

Như vậy, hoạt động nghiên cứu và phát triển cần được hiểu rộng ra, không giới hạn trong khuôn khổ thuần túy và cứng nhắc của sản phẩm hoặc dịch vụ. Với cách hiểu này, chức năng của một phòng R&D sẽ được mở rộng, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi nghiên cứu, phát triển để nhờ đó doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực và tiết kiệm chi phí.

VicBrand tổng hợp tử bài viết của ông Nguyễn Hữu Long
- Giám đốc tư vấn Công ty CP Giải pháp phát triển doanh nghiệp (BDSC).

Thursday, June 11, 2009

Xây dựng thương hiệu B2B

Nhiều lãnh đạo xem marketing là lãnh địa riêng của các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng. Ðiều đó là hoàn toàn sai.

Trong số 10 thương hiệu có giá trị nhất thế giới theo tổ chức định giá thương hiệu Interbrand, có thể nhận thấy những gương mặt như Microsoft, Intel và IBM. Sản phẩm của họ không thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà phải thông qua sản phẩm của doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, họ lại có doanh thu B2B (business to business - doanh nghiệp đến doanh nghiệp) cao hơn nhiều so với việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng.

5 đặc điểm chung của các thương hiệu B2B

Nhóm nghiên cứu thuộc Ðại học Harvard đã nghiên cứu các thương hiệu B2B hàng đầu thế giới và nhận thấy chúng có 5 đặc điểm chung sau:

1. CEO (giám đốc điều hành) là người dẫn dắt các thành viên khác trong việc xây dựng, gìn giữ truyền thống, lịch sử thương hiệu. CMO (giám đốc marketing) có vai trò giúp đỡ CEO thực hiện nhiệm vụ trên.

2. CEO nhận thức rằng, việc xây dựng danh tiếng cho thương hiệu sẽ giảm rủi ro trong kinh doanh, bảo vệ công ty trước các cuộc khủng hoảng và có thể nối kết toàn bộ cổ đông.

3. Mọi nỗ lực đều nhằm xây dựng một thương hiệu toàn cầu duy nhất cho công ty, hơn là thương hiệu của từng sản phẩm riêng lẻ.

4. Lợi nhuận thu được từ việc dành chi phí cho hoạt động marketing phải đáp ứng được mong đợi của các chuyên viên tài chính và kỹ thuật, những người điều hành công ty B2B.

5. Phối hợp các website của công ty trên toàn thế giới, nhằm tạo ra một diện mạo thống nhất là cách tốt nhất để đảm bảo hoạt động marketing không trở nên riêng lẻ.

Tại sao xây dựng thương hiệu lại quan trọng với doanh nghiệp B2B?

Thứ nhất, đa phần các chuyên viên marketing B2B phải quảng bá hình ảnh công ty đến hàng ngàn doanh nghiệp khác. Họ không thể thực hiện điều này hiệu quả khi chỉ sử dụng đội ngũ bán hàng trực tiếp.

Thứ hai, nếu không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, mỗi CEO sẽ tự thực hiện chiến lược marketing riêng. Kết quả là xuất hiện một mớ logo, slogan hỗn độn, không thống nhất. Ðiều này khiến khách hàng rối và công ty trở nên vô tổ chức.

Thứ ba, các chuyên viên marketing B2B nhận ra rằng, khách hàng càng có ý thức về thương hiệu của công ty sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận, đồng thời xây dựng được niềm tin của khách hàng doanh nghiệp với công ty. Ðiều này sẽ bảo vệ công ty trước các đối thủ.

Có thể tham khảo một số trường hợp điển hình sau:

Intel là công ty sản xuất chip điện tử, một phần quan trọng của máy tính, nhưng họ không thể bán trực tiếp sản phẩm cho người tiêu dùng. Bằng cách làm cho chip Intel trở thành sự lựa chọn không thể thiếu của các công ty sản xuất máy tính, kết hợp quảng bá thương hiệu Intel Inside trên các sản phẩm và mẫu quảng cáo của khách hàng, Intel đã kích thích được nhu cầu về chip của Hãng.

Một ví dụ khác là công ty tư vấn doanh nghiệp Accenture (Mỹ). Chiến dịch Performance Delivered với sự góp mặt của tay golf số một thế giới Tiger Woods, đã xây dựng được hình ảnh tích cực của công ty trong nhận thức của hàng trăm ngàn người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp mà Accenture đang và sẽ cung cấp dịch vụ.

Hay liệu giá trị cổ phiếu của công ty hóa học Dupont (Mỹ) có được cao giá như hôm nay nếu Công ty không làm cho người tiêu dùng nhận thức được về Nylon, Lycra và Stainmaster và kết nối những cải tiến này với hình ảnh của Dupont? Chắc chắn là không.

VicBrand tổng hợp từ BusinessWeek

Wednesday, June 10, 2009

5 bước để có bản đề án kinh doanh hiệu quả

Bạn có ý thưởng đột phá trong kinh doanh? Thị trường đang cần gì, bạn muốn bán gì, cho ai và như thế nào? Vậy thì tất cả những gì bạn cần bây giờ chính là một bản đề án kinh doanh.


Rất nhiều người khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng kinh doanh mình ấp ủ e ngại về một bản đề án kinh doanh. Họ cho rằng đó là những giấy tờ phức tạp và không mấy hữu ích, thậm chí chỉ làm cho con đường trở thành nhà kinh doanh tiên phong của họ thêm khó khăn. Thực tế không phải vậy.

Một bản đề án kinh doanh là hết sức cần thiết vì khi đó bạn sẽ có cái nhìn tổng thể về hoạt động kinh doanh bạn sẽ tiến hành. Thay vì những tưởng tượng mơ hồ về khách hàng cơ bản hay lợi nhuận tiềm năng, bản đề án đề cập đến mọi vấn đề một cách rõ ràng, bạn sẽ phải suy nghĩ thấu đáo và hạn chế đến mức tối thiểu những sai sót trong kinh doanh mà bạn có thể phải đánh đổi bằng cả sự nghiệp ấp ủ, cả những khoản tiết kiệm bấy lâu và đôi khi là cả sự nghiệp của bạn.

Bên cạnh đó một bản đề án còn là công cụ để thu hút sự quan tâm của người khác vào ý tưởng của bạn. Một bản đề án kỹ lưỡng cho thấy sự nghiêm túc của bạn khi theo đuổi một ý tưởng chứ không phải chỉ đơn thuần là một ý tưởng không tưởng. Bản đề án còn nói lên sự chuyên nghiệp và hiểu biết của bạn trong khởi sự cũng như vận hành dự án. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn cần đến sự tài trợ về tài chính.

Vậy tại sao bạn không bắt tay vào làm một bản đề án không quá phức tạp như bạn đã từng nghĩ với năm bước sau:

Tóm tắt khái quát

Đây là phần nên xuất hiện đầu tiên trong bản đề án, nhưng thực tế bạn nên viết sau cùng bởi lẽ như chính tên gọi của nó cho thấy đây là phần tổng hợp toàn bộ nội dung của bản đề án. Rất nhiều người đọc chỉ quan tâm đến phần này nên bạn phải chắc chắn rằng phần mở đầu này được viết cẩn thận và bao quát. Nghe có vẻ như rất khó khăn nhưng thực tế không hề phức tạp. Bạn phải chắc chắn đã nắm rõ toàn bộ kế hoạch kinh doanh, lập một danh sách những thông tin mà bạn cho là quan trọng nhất hoặc bạn thực sự muốn thu hút sự chú ý của người đọc nhất và đưa nó vào phần khái quát.

Tổng quan về công ty

Đây là phần sẽ thay bạn nói lên những gì bạn đang ấp ủ và bạn sẽ lên kế hoạch cho nó như thế nào. Thông thường phần này sẽ bao gồm tầm nhìn, sứ mạng và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp, những mục tiêu và chiến lược mà bạn đề ra cho công ty mình sắp thành lập.

Sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp có thể nói ngắn gọn lại là trả lời cho những câu hỏi sau: Tôi sẽ bán cái gì? Bán cho ai? Và tại sao? Không nhất thiết là phải gói trong một câu, nhưng hãy cố gắng ngắn gọn nhất có thể.

Mục tiêu và chiến lược thường gây bối rối cho những người lần đầu cầm bút viết đề án. Chỉ cần ghi nhớ điều này bạn sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn: Mục tiêu là những gì doanh nghiệp đặt ra để đạt được, còn chiến lược là làm thế nào để đạt được mục tiêu đó.

Môi trường kinh doanh

Phần này thường yêu cầu một vài bản khảo sát tìm hiểu những thông tin về ngành, thị trường và các đối thủ cạnh tranh. Có một cái nhìn khách quan về lĩnh vực mà bạn chuẩn bị tham gia, hãy chú trọng đến cấu trúc, xu hướng cũng như những rào cản có thể có trong ngành. Nếu đó là một lĩnh vực hoàn toàn mới thì phải chắc chắn rằng tồn tại nhu cầu cho mặt hàng của bạn và lượng cầu phải đủ để bạn tiến hành cung cấp. Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh và quyết định xem bạn có thể làm gì để cá biệt hóa so với họ. Bên cạnh đó tìm hiểu khách hàng tiềm năng để tìm mọi cách khai thác tối đa các nhu cầu của họ. Nếu bạn càng hiểu họ thì khả năng họ trở thành khách hàng của bạn càng lớn.

Mô tả công ty

Đã đến lúc bạn đưa một bức tranh chi tiết về công ty tương lai của mình. Không còn đơn thuần là bạn sẽ bán cái gì mà là bạn sẽ phục vụ những ai, bạn cần những nguồn lực nào, bạn sẽ tìm kiếm nguồn nhân lực ra sao, bạn xử dụng kênh phân phối nào,... Tất cả sẽ tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về công ty của bạn.

Kế hoạch hành động

Và bạn sang những trang cuối cùng của bản đề án, đó là những bước đi bạn sẽ bắt tay vào thực hiện ngay để bắt đầu dự án. Những sách lược này cũng thể hiện những mục tiêu và chiến lược mà bạn vừa vạch ra ở trên.

Ngoài những nội dung cơ bản trên, bản đề án cũng có thể bao gồm chính sách tài chính, nhất là khi bạn muốn khai thác nguồn vốn bên ngoài. Mục này đòi hỏi đào sâu suy nghĩ và viết cẩn thận hơn vì bạn sẽ phải đưa ra lợi nhuận tiềm năng và chứng minh sự chắc chắn trong hoạt động tài chính của dự án. Điều quan trọng nhất là bạn phải dựa trên những tính toán và ước lượng thực tế chứ không phải đơn giản là những kỳ vọng quá lạc quan. Hãy chứng minh rằng ý tưởng kinh doanh của bạn khả thi và có thể sinh lời. Bây giờ bạn có thể tự tin viết một bản đề án cho ý tưởng của bạn ngay chứ?

VicBrand tổng hợp

Tuesday, June 09, 2009

Viết bản kế hoạch Marketing

Làm cách nào để biết liệu những ý tưởng tuyệt vời về sản phẩm mới của bạn có thực sự đáng để đặt cược vào sự thành công của nó hay không?


Tôi không phải là một tay cờ bạc máu lạnh, bởi vì tôi không thể không cười nhăn nhở như một thằng ngốc khi thắng cược hay nhăn nhó như một thằng hề đáng thương khi thua cược. Tôi cũng không bao giờ dám cược tất tay vào thành công của “những sản phẩm mới và được cho là tuyệt vời”, cho dù đó là cá cược với nhà cái hay ngoài đời, bởi vì trong rất nhiều trường hợp, điều “tuyệt vời” duy nhất là cái cách mà người tiêu dùng hoàn toàn không hề màng đến sản phẩm đó.

Khi chúng tôi gây dựng doanh nghiệp kinh doanh phần mềm, đã có những lúc chúng tôi nảy ra những ý tưởng mà chúng tôi cho rằng đó là những phần mềm tuyệt vời -- tuyệt vời đến mức mà chúng tôi nghĩ rằng toàn bộ nhân loại sẽ phải thấp thỏm, theo dõi để rồi xếp hàng dài để trả tiền mua sản phẩm đó. Sau hàng trăm giờ công và hàng nghìn đôla tiêu tốn vào việc phát triển sản phẩm và cuối cùng cũng tung được sản phẩm ra thị trường, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy rằng người duy nhất thấy sản phẩm phần mềm đó tuyệt vời là chúng tôi mà không phải ai khác.

Chúng tôi đã khiến cho cả nhân loại phải ngáp dài. Kể ra đó cũng là một “thành tích đáng nể” đấy chứ.

Nhiều khi ý tưởng sản phẩm mà bạn cho là tốt thì trên thực tế lại không có thị trường cho sản phẩm đó. Nhận định trên vẫn đúng khi áp dụng đối với trường hợp không có sự cạnh tranh đối với sản phẩm đó. Tình trạng hoàn toàn không có cạnh tranh đối với sản phẩm đó đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với sản phẩm cũng không tồn tại.

Hiếm khi có sản phẩm nào ra đời và tạo ra cả một cuộc cách mạng đối với ngành công nghiệp đó. Trường hợp một sản phẩm tự tạo ra một ngành công nghiệp mới thì lại càng hiếm hơn.

Vậy thì làm cách nào để biết liệu những ý tưởng tuyệt vời về sản phẩm mới của bạn có thực sự đáng để đặt cược vào sự thành công của nó hay không? Sự thực là bạn không bao giờ có thể dám chắc 100% rằng ý tưởng của bạn sẽ bán được các sản phẩm. Cho dù bạn rất say sưa với ý tưởng đó hay bạn bè cũng rất hào hứng với ý tưởng đó, thành công của ý tưởng đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà rất nhiều những yếu tố này lại nằm ngoài sự kiểm soát của bạn.

Xin điểm qua một vài yếu tố có thể ảnh hưởng đến thành công của sản phẩm mới:

1. Tính thực tế của ý tưởng sản phẩm: đây có thực sự là một ý tưởng sản phẩm tốt có tiềm năng tạo ra nguồn thu hay chỉ là một biểu hiện nhất thời mà nên quên đi thì hơn?

2. Những người đứng sau ý tưởng đó: một đội ngũ thích hợp để có thể tạo ra sự khác biệt.

3. Những nguồn lực cần thiết để đem sản phẩm từ giai đoạn phác thảo đến tay người tiêu dùng: Bạn có đủ kiên định, kiến thức, quan hệ, vốn và hàng trăm thứ khác cần thiết để biến ý tưởng từ giai đoạn phác thảo đến khâu giao hàng?

4. Nhu cầu đối với sản phẩm đó trên thị trường: liệu sản phẩm đó có đáp ứng được nhu cầu hay gãi đúng chỗ ngứa hay không?

5. Cạnh tranh: liệu thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh hay không? Nếu đã có nhiều đối thủ cạnh tranh, thì cần phải làm gì để sản phẩm của bạn có thể đi trước một bước so với đám đông?

Trước khi bạn đầu tư quá nhiều thời gian và tiền bạc vào ý tưởng của mình, hay tiến hành một nghiên cứu nhỏ để xác định xem liệu ý tưởng đó có đáng để đặt cược hay không. Nghiên cứu thị trường đối với những sản phẩm tương tự. Xin nhắc lại, nếu không có những sản phẩm tương tự trên thị trường, điều đó có thể đồng nghĩa với việc không có thị trường cho sản phẩm đó. Nếu thực sự không có sản phẩm nào giống như sản phẩm của bạn, hãy nghiên cứu những sản phẩm tương tự mà có thể khỏa lấp khoảng trống tương tự trong đời sống của người tiêu dùng. Hãy tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể tìm hiểu về những sản phẩm đó: về cách tính giá, về thị phần, về quá trình phát triển của những sản phẩm đó và ...

Và hãy nghiên cứu về tình hình cạnh tranh nữa. Xin nhắc lại, nếu không có cạnh tranh, rất có thể là thị trường cho những sản phẩm tương tự như sản phẩm của bạn cũng không có. Nếu thị trường có cạnh tranh, hãy nghiên cứu sự cạnh tranh một cách đầy đủ (nghiên cứu về những đối thủ lớn và đối thủ nhỏ) để xác định xem thực tế bạn có đủ khả năng cạnh tranh để dành thị phần hay không.

Xác định đối tượng khách hàng bạn nhắm tới là ai và đề nghị họ đánh giá chân thực về ý tưởng sản phẩm của bạn và khả năng tiêu thụ đối với sản phẩm đó. Tránh không hỏi bạn bè và người thân, vì họ thường nói những điều mà bạn muốn nghe. Nếu khách hàng mục tiêu của bạn là một phụ nữ 35 tuổi, hãy nêu ý tưởng sản phẩm với tất cả những phụ nữ 35 tuổi mà bạn gặp và thăm dò, đánh giá những phản ứng của họ (miễn là trong phạm vi cho phép).

Lời khuyên tốt nhất của tôi là khi đánh giá về những ý tưởng sản phẩm mới, hãy lắng nghe cái đầu chứ không phải trái tim của bạn. Đó là một bài học mà tôi đã mất nhiều năm mới rút ra được. Những sản phẩm mới mà tôi đã đầu tư vào nhiều tới mức mà chỉ cần được 5 xu cho mỗi sản phẩm, tôi đã có thể chơi vài ván poker rồi.

VicBrand tổng hợp

Đánh giá ý tưởng và những mục tiêu lớn của bạn

Làm cách nào để biết liệu những ý tưởng tuyệt vời về sản phẩm mới của bạn có thực sự đáng để đặt cược vào sự thành công của nó hay không? Tôi không phải là một tay cờ bạc máu lạnh, bởi vì tôi không thể không cười nhăn nhở như một thằng ngốc khi thắng cược hay nhăn nhó như một thằng hề đáng thương khi thua cược. Tôi cũng không bao giờ dám cược tất tay vào thành công của “những sản phẩm mới và được cho là tuyệt vời”, cho dù đó là cá cược với nhà cái hay ngoài đời, bởi vì trong rất nhiều trường hợp, điều “tuyệt vời” duy nhất là cái cách mà người tiêu dùng hoàn toàn không hề màng đến sản phẩm đó.

Khi chúng tôi gây dựng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ đầu tư chứng khoán (www.Cophieu.com ), đã có những lúc chúng tôi nảy ra những ý tưởng mà chúng tôi cho rằng đó là những dịch vụ tuyệt vời và hữu dụng -- tuyệt vời đến mức mà chúng tôi nghĩ rằng toàn bộ các nhà đầu tư sẽ phải thấp thỏm, theo dõi để rồi xếp hàng dài để trả tiền mua các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chứng khoán đó. Sau hàng trăm giờ công và hàng chục nghìn đô la tiêu tốn vào việc phát triển nội dung và cuối cùng cũng tung được dịch vụ ra thị trường, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy rằng người duy nhất thấy dịch vụ đó tuyệt vời là chúng tôi mà không phải ai khác.

Chúng tôi đã khiến cho cả nhân loại phải ngáp dài. Kể ra đó cũng là một “thành tích đáng nể” đấy chứ.

Nhiều khi ý tưởng sản phẩm mà bạn cho là tốt thì trên thực tế lại không có thị trường cho sản phẩm đó. Nhận định trên vẫn đúng khi áp dụng đối với trường hợp không có sự cạnh tranh đối với sản phẩm đó. Tình trạng hoàn toàn không có cạnh tranh đối với sản phẩm đó đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với sản phẩm cũng không tồn tại.

Hiếm khi có sản phẩm nào ra đời và tạo ra cả một cuộc cách mạng đối với ngành công nghiệp đó. Trường hợp một sản phẩm tự tạo ra một ngành công nghiệp mới thì lại càng hiếm hơn.

Vậy thì làm cách nào để biết liệu những ý tưởng tuyệt vời về sản phẩm mới của bạn có thực sự đáng để đặt cược vào sự thành công của nó hay không? Sự thực là bạn không bao giờ có thể dám chắc 100% rằng ý tưởng của bạn sẽ bán được các sản phẩm. Cho dù bạn rất say sưa với ý tưởng đó hay bạn bè cũng rất hào hứng với ý tưởng đó, thành công của ý tưởng đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà rất nhiều những yếu tố này lại nằm ngoài sự kiểm soát của bạn.

Vậy thì làm cách nào để biết liệu những ý tưởng tuyệt vời về sản phẩm mới của bạn có thực sự đáng để đặt cược vào sự thành công của nó hay không? Sự thực là bạn không bao giờ có thể dám chắc 100% rằng ý tưởng của bạn sẽ bán được các sản phẩm. Cho dù bạn rất say sưa với ý tưởng đó hay bạn bè cũng rất hào hứng với ý tưởng đó, thành công của ý tưởng đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà rất nhiều những yếu tố này lại nằm ngoài sự kiểm soát của bạn.

Xin điểm qua một vài yếu tố có thể ảnh hưởng đến thành công của sản phẩm mới:

1. Tính thực tế của ý tưởng sản phẩm: đây có thực sự là một ý tưởng sản phẩm tốt có tiềm năng tạo ra nguồn thu, hay chỉ là một biểu hiện nhất thời mà nên quên đi thì hơn?

2. Những người đứng sau ý tưởng đó: một đội ngũ thích hợp để có thể tạo ra sự khác biệt?

3. Những nguồn lực cần thiết để đem sản phẩm từ giai đoạn phác thảo đến tay người tiêu dùng: Bạn có đủ kiên định, kiến thức, quan hệ, vốn và hàng trăm thứ khác cần thiết để biến ý tưởng từ giai đoạn phác thảo đến khâu giao hàng?

4. Nhu cầu đối với sản phẩm đó trên thị trường: liệu sản phẩm đó có đáp ứng được nhu cầu hay gãi đúng chỗ ngứa hay không?

5. Cạnh tranh: liệu thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh hay không? Nếu đã có nhiều đối thủ cạnh tranh, thì cần phải làm gì để sản phẩm của bạn có thể đi trước một bước so với đám đông?

Trước khi bạn đầu tư quá nhiều thời gian và tiền bạc vào ý tưởng của mình, hay tiến hành một nghiên cứu nhỏ để xác định xem liệu ý tưởng đó có đáng để đặt cược hay không. Nghiên cứu thị trường đối với những sản phẩm tương tự. Xin nhắc lại, nếu không có những sản phẩm tương tự trên thị trường, điều đó có thể đồng nghĩa với việc không có thị trường cho sản phẩm đó. Nếu thực sự không có sản phẩm nào giống như sản phẩm của bạn, hãy nghiên cứu những sản phẩm tương tự mà có thể khỏa lấp khoảng trống tương tự trong đời sống của người tiêu dùng. Hãy tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể tìm hiểu về những sản phẩm đó: về cách tính giá, về thị phần, về quá trình phát triển của những sản phẩm đó và vân vân.

Và hãy nghiên cứu về tình hình cạnh tranh nữa. Xin nhắc lại, nếu không có cạnh tranh, rất có thể là thị trường cho những sản phẩm tương tự như sản phẩm của bạn cũng không có. Nếu thị trường có cạnh tranh, hãy nghiên cứu sự cạnh tranh một cách đầy đủ (nghiên cứu về những đối thủ lớn và đối thủ nhỏ) để xác định xem thực tế bạn có đủ khả năng cạnh tranh để dành thị phần hay không.

Xác định đối tượng khách hàng bạn nhắm tới là ai và đề nghị họ đánh giá chân thực về ý tưởng sản phẩm của bạn và khả năng tiêu thụ đối với sản phẩm đó. Tránh không hỏi bạn bè và người thân, vì họ thường nói những điều mà bạn muốn nghe. Nếu khách hàng mục tiêu của bạn là một phụ nữ 35 tuổi, hãy nêu ý tưởng sản phẩm với tất cả những phụ nữ 35 tuổi mà bạn gặp và thăm dò, đánh giá những phản ứng của họ (miễn là trong phạm vi cho phép).

Lời khuyên tốt nhất của tôi là khi đánh giá về những ý tưởng sản phẩm mới, hãy lắng nghe cái đầu chứ không phải trái tim của bạn. Đó là một bài học mà tôi đã mất nhiều năm mới rút ra được.

VicBrand tổng hợp

Monday, June 08, 2009

Câu chuyện kinh doanh: hơn 150 năm thương hiệu Louis Vuitton

Sau hơn 150 năm liên tục nỗ lực đổi mới, thương hiệu Louis Vuitton nổi tiếng đã chứng minh được vị thế hàng đầu so với những tên tuổi lớn của ngành thời trang.

Công ty Louis Vuitton là một công ty và nhãn hiệu thời trang xa xỉ của Pháp , có trụ sở tại Paris, Pháp. Đây là một ban của công ty cổ phần Pháp LVMH Louis Vuitton Moët Hennessy S.A.

Công ty được đặt tên theo tên người sáng lập ra hãng là Louis Vuitton, người đã thiết kế và sản xuất hành lý như một Malletier trong nửa sau của thế kỷ 19.

Công ty này sản xuất các mặt hàng da thuộc, thời trang, prêt-à-porter, trang sức. Nhiều sản phẩm của công ty sử dụng tên hiệu màu nâu, cả hai được sử dụng lần đầu cuối thế kỷ 19. Tất cả các sản phẩm của công ty sử dụng các chữ viết tắt LV.

Công ty có hệ thống các cửa hiệu khắp thế giới để kiểm soát chất lượng và giá cả sản phẩm của mình và tránh hàng giả, hàng nhái lọt vào các kênh phân phối của mình. Louis Vuitton đã trở thành thương hiệu thời trang bị làm giả nhiều nhất trong lịch sử thời trang, với chỉ hơn 1% có logo Vuitton là không bị làm giả.

Louis Vuitton là ai?

Louis Vuitton (4/8/1821 – 27/3/1892) nhà sáng lập công ty cùng tên, sinh tại Jura, Pháp (giờ thuộc Lavans-sur-Valouse). Vào năm 1835, ông đi bộ từ Jura đến Paris trong chuyến hành trình dài hơn 400 km. Dọc cuộc hành trình, ông làm đủ mọi nghề nhỏ nhặt để chi trả trong suốt đoạn đường mà ở đó, ông đã làm từ người thợ đóng hòm cho đến người quản gia xuất chúng.

Suốt quá trình trải nghiệm, ông tích lũy được những kiến thức chuyên ngành, hiểu rõ điều gì tạo nên chiếc túi xách du lịch chất lượng tốt. Chính từ đó ông bắt đầu tự thiết kế túi xách cho mình, tạo lập nên nền tảng của thương hiệu LV.

Quá trình phát triển của thương hiệu

Thời gian trôi qua thương hiệu Vuitton đã được toàn thế giới biết đến. Thương hiệu này đã nhận được huy chương đồng tại Hội Chợ Quốc Tế năm 1867 và huy chương vàng tại Hội Chợ Quốc Tế năm 1889 tại Paris. Sau khi Louis mất vào năm 1892, con trai của ông đã hết sức thành công trong việc đưa thương hiệu này lên một tầm cao mới. Thương hiệu được đóng trực tiếp trên sản phẩm như hiện nay là ý tưởng của con trai Louis Vuitton để ngăn chặn hàng giả.

2004: Louis Vuitton kỷ niệm sinh nhật lần thứ 150 trên khắp thế giới. Trong năm này, LV tuyên dương các cửa hiệu tại New York, Sao Paulo và Johannesburg, mở cửa hàng đầu tiêu tại Thượng Hải. 2005: Cửa hàng Champs-Élysées của Louis Vuitton mở trở lại (từng nổi danh là cửa hàng LV lớn nhất thế giới) và tung ra bô sưu tập đồng hồ Speedy 2006: LV khánh thành Espace Louis Vuitton và xuất bản sách “Louis Vuitton Icons”

Giờ đây sản phẩm nhãn hiệu Vuitton đã có mặt tại hơn 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 314 cửa hàng (lớn nhất là tại góc đại lộ Champs - Elysées, Paris, rộng 1.800m2, với 5 tầng), và là nhãn hiệu hàng xa xỉ đứng đầu thế giới. Vuitton có mức lãi hằng năm lên đến 40 - 45%, các sản phẩm được làm trong 14 xưởng (tại Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ), sử dụng 10.000 nhân viên, trong đó 3.600 người chế tạo túi xách (có đến 80% công đoạn sản xuất túi xách được làm bằng tay).

Tập đoàn LVMH còn sở hữu rất nhiều thương hiệu sang trọng khác như Kenzo, Celine, DKNY, Marc Jacobs, Fendy, Givenchy, nước hoa Dior, Guerlain, đồng hồ TAG, Fred, Chaumet, Omas v.v..

Người Nhật, Mỹ là những khách hàng lớn nhất của Vuitton. Tại Trung Quốc cũng đã có 9 cửa hàng của nhãn hiệu này. Mỗi năm, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Vuitton (hiện nay là Yves Carcelle) tìm cách chinh phục thêm một xứ. Bởi ngày nay, phụ nữ (kể cả thiếu nữ) thích phẩm chất hơn là số lượng. Mà Louis Vuitton là món hàng đủ đáp ứng nhu cầu của họ.

Người tiêu dùng nước nào thích LV nhất?

Trong số 3 tỷ USD doanh thu toàn cầu mà nhãn hiệu Louis Vuitton đạt được năm qua, 88% do người Nhật góp phần. Năm 2002, chỉ trong ngày đầu khai trương shop mới nhất của Louis Vuitton tại Omotesando, Tokyo, doanh thu đã là 1,04 triệu USD.

Louis Vuitton vào Việt Nam khi nào?

Louis Vuitton du nhập vào Việt Nam từ thời thuộc Pháp nhờ những quý tộc Pháp thỉnh thoảng lạc bước đến "Hòn ngọc Viễn Đông" này. Louis Vuitton kén khách trước hết bởi giá của nó khiến cả những người thu nhập khá của Việt Nam cũng phải cân nhắc. Thậm chí, không ít người nghĩ rằng mặt hàng này ở Việt Nam chỉ để làm một món quà tặng đối với những người muốn lấy lòng nhau.

Những ai có đủ khả năng để sở hữu sản phẩm Louis Vuitton? Họ là những người giàu sang, thành đạt như doanh nhân, nghệ sĩ, khách du lịch, chính khách, Việt kiều... Hầu hết đều có điểm chung là yêu và hiểu cái đẹp. Nếu một người đã sử dụng sản phẩm của Louis Vuitton thì ít khi chọn sản phẩm của các hãng khác. Vì thế mà Louis Vuitton luôn có những khách hàng trung thành của mình.

Thương hiệu này đã có khoảng thời gian hoạt động hơn 10 năm tại Việt Nam. Hai thị trường khai thác chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Những điều ít biết về thương hiệu Louis Vuitton

1. Chỉ có Made in France mới là hàng xịn ? Sai. Song song với việc xuất xưởng các sản phẩm tại Pháp, từ 25 năm nay LV còn sản xuất các sản phẩm tại Mĩ, Tây Ban Nha, Đức và Ý.

2. Tôi đã từng thấy LV giảm giá (sale off, soldes) ? Sai. LV là nhãn hiệu duy nhất cho tới giờ mà BCBG được biết chưa từng giảm giá một mặt hàng nào trong các đợt khuyến mãi, ít nhất là tại Pháp. LV chỉ bán giá ưu đãi các sản phẩm đã quá 3 năm tuổi cho nhân viên với số lượng cực kì có hạn và khép kín. Vì vậy cách tốt nhất để mua một sản phẩm của LV (với giá thấp nhất có thể) là vào cửa hàng bán lẻ LV gần nhất.

3. Người ta vẫn có thể mua được đồ LV với giá rẻ hơn trong cửa hàng bán lẻ chính hãng ? Đúng. Với điều kiện đó là những sản phẩm second-hand hoặc người bán muốn thua lỗ !!!

4. Code của LV? Mỗi sản phẩm LV đều có chứa một "Data Code" và một số serie, không bao giờ là một số hiệu model. Đồ LV thật bao giờ cũng có 6 kí tự chỉ ngày tháng sản xuất hoặc số serie. Từ trái qua phải, 2 kí tự đầu là chữ và 4 kí tự cuối là số. Nếu là "hàng xịn", code đó phải tuân thủ qui tắc sau :

Kí tự thứ 3 chỉ có thể là 0 hoặc 1

Kí tự thứ 4 chỉ có thể là 8, 9 hoặc 0

Kí tự thứ 5 và 6 là các con số từ 0-9

Các sản phẩm nhiều màu (single multicolor item) phải kết thúc bằng 3, 4 hoặc 5, không có ngoại lệ (ví dụ như Cherry Blosom chẳng hạn).

Nếu bạn thấy 1 sản phẩm "kiểu LV" nào kể từ 2007 đổ lại không tuân theo qui tắc trên, đó là hàng nhái.

5. Mã vạch ? Không có ! Mã vạch (Code bar) chỉ dành riêng cho các điểm bán hàng của LV. Người ta không bao giờ đưa mã cho người tiêu dùng. Một thẻ LV và một hoá đơn là quá đủ.

6. Hình thức của đồ LV xịn? Đồ LV thường được khâu tay cân xứng và thẳng hàng. Màu nhạt, đường may không phẳng là dấu hiệu của một món đồ giả.

7. Một người tự giới thiệu là nhân viên bán hàng chính hãng của LV quảng cáo với bạn? Một cửa hàng chuyên bán đồ LV xài rồi ? Hệ thống Louis Vuitton được sắp xếp theo kiểu công ti "Mẹ-Con" với các giám đốc theo từng cấp bậc, ví dụ LV Hà Nội -> LV Việt nam -> LV Đông Nam Á -> LV Châu Á -> LV thế giới, đầu não nằm ở Pháp (dĩ nhiên ). Như đã nói, LV không cấp phép cho bất cứ cá nhân (hoặc công ti) nào làm đại lí của họ mà chỉ trực tiếp mở các chi nhánh khắp nơi trên toàn thế giới.

8. Logo "LV" xịn bao giờ cũng được đặt ở vị trí chính giữa túi ? Đúng. Chúng không bao giờ nằm lệch một bên, dịch lên các mép hay làm nền, ngoại trừ các túi kiểu bụi (vintage).

9. Chữ LV bị lộn ngược hay nằm ngang là đồ rởm ? Sai. Với các sản phẩm da 1 miếng may vòng theo chiều ngang hoặc dọc thì ta sẽ có 2 mặt logo khác nhau. Tuy nhiên đồ LV giả đúng là thường không cân xứng và có kích thước bất hợp lí..

10. Đồ da LV xịn không bao giờ bị đổi màu ? Sai. Ngược lại chỉ có hàng rởm mới không chuyển màu. Các quai xách túi LV (và các chi tiết tô điểm) được làm bằng da bò chất lượng tốt, có màu vàng nhạt lúc mới sử dụng. Chúng không bao giờ chuyển sang màu trắng hơn mà thường trở nên hoen vàng tự nhiên rồi cuối cùng là màu mật ong. Tuy bị đổi màu nhưng hàng da của LV rất bền, nhiều khi tồn tại cả thế kỉ.

11. Đồ Louis Vuitton multi-color thật và giả khó phân biệt ? Sai. Đồ thật có tới tận 33 màu sắc (9 chữ LVs và 24 bông hoa màu khác nhau) . Đồ rởm trên thị trường chỉ sử dụng maximum 20 màu

12. LV không bao giờ treo mạc (giấy, bìa, vải, da ...) lên trên sản phẩm của họ? Đúng.

13. Cửa hàng LV ít khi bọc sản phẩm của họ vào trong các túi nilon? Đúng. Ngay cả các kho hàng cũng hiếm khi bỏ sót bọc tay cầm túi xách LV trước khi giới thiệu cho khách.

VicBrand tổng hợp

Chiến thuật marketing khôn ngoan nhằm nâng cao doanh thu

Cho dù ngân quỹ tiếp thị của bạn là bao nhiêu thì các chiến lược tiếp thị hiệu quả sau đây cũng cần được chú ý.

Đôi khi việc chọn chiến lược tiếp thị tốt nhất cũng tương tự như việc đi ăn nhà hàng có thực đơn không giới hạn số món. Ngay cả các doanh nhân có ngân quỹ tiếp thị eo hẹp hay thị trường hẹp nhỏ cũng có hàng tá các lựa chọn. Khó có thể phân chia rạch ròi, chiến lược tốt nhất với các chiến lược còn lại. Một chiến lược tốt sẽ có ba tiêu chí sau:

* Tiếp cận tới nhóm khách hàng tiềm năng nhất.

* Đặt thông điệp vào tình huống phù hợp nhất.

* Cho bạn đủ không gian/thời gian hướng dẫn khách hàng tiềm năng phải làm gì.

Trang Kinhdoanh.com chuyên về cung cấp thông tin, hướng dẫn khởi nghiệp tập chung quảng cáo bằng các từ khóa Adwords về Khởi nghiệp kinh doanh trên công cụ tìm kiếm Google. Khi các doanh nhân tiềm năng đánh từ khóa để tìm thông tin về Khởi nghiệp kinh doanh thì trang Kinhdoanh.com sẽ hiện ra thông điệp giới thiệu phù hợp. Việc quảng cáo này nhằm đúng tới các doanh nhân tiềm năng, và đang tìm thông tin liên quan và họ dễ dàng tiếp thu nội dung được nhất.

Mọi chiến lược tiếp thị hiệu quả đều cần dành thời gian, không gian cho khách hàng hành động. Đây có thể đơn giản chỉ là số điện thoại gọi miễn phí hay phức tạp như thư gửi trực tiếp với nhiều gói khuyến mại. Nhưng một chiến lược tiếp thị hiệu quả luôn nói cho khách hàng tiềm năng cần phải làm gì tiếp theo. Nếu bạn chưa có nhóm chiến lược nào, hãy tham khảo các ý tưởng sau đây.

* Quảng cáo truyền thông ngoài trời: Một số ví dụ là bảng quảng cáo ngoài trời, quảng cáo bên trong, ngoài và trên nóc xe taxi và xe buýt, viết chữ bằng khí trên nền trời bằng máy bay chuyên dụng. Phương pháp quảng cáo viết chữ trên nền trời thu hút rất nhiều khán giả khá phổ biến tại các nước phát triển nhưng vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam.

* Quảng cáo trực tuyến: Hiển thị các quảng cáo trên các trang mục tiêu dẫn đường liên kết tới trang web của mình. Dịch vụ quảng cáo bằng cách đấu giá từ khóa quảng cáo của công cụ tìm kiếm Google Adwords và Yahoo Overture định hướng đúng trọng tâm người tìm thông tin. Ngoài ra dịch vụ quảng cáo theo gửi bản tin trực tuyến cho các cá nhân đăng ký nhận tin cũng ngày càng trở lên phổ biến hơn tại Việt Nam do mức chi phí phù hợp.

* Tiếp thị thư mời trực tiếp: Gửi thư trực tiếp tới danh sách khách hàng tiềm năng dựa vào danh sách địa chỉ được lựa chọn của dịch vụ gửi thư mời trực tiếp chuyên nghiệp. Nếu bạn gửi thư tập chung theo vùng hoặc theo dạng ấn phẩm thì có thể được giảm giá hơn so với tem thường. Gửi email hàng loạt theo danh sách người đăng ký nhận tin cũng là giải pháp chi phí thấp tuy nhiên cũng cần xem xét tính hiệu quả của mỗi chiến dịch gửi.

* Quảng cáo truyền thanh hoặc truyền hình: Quảng cáo truyền thanh là sự lựa chọn tuyệt vời đối với một số sản phẩm do nhà quảng cáo có thể lựa chọn chương trình và kênh phù hợp với nhóm thính giả mục tiêu. Quảng cáo truyền hình có khả năng tiếp cận nhiều khán giả hơn nhưng chi phí khá cao đối với chương trình trung ương như VTV1, VTV3.

* Quảng cáo bằng ấn phẩm: Các hình thức quảng cáo bằng ấn phẩm như báo, tạp chí khá đa dạng để bạn lựa chọn. Bạn có thể chọn theo báo ngày, tuần theo các tạp chí chuyên ngành hàng tuần, hàng tháng. Nếu bạn dự kiến khách hàng mục tiêu theo vị trí địa lý, các báo địa phương có thể là cơ hội phù hợp để quảng cáo sản phẩm của bạn.

* Quảng cáo trên phương tiện phi truyền thống: Từ các nhãn decal có hình dính trên quả trong siêu thị đến bút hoặc đồ văn phòng phẩm có in lời giới thiệu sản phẩm, công ty bạn. Đây là nơi bạn thể hiện sức sáng tạo của mình.

* Triển lãm và dịp giới thiệu sản phẩm: Các cuộc triển lãm thương mại hoặc hàng tiêu dùng, và các hội nghị giới thiệu sản phẩm cho các khách hàng tiềm năng. Đối với nhà sản xuất và nhà phân phối, giá trưng bày sản phẩm quảng cáo tại các quầy bán lẻ giúp sản phẩm nổi bật hơn các sản phẩm trưng bày trên giá.

* Quan hệ công chúng: Có nhiều hình thức quan hệ công chúng, như quan hệ truyền thông, các sự kiện đặc biệt, khuếch trương .v.v. Các chiến lược chi phí thấp gồm bài viết cho các báo hoặc trang web mục tiêu và việc tham gia nhóm thảo luận có nhiều thính giả phù hợp.

Chiến lược tiếp thị chi phí thấp

Có khả năng quảng bá doanh nghiệp của bạn mà không đầu tư vào các hình thức quảng cáo truyền thống. Sử dụng thời gian, năng lượng, kiến thức, thông tin và trí tưởng tượng của bạn để trở thành nhà tiếp thị thành công nhất. Sau đây là một số phương pháp “tiếp thị du kích” sẽ giúp bạn tiếp cận thính giả với chi phí thấp hoặc miễn phí.

Sử dụng công cụ tìm kiếm địa phương

Mặc dù chúng ta sẽ thảo luận về việc toàn cầu hóa ở phần sau, nhưng phần lớn các doanh nghiệp tập chung thị trường địa phương theo thành phố, tỉnh hoặc miền. Nếu đây là trường hợp của bạn, hãy sử dụng quảng cáo trên công cụ tìm kiếm địa phương thay vì toàn quốc hay toàn cầu. Thật là lãng phí khi quảng cáo cho các độc giả ở các địa phương khác và không quan tâm hoặc sản phẩm của bạn không tập chung cho họ.

Podcasts

Trước đầy chưa bao giờ cộng đồng trực tuyến có cơ hội quảng bá tới khách hàng phi trực tuyến như bây giờ. Podcasts – truyền thanh trực tuyến bằng cách tạo những file âm thanh sẵn sàng theo chủ đề để người nghe có thể nghe trực tuyến hoặc tải về máy để nghe mà không cần kết nối internet. Nội dung podcast cần có giá trị và được thị trường mục tiêu của bạn quan tâm. Các khách hàng mục tiêu tiềm năng cần gì để giúp đỡ công việc và cuộc sống cá nhân của họ? Bạn có thông tin gì để khách hàng mục tiêu muốn nghe? Có nhiều điều mọi người thấy podcast thú vị. Hàng tháng bạn xuất bản podcast và khuếch trương chúng thông qua các kênh quảng bá khác sẽ giúp bạn quảng bá cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình.

Blogs – Nhật ký trực tuyến

Blog hiện có mặt trên hầu hết các ngành kinh doanh nhằm tạo ra kênh truyền thông tin, tạo hiệu ứng tiếp thị và hỗ trợ cộng đồng. Việc viết blog như một cách giao tiếp với thị trường mục tiêu của bạn. Nó như một diễn đàn tương tác giữa bạn và thị trường mục tiêu. Blog được thực hiện cùng với trang web cho nhiều kênh tiếp cận tới khách hàng tiềm năng. Điều thú vị ở đây là nhiều chương trình blog cho phép bạn tự cài đặt và sử dụng khá dễ dàng và không cần nhiều kiến thức kỹ thuật. Kênh tiếp thị này giúp bạn giao tiếp với khách hàng tiềm năng và chứng tỏ bạn như một chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Quảng cáo trực tuyến

Việc gia tăng đầu tư vào hình thức quảng cáo trực tuyến là do khả năng đo lường tính hiệu quả của mỗi chiến dịch và tỷ lệ kết quả thu về trên tiền quảng cáo khá cao. Đối với các doanh nhân sử dụng phương pháp tiếp thị du kích, việc tập chung vào các từ khóa phù hợp, thị trường mục tiêu và liên tục thử các kết quả của từng chiến dịch khá quan trọng. Quảng cáo bằng phương thức này ít tốn kém hơn quảng cáo bằng ấn phẩm.

Khuếch trương ra thị trường toàn cầu

Đối với các doanh nhân năng động, tiếp thị toàn cầu được thực hiện phần lớn bằng hình thức trực tuyến. Sử dụng các chiến dịch quảng cáo trả tiền trên mỗi lần nhấp chuột, gửi email cho những người đăng ký nhận hay các kỹ thuật tăng lưu lượng khách ghé thăm trang web, giúp cho doanh nhân địa phương có thể tiếp cận thị trường toàn cầu khá dễ dàng.

Internet cũng làm giảm rào chắn về ngôn ngữ, đặc biệt với sự trợ giúp của các trang web biên dịch nội dung trực tuyến. Tuy nhiên các trang web đa ngôn ngữ sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn.

Tiếp thị gửi thư trực tiếp

Người tiêu dùng ngày nay muốn biết sản phẩm có đặc tính gì, có chính sách giảm giá hoặc chương trình gì đặc biệt không. Và kênh tiếp thị bằng gửi thư trực tiếp trở lên hiệu quả hơn bao giờ hết. Với sự trợ giúp của công nghệ việc quản lý cơ sở dữ liệu dựa trên các tiêu chí lọc, sắp xếp giúp cho việc tạo ra danh sách khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn.

VicBrand tổng hợp từ Kinhdoanh

Sunday, June 07, 2009

Tương lai của công nghệ không dây trong tiếp thị

Có một không khí hứng khởi đằng sau sự phát triển của công nghệ di động. Những sáng kiến như lời tuyên bố gần đây của Verizon để mở rộng mạng lưới, sáng kiến liên minh Open Handset của Google (được các chuyên gia đặt cho tên gọi Android), những cuộc đấu giá vô tuyến mới mẻ, và iPhone đã tiếp thêm sinh lực cho người sử dụng Internet.

Để thấu hiểu một cách sâu sắc, tương lai của các công cụ tiếp thị, các phương tiện truyền thông có thể là vô cùng phức tạp đối với cả những trí tuệ nhân tạo huống hồ là những nhà tiếp thị, chủ doanh nghiệp thiếu chuyên môn.

Trong quá khứ, một hình thức truyền thông mới thường đưa ra nhiều sự hứa hẹn nhưng nó không bao giờ thực sự trưởng thành để trở thành một công cụ quyền lực mà những người sáng tạo ra nó chờ đợi. Thậm chí ngày nay, theo như Cellular Telecommunications Industry Association (Tổ chức Công nghiệp Viễn Thông Di động), các dữ liệu cho thấy chỉ có 15,5% lãi suất thu được từ các dịch vụ viễn thông.

Vì vậy đối với các nhà tiếp thị thông minh thì câu hỏi chính là, “Có phải di động là phương tiện truyền thông đúng đắn để tiếp cận khách hàng?” Để quyết định, các nhà tiếp thị phải nhận thấy ba xu hướng quyết định tập trung vào cách sử dụng dữ liệu di động.

Những người sử dụng cuối cùng của dữ liệu di động có xu hướng trẻ hóa. Theo Dự án Pew Internet, khoảng một phần ba người sử dụng internet trưởng thành ở Mỹ (34%) đã dùng laptop, PDA, hoặc điện thoại di động truy cập vào internet thông qua các thiết bị không dây. Lớp người sử dụng này trẻ hơn lớp người sử dụng internet truyền thống: nhóm từ 18-34 tuổi chiếm 37%, trong khi nhóm từ 35-49 tuổi chỉ có 18% sử dụng internet không dây.

Các yếu tố đa dạng băng tầng thấp, hàng trăm các dụng cụ khác nhau, màn hình nhỏ, những điều kiện quan sát khác nhau và những tiêu chuẩn đã cản trở sự chấp nhận rộng rãi từ phía người dùng. Chúng đã buộc nhiều thiết bị di động giảm đi yếu tố liên quan đến thị giác và phải phụ thuộc vào các thiết bị văn bản đơn giản.

Trong khi các dữ liệu vô tuyến vẫn đang ở giai đoạn hình thành, thì các phương tiện thông tin vô tuyến xã hội chỉ ở giai đoạn trứng nước. Điều này có nghĩa là các phương tiện xã hội như Facebook, Jaiku, và Twitter vẫn còn rất non trẻ, và chưa được thử thách từ một lập trường tiếp thị.

Trong một thời gian ngắn, các nhà tiếp thị cần phải chắc chắn rằng khách hàng của mình yêu thích thiết bị viễn thông (ít hơn 34 tuổi), và rằng họ có thể khảo sát giá trị qua các thiết bị đa dạng ở nhiều mạng lưới viễn thông khác nhau. Nếu “công thức nấu ăn” này đúng, thì đó sẽ là lúc để họ bắt đầu “vào bếp”.

Hoàn cảnh thích đáng

Quicksilver chọn sử dụng mạng lưới thông tin Access 360 Media để tạo ra một thiết bị di động cho cuộc thi lướt sóng Big Wave hàng năm ở bờ bắc Hawaii. Big Wave thu hút các tay lướt sóng từ khắp nơi trên thế giới, và Quicksilver muốn cho khách hàng và các thành viên tham gia vào cộng đồng lướt sóng trong cửa hàng của họ và làm họ nhận ra rằng thương hiệu Quicksilver thực sự là người lãnh đạo trong sự kiện Big Wave này.

Những người sử dụng phương tiện di động chọn lựa hệ thống báo động mà sẽ cung cấp thông tin cho họ về chiều cao sóng, các tay lướt sóng, điều kiện cuộc thi, ai đang có khả năng chiến thắng, và những loại thông tin thú vị khác.

“Điều này là minh chứng cho một chiến dịch thành công cho Quicksilver như thể nó tạo ra mối quan hệ trực tiếp với những khách hàng có hứng thú”, theo lời Lon Otremba, CEO của Access 360 Media. “Nó cũng cho họ cơ hội gởi những thông điệp xa hơn đến khách hàng miễn là họ sẵng sàng đón nhận thông điệp ấy, và thực sự Quicksilver cho thấy rằng họ có thể sử dụng những phương tiện khác để tiếp cận mọi người theo một cách độc nhất và tùy biến.”

Điều kiện tiên quyết cho các nhà tiếp thị là nếu khách hàng có ở đó thì đó là phương tiện đúng đắn.

Khó khăn là tìm được phương pháp tạo ra sự chấp nhận hoặc cách thức sử dụng có tính cách xã hội, định rõ giới hạn của các loại hình truyền thông. Thiếu chương trình duyệt văn bản thống nhất giữa các điện thoại, và kích thước màn hình nhỏ, văn bản thì bị chèn chật chội minh chứng cho giá trị tức thời đối với người dùng cuối cùng.

Những lời xác nhận giá trị truyền đạt xúc tích theo những cách thú vị mà trong đó khách hàng là trung tâm là điều quyết định thành công, bởi vì một chiếc điện thoại di động trung bình ngày nay không mang lại nhiều sự năng động cho lắm.

Tiến lên phía trước

Trong một thời gian dài, dữ liệu di động và các thiết bị truyền thông xã hội nắm giữ một sự hứa hẹn to lớn cho các nhà tiếp thị. Những con số, dù vẫn còn thấp, lại đang có sự thay đổi. theo CTIA, dữ liệu sử dụng của nền công nghiệp không dây đã tăng 63% trong sáu tháng đầu năm2007, hơn năm 2006. khoảng 28,8 tỉ tin nhắn được gởi đi chỉ riêng trong tháng 6/2007 tức gần một tỉ tin nhắn mỗi ngày.

Điều này đồng nghĩa với con số 130% tăng hơn tháng 6/2006. Những người sử dụng viễn thông tiếp tục chụp và gởi đi nhiều bức hình hơn trong những tin nhắn đa phương tiện, 2,6 tỉ tin nhắn MMS được gởi đi trong 6 tháng đầu năm 2007 gần bằng tổng số tin nhắn của năm 2006.

Phương tiện truyền thông xã hội cũng sẽ chứng kiến một cú hích trong công nghệ di động. “Phương tiện truyền thông xã hội đã được sử dụng một cách thành công,” theo lời Roger Entner, SVP một bộ phận truyền thông, thuộc dự án nghiên cứu IAG. “Với điện thoại di động, bạn có một thiết bị cá nhân luôn có mặt bên bạn và ở những nơi mà các sự kiện đang diễn ra. Làm sao nó lại không thành công cơ chứ?”. Điều này dự đoán một phong trào đang bắt đầu diễn ra. Nghiên cứu Pew Internet cho thấy những người sử dụng di động có một chuỗi những hành động khác nhau hơn là những người sử dụng viễn thông cáp quang, họ có xu hướng gắn kết hơn, thường xuyên hơn với các kiểu mẫu duyệt internet. Rõ ràng là xu hướng di động đã mang lại những ảnh hưởng khả thi to lớn trong việc sử dụng internet, và cho các nhà tiếp thị.

Để nắm bắt được tương lai của mọi thứ, ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào, nền công nghiệp không dây sẽ tập trung vào việc phân bổ gia tăng băng thông rộng trong cuộc đua sử dụng các phương tiện truyền thông (các mục tiêu tối thiểu là 1 GB vào năm 2010, theo lời Ivan Seidenberg,CEO của Verizon). Sử dụng băng thông rộng trong các ngành địa lý học di động đa dạng làm tăng tính thực dụng và sự mở rộng của các thiết bị sẽ cho phép sự truy cập triệt để ở bất cứ dạng phương tiện nào, bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Randall Stephenson, CEO của AT&T, tuyên bố rằng công việc của công ty mình là xây dựng băng thông rộng cho di động để khách hàng và các doanh nghiệp có thể sử dụng bất cứ thiết bị nào cho bất cứ công việc nào. Stephenson nói rằng iPhone là một trò chơi mang đến thay đổi không chỉ đối với công ty mà là cho toàn ngành công nghiệp, mở đường cho công nghệ băng thông rộng di động quyền năng.

Sau đó là liên minh Open Handset của Google, bao gồm nhiều hãng vận tải như Sprint và T-Mobile cũng như những nhà sản xuất như Motorola, LG, và Samsung. Nếu những tiêu chuẩn có thể được tăng lên để giảm đi những tính cách không hợp nhau, thì các phương tiện truyền thông di động đã có một cơ hội đặc biệt to lớn để thành công. Việc sử dụng đang tăng rất nhanh. Và câu hỏi là, khi nào việc sử dụng dữ liệu di động sẽ lên đến đỉnh điểm?

Những nhà tiếp thị cần phải ở trên đỉnh của các loại hình truyền thông để bảo đảm rằng khi nào là thời điểm đúng đắn cho khách hàng của họ bố trí sự chuyển tiếp sang tiếp thị trên internet di động có thể dễ dàng và đơn giản. Trong thời gian chuyển tiếp đó, hãy cùng chờ đợi thế hệ iPhone tiếp theo.

VicBrand tổng hợp