Monday, May 18, 2009

2009 - Kinh doanh trực tuyến ở VN sẽ nở rộ?

Một khi phá vỡ tảng băng tư duy "Kinh doanh trực tuyến chưa sẵn sàng tại Việt Nam" , thị trường thương mại điện tử sẽ khởi sắc, các mô hình kinh doanh trực tuyến khác như Web 2.0, báo điện tử… mới có thể kiếm lợi nhuận dễ dàng do hiệu ứng lan toả từ hành vi, thái độ và nhu cầu của người tiêu dùng.


Với cơn khủng hoảng kinh tế lan đến bữa cơm của từng gia đình, liệu các startups - Các công ty mới thành lập hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ cao, còn cơ hội tồn tại trên Internet?

Năm 2009 báo hiệu các cơ hội hiếm hoi hội tụ và chờ đợi được khai thác, xuất hiện rất nhiều hầm vàng để các startups Việt Nam ẩn náu và thành công.

Kinh doanh trực tuyến - Canh bạc may rủi

Các quốc gia có nền kinh tế mạng đỉnh cao như Mỹ, Anh và Nhật bản đều phát triển thương mại điện tử rất sớm. Sau khi nền kinh tế Internet hình thành thì mới xuất hiện các mô hình Web 2.0, thì ở nước ta, có một sự đặc biệt: Phát triển từ loại hình Web giới thiệu sang Web 2.0, bỏ qua thương mại điện tử. Sự quá độ này đã làm nảy mầm và nuôi dưỡng nhận thức sử dụng dịch vụ trực tuyến không mất tiền của người dùng nước nhà.

Một thời gian dài, kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam vấp phải nhiều trở ngại như hạ tầng công nghệ - dịch vụ hỗ trợ - chính sách - pháp luật và nhận thức - nguồn lực. Với các mô hình kinh doanh và nền tảng công nghệ tại Việt Nam hiện nay, doanh thu được chuyển chủ yếu từ túi những người mua quảng cáo sang túi doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia quảng cáo trực tuyến, trong 4 năm gần đây bao giờ hoạt động quảng cáo trực tuyến vượt quá 2% tổng chi phí quảng cáo tại Việt Nam.

Trong nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam, kinh doanh trực tuyến là một canh bạc đầy may rủi. Sự trông chờ thành công đầu tiên không chỉ của những doanh nghiệp trong nước như chodientu.vn, raovat.com, 25h.vn… mà còn các đại gia trên thế giới như eBay, Yahoo, Google… tại Việt Nam. Mặc dù chưa thực sự đặt lòng tin hoàn toàn vào kinh doanh trực tuyến, nhưng với sức ép phải cắt giảm chi phí vận hành trong năm 2009, việc áp dụng một phương pháp marketing, bán hàng mới dựa trên Internet đang trở thành mối quan tâm lớn của các đơn vị năng động.

Dùng dịch vụ C2C để phá vỡ tảng băng


Trong thời kỳ suy thoái, người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến tương lai và việc làm của họ nhiều hơn bao giờ hết. Ai cũng săn tìm hàng hoá giá rẻ nhưng chất lượng cao, trong nhiều trường hợp họ mua vì hàng hoá có thể bán lại được. Sự thay đổi của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Cùng với sự thâm nhập ngày càng sâu, rộng của Internet đến cuộc sống của người dân thành thị, người tiêu dùng trẻ bắt đầu mở rộng sự quan tâm mua sắm sang thương mại điện tử. Để giải toả năng lượng đang bị kìm nén, thị trường kinh doanh trực tuyến Việt Nam cần một người hùng phá vỡ tảng băng nhận thức cũ.

Người hùng này không phải là tờ báo điện tử, mạng xã hội hay Web chia sẻ, công cụ tìm kiếm nào - mà chỉ có thể là Web thương mại điện tử C2C - Customer to Customer (hình thức thương mại điện tử giữa những người tiêu dùng với nhau).

Nút thắt của thị trường kinh doanh trực tuyến Việt Nam là người tiêu dùng chưa tin tưởng dịch vụ thương mại điện tử. Do vậy khi họ đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có hàng hoá chất lượng nhưng giá rẻ, chỉ có Web Thương mại điện tử C2C mang tính cộng đồng mới khiến họ thay đổi nhận thức nhanh chóng.

Về lý thuyết, nếu người tiêu dùng thay đổi nhận thức họ sẽ quan tâm. Một khi họ quan tâm họ sẽ tìm hiểu. Khi họ tìm hiểu thương mại điện tử họ sẽ phát sinh nhu cầu mua sắm. Và khi thị trường có nhu cầu lớn các nhà đầu tư sẽ triển khai hạ tầng công nghệ và dịch vụ hỗ trợ; chính phủ sẽ theo sau đưa ra các chính sách và pháp luật hợp thời dành cho thương mại Điện tử.

Khi tất cả cùng có niềm tin và tập trung sức mạnh sẽ tạo ra cơn sóng hướng về một phía thì sự thăng hoa của nền kinh tế mạng tại Việt Nam là điều tất yếu. Lựa chọn thương mại điện tử C2C để gỡ nút cho nền kinh tế mạng thay vì mạng xã hội, blog... do chúng ta cần dạy người tiêu dùng, người dùng, khách hàng hay công ty có trách nghiệm, hiểu quyền và nghĩa vụ trước khi đào tạo họ cách hưởng thụ như trong thời gian qua.

Để có nhu cầu lớn, trong năm 2009, thương mại điện tử C2C cần tạo cơn chấn động để chứng tỏ tính tính ưu việt tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng, bán sản phẩm chất lượng cao và tuổi thọ lâu dài từ đó dần thay đổi nhận thức người Việt Nam.

Mô hình thương mại điện tử C2C Việt Nam nên chuyển từ phương pháp thiết kế đem lại cảm nhận tiện lợi cho khách hàng sang giao diện màn hình thể hiện những lập luận rõ ràng để người tiêu dùng nhìn và tương tác được. Doanh nghiệp theo mô hình này “không” bán hàng hoá mà đóng vai trò giúp đỡ khách hàng để họ bán hàng hoá của mình.

Chú ý tới sức "lừa" khi chất hàng


Trên lý thuyết lời giải đã có, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Để tạo cơn chấn động, tồn tại và phát triển, startups cần triển khai những khâu thiết yếu để không giảm độ thoả mãn của khách hàng từ khi chọn sản phẩm/ dịch vụ tới khi sử dụng sản phẩm/ dịch vụ, từ xây dựng điều khoản mua sắm tới thiết kế tính dễ sử dụng. Phối hợp các khâu một cách chuyên nghiệp dường như khó khả thi với tư duy "Kinh doanh trực tuyến chưa sẵn sàng tại Việt Nam".

Chúng ta không thể chất quá nhiều hàng lên lưng lừa khi chúng quá yếu. Nếu kế hoạch phá vỡ tảng băng không hợp lý, có thể dự án đầu tư mạo hiểm sẽ phá sản ngay sau đó. Những điều tưởng chừng rất đơn giản như minh bạch trong thanh toán, miễn phí vận chuyển, cho phép mặc cả, chuyển quyền bán hàng từ tổ chức sang cá nhân trong xã hội… lại trở thành yếu tố quan trọng trong thời buổi suy thoái kinh tế.

Một khi phá vỡ tảng băng, thị trường thương mại điện tử khởi sắc, các mô hình kinh doanh trực tuyến khác như Web 2.0, báo điện tử… mới có thể kiếm lợi nhuận dễ dàng do hiệu ứng lan toả từ hành vi, thái độ và yêu cầu của người tiêu dùng.

Cơ hội đã thấy, lời giải trong tầm tay. Trong năm 2009 liệu có ai sẵn sàng trở thành người hùng cho thị trường kinh doanh điện tử Việt Nam?

VicBrand tổng hợp từ nguồn Vietnamweek

No comments:

Post a Comment